Thursday, March 31, 2016

Cô chủ quán dễ thương :
 Hãy cho người cùng khổ 1 cơ hội .
 
Cô Cesia Abigail , người Mỹ , không giàu có gì , cô chỉ là chủ 1 quán cafe nhỏ , nhưng cô có lòng nhân ái nên thường xuyên giúp đỡ người nghèo khổ .
 
Một hôm có 1 ông già vô gia cư đến trước cửa xin tiền . Cô Abigail hỏi ông : Ông là đàn ông còn khỏe mạnh , tay chân lành lặn sao ông không đi kiếm việc gì làm mà lại cứ đi xin ăn thế này ?
...
Ông này kể : Tôi sanh ra trong gia đình không tốt , cả cha lẫn mẹ nghiện ngập , trộm cắp , nên tôi không được học hành , không có nghề nghiệp , không ai dạy dỗ , từ nhỏ tôi đã phải ăn cắp ăn trộm để sống , bây giờ tôi tiền án đầy mình , đâu có ai chịu mướn tôi .
 
Nghe thế cô Abigail nói : Tôi sẽ mướn ông , ông có biết rửa chén , lau nhà , đổ rác không ?
 
Người đàn ông mừng rỡ vội nói : Biết , cái này tôi làm được . Cô mướn tôi đi , tôi sẽ làm tốt cho cô xem .
 
Ngoc Nhi Nguyen's photo. Thế là cô Abigail mướn ông làm mỗi ngày 2 tiếng . Cô cho biết ngày nào ông cũng đến đúng giờ và làm việc rất chăm chỉ . Làm xong được trả lương , ông lại dùng tiền đó mua thức ăn của tiệm cô để ăn . Ông nói ông muốn " đền bù " lại cho cô chút ít .
 
Có lần cô Abigail thấy ông mua 1 ổ bánh mì , ăn 1 nửa xong gói lại 1 nửa đem đi cho 1 bà cụ vô gia cư khác .
 
Sau 2 tuần , cô Abigail nhận ông vào làm việc toàn thời gian , và ứng trước cho ông 1 số lương để ông mua quần áo tử tế để mặc .
 
Khi báo chí hay tin và đến phỏng vấn thì cô Abigail nói " Ông ấy không phải là người xấu , chỉ là hoàn cảnh đẩy đưa thành như thế . Tôi cũng hiểu rằng cuộc sống không như chuyện cổ tích , ông ấy còn nhiều khó khăn phải vượt qua lắm để làm lại cuộc đời , ví dụ như ông ấy còn phải bỏ được bệnh nghiện rượu của mình . Nhưng ít ra tôi có thể cho ông 1 cơ hội , và miễn ông ấy chịu cố gắng thì tôi sẽ giúp ông ấy đến cùng " .
 
Phóng viên quay sang hỏi ông thì ông rưng rưng nước mắt , tâm sự " Tôi sẽ vì cô chủ dễ mến này mà cố gắng . Không phải vì số tiền cô ấy trả cho tôi đâu , nếu so với tiền trước kia tôi trộm cắp thì không là gì hết , nhưng điều mà cô ta cho tôi chính là sự quan tâm và tôn trọng . Đã lâu lắm rồi không có ai tôn trọng tôi , còn quan tâm thì ngay cả cha mẹ tôi ngày xưa cũng không quan tâm tôi chút nào ! Đây là điều vô giá , tôi quý lắm ! "
 
Các bạn muốn giúp người ư ? Muốn làm từ thiện ư ? Xin hãy nhớ rằng đồng tiền không phải là tất cả , mà chính là sự quan tâm và lòng tôn trọng mà bạn dành cho người cùng khổ , hoạn nạn mới là điều chạm đến họ sâu sắc nhất đấy .
Còn nếu bạn vung tiền ra để bố thí , mà trong lòng bạn coi thường hay khinh khi những người nghèo khổ đó , thì thà bạn đừng cho còn hơn !

Đọc thêm :
 
Ngoc Nhi Nguyen
Chiến tranh Việt Nam là nội chiến?
 
Trần Trung Đạo's photo.
“Hai mươi năm nội chiến từng ngày” là câu hát trong bài "Gia tài của mẹ" của Trịnh Công Sơn mà gần như ai cũng thuộc nhưng rất ít người tìm hiểu nội dung của câu hát này đúng hay sai. Sau này, một số nhà hoạt động có khuynh hướng dân chủ hay phong trào “chống đảng” cũng cho rằng chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến. Do đó, đã đến lúc bên chiến thắng cũng như bên chiến bại nên cảm thông và tha thứ cho nhau, “hòa hợp và hòa giải” để “xây dựng đất nước”. Đất nước ở đây phải được hiểu là đất nước Việt Nam dưới sự cai trị của đảng CS.

Thế nào là nội chiến?
 
Theo các định nghĩa trong chính trị học,“nội chiến là cuộc chiến tranh giữa hai bên có tổ chức trong cùng một quốc gia vốn trước đó thống nhất. Mục đích của một bên là chiếm đoạt bên kia để hoàn thành ý định chinh phục lãnh thổ hay thay đổi chính sách.”
 
Theo định nghĩa này, chiến tranh Nam Bắc Mỹ (1861-1865) là nội chiến, Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627–1672) là nội chiến. Nếu chính phủ của TT Abraham Lincoln yếu, chính phủ miền Nam Mỹ của TT Jefferson Davis sẽ chiếm hết miền Bắc và có thể tái lập chính sách nô lệ, và tương tự tại Việt Nam, nếu các Chúa Trịnh đủ mạnh có thể đã tóm thu các vùng đất của Chúa Nguyễn ở miền Nam.
 
Nhưng chiến tranh giữa Việt Nam Cộng Hòa và CS Bắc Việt có phải là nội chiến hay không? 
 
Chắc chắn là không bởi vì Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn không có ý định chiếm đoạt lãnh thổ miền Bắc hay lật đổ chế độ CS miền Bắc.
 
Mơ ước của nhân dân miền Nam sau hiệp định Geneva là được sống trong một xã hội tự do, dân chủ, và thịnh vượng. Ở đó, người dân có quyền sống nơi họ muốn sống, có quyền nói lên nguyện vọng họ muốn nói, có quyền đi nhà thờ, đi chùa do họ chọn, có quyền được hát bài hát họ thích.
 
Con đường dẫn tới một xã hội dân chủ tiên tiến không phải là một con đường tráng nhựa mà bắt đầu từ những con đường đất nhiều ổ gà. Nhưng dù hố hầm hay trơn trợt cũng là chuyện nội bộ miền Nam không liên quan gì đến CS miền Bắc.
 
