Saturday, October 3, 2009

Ngô Nhân Dụng


Thẹn nghìn thu rửa sạch lầu lầu

Ðoạn cuối bài Bình Ngô Ðại Cáo, một “bản tuyên ngôn độc lập” vào đầu thế kỷ 15 của nước ta, có hai câu, “Nền vạn thế xây nên chăn chắn - Thẹn nghìn thu rửa sạch lầu lầu” (Theo bản dịch trong Việt Nam Sử Lược; dịch sát nguyên văn là, 'Ðể mở nền thái bình vạn năm - Ðể rửa nỗi sỉ nhục ngàn đời'). Nỗi nhục ngàn thu nói đây là mối nhục bị nhà Minh đô hộ, bóc lột, nô lệ hóa; và tàn ác nhất là tịch thu hết sách sử, điển chương của nước ta đem về Kim Lăng để tính xóa sạch nền văn hóa Việt. May mắn là chế độ nhà Minh chỉ có 20 năm đã chấm dứt. Nếu chẳng may cuộc cai trị này kéo dài vài trăm năm thì không biết bây giờ còn tiếng nói Việt Nam, văn hóa Việt Nam nữa hay không. Nhưng mối nhục ngàn thu còn lâu dài hơn 20 năm thuộc Minh. Nước ta rất nhỏ nằm bên cạnh nước Trung Hoa quá lớn. Các vua chúa Trung Hoa từ hai ngàn năm trước vẫn coi Việt Nam chỉ là một nước phiên thuộc. Ngay cả khi dân ta đã giành được quyền tự chủ, vua nước Tầu vẫn gọi vua nước ta là An Nam Quốc Vương. Tên An Nam Ðô Hộ Phủ đặt ra khi nhà Ðường cai trị nước ta, họ vẫn dùng tên đó thì chúng ta vẫn còn nhớ một nỗi Thẹn Ngàn Thu. Rồi lâu lâu các vua quan bên Tầu vẫn đem quân qua “dạy cho một bài học,” như trong những năm 1408, 1788 và 1979, đó cũng là một “mối thẹn ngàn thu” cho người dân Việt.

Ðể rửa sạch mối nhục ngàn thu đó, ngay trong phần đầu Bình Ngô Ðại Cáo, Lê Thái Tổ đã tự gọi tên nước ta là “Ðại Việt,” trong tuyên cáo rõ ràng: “Duy ngã Ðại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang.” Ðó là một thái độ cứng rắn chứng tỏ tinh thần bất khuất không sợ hãi của Vua Lê và giới sĩ phu Việt Nam thời đó, mà Nguyễn Trãi là người tiêu biểu. Ngẩng mặt lên đối mặt với “thiên triều” mà không run sợ, đó là thái độ mà dân tộc Việt Nam đã lựa chọn.

Vì vậy, trong cả ngàn năm nay, người Việt Nam nào cũng ý thức là khi đối đãi với người Trung Quốc chúng ta phải giữ thể diện quốc gia. Trong văn học dân gian, từ Trạng nguyên thật Mạc Ðỉnh Chi, đến các nhân vật Trạng Quỳnh, Phi Lạc, được yêu mến, kính trọng vì họ biết bảo vệ danh dự của người Việt khi gặp người Hán. Nhưng người Việt Nam hiện nay có còn lo giữ thể diện khi giao thiệp với người Trung Hoa nữa hay không?

