Tuesday, January 5, 2010

Phan Nghĩa


Vài Nhận Xét Công Quyền
Cộng Sản Việt Nam

Chế độ chính trị là sự tổ chức - điều hành - quản trị hoạt động của một quốc gia để quốc gia tồn vong và tiến đến mục tiêu mà đại đa số toàn dân của quốc gia đó mong ước. Cho đến bây giờ căn bản hợp lý tiến bộ nhất để làm nền tảng cho một chế độ chính trị là: dân chủ - pháp trị - tự do bình đẳng trong việc lựa chọn các chức vụ lãnh đạo đất nước. Nếu sự điều hành đất nước được đặt trên căn bản quyền lợi của một cá nhân, một giòng họ hay một đảng phái hoặc một tôn giáo thì đó là một chế độ chính trị độc tài và căn bản của chế độ loại này là đàn áp bóc lột với những tòa án vô pháp phi nhân và những nhà tù hà khắc man rợ, người dân sống trong sự kềm kẹp kiểm soát chặt chẽ, không có tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do lựa chọn người lãnh đạo đất nước.

Bộ máy giúp cho việc điều hành đất nước là tổ chức Hành Chánh, tất cả các đặc điểm của chế độ chính trị đều phản ánh đầy đủ ở hệ thống Hành Chánh của một quốc gia, bởi vậy nhìn vào sự hoạt động của guồng máy Hành Chánh là biết được chế độ chính trị của quốc gia đó thuộc loại nào.

Nếu với các quốc gia đã phát triển, vấn đề cải tiến hành chánh là cần thiết thì việc này là sự sống còn đối với các quốc gia đang phát triển. Guồng máy công vụ trì trệ, bất hợp lý, lạm dụng của công không những làm cho quốc gia giậm chân tại chỗ mà còn làm cho thế giới ngần ngại trong vấn đề viện trợ đầu tư. Từ ngữ “Redtape” trong tiếng Anh để chỉ sự quan liêu phiền hà, chậm trễ giải quyết của công sở rất gợi hình vì các hồ sơ lưu của cơ quan không bao giờ mở ra cả! Tại các quốc gia đang phát triển, sinh hoạt công quyền có một số đặc thù như sau:

Thủ Tục Hành Chánh Rườm Rà

Riggs, một hành chánh gia người Anh đã ví von sinh hoạt hành chánh của các nước đang phát triển mang tính chất rườm rà, lộn xộn như một chùm tia sáng đi qua lăng kính, làm cho nhiều người không biết khởi đầu ở đâu và kết thúc lúc nào khi tiến hành một thủ tục hành chánh phức tạp, tình trạng này không chỉ ở người dân mà ngay cả nhân viên công quyền nhiều khi cũng bị lạc vào nơi chốn “hỏa mù” rốt cuộc phải theo con đường chạy chọt đút lót để giải quyết vấn đề.

Ngoài ra cũng có trường hợp khó hiểu là hai, ba cơ quan cùng tranh giành để giải quyết một công việc hoặc không nơi nào nhận giải quyết một vấn đề quá rõ ràng là thuộc trách nhiệm của mình. Bởi vậy người dân (có điều kiện) khi cần giải quyết một công việc có liên quan đến Nhà Nước đành nhờ “cò” (nếu được) vì vừa nhẹ gánh vừa có kết quả nhanh.

Tình trạng rối nùi này nhiều khi không phải tự nhiên mà có, nó nảy sinh vì sự vô tình hay cố ý của các viên chức Nhà Nước.

Tính Thư bản Chủ Nghĩa (formalis)

Nền hành chánh của các nước đang phát triển thường ban hành nhiều các văn bản pháp lý. Cái hại của tình trạng này là ngay cả các viên chức Nhà Nước cũng bị chôn vùi trong đống văn bản đó, cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược là điều khó tránh khỏi.

Văn bản pháp lý quy định việc điều hành công vụ là tối cần thiết, nhưng phải biết cân nhắc là vấn đề nào cần ban hành bằng Luật, vấn đề nào cần ban hành bằng Sắc Lệnh, Nghị Ðịnh hoặc Thông Tư, mỗi hình thức văn kiện pháp lý có một mục đích và một hiệu quả khác nhau. Vì vậy không thể chấp nhận lãnh vực nào, vấn đề gì cũng đòi quy định bằng một đạo luật.

