Monday, October 5, 2009

Người Việt hải ngoại


ĐÁM CƯỚI CÔ DÂU VIỆT CHÚ RỂ MỸ
Thời trước mỗi lần đám cưới con cái là một lần cha mẹ bận rộn, thời nay đã đơn giản nhiều. Cách nay hơn một năm, con gái tôi, lúc đó đang dạy học ở thủ đô Brasilia của nước Brasil, gọi điện thoại thông báo: “Ba, Matt sẽ đến gặp Ba để xin phép cho tụi con làm đám cưới.” Thế là chiều ngày thứ Sáu 19-9-08 tôi được hân hạnh lên phi trường San Francisco đón Matt, bạn trai của con tôi, và bố của Matt là ông Steve. Căn nhà nhỏ xíu nhưng lúc nào cũng bừa bộn của tôi lâu lắm mới được ông chủ nhà bỏ ra mấy ngày liền lau chùi dọn dẹp, khang trang sạch sẽ hẳn lên, sẵn sàng đón tiếp hai vị khách quý.
(Hình bên-Từ phải sang trái:Bố cô dâu(tác giả TĐT),cô dâu,chú rể,mẹ chú rể,ba chú rể)

Theo văn hóa Việt Nam, tôi nghĩ ông Steve sẽ đến ngỏ lời cùng tôi, nhưng con gái tôi giải thích: “Không phải đâu Ba, Matt sẽ nói chuyện với Ba, không phải ông Steve.” Sáng thứ Bảy 20-9-08 cha con Matt và tôi quần áo chỉnh tề bước vào căn phòng làm việc của tôi, nơi có ban thờ Phật và gia tiên. Matt trang trọng ngỏ lời xin phép tôi được hỏi con gái tôi làm vợ và đưa hai chai rượu, hai gói trà bọc giấy bóng kính màu đỏ. Tôi bày lễ vật lên ban thờ, thắp ba nén nhang khấn vái và bày cho Matt cũng khấn trước ban thờ. Ông Steve đi theo cho vui và để thêm phần long trọng thôi, ông đứng phía sau chứng kiến và chụp hình lưu niệm. Đó là lễ hỏi.

Một năm sau, thứ Bảy 19-9-09 là lễ cưới tại Hendersonville, North Carolina. Trước đám cưới một ngày là tiệc mừng dành riêng cho hai gia đình tại nhà riêng của ông bà xui gia của tôi ở Flat Rock. Trái với nhà tôi ở San Jose, căn nhà của ông Steve rất bự, hơn 4000 bộ vuông, nằm bên cạnh một sân golf, phía sau là cảnh rừng cây và thung lũng, đồi núi phía xa, rất yên tịnh. Vì đám cưới tổ chức ở xa nhà thân phụ cô dâu khoảng 3000 dặm, Matt và con gái tôi đã có sáng kiến mượn nhà ông bà Steve làm nơi lập ban thờ gia tiên họ Trần. Thế là ngay trong căn phòng khách rộng thênh thang của ông, ban thờ được thiết lập trên một kệ sách lớn, với đầy đủ tượng Phật, hình ảnh ông bà Nội, ông Ngoại, thân mẫu của cô dâu, bát nhang và hai cây nến đỏ.

Lễ gia tiên nhà cô dâu được tiến hành một cách nghiêm trang và cảm động. Thân phụ cô dâu thắp nhang khấn trước ban thờ, rồi đến lượt chú rể và cô dâu. Cảm động nhất là lúc một người dì của cô dâu thay mặt nhà gái trao tặng cô dâu các món nữ trang. Gia đình hai bên trang trọng chứng kiến.

Buổi tối hôm đó là tiệc mừng. Thực khách chừng khoảng gần 50 người, gồm thân nhân hai nhà và một số bạn thân của gia đình chú rể. Gia đình và bạn bè cô dâu có người đến từ Việt Nam, Dubai, Sydney, và San Jose. Sau tiệc là phần chúc tụng, cô dâu chú rể được mời ra ngồi trước lò sưởi, tất cả thực khách đứng ngồi chung quanh, ai muốn chúc gì thì đứng ra chúc. Thân phụ, chị của chú rể, và một số bạn bè của nhà trai lần lượt đứng ra chúc tụng và kể lại những kỷ niệm vui với chú rể. Phía nhà gái môt cậu em họ của cô dâu cũng kể một kỷ niệm vui khi còn bé làm cho mọi người đều cười rộ. Thằng nhỏ này là con út em trai của tôi, kỹ sư hàng không, từ nhỏ tới lớn sống ở Việt Nam, gần đây mới sang làm cho Cathay Pacific ở Dubai,vậy mà nói tiếng Anh còn hay hơn ông bố vợ ở Mỹ đã mấy chục năm.

