Mối liên quan giữa Hồ Chí Minh,
Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đệ Tam Quốc Tế
Trong thời
gian gần đây, có người đề xướng xét lại lịch sử của Việt Nam dưới tất cả các
khía cạnh của nó, một cách gắt gao, “không khoan nhượng”.
Ý niệm “không
khoan nhượng” gồm có hai phần :
1. Sẵn sàng gạt sang một bên tất cả những
huyền thoại, tiên kiến, định kiến, thành kiến, ảo tưởng, mơ mộng, dù là đẹp đẽ,
đáng qúy, đáng tôn, đáng kính đến đâu ;
2. Rà soát, kiểm tra lại tất cả
các sự kiện một cách kỹ càng, và phân tách các vấn đề một cách vô tư, khoa học
để đi đến những kết luận hoàn toàn vững chắc, hợp với thực tại và với
lô-gích.
Đề xướng trên đây rất hợp thời.
Một trong những vấn đề
của lịch sử Việt Nam cần được xét lại lúc này liên quan đến chế độ cộng sản. Vấn
đề này cần được xét lại vì, trong mấy thập niên qua, các cơ quan truyền tin, ấn
loát bị những thế lực “tiến bộ”, thiên cộng, với sự hỗ trợ của bộ máy tuyên
truyền quy mô của các cường quốc cộng sản, đã chi phối dư luận và tô vẽ ông Hồ
Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam như là những phần tử “quốc gia” Việt Nam, và
tình trạng nước Việt Nam và dân Việt Nam chỉ có thể cải thiện được nếu họ đắc
thắng và nắm được quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Năm 1975, Đảng Cộng
Sản Việt Nam đã thắng và mở rộng quyền hành của họ trên toàn cõi Việt Nam. Nhưng
trong 30 năm qua, tình hình không đuợc như những kẻ đánh bóng cộng sản đã xác
quyết. Trái lại, chế độ toàn trị, “cách mạng”, và “xã hội chủ nghĩa” cộng sản
không những đã cản trở sự phát triển của nước Việt Nam, đè ép nhân dân Việt Nam
còn nặng hơn nữa, gây chống đối không những trong hàng ngũ nhân dân, mà ngay cả
trong hàng ngũ của đảng viên, cán bộ kể cả những cán bộ đã có công lớn với chế
độ. Số người này lại càng ngày càng đông, và sự chống đối của họ lại càng ngày
càng mạnh và công khai.
Tình trạng trên đây đòi hỏi phải đặt vấn đề về sự
ca tụng cộng sản trong những năm trước 1975. Cần xét lại quá trình của cộng sản
ở Việt Nam, nhất là nay sự cứu xét có thể khách quan hơn, nhờ những tiết lộ xuất
phát từ ngay trong hàng ngũ đảng cộng sản, của những người đã bỏ đảng, thoát ra
ngoài vòng phong tỏa, đe dọa của công an, mật vụ cộng sản, nay được phát biểu tự
do, hoặc cán bộ còn trong nước nhưng lên tiếng được nhờ họ chiếm điạ vị, chức vụ
quan trọng.
Gần đây, các anh Nguyễn Gia Kiểng và Nguyễn Văn Thế đã có nói
về một số khía cạnh của lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam. (Nguyễn Gia Kiểng,
“Huyền Thoại Hồ Chí Minh”, Thông Luận tháng 6, 2004, “Chủ nghĩa cộng sản đến
Việt Nam như thế nào ?”, Thông Luận tháng 7+8, 2004 ; Nguyễn Văn Thế : “Tại sao
đảng cộng sản Việt Nam thắng ?”, Thông Luận, tháng 6, 2004).
Có một khía
cạnh nữa, rất căn bản ngày nay, cần được soi sáng, để cho mọi người thấy rõ sự
thật, nhất là những người đã gia nhập Đảng Cộng Sản Việt Nam vì tin lời của lãnh
tụ đảng. Đó là liên quan giữa ông Hồ Chí Minh, Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đệ Tam
Quốc tế. Họ đã nghe những lãnh tụ này quả quyết rằng những mục tiêu mà Đảng công
bố là mục tiêu của họ – độc lập, tự do, hạnh phúc, công bằng xã hội, v.v. –
nhưng ngày nay, những chủ trương, chính sách, hành động, xử trí của đảng mà họ
được mục kích lại trái ngược với những gì mà đảng đã hằng tuyên bố. Điều đã đưa
họ vào tình trạng này là khi họ gia nhập hay ủng hộ Đảng Cộng Sản Việt Nam, họ
không biết rõ rằng họ bị Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam kéo họ vào một tổ
chức sẽ nuốt trôi họ, biến họ thành những công cụ của nó. Tổ chức đó là Đệ Tam
Quốc Tế Cộng Sản (Komintern, hay Comintern).
