Sunday, February 15, 2015

Trần Trung Đạo

Hãy Vững Tin Vào Lịch Sử Dân Tộc

Giới thiệu: Đây là bài thuyết trình trước tập thể sinh viên Việt Nam tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ 22-11-1998 và đăng trên tạp chí Non Sông của Tổng Hội Sinh Viên Nam California số Xuân 1999. Tôi đọc bài viết của mình và xúc động nhớ lại những năm tháng đầy khó khăn khi phải lặn lội khắp nơi để phát động các phong trào trẻ và cũng nhớ lại những bạn bè đã cùng nhau dấn thân trong thời kỳ phôi thai của internet. Bài viết cũ 16 năm nhưng dù viết sáng nay có thể cũng chẳng thêm bớt gì nhiều. Hôm nay, cách đây 36 năm, Đại Hán Trung Cộng xua trên 300 ngàn quân xâm lăng Việt Nam. Xin đăng lại bài thuyết trình để cùng thắp sáng trong lòng một niềm tin sắc đá vào lịch sử và tương lai dân tộc. Niềm tin không thể mua bán. Niềm tin không thể nghe theo. Không ai cho chúng ta vay mượn niềm tin. Lịch sử cho thấy mọi sự vay mượn đều dẫn đến lệ thuộc. Lệ thuộc vật chất thì còn có thể thoát ra nhưng lệ thuộc niềm tin, lệ thuộc tinh thần sẽ vô cùng khó để thoát ra.
 
Hãy Vững Tin Vào Lịch Sử Dân Tộc
 
 Ai cũng biết tuổi trẻ là tương lai. Khi nói về tuổi trẻ, chúng ta thường nói đến tuổi của sức sống tràn đầy, tuổi của khai phóng và sáng tạo. Khi nhận xét về tuổi trẻ, chúng ta thường nghĩ đến những mặt tích cực và lạc quan. Tuy nhiên trong phạm vi bài thuyết trình nầy và trước một cử tọa phần đông là các bạn sinh viên trẻ, tôi xin tạm gác những ước ao và hy vọng qua một bên, thay vào đó, to âi xin trình bày một vài mặt khác của tuổi trẻ Việt Nam như vừa để nói lên một thực tế và cũng vừa là một thách thức đối với các bạn để các bạn tìm cách vượt qua và vươn lên.
Có rất nhiều đánh giá khác nhau về tuổi trẻ Việt Nam, trong cũng như ngoài nước trong suốt 23 năm qua. Nhìn chung đó là những đánh giá không mấy tích cực.

Với tuổi trẻ trong nước
 
Tôi xin trích dẫn 2 quan điểm, từ một người cầm bút và từ một thanh niên. Nhà văn miền Bắc Dương Thu Hương nhận định như sau đây về tuổi trẻ trong nước: "Tuổi trẻ không còn lý tưởng, họ đang lao vào cuộc sống thác loạn và xem đó như là cách trả thù cho những thế hệ cha ông đã lừa gạt họ." Tuổi trẻ mà nhà văn Dương Thu Hương muốn nói đây là tuổi trẻ miền Bắc, thế hệ đã bị đảng nhử bằng chiếc bánh vẽ độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất để rồi bị đẩy vào vũng lầy chiến tranh, nghèo đói, tham nhũng, thối nát.

Đối với tuổi trẻ sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nhà báo quen thuộc về các vấn đề Việt Nam, ông Andrew Lam của tờ San Jose Mercury trong số ra ngày 25 tháng 5 năm 1998 trích lời của một thanh niên tên là Tuấn tuyên bố với ông ta trong thời gian ông đến Việt Nam làm phóng sự rằng: "Chúng tôi bị lừa gạt. Trước đây, tôi biết chủ nghĩa Cộng Sản là sai khi tôi phải học thuộc lòng lý thuyết Mác nhưng không biết tại sao mình phải học. Khi Việt Nam mở cửa, tôi có được dịp xem ti-vi, đọc báo và qua đó tôi ý thức rằng những quốc gia khác giàu có biết bao nhiêu, phim ảnh của họ làm đẹp biết bao nhiêu, con người họ cũng đẹp đẽ biết bao nhiêu. Nhìn lại Việt Nam, tôi cảm thấy buồn. Đừng nói chi là Mỹ, ngay cả Thái Lan, Đại Hàn, Mã Lai cũng hơn Việt Nam quá xa. Việt Nam không có gì để nói, để khoe khoang và giới thiệu. Việt Nam chỉ là một quốc gia bị lãng quên trong nghèo đói."
 
