Sunday, October 25, 2009

Tổng thống Ngô Đình Diệm


Tưởng niệm Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm
húy nhật 01-11 năm thứ 46 (1963-2009)




“ Tôi không phải là thần thánh,
tôi chỉ là một người bình thường,
tôi chỉ biết thức khuya, dậy sớm làm việc,
một lòng hiến dâng đời tôi cho đất nước và dân tộc.”
Ngô Đình Diệm
(1901-1963)

"Biên giới của thế giới tự do chạy dài từ Alaska đến sông Bến Hải"
Lời Tổng thống Ngô Đình Diệm,1961

Video President Diệm’s interview- NgoDinhDiem 3 - NgoDinhDiem 4

Trích các bài viết:

1.-Linh Mục An-tôn Trần Văn Kiệm-Nhà văn hóa, bạn vong niên của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm-Trần Vinh 2007. Nguồn vietcatholic.net

Đúng vào thời kì khai mở nền Cộng Hòa này, thầy Kiệm bỏ trường New York University để về nước.Đây là lúc chứng thực mối tình bạn thắm thiết giữa cụ Diệm và thầy Kiệm. Tục ngữ có câu: Giầu đổi bạn, sang đổi vợ. Cụ Diệm thì khác, nay đường đường là một vị nguyên thủ quốc gia, cụ vẫn không quên người bạn trẻ hồi còn bôn ba ở hải ngoại. Được tin thầy Kiệm đã về nước, cụ Diệm cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến tới Tiểu chủng viện Phát Diệm, Phú Nhuận, mời thầy vào Dinh Độc Lập. Tổng thống chỉ thị đón thầy Kiệm vào cổng chính, mở cả 2 cánh cửa. Các gia nhân đứng đón chào ngoài cổng đều mặc quốc phục, họ đưa thầy lên lầu phía trái, nơi Tổng thống cũng bận quốc phục đang ngồi. Nghi lễ đón bạn của Tổng thống bề ngoài xem ra rất trang trọng theo cổ tục, nhưng câu chuyện hàn huyên riêng tư giữa hai vị vẫn hoàn toàn thân mật không chút xã giao, khách sáo. Thầy Kiệm đã dám hỏi Tổng thống những câu hỏi hết sức riêng tư và nhậy cảm. Chẳng hạn như thầy hỏi Tổng thống tại sao truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, tại sao ‘giận’ Đức cha Lê Hữu Từ. Tổng thống trả lời: ‘Vì chính nhà vua muốn truất phế tôi sau khi tôi dẹp yên bọn theo Pháp phá hoại quốc gia và thành lập xong một chính phủ có đầy đủ sức hoạt động. Té ra nhà vua đã lợi dụng tôi như một con cờ thí nhận việc dọn đường phục bích mà thôi. Trước sau Hoàng thượng vẫn nuôi mộng một ngày sẽ trở lại Huế ngồi lên ngai cũ các vua Nguyễn. Tôi đã hứa khi được Hoàng đế mời về chấp chính thì mình sẽ vâng nghe các Thánh chỉ sáng suốt của Ngài. Nhưng Thánh chỉ đòi tôi rút lui vào lúc quốc sự còn ngổn ngang, thì nhất định là thiếu sáng suốt, làm sao tôi có thể phụng mệnh Thánh chỉ được’. Trả lời câu hỏi thứ hai của thầy Kiệm, Tổng thống nói: ‘Tôi đâu dám giận Đức Cha? Chỉ có Đức Cha giận tôi mà thôi. Khi tôi mời Ngài tránh nạn vào Nam, Ngài đã không chịu. Cha còn nhớ chăng? Cuối năm 1952, tôi có nhờ Cha biên thư cho Ngài mà căn dặn chấm dứt chương trình xây trường Louis Pasteur ở Hà Nội, để dùng tiền mua đất xây nhà ở Sài Gòn phòng biến. Ngài đã không nghe khiến cho địa phận Phát Diệm bây giờ lâm vào cảnh cơ cực ở vũng lầy Phú Nhuận. Tới giai đoạn Hiệp định Genève, tôi hết sức hô hào dân lành bỏ Bắc vào Nam, thì Ngài lại đòi tôi làm một việc mộng tưởng đầy máu xương, là giúp Ngài cố thủ tại Phát Diệm! Cha ơi! Tôi rất đau khổ vì mất một ông bạn cố tri, từng là ân nhân của tôi và cùng tôi xuất thân từ Quảng Trị ! Đọc tiếp : vietcatholic.net