Xã hội miền Nam trước 1975 vẫn còn nhiều biến chứng tiêu cực của một đất nước vừa thoát ra khỏi ách phong kiến và thực dân. Nhưng đồng thời, cũng có các điều kiện chính trị tam quyền phân lập và nhân tố giáo dục đặt trên nền tảng khoa học, nhân bản và khai phóng cần thiết để xây dựng một xã hội dân chủ hiện đại giống như bất cứ quốc gia dân chủ nào không chỉ Đông Nam Á mà cả thế giới.
 
Giấc mơ tươi đẹp của nhân dân miền Nam đã bị ý thức hệ CS với vũ khí của Liên Xô, Trung Cộng tàn phá.
 
Do đó, để hiểu cho đúng, cuộc chiến mà nhân dân miền Nam đã đổ máu trong suốt 20 năm từ sau 1954 không phải là nội chiến mà là cuộc chiến giữa lý tưởng dân chủ tư do chống lại chủ trương CS hóa Việt Nam của đảng CSVN và CS Quốc Tế. 
 
Trong diễn văn chào mừng chiến thắng vào đầu tháng 5 năm 1975, Lê Duẩn không còn che giấu tham vọng nhuộm đỏ cả nước Việt Nam khi tuyên bố: "Vinh quang này thuộc về Đảng Lao động Việt Nam quang vinh, người lãnh đạo của giai cấp công nhân, giai cấp tiền phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội".
 
Bốn mươi mốt năm, kể từ 1975, một khoảng thời gian đủ dài và một vết chém đủ đau để nhân dân Việt Nam ý thức ra rằng thống nhất đất nước chỉ là điều kiện tiền đề cho mục đích cộng sản hóa toàn cõi Việt Nam.
 
Phục hưng đất nước, đo đó, không phải là để "cảm thông" hay "tha thứ" mà là phục hưng các giá trị tự do, dân chủ, nhân bản, thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam, nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra một khi đảng CS còn cai trị Việt Nam.
 
Trần Trung Đạo

Sunday, March 27, 2016

TÔN VINH TÊN PHẢN QUỐC MẠC ĐĂNG DUNG
NHẰM XÓA TỘI BÁN ĐẤT BIỂN CỦA ĐẢNG CSVN

CSVN đã chính thức tôn vinh Mạc Đăng Dung bằng hai đường phố Hà Nội với  tên Mạc Thái Tổ và Mạc Thái  Tông. Việc tiếm quyền Nhà Lê có thể coi như việc thay đổi triều đại nội bộ. Nhưng cái tội lớn nhất của chính Mạc Đăng Dung là phản quốc một cách hèn hạ, nhục nhã, không xứng đáng mang tên của một con đường để nhắc nhở cho hậu thế. Suốt triều dài Lịch sử những ngàn năm, Dân Tộc Việt luôn luôn bị đe dọa, rồi bị xâm lăng bởi Bắc Phương. Dân Tộc Việt cần phải có những anh hùng bất khuất để có thể giữ gìn vẹn toàn lãnh thổ, giòng giống, tiếng nói Việt cho đến ngày nay.

Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa… bị chiếm đóng lúc này. Trên đất liền, đảng CSVN đã bán cho Tầu những khu kinh tế. Việc Tầu  chiếm đóng từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau đã rõ rệt thành hình da báo. Hội nghị Thành Đô đang đe dọa biến Việt Nam thành một tỉnh của nước Tầu. Xâm lăng Kinh tế còn trầm trọng hơn nữa : hàng hóa Tầu tràn ngập Việt Nam làm tê liệt mọi ngành sản xuất.

Mối đe dọa mất nước như gần kề khó tháo gỡ. Chính trong lúc ấy thì đảng CSVN lại muốn xây 58 tượng đài Hồ Chí Minh, một người Tầu hay một người Việt phản quốc bán đất biển. Chúng tôi nhớ lại việc con hát Việt Cộng đã sang Tầu trước đền Mã Viện, đã đóng tuồng như nhạo báng Hai Bà Trưng. Một nhà Sư quốc doanh đã công kích LÝ THƯỜNG KIỆT « vô lễ » dám mang quân tấn công địch trên đất Tầu. Rồi ngày nay, đảng CSVN lại tôn vinh Mạc Đăng Dung, một kẻ không còn thể diện đem đất và dân dâng cho quan Tầu.

CSVN như mang mặc cảm tội lỗi bán đất và biển cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, nay sử dụng ngụy biện Lịch sử để mong xóa cái tội Trời không tha, Đất không dung của mình.

Bản Tin Lễ đặt tên đường Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông

10h sáng 25/8, UBND Thành phố Hà Nội làm lễ gắn biển cho hai phố mới mang tên hai vị vua họ Mạc là Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông thuộc địa bàn hai phường Yên Hòa và Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

CSVN viện lẽ cho việc tôn vinh này như sau :

« Việc phản đối đặt tên đường Mạc Thái Tổ là không có cơ sở. Có chăng, đó chỉ là sản phẩm của một thứ chủ nghĩa dân tộc lạc loài, một tâm lí “chính thống” không đến nơi và một “chiêu bài” chống Trung Quốc mang màu sắc hiện tại mà thôi… »

*  một tâm lí « chính thống » không đến nơi

CSVN muốn nói tới việc trung thành với triều đại đã cưu mang, nuôi dưỡng mình. Những chữ không đến nơi ở đây phải đặt cái tâm lý ở thời đại cổ và thời đại ngày nay mới có thể phán đoán  được. Việc phán đoán này tất nhiên là tương đối.

*  sản phẩm của một thứ chủ dân tộc lạc loài

CSVN muốn phế bỏ chủ nghĩa dân tộc để đấu tranh cho chủ nghĩa đại đồng của Cộng sản quốc tế, chủ nghĩa vô tổ quốc. Điều này có nghĩa là nước Việt Nam của riêng Dân Tộc VN hay nước Việt Nam nay thuộc về Trung Cộng cũng giống nhau. Ý đồ này đang bị Dân Tộc VN phỉ nhổ.

*  một “chiêu bài” chống Trung Quốc mang màu sắc hiện tại mà thôi…

Việc chống Trung quốc là Ý chí  và cố gắng thực hiện của Dân Tộc Việt Nam chứ không phải là một « chiêu bài » mà CSVN cố gán cho một số người. Không có ý chí này của Tổ Tiên, thì đất nước Việt Nam rơi vào tay Hán Tộc đã từ lâu. Việc đảng CSVN bán đất, biển cũng là một sự thật hiển nhiên mà toàn Dân đang phải nỗ lực chống lại lúc này.

Tóm lại, những lý do đưa ra để đặt tên đường phố cho một kẻ phản quốc không đứng vững được. Việc gượng gạo đưa ra những lý do chứng tỏ CSVN đã bị mặc cảm vì tội bán nước của mình. Ngụy biên Lịch sử một cách gượng gạo không đủ để xóa được tội phản quốc của đảng CSVN. Cái tội này Trời không tha, Đất không dung và sẽ truyền lại cho con cháu sau này để tiếp tục xỉ vả cái đảng phản bội của Hồ Chí Minh.

Mạc Đăng Dung,
tên phản bội hèn hạ trước quan nhà Minh

Chúng tôi ghi lại đây Bài viết phản ứng lại của một Sử gia tại Quốc nội (muốn dấu tên) được phổ biến trên Facebook và các Diễn Đàn Internet ngày 28.08.2015 :

Sau đây là những lý do cho thấy sự hèn hạ bán nước của Mạc Đăng Dung. Những lý do này được Sử Trung quốc và Việt Nam đồng ghi chép tỏ tường.

Thứ nhất, đối sách ngoại giao của nhà Mạc dâng đất, dâng sổ hộ tịch kể cả việc xin nội thuộc nhà Minh, chấp nhận trở thành những “ty” lệ thuộc tỉnh Quảng Tây thì đó là một sai lầm, không thể coi là có công với đất nước. Sự việc ấy do 2 vị Mạc Thái Tổ, Thái Tông chủ trương, thực hiện, cho nên việc đặt tên đường cho hai vị cần phải tính đến.

Thứ hai là việc “giải mã” sự việc được gọi là “nghi án” này. Sự kiện lịch sử ấy đã được các bộ sử của ta và cả Minh sử ghi chép khá rõ ràng. Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã tham bác các sách, biện luận, dưới đây xin trích ra một số sự kiện chính từ ghi chép của bộ sử này như sau:

- Ngày 3 tháng 11 năm Canh Tí  (1540)”Bọn Mao Bá Ôn thiết lập mạc phủ và tướng đài ở Nam Quan…” “Đến kỳ đã định, Đăng Dung… cùng cháu là Văn Minh và bè đảng là bọn Vũ Như Quế hơn 40 người do đường Nam Quan đi sang; ai nấy buộc dây vào cổ, đi chân không, gieo mình vào mạc phủ tướng Minh, khúm núm, phủ phục, khấu đầu lạy, dâng tờ biểu xin hàng, nộp trình sổ sách đất đai và nhân dân do mình cai quản. (Việt sử thông giám cương mục, Chính biên XXVII, Bản dịch của Viện Sử học in năm 1959, tr. 1337). (Mạc phủ, nơi Mạc Đăng Dung và hơn bốn mươi thuộc hạ đầu hàng, về sau được gọi là Thành Thụ hàng).

- “Đăng Dung lại xin hàng, dâng đất các động Ti Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, An Lương thuộc châu Vĩnh An ở An Quảng để lệ vào Khâm Châu. Lại xin nhà Minh ban cho chính sóc và ấn chương đã làm từ trước để Đăng Dung coi giữ việc nước trong khi chờ đợi mệnh lệnh có thay đổi hoặc quyết định ra sao” (Sách đã dẫn tr. 1338).

- Cương mục cũng ghi thêm: “Năm Mạc Minh Đức thứ 2 (1528), Sử cũ chép Mạc Đăng Dung sợ nhà Minh hỏi tội, bèn tính chuyện cắt đất đem dâng hai châu Quy, Thuận, vua Minh thu nhận. Từ đó Nam Bắc lại đi lại thông hiếu”.(Sách đã dẫn tr. 1338).

- Tháng 10 mùa đông, Mạc Phúc Hải, Quảng Hòa năm thứ 1 (1541). “Nhà Minh đổi nước An Nam làm An Nam đô thống sứ ty, trao cho Đăng Dung chức Đô thống sứ, đổi đặt toàn quốc làm mười ba tuyên phủ ty, cho lệ thuộc vào đất nhà Minh” (Sách đã dẫn tr. 1340).

- “Nhà Minh bèn đổi nước An Nam làm Đô thống sứ ti, cho Đăng Dung làm Đô thống sứ, phẩm trật vào bậc tòng nhị (còn kém chánh nhị phẩm), ban cho ấn chương khác và cho đời được cha truyền con nối. Còn các nghi thức mà Đăng Dung tiếm dùng đều bắt tước bỏ hoặc cải chính lại. Trong mười ba lộ như Hải Dương, Sơn Nam vân vân đều đặt tuyên phủ ty, mỗi ty đặt một tuyên phủ đồng tri, một tuyên phủ phó sự và một tuyên phủ thiêm sự, dưới quyền cai quản của đô thống sứ. Tất cả các ty trên đây đều cho lệ thuộc vào Quảng Tây phiên ty (Sách đã dẫn tr. 1341).

Cũng theo Cương mục thì Mao Bá Ôn (nhà Minh) còn đem gấp tờ tấu lên vua Minh đề xuất việc hàng năm bắt nhà Mạc “phải lên Nam Quan lĩnh lịch được ban”, lễ cống năm trước còn thiếu, kiểm tra theo lệ ngạch, “bắt năm sau phải nộp bổ sung cho đầy đủ” (Sách đã dẫn tr. 1340). Cương mục cũng ghi danh mục cống vật, Mạc Phúc Hải cống năm 1542 trích từ Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn.

Một trăm năm trước, đất nước này nhà Minh đã từng cai trị với một chính sách “bại nhân nghĩa nát cả càn khôn”, đã vơ vét đến “sạch không đầm núi”, đã bắt người lên rừng xuống biển tìm châu báu… và đã bị đuổi đi. Thôn tính nước này gộp vào lãnh thổ “Đại Hán” của họ là một tham vọng chưa bao giờ nguội, lẽ nào bây giờ có người tự nguyện dâng hiến chỉ để cầu một chức “đô thống” nhỏ nhoi, tiếc gì không cho để được nhận! Đã nhận rồi, chia ra để trị rồi, giao cho một tỉnh quản lĩnh rồi, lẽ nào chỉ là việc nói vu vơ? Mà thực chất họ đã tính đến cả rồi (Xem những điều tâu về cách chế tài của Mao Bá Ôn)…

Chuyện lấn đất vùng biên của Việt Nam là chuyện xảy ra “thường ngày”, Việt Nam nhiều lần đã phải đòi, phải lấy lại, khi thì “hội khám”, khi thì gửi thư, hội nghị tranh biện (nổi tiếng như Hội nghị Vĩnh Bình, Thư đòi đất đời Lý), khi thì không chịu được sự cai trị của các quan chức Trung Quốc, trưởng các tộc nhóm đem dân chạy về lại Việt Nam… Cho nên những đất Trung Quốc chiếm được chưa phải là lãnh thổ của Trung Quốc, bây giờ Mạc Đăng Dung đem dâng chính là đã chính thức công nhận chủ quyền của họ. Trong ngoại giao đó là một việc thất thố, tổn hại đến lợi ích quốc gia.

