Trung Quốc kể chuyện Liên Xô
Bắc Kinh cho học tập lại về nguyên nhân tan rã: chỉ vì Gorbachev - và Mỹ
Liên Bang Xô Viết ra đời khi chế độ quân chủ của các Sa Hoàng chấm dứt từ cuộc cách mạng mùa Xuân năm 1917, tiếp theo là cuộc đảo chánh của đảng cộng sản vào mùa Thu 1917 để Lenin cướp chính quyền từ chế độ dân chủ non yếu vừa thành hình. Về sau, cuộc đảo chánh được gọi là “Cách Mạng Tháng Mười” - Tháng Mười Một theo lịch Gregorian của Tây phương.
Liên Xô tan rã từ cuộc đảo chánh hụt của phe bảo thủ cùng một số tướng lãnh vào Tháng Tám năm 1991, tiếp theo là hàng loạt quyết định giành lại độc lập của các nước Cộng Hòa, trước hết là nước Nga, khiến Mikhail Gorbachev giải tán cơ chế liên bang thống nhất và từ chức vào ngày Giáng Sinh, 25 Tháng Mười Hai năm 1991.
Nguyên nhân sâu xa của sự tan rã có thể nằm trong nhược điểm nội tại của chủ nghĩa cộng sản hơn là do nỗ lực cứu vãn bất thành của Gorbachev. Ngày nay, lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc phải giải quyết vấn đề lý luận đó. Họ mở chiến dịch học tập cho các đảng viên cao cấp để trút tội lên đầu Gorbachev, hầu cứu vãn chủ nghĩa cộng sản. Hồ Sơ Người Việt sẽ tìm hiểu chuyện này.
Quay lại phim cũ với nội dung mới
Vương Kỳ Sơn là nhân vật lãnh đạo quen biết tại Bắc Kinh từ khi còn là phó thủ tướng cho Ôn Gia Bảo, đặc trách về kinh tế, năng lượng và ngoại giao và cầm đầu phái đoàn Trung Quốc tại các cuộc họp với Hoa Kỳ trong khuôn khổ hội nghị đối tác về kinh tế và chiến lược Mỹ-Hoa. Sau Ðại Hội 18 năm ngoái, ông được vào Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị và cầm đầu Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Kỷ Ủy). Dù vậy, ông vẫn được dư luận Tây phương đánh giá là một nhân vật thực tiễn cởi mở, chứ không đến nỗi bảo thủ.
Khi cầm đầu Trung Kỷ Ủy để thanh lọc các đảng viên biến chất, Vương Kỳ Sơn có nhắc đến một nhà tư tưởng Pháp là Alexis de Tocqueville và cuốn
“Cựu Chế Ðộ dữ Ðại Cách Mạng” (l'Ancien Régime et la Révolution): Cách Mạng Pháp bùng nổ năm 1789 vì chế độ cũ đã thay đổi và cuộc sống người dân đã cải tiến. Chính là sự cải tiến đó mới làm chế độ sụp đổ.
“Cựu Chế Ðộ dữ Ðại Cách Mạng” (l'Ancien Régime et la Révolution): Cách Mạng Pháp bùng nổ năm 1789 vì chế độ cũ đã thay đổi và cuộc sống người dân đã cải tiến. Chính là sự cải tiến đó mới làm chế độ sụp đổ.
Lãnh đạo Trung Quốc thuộc thế hệ thứ năm vừa lên cầm quyền sau Ðại Hội 18 cách nay một năm rất ý thức về lời cảnh báo đó. Họ nhìn vào một biến cố gần hơn, sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Chính là nỗ lực cải cách của Mikhail Gorbachev sau khi lên làm tổng bí thư từ năm 1985 mới dẫn đến tan rã. Tổng Bí Thư đảng kiêm Chủ Tịch Nhà Nước Tập Cận Bình thường xuyên nhắc nhở các đảng viên cao cấp về sự thể này. Ở bên dưới, nhiều tay lý luận ra sức giải thích như vậy.
Gần đây, bí thư đảng bộ Giang Tô là La Chí Quân đã yêu cầu các đảng viên dưới quyền tổ chức học tập và xem lại một bộ phim tài liệu trường thiên gồm có sáu phần về sự sụp đổ của Liên Xô.
Có tựa đề là “Kỷ niệm 20 năm về cái chết của đảng và nhà nước Xô Viết - theo sự ghi nhận của Nga,” bộ phim được hoàn thành từ năm 2006, được bổ túc bằng một cuốn sách vào năm 2008 rồi cập nhật vào năm 2011. Tác giả là cựu Thiếu Tướng Lý Thần Minh, xưa kia là sĩ quan tùy viên của Vương Chấn, một trong “Bát Ðại Nguyên Lão,” tám lão đồng chí của Mao Trạch Ðông vào thời Cách Mạng.