Ðặc tính của hình thức Thư Bản Chủ Nghĩa là tuy có nhiều văn bản pháp lý nhưng nội dung có lúc không được áp dụng hay áp dụng sai. Vì vậy khi nghiên cứu một quốc gia, không nên đánh giá qua hình thức và nội dung các văn bản pháp lý mà phải qua thực tế áp dụng - thi hành cùng với sự thông hiểu của giới chức công quyền cũng như của dân chúng.

Quyền Hành Và Lợi Lộc Vật Chất (tham nhũng)

Ðây là đặc tính nổi bật nhất ở nền hành chánh của các nước đang phát triển và là yếu tố quyết định sự bần cùng một quốc gia hay tan rã một chế độ. Vì vậy luật pháp ở các nước phát triển rất lưu ý và nghiêm cấm mọi sự tự ý ban phát quyền hành và lợi lộc một cách tùy tiện cho phe nhóm hay thân thuộc. Tham nhũng là nét đặc trưng của hệ thống Công Quyền ở các nước đang phát triển và điển hình ở các chế độ CS - Tất cả các chế độ CS trong đó có cả CSVN là sau khi thống trị đất nước, giới cầm quyền gián tiếp đồng ý cho mọi tầng lớp cán bộ từ cao xuống thấp tham nhũng, vơ vét của công cũng như tư. Giới chức cầm quyền của chế độ CS như một bầy hổ đói chia nhau giành giựt quyền lợi và tài sản của các vùng giàu có sau khi chiếm được bằng các hình thức như: đày ải giới tư sản (đi vùng kinh tế mới) để tịch thu của cải nhà cửa, đổi tiền (lấy bớt tài sản của dân chúng), hoặc dọa nạt để những người giàu có phải ký giấy hiến dâng tài sản. Sự tham nhũng được xem là lợi lộc ban phát cùng với sự phân chia quyền hành, có nghĩa tất cả đều có phần từ cấp cao đến cấp thấp miễn là cứ cúi đầu tận tụy phục vụ Ðảng, ngoại trừ một số cán bộ bất mãn phản kháng thì bị trù dập, khai trừ khỏi guồng máy cai trị hoặc tệ hại hơn là tìm mọi lý do để đẩy vào lao tù.

Thành Phần Nhân Sự Ðiều Hành Công Vụ

Ða số các công chức ở các quốc gia đang phát triển đều không được đào tạo đến nơi đến chốn, thiếu hẳn khả năng chuyên môn ngay ở cả lãnh vực mình phụ trách. Sự tuyển dụng thường không do thi tuyển công khai mà do gởi gắm hay hối lộ bè phái đề bạt nhau lên giữ chức vụ.

Trong việc điều hành công vụ, vì khả năng chuyên môn giới hạn, cấp lãnh đạo thường đưa ra những quyết định không phù hợp, hoặc quá cứng rắn, hoặc quá mềm dẻo làm cho nhân viên thừa hành khó thực hiện. Trên nguyên tắc một quyết định hành chánh được xem là tối hảo khi quyết định đó mang tính cách hợp pháp, hợp lý, hợp thời và khả thi, với một quyết định như vậy rất dễ áp dụng và được mọi người tuân phục

Ngoài tình trạng kể trên, lãnh vực công ở các nước đang phát triển còn phải gánh chịu hậu quả do việc cấp điều hành công vụ tự ý bóp méo luật phát để phục vụ cho ý định và quyết định của mình. Sự khởi động đi đến chỗ gây thiệt hại tài sản công chỉ có thể được ngưng lại khi có cơ quan tài phán Hành Chánh hay cơ quan Giám Sát Công Vụ với đầy đủ khả năng và tinh thần trách nhiệm lên tiếng.