Nói tóm lại dâng đất, dâng sổ đất đai và dân số, tự nguyện xin nội thuộc trở thành ty quận của họ, xóa bỏ cả một đất nước đã có truyền thống mấy nghìn năm văn hóa, tổ tiên đã đổ bao máu xương tâm trí để khai thác giữ gìn, thì đó là một sai lầm không thể bỏ qua.

Trong lịch sử chưa thấy ai biện hộ cho việc làm này của nhà Mạc. Ngô Thì Nhậm trong dịp đi sứ nhà Thanh năm 1793, qua Thụ hàng thành đã viết bài thơ ghi lại sự công phẫn trước việc làm của Mạc Đăng Dung:

Thụ Hàng thành
Lộ kinh Mạc phủ nhập Bằng Tường,
Cố thụ Hàng thành thị cố cương.
Sơn tự Lạng Sơn, khê giảo thiểu,
Thạch xưng Hạ Thạch lý thiên trường.
Thủy xa chuyển trục lôi huyên ngạn,
Hỏa hiệu tiêu đài tuyết mãn đường.
Đô thống Hàng Thành thành thậm sự,
Linh nhân thiên tải mạ Nghi Dương.


(Đường đi qua phủ mạc vào Bằng Tường, Thành Thụ Hàng xưa là cương giới cũ của nước ta. Núi non giống như ở Lạng Sơn nhưng suối khe ít hơn. Đá thì gọi là Hạ thạch, riêng đường càng dài. Trục guồng nước chuyển, tiếng nước đổ như sấm huyên náo bên bờ, Trên đài pháo hiệu tàn bay như tuyết khắp nhà. Đô thống, Thành Hàng là cái trò gì vậy, Khiến người ta  nghìn năm còn chửi mắng kẻ Nghi Dương (Mạc Đăng Dung người Nghi Dương).

Vị túc nho Nguyễn Sĩ Lâm dịch thành thơ như sau:

Lối qua Mạc phủ tới Bằng Tường,
Thành Thụ Hàng xưa, dấu cố cương.
Núi tựa Lạng Sơn, dòng suối ít,
Mốc nêu Hạ Thạch, dặm đường trường.
Tuyết bay tàn pháo đồn canh khắp,
Sấm chuyển guồng xe, bến nước vang.
Đô thống xin hàng, trò khốn nạn,
Nghìn năm bán nước tiếng Nghi Dương


(Ngô Thì Nhậm toàn tập (Tập 3), Nxb Khoa học xã hội, 2005
Trong suốt Lịch sử bị xâm lăng,anh hùng đất Việt mềm dẻo hay cứng rắn tuẫn tiết,chứ không chịu bán nước cầu vinh.
Năm 1982, sống xa Quê Hương, muốn biết Lịch sử Dân Tộc và đã đọc những Sách Sử. Chúng tôi cảm khái và ngưỡng mộ Tinh thần Đấu Tranh Bất Khuất của Tiền Nhân để bảo toàn Lãnh thổ và sự Trường tồn của Nói giống Việt. Chúng tôi đã viết một cuốn Sử vắn gọn lấy tên là LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN VIỆT NAM. Cuốn sách được xuất bản năm 2006 bởi Nhà Xuất Bản DAY&NIGHT, Ventura, California, USA. Trong những lúc gây cấn nhất của cuộc xâm lăng từ Trung quốc, những Vị anh hùng Dân Tộc khi cương khi nhu : tấn công địch cho đến tuẫn tiết hay ngoại giao nhã nhặn để làm giảm căng thẳng, chứ không chịu hàng giặc, nhất là không hèn hạ bán nước cầu vinh cho cá nhân mình.Chúng tôi xin trích ra đây  thái độ của một số những anh hùng Dân Tộc

*HAI BÀ TRƯNG
Năm 41, Vua Quang Vũ đời Đông Hán sai Mã Viện mang 20’0000 quân sang  tái xâm lăng nước ta. Mã Viện là danh tướng thời Đông Hán, rất nhiều kinh nghiệm chiến trường, quân sĩ lại được tập luyện tinh nhuệ.Sau mấy lần nhất quyết tấn công quân Mã Viện tại Lãng Bạc, Hai Bà yếu thế đã phải lui quân về Cẩm Khê. Mã Viện tấn công đuổi theo cho đến Hát Môn thuộc huyện Phúc Lộc tỉnh Sơn Tây. Ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão (43), thế bức quá, nhưng Hai Bà không chịu ra hàng, đã gieo mình xuống sông Hát Giang tuẫn tiết.Đây là cái chí khí thà chết chứ không chịu đầu hàng giặc ! (Theo Nguyễn Phúc Liên :LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN VIỆT NAM, Nhà Xuất Bản DAY&NIGHT, Ventura, California, USA, 2006, trang 14

*BÀ TRIỆU THỊ TRINH

Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Chinh là hai anh em ruột, người vùng Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa (quận Cửu Chân). Bà Triệu Thị Chinh đã từng tuyên bố : « Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, , đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước  người đời cúi đầu cong lưng làm tì thiếp người ta ! »

Sau khi được Triệu Quốc Đạt trao quân cho, Bà Triệu Thi Chinh ra trận, xưng là Nhụy Kiều Tướng Quân, thống lãnh cuộc khởi nghĩa. Khi ra trận, Bà mặc áo giáp vàng, cỡi voi bành vàng, xông vào chiến địa.

Thứ sử Giao Châu là Lục Dận đem quân vây đánh Cửu Chân. Bà anh dũng chống trả trong vòng 6 tháng. Nhưng cuối cùng, vì quân số quá ít sánh với đoàn quân của Lục Dận, Bà mở vòng vây máu, đem quân lui về được xã Bồ Điền, huyện Mỹ Hóa, Thanh Hoá, và trong thế bức quá, Bà đã tự sát .

Đúng như lời Bà đã từng tuyên bố, thà tự sát chứ không chịu hàng giặc để làm tôi đòi (Sách đã trích dẫn, trang 20)

* VUA LÊ ĐẠI HÀNH

Vua Lê Đại Hành không những là một anh quân thiện về binh bị, mà còn là một nhà chính trị giỏi về ngoại giao. Khi cương thì tấn công giặc như làm tan quân Tống xâm lăng, bắt được hai chủ tướng Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng.