2.-Quách Tòng Đức: Chín năm bên cạnh Tổng thống Ngô Đình Diệm-Lâm Lễ Trinh (2005) Nguồn : nguoivietboston.com

Một số sách vở và tài liệu đã nóí về cuộc đời chánh trị và riêng tư của TT Ngô Đình Diệm như một lãnh tụ chính trị cương trực, khí khái, chống cộng cố hữu (anti-communiste invétéré) cũng như bướng bỉnh với đế quốc, bất luận Pháp, Tàu hay Mỹ.(?) Theo ông Qúach Tòng Đức, TT Diệm có cái uy nghiêm riêng phát xuất từ một gương mặt phúc hậu, một tác phong cương nghị, một giọng Huế ấm áp, một lối nhìn thẳng vào người đối thoại. Một nốt ruồi đen thấy rỏ trên gò má dưới mắt trái của Tổng thống được các nhà tử vi xem như báo hiệu một số mạng nhiều buồn phiền và tang tóc. Ông không nặng lời hay gắt gỏng với cấp thừa hành, khi không vừa ý.

Sau cái bề ngoài trầm tỉnh, TT Diệm là một con người cuồng nhiệt, một hỏa diệm sơn, kiên trì trong mục đích, không nhân nhượng trên những đức tin căn bản. Trong chín năm làm việc tại Dinh, ông Đức cũng có dịp chứng kiến một ít trường hợp – vì lý do đặc biệt – Tổng thống thịnh nộ, quát tháo, đập bàn .. Những “trận bão” này, tuy nhiên, qua mau, Tổng thống tự kềm chế cấp thời vì bản tánh của ông bộc trực, không cố chấp, không thâm độc. Ông có thể độc thoại hàng giờ khi nói đến những đề tài mà ông nghiền ngẫm như chủ thuyết cộng sản, ấp chiến lược, khu trù mật, dinh điền, cải tổ hành chánh, hay văn hoá Khổng Mạnh. Mái tóc đen nhánh, dáng người thấp, chân đi hai hàng lạch bạch nhưng mau lẹ. Rất sùng đạo, xem lễ mỗi buổi sáng tại một phòng riêng trong Dinh, hoặc nhà nguyện Dòng Chúa Cứu thế. Trang phục màu trắng, cà vạt đen quanh năm, không thay đổi. Làm việc bất chấp giờ giấc, với nhịp độ làm các người thân cận mệt nhoài. Khi có vấn đề khẩn, ông cho mời nhân viên hữu trách vào Dinh để đàm đạo thâu đêm. Bằng không, ông đọc phúc trình, hồ sơ đến khuya, uống trà, hút thuốc nhưng không bao giờ hút hết phân nửa điếu thuốc.

TT Diệm kinh lý không biết mệt, có khi mỗi tuần đi suốt hai ba ngày, đến các tiền đồn hẻo lánh, làng Thượng xa xôi, xử dụng mọi phương tiện chuyên chở: máy bay, ghe, tàu, xe jeep, trực thăng…Ông không hùng hồn trước đám đông nhưng rất thoải mái và thân mật ở giữa những nhóm nhỏ, không quan cách.

Khi nhóm Hội đồng Nội các, Tổng thống Diệm thường ra ngoài chương trình ấn định, nếu tình cờ gặp một đề tài gây chú ý. Ông nói say mê, không đầu không đuôi, lắm khi không kết luận. Với tư cách thơ ký phiên họp, ông Quách Tòng Đức ghi mệt tay. Lúc bế mạc, các bộ trưởng thường phải nhờ ông Đức tóm tắt vì suốt chín năm trời làm việc bên cạnh Tổng thống, ông Đức đã quen và rút kinh nghiệm, tuy đôi lúc cũng đoán lầm.