Người cộng sản Việt Nam,
một công cụ của Liên Xô
Đệ Tam Quốc Tế được thành lập năm 1919. Nó là
con đẻ của Lênin. Ông này, sau khi cướp được chính quyền ở Nga, mà ông ta hoàn
toàn chi phối qua một đảng “bôn sê vích”, muốn có một tổ chức tương tự bao trùm
toàn cầu để ông ta có thể chi phối cả toàn cầu. Theo quan niệm của ông, đảng
“bôn sê vích” phải là một đảng tổ chức theo lối quân đội, với kỷ luật sắt, với
một hệ thống chỉ huy chặt chẽ, và một bộ tư lệnh toàn quyền. Đệ Tam Quốc Tế phải
là một đội binh cộng sản quốc tế.
Những điều kiện gia nhập có 21 điều
kiện – được ấn định trong Đại hội thế giới của Đệ Tam Quốc Tế năm 1920. Đây là
những điều lệ mà chắc là phần đông, nếu không nói chẳng có ai, trong đảng viên
Đảng Cộng Sản Việt Nam biết đến, khi gia nhập đảng. Nhưng những điều này đuơng
nhiên đặt Đảng Cộng Sản Việt Nam dưới sự lệ thuộc hoàn toàn của Đệ Tam Quốc Tế,
nghĩa là của Liên Xô, trên ba bình diện cơ chế, mục tiêu, và đường
lối.
Trước hết, về mặt cơ chế, Đảng Cộng Sản Việt Nam phải chấp nhận
nguyên tắc “tập trung dân chủ”, về nội bộ của đảng, cũng như trong liên lạc với
Đệ Tam Quốc Tế.
- Điều 12 nói : “Tất cả các đảng thuộc Đệ Tam Quốc Tế
phải được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ”.
- Điều 16 nói :
“Tất cả các quuyết nghị của các Đại hội thế giới Đệ Tam Quốc Tế, cùng các
quyết nghị của Ủy Ban Chấp Hành của Đệ Tam Quốc Tế, đều ràng buộc các đảng gia
nhập Đệ Tam Quốc Tế”.
- Điều 21 nói : “Đảng viên nào phủ nhận các
điều kiện và cương lĩnh của Đệ Tam Quốc Tế sẽ bị loại ra khỏi
đảng”.
- Theo điều 17, các đảng thành phần của Đệ Tam Quốc Tế chỉ là
những chi bộ của Đệ Tam Quốc Tế, vì Đệ Tam Quốc Tế “không phải là một tập hợp
của những chi bộ quốc gia, mà là một tổ chức quốc tế thống nhất”.
-
Điều 13 nói rằng các quyết định của Ủy Ban Chấp Hành “có tính cách cưỡng bách
đối với các chi bộ của Đệ Tam Quốc Tế và phải được thi hành mau
chóng”.
Ở Ủy Ban Chấp Hành Đệ Tam Quốc Tế (ECCI), trong số 10-12 ủy
viên, mỗi đảng lớn được hai ghế, còn các đảng nhỏ không có ghế nào, chỉ có quyền
được tham khảo. Liên Xô đương nhiên dành cho mình 5 ghế, cùng chức vị chủ tịch
Ủy Ban Chấp Hành vì Liên Xô là quốc gia tiếp nhận tổ chức. Trên Ủy Ban Chấp Hành
là một Chủ Tịch Đoàn (Presidium) mà quyền hành còn lớn hơn nữa. Người giữ chúc
chủ tịch đoàn này luôn luôn là một người rất thân cận của tổng bí thư Liên Xô,
(đến năm 1924 là Lênin, và sau đó là Stalin).
Sự lệ thuộc của các đảng
cộng sản đối với Đệ Tam Quốc Tế được tăng cường thêm với điều 1 và điều 15. Theo
điều 1, tuyên truyền và vận động phải có tính cách thực sự cộng sản, không đuợc
mang tính cách quốc gia, và phải “phù hợp với chương trình và quyết định của Đệ
Tam Quốc Tế”. Theo điều 15, “các đảng phải lập chương trình thích ứng với điều
kiện của nước và đúng với những nghị quyết của Đệ Tam Quốc Tế”, nghĩa là chương
trình của mỗi đảng phải được “một Đại hội của Đệ Tam Quốc Tế hay Ban Chấp Hành
chấp thuận”.
Năm 1928, Nội quy Đệ Tam Quốc Tế lại có thêm một điều, điều
29, buộc Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương của mỗi đảng phải trình lên ECCI biên bản
và phúc trình về công việc của đảng đó, và phải được ECCI chấp thuận trước khi
đảng đó họp đại hội.