Nước ta thắng quân Tống về binh bị, nhưng Vua Lê Đại Hànnh, vốn là người ưa dùng nhu về ngoại giao theo cách đối xử mà dân ta đã áp dụng đối với cây Cột Đồng Trụ thời Mã Viện, nên đã sai Sứ đem hai tướng đã bắt được Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng trả lại cho Nhà Tống và xin giao hảo. Bị thất trận nên vua Nhà Tống không hống hách nữa. Nên lưu ý là khi nhận chiếu, Vua Lê Đại Hành đã không nghiêng mình lậy, lấy cớ khi chiến tranh bị ngã ngựa đau chân không nghiêng mình được. Vua Tống biết kiểu khước từ nghiêng mình đó, nhưng không thể bắt bẻ. (Sách đã trích dẫn, trang 42)

LÝ THƯỜNG KIỆT

Danh tướng  LÝ THƯỜNG KIỆT là người giỏi về binh bị, về tâm lý chiến và là vị tướng duy nhất đánh sang nước Tầu để bảo vệ bờ cõi Việt Nam, nghĩa là vị danh tướng này đã áp dụng chiến thuật  BẢO VỆ bằng TẤN CÔNG.

Thời Tống Nhân Tông, Tầu lại quyết định mang quân sang chiếm nước ta. Trước thái độ quyết liệt xâm chiếm nước ta, Lý Thường Kiệt và Tôn Đản được vua ta giao trọng trách chống đỡ. Chương trình chống đỡ của Lý Thường Kiệt như sau : 1) Phá hủy trước các kho dự trữ binh khí và lương thực trên chính đất địch ; 2) Chuẩn bị phòng vệ trên Lãnh thổ nước ta nơi các yếu điểm.

Thực hiện chương trình phòng thủ này, Lý Thường Kiệt  thống lãnh thủy quân đánh vào ven bể Quảng Châu, hạ được Châu Khâm , chiếm Châu Liêm. Tô Đản thống lãnh lục quân tiến lên bao vây thành Ung Châu

Thủy quân và Lục quân hợp lại lấy xong Ung Châu. Cùng lùc ấy, Lý Thường Kiệt hay tin quân Tống do Quách Quỳ và Triệu Tiết mang đại binh sang xâm chiếm nước ta. Lý Thường Kiệt và Tôn Đản thần tốc mang Thuỷ quân và Lục quân về Việt Nam bảo vệ Lãnh thổ.

Sau khi thắng được quân Tống trên đất nhà, Vua ta lại dùng mềm giẻo ngoại giao đối với Tống triều, sai Sứ sang trả lại binh sĩ đã bắt sống được để làm quà, đồng thời còn cống voi cho nhà Tống.

Mềm dẻo sử dụng ngoại giao, nhưng nhất định không hèn hạ nhận sự thống trị hay mất một tấc đất. (Sác đã trưng dẫn trang 49

TỪ THỜI NHÀ TRẦN & LÊ (thịnh)

Từ thời Nhà Trần & Lê (thịnh), Vua, Quan, Dân (Diên Hồng) lấy cương mà thắng giặc. Vua và các Tướng đã đưa ra những lời trừng phạt năng nề đối với những kẻ hàng giặc, mưu mô đưa giặc vào lãnh thổ.

Lời Di Chúc của Vua Trần Nhân Tôn :

“Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Tàu Hán. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta .Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:

“Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu.“
Áp dụng hậu thế: CSVN đang bán từng hòn đảo, đã nhường cho Tầu những mảng đất liền từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu như hình da báo

Hưng Đạo Vương TRẦN QUỐC TUẤN đã viết để cảnh cáo những người có trách nhiệm mà phản bội cần phải loại trừ:

“Nay các ngươi… trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức,…Chẳng những ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mải.“

Áp dụng hậu thế: CSVN hầu giặc Tầu mà không biết tức, không biết hổ thẹn sao ?

Lời của vua Lê Thánh Tôn đã nói như sau:

..  Một thước núi, một tấc đất của ta lẽ nào lại tự liệu vất bỏ được !  Kẻ nào dám đem một thước núi, một tấc đất của Tổ Tiên giống nòi để làm mồi cho giặc thì kẻ đó phải bị trừng trị nặng !.

Áp dụng hậu thế : Phải trừng trị nặng đảng CSVN bán đất liền và biển đảo
Trần Ích Tắc là một hàng tướng trong cuộc chiến chống quân Nguyên. Sau này quân Nguyên lợi dụng như một cái cớ sang xâm chiếm nước ta lần thứ hai. Dầu vậy Trần Ích Tắc cũng đã bị trừng phạt. Mạc Đăng Dung là một HÈN TƯỚNG, không những phản quốc đem đất đai và sổ dân dâng cho Tầu, mà còn HÈN HẠ tự buộc dây vào cổ như chó má súc vật, đi chân đất đến phủ phục dâng đất và dân cho một quan nhà Minh. Tội bán nước Trời không  tha, Đất không dung, mà còn trở nên HÈN HẠ như chó má súc vật làm mất thể diện một Dân Tộc.


Giáo sư Tiến sĩ 
NGUYỄN PHÚC LIÊN 


Saturday, March 26, 2016

Bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama
ở thủ đô Havana


Sau đây là một vài trích-đoạn từ bài diễn-văn của tổng-thống Obama tại Gran Teatro, Havana, Cuba, dưới sự chứng-kiến của tổng-thống Raul Castro và khoảng một ngàn khách tham-dự. Bài nói chuyện cũng đã được phát-hình trực-tiếp trên các đài truyền-thông tại Cuba vào ngày hôm qua 22-3-2016.


“Kính thưa quý vị,

TT Obama phát biểu ở Cuba. Nguồn: internet
Havana chỉ cách Florida có 90 dặm. Vậy mà để đến được đây chúng ta đã phải đi qua một chặng đường quá dài, phải vượt qua bao nhiêu rào cản của lịch-sử, của đau thương, và của ly-biệt…

Biết bao nhiêu trăm ngàn người di dân Cuban đã tìm cách vượt qua khoảng không-gian ngắn ngủi này–bằng phi-cơ hay trên những chiếc bè tự-chế, để đến được bến bờ của tự-do và cơ-hội, bỏ lại sau lưng bao nhiêu tài-sản cũng như bao nhiêu người thân…

Hôm nay tôi đến đây để chôn những di-vật cuối cùng của cuộc Chiến-Tranh Lạnh. Tôi đến đây để bắt tay và kết bạn với người dân Cuba…

Nhưng chúng ta không thể, và không nên, bỏ qua những dị-biệt giữa hai thể-chế, hai nền kinh-tế và hai xã-hội. Cuba là một chế-độ độc-đảng, Hoa-Kỳ là một nền dân-chủ đa-nguyên. Mô-hình kinh-tế của Cuba là xã-hội chủ-nghĩa, của Hoa-Kỳ là thị-trường mở. Cuba nhấn mạnh vai trò và quyền-lực của nhà nước, Hoa-Kỳ được xây-dựng trên tư-quyền của cá-nhân…

Tôi xác-minh rằng Hoa-Kỳ không đủ sức và cũng không muốn ép Cuba phải thay đổi. Cuba có thay đổi hay không, điều đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý muốn của người dân Cuba…

Chúng tôi thừa hiểu rằng mỗi dân-tộc phải tự vẽ ra con đường cho chính mình. Nhưng vì chúng ta vừa thoát ra khỏi cái bóng đè của lịch-sử nên tôi xin phép được thẳng-thắn chia sẻ với quý vị những suy nghĩ của mình, cũng như của nhân-dân Hoa-kỳ nói chung….