TT Diệm sống rất nặng về lý tưởng. Con người Khổng giáo nghiêm khắc và Công giáo khổ hạnh nơi ông có những nhận xét lắm khi không sát thực tế. Ông thường nhắc rằng người cán bộ trung thành luôn luôn hy sinh vì đại cuộc mà không cần đến cơm áo, danh vọng và chức tước, một lời khen của lãnh tụ đủ gây mãn nguyện. Khổ nổi, không phải cán bộ nào cũng thánh thiện như thế. Cuộc binh biến năm 1963 là một sự cải chính xót xa. Sánh với Hồ Chí Minh, ông Diêm là một lãnh tụ đức độ, nhưng thiếu mưu lược.

Thú tiêu khiển của TT Diệm không nhiều vì thiếu giờ rảnh. Ông thích cởi ngựa trong vòng rào của Dinh Độc Lập trong những năm yên ổn. Ông sưu tập máy ảnh, thích chụp hình và rất vui khi nhận được một máy loại mới. Chủ tiệm chụp hình Hà Di thường được gọi vào Dinh về vấn đề chuyên môn. Tổng Thống ăn uống thanh đạm, thường bữa dùng tại ngay phòng ngủ, do ông già An và đại uý Nguyễn Bằng phục dịch, thực đơn ít khi thay đổi gồm có cơm vắt, muối mè, cá kho và rau. Tổng thống ít khi đau, lâu lâu cảm cúm, có bác sĩ Bùi Kiện Tín chăm sóc. Phòng nội dịch không đông nhân viên, do ông Tôn Thất Thiết phụ trách. Vấn đề tiền bạc riêng của Tổng thống thì giao trọn cho Chánh văn phòng đặc biệt Võ Văn Hải, ông Diệm không có nhu cầu lớn. Ông Hải, học trò cũ của Giám mục Ngô Đình Thục, tốt nghiệp Trường Khoa Học Chính trị Paris, cử nhân Hán Học, rể của cựu Thượng thơ Nguyễn Khoa Toàn, theo sát Tổng thống Diệm từ lúc còn bôn ba ở hải ngoại và được ông Diệm thương như con. Ông Hải chính là người được TT Diệm chỉ định ngày 11.11.1960 ra trước cổng Dinh Độc Lập tiếp xúc với các sĩ quan chỉ huy cuộc binh biến Nguyễn Chánh Thi - Vương Văn Đông để tìm hiểu yêu sách của họ. Tuy nhiên, ông Võ Văn Hải chống ông bà Nhu và bác sĩ Tuyến, giám đốc Sở Mật vụ và cũng không thích ông Cẩn.Đọc tiếp : nguoivietboston.com

3.-Pháo thủ Lê Châu Lộc nói chuyện về Tổng Thống Ngô Đình Diệm.LVT.Nguồn: depweekly.com