Là phó chủ nhiệm Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, phụ trách nghiên cứu về Xã Hội Chủ Nghĩa Thế Giới, Lý Thần Minh coi Stalin và Mao Trạch Ðông là thần tượng, và không che giấu quan điểm cực kỳ bảo thủ của mình.
Tài liệu học tập do Lý Thần Minh thực hiện đã trình bày lại sự huy hoàng sáng láng của Liên Xô rồi chuyển ngay vào những bất ổn trong nội tình Xô Viết từ 1990, điểm xuyết bằng lời ta thán của các đảng viên Cộng Sản Nga. Kết luận của bộ phim được Bí Thư Giang Tô nhấn mạnh cho các đảng viên ở địa phương: “Liên Bang Xô Viết không sụp đổ vì những nhược điểm nội tại của hệ thống cộng sản mà do sự phản bội của một số cá nhân. Ðứng đầu là Mikhail Gorbachev.”
Không chỉ có Giang Tô mới tổ chức học tập như vậy. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, các đảng viên cao cấp ở mọi nơi đều đang đi vào chiến dịch xét lại lịch sử và nguyên nhân tan rã của Liên Xô. Với họ, kẻ có tội nặng nhất là Gorbachev. Nhưng họ không chỉ có một cuốn phim tài liệu, một tay lý luận thủ cựu gốc quân đội và một thủ phạm là Gorbachev.
Tội phạm là Hoa Kỳ và “diễn biến hòa bình”
Lưu Á Châu là một Thiếu tướng được giới quan sát Tây phương chú ý từ nhiều năm nay.
Là con trai một sĩ quan cao cấp thời cách mạng và con rể của Phó Thủ Tướng Lý Tiên Niệm (một nhân vật khác trong “Bát Ðại Nguyên Lão”), Lưu Á Châu thuộc thành phần “Thái Tử Ðảng” và là người dám nói. Các nhà quan sát Tây phương đánh giá họ Lưu là có tinh thần cải cách khi còn là phó chính ủy Không Quân và viết bài kêu gọi Trung Quốc phải cải cách, nếu không thì sẽ chết như Liên Xô vì những nhược điểm nằm trong hệ thống Xô Viết.
Họ Lưu còn bạo phổi nói rõ từ năm 2011 là phải cái cách theo khuôn mẫu Hoa Kỳ: “Sức mạnh của Mỹ không nằm tại Wall Street hay thung lũng điện tử mà nằm trong hệ thống pháp quyền kỳ cựu. Hệ thống Mỹ là do các bậc thiên tài lập ra cho người ngu áp dụng.”
Trước loại nhận xét táo bạo như vậy, giới bình luận Tây phương đánh giá Lưu Á Châu rất cao. Sau đó, Tướng Lưu Á Châu được thăng chức là chính ủy Ðại Học Quốc Phòng, trường Võ Bị có uy tín nhất của quân đội. Và cũng đóng góp về điện ảnh như tướng Lý Thần Minh, với nội dung tương tự, đó là cuốn phim “Ngấm Ngầm Tranh Ðua.”Dài 92 phút, cuốn phim xuất hiện từ Tháng Mười vừa qua dưới nhãn hiệu là của “Sở Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế” (Trung Quốc Quốc tế Vấn đề Nghiên cứu sở) thuộc Bộ Ngoại Giao. Thật ra như phần cước chú cuối phim có giải thích, đây là tác phẩm của Ðại Học Quốc Phòng do Lưu Á Châu biên đạo cùng Chỉ Huy Trưởng Vương Thiện Bân. Gần đây, khi Phó Tổng Thống Joe Biden thăm Trung Quốc, lãnh đạo Bắc Kinh kín đáo tạm ngưng việc phổ biến cuốn phim, nhưng chỉ tạm ngưng thôi, để tránh gây thêm hiềm khích với Mỹ.
Sự thật thì đây là tài liệu phổ biến trong giới quân sự rồi trở thành tư liệu học tập cho các đảng viên cao cấp. Lý luận và hình ảnh của cuốn phim nói rõ về cuộc tranh đua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và vạch ra âm mưu “diễn biến hòa bình” của nước Mỹ khi Hoa Kỳ đề cao những giá trị phổ cập của Tây phương như tự do dân chủ nhân quyền.
Tức là từ vài năm nay, một tay lý luận có ảnh hưởng như Lưu Á Châu cũng đã xét lại lịch sử và ngả theo quan điểm của lãnh đạo ở trên, chẳng khác gì nhiều tướng lãnh bảo thủ trong quân đội. Với thành phần này, Tập Cận Bình xây dựng được một hệ thống phòng thủ trên thượng tầng...
“Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia” - với màu sắc Trung Quốc
Sau khi lên lãnh đạo từ Ðại hội 18 vào Tháng Mười Một năm ngoái, Tập Cận Bình mau chóng thâu tóm quyền lực còn nhanh hơn hai người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân (1992-2002) và Hồ Cẩm Ðào (2003-2012) để thành người có nhiều quyền thế gần như Ðặng Tiểu Bình ngày xưa. Sau Hội nghị kỳ 3 của Ban Chấp Hành Trung Ương vào tháng trước, Tập Cận Bình thông báo một nỗ lực cải cách rộng lớn và sâu xa. Nhưng kèm theo là việc thành lập một Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia có tên gọi tương tự như ban tham mưu về an ninh của tổng thống Mỹ và cơ chế bảo vệ an ninh của Liên Xô, là bộ phận KGB.
Thành phần trí thức và học giả trong đảng thì suy luận rằng Tập Cận Bình có thấy ra nhiều vấn đề của Trung Quốc cũng tương tự như của Liên Xô vào cuối thời Leonid Brezhnev. Cho nên ông muốn củng cố hệ thống an ninh như Tổng Bí Thư Yuri Andropov, một tay trùm mật vụ của KGB, lên lãnh đạo từ năm 1982. Mục tiêu trước tiên là thanh trừng các đảng viên biến chất nhưng là để chuyển hướng. Tập Cận Bình lập ra Hội Ðồng An Ninh nhằm đáp ứng yêu cầu đó, với Vương Kỳ Sơn sẽ thi hành việc thanh lọc. Như vây, với các phần tử trí thức trong đảng, việc tăng cường an ninh của Tập Cận Bình là để chấn chỉnh nội bộ và đẩy lui nguy cơ động loạn xã hội.
Ðấy chỉ là mục tiêu giai đoạn cho một kế hoạch cải cách lâu dài và toàn diện hơn, dưới khẩu hiệu “thấm hóa cải cách.” Tuy nhiên thành phần trí thức này có thể đã quá lạc quan.
Họ lạc quan về chủ đích của Tập Cận Bình khi so sánh ông ta với Andropov, thượng cấp và là người cất nhắc Gorbachev sau này. Họ còn lạc quan hơn nữa khi nghĩ rằng Tập Cận Bình có thể chuyển hướng thành công: lách qua bên hữu với lý luận bảo thủ là để sẽ chuyển qua bên tả với nỗ lực cải cách sau khi thống nhất được ý chí trong đảng.
Sự thật thì tình hình Trung Quốc có thể đã nguy ngập hơn, với những thay đổi và rủi ro không thể so sánh với Liên Xô thời trước. Hoặc sự thật là Tập Cận Bình hiểu ra bài toán nan giải của Andropov và Gorbachev với hậu quả tai hại của một “cái bẫy” mà de Tocqueville nói tới. Chính là việc cải thiện cuộc sống của người dân mới khiến chế độ sụp đổ. Mùa Xuân Á Rập và nỗ lực cải cách tại Egypt và Libya mới khiến Hosni Mubarack bị lật đổ, và Muammar Ghaddafi bị hạ sát! Giới trí thức trong quân đội suy nghĩ khác với các phần tử thí thức mong muốn đổi mới trong đảng.
Các tướng lãnh đều hiểu rằng cuộc thi đua võ trang thời Ronald Reagan đã khiến Liên Xô thời Gorbachev hụt hơi mà tan rã. Họ quy tội cho Gorbachev để tìm lối thoát về lý luận cho lãnh đạo. Họ cũng nghĩ rằng vì Ghaddafi muốn chuyển hướng sau cuộc chiến Iraq của George W. Bush năm 2003, bằng cách hủy bỏ hệ thống chế tạo võ khí tàn sát và bom hạch tâm, nên mới bị Hoa Kỳ thời Barack Obama tấn công và tiêu diệt.
Họ gọi đó là “diễn biến hòa bình,” một âm mưu thâm độc của Mỹ.
Việc các đảng viên cao cấp của Trung Quốc đang được học tập về lý luận này không chỉ phản ảnh vai trò của các tướng lãnh bảo thủ. Nó còn cho thấy ý hướng thật của Tập Cận Bình: nhất quyết không cải tổ về chính trị mà còn tăng cường vai trò của một đảng độc quyền.
Kết luận ở đây là gì?
Lãnh đạo Bắc Kinh thấy ra nhiều khó khăn hơn là những gì họ công nhận, hay những gì mà thế giới bên ngoài biết được. Những khó khăn đó khiến họ hồi tưởng lại kinh nghiệm của Liên Xô thời Gorbachev.
Và họ lấy quyết định củng cố chế độ độc đảng chứ không dại dột cải sửa như Gorbachev.
Những người lãnh đạo Hà Nội cũng thế. Họ không thể công nhận nhược điểm sâu xa của chủ nghĩa cộng sản và chế độ độc đảng. Cho đến khi quá trễ.
Hùng Tâm