Từ hai nhận xét trên, chúng ta thấy rằng tuổi trẻ hai miền đều bất mãn chế độ. Tuy nhiên, dù bất mãn, tuổi trẻ Việt Nam trong nước, từ Bắc đến Nam, đã có những thái độ và phản ứng tiêu cực trước những áp bức chính trị và những bất công xã hội. Thay vì đứng lên đạp đổ chính quyền Cộng Sản, thay vì biểu tình xuống đường chống đối, họ đã sống trong lãng quên bằng những cuộc đua xe gắn máy bạt mạng, bằng cuộc sống buông thả, sa đọa, trụy lạc.

Với tuổi trẻ hải ngoại
 
Tôi thiết nghĩ không cần phải dẫn chứng từ sách vở nào hay từ nhân vật nào khác. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, cho đến nay, tuổi trẻ hải ngoại chưa phải là lực lượng chủ động trong các sinh hoạt chính trị, đấu tranh vì tự do, vì dân chủ và nhân quyền của dân tộc Việt Nam. Một số rất ít anh chị tạm gọi là tương đối còn trẻ đang có những hoạt động liên hệ trực tiếp đến cộng đồng người Việt, có thể đếm trên đầu ngón tay.

Ngoài ra, một số các nhóm trẻ khắp các nơi như Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu ở California, Tổ Chức Dân Chủ Việt Nam ở Đức, Nhóm Diễn Dàn trước đây ở Tiệp Khắc, Về Nguồn Foundation ở Tennessee, Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Paris, Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Úc Châu, Tổng Hội Sinh Viên Nam Cali, Bắc Cali và khoảng hơn chục Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại các tiểu bang lớn. Nhìn chung, các phong trào và tổ chức trẻ, có tổ chức chặt chẽ và hoạt động năng nổ tại hải ngoại kể ra thì nghe nhiều nhưng thực tế còn quá ít so với lực lượng đông đảo của khối chuyên gia trẻ, thanh niên, sinh viên Việt Nam tại hải ngoại. Hoạt động của các cá nhân và phong trào trẻ chưa đáp ứng một phần dù rất nhỏ so với nhu cầu của cộng đồng người Việt cũng như lịch sử dân tộc đang đặt ra cho thế hệ họ.

Trong giới hạn của bài này, tôi không thể đưa ra và phân tích tất cả, dĩ nhiên là rất nhiều, những lý do chính dẫn đến sự xa cách giữa lịch sử và tuổi trẻ v.v.. Tôi chỉ nhân cơ hội nầy để nhắc đến một lý do, thoạt trông rất bình thường nhưng ít ai đặt nặng đúng mức, đó là lý do tuổi trẻ Việt Nam không thuộc sử Việt Nam. Tôi tin rằng không phải các cô chú sinh viên Việt Nam nào lớn lên tại hải ngoại cũng biết Tôn Thất Đạm, Lương Ngọc Quyến, Ký Con, Phạm Hồng Thái là ai.

Việc không thuộc sử dẫn đến câu hỏi "tôi là ai", dẫn đến việc thiếu niềm tin vào sức sống và sự trường tồn của giòng giống Việt Nam, dẫn đến những cái nhìn thiển cận về tương lai đất nước. Lo những cái không đáng lo, sợ những điều không đáng sợ. Không lo những cái đáng lo, không sợ những điều đáng sợ. Do đó trước khi nói đến chuyện làm lịch sử, trước khi nói đến chuyện dời non lấp bể, đội đá vá trời, xin các bạn hãy trở lại làm một công việc căn bản nhất và đơn giản nhất là ngồi xuống và cùng nhau học sử Việt Nam.