Trả lời câu hỏi do đâu Anh trở thành Sĩ quan Tùy viên của Tổng Thống Diệm, Anh Lộc kể: Chuyện bắt đầu từ khi Anh còn là trung úy, được đề cử tu nghiệp Pháo Binh tại Pháp quốc và Hoa Kỳ. Sau khi mãn khóa Pháo binh và làm Huấn luyện viên Pháo Binh cho các sĩ quan hiện dịch khóa 13 tại Fort Sill Hoa Kỳ, Trung úy Lộc được thuyên chuyển về Trường Đại Học Quân sự Sài Gòn với nhiệm vụ thu thập, soạn thảo, và phiên dịch các tài liệu liên quan đến Pháo binh để thành lập binh thư cho binh chủng này. Sau đó được thuyên chuyển về Liên Đội Pháo Binh thuộc Lữ Đoàn Phòng Vệ Tổng Thống Phủ và được lệnh trình diện Biệt Bộ Phủ Tổng Thống. Nơi đây đưa Anh đến trình diện Tổng Thống và đích thân Tổng Thống giao cho Anh công tác đi kiểm soát lại các địa mốc ranh giới Việt Miên Lào, từ Mỏ Vẹt Hậu Nghĩa cho đến Ashau Quảng Trị, so sánh chi tiết bản đồ và hiện thực, những chỗ thiếu thì thiết lập lại các mốc bằng ciment. Trong chương trình phát triển an ninh lãnh thổ, khi tiếp nhận các mật khu của Cộng sản để lại, Tổng Thống đã chỉ thị áp dụng kế hoạch “gắp gai bỏ vào bao tử” bằng cách thiết lập một số tỉnh mới tại những mật khu mà đối phương đã gài cán bộ ở lại cũng như chôn dấu quân dụng trước khi rút ra Bắc. Di một số dân có kinh nghiệm về Cộng sản vào đó, tăng thêm đường xá giao thông để dân chúng di chuyển luôn luôn, có sự hiện diện của dân chúng thì sự có mặt của đối phương sẽ ngày một giảm đi. Trung úy Lộc được trao trách nhiệm thám sát vị trí đặt thị xã cho các tỉnh mới thành lập như Phước Long, Quảng Đức, v.v. Đến tận nơi, chọn lựa, và đề nghị những vị trí thiết lập các cơ sở công quyền, doanh trại quân đội, đường xá trong khu vực, hầu phong tỏa, vô hiệu hóa, và hủy diệt các mật khu của đối phương còn tồn tại. Khi được chấp thuận Trung úy Lộc cùng với các bộ, ngành phóng vị trí, đường xá, v.v. Cũng trong thời gian này TT đã triệu tập một hội nghị gồm 7 Cụ học giả với sự có mặt của Tổng Thống Diệm suốt một ngày Chúa nhật tại dinh Độc lập để bàn và kiếm chữ đặt tên cho mấy tỉnh mới thành lập và thay đổi các tên tỉnh lỵ khAnh có ý nghĩa hay liên hoàn. Phục hồi ngũ Quảng tại miền Nam: Quảng Trị, Quảng Đức (là tên cũ của Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Nghĩa (kiêng tên Ngãi nên đọc nhái là Nghĩa). Bây giờ dùng tên Quảng Đức cho tỉnh mới thành lập giữa Lâm Đồng và Ban Mê Thuột, Quảng Tín chia bớt đất của Quảng Nam. Sau này mới biết tại sao Trung úy Lộc được gọi trình diện vì theo chỉ thị của Tổng thống, công việc cần một sĩ quan có sức khỏe, biết ngoại ngữ, và giỏi địa hình. Cuối năm 1959, nhân dịp có hai sĩ quan tùy viên được phép trở về đơn vị theo đơn xin, chính Tổng thống ra lệnh chọn “Anh sĩ quan đen đen ấy”, là Đại úy Pháo binh Lê Châu Lộc, làm Sĩ quan Tùy Viên cho Tổng Thống.

Mời bạn nghe thêm vài mẩu chuyện sau đây:

Về thói quen. -Tổng Thống có lối sống đơn giản của người độc thân, kê một giường ngủ ngay cạnh văn phòng, và Tổng Thống thường ngủ tại đó. Sáng sáng Tổng Thống tham dự thánh lễ.
Về tiền bạc. -Tiền lương hàng tháng của Tổng Thống thì Ô. Võ Văn Hải, Bí thư đặc biệt của Tổng Thống lĩnh tiền và giữ. Tiền này thường được chi dùng cho các dịch vụ như trả tiền cơm cho Tổng thống, bà bếp đi chợ nấu ăn cho Tổng Thống và các nhân viên như: Ô Hải, các SQ tùy viên có mặt, v.v., thêm 50 đồng/ngày, và là tiền ủy lạo mỗi khi đi công cán, tặng cho binh sĩ, đơn vị và dân nghèo.

-Về ăn uống. Thực đơn của bữa điểm tâm thường là cháo trắng, hột vịt muối hay cá kho và dưa món. Bữa trưa cũng chỉ là vài cái bắp luộc với tô nước trà bự rót nước nổi bọt, xong nghỉ ngơi độ nửa giờ. Buổi tối bữa ăn nhiều chuẩn bị hơn, cố nhiên là món miền Trung, họ hàng ở Huế vẫn thường gửi đồ ăn vào cho Tổng Thống như cá kho, … Bữa ăn tối nếu có người trong gia đình như các bà chị, Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục thì không khí vui vẻ hơn. Hôm nào buổi tối có dạ tiệc thết khách thì cố nhiên phải chuẩn bị thực đơn tương xứng, tuy nhiên vẫn có thức ăn thanh đạm riêng dành cho Tổng Thống được mang thêm ra.

