Yêu Nhau Vượt Chết
Sáu giờ sáng một ngày mùa thu năm 1977 tôi bị đưa vào Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, Trung Tâm Thẩm Vấn Nhân Dân Sàigòn của bọn Công An Việt Cộng Thành Hồ. Khi ấy các bạn văn nghệ của tôi bị Việt Cộng bắt giam trước tôi đã bị đưa sang những nhà tù khác – sang Nhà Tù Lớn Chí Hoà, lên những trại tù khổ sai Xuyên Mộc, Gia Trung- Gia Lai – ở Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu tôi chỉ còn nhìn thấy anh Nguyễn Mạnh Côn.
Bị đưa vào sà-lim số 15 khu B buổi sáng, buổi chiều ngày tù tội đầu tiên trong đời, ở trần, quần sà-lỏn, đứng nhìn qua ô cửa gió ra ngoài tôi trông thấy anh Côn. Anh ở Phòng Tập Thể số 2 bên kia đường đi, cách sà-lim tôi chừng 15 thước. Chỉ 15 thước thôi nhưng là ngàn trùng xa cách. Phòng anh có cửa lưới sắt, tôi nhìn thấy anh ngồi trong cửa nhưng tôi chỉ ghé mặt lấp ló ở ô cửa gió nhỏ bằng quyển sách – cửa này ở trên cánh cửa sắt sà-lim để cai tù nhìn vào trong sà-lim, để đưa cơm tù vào sà-lim mà không phải mở cửa, anh em tù gọi ô cửa nhỏ đóng, mở bên ngoài đó là cửa gió, mở nó là có không khí và ánh sáng lọt vào sà-lim – nên anh Côn, cận thị, không nhìn rõ mặt tôi, anh biết có người quen ở sà-lim mà thật lâu sau anh mới biết người đó là tôi.
Tôi xúc động khi nhìn thấy anh Côn trong tù. Trong số anh em văn nghệ sĩ trẻ đàn em thân với anh Côn chỉ có tôi vừa là đàn em vừa là bạn đồng sàng, đồng pờ-la-ti, đồng bàn đọi với anh. Nôm na là chỉ có tôi cùng nằm bàn đèn thuốc phiện với anh. Ðược quen anh từ năm 1960, cho đến năm 1975, trong 15 năm trời chúng tôi đã nằm tình tang hít tô phê với nhau không biết bao nhiêu lần, bao nhiêu giờ bên bàn thờ Cô Ba Phù Dung lung linh yên hỏa, mờ ảo khói hương, chúng tôi đã nói với nhau đủ mọi thứ chuyện, chẳng lần nào chúng tôi ngờ đến chuyện có ngày chúng tôi nhìn thấy nhau trong nhà tù Việt Cộng ở giữa lòng thành phố Sàigòn.
Nhìn thấy anh Côn đang ở trong phòng tù tập thể chỉ cách chỗ tôi nằm mấy bước, tôi ao ước được ra khỏi sà-lim, được sang ở chung phòng với anh. Anh em tôi sẽ nằm khểnh bên nhau, sẽ lại nói với nhau những chuyện trên trời, dưới biển, những ngày tù tội chắc sẽ nhẹ buồn phiền đi nhiều lắm. Ao ước đó của tôi không thành. Một sáng chủ nhật, cai tù mở cửa cho tù nhân những phòng tập thể được ra sân ngồi phơi nắng mỗi phòng chừng nửa giờ, phòng này vào phòng khác ra, qua cửa gió tôi nhìn thấy anh Côn rõ hơn. Anh bận bộ đồ ngủ mầu nâu, nhiều lần đến nhà anh tôi đã thấy anh trong bộ đồ nâu ấy, tóc anh bạc, râu anh bạc, da anh xanh mầu xanh của lá chuối non. Sáng hôm ấy anh ngồi dựa lưng vào tường, tôi nghe rõ tiếng anh – không phải ngâm mà là nói khá lớn – anh nói câu;
_ Chí ta ta biết, lòng ta ta hay..Nam nhi ý chí như hồ thỉHà tất cùng sầu đối cỏ cây..
