Sunday, January 31, 2016

Tàu chiến Mỹ áp gần đảo tranh chấp



                Lầu Năm Góc cho hay một tàu chiến Mỹ đã di chuyển gần đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa nhằm thực thi quyền tự do hàng hải.

Tri Tôn nằm gần bờ biển Việt Nam nhất trong số các đảo thuộc Hoàng Sa, hiện do Trung Quốc kiểm soát nhưng Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
Tri Tôn, cách đảo Lý Sơn có 123 hải lý, là đảo từng nằm trong tay Việt Nam Cộng hòa nhưng bị Trung Quốc chiếm từ sau trận hải chiến 1974.

Năm 2014, giàn khoan 981 của Trung Quốc đặt ngay gần đảo này về phía nam, gây phản ứng dữ dội từ Việt Nam.

Trong sự kiện mới xảy ra hôm thứ Bảy 30/1, khu trục hạm USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ đã đi qua bên trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn.
Trung Quốc ngay lập tức phản đối Hoa Kỳ vi phạm luật pháp.

Đáp lại, Hoa Kỳ nói chỉ muốn bảo đảm quyền tự do lưu thông trong khu vực đường biển quốc tế.

Không xin phép

Bộ Quốc phòng Mỹ nói việc tàu USS Curtis Wilbur được điều tới nơi đây là để đối chọi lại với "đòi hỏi chủ quyền biển quá đáng của một số nước đang tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa".

Người phát ngôn Đại uý Jeff Davis nói: "Hoạt động này nhằm thách thức nỗ lực của ba nước - Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, muốn hạn chế quyền lưu thông và tự do hàng hải" quanh các đảo ở Hoàng Sa.
Tuy nhiên trên thực tế, Hoàng Sa hoàn toàn nằm trong kiểm soát của Trung Quốc.

Theo Lầu Năm Góc, khi tàu USS Curtis Wilbur vào bên trong khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn, không có hiện diện của tàu Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm luật pháp vì đã "vào bên trong lãnh hải của Trung Quốc mà không xin phép trước".

Hoa Kỳ thừa nhận không báo trước cho các bên nhưng hoạt động này "nhất quán với thông lệ của chúng tôi và luật pháp quốc tế".

Hoa Kỳ cũng từng điều tàu vào khu vực 12 hải lý của Đá Subi mà Trung Quốc cải tạo cơi nới hồi tháng 10 năm ngoái, khiến Trung Quốc phản đối.

Hành động hôm thứ Bảy của hải quân Mỹ được cho là mạnh bạo hơn lần trước vì đảo Tri Tôn là đảo lớn thứ ba của Hoàng Sa, không phải đảo nhân tạo.

@BBC

Friday, January 29, 2016

Chiến hạm USS Zumwalt chưa từng có
của Mỹ lần đầu ra
 

USS Zumwalt, tàu khu trục lớn nhất của Hải quân Mỹ, sẽ lần đầu thử nghiệm trên biển sau khi được kéo khỏi xưởng đóng tàu ở bang Maine .

Tàu khu trục tàng hình USS Zumwalt được kéo cẩn thận khỏi xưởng đóng tàu Bath Iron Works trước khi vượt sông Kennebec để ra biển trong lần thử nghiệm đầu tiên, con tàu dài 183 m, trọng tải choán nước 15.000 tấn được tàu kéo lai dắt qua mũi Fort Popham, Phippsburg, bang Maine- Mỹ.

Kelley Campana, một người theo dõi sự kiện cho biết, toàn thân cô nổi da gà khi chứng kiến khoảnh khắc con tàu lướt qua trước mặt. “Đây là điều vô cùng tuyệt vời. Hôm nay là ngày trọng đại với những người làm việc ở Bath Iron Works như tôi cũng như tất cả người dân Mỹ. USS Zumwalt là tàu đầu tiên trong 3 chiến hạm cùng lớp nên chắc chắn bạn chưa thể thấy điều gì tương tự. Con tàu trông giống như tới từ tương lai”, Campana nói.

Đây là lần đầu tiên USS Zumwalt được thử nghiệm trên biển. Các tàu kéo đưa nó ra tới nơi thử
nghiệm trên biển dù tàu được trang bị động cơ đẩy chạy bằng điện. Do mũi Fort Popham nằm nhô ra giữa sông nên nó tạo cho người xem tầm nhìn toàn diện nhất khi con tàu đi qua.

Thiết kế góc cạnh và vật liệu giảm phản hồi radar giúp USS Zumwalt có thể tàng hình trước vũ khí của đối phương. Thiết kế con tàu cũng hoàn toàn khác biệt so với mẫu tàu khu trục đang được Hải quân Mỹ và các nước khác sử dụng. USS Zumwalt sở hữu những sản phẩm tối tân nhất của ngành công nghiệp vũ khí Mỹ.

Tuy nhiên, những công nghệ tối tân cũng dẫn tới sự chậm trễ trong việc đưa vào sử dụng và tăng chi phí chế tạo tàu. Khu trục hạm tàng hình đầu tiên trong 3 chiếc cùng lớp có giá 4,4 tỷ USD.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa USS Zumwalt và các tàu khu trục khác chính là thiết kế góc cạnh. Ăng ten của nó được đặt trong hộp kín để tránh phản hồi radar.

Theo các nguồn tin, USS Zumwalt được trang bị pháo laser tối tân, giúp diệt mục tiêu với chi phí cực thấp theo mỗi phát đạn. Tàu cũng được tự động hóa ở mức tối đa, giảm thiểu số thủy thủ so với các tàu cùng trọng tải. (AP photos/ US NAVY)

Destiny Nguyen

Thursday, January 28, 2016

 Bill Gates
" Cho đi càng nhiều tôi lại càng giàu thêm ! "

Bill Gates , vị tỷ phú nước Mỹ đã hứa hiến tặng 99% tài sản của mình cho nhân loại , lại 1 lần nữa dẫn... đầu danh sách những người giàu nhất thế giới .