Việc cải tổ hành chánh, cải tiến công vụ là vấn đề tất yếu nếu muốn đất nước phát triển, việc làm này cần được duy trì liên tục với sự chú tâm thực sự của cấp lãnh đạo. Sản phẩm do con người tạo ra, thành công hay thất bại đều do ở con người, bởi vậy mọi yếu tố khác liên quan đến lãnh vực công đều là phụ và chỉ có con người hành chánh mới là yếu tố quyết định. Một khi tập thể công chức còn có nhiều thành phần không đáng gọi là công chức thì việc cải tiến hành chánh chỉ là lâu đài xây trên cát. Trung Cộng đã mạnh dạn thải hồi 2 triệu viên chức hành chánh, có lẽ đây không phải là quyết định thiếu suy nghĩ.

Ðến nay thế giới đã bước qua thế kỷ 21, nhưng chế độ Cộng Sản vẫn khư khư cố giữ một hệ thống tổ chức công quyền mang tính độc tài phản dân chủ và cách điều hành việc nước còn tệ hại hơn cả các triều đại phong kiến trước đây. Nguyên nhân phát sinh hiện trạng này không ngoài lòng tham vô độ của đảng Cộng Sản là muốn độc quyền cai trị chứ không muốn chia xẻ hay thay đổi giới cầm quyền bằng phương cách dân chủ.

Ðể giúp cho sự độc tài đảng trị được bền vững, chế độ CS thường không chấp nhận các nguyên tắc:

- Quyền Tư Hữu đất đai (đây là quyền căn bản nhất của con người khi biết định canh - định cư).
- Tự do báo chí truyền thông và phát biểu ý kiến.
- Tự do Ðảng Phái và Ðối Lập chính trị.
- Bầu cử và ứng cử tự do.

Bởi vậy người ta gọi chế độ CS là chế độ “Chính Trị Chó Sói”, chế độ chính trị Chó Sói có các đặc điểm như sau (tương tự như sinh hoạt của bầy sói ở ngoài thiên nhiên):

- Kiên trì, dai dẳng bằng mọi thủ đoạn bạo lực cũng như ôn hòa, không từ bất cứ hành vi độc hiểm vô lương nào miễn sao chiếm được chính quyền và quyền lực.
- Sau khi chiếm được quyền hành và trở nên giai cấp thống trị, tập đoàn cai trị sẽ ra sức vơ vét của cải tài sản của dân chúng và củng cố giữ vững quyền hành của Ðảng bằng mọi giá, không chấp nhận sự phân chia hay thay đổi quyền lực bằng các phương thức dân chủ (bầu cử - ứng cử - Ðảng Ðối Lập) cho các thành phần khác ngoài Ðảng.
- Chỉ rời bỏ quyền hành khi bị một lực lượng đối nghịch mạnh hơn tiêu diệt (sói chỉ bỏ mồi khi thấy cọp hay sư tử đến). Bởi vậy quan niệm tranh đấu ôn hòa bất bạo động để làm cho chế độ CS thay đổi là một suy tưởng viễn vông.

Người Cộng Sản muốn tạo nên một giai cấp độc tôn lãnh đạo đất nước, có tính cách truyền kế chỉ thay đổi khi một cuộc phản kháng mạnh mà giới cầm quyền Cộng Sãn không đàn áp nổi (Ðông Âu - Liên Bang Sô Viết)

Trước đây đã có nhiều ý kiến cho rằng nên viện trợ nhiều để thúc đẩy kinh tế VN phát triển khi đó dân chủ từ từ sẽ đến, nên ủng hộ CSVN vào WTO, ký hiệp ước giao thương cởi mở với VN giúp VN hội nhập vào sinh hoạt của thế giới để giới cầm quyền CS mở mắt rồi sẽ thay đổi cách cai trị đất nước hợp tình, hợp lý, dân chủ hơn. Nhưng tất cả chỉ là ảo mộng, trước sau người CSVN vẫn cai trị đất nước một cách - rừng rú - đạo tặc- bất chấp mọi phản kháng từ trong cũng như ngoài nước.

Những đoàn người thấp cổ bé miệng đi kêu oan khiếu nại từ Sài Gòn đến Hà Nội về các quyết định hành chánh sai lạc trong việc quy hoạch - trưng dụng đất đai nhà cửa do đám cán bộ vô sản nay muốn hữu sản giàu có đã làm tan gia bại sản bao nhiêu gia đình nông dân mà tài sản cuối cùng của họ là miếng ruộng vườn nay cũng bị chính quyền CS tước đoạt.