Thi-sĩ Jose Marti của Cuba từng viết: “Tự-Do là quyền được sống thật, được suy nghĩ và phát-ngôn mà không cần phải ra vẻ đạo-đức giả.” Thế nên tôi cũng xin nói với các bạn những điều tôi hằng tin. Tôi không cần các bạn phải đồng-ý, nhưng các bạn cần biết tôi tin những gì.

Tôi tin rằng tất cả mọi người đều bình-đẳng trước pháp-luật. Tôi tin rằng nhân-phẩm của trẻ em phải được bảo-vệ bằng giáo-dục và y-tế, bằng cách cho chúng cơm ăn áo mặc và nhà cửa tử-tế. Tôi tin rằng mọi công-dân đều có quyền phát-biểu ý-kiến mà không sợ bị bắt-bớ. Ai cũng có quyền lập-hội, quyền chỉ-trích nhà nước, và quyền phản-đối trong ôn-hoà. Tôi tin rằng pháp-luật không được phép bỏ tù người dân khi họ sử-dụng những quyền căn-bản này. Tất cả mọi người đều phải có quyền tự-do tín-ngưỡng. Và dĩ-nhiên tôi cũng tin rằng mọi cử-tri phải được quyền chọn người đại-diện chính-phủ cho mình qua những cuộc bầu-cử tự-do và dân-chủ.

Không phải ai cũng đồng-ý với tôi hay với người dân Mỹ về những điểm này. Nhưng tôi tin rằng các nhân-quyền nói trên áp-dụng cho tất cả mọi người. Nó đúng cho dân Mỹ, cho dân Cuba, và cho tất cả mọi dân-tộc khác trên thế-giới…

Vì vậy, đây là thông-điệp tôi muốn nhắn gửi đến nhà nước cũng như nhân-dân Cuba:
Những lý-tưởng cách-mạng–của Hoa-Kỳ, của Cuba, của bao cuộc nổi dậy khác trên thế-giới, tôi tin rằng chỉ thật sự có ý-nghĩa khi chúng được đặt trên nền-tảng dân-chủ. Tôi tin như vậy không phải vì nền dân-chủ của nước Mỹ là toàn-hảo, mà bởi vì nó KHÔNG toàn-hảo. Đất nước chúng tôi, cũng như bao quốc-gia khác, cần không-gian rộng lớn của dân-chủ để tự điều-chỉnh. Bất cứ người dân nào cũng có thể là nhân-tố cho sự thay đổi, đưa ra những ý-tưởng mới, sáng-lập những mô-hình xã-hội tốt đẹp hơn. Ngay lúc này và ngay trong nước Cuba, một sự tiến-hoá cũng đang ngầm xảy ra; một thế-hệ người dân Cuban mới đang thành-hình…

Có người nghĩ rằng tôi đến đây để kêu gọi người dân đập đổ một cái gì đó. Nhưng sự thật là tôi muốn kêu gọi thanh-niên Cuba hãy kéo nhau đứng lên để xây-dựng một cái gì đó.
Tôi hết sức cảm tạ tấm thịnh-tình của tổng-thống Castro. Tôi tin rằng việc tôi đứng đây hôm nay chứng-tỏ ông không có gì để phải lo sợ từ phía Hoa-kỳ.

Với lòng quyết-tâm bảo-vệ chủ-quyền và sự tự-trị của Cuba, ông cũng không cần sợ tiếng nói đa-chiều của dân-chúng hay lo-lắng khi họ được quyền phát-ngôn, tụ tập hoặc bầu chọn người lãnh-đạo…
Tôi cũng có nhiều kỳ-vọng cho tương-lai bởi vì giữa người Cuban với nhau đang xảy ra một cuộc hoà-hợp hoà-giải. Tôi biết nhiều người Cuban trên đảo vẫn cho rằng những kẻ bỏ xứ ra đi năm xưa vẫn còn ủng-hộ chế-độ cũ. Tôi nghĩ họ cứ tin là những người di-dân kia đã không nhìn thấy những tệ-nạn xã-hội thời tiền-cách-mạng và không chấp-nhận cuộc đấu-tranh để xây dựng một tương-lai mới.

Nhưng tôi có thể xác-định với quý vị rằng những người di-dân kia đang cưu-mang bao nhiêu ký-ức đau thương của những cuộc cách-ly đầy máu và nước mắt. Họ yêu Cuba, và một phần của họ luôn luôn xem nơi đây là chốn quê nhà. Chính vì vậy mà nỗi đau của họ rất sâu, và không ít người đã trở nên quá khích. Riêng đối với cộng-đồng người Cuba mà tôi được dịp gặp-gỡ và tiếp-xúc, đây không phải chỉ là một vấn-đề chính-trị mà còn là chuyện gia-đình. Họ nhớ đến căn nhà cũ, họ mơ được quay về nối lại mối thâm-tình bị đổ vỡ. Họ mong được gầy dựng một ngày mai sáng sủa hơn. Họ đặt niềm tin vào sự kết-hợp và hoà-giải dân-tộc….

Những người Cuba đầu tiên tôi được biết là những người di-dân đầy nhiệt-huyết và tài-năng ở Mỹ. Ngoài sự đau khổ tinh-thần của kẻ biệt-xứ họ còn phải chịu đựng biết bao điều khốn-khó ở một đất nước xa lạ. Họ đã phải làm việc cật-lực để mưu-sinh và để cho con cái mình có cơ-hội vươn lên trong xã-hội Mỹ. Bởi thế cho nên việc hoà-hợp hoà-giải giữa các thế-hệ con cháu của những người cách-mạng và con cháu những thế-hệ di-dân sẽ là nền tảng cho tương-lai của Cuba.

Lịch-sử giữa Hoa-Kỳ và Cuba có cách-mạng, chiến-tranh, đấu-tranh, hy-sinh, ân-oán, và bây giờ là hoà-giải. Đã đến lúc chúng ta bỏ quá khứ lại sau lưng. Đã đến lúc chúng ta cùng quay hướng nhìn về tương-lai. Đây chắc chắn không phải là việc dễ và sẽ có lúc chúng ta gặp phải chướng-ngại. Công việc này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời-gian. Tuy nhiên, những ngày ở Cuba vừa qua cho phép tôi đặt niềm tin và hy-vọng vào nhân-dân Cuba. Chúng ta có thể đồng-hành như bạn, như láng giềng, và như người thân trong gia-đình.