Theo tạp chí Wealth -X , 1 công ty chuyên theo dõi và thống kê tài sản của các đại gia , gia tài của Bill Gates hiện nay trị giá 87.4 tỷ đô la , vượt qua người đứng hàng thứ 2 đến hơn 10 tỷ .

Bill Gates khi được thông báo tin này và chúc mừng đã mỉm cười nhẹ nhàng nói " Lạ thật ! Cho đi càng nhiều tôi lại càng giàu  thêm! " (Hình phải : Bill Gates thời học Trung học)

Anh chàng Mark Zuckerberg của FB của chúng ta cũng đã lọt vào Top 10 , hiện đứng hàng thứ 8 . Mark cũng đã hứa sẽ cho đi 99% cổ phiếu FB của mình .


Các bạn nghĩ sao về câu nói của Bill Gates : " Càng cho đi nhiều thì tôi lại càng giàu thêm" ?

Ngọc Nhi Nguyễn
 Mời 2 đứa trẻ đường phố ăn tại nhà hàng,
người đàn ông bất ngờ khi nhận hóa đơn thanh toán…


Chiêu đãi hai đứa trẻ bụi đời tại nhà hàng

Câu chuyện dưới đây được một người kỹ sư Ấn Độ chứng kiến trong chuyến đi của mình và kể lại trên mạng xã hội. Đó là vào một buổi tối tại khách sạn Sabrina, thành phố Malappuram, bang Kerala, Ấn Độ.

Hôm ấy, sau cả một ngày dài dự buổi họp, anh Kumar (Ảnh:Akhilesh Kumar,và hóa đơn nhà hàng Theo India Today)bước vào khách sạn Sabrina để ăn tối. Ngay khi phần ăn của anh được đưa tới, anh cảm nhận được hai đứa trẻ “đói ăn” ở bên ngoài cửa đang đưa những ánh mắt “thèm khát” nhìn về phía mình. Đó là hai đứa trẻ suy dinh dưỡng đi lang thang nhặt rác để kiếm sống. Chúng nhìn thấy những món ăn trên bàn mà “thèm đến chảy nước miếng”…

Chiêu đãi hai đứa trẻ bụi đời tại nhà hàng Kumar quay về phía hai đứa trẻ rồi đưa tay vẫy vẫy để chúng lại gần mình. Nhìn thấy vậy, cậu bé liền nắm tay em gái mình đi tới. Kumar hỏi hai anh em: “Các cháu muốn ăn gì nào?”



Hai đứa trẻ không nói gì, cậu bé chỉ vào đồ ăn của Kumar đang để trên bàn ăn còn cô bé thì chỉ mở to đôi mắt nhìn anh như thể không tin vào tai mình. Kumar chọn cho hai anh em cậu bé hai phần cơm giống như của mình.

Ngay khi thức ăn vừa được đặt trước mặt hai đứa trẻ, cậu bé dường như không thể chịu đựng thêm được sự đói khát mà lập tức ăn ngay. Nhưng cô em gái thì ngược lại, cô bé nắm lấy tay anh trai mình và nói rằng chúng cần phải đi rửa tay trước.(Ảnh minh họa: Gokunming.com)

Sau khi rửa tay xong, hai anh em cậu bé nhanh chóng ăn hết phần thức ăn của mình. Kumar ngồi nhìn hai đứa trẻ ăn mà không động đũa nhưng trong lòng cảm thấy rất ấm áp. Đợi cho hai anh em cậu bé ăn xong, cúi chào bước đi rồi Kumar mới bắt đầu ăn phần cơm của mình.

Sau khi ăn xong, Kumar yêu cầu được tính và thanh toán tiền. Sau đó anh đi rửa tay và quay lại bàn của mình để nhận hóa đơn. Nhưng ngay khi anh nhìn vào tờ hóa đơn, anh đã cảm thấy ngạc nhiên bởi trên đó không có bất kỳ số tiền nào mà chỉ là một dòng chữ khiến anh rất cảm động! Anh Kumar cũng đã hỏi về nhân viên tính tiền này nhưng không nhận được thông tin gì.

“Chúng tôi không có máy để tính toán được giá trị của con người. Mong mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với anh!”

Anh Kumar không quen biết ai ở khách sạn, cũng không biết nhân viên tính tiền nào đã thực hiện nghĩa cử đẹp đó, nhưng anh biết rằng cuộc sống sẽ không thể thiếu được những câu chuyện đậm tình người như vậy.

Việc làm của anh Kumar đã chứng minh rằng thế giới này của chúng ta cần nhiều hơn nữa tình yêu thương con người. Hơn nữa, sau khi bạn làm việc thiện, việc tốt, bạn cũng sẽ vô tình hướng người khác đến với việc hành thiện!


Theo India today,Letu 
Quang Minh-Mai Trà viết lại

Wednesday, January 27, 2016

Ván cờ mới kiềm chế 'Giấc mộng Trung Hoa' của Mỹ


Để nhanh chóng hiện thực hóa chiến lược “một vành đai, một con đường”, TQkhông ngần ngại rót vào lượng tiền lớn chưa từng có trong lịch sử: 50 tỷ USD cho Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), 41 tỷ USD cho Ngân hàng Phát triển mới, 40 tỷ USD cho vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, và 25 tỷ USD cho Con đường tơ lụa trên biển. Bắc Kinh cũng đã cam kết sẽ đầu tư 1.250 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2025.

Tham vọng xây dựng “siêu dự án” là một phần trong chiến lược của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nhằm đưa TQ ra khỏi sân chơi Đông Á, trở thành một cường quốc toàn cầu, phục hưng “giấc mơ Trung Hoa”.