Việc tổ chức và điều hành bộ máy công quyền của CSVN hiện nay không những phản dân chủ mà còn mang tính độc tài thiếu khoa học. Mọi thay đổi có tính cách quan trọng đều làm theo Trung Cộng mà các đánh giá gần đây cho rằng sự phát triển của Trung Cộng sẽ đi vào ngõ ngụt và kết quả sẽ là một sự bùng nổ thay đổi do tần lớp công nhân nông dân nghèo đói nổi dậy dưới sự điều khiển của thầnh phần quân đội - trí thức bất mãn.

Tại các nước CS quyền hành của Ðảng bao trùm bộ máy Công Quyền, mọi quyết định đều phải qua Ðảng mà Ðảng là Bộ Chính Trị và là hệ thống Ủy Viên Trung Ương và điều tâm niệm cũng như kim chỉ nam của những cán bộ trong 2 tổ chức này là bằng mọi giá phải giữ lâu dài sự cai trị của Ðảng bằng bất cứ thủ đoạn nào, kể cả những hành vi đê hèn thâm độc nhất nếu không là Tự sát.

Sự quản trị Hành Chánh Công Quyền của CSVN càng trở nên rối ben vì không chấp nhận sự phân quyền độc lập giữa 3 ngành Hành Pháp - Lập Pháp - Tư Pháp, các lãnh vực này dẫm chân lên nhau, nếu có ăn thì cũng nhảy vào giành giật nếu có trách nhiệm thì đùn đẩy bỏ mặc xem như chuyện xảy ra ở thế giới khác, rốt cuộc cái khổ lại trùm lên đầu người dân lương thiện không biết kêu vào đâu, kiện ở đâu!

Từ trước đến nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng trong hệ thống cầm quyền của CSVN, một số đảng viên này thuộc phe cấp tiến cởi mở, số khác thuộc giới bảo thủ, quan niệm này chỉ là ảo tưởng, thực tế không có loại cán bộ nào là cấp tiến cởi mở, mà mục tiêu chính của đảng viên CS là làm sao giữ mãi ngôi vị độc tôn của Ðảng trong việc cai trị đất nước, bằng mọi thủ đọan nắm chắc được việc điều khiển dân chúng, khủng bố đàn áp để đại đa số quần chúng khiếp sợ luôn luôn tuân phục không dám chống đối hay có ý kiến khác với ý kiến của Ðảng CS.

Cục diện chính trị tại VN chỉ có thể thay đổi khi đa số người dân ý thức được quyền lợi của mình, của tương lai con cháu - đất nước mình, và dám đứng lên phản kháng giai cấp CS thống trị, còn nếu không thì kiếp “trâu - ngựa” sẽ tồn tại mãi và lâu dần biết đâu nó quen đi và có thể một số người ngoại quốc thật thà bình dân sẽ nghĩ đó là “văn hóa VN”!

Trong thâm tâm mọi người dân VN không ai là không muốn có sự thay đổi chế độ chính trị tại VN, vì sau hơn 30 năm kể từ khi đảng CS lên nắm quyền đất nước VN càng ngày càng lún sâu vào: bất công - tham nhũng - bạo lực và nghèo đói, mọi tầng lớp dân chúng đã bị đầy ải bóc lột để cung phụng cho một tầng lớp thiểu số giàu có - quan chức ăn trên ngồi trốc điều hành đất nước một cách tùy tiện vô nguyên tắc, phá tán tài sản - đất đai quốc gia.