Si se puede. Mucho gracias. Thank you.”

(transl. by ianbui)

Thursday, March 24, 2016

Hẹn Một Mùa Xuân


Tôi sẽ về khi mùa Xuân đơm hoa trước ngõ
Để em gái nhỏ mắt thơ ngây
Tóc thôi biếng chảy vì đợi chờ
Quán Nhạc Vàng's photo.Đêm yên giấc ngủ, cơn mơ dỗ ngọt cho môi em mềm mùa xuân
Tôi sẽ về thăm lại dòng sông con phố cũ
Ngày xưa có lần chiến tranh qua
Những đôi mắt trẻ lệ nhạt nhòa
Xuân không pháo nổ, Xuân không áo màu
Không nụ cười đưa duyên
Bao năm chinh chiến gót mòn nẻo gần xa
Lòng vẫn mơ ngày quê hương nắng đẹp
Trẻ thơ vui tiếng cười
Xuân rộn ràng Xuân về nơi nơi
Tôi sẽ về đưa người yêu đi qua lối cũ
Nhặt hoa lót từng bước em đi
Nếu chân có mỏi vì đường dài
Xin yên giấc ngủ, đêm Xuân gió thoảng
Ru mộng tròn môi em.


Bài hát Hẹn Một Mùa Xuân của nhạc sĩ Đinh Việt Lang sáng tác năm 1969.
Một số người thường quen gọi bài hát này là Tôi Sẽ Về, và cũng nhiều người nhầm lẫn đây là sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương hoặc của nhạc sĩ Tiến Đạt (Mạnh Phát). Thực tế bài hát này của nhạc sĩ Đinh Việt Lang, 1 nhạc sĩ đã nổi tiếng từ thời tiền chiến với bài hát Lạnh Lùng, tuy nhiên ông sáng tác rất ít. Một sáng tác nổi danh khác của ông là Nửa Linh Hồn Sầu.

- Duy Khánh hát trước 1975: https://www.youtube.com/watch?v=x6NxfWREKSs
- Tuấn Vũ hát sau 1975: https://www.youtube.com/watch?v=StAasWcMyuI
- Băng Tâm, Huỳnh Phi Tiễn   https://www.youtube.com/watch?v=vA_ah29cdZU 


@quannhacvang

Sunday, March 20, 2016

CƯỚI VỢ TRẺ 
 

Vợ ông Thuận sau cơn bạo bệnh đã mất cách nay hơn 10 năm. Các con trai và gái của ông bà đều lớn cả và có gia đình nên ông ở chỉ có một mình. Từ ngày vợ mất, ông đã ngoài 65 nhưng vẫn còn tráng kiện và khoẻ mạnh.

Cái tin ông về VN mấy lần, khá tốn kém để cưới vợ qua Mỹ làm chấn động cả một thị trấn nhỏ, hơi có tin lành dữ gì là ai cũng biết. Dĩ nhiên đâu có ai có thiện cảm với một ông lão 75 tuổi về VN cưới 1 cô gái trẻ đẹp mới ngoài 20 chỉ đáng tuổi con cháu chắt. Đúng là trâu già thích gặm cỏ non!

Ra phi trường đón cô gái trẻ ấy chỉ có một mình ông. Tất cả con cháu, họ hàng không có một người nào. Thái độ đó ông thừa hiểu là họ phản đối!

Giấy tờ hợp lệ, hôn thú hẳn hoi, ông đưa cô về nhà.

Đêm đầu tiên cô gái cơm nước xong, tắm rửa sạch sẽ, ngồi coi tivi, cô chưa biết tiếng Anh nên ông mở mấy băng Paris By Night, Asia.. cho cô coi. Khuya, ông chỉ tay vào một căn phòng và nói:
- Đó là phòng riêng của Hằng, tất cả đồ đạc có đầy đủ, Hằng cứ tự nhiên.

Nói xong, ông đứng lên đi vào phòng của ông.
Cô gái hơi ngạc nhiên nhưng chỉ nghĩ là bên Mỹ vợ chồng ngủ riêng mỗi người một phòng, khi nào cần làm "chuyện ấy" thì mới...mò sang! Hix!

Nhưng cả tháng sau cô chờ hoài mà vẫn không nghe tiếng ông gõ cửa hay có thái độ nào khác!
Sau khi hoàn tất mọi thủ tục bổ sung để làm giấy tờ như thẻ SS (Social Security), thẻ ID, permanent resident card (thẻ xanh thường trú nhân)... Ông nói nhẹ nhàng nhưng nghiêm trang với cô:
- Từ mai tôi sẽ chở Hằng đi học ESL, sau một thời gian, sẽ đăng ký học tiếp ở college, Hằng phải cố mà học, tôi không sống mãi mà bảo bọc cho cô được đâu.

Ở cái xứ sở này, đâu ai để ý ai, đâu ai biết, đó là vợ chồng hay cha con, chỉ thấy ngày ngày ông chở cô đi và đón cô về, ân cần thăm hỏi động viên học hành.
Cô chỉ biết vâng dạ.

Những đêm xa nhà, xa quê hương một mình nơi đất khách quê người, người ta mới hiểu thế nào là cô đơn cực kỳ, là cần hơi ấm người đồng hương, là thèm một tiếng nói dù là tiếng nói của một ông già. Nhiều lần cô lưỡng lự, muốn qua gõ cửa phòng vào nói chuyện với ông nhưng rồi lại thôi.

Một năm thấm thoát trôi qua. Cô còn trẻ lại khá thông minh nên tiến bộ trông thấy, cô apply vào trường college và vượt qua các test để vào ngành y tá.

Ngày cô đi thi quốc tịch cũng là ngày ông mừng ra mặt khi cô báo tin đã pass (đậu).

Rồi ông đốc thúc cô nhanh chóng bảo lãnh cha mẹ qua Mỹ! Cô còn đi học nên tất cả mọi chi phí ông đều đài thọ.

Ba năm sau cô và ông ra đón cha mẹ cô và đứa em nhỏ dưới 21 tuổi. Từ xa, bố vợ của ông tách khỏi gia đình, chạy lại ôm chầm lấy ông, mắt đã nhoè lệ và kêu lên sung sướng:
- Ông Thầy!

Thì ra ông Thuận nguyên là sĩ quan Tiểu đoàn trưởng, thuộc Trung đoàn 50, Sư đoàn 25 Bộ binh VNCH. Còn "ông bố vợ", bố của Hằng nguyên là một Trung sĩ, thuộc cấp của ông.