Đây cũng là kế hoạch của TQ nhằm hạn chế chính sách tái cân bằng của Mỹ, cũng như tạo thế đối trọng với các Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Từ đó, nước này muốn giành quyền chủ đạo chính sách, xác định lại luật chơi theo hướng có lợi cho mình.
Song những thách thức với giấc mơ đầy tham vọng này không hề nhỏ.
Một vành đai, một con đường, Con đường tơ lụa trên biển, Trung Quốc, Mỹ, EU, Tập Cận Bình, AIIB,
Ảnh: Tân Hoa Xã/ TBKTSG
Thách thức từ Mỹ và phương Tây

Trong những năm gần đây, các cường quốc trong khu vực và thế giới luôn điều chỉnh chiến lược, chính sách theo nhiều cách khác nhau nhằm tìm kiếm một chỗ đứng, tầm ảnh hưởng. Chính vì thế, “một vành đai, một con đường” của TQ sẽ vấp phải sự cạnh tranh từ các nước như Mỹ, Ấn Độ, Liên Bang Nga và cả châu Âu.

Tháng 7/2011, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chính thức đưa ra ý tưởng “con đường tơ lụa mới” và tư duy “Đại Trung Á”, chủ trương xây dựng mạng lưới phát triển kinh tế và hệ thống giao thông kết nối toàn bộ khu vực Nam Á, Trung Á với Tây Á. Tháng 9/2011, nữ ngoại trưởng giới thiệu chi tiết kế hoạch thực hiện: lấy Afghanistan làm trung tâm, kêu gọi các quốc gia láng giềng của nước này ủng hộ, duy trì vị trí lãnh đạo của Mỹ tại khu vực vốn dĩ là trung tâm của cả châu Âu và châu Á.  

Thực chất mục đích của kế hoạch này là làm suy giảm sức ảnh hưởng của TQ, đồng tác động đến kết quả hợp tác kinh tế thương mại giữa TQ với các quốc gia trong khu vực này. Mục tiêu của Mỹ không chỉ duy trì vị trí lãnh đạo cũng như tầm ảnh hưởng, mà quan trọng không kém, là hạn chế đến mức thấp nhất cơ hội hợp tác, đầu tư của TQ tại đây.

Ngoài ra, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách Tái cân bằng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các quốc gia ở khu vực này để đối với TQ là chưa đủ. Vì vậy, Washington buộc phải kéo cả các nước Nam Á vào cuộc, trong đó Ấn Độ có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Không phải ngẫu nhiên mà giới chính trị gia của Mỹ đã nhiều lần đưa ra khái niệm “Ấn - Thái” (Indo – Pacific) vào các bài phát biểu. Tháng 3/2013, Tư lệnh Vùng chiến đấu Thái Bình Dương của Mỹ, ông Samuel J. Locklear III chính thức đưa ra khái niệm “Ấn – Thái” trước Quốc hội. Mặc dù vậy, cơ quan truyền thông của Bộ này nhiều lần khẳng định việc dùng khái niệm mới hoàn toàn không mang hàm ý cô lập hay kìm hãm TQ, mà chỉ muốn nhấn mạnh khu vực châu Á Thái Bình Dương ngoài Thái Bình Dương ra còn bao gồm cả Ấn Độ Dương nữa.

Với khái niệm mới này, khu vực châu Á Thái Bình Dương đã được Mỹ kéo dài đến tận Ấn Độ - một đồng minh quan trọng của Mỹ tại Nam Á. Đồng thời lợi dụng những tranh chấp về lãnh thổ, xung đột biên giới giữa TQ với các nước láng giềng, Mỹ từng bước can dự và hỗ trợ các quốc gia này trong việc đối phó với một TQ đang trỗi dậy. Đây là cách Mỹ hạn chế và tìm cách “tiêu hao” sức mạnh của TQ mà không cần đối đầu trực tiếp.

Ngoài Mỹ ra, năm 2009, EU đã đưa ra “kế hoạch của con đường tơ lụa mới”. Thông qua việc khôi phục lại đường ống dẫn khí đốt Nabucco, EU triển khai kết nối nhiều mặt như thương mại, năng lượng, thông tin… với các quốc gia khu vực Trung Á, tích cực triển khai đầu tư nhằm bảo đảm nguồn cung về năng lượng, đồng thời tăng cường sức ảnh hưởng.
 
Có hai lý do khiến EU chen chân vào khu vực này. Thứ nhất, nó sẽ có lợi trong việc cạnh tranh và cân bằng sức ảnh hưởng của Mỹ - Nga. Thứ hai, có thêm EU, cục diện chính trị tại khu vực này sẽ trở nên đa cực hơn. Điều này sẽ bất lợi cho dự án “một vành đai kinh tế” của TQ khi đi qua khu vực này bởi cả Mỹ, Nga và EU đều là những cường quốc và liên minh khu vực hàng đầu thế giới.
(Còn tiếp)

Nguyễn Tăng Nghị
@internet

Tuesday, January 19, 2016

Yêu nước


K. là giáo sư toán ở đại học Yale, có quốc tich Mỹ nhưng gốc là người Nga, nói tiếng Mỹ vẫn đặc sệt giọng Nga. Có lần tôi hỏi anh ấy lần cuối anh về Nga là khi nào.

Anh ấy nói từ khi tôi đi Mỹ tôi chưa quay lại Nga bao giờ. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, K. nói rằng đối với anh ấy nước Nga cũng giống như bất kỳ một nước nào khác trên thế giới, anh không cảm thấy liên quan đến những gì hiện giờ đang xảy ra ở Nga.

Trường hợp của K. không phải là một trường hợp phổ biến, nhưng cũng không phải là một trường hợp cá biệt.

Tuy hơi bị bất ngờ nhưng tôi cảm thấy cái lý trong những chia sẻ rất thẳng thắn của K. Nói cho cùng thì tại sao mỗi người phải gắn bó với mảnh đất nơi mình sinh ra.