Vậy động lực nào để có sự thay đổi chính trị tại VN, lộ trình 9 điểm của BS Quế là con đường quá bằng phẳng trong tiến trình tạo sự đổi thay chính trị trong nước, với tư thế hiện nay của đảng CSVN thì lộ trình này chỉ có trên lý thuyết khó thành hình trong thực tế, lộ trình này chỉ có thể thực hiện một khi CSVN ở vào vị thế suy vi bị động hoàn toàn và phải tìm cách thương lượng để tồn tại. Ngoài ra những sự hòa giải hòa hợp - biểu tình phản kháng ôn hòa - cầu nguyện - ngoại quốc yêu cầu hoặc lên án chỉ là “nước đổ đầu vịt” đối với nhà cầm quyền CS, trong thời gian qua sự tranh đấu đòi hỏi tự do dân chủ cho dân VN chỉ là những bước “luân vũ tại chỗ”, mọi người đã bị Hà Nội chơi trò ú tìm để kéo dài thời gian cho “cứt trâu hóa bùn”, cứ bắt người này thả người kia, tranh đấu la ó rồi ăn mừng khi được thả, rốt cuộc chủ đích tự do - dân chủ vẫn xa vời vợi, 5-10 năm trôi qua mà cứ như mới khởi đầu, thật đáng thất vọng!

Bởi vậy muốn có sự thay đổi tại VN cái chính là làm thế nào để giới cầm quyền CS ở vào thế buộc phải chấp nhận sự thay đổi, hoặc từ bỏ quyền hành, tình trạng nay tương tự như ở Liên Sô và Ðông Âu trước đây, muốn có được thời cơ này thì người dân trong nước và hải ngoại phải tranh đấu mạnh hơn, quyết liệt hơn và tìm mọi cách chiêu hồi lực lượng Công An - Quân Ðội vì đây là 2 lực lượng nòng cốt, nếu mất 2 lực lượng này thì guồng mày cai trị của CS sẽ nhanh chóng tan rã.

Chúng ta đừng tin tưởng vào chính quyền Mỹ sẽ giúp để có sự đổi thay trong nước, qua lời tuyên bố của T.T. Bush khi gặp Nguyễn Tấn Dũng cũng như lời phát biểu của Ðại Sứ Mỹ ở VN MICHAEL MICHLAK (10/10/08) tại Nam California thì rõ ràng người Mỹ không muốn có sự thay đổi nhanh chóng chính trị tại VN như người dân VN mong ước, đôi lúc cảm thấy thật khôi hài khi một số người Việt mừng rỡ vì được giới cầm quyền hay T.T Mỹ mời đến hỏi ý kiến về tình hình chính trị tại VN trước khi có cuộc thăm viếng hay tiếp xúc giữa 2 nước Mỹ - Việt, rốt cuộc chẳng có cái gì gọi là tiến bộ trong việc dân chủ hóa tại VN mà nhiều khi còn làm cho mọi người thất vọng.

Ðối với chính quyền OBAMA thì vấn đề cũng không có gì nổi bật, ngoại trưởng Mỹ khi gặp ngoại trưởng CSVN đã hoàn toàn không đề cập gì đến vấn đề nhân quyền - dân chủ tại VN mà chỉ nói đến quan hệ hợp tác kinh tế và sự ổn định vùng biển Á Châu, điều này đã làm thất vọng rất nhiều người Việt có tâm huyết về sự tồn vong của tổ quốc. Có thể Mỹ sẽ thực sự nhúng tay vào khi vấn đề đã “ngã ngũ” và sự kiện này chỉ có thể thực hiện bởi người dân tại quốc nội.

Vấn đề cuối cùng, để tạo được thế mạnh của đồng bào hải ngoại hầu giúp sự tranh đấu của đồng bào trong nước tiến đến thành công thì cộng đồng VN tại các nước trên thế giới cần đoàn kết lại, riêng tại Hoa Kỳ cộng đồng người Việt cần thống nhất thành một tổ chức hoạt động có nguyên tắc có luật lệ, nếu vì địa lý quá rộng thì có thể phân thành 2 bộ phận: một bộ phận miền Ðông và một bộ phận miền Tây, nhưng 2 bộ phận này phải dưới một bộ phận duy nhất lãnh đạo. Cộng đồng chúng ta tại Hoa Kỳ rất mạnh nhưng còn chia rẻ và quá chú trọng đến các quyền lợi nhỏ đưa đến sự thiếu thực lực trong việc giúp 80 triệu dân VN sớm thoát khỏi bàn tay cai trị tàn bạo của CS.


Phan Nghĩa
Nguồn qghc.com