Trang phục. -Quần áo của Tổng Thống do tiệm may Chya đường Lê Thánh Tôn phụ trách và cung cấp, hàng ngày Ông Ẩn lo quần áo. Không có khách thì mặc khăn đống áo dài. Nếu có khách thì Ông Ẩn nhắc và chuẩn bị cho Tổng Thống.

- Công việc. Mỗi sáng Tổng Thống nghe Sĩ quan Tùy viên trình đọc thời khóa biểu trong ngày. Bác sĩ Bùi Kiện Tín thăm hỏi tình trạng sức khỏe của Tổng Thống. Công việc thì do Ông Võ Văn Hải hay Ông Trần Sử trình, hay nếu quan trọng hơn thì chính Ông Phó Đổng lý Đoàn Thêm hay Ông Đổng lý Quách Tòng Đức, hay đích thân các Ông Bộ trưởng trình bầy. Tình hình Quân sự trong đêm là phần của Tham Mưu Biệt bộ.

-Vi hành. Tổng Thống thường hay ra lệnh đột ngột đi thăm dân cho biết sự tình, đến các chợ, chùa, nhà thờ xóm đạo để tự tìm hiểu tình hình. Có những chuyến thăm Đô Thành mà không có Đô Trưởng tháp tùng. Một lần năm 1962 sau cuộc bầu cử tổng thống lần thứ hai Tổng Thống thức dậy lúc 5 giờ sáng, gọi Anh Lê Châu Lộc và tỏ ý muốn đến thăm Chùa Ấn Quang để cám ơn quí vị trụ trì đã tham dự cuộc bầu cử vừa qua. Tổng Thống muốn cuộc đi thăm này “không chính thức, tự nhiên, đơn giản, và thân mật”. Tổng Thống muốn đi sớm để tránh nạn kẹt xe cho Đô Thành. Tổng Thống chỉ thị cho Lộc “Anh lái xe, một xe theo sau là đủ rồi”. Cố nhiên vì an ninh cho Tổng Thống, Đại úy Lộc phải chuẩn bị đầy đủ để bảo đảm an toàn cho Tổng Thống. Đoàn xe đến chùa có xe Cảnh sát Đô Thành đi đầu không đèn chớp, không còi hụ, tiếp theo là xe Tổng Thống, có Tham Mưu Biệt Bộ và Sĩ quan Tùy viên Lê Châu Lộc, sau cùng là xe hộ tống. Đến Chùa thì thấy các thầy đã xếp hàng nghênh đón hai bên từ cổng vào. Tổng Thống ngạc nhiên về sự tiếp đón này và vào trước cửa thiền viện ngỏ lời cám ơn, thăm hỏi các tăng ni hiện diện. Tổng Thống quan tâm đến việc đào tạo các cán bộ của đạo, muốn hệ thống hóa thành một tổ chức qui củ, phát triển hữu hiệu. Nhân dịp, hòa thượng Thích Quảng Liên đến chào Tổng Thống và cám ơn vì đã được Tổng Thống đặc biệt gửi đi học Tiến Sĩ Giáo dục tại Michigan State University. (Thượng tọa sau này làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Bồ Đề tại Cầu Ông Lãnh Sài Gòn). Một hòa thượng khác nói với Tổng Thống: ”Chúng tôi buồn Tổng Thống!. Tổng Thống quay lại hỏi:”Chuyện chi mà buồn”. Hòa thượng nói: Tổng Thống có tin vui mà không chia sẻ cho mọi người, chúng tôi còn biết năm 1959 Tổng Thống đã dành tiền thưởng 10.000.00 của Tổng Thống khi đoạt giải Massasay làm qùa tặng cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tổng Thống chậm rãi giải thích: ”Ừ, tôi đâu có dùng tiền nên biếu Đức Đạt Lai Lạt Ma xử dụng vào việc cần”. Có những việc Tổng Thống đã làm trong kín nhiệm, chính Tổng Thống muốn như vậy. Đọc tiếp : depweekly.com

Đọc thêm:
baovecovang.- vanbia
diendan tổng hợp