Một vài lần quá cảnh ở sân bay Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, tôi bắt gặp vài tốp thanh niên Việt Nam, có vẻ như đến từ nông thôn, có vẻ như nói giọng Nghệ An, họ túm năm tụm ba, ngồi bệt uống bia, đánh bài, có vẻ như không quan tâm đến xung quanh, nhưng kỳ thực mắt vẫn nhìn quanh với một vẻ nửa hoang mang, nửa thách thức. Những lúc đó bỗng dưng tôi thấy quặn lòng thương đồng bào của mình.

Ai trong số họ đã nợ ngập cổ để mua cho bằng được một suất đi xuất khẩu lao động, ai trong số họ sẽ phải làm lụng vất vả mấy năm trời để trả hết số tiền đã vay, ai trong lúc bần cùng,

Tại sao lại đồng cảm với họ?

Ngoài tiếng Việt là ngôn ngữ có thể dùng để hiểu nhau, ngoài nơi sinh Hà Nội và Nghệ An cách nhau vài trăm cây số, tôi có gì chung với họ? Tại sao tôi vẫn cảm thấy “liên quan” đến số phận của họ? Tôi thấy chỉ có một câu trả lời hợp lý duy nhất: sự “liên quan” đó chính là lòng yêu nước. Nếu đó là tình yêu thì có lẽ không cần tìm cách lý giải nữa.

Chắc chắn mỗi người yêu nước, hoặc không, theo một cách khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, yêu nước, về cơ bản, là cảm thấy “liên quan” đến số phận của đồng bào mình.

*

Tôi rất thích xem bản đồ. Nhìn cái quả cầu xanh xanh nhớ lại chỗ này chỗ kia mình đã đi qua. Nhớ cánh đồng lúa xanh mướt, nhớ con đường nho nhỏ chạy thẳng ra biển mà ở ven ven thấp thoáng những tháp chuông nhà thờ. Nhớ những đỉnh núi hùng vĩ quanh năm tuyết trắng, nhớ những cánh rừng thông xào xạc chạy dọc bờ biển Đại tây dương. Chỗ nào cũng cảm thấy như nhà mình, trái đất là nhà mình, dù rằng có một vài điểm hình như thân thương hơn các điểm khác.

Nếu hay xem bản đồ thế giới, đến một lúc nào đó, bạn sẽ có một phát hiện rất lạ lùng. Hoá ra cái điểm Việt Nam thân thương không hề là trái tim của nhân loại. Nó nằm ở nơi cùng trời cuối đất. Đi tiếp sang phía đông, hay xuống phía nam là biển rộng, là đại dương.

Văn minh nhân loại được mở rộng và phát triển nhờ vào những cuộc viễn chinh, những làn sóng di dân. Chiến tranh và những cuộc di dân, vừa là tai hoạ cho cuộc sống con người, lại vừa là phương tiện chuyên chở tôn giáo, những tư tưởng nhân văn, những kiến thức về tổ chức xã hội, những phát kiến khoa học và kỹ thuật. Những cuộc chiến tranh, những cuộc di dân, những thảm hoạ đã từng cầy xới châu Âu cũng đã là một nguyên nhân làm cho nó trở nên phồn thịnh, văn minh.

Có lẽ vì đất nước của chúng ta nằm ở nơi cùng trời cuối đất mà trong gần hai ngàn năm, nó hầu như nằm bên rìa sự phát triển của văn minh của nhân loại. Chiến tranh, thực ra không nhiều, hầu như đều đến từ phương Bắc, người di dân hầu hết cũng đến từ Trung hoa. Trước khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, văn minh Trung Hoa là hệ quy chiếu duy nhất của người dân đồng bằng Bắc Bộ.

Cuộc sống bây giờ đã khác nhiều. Ngay cả những thanh niên nông thôn mà tôi gặp ở sân bay Narita, dù có lẽ họ không có một hệ quy chiếu nào khác ngoài một bộ ứng xử của người nhà quê, mà nền tảng lý luận dường như là một dạng tối giản của văn minh Trung Hoa, họ cũng hiểu rõ họ cần thoát ra ngoài cái khung đó để mưu cầu hạnh phúc, và họ muốn thoát ra bằng mọi giá.

*

Mấy tuần gần đây, dù muốn hay không, mà thực ra là không muốn, tôi cảm thấy rất quan tâm đến diễn biến chính trị ở Việt nam.

Tôi nhận thấy rất nhiều người cũng quan tâm như tôi, có lẽ quan tâm đến Đại hôi lần này hơn hẳn so với những Đại hội lần trước, dù rằng về cơ bản, chúng ta không “liên quan” gì đến Đại hội của “họ”.

Cảm giác quan tâm đó đến từ đâu, nếu không phải là khát vọng có ở trong mỗi chúng ta, khát vọng thoát ra khỏi thân phận của một nơi cùng trời cuối đất, gắn vào thế giới bằng một sợi dây lơ lửng buộc vào Trung hoa, thoát ra khỏi cái khung chật chội của Khổng giáo.

Tôi không định nói chúng ta phải quay lưng lại với cốt cách của con người Việt Nam truyền thống. Đối với tôi, cậu thanh niên Nghệ An quần áo xộc xệch dáng vẻ lấm lét ở sân bay Narita, dường như thân thương hơn nhiều so với các nam thanh nữ tú Hong Kong dán mắt vào cửa kính các quầy hàng duty free.

Nhưng tôi mong muốn một khế ước xã hội như những khế ước xã hội đã là nền tảng cho những nước phát triển. Tôi muốn một xã hội công bằng được đảm bảo bởi một nhà nước pháp quyền. Tôi muốn một nền kinh tế lành mạnh, phồn thịnh hoạt động trên nguyên tắc thị trường. Tôi muốn một xã hội mà ở đó người dân có thể tự tổ chức cuộc sống cộng đồng của mình mà không bị cản trở, đó là xã hội dân sự.