Ðấy là hình ảnh cuối cùng của anh Côn tôi nhìn thấy, đấy là câu nói cuối cùng của anh Côn tôi nghe anh nói. Rồi thôi. Không bao giờ nữa tôi còn gặp lại anh, không bao giò tôi còn nghe tiếng anh nói. Một tối khuya những cánh cửa gió sà-lim bị đóng lại phát ra những tiếng lách cách, nằm trên bệ xi-măng tôi nghe bên ngoài có tiếng người lao xao, tiếng gọi tên. Chuyển trại. Những tù nhân bị đưa đi nơi khác bị gọi mang đồ ra khỏi phòng, bị đưa vào một phòng khác để sáng sớm ngày mai lên xe đi. Anh Côn đi khỏi Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu trong đợt chuyển trại đó. Hai năm sau từ nhà tù Việt Cộng trở về mái nhà xưa lần thứ nhất, tôi được anh em cho biết anh Côn đã chết trên trại tù khổ sai Xuyên Mộc. Ở tù ba năm, anh đòi Cai Tù thả anh về, không được, anh tuyệt thực. Bắt chước thủ đoạn đàn áp cực kỳ man rợ của bọn đàn anh Cai Tù Nga Cộng, Cai Tù Tầu Cộng, bọn Cai Tù Việt Cộng Xuyên Mộc giết người tù chính trị Nguyễn Mạnh Côn bằng cách bắt anh nằm riêng một phòng, không cho anh uống nước. Chúng công khai loan báo cho tù nhân toàn trại biết việc anh Côn tuyệt thực và bị chúng không cho uống nước. Chúng thản nhiên hiu hiu khoái chí nói: “Ðã không chịu ăn, còn đòi uống làm gì..?” Chúng giết một người tù để đe doạ những người tù khác :” Thằng nào muốn chết như thằng này cứ việc tuyệt thực..! Chúng ông sẵn sàng cho chúng mày chết luôn!” Sau khi anh Côn chết, bọn Cai Tù đọc cho các tù nhân nghe bản nhận lỗi và xin được ăn lại mà chúng nói là do anh Côn viết. Cái gì bảo đảm đó là bản nhận lỗi của anh Côn, do chính tay anh Côn viết? Chỉ có những thằng ngu mới tin lời bọn Cai Tù Việt Cộng nói về thái độ của những người tù chính trị chống đối chế độ cộng sản. Nếu anh Côn nhận tội bọn Cai Tù chắc chắn sẽ cho anh ăn uống ngay để anh sống, để chúng bêu riếu anh, chúng sẽ dùng anh làm nhục tất cả những người tù chính trị khác, bằng cách chúng đưa anh ra nhận tội trước mọi người, chúng sẽ bắt anh quì gối, gục đầu xin chúng tha tội trước các tù nhân bạn của anh. Không đời nào anh còn cầm bút viết được bản nhận tội mà bọn khốn nạn lại để anh chết.
Thời gian qua đi cùng những tù tội, những cái chết thê thảm, tức tưởi, những oán hận, những đau thương..1977-2003..Gần ba mươi mùa lá rụng..Liêu lạc xứ người..Sáng nay tôi thấy thấp thoáng hình ảnh anh Nguyễn Mạnh Côn, đàn anh văn nghệ của tôi, trong bộ đồ nâu bạc mầu, tóc bạc, râu bạc, gầy ốm, mầu da như mầu lá chuối non, ngồi dựa lưng vào tường phòng tù bên lối đi, tôi nghe vẳng tiếng anh nói:
_ Chí ta ta biết. lòng ta ta hay…
Từ năm 1970 đến ngày ta mất nước, ngoài việc viết bài thường xuyên cho Ðài Phát Thanh Quốc Gia, anh Côn giữ mục bình luận thời sự cho tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, anh đặt tên mục của anh là “Bảy ngày đêm tính quẩn chuyện đời”, ký tên Ðằng Vân Hầu. Trong bài anh viết về một số sự việc xảy ra trong tuần ở trong nước, trên thế giới. Năm 1973, sau Hiệp Ðịnh Paris, người Việt Quốc Gia bắt đầu nói đến chuyện sắp có hoà bình, anh Côn viết tác phẩm “Hoà Bình. Nghĩ gì? Làm gì?” Năm 1995 trong một tiệm sách ở Hoa Kỳ tôi nhìn thấy quyển “Hoà Bình! Nghĩ gì? Làm gì?” được in lại bầy bán. Anh là tác giả một số truyện khoa học giả tưởng, một tên khác là truyện dự tri khoa học, loại truyện gần như không có ở Việt Nam vì không mấy ai viết được, người đọc cũng không thích đọc vì không hiểu. Trong số những truyện ngắn khoa học giả tưởng cuả anh Côn có những truyện nổi tiếng “Ba người lính nhẩy dù lâm nạn, Kỳ Hoa Tử, Ðường nào lên Thiên Thai, Giấc mơ của đá” và đáng kể nhất là truyện “Yêu anh vượt chết”. Truyện “Ba người lính nhẩy dù lâm nạn” được làm thành phim khoảng năm 1970.
