Thursday, December 20, 2012

KTG.Nguyễn Xuân Nghĩa


Trung Quốc Quật Khởi – Hoa Kỳ Lang Bang

Hoa Kỳ Và Trung Quốc Trong Thời "Cải Tạo Xã Hội"...

Sau tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ và Đại hội đảng khóa 18 tại Trung Quốc, quan hệ giữa hai cường quốc này sẽ đi về đâu? Câu hỏi rất đáng chú ý này cần được nêu ra, và xét lại, nếu như lãnh đạo Hoa Kỳ ra khỏi giấc đông miên dấm dớ và lãnh đạo Bắc Kinh không trượt chân trong bước cải tạo của họ...(Hình phải:Bích chương quảng cáo phim tài liệu về chiến tranh giữa hai đế quốc Hoa Mỹ )

Ngày xưa, Đặng Tiểu Bình đề ra chủ trương đối ngoại có vẻ ôn nhu qua khẩu hiệu "thao quang dưỡng hối", nôm na là che giấu ánh sáng và nuôi dưỡng bóng tối, mà thực chất là "thao hối" – có ý đồ đen tối. Sau khi lên lãnh đạo từ Đại hội 16 vào năm 2002, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tiếp tục đường lối đó qua một khẩu hiệu khác.

"Quật khởi hòa bình" là chữ do một cố vấn của họ Hồ là Trịnh Bí Kiên tung ra từ năm 2004 và rầm rộ quảng bá ra ngoài - trên cả tờ Foreign Affairs của Hoa Kỳ vào mùa Thu năm 2005 trước sự hồ hởi của trí thức Mỹ. Sau đấy, khẩu hiệu đầy tính hiếu hòa này còn được cải tiến một bậc thành "phát triển hòa bình" với hàm ý trấn an thiên hạ. Trung Quốc có sức mạnh kinh tế, khả năng quân sự và thế lực chính trị, nhưng không đe dọa một ai cả.

Ngày nay, khi Hồ Cẩm Đào hết làm Tổng bí thư, cũng tự chấm dứt vai trò lãnