Phạm Cao Củng (1913-2012), nhà văn trăm tuổi
Trong một bài trước mục Thời Sự Nhân Văn đã nói đến những nhà văn, nhà văn hóa của Việt Nam sống đến trăm tuổi, song chỉ nhắc sơ qua, gần đây nhất có Giáo Sư Nguyễn Khắc Kham (100 tuổi), Giản Chi (101 tuổi), Lãng Nhân Phùng Tất Ðắc (102 tuổi). Những vị ra đi sau tuổi 90 còn nhiều hơn, có Trương Cam Khải, Vương Hồng Sển, Thái Tuấn, Hữu Loan, Tùng Long, Nguyễn Tường Bách,...
Vài chục năm trước đây, người Việt sống tới tuổi trên 60 đã được gọi là cụ, 70 đã là “cổ lai hy,” song bây giờ những cụ như thế ngồi nhan nhản ở các quán cà phê mà mày tao chi tớ, tiến bộ hơn nhiều. Bài hôm nay xin nói về một vị mà người viết bài này quen biết, thư từ qua lại, sống đúng 100 tuổi mới ra đi, đó là nhà văn chuyên viết truyện trinh thám: Phạm Cao Củng, mất vào hôm nay, 17 tháng 12, năm ngoái.
Sống lâu, nhưng nhà văn Phạm Cao Củng như một người xa vắng, văn giới và báo giới hầu như không thấy nhắc đến ông, trong khi tác phẩm của ông khá nhiều, cuốn đầu tay nhan đề Vết Tay Trên Trần in trên báo LOA ở Hà Nội từ 1933, sau đó được nhà xuất bản Mai Lĩnh ở Hải Phòng in thành sách. Năm 12 tuổi người viết bài này đã đọc cuốn sách của ông, và say mê nhân vật thám tử Kỳ Phát, không phải ở những hành động ngang tàng, không, viên thám tử này không hề ngang tàng, sóng gió, tung hoành, mà rất bình thường, từ tốn: cái hay của Kỳ Phát, sự lôi cuốn trong các cuốn truyện của ông là ở sự lý luận, giải đáp các kỳ án, “phương pháp phá án bằng suy luận” như ông nói, chứ không ở hành động. Còn nhớ khi Kỳ Phát giải án trong cuốn truyện Vết Tay Trên Trần, câu mấu chốt là một con người không thể dễ gì để vết tay mình in lên ở cái chỗ cao như thế trong căn phòng, và do đó, vết tay ấy đã khiến nhà thám tử tìm ra thủ phạm: một cách nào đó, Kỳ Phát nghĩ đến “một con khỉ,” và do đó, lôi cuốn độc giả, ít nhất là các độc giả trẻ trung một thời.(Nhà văn Phạm Cao Củng (1913-2012), tác giả trên 160 cuốn truyện đủ loại, từ trinh thám tới kiếm hiệp. (Hình: Từ Ðiển Văn Học Việt Nam)
Vào những năm '30 của thế kỷ trước, truyện trinh thám của Phạm Cao Củng đương nhiên đã rất tân tiến trong văn chương Việt Nam, sự việc này ít ra đã để lại dấu vết trong văn học sử. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, khi viết bộ Nhà Văn Hiện Ðại 5 cuốn, có cuốn chỉ có 5 chương, như bản in lần thứ hai vào năm 1951, Phạm Cao Củng một mình chiếm một mục, một thể loại: “Tiểu Thuyết Trinh Thám,” từ trang 221 đến trang 235. Trong thể loại này không có thêm ai, ngoài tác giả Vết Tay Trên Trần, vì ông đặc sắc hơn tất cả, hơn cả Thế Lữ hay Bùi Huy Phồn cũng viết truyện án mạng. Theo tác giả Nhà Văn Hiện Ðại “Cái đặc biệt mà người ta thấy ở tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng là những nhân vật và khung cảnh do ông sáng tạo đều có tính chất Việt Nam, hợp với trình độ người Việt Nam ta hiện thời, không như mấy nhà tiểu thuyết trinh thám khác đi nhặt những mẩu chuyện ly kỳ của Tây phương và cố gò ép vào những khung cảnh lai Việt, lai Pháp.” (tr. 223-224).
Ngay khi bộ Nhà Văn Hiện Ðại ra đời, 1941, ngoài cuốn truyện nói ở trên (in trên báo năm 1933, in thành sách 1936), Phạm Cao Củng đã xuất bản được cả chục cuốn rồi, có thể kể thêm: Chiếc Tất Nhuộm Bùn 1938, Người Một Mắt 1940, Kinh Hoàng 1940, Kỳ Phát Giết Người 1941, Nhà Sư Thọt 1941, Ðóa Hoa Tai của bà Chúa 1942,... lúc ấy ông mới 27 tuổi, và như sau này ông cho biết, “[khi viết những cuốn ấy] tôi chưa qua bậc trung học.”