Nguyễn Mạnh Côn, ông đàn anh tôi, viết “Yêu anh vượt chết” năm 1965, một truyện dự tri viễn tưởng về việc con người chế tạo ra con người; như vậy là gần 40 năm trước khi người Tây phương dùng phương pháp “cloning”, sinh sản vô tính, tạo ra con cừu Dolly, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã viết về việc làm ấy.
Truyện “Yêu anh vượt chết” không được in lại ở Hoa Kỳ, tôi không thể nhớ đúng, nhớ hết những chi tiết của truyện, hôm nay tôi xin kể những sự kiện chuyện “Yêu anh vượt chết” tôi còn nhớ trong trí nhớ đã rệu rã vì năm tháng của tôi. Tôi đọc “Yêu anh vượt chết” năm 1965, từ ấy tôi không một lần đọc lại. Thời gian xẩy ra truyện “Yêu anh vượt chết” là năm 2515. Nữ nhân vật chính cuả truyện là nàng Hoa Thơm Sương Sớm, nàng sống trong toà lâu đài Núi Cao Hơn Núi, người yêu của nàng là chàng phi công vũ trụ Tiếng Ca Lưỡi Kiếm. Họ yêu nhau, họ thành vợ chồng nhưng Lưỡi Kiếm bị chết vì một chứng bệnh mà y học năm 2500 cũng không trị nổi. Hoa Thơm buồn khổ. Ông thân cuả nàng, nhà bác học Sao Ðêm Cô Ðơn, cùng với nhiều nhà bác học bạn của ông thực hiện một công cuộc khoa học, các ông không làm cho chàng phi công Lưỡi Kiếm sống lại mà các ông tạo ra một chàng Lưỡi Kiếm khác. Hoa Thơm được gây mê dài hạn, được đặt nằm ngủ trong một căn phòng có không gian sinh-hoá-chậm, nàng sẽ ngủ một giấc dài 25 năm, sau 25 năm ấy nàng chỉ già đi chừng hai tháng. Các vị bác học tạo ra một cái trứng – không lấy trứng của đàn bà – đặt trứng trong một dạ con nhân tạo, làm cho trứng sinh trưởng thành bào thai, rồi thành hài nhi. Ðưá bé được nuôi trong hòm kính, những đặc tính, những ký ức của chàng phi công Lưỡi Kiếm được truyền vào não bộ hài nhi. Ðưá bé lớn lên, mặt mũi giống hệt Lưỡi Kiếm. Thời gian trôi qua.. Hai mươi nhăm năm sau..Chàng Lưỡi Kiếm Thứ Hai, y hệt chàng Lưỡi Kiếm Thứ Nhất, ra khỏi phòng kính, nàng Hoa Thơm Sương Sớm tỉnh lại sau giấc ngủ dài..Người ta bố trí cho chàng và nàng gặp lại nhau ở bờ Hồ Trong Tâm Hồn, nơi họ gặp nhau lần đầu.
Kết quả cuộc tái ngộ giữa đôi người yêu nhau không đẹp như những nhà bác học tưởng. Gặp lại Lưỡi Kiếm, thay vì sung sướng, Hoa Thơm lại buồn sầu. Tác giả cho nàng chết trong truyệt vọng. Tôi không nhớ tác giả có viết vì sao Hoa Thơm thất vọng hay không.. Hôm nay, liêu lạc xứ người, ở tuổi bẩy mươi gần đất, xa trời, xa người, xa đời, nhớ lại truyện xưa, tôi nghĩ rất có thể Hoa Thơm Sương Sớm tuyệt vọng vì nàng gặp người thanh niên có mặt mũi, hình dung giống người nàng yêu, giống hệt, nhưng người đó vẫn không phải là người nàng yêu, người nàng muốn được gặp lại..! Như vậy phải chăng tác giả “Yêu anh vượt chết” muốn nói: khoa học có thể tạo ra một người giống hệt một người nào đó, nhưng bản sao, tức người được tạo ra tuy giống nhưng vẫn không phải là người mẫu! Cuối cùng thì khoa học của con người, dù tiến bộ đến mấy, vẫn không thể làm được như thiên nhiên
Hôm nay nhớ anh Nguyễn Mạnh Côn tôi nghĩ tại sao tôi không viết một bài Viết ở Rừng Phong theo kiểu “Bảy ngày đêm tính quẩn chuyện đời” ?
Hoàng Hải Thủy