Tuần trước trong mục này có nhắc tới cuộc tranh giải vô địch Cờ Vua Phụ Nữ, mà bản tin trên một nhật báo ở Mỹ nói đấu thủ Việt Nam đã xin hòa với kỳ thủ Trung Quốc “một cách bất bình thường,” đã giúp cho đội tuyển Trung Quốc chiếm chức vô địch qua mặt Nga. Khi kể chuyện đó, chúng tôi tỏ ý không tin rằng phóng viên tờ báo đó nói đúng sự thật. Vì không lẽ lại có người Việt Nam đi bán độ giữa đấu trường quốc tế trong một giải thưởng quan trọng, một cách lộ liễu, có thể làm mất cả thể diện dân Việt Nam như vậy. Ðáng nhẽ thắng mà lại chịu hòa là gian dối, gian dối trước công chúng, gian dối đối với quốc gia mà mình là đại diện, gian dối đối với cả môn thể thao mà hàng trăm triệu người khắp thế giới say mê. Chúng tôi không tin có một kỳ thủ Việt Nam nào lại bán rẻ lương tâm như vậy.Nhưng một vị độc giả đã gửi cho chúng tôi hai địa chỉ mạng lưới để xác nhận câu chuyện trên. Chúng tôi xin cảm ơn người bạn quý đó, vì đã giải cho tôi một điều nghi hoặc. Một địa chỉ trên mạng lưới của dân đánh Cờ Vua ChessBaseNews.com xác nhận như bản tin trên báo New York Times, là ván cờ “xin hòa” đó rất khả nghi.

Bản tin ngày 14 Tháng Chín, năm 2009, của ChessBase tường thuật kết quả cuộc tranh giải tại thành phố Ngân Châu (YinXhou) tỉnh Chiết Giang. Ðội Trung Quốc về nhất, đội Việt Nam về hạng 10, tức là hạng chót. Trung Quốc chiếm huy chương vàng vì nhờ đã đấu huề với Việt Nam, vì thế đã hơn được đội Nga (huy chương bạc) nửa điểm, hơn đội Ukraine (huy chương đồng) một điểm rưỡi. Nếu thua Việt Nam một trận thôi, thì Trung Quốc sẽ đứng sau Nga. Vào đoạn chót của cuộc đấu, bài tường thuật của ChessBase News viết: “Ðội Trung Quốc đấu với Việt Nam, đội này đứng hạng chót nhưng có vẻ thắng thế trong hai bàn đối với đội đứng đầu. Tuy nhiên, cả hai ván cờ bỗng tự dưng được đồng ý thủ hòa, khiến người ta nghi ngờ có vụ bán độ - match fixing.”
(Hình bên:Thế cờ, khi kỳ thủ Bích Ngọc của Việt Nam xin huề, trong khi đang thắng thế kỳ thủ Hoàng Thiến của Trung Quốc.)

Xin dẫn nguyên văn như sau để phòng khi chúng tôi có thể dịch sai:

“In the final round the Chinese team played Vietnam, which was in last position but appeared to be winning two games against the leaders. However, both were suddenly agreed as drawn, which led to suspicion of match fixing.”

Mạng lưới của ChessBase cũng tường thuật nhận xét của Mark Crowther về các trận đấu trong vòng chót này.” Trung Quốc gặp Việt Nam trong vòng chót và huề 2- 2 nhưng đây là trận đấu gay go với những ván cờ kéo dài. Nhưng có những câu hỏi đặt ra phải chăng đây là những ván cờ đã được dàn xếp kết quả huề từ trước. Ðội Việt Nam có thế mạnh trong ván thứ nhất và đang thắng thế trong ván thứ tư vào lúc hai bên thỏa thuận thủ huề. Nhờ thế mà Trung Quốc qua mặt Nga sau trận huề này.” (Xin dẫn nguyên văn: Although there have now been questions asked as to whether the match was fixed as a draw in advance. Vietnam had a big advantage on board one and a winning advantage on board four when the draws were agreed.)

Quý vị yêu môn cờ Vua có thể vào mạng lưới trên để chính mình xét đoán. Vì trong đó có in cả diễn tiến trận đấu giữa cô Phạm Bích Ngọc và cô Huang Qian (tên viết chữ Hán, tra trong mạng lưới Bách Ðộ baidu.com thì tên có thể đọc theo lối Hán Việt là Hoàng Thiến; chữ Thiến cũng đọc là Tây, đọc là Thiến, phiên âm qian, khi gọi tên một loài cỏ).