Vì cái chúng ta cần là một xã hội công bằng, phồn thịnh và một cuộc sống cộng đồng gắn bó, nên người lãnh đạo mà chúng ta muốn là một người cổ suý cho nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự.

Ngay cả khi không có lá phiếu, người dân cũng cần nói rõ về xã hội mà mình muốn. Nói được cái mình muốn không hề dễ, nó khó hơn nhiều so với nói cái mình không muốn. Nếu không nói được cái mình muốn, nó sẽ không bao giờ xảy ra.


GS Ngô Bảo Châu
@BBC

Saturday, January 16, 2016


HẬN HOÀNG SA

Hoàng Sa! Hoàng Sa! Đây Hoàng Sa!
Một chùm đảo ngọc lắm phong ba
Sóng thét gió gào mây lớp lớp
Trời nghiêng nước đổ mịt mù xa
Soái hạm gầm gừ cưỡi lên sóng
Xé gió mà đi!
Ngụy Văn Thà!
Một thưở xứng danh là hạm trưởng
Hỏa tốc! lên đường cứu đảo xa
Vợ đành coi như hạt bụi
Con đành coi như cỏ hoa
Tóc ở trên đầu đều dựng ngược
Máu chảy tràn tim sắp vọt ra
Giận giặc Tàu ô quân cướp nước
Hận của nghìn năm quyết chẳng tha
Đạn đã lên nòng chờ khai hỏa
Đảo chìm đảo nổi của riêng ta
Bắn! Bắn!
Tàu địch nổ tung thành xác pháo
Một chiếc rồi hai chúng ngỡ ngàng
Nhưng chúng nhiều tàu và lắm đạn
Soái hạm của ta cũng vỡ toang
Ngực anh đạn xé không thấy máu
Chỉ thấy tim anh nhảy phập phồng
Anh vẫn ban ra khẩu lệnh cuối
Bỏ tàu! Bỏ tàu!
(Anh thì không).
Bao nhiêu chiến sĩ rơi nước mắt
Anh chết cùng tàu giữa biển Đông.
Bốn mốt năm rồi nằm đáy biển
Còn nghe sóng vỗ giữa mênh mông
Còn nghe tiếng khóc ba con nhỏ
Uất nghẹn trời cao vợ khóc chồng.
Uất nghẹn cùng anh bao chiến sĩ
Theo anh xuống tận hải mộ quan
Mà lũ ôm chân Tàu cộng đỏ
Vẫn kêu là ngụy rất sỗ sàng
Nhưng cả nước viết hoa chữ Ngụy
Những trang xanh lấp lánh sử vàng
Tất cả các anh cùng một họ
Ngụy Văn Thà, Ngụy Văn Việt Nam!

28/02/2015
Khuất Đẩu
@tuongtri

Saturday, January 9, 2016

lão trượng
     
Lão trượng chiều quay về bản quán
Thong dong đường tre trúc hắt hiu
Nghe, nghe trời đất hát xa lộng
Những tưởng tâm mình đang hát theo
Mừng linh thụ tóc râu khang kiện
Đông đủ chim về ấm cúng đêm
Mừng cổ đình tường mái phục chế
Đời trùng tu từ thịt xương rêm
Lớp bạn cũ ơn trờ để lại
Trà vườn nhà, nước trữ mưa xưa
Giọng chùng như cất từ u ẩn
Cố sự, tro tiền thả gió đưa.

Nhớ xưa thiên địa dậy hồng thủy
Núi sụp, rừng trôi, dời sảng hoàng
May nhiều, còn đứa con vơ vội...
May ít, còn tiếng nói tùy thân...
Mưa như trời sập, mưa không tận
Bốn biển dâng thành một biển thôi
Hạt cây, mầm lửa truyền nhau giữ
Nhân loại còn đâu được mấy người...
Anh phải sống, mai này nước rút
Đất trồi lên, xuất hiển kỳ lân
Thời thánh vịnh, hiền thi kết tập
Đồng hoa thánh thót phượng cầu hoàng

Nhớ xưa thiên địa bày hoang hạn
Sông cạn, đầm khô, rừng rụi tàn
Gió đuổi trùng trùng sa mạc chạy
Thú sẩy đàn, nhân loại lìa tan...
Người chết, không còn người dọn cất
Bỏ mặc tình quạ mổ diều tha
Cát vùi cả xương trắng lưu dấu...
Mặt đất vô danh, ký ức lòa
Thôi, rán giữ gìn chút nước mắt
Mai sau nhờ đó nhận ra nhau
Sẽ mưa, trời sẽ mưa châu ngọc
Ta sẽ về, qua bãi lệ rào.

Nhớ xưa thiên địa dậy binh lửa
Xứ xứ rần lên, người giết người
Thú loạn rừng kêu rú nhật nguyệt
Ruộng hoang, thành trống, ai tìm ai?
Núi đổ lấp sông, sao chổi hiện
Nhãn tiền sống chết, chuyện như chơi
Đêm trước đại quân vừa hạ trại
chiều nay, lều cháy, xác thây phơi
Xa giá càn dân lấy lối chạy
Trẻ giữa đường đứng khóc một mình
Sau cùng, có người lính chấp kích
Ra trước Ngọ môn mà quyên sinh

Nhớ xưa thiên địa làm ly tán
Anh em nhà không ngó mặt nhau
Người chạy về thành, kẻ nhảy núi
Dốc đời cho một cuộc chiêm bao
Xuân Thu, du sĩ rao phương lược
Khiêán mấy đời sau còn váng đầu
Xe kiệu rộn ràng cửa lớn nhỏ
Về ngang thánh miếu, mặt vênh cao
Có người nghề nói thơ đầu chợ
Chạỵ sắc phong thi sĩ với đời
Có người hàng thịt sẵn dao nhọn
Cũng rắp ranh làm tráng sĩ chơi

Nhớ xưa thiên địa rộn dâu biển
Người lạc người bởi ngọn đông phong
Ngọn đông phong, càn rừng, bạt núi
Người thương người chút phận long đong
Cỏ đoạn rễ, luồng sông, luống gió...
Chim xa đàn, bãi Bắc, bờ Đông...
Sao lúc rời nhau chẳng đổi áo
Khuya lạnh lùng, còn cái đắp lòng?
Rày đã ra sao, miền cố cựu?
Bờ giếng xưa, còn ai đứng trông?
Đêm nằm nghe tóc mai già rụng
Nghĩ lại, ràn tuôn nước mắt hồng.

