Wednesday, October 9, 2013

US.GOV.

 US GOVERNMENT SHUT DOWN
 
 
Trong vòng hai tuần nay một vấn đề thời sự nóng bỏng tại Hoa Kỳ đang xảy ra và chi phối tâm tư mọi người, từ các nhà lãnh đạo chính trị cho đến dân chúng. Đó là U.S. Government Shutdown - Đóng Cửa Chính Phủ Hoa Kỳ - Các chữ này được hiểu là nhiều cơ quan chính phủ liên bang bắt đầu tạm ngưng hoạt động. 20 câu hỏi đáp của CNN được phổ biến vào ngày 1/10/13 được ghi nhận dưới đây có thể giúp độc giả có một cái nhìn tổng quát về hiện tình sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ và hậu quả về kinh tế và tài chánh đối với nước này và đối với thế giới do việc 'shutdown' mang lại.

Cho đến hôm nay, tuần lễ thứ hai, nhiều cơ quan chính phủ liên bang đã và vẫn tiếp tục đóng cửa ngưng hoạt động. Lý do hết tiền chi phí. Vào lúc này ngân khố Hoa Kỳ chỉ còn 30 tỉ Mỹ kim. Cơ quan chính phủ có thể tiếp tục mở cửa hoạt động là dựa vào số tiền thuế được thu vào. Hiện nay Hoa Kỳ đang nợ thế giới và chính dân chúng nước này một số nợ khổng lồ, 16 vạn ức đồng (1). Để có khái niệm ta nhìn các con số zero. Một triệu đồng gồm 6 zero. Một tỉ là một ngàn triệu có 9 zero. Một ức, trillion, là một ngàn của một ngàn tỉ, có 12 zero. Vị chi 16 trillion là 16,000,000,000,000. Với dân số 300 triệu hiện nay, để trả món nợ này, mỗi người dân không phân biệt lớn bé già trẻ và sơ sinh sẽ phải trả nợ bao nhiêu Mỹ kim? Khó tin và không thể tưởng tượng nổi. Như thế xem như đường đi không bao giờ tới.

Hoa Kỳ hiện đang nợ các nước trên thế giới, Âu châu, Á châu và ngay chính dân chúng Mỹ. Chủ nợ lớn nhất là Trung Hoa và Nhật Bản. Vào ngày 17/10 này chính phủ Hoa Kỳ sẽ không còn căn bản pháp lý để tiếp tục vay nợ, điều hành sinh hoạt công quyền, trả lương cho quân đội và nhân viên nữa. Hiện nay 800 ngàn nhân viên chính phủ liên bang, trong tổng số 3.3 triệu, đang ngồi chơi xơi nước tại gia vì chính phủ không thể trả lương. Để tiếp tục hoạt động, chính phủ liên bang phải có tiền. Tiền thuế thu không đủ thì phải đi vay mượn tiếp. Vay mượn dưới hình thức bán công khố phiếu ngân khố. Đây là các phiếu mà Hoa Kỳ bảo đảm sẽ trả vừa lời lẫn vốn. Không có tiền để trả tiền lời và vốn cho các công khố phiếu đang đáo hạn thì đến ngày 17/10 khi mà chính phủ Mỹ không được phép vay nợ tiếp, cơ quan chính phủ sẽ đóng cửa nhiều hơn và, điều này là nghiêm trọng hơn hết, Hoa Kỳ sẽ ngưng trả tất cả các món nợ đáo hạn. Credit cứ thế tiêu tan, và lãi suất vay nợ tương lai sẽ vọt cao.

Hiện nay mọi người đều biết có sự liên lạc, đầu tư rộng rãi giữa các quốc gia trên thế giới trong một nền kinh tế toàn cầu. Vì thế hậu quả tài chánh và kinh tế không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Hoa Kỳ mà chúng sẽ lan ra toàn thế giới. Nước Mỹ sẽ đi vào tình trạng suy thoái kinh tế và kéo thế giới theo. Đây không phải là vấn đề của riêng nước Mỹ mà là vấn đề chung. Hoa Kỳ là một thị trường tiêu thụ hàng hóa rất mạnh của thế giới trong đó có các nước Âu châu, Trung Hoa, Nhật Bản, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Mãi lực dân chúng giảm mạnh sức tiêu thụ sẽ bị ảnh hưởng, hàng hóa nhập cảng vì thế sẽ sụt giảm. Tất cả cùng bị thương và cuối cùng sẽ chết chùm với nhau. Chỉ có Quốc Hội Hoa Kỳ có thẩm quyền thông qua một đạo luật cho phép nước này tiếp tục đi vay nợ kể từ ngày 1/10. Giản dị vậy tại sao tình hình lại rối rắm như thế này?

Chẳng qua là vấn đề chính trị. Hoa Kỳ có hai đảng chính trị chính Dân Chủ và Cộng Hòa. Dân chủ chiếm đa số Thượng Viện còn Cộng Hòa chiếm đa số Hạ Viện. Nhiệm kỳ Thượng Nghị Sĩ là 6 năm. Nhiệm kỳ Dân Biểu là 2 năm. Nhóm không chịu thông qua luật cho tăng giới hạn vay mượn thuộc Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện mà đứng đầu là Chủ Tịch John Boehner. Nguyên nhân chính của sự kiện bế tắc của ngày hôm nay là Đạo Luật Y Tế liên bang - The Affordable Care Act - được yểm trợ bởi chính phủ Obama và được thông qua bởi lưỡng viện Quốc Hội và Tổng Thống ký ban hành vào năm 2010 và cuối cùng được Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán quyết hợp hiến giữa năm nay. Cộng Hòa và đặc biệt ông Chủ Tịch Hạ Viện chống đối luật này. Điều khoản mà ông ấy không chịu là điều khoản bắt buộc tất cả dân chúng phải có bảo hiểm y tế, người nào không có thì phải đi mua, nếu không họ sẽ bị phạt, dù là họ cố gắng vào Website chính phủ để mua bảo hiểm nhưng không thành công. Họ còn nói là luật này gây tai hại cho chủ hãng.
Luật sẽ được áp dụng và thi hành kể từ năm tới. Trong đạo luật ấy, ngoài ra còn có một điều khoản nữa, đánh thuế trên các dụng cụ y khoa và dự trù thu về cho ngân sách số tiền 30 tỉ trong 10 năm tới. Số tiền ấy dùng để tài trợ cho luật này. Các dân cử Cộng Hòa thuộc thành phần ôn hòa và Dân Chủ tán thành việc hủy bỏ điều khoản này, đồng ý đi tìm một nguồn tài trợ khác.