Quý vị có thể theo dõi từng nước của hai đấu thủ suốt trận đấu này. Trong hình bàn cờ sau nước thứ 37 của cô Phạm Bích Ngọc, bên Trung Quốc còn 5 quân và Việt Nam còn 8 quân. Bài tường thuật trong ChessBase kể, “Sau khi cô gái Việt Nam đi nước 37.Bc5 thì cô đề nghị hòa, và tất nhiên (naturally) đối thủ Trung Hoa của cô chấp nhận.”

Có thể nào một kỳ thủ Việt Nam đã nhường cho đối thủ để giúp toàn đội Trung Quốc được được lãnh huy chương vàng hay không? Ðể các kỳ thủ người Việt Nam phán đoán, chúng tôi sẽ in lại bản là tường thuật từng nước cờ trong trận đấu Phạm Bích Ngọc - Hoàng Tây, lấy từ mạng lưới kể trên.

Nếu quả thật hai đội cờ Việt Nam và Trung Quốc đã dàn xếp trước, hai ông hay bà bí thư chi bộ đã gặp nhau để trao đổi (trao đổi gì không biết) rồi thỏa thuận để bắt các nữ kỳ thủ Việt Nam không được thắng các bạn người Trung Quốc, thì thật là đáng xấu hổ. Không phải chỉ xấu hổ vì âm mưu làm việc ám muội trong một sinh hoạt thể thao quốc tế, quan trên trông xuống người ta trông vào. Mà còn xấu hổ, nhục nhã vì người lãnh đạo đội cờ bắt các đoàn viên do mình kiểm soát phải chịu huề trong khi họ có cơ thắng, phải hy sinh danh tiếng cá nhân, cho một cái gì không biết. Một kỳ thủ, hay bất cứ đấu thủ thể thao nào khác, mà không chơi thẳng thắn, không đấu hết lòng, thì đáng khinh bỉ. Ðại diện một quốc gia mà làm như vậy thì nhục cả nước, một thứ “mối thẹn ngàn thu.”

Ai đã bắt kỳ một kỳ thủ Việt Nam phải nhường Trung Quốc? Họ có ý thức rằng làm như vậy là bị sỉ nhục không riêng đối với người Trung Hoa mà còn mang thêm“mối thẹn ngàn thu” trước cả thế giới loài người hay không? Dịch “mối thẹn ngàn thu” là dùng chữ nhẹ. Bản chữ Hán của Nguyễn Trãi viết là “thiên cổ vô cùng chi sỉ,” phải gọi là mối nhục vô cùng suốt cả ngàn năm. Giới lãnh đạo đảng CộngSản Việt Nam đã bắt dân của mình hy sinh những gì khi họ có những thỏa thuận ngầm với các đồng chí Trung Quốc trong các vụ Hoàng Sa, Trường Sa, khai thác Bô Xít?

Ðiều thú vị thấy trong bài tường thuật trên mạng ChessBase là cô Phạm Bích Ngọc đã đi một nước cờ thứ 37 trước khi cô đề nghị thủ huề. Tại sao cô Bích Ngọc không xin huề sau khi cô Hoàng Thiến đi nước thứ 36, cho nó tự nhiên? Như vậy các người quan sát chưa nhận thấy là cô Bích Ngọc thắng thế. Hoặc cô đợi tới sau nước thứ 38 của đối thủ hãy xin huề, cũng tự nhiên hơn. Tôi không rõ luật chơi cờ, nhưng hình như trong trận tranh giải này số nước cờ bị hạn chế ở nước thứ 40. Phải chăng cô Phạm Bích Ngọc chấp nhận tuân theo “sự lãnh đạo của đảng và nhà nước” mà chịu xin huề đối thủ, nhưng cô vẫn có niềm tự ái, muốn bảo vệ danh dự của mình, một kỳ thủ. Cô đi thêm một nước cờ rồi mới đề nghị huề, trước sự mừng rỡ của đối thủ. Ðể chứng tỏ cho mọi người thấy là cô đang ở thế mạnh, có thể thắng. Mà bao nhiêu quan sát viên quốc tế đã nhìn thấy như vậy. Hoàng Thiến chắc cũng thấy như vậy.