Hai thầy trò ôm nhau mừng mừng tủi tủi.

Chỉ đến khi ông và Hằng ra toà ly dị các con ông mới vỡ lẽ. Họ biết là họ đã sai lầm.

Ngày xưa sau 1975, lúc ông phải đi tù cải tạo, người lính thuộc cấp ấy đã phải đạp xích lô nuôi gia đình bữa no bữa đói mà vẫn chia sẻ giúp đỡ gia đình ông dù chỉ là những đồng tiền khiêm tốn. Những lần vợ ông đi thăm nuôi gần như là toàn bộ đồ dùng người thuộc cấp mua cho ông.

*****
Ông bùi ngùi nói với tôi:
- Chú Hòa biết không, những ngày trong trại cải tạo, là những ngày đói triền miên, đói vô tận, đói mờ mắt, đói run chân thì 1 cân đường, 1 kg chà bông, 1 bịch đậu phọng, vài viên thuốc qúy... hơn vàng nhưng những thứ đấy vẫn không qúy bằng cái tình nghiã mà người lính dành cho mình. Chính cái tình nghiã ấy cho tôi niềm tin và hy vọng.

Khi qua Mỹ, tôi được tin gia đình chú ấy kiệt quệ, đau bệnh liên miên, tiếp tế vài ba trăm cũng chỉ nuôi được mấy tuần, nên tôi đành phải bàn ... làm rể "giả" của chú ấy. (Ông hóm hỉnh khi nói câu này)

*****
Tôi hiểu câu chuyện, thì ra ông về VN "giả" cưới cô Hằng là để đền ơn người thuộc cấp đã cưu mang giúp đỡ ông và gia đình sau 1975.

Nhưng tôi vẫn còn thắc mắc:
- Thế sao cô Hằng không biết chú là cấp chỉ huy của ba cô ấy?

Ông mỉm cười:
- Đám cưới giả mà, phải giữ bí mật chứ, chỉ có 2 người biết là tôi và người lính ấy.

Tôi nhắp ngụm bia, bỗng nảy ra ý tưởng, tôi nói:
- Chuyện của chú cháu đưa lên... facebook được chứ?
- Tôi chỉ làm một việc rất bình thường. Sống có tình có nghiã là vui lắm rồi, cần gì òm ĩ...

Hằng và các con ông đang ngồi ăn uống vui vẻ, Hằng đứng dậy đi về phiá tôi và nói:
- Anh Hòa, anh cứ đưa lên Facebook cho em, coi như là lời cảm tạ người Bố thứ 2 của em vậy !

Tôi thấy mắt Hằng long lanh !

ĐNH
@vietpressusa

Saturday, March 19, 2016


"Nếu Ngoại giao thất bại, Quốc phòng sẽ nhảy vào"

The Washington Post ngày hôm nay 24/2 đưa tin, quan hệ Trung - Mỹ đã được thể hiện khá đầy đủ hôm Thứ Ba khi Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nói với Quốc hội Mỹ, Trung Quốc đang quân sự hóa rõ rệt Biển Đông.

Còn Ngoại trưởng John Kerry khẳng định, Mỹ chỉ có một chính sách đối ngoại trong khu vực, đó là tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán.

(Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, ảnh: Politico.)

Đô đốc Harry Harris nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, lên án Trung Quốc đang quân sự hóa rõ rệt Biển Đông với việc kéo tên lửa HQ-9 ra Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) và lắp đặt ra đa quân sự công suất lớn ở Châu Viên, Tư Nghĩa, Gạc Ma - Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Còn Ngoại trưởng John Kerry, trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Vương Nghị đã nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chỉ có một lập trường ở Biển Đông.
"Công việc của Lầu Năm Góc là sẽ hành động nếu như ngoại giao thất bại. Họ phải được chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào", ông John Kerry tuyên bố.

Tuy nhiên đến giờ này ông Vương Nghị vẫn tiếp tục luận điệu hung hăng, sai trái khi tuyên bố trong buổi họp báo với Ngoại trưởng Mỹ rằng: "Trung Quốc coi các đảo là lãnh thổ lịch sử của mình và có quyền duy trì toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải hợp pháp".
Nói rồi ông Nghị lại nhắc lại câu nói đầu môi chót lưỡi quen thuộc, nhưng Trung Quốc không bao giờ làm: "Chúng tôi cam kết giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán một cách hòa bình".
"Biển Đông không phải và không nên trở thành một vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc, mà nó cần được giải quyết trực tiếp giữa các bên trong khu vực. Chưa có bất kỳ vấn đề gì liên quan đến tự do hàng hải và không có tàu thương mại nào từng gặp vấn đề gì", ông Nghị tuyên bố.
"Chúng tôi không hy vọng nhìn thấy bất kỳ tàu do thám quân sự nào, hoặc các tàu khu trục mang tên lửa, hoặc máy bay ném bom chiến lược lại gần khu vực này", Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố.
Ông Nghị còn nhắc khéo Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ.

Với hành vi leo thang nghiêm trọng quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra hiện nay, Trung Quốc vẫn khăng khăng đòi "đàm phán tay đôi" với các bên yêu sách và gạt bỏ các cơ quan tài phán quốc tế.
Phải chăng cái ông Nghị nói là Trung Quốc "cam kết giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán một cách hòa bình" là một cách đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp đối phương, dùng vũ khí ép đối phương vào bàn đàm phán?

Mặt khác ông Nghị nói "không có vấn đề gì về tự do hàng hải ở Biển Đông", tại sao các tàu và máy bay Hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải, hàng không bên trong 12 hải lý ở Xu Bi, Vành Khăn, Tri Tôn theo đúng quy định Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cho phép, Bắc Kinh lại phản đối và vin cớ leo thang?

Tổng thống Barack Obama vẫn có thiện chí muốn giữ thể diện cho người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình khi nói rằng, ông sẽ chờ xem nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện cam kết ở Vườn Hồng tháng 9 năm ngoái ra sao. Ông Tập Cận Bình từng tuyên bố trước thế giới rằng,  Trung Quốc "không quân sự hóa Biển Đông".

Nhưng thực tế đã rõ mười mươi, bản thân ông chủ Nhà Trắng lẫn lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tính toán đến các phương án xấu hơn và có thể là xấu nhất, để buộc "một thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc" sẽ phải trả giá nếu không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan.

Xem ra Bắc Kinh vẫn không chịu ngừng những hành vi leo thang bành trướng. Dư luận mong mỏi, chờ đợi các giải pháp của Hoa Kỳ để buộc Trung Quốc phải trả giá ra sao, và cùng chung sức với Mỹ bảo vệ luật pháp, công lý ở Biển Đông, hòa bình và ổn định trong khu vực - PV.

Hồng Thủy