Mặc dù nói tiếng Anh rất đúng giọng Mỹ… Tho, ông bố vợ cũng phải lên tiếng chúc mừng con gái và chàng rể. Ông kể lại chuyện sau:

“Cách đây một năm, Steve và Matt đến thăm tôi ở San Jose để hỏi Minh Tâm làm vợ. Trong lúc lái xe đưa hai người đi chơi, tôi có hỏi Matt một câu gì đó về đám cưới, Matt trả lời “Cái đó tùy Minh Tâm quyết định, Minh Tâm quyết định sao con cũng OK.” Steve ngồi nhắm mắt lim dim phía sau, tôi tưởng ông ấy ngủ, nhưng không phải, vừa nghe Matt nói ông ấy phát biểu liền: ‘Như vậy là đúng đó con, cứ thế mà làm, mày sẽ có một cuộc đời hạnh phúc dài dài…’ làm cho tôi thán phục và đồng ý với ông ấy quá xá! Thật là một ông bố chồng gương mẫu, một người cha lý tưởng, xứng đáng được mời làm giảng viên các lớp dự bị hôn nhân”!!

Ngày hôm sau, thứ Bảy 19-9-09, lễ cưới được tổ chức tại nhà thờ St. John in the Wilderness ở Hendersonville. Đây là một ngôi nhà thờ nhỏ, cổ kính, được xây dựng từ năm 1833, trước thời chiến tranh Nam Bắc. Cô dâu này giống tính bố (không thích trang điểm), hôm nay là ngày cưới cô cũng chỉ mặc bộ áo cưới màu trắng, trang điểm nhẹ, thật xinh. Chú rể, bố mẹ chồng, bố vợ, tất cả đều mặc đồ màu cà phê sữa theo ý muốn của cô dâu (đúng theo chủ trương của cha con chú rể: cái gì Minh Tâm quyết định là OK!)

Từ 4g45 cô dâu, chú rể, cha mẹ chú rể và các nhân vật quan trọng đã được đưa xuống đợi sẵn trong một chỗ khuất ở gần cửa chính nhà thờ, bên dưới gác chuông. Khách mời đã đến đông đủ, ngồi gần kín các hàng ghế bên trong nhà thờ. Đúng 5 giờ chiều, nhạc guitar sống trỗi lên, ông phụ lễ cầm cây trượng dẫn đầu đoàn rước dâu, theo sau là gia đình hai bên, rồi đến chú rể và phù rể, phù dâu… Mọi người im lặng hướng về cửa chính nhà thờ đón chờ cô dâu. Mặc dù đã được dặn trước khi nào đổi sang nhạc mừng cô dâu thì bắt đầu dẫn cô dâu đi, ông bố vợ vẫn đứng ỳ làm cho cô dâu phải nhắc “Đi! Ba” “Ba đi chậm chậm thôi, không phải đi hiking đâu!” Thì ra nhạc mừng là một bản nhạc Paraguay nhan đề “Julia Florida”của Augustín Barrios Mangoré chứ không phải bản nhạc chào mừng cô dâu quen thuộc trong các đám cưới Việt Nam! Sau cùng thì ông già sắp sửa được lên chức “Nhạc Phụ Đại Gia” cũng quên được bối rối trước hàng trăm con mắt, hiên ngang hớn hở cho con gái khoác tay đi giữa hai hàng ghế trong tiếng nhạc guitar êm đềm, rộn rã…

Phần cuối của lễ cưới do mục sư Alex Viola chủ xướng là lễ dâng trà. Đây cũng là ý kiến của cô dâu, lễ cưới Mỹ không có phần này. Cô phù dâu bưng khay và rót trà, cô dâu dâng trà cho bố mẹ chồng, sau đó đến lượt chú rể dâng trà cho bà Ngoại và bố của cô dâu.

Lễ cưới xong mọi người kéo nhau đi dự tiệc. Tiệc được tổ chức trong một quán trọ là một căn nhà cổ theo kiểu điền trang điển hình ở miền Nam: hàng cột trắng cao phía trước, nổi bật giữa một khoảng đất rộng đầy cây cối và bãi cỏ xanh mướt dưới ánh đèn xe. Ban nhạc sống chơi toàn nhạc Bluegrass là loại nhạc truyền thống Mỹ với âm hưởng của dân nhạc Ái Nhĩ Lan, Tô Cách Lan, và Tây Phi.

Gia đình chú rể mặc dù khác tôn giáo, đã tỏ ra hết sức trân trọng tôn giáo và văn hóa của gia đình cô dâu, không đòi hỏi cô dâu phải học đạo và theo đạo. Tóm lại đám cưới này không giống một số đám cưới Việt Nam mà thân phụ cô dâu đã nhiều lần được tham dự: không có chào bàn, không có MC, không có bạn bè lên ca hát, không có nhảy đầm, cô dâu không thay nhiều áo, chú rể không bị phục rượu, cô dâu chú rể không bị ép phải uống rượu chung, ăn bánh chung và hôn nhau…

Có lẽ chỉ có một điều giống: đó là con nhỏ cô dâu này cũng tỉ mỉ như hầu hết các cô dâu Việt Nam: tất cả mọi chi tiết, từ thiệp cưới, bản in chương trình đám cưới, đến các lễ nghi, âm nhạc, màu sắc, món ăn… tất cả đều phải do tự tay nó làm ra hoặc phải theo ý nó chọn lựa, sắp đặt.

Thằng rể này quả là trúng số rồi, tư cách nó đàng hoàng, cưới được vợ Việt Nam, nó sẽ có cuộc đời hạnh phúc dài dài!!

Trần Đình Tuấn

Nguồn Vtimes-San Jose Oct.02.2009