Về pháp lý, Cộng Hòa không thể dẹp Luật Y Tế. Có luật mà không có tiền hoạt động và tài trợ cho luật ấy thì có khác gì trên thực tế luật ấy kể như chết. Phe Cộng Hòa thế là nối các biện pháp ngân sách và sự việc nới rộng mức vay nợ liên bang vào Luật Y Tế. Họ muốn "defund" luật y tế; không cấp tiền. Nếu chính phủ đồng ý Cộng Hòa sẽ hợp tác trong hai lãnh vực vừa nói. Để tạm thời giúp cho một số cơ quan công quyền tiếp tục hoạt động, phe Cộng Hòa trình ra ba dự luật. Ông Obama và nhóm nghị sĩ Dân Chủ không đồng ý, cương quyết giữ vững lập trường. Chính phủ liên bang vì thế mà shutdown. Tổng Thống Obama nói rằng đây là hai chuyện khác nhau, chẳng có liên hệ gì với nhau, rằng Quốc Hội, nhằm tránh cho nước Mỹ đương đầu với khủng hoảng, cứ việc thông qua luật cho phép nước này vay nợ thêm, tất cả những chuyện còn lại; không giới hạn đề tài, sẽ được hai bên họp bàn tìm giải pháp ổn thỏa. Đối phương găng không kém, kiên nhẫn giữ lập trường. Không dẹp được, ít nhất họ muốn ngưng thi hành luật y tế một năm. Bên kia không chịu nốt.

Hoa Kỳ mang tiếng là một cường quốc lãnh đạo thế giới, ấy thế mà nước này không có một chương trình y tế liên bang dành cho toàn dân. Bỏ bao nhiêu tiền ra để đi giúp nước khác trong lúc 30 triệu người sống không có bảo hiểm y tế, một tình trạng mâu thuẫn khó giải thích. Rồi các chính trị gia đối lập thay vì lo cho đa số dân nghèo, họ chỉ biết tranh đấu cho quyền lợi đảng phái, thế lực sau lưng họ và quyền lợi cá nhân. Ở bất cứ xã hội nào, thành phần nghèo khó và không có phương tiện học hành đến nơi đến chốn vẫn là thành phần bị thiệt thòi nhiều nhất.

Các vị dân cử chỉ có thể nghiêm chỉnh làm việc nếu họ bị đặt vào tình trạng giống như người dân thấp cổ bé miệng. Điều này có nghĩa là:

- Nếu nhân viên liên bang không được trả lương thì giống như thế, các vị dân cử cũng bị cúp lương.

- Dân cử hay dân chúng đều hưởng quyền lợi y tế liên bang giống nhau. Đằng này, không cần biết làm dân cử bao lâu, họ sẽ được hưởng bảo hiểm y tế tốt nhất của nước Mỹ trọn đời mà tiền tài trợ lấy từ tiền thuế toàn dân đóng góp.
    
Khi bàn luận việc gì thuộc thẩm quyền của người khác mà trong đó quyền lợi của chính họ bị chi phối thì rồi ra họ mới tỏ ra thực tâm và nghiêm chỉnh làm việc. Các nhà chính trị do dân chúng đóng thuế trả lương vậy thì dân chúng là ông chủ và chính trị gia là nhân viên. Sao lại có tình trạng nhân viên vẫn tiếp tục lãnh lương và đồng thời bóp cổ ông chủ đến nghẹt thở như thế này!

Hoa Kỳ đã từng gặp tình trạng 'đóng cửa' này vào tháng 11 năm 1995, dưới thời chính phủ Bill Clinton. Tình trạng kéo dài 21 ngày.

Tình trạng hiện nay chưa biết đến khi nào mới được giải quyết. Có người cho rằng phe Dân Chủ có ưu thế trong lúc phe Cộng Hòa đang gặp hiểm nghèo. Cộng Hòa cương quyết đương đầu với Dân Chủ mà không phác họa một kế hoạch rút lui hữu hiệu. Không khéo họ sẽ phải nhượng bộ đối phương hoặc thất bại thê thảm đến không còn một manh giáp.

"Hãy đừng tìm kiếm câu trả lời Cộng Hòa hay câu trả lời Dân Chủ, mà hãy là câu trả lời đúng. Hãy đừng tìm cách sửa chữa lỗi lầm của quá khứ. Hãy cùng nhau nhận lãnh trách nhiệm của chính chúng ta đối với tương lai." (Let us not seek the Republican answer or the Democratic answer, but the right answer. Let us not seek to fix the blame for the past. Let us accept our own responsibility for the future.- John F. Kennedy )

"Chính trị không phải là một trò chơi. Nó là một công việc nghiêm chỉnh." (Politics is not a game. It is an earnest business. - Winston Churchill)

Nguyễn Văn Huy
8/10/2013

@qghc
 
Cước chú xem thêm  : SỐ ĐẾM VIỆT NAM