Nhớ xưa thiên địa bừng hưng trị
Khoác áo xuân, ra với đất trời
Dắt trẻ tắm sông, hứng gió núi
Giấc suông đêm rỗng, cửa không cài
Quạt ấm pha trà độc mộc ẩm
Nghe tan ngoài ngõ những phù vân
Toan xuống núi khoe câu thơ đắc
Trời đất không cùng, ai chí thân?
Xé rải gió tờ tờ sách nát
Đi kéo theo chuỗi chuỗi cười tan
Ta mừng trời đất cho ta mộng
Vui đồng hành qua cõi võ vàng

Cây yên, cỏ lặng, trăng thiu ngủ
Giường cũ, nằm nghe tiếng dế khuya
Mơ màng có một lần xiêu lạc
Ngoài tối tăm, nhờ chỉ nẻo về
Việc đời, biết thế nào xong trọn...
Nước cuối sông còn lẩn quẩn chi?
Đêm xuân, dầm nguyệt lên sơn tự
Hỏi vị sư già chỗ trước kia
Sinh tử hai đầu mắc lại võng
Tan rền chuông vọng vọng mê mê
Trôi chìm xa vợi đường thiên cổ
Mỏi trĩu hàng mi, khởi chuyến đi.


8-1998
Tô Thùy Yên

Wednesday, January 6, 2016

Đừng trở lại


Anh ra đi Sài Gòn xưa đã chết
Cây me già cô độc đứng nghe mưa
Ðừng trở lại chẳng còn gì nữa hết
Em đã tàn hương sắc của năm xưa

Anh ra đi phố phường xưa đổi khác
Ngọn đèn xanh le lói bóng ga chiều
Những kỷ niệm vàng hoe trên mái tóc
Tóc em buồn từng sợi rối đêm khuya

Anh ra đi cửa lòng em đã đóng
Với đau thương chồng chất thuở xuân thì
Ðừng trở lại chẳng còn ai mong ngóng
Xuân đã tàn từ độ én bay đi

Anh ra đi em một mình lầm lũi
Con đường câm trong những tối không đèn
Ðừng trở lại em quen rồi cực khổ
Anh cũng quen rồi cuộc sống ấm êm

Anh ra đi mùa đông buồn ghê lắm
Mùa mưa dài thăm thẳm ở nơi đây
Ðừng trở lại chẳng cần ai đưa đón
Ðể em ngồi nghe lá khóc trên cây

Anh ra đi mẹ bao lần đã nhắc
Ðứa con yêu lưu lạc ở phương nào
Anh có đọc nỗi buồn sâu trong mắt
Mắt mẹ già năm tháng đã hư hao

Anh ra đi đàn em thơ đã lớn
Nhìn hình anh ngơ ngác hỏi là ai
Bầy chim nhỏ giữa trời đầy giông tố
Chim đầu đàn vẫn biệt dưới chân mây

Anh ra đi quê hương nghèo hơn trước
Những lầm than vẫn nối tiếp nhau về
Bài thơ cũ mơ làm người yêu nước
Ðến bây giờ anh còn nhớ hay quên.

Trần Trung Ðạo
@facebook/TTĐ

Sunday, January 3, 2016

Nhà bác học Việt thông thạo 26 thứ tiếng lúc mới 25 tuổi

Thông thạo 26 thứ tiếng lúc 25 tuổi, Trương Vĩnh Ký khiến nhà văn Pháp Émile Littré (1801-1881) kinh ngạc: "Sự hiểu biết tới 26 ngoại ngữ của P. Trương Vĩnh Ký đủ để loài người tôn vinh anh như một nhà bác ngữ học (bác học ngôn ngữ) bậc nhất thời nay".


Tượng Trương Vĩnh Ký ở một góc công viên Thống Nhất nhìn ra nhà thờ Đức Bà năm 1969 (hiện được đặt ở Bảo Tàng Mỹ Thuật TP.HCM)  - Ảnh tư liệu

Ngay từ thập kỷ 50 - 60 của thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký, một người Việt Nam đã thông thạo nhiều ngôn ngữ Đông Nam Á cũng như các ngôn ngữ khác trên thế giới, như các thứ tiếng: Campuchia, Thái Lan, Lào, Malaysia, Myanmar, Chăm, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hi Lạp, Latin… để giao lưu và hội nhập dễ dàng với các nước trong khu vực và trên thế giới.


Thần đồng tự học nhiều hơn ở trường


Trương Vĩnh Ký từ lúc lọt lòng mẹ (6-12-1837) ở Cái Mơn, xã Vĩnh Thạnh cho đến lúc qua đời (1-9-1898) ở Chợ Quán, Sài Gòn đã trải qua bao cơn sóng gió.


Cha ông là cụ Trương Chánh Thi, quê quán Bình Định, vào Nam lập nghiệp ở một khu vực đất Vĩnh Long (nay khu vực này thuộc Bến Tre).