Cô Bích Ngọc đã chứng tỏ khả năng có thể thắng của mình, giữ lấy danh dự cá nhân của một nữ kỳ thủ. Mặc dầu cô chịu nép một bề để làm theo lệnh cấp trên! Quyết định xin huề đó nằm ngoài khả năng của cô, đó là một quyết định chính trị, do “đảng lãnh đạo.”

Cô Bích Ngọc phải là người có tài thật, giỏi thật, mới được đại diện cho nước Việt Nam đi tranh giải quốc tế. Người Việt Nam vẫn hãnh diện có những đứa con, đứa em tài giỏi như cô. Cô hoàn toàn không có trách nhiệm nào trong quyết định xin huề. Ðó là quyết định của đảng Cộng Sản Việt Nam. Họ đã bắt đầu xin huề ở Thành Ðô năm 1991, hơn 20 năm rồi. Bao đời tổng bí thư và thủ tướng đã xin huề từ đó tới nay. Nay mai nếu cô Bích Ngọc lên đài xác nhận rằng cô đã xin huề vì tự thấy không thắng được chứ không phải vì nhận lệnh trên, thì chúng ta cũng thông cảm. Có bao nhiêu người khác, đàn ông con trai và rất can đảm, nhưng có lúc cũng lên đài tự thú và xin khoan hồng!

Trong một xã hội sống bằng dối trá thì cứ đóng vai trò dối trá, chịu mặc áo giấy để sống với ma vậy! Nhưng đó không phải là lối ăn ở tốt đẹp nhất trong văn hóa Việt Nam, chúng ta không thể dạy cho lớp trẻ Việt sau này lối sống như thế. Ðó cũng không phải là lối sống, lối cư xử đẹp trong nền văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Pháp Quốc, Mỹ Quốc.

Cả một nền văn hóa đề cao tiết tháo, nêu gương chính trực, tín nghĩa, đã biến mất. Mấy thế hệ trẻ chỉ còn thấy những người chung quanh mặc áo giấy suốt ngày, trở thành một lối sống tự nhiên. Chúng ta nhìn biết đó là nhục, nhưng cũng biết thương những người phải chịu mặc áo giấy suốt đời. Nhưng dân tộc Việt Nam sẽ không chấp nhận lối sống gian dối, lươn lẹo đó nữa. Sẽ ngẩng đầu lên tự nhắc mình là một nước có văn hiến. Ðó là cách duy nhất để thẹn ngàn thu rửa sạch lầu lầu!

Sau đây là diễn tiến ván cờ nêu trong bài:

Pham Bich Ngoc (2145) - Huang Qian (2424) [A15]

2nd WTeam w Ningbo CHN (9), 11.09.2009

1.c4 Nf6 2.g3 g6 3.Bg2 d5 4.Nf3 Bg7 5.0-0 0-0 6.cxd5 Nxd5 7.Nc3 Nb6 8.d3 c6 9.Be3 h6 10.Qd2 Kh7 11.Rac1 N8d7 12.b4 Nd5 13.Nxd5 cxd5 14.Qc2 e5 15.Qc7 d4 16.Bd2 Nb6 17.Qxd8 Rxd8 18.Rc5 f6 19.Nh4 f5 20.f4 exf4 21.gxf4 Re8 22.Kf2 Re7 23.Rg1 Be6 24.Bh3 Bf7 25.Bxf5 gxf5 26.Nxf5 Bf6 27.Nxe7 Bxe7 28.Rc7 Nd5 29.Rxb7 Be6 30.e4 dxe3+ 31.Bxe3 Bc8 32.Bd4 h5 33.Rxe7+ Nxe7 34.Rg7+ Kh6 35.Rxe7 a6 36.Re8 Kg6

Ngô Nhân Dụng