Về hệ thống chỉ huy, theo điều 30 của Nội quy 1928,
các cán bộ lãnh đạo của một đảng chỉ được từ chức nếu được phép của ECCI ; sự
chấp thuận của Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương của Đảng đó không đủ. Về cơ cấu và
phương pháp làm việc của các đảng hội viên thì Đệ Tam Quốc Tế nói rõ rằng “mỗi
đảng cộng sản phải lệ thuộc sự lãnh đạo của Đệ Tam Quốc Tế” và “các chỉ thị và
quyết định của Đệ Tam Quốc Tế ràng buộc các đảng và, tất nhiên mỗi đảng viên của
các đảng đó”. Hơn nữa, “Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương của một đảng chịu trách
nhiệm với Đại hội của Đảng và ECCI”. Để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, thỉnh thoảng
Đệ Tam Quốc Tế gởi “phái viên” đi dự Đại hội của các đảng.
Theo điều 9
của Nội lệ của ECCI năm 1928, liên hệ giữa các đảng hội viên và các cơ quan
trung ương của Đệ Tam Quốc Tế theo nguyên tắc thống nhất và kỷ luật vô sản. ECCI
là thượng cấp và các đảng là thuộc cấp, chớ không bình đẳng. ECCI có quyền đòi
một đảng hội viên trục xuất một nhóm hay một đảng viên vi phạm kỷ luật, hoặc
trục xuất một đảng vi phạm quyết định của Đai hội Đệ Tam Quốc Tế.
Phải
từ bỏ tinh thần quốc gia
Theo những điều kiện trên đây, một người
Việt gia nhập Đảng Cộng Sản Việt Nam đương nhiên mất hết quyền quyết định về vận
mạng Việt Nam, hay của chính mình ! Và từ lúc thành lập và tự nhận là một bộ
phận của Đệ Tam Quốc Tế, năm 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải từ bỏ một số
chủ trương và tuân theo một số chủ trương khác.
Trước hết, về mục tiêu,
chủ tịch Zinoviev nói rằng Đệ Tam Quốc Tế là “một đảng duy nhất, với chi bộ ở
các quốc gia”. Lênin giải thích rằng Đệ Tam Quốc Tế là “một đội quân vô
sản quốc tế” mà nhiệm vụ là “thực hiện cách mạng vô sản quốc tế, thiết
lập một Cộng Hòa Sô Viết Quốc Tế”. Kamenev, một viên chức cao cấp của tổ
chức, nói : cần có một ban tham mưu quốc tế để lãnh đạo đội quân cách mạng quốc
tế này, và “Đệ Tam Quốc tế là Ban Tổng Tham Mưu của đội quân này”.
Kế
đến, đảng đó phải từ bỏ những quan điểm cải lương, hòa bình, và quốc gia. Theo
điều 2 của Quy chế Đệ Tam Quốc Tế, tổ chức nào xin gia nhập Đệ Tam Quốc Tế
“phải loại trừ tất cả những người có quan điểm cải lương và “đứng giữa” và
thay thế họ bằng những người cộng sản”. Theo điều 17, Đệ Tam Quốc Tế
“cương quyết tuyên chiến với toàn thể thế giớí trưởng giả (bourgeois), và tất
cả các đảng dân chủ xã hội”. Và theo điều 6, một đảng xin gia nhập Đệ Tam
Quốc Tế phải “khước từ mọi tinh thần ái quốc, và cả tinh thần chuộng hòa bình
về mặt xã hội”. Người cộng sản phải từ chối “dân chủ tiểu tư sản” và
phương thức không cách mạng (không bạo động).
Một khi đã thâu nhận chủ
thuyết Lênin, Đảng Cộng Sản Việt Nam phải loại bỏ tất cả các tư tưởng cải lương,
chuộng hòa bình, tinh thần quốc gia, chấp nhận bạo động và độc tài vô
sản.
Áp dụng bạo lực là một trong những chủ trương chính của Lênin. (Quan
điểm này đã được ông ta trình bày rất rõ ràng trong tác phẩm Quốc Gia Và Cách
Mạng). “Độc tài vô sản” được ông ta định nghĩa là “sử dụng bạo lực
không chấp nhận một giới hạn nào cả, bất chấp tất cả các luật lệ”. Về tinh
thần quốc gia và tinh thần quốc tế, Lênin gạt bỏ tinh thần quốc gia, cho đó là
môt quan niệm của giới truởng giả (bourgeois), và người cộng sản chỉ biết có một
loại tinh thần quốc tế, đó là “chung sức với các người cộng sản khác để chuẩn
bị, tuyên truyền, và gia tốc thực hiện cách mạng vô sản quốc tế”. Ông ta kêu
gọi những người cộng sản trên khắp thế giới “tiếp tay với Liên Xô tổ chức một
đạo quân thống nhứt để thực hiện cuộc cách mạng vô sản thế giới và thiết lập một
Cộng Hòa Sô Viết toàn cầu”. Lênin đòi hỏi người cộng sản phải tuyệt đối
trọng kỷ luật. Vi phạm kỷ luật là bội phản giới vô sản. Ông ta nói : “không
tuân kỷ luật là giải giới vô sản… người nào vi phạm một tý ty kỷ luật sắt của
đảng vô sản là… tiếp tay cho giới trưởng giả chống vô sản”.