Cha ông là một nhà Nho học, thích thi phú, được bổ nhiệm làm lãnh binh dưới triều Minh Mạng của nhà Nguyễn, mất lúc Trương Vĩnh Ký 3 tuổi.


Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Châu, một người mẹ hiền và lam lũ, sinh một gái và hai trai.


3 tuổi, ông thuộc làu Tam tự kinh.  4 tuổi, ông học viết. 5 tuổi (năm 1842) cắp sách đến trường học chữ Nho, chữ Nôm với thầy giáo Học.


Sau vài ba năm, ông thông suốt Minh Tâm Bửu Giám, đọc Tứ thư, Ngũ kinh, thuộc nhiều thơ Đường, thơ Tống...    


Ngoài ra, theo lời những người thân hậu bối, lúc nhỏ ông còn thuộc nhớ nhiều bài ca dao dài mà người lớn không biết. Cậu bé Ký đọc sách mà người cha mang từ miền Trung vào như Nhất Thiên Tự, Tam Thiên Tự, Ngũ Thiên Tự, Minh Đạo Gia Huấn, thơ Đường, thơ Tống...


Học tiếng La tinh với bạn Lào, Thái, Miến, Nhật, Trung..., học luôn tiếng bạn bè


Sau khi ông Trương Chánh Thi chết, một nhà truyền giáo thường được mọi người gọi là Cố Tám đã chỉ dạy cho cậu bé Trương Vĩnh Ký học chữ Latin, chữ Nôm và ít chữ sau này gọi chữ “Quốc ngữ“.


Ông nhận thấy cậu Ký còn nhỏ mà có đầu óc thông minh hơn người, chỉ biết thú đọc sách hơn đi chơi đùa, có chí cầu tiến, đã gửi cậu Ký cho một người Pháp tên Borelle (tên Việt Nam là Thừa Hòa) ở Cái Nhum (Vĩnh Long) nhận nuôi dạy Trương Vĩnh Ký về tiếng Latin và tiếng Pháp năm 1846.


Rồi ông Thừa Hòa phải đi xa nên đã nhờ một người Pháp tên là Bouilleaux (tên Việt Nam là Cố Long) lo hộ việc nuôi dưỡng và học hành của cậu Ký.


Năm 11 tuổi (1848), Trương Vĩnh Ký được Cố Long gởi đến học tại Pinhalu (Phnom Penh, Campuchia) được xây cất ở giữa một rừng thốt nốt hoang vu gần sông Mekong và cách Phnom Penh độ 6 dặm, dành cho cả vùng Đông Nam Á và Trung Hoa.


Lớp học có 25 học sinh từ 13-15 tuổi và Trương Vĩnh Ký là người nhỏ nhất. Trương Vĩnh Ký gặp gỡ, ăn ở chung với học sinh các nước Đông Nam Á như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ciampois (Chăm)… Kết quả: cậu thiếu niên 13 tuổi Ký đã nói và viết thông thạo các ngôn ngữ kể trên của các bạn cùng trường.


Trương Vĩnh Ký còn học ngoại ngữ ở các sách và tự điển có trong thư viện của nhà trường. Các nhà ngôn ngữ học đương thời cho rằng Trương Vĩnh Ký đã tự tìm ra những quy luật ngữ pháp giống nhau, khác nhau của các tiếng nước ngoài để học nhanh và dễ dàng. 


Vào ngày mãn khóa học ở chủng viện Pinhalu, Trương Vĩnh Ký được chọn là một học sinh xuất sắc, đỗ đầu lớp và được tuyển lựa cùng hai người nữa để tiếp tục đi học ở đảo Penang, Malaysia.


Năm 14 tuổi (1851), Trương Vĩnh Ký tiếp tục được gởi vào trường ở Poulo Penang (một hòn đảo nhỏ trên vùng Nam Dương, thuộc Malaysia, nơi người Hoa và thổ dân Malaysia sống bằng kỹ nghệ khai thác mỏ kẽm. 


Khi đến nơi, Trương Vĩnh Ký rất ngạc nhiên khi thấy một vùng đảo ở vùng Đông Nam Á mà có nếp sinh hoạt cơ giới ồn ào, một sự phát triển lạ thường mà ông chưa từng thấy ở nước mình và Cao Miên.


Trong khoảng thời gian 7 năm theo học tại đây, Trương Vĩnh Ký học chuyên ngữ Latin và Hi Lạp. Ngoài ra, ông còn học nâng cao các thứ tiếng khác như Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Malaysia, Nhật, Hi Lạp, Thái Lan, Pháp, Ý…


Trong thời gian ở Penang, tài năng, đầu óc và trí tuệ thông minh của Trương Vĩnh Ký phát huy tột độ. Ông học một hiểu mười nhờ trí nhớ lâu dài, sách vở ở thư viện và giảng dạy của nhà trường. 


Ông đọc rất nhiều sách Hán, Pháp, Anh, Hi Lạp, Tây Ban Nha... Ông tiếp nhận được rất nhiều tư tưởng, kiến thức của người xưa cả Đông và Tây nhờ trí thông minh, khả năng ngôn ngữ và trí nhớ đặc biệt của mình.  


Trong thời gian theo học tại Penang, Trương Vĩnh Ký tự học tiếng Nhật, Ấn bằng cách cắt các báo cũ, rồi dùng phương pháp đối chiếu, diễn dịch mà tìm ra các mẹo luật văn phạm. 


Nhà nhiếp ảnh người Anh là J.Thomson viết quyển “Mười năm du lịch Trung Quốc và Đông Dương”, trong đó có đoạn: “Một hôm đến thăm Trương Vĩnh Ký, tôi thấy ông đang soạn sách Phân tích so sánh các ngôn ngữ chủ yếu trên thế giới, tác phẩm này ông bỏ ra nhiều năm làm việc cần cù. Chung quanh ông đầy những quyển sách quý và hiếm mà ông tìm kiếm được ở châu Âu, châu Á…”.


