ĐỒNG KHÔ HỒ CẠN
Sau khi công an Hà Nội chính thức cho báo chí biết cái gọi là Dư Luận Viên phá hoại cuộc tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma không phải
là người của công an và ông Tướng công an Nguyễn Đức Chung xác định DLV không
bao giờ tụ tập biểu tình thì nhóm anh chị em từ trước tới giờ luôn bị bọn DLV
nhục mạ, hành hung hay công khai sách nhiễu có cảm giác là chính sách đối xử với
người khác chính kiến của nhà nước có vẻ thay đổi, ít ra là hòa dịu hơn hay nói
cách khác họ không muốn bị bọn này bôi xấu hình ảnh của công an nhiều hơn
nữa.
Thế nhưng không phải dư luận viên mới làm những
việc không suy nghĩ, mà ngay cả một trí thức “lớn” đôi khi cũng không thoát khỏi
sự tâng bốc và sợ hãi, dẫn đến hèn hạ mà một hiệu trưởng đại học không thể có.
Đó là hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp Trần Văn Chứ, người ký văn bản hù
dọa trí thức và sinh viên trong trường có tham gia chống đối việc chặt cây xanh
tại Hà Nội khi cho rằng nhà trường nhận được thông báo của công an thành phố Hà
Nội, Phòng PA38, đề nghị nhà trường xử lý những người mà ông Chứ cho là vi
phạm.
Không may cho ông, giống như cách mà tướng Chung
đối xử với dư luận viên, phòng PA 38 thẳng thừng phủ nhận việc này, và để lấp
liếm ông Chứ cho rằng lỗi của cậu đánh máy đã diễn tả lệch lạc văn bản mà ông vô
ý ký tên.
Công an Hà Nội phản ứng trước hai sự việc rất
nhanh nhạy và có thể nói hiếm có làm không ít người ngạc nhiên. Thì ra sau khi
sống quá lâu trong sự phi lý người dân đánh giá việc cần phải làm của cơ quan
giữ gìn luật pháp thậm chí rất đỗi bình thường lại trở nên lạ lùng, đáng trân
trọng. Thời của kẻ bị bầm dập đã trỗi lên chăng?
Tại Khánh Hòa, một chuyện lạ nữa cũng liên quan
đến pháp luật lần này làm cho giới luật sư ngạc nhiên lẫn vui mừng! Đó là chàng
luật sư trẻ tuổi Võ An Đôn dám ngang nhiên giữa tòa đòi khởi tố Hội đồng Xét xử
trong phiên sơ thẩm vì Hội đồng này đã không đưa một số tình tiết vật chứng vào
vụ án, làm sai lệch cơ bản tội danh dẫn đến xét xử không đúng pháp luật, cụ thể
là ra bản án trái pháp luật.
Bất cứ quốc gia nào theo thể chế dân chủ thì đề
nghị này không có gì là lạ lùng, nhưng với Việt Nam, nơi luật sư không được tòa
án nhìn dưới lăng kính luật pháp, Tòa án, Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát là
người của đảng thì đề nghị chối tai này đã đánh thức sự quan tâm của xã hội, còn
giới luật sư thì đương nhiên vui mừng vì đã có người dám làm thay cho họ.
Đề nghị này tuy chưa chính thức thực hiện nhưng
cho thấy kẻ bị nhìn dưới ánh mắt ban phát xưa nay là bị cáo, kể cả luật sư, thấp
hơn hẳn so với Tòa án, Viện Kiểm sát và nhất là Hội đồng xét xử, nay đã dám lên
tiếng thể hiện quyền bảo vệ thân chủ trước luật pháp cho thấy sự chuyển hướng
của sức mạnh công dân đã từ từ lấn sâu vào tư pháp, khu vực bất khả xâm phạm từ
khi người cộng sản thực thi công lý theo cách của họ từ hồi cải cách ruộng
đất.
Chưa hết, đối với cơ quan lập pháp, từ trước tới
nay người dân đã quen trong nếp nghĩ đại biểu quốc hội chỉ là người làm cảnh cho
chế độ, mọi hoạt động của Quốc hội đều được chỉ đạo từ Đảng và nếu có phát ngôn
mạnh mẽ đến đâu thì cũng chỉ là kịch bản dùng để biểu diễn hơn là soi thẳng các
dấu hiệu sai trái của hành pháp như các nước khác.
Thế nhưng lần này đồng hành cùng với người dân Hà
Nội đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã chứng minh rằng UBND Hà Nội đã vi phạm Luật Thủ
Đô và ông khẳng định mấy tay trực tiếp ký ban hành quyết định đốn cây xanh Hà
Nội phải bị xử lý trước pháp luật.