Trong những ngày nầy, chúng ta thường nghe đến những cụm từ "nỗi đau của dân tộc Việt Nam", "căn bịnh Việt Nam", "cuộc chiến tranh Việt Nam", "tính tự ti mặc cảm Việt Nam" nhưng rất ít khi nghe "niềm tự hào Việt Nam".

Trong một diễn văn đọc tại Hội Nghị Nhân Quyền tại Mạc Tư Khoa vào năm 1992, một cô gái Việt Nam, làm cả hội trường xúc động khi cô nói lên tấm lòng của một người con gái Việt Nam mong có một ngày được nhận mình là người Việt Nam mà không mặc cảm.

Đó cũng là tâm trạng chung và rất thực tế của nhiều người và nhiều thế hệ, nhất là các thế hệ trẻ, khi đứng trước cảnh lầm than của xứ sở.

Tâm trạng đó không phải là sai về mặt kinh tế nhưng khi nhìn từ góc độ văn hóa và lịch sử, đó là một tâm trạng bi quan và tiêu cực. Tại sao phải mơ có một ngày nào đó mới dám thừa nhận là người Việt Nam mà không phải ngay bây giờ.

Chẳng lẽ vì Cộng Sản đang cưỡng chiếm quê hương chúng ta nên chúng ta không thể tự nhận mình là người Việt Nam hay sao?

Chẳng lẽ vì Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới nên chúng ta không dám nhận mình là người Việt Nam hay sao?

Chẳng lẽ chúng ta đang lưu vong trên đất khách quê người nên chúng ta cho rằng mình là những người vô tổ quốc hay sao?

Tội lỗi làm cho đất nước Việt Nam lầm than, điêu đứng là tội lỗi của Cộng Sản nhưng trong tim của mỗi người Việt, dải giang sơn gấm vóc kia bao giờ cũng là đất nước của người Việt Nam. Nhìn vào lịch sử không phải chỉ nhìn vào hoàn cảnh chúng ta đang sống mà thôi nhưng còn nhìn lại hàng nghìn năm trước và nhìn xa vào hàng nghìn năm sau.

Chúng ta không may mắn sinh ra trong một gia đình nghèo và sống dưới căn nhà dột nát nhưng không phải vì thế mà chúng ta cảm thấy nhục nhả, cảm thấy mặc cảm. Chúng ta, trái lại, luôn hãnh diện với gia phong và huyết thống của mình. Nếu các bạn cho rằng gia phong huyết thống không đổi được chén cơm, không may được chiếc áo, điều đó không đúng. Gia phong huyết thống của đại gia đình Việt Nam là màu da chúng ta đang có, là chiếc áo dài các em đang mặc, là tiếng nói mà các em đang gọi nhau, là ca dao, là truyện Kiều, là lá trầu trái cau, là nụ cười của trẻ thơ và cả tiếng khóc đau lòng của mẹ. Gia phong huyết thống không những nuôi lớn chúng ta mà còn trao cho chúng ta cả cuộc đời và tương lai đầy hy vọng. Gia phong và huyết thống mà chúng ta đang có hôm nay đã tích lũy và kế thừa từ  nhiều nghìn năm trước, là tổng hợp bao tinh hoa của nhiều thế hệ Việt Nam đi trước.