Với trí thông minh, sự sắc sảo thiên bẩm và chí phấn đấu cao, lại chịu khó tìm tòi, tự học trong một ngôi trường đa sắc tộc, nên Trương Vĩnh Ký đã thông thạo các ngoại ngữ phổ biến ở khu vực lúc bấy giờ.


Như vậy, việc học ngoại ngữ của Pétrus Ký được thực hiện một cách khoa học; có phân tích, đối chiếu giữa các thứ tiếng. Và trên hết là sự lao động miệt mài, công phu, chứ không đơn thuần chỉ dựa vào trí thông minh như nhiều người nghĩ.


Càng khâm phục hơn khi biết rằng việc học tập của ông vô cùng vất vả, nhiều ngoại ngữ ông học từ chính những người bạn học của mình, đúng như ông bà ta thường nói: “Học thầy không tày học bạn”.


Viết sách dạy những tiếng Pháp lẫn nhiều tiếng trong Asean ngày nay


Trương Vĩnh Ký thông thạo và nắm vững quy luật học các ngoại ngữ của các quốc gia trong khu vực và đã truyền kinh nghiệm của mình qua việc xuất bản sách. Vào cuối thập niên 1880, ông đã xuất bản sách dạy tiếng Thái Lan, Campuchia.


Đến năm 1892, ông soạn được ba bộ sách dạy tiếng Miến Điện (tức Myanmar ngày nay): Cours de langue birmane, Vocabulaire français-birman, Guide de la conversation birman[e]-français. Từ năm 1893, ông tiếp tục xuất bản sách dạy tiếng Lào, Malay, Tamoule (Tamil?), Ciampois (Chàm).


Émile Littré, nhà văn Pháp, năm 1862 đã viết: “Trên trái đất này rất khó tìm ra người thứ hai say mê ngôn ngữ như Trương Vĩnh Ký. Gặp người Anh, Trương Vĩnh Ký nói bằng tiếng Anh nhuần nhị như người Luân Đôn. Tiếp xúc với người Ý Đại Lợi, người Y Pha Nho, người Bồ Đào Nha... hay người Nhựt Bổn, Mã Lai, Xiêm... Trương Vĩnh Ký đều nói đúng theo âm luật của kinh đô nước đó... Sự hiểu biết tới 26 ngoại ngữ của P. Trương Vĩnh Ký đủ để loài người tôn vinh anh như một nhà bác ngữ học vào bậc nhất của thời nay”.


Năm 1874, Trương Vĩnh Ký đã được thế giới bình chọn là “nhà bác học về ngôn ngữ”, nằm trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ XIX, được ghi tên vào các danh nhân thế giới trong Tự điển Larousse.
 Chân dung Trương Vĩnh Ký - Ảnh tư liệu
Tượng Trương Vĩnh Ký đặt ở Bến Tre hiện nay 
Một trong những sách dạy ngoại ngữ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký - Ảnh tư liệu 
 Lễ khánh thành tượng Trương Vĩnh Ký thời Pháp thuộc ở một góc Công viên Thống nhất
Tượng Petrus Trương Vĩnh Ký trước năm 1975 ở Công viên thống nhất hiện nay - Ảnh tư liệu 
@vtc.vn

Friday, January 1, 2016

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2016


\Mừng Năm Mới và muốn mọi người có sức khỏe, bình an, hạnh phúc; tôi gởi đến quý vị và các bạn một đề tài để suy gẫm do Đức Đạt-Lai Lạt-ma (Dalai Lama) của Tây Tạng hướng dẫn như sau đây:

CHỈ CÓ 2 THỨ THÔI

+ Có 2 thứ bạn nên tiết kiệm, đó là sức khỏe và lời hứa.
+ Có 2 thứ bạn phải cho đi, đó là tri thức và lòng tốt.
+ Có 2 thứ bạn phải thay đổi, đó là bản thân và nhận thức.
+ Có 2 thứ bạn phải giữ gìn, đó là niềm tin và nhân cách.
+ Có 2 thứ bạn phải trân trọng, đó là gia đình và hiện tại.
+ Có 2 thứ bạn phải tự mình thực hiện, đó là lao động và chịu trách nhiệm với việc mình làm.
+ Có 2 thứ bạn phải lãng quên, đó là đau thương và hận thù.
+ Có 2 thứ bạn phải khắc ghi, là công ơn Mẹ Cha và sự giúp đỡ của người khác.
+ Có 2 thứ bạn buộc phải có để là người thành công, đó là đam mê và lòng kiên trì.
+ Có 2 thứ bạn không được làm, đó là hãm hại người khác và phản bội lòng tin.
+ Có 2 thứ bạn phải bảo vệ, đó là danh tín và lẽ phải.
+ Có 2 thứ bạn phải chấp nhận, là cái chết và sự khác biệt.
+ Có 2 thứ bạn phải kiểm soát, đó là bản năng và cảm xúc.
+ Có 2 thứ bạn phải tránh xa, đó là cám dỗ và sự ích kỷ.
+ Có 2 thứ bạn luôn phải xử dụng mà đừng hà tiện, là tiền bạc và kinh nghiệm.
+ Có 2 thứ bạn không được sợ sệt, là cái ác và sống thật.
+ Có 2 thứ bạn phải nuôi dưỡng, là tình yêu và sự bao dung.
+ Có 2 thứ mà bạn cần phải đạt được trong cuộc sống, đó là thành đạt và hạnh phúc.
+ Có 2 thứ bạn phải luôn sẵn sàng, đó là khó khăn và ngày mai.
+ Có 2 thứ bạn phải luôn ghi nhớ, đó là thực hiện những điều trên và làm thật tốt chúng trong cuộc sống hàng ngày.

Dalai Lama
Hạnh Dương