Vào tháng 10 năm 1995, khi tới khánh thành Trung tâm Văn Bút Việt Nam tại Florida do nhà văn, Bác Sĩ Nguyễn Ðức An làm chủ tịch, chúng tôi đã trao tặng một tấm bảng lưu niệm và vinh danh nhà văn Phạm Cao Củng trong đại hội, (ông cư ngụ cùng gia đình tại North Lauderdale tiểu bang này và cùng vợ chủ trương nhà xuất bản Huyền Nga, tên của bà). Dịp ấy trong bài vinh danh đọc trước đại hội, có một số chi tiết được nói đến, mà nếu không tìm hiểu tại chỗ, không ai có thể làm được. Hình ảnh và bài diễn văn đã được đăng báo, xin trích một đoạn: “Nhiều người trong chúng ta ở đây đã là tác giả, song số tác phẩm mỗi người chúng ta viết ra có lẽ chỉ cần một bàn tay cũng nắm trọn. Tác phẩm của nhà văn Phạm Cao Củng, nếu xếp từ mặt đất nơi cụ đứng, với 160 cuốn truyện đủ loại, đã cao ngang tầm với mái tóc cụ. Trong văn chương Việt Nam chỉ có vài tác giả có số tác phẩm viết ra chất cao bằng đầu mình, tôi cố nhớ chỉ có ba người: Lê Văn Trương, Bình Nguyên Lộc, và cha đẻ thám tử Kỳ Phát.”
Còn nhớ, ngoài loạt truyện trinh thám, ông còn viết tiểu thuyết tâm lý (Kinh Hoàng), truyện kiếm hiệp (Lục Kiếm Ðồng, Chu Long Kiếm, Võ Hùng Kiệt), phiêu lưu mạo hiểm (Kho Tàng Hồ Ba Bể, Bọn Người Săn Ngọc). Sau đó vài ba năm tôi có dịp báo tin cho ông hay là có tạp chí của hội nhà văn ở Hà Nội viết về “nhà văn quá cố Phạm Cao Củng,” ông xin tôi bài báo viết đại kia, và địa chỉ của họ, tôi đã gửi ông. Sau đó ông đã về Hà Nội, vào Thư Viện chính (Bibliothèque Pasquier) và tìm lại được rất nhiều tác phẩm cũ của ông, in từ thời Pháp thuộc, vẫn còn lưu trữ trong đó. Ông gửi tặng tôi mấy cuốn khi tái bản tại Hoa Kỳ.
Hơn nửa thế kỷ trước, loại truyện trinh thám không được coi trọng trong văn học, kể cả ở Châu Âu. Dù sao, những Sir Conan Doyle cha đẻ của Sherlock Holmes ở London hay George Simenon cha đẻ của thám tử Maigret ở Pháp vẫn được trọng vọng hơn là Phạm Cao Củng ở Việt Nam. Nhưng chuyện đã thay đổi tốt hơn, nhất là từ khi văn hào André Gide, giải Nobel văn chương 1947, lên tiếng ca ngợi Simenon là một nhà văn lớn của thế kỷ XX thì loại truyện này, và các nhà văn sản xuất những cuốn truyện về tội ác, được đối xử đẹp hơn, cho dù tự họ không cần biết đến giới phê bình viết lách ra làm sao. Riêng bản thân là người chọn nghề cầm bút, từ lâu tôi tin rằng nhà văn viết bất cứ chuyện gì cũng vẫn là nhà văn, miễn là viết với nhân sinh thẩm mỹ quan, làm gì cũng làm sao cho đẹp.
Phạm Cao Củng là tên thật dùng làm bút hiệu chính, các bút hiệu phụ là Văn Tuyền khi viết truyện kiếm hiệp, Phạm Thị Cả Mốc khi làm thơ châm biếm và đối đáp với Tú Mỡ trên báo Phong Hóa, sinh ở Nam Ðịnh, cha là Tú Tài kép (Hán học) Phạm Cao Ðạt. Ông gọi Bà Tú Xương bằng bác (chị ruột của cha mình). Học tới Thành Chung thì Phạm Cao Củng chuyển qua học trường Kỹ Nghệ Thực Hành ở Hải Phòng. Tại đây ông ra báo Học Sinh cùng bạn học là Ðặng Thế Phong (sau là nhạc sĩ, cùng gốc Nam Ðịnh), và nhà thơ Lê Tràng Kiều. Chính thức chọn nghề báo khi vào làm tờ Hải Phòng tuần báo. Ðúng lúc này viết Vết Tay Trên Trần đăng từng kỳ trên tờ báo ông làm, nhưng tờ báo thuộc về nhà xuất bản Mai Lĩnh. Với vốn chữ Pháp của bậc Thành Chung, ông đọc rất nhiều truyện Pháp thuộc loại sách bình dân Fantomas và các truyện giải trí đương thời. Với các vốn liếng đó và sự cầm bút miệt mài, ông trở thành Phạm Cao Củng, cha đẻ Kỳ Phát của thể truyện văn chương trinh thám Việt Nam.
Viên Linh