Lịch sử là vũ khí, là hành trang căn bản trong hành trình tranh đấu cho tự do dân chủ, cũng như để xây dựng đất nước sau nầy. Lịch sử là niềm tin. Niềm tin không thể mua bán. Niềm tin không thể nghe theo. Niềm tin không thể giả dối. Mỗi chúng ta phải tạo dựng niềm tin cho chính mình bằng suy nghĩ và cảm nhận của cá nhân mình. Những người nhắm mắt làm theo, nhắm mắt đi theo không bao giờ đi trọn con đường được. Họ chỉ có thể đi trên những đoạn đường bằng phẳng không gai góc, nhưng một khi có ghềnh thác hiểm nguy họ sẽ là những người đầu tiên vấp té và bỏ cuộc. Niềm tin là tự nguyện. Không ai cho chúng ta vay mượn niềm tin cả. Lịch sử cho thấy mọi sự vay mượn đều dẫn đến lệ thuộc. Lệ thuộc vật chất thì còn có thể thoát ra nhưng lệ thuộc niềm tin, lệ thuộc tinh thần sẽ dẫn đến nô lệ, vo ng thân, rất khó mà thoát ra được.

Tại sao Phạm Hồng Thái phải nhảy xuống sông Châu Giang tự tử?

Tại sao các tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng …phải tự sát?

Không phải vì các vị đó sợ hãi, không phải vì các vị đó chỉ biết căm thù, cũng không phải chỉ vì các vị đó can đảm hơn người khác nhưng quan trọng nhất, bởi vì các vị đó đã có một niềm tin quá lớn vào sự trường tồn của dân tộc, niềm tin đó lớn hơn cả mạng sống của chính họ. Muốn xây dựng niềm tin không có cách gì hay hơn là học sử.

Đảng Cộng Sản Việt Nam, đã lợi dụng lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân, để rồi cuối cùng chiếm lấy đất nước, áp đặt ý thức hệ vong bản lên trên đầu trên cổ nhân dân Việt Nam, xích hóa cả dân tộc Việt Nam chúng ta. Câu khẩu hiệu "Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội" mà các em thường học trong trường trung học hay đại học Cộng Sản khi còn ở trong nước là câu tuyên truyền láo khoét và mâu thuẫn bởi vì Dân Tộc và Cộng Sản không thể cùng tồn tại và hệ ý thức Dân Tộc và hệ ý thức Cộng Sản là hai hệ ý thức mâu thuẫn có tính chất phủ định lẫn nhau.

Nói lên những điều tiêu cực không có nghĩa là tôi bi quan về tuổi trẻ. Nói những điều tiêu cực không có nghĩa là tôi đánh giá thấp vai trò của tuổi trẻ hay phủ nhận các đóng góp của tuổi trẻ trong sinh hoạt cộng đồng hay trong các nỗ lực đấu tranh vì dân sinh dân chủ cho đồng bào trong nước. Tôi chỉ mong các bạn trẻ nhìn vào vấn đề từ thực tế, tìm hiểu và giải quyết vấn đề từ căn bản cũng như biết mình là ai, đang đứng đâu và nên làm gì trước những khổ đau đang đè lên sinh mệnh dân tộc.

Mỗi thế hệ có một nhiệm vụ phải hoàn thành. Nhưng dù không hoàn thành vẫn phải nhường lại con đường cho các thế hệ trẻ tiến lên.

Các thế hệ trẻ dù muốn hay không muốn cũng phải nhận lãnh trách nhiệm của mình trước lịch sử. Đất nước Việt Nam là của các em. Tương lai Việt Nam có được vinh quang hay phải tiếp tục chịu đựng lầm than tủi nhục cũng là từ hành động của các em.

Đứng trước giai đoạn đầy bóng tối của đất nước hiện nay, nhiệm vụ của các em đã trở thành một thử thách lớn lao. Để đi hết con đường khó khăn trước mắt mỗi người phải tự thắp sáng niềm tin dân tộc trong lòng mình.

Mỗi người chúng ta phải tự xây dựng cho mình một ý thức dân tộc vững chắc nhằm chống lại mọi ý thức hệ vong bản, phi dân tộc khác. Ý thức dân tộc đó không phải tìm đâu xa lạ, tìm đâu khác hơn là trong sử sách Việt Nam. Mong rằng tại đây và ngay bây giờ, các bạn trẻ Việt Nam tại hải ngoại hãy cùng nhau dấy lên phong trào học sử Việt Nam.

Trần Trung Đạo
Massachusetts Hoa Kỳ 22-11-98