Hình
thức dân tộc, nội dung quốc tế
Trên đây là phần tư tưởng, chủ trương,
đường lối, chiến lược và tổ chức. Về phương diện chiến thuật, phương thức cách
mạng, thì các cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được nghe nhiều,
và được huấn luyện theo đó. Chiến thuật, đặc biệt là chiến thuật cướp chính
quyền có thể nói là phần quan trọng nhứt trong chủ nghĩa Lênin; đó là môn sở
trường nhất của Lênin. Nó cũng là môn sở trường nhất của Hồ Chí Minh, người được
công nhận là một đệ tử xuất sắc nhứt của Lênin. Và ông Hồ đã truyền lại những
mánh khóe “cách mạng” cho đàn em trong Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Những giáo
huấn chính của Lênin về lãnh vực này được trình bày trong tác phẩm “Cộng sản
tả khuynh, căn bệnh của cộng sản ấu trĩ”. Trong tác phẩm này Lênin nói về
những phương thức, thủ đoạn, xảo quyệt, để nắm bá quyền trong các tổ chức, và
cướp chính quyền. Các đảng viên cán bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam chắc được học
nhiều, nghe nhiều về những điều này, tưởng không cần lặp lại ở đây. Chỉ có ba
điều cần nhấn mạnh.
Điều thứ nhất là sự sử dụng bạo lực. Lênin dạy đàn em
phải sử dụng bạo lực triệt để, và chỉ có bạo lực mới giải quyết mọi vấn đề. Đó
là “bạo lực cách mạng”.
Điều thứ nhì là quan niệm cộng sản về đạo
đức. Lênin dạy đàn em rằng đạo đức của người cộng sản là có thể làm bất cứ điều
gì, miễn là có lợi cho đảng cộng sản.
Điều thứ ba, căn bản nhất, là thủ
đoạn mang mặt nạ, lường gạt kẻ khả tín, thực hiện cách mạng thế giới qua nhiều
giai đoạn, nhưng thủ đoạn này rất tế nhị, ít người thấy được rõ. Đó là :
“chiến lược không thay đổi, nhưng chiến thuật thì thay đổi hoài hoài”.
Đặc biệt là phải áp dụng những hình thức khác nhau, để đánh lạc hướng địch nhân,
mà ngay cả những người đồng minh, hay những người theo mình không phải vì họ
thích chủ nghĩa cộng sản, làm cho họ không thấy được mình đang thực sự làm gì,
dẫn họ đi đâu.
Thủ đoạn trên đây được ghi trong một văn kiện rất dài nói
về “chính sách mới” của đảng, tháng 10, năm 1936 :
“Đảng Cộng
Sản Đông Dương là chi bộ của Quốc Tế Cộng Sản, chiến lược cuối cùng của Đảng tức
là chiến lược của Quốc Tế Cộng Sản…
Theo đúng chiến lược của Quốc
Tế Cộng Sản thì chiến lược của Đảng Cộng Sản Đông Dương là làm cách mệnh dân
quyền… để dự bị điều kiện đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, đó là mục đích cuối
cùng của cách mệnh trong giai đoạn này… Cần nhắc lại rằng chiến lược của Đảng
không thay đổi, còn chiến sách là một thứ mưu kế để hoạt động cần phải sửa đổi
luôn…
Chúng ta theo chủ nghĩa quốc tế, không phải theo chủ nghĩa
quốc gia… chúng ta phải nâng cao tinh thần tranh đấu dân tộc giải phóng mật
thiết liên kết với quyền lợi của quần chúng lao động, nghĩa là hình thức thì dân
tộc mà nội dung thì quốc tế” [tác giả nhấn mạnh].
Câu chót này trích
hầu như nguyên văn của một câu trong Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản : “Cuộc đấu
tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không
phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh
dân tộc”.
Đây là một đề tài mà các cán bộ, đảng viên Đảng Cộng Sản
Việt Nam đã hăng say tranh đấu và hy sinh trong mấy chục năm qua nay cần suy
ngẫm, và tự hỏi : “Mình đã giết biết bao nhiêu đồng bào, phá hủy biết bao
nhiêu tài sản, để làm gì, cho ai ?”.
Tôn Thất Thiện
Ottawa, 11-2004