Và sự lên tiếng kịp thời này đã làm cho ông
Nguyễn Thế Thảo chùn tay không còn lúng túng châm chế cho quyết định sai trái mà
ông ta là người gián tiếp chịu trách nhiệm.
Sự lên tiếng kịp thời ấy của một đại biểu quốc
hội đã làm người dân mạnh dạn ùn ùn kéo nhau diễu hành kể cả sau khi UBND thành
phố chính thức dừng dự án chặt chém này. Người dân nêu ra một lý do khác: Chúng
tôi kéo nhau diễu hành vì không muốn các ông tiếp tục đánh lừa qua chiến thuật
kéo dài thời gian và lẳng lặng che dấu, phi tang các bằng chứng nhũng lạm của
mình.(Hình phải: Biểu tình “cây tặc” ở Hà Nội..)
Vậy là người đại biểu đã “vùng lên” thoát khỏi
cái vòng tròn nhỏ hẹp mà đảng không muốn ông bước ra.
Có khi nào chúng ta tưởng tượng được một lực lượng 90 ngàn công nhân đồng loạt đình công mà không có bất cứ một sự dẫn dắt hay chỉ đạo nào? Lạ hơn nữa họ đình công không phải tranh đấu với chủ như quy luật muôn đời, mà họ đình công chống lại nhà nước, nơi đáng ra có bổn phận bảo vệ quyền lợi của người công nhân.
Có khi nào chúng ta tưởng tượng được một lực lượng 90 ngàn công nhân đồng loạt đình công mà không có bất cứ một sự dẫn dắt hay chỉ đạo nào? Lạ hơn nữa họ đình công không phải tranh đấu với chủ như quy luật muôn đời, mà họ đình công chống lại nhà nước, nơi đáng ra có bổn phận bảo vệ quyền lợi của người công nhân.
5 ngày liên tiếp, 90 ngàn con người ấy tập trung
chống lại luật Bảo hiểm xã hội mà họ cho là không phù hợp với thực tế đời sống
công nhân. Luật mới không cho phép người công nhân rút tiền Bảo hiểm xã hội của
mình một lần khi không còn làm việc mà phải chờ tới khi về hưu mới được cái
quyền ấy, cái quyền mà trong luật BHXH năm 2006 đã cho phép.
Tại sao Bộ Lao động và Thương binh xã hội lại đề
nghị quốc hội thay đổi luật này thì người ta đang bàn cãi. Phải chăng do quỹ
BHXH đã bị thâm thủng nên nếu phát cho công nhân một lần thì sẽ khủng
hoảng?(Hình phải: 90.000 công nhân biểu tình.).
Dù bất cứ lý do gì cũng cho thấy một sự thật, 90
ngàn con người không phải là một con số, nó là một lực lượng quần
chúng.Lực lượng này có khả năng phá vỡ mọi lực cản từ trước tới nay kể
cả cái lõi chính sách an sinh xã hội của nhà nước đã phá sản. Khi chính sách
BHXH biến thành con tin của nhà nước thì người công nhân phản ứng là chuyện bình
thường, nhưng cái không bình thường ở chỗ, 90 ngàn con người phản ứng một lượt,
điều mà có nằm mơ chính quyền Viện Nam cũng khó mà nghĩ tới.
Cộng với những biến chuyển mới tinh ấy một bài
viết làm cho người theo dõi thời sự giật mình: Trên tờ báo Đảng, Sài Gòn Giải
Phóng, giật một cái tít làm người đọc bật dậy vì không thể tin vào mắt của mình:
Đồng khô hồ cạn.
Sấm Trạng Trình từng giải mã rằng khi nào đồng
khô hồ cạn thì lúc ấy mới ra thái bình. Ai tin thì tin, ai không tin thì vào
mạng mà xem, báo SGGP Online đăng vào ngày 26 tháng Ba, đúng vào lúc công nhân
Pou Yuen đình công toàn diện. Bài báo có nội dung Tây Nguyên vào cao điểm hạn
hán, nhiều sông suối, ao hồ chỉ còn trơ đáy, hàng ngàn hécta cây trồng thiếu
nước, người dân đang vét những giọt nước cuối cùng để chống hạn.
Trên thực tế, người dân đã biết lấy lại quyền của
mình bằng cách mang nguồn mạch tranh đấu tưới lên vùng đất cằn cỗi bấy lâu của
sự vô cảm, chính nhà nước mới là người đang cầm gàu cố vét từng giọt nước tưới
những biến cố tệ hại đang làm khô hạn lòng tin của quần chúng trên toàn bộ hệ
thống.
Cánh Cò
RFA/blog
RFA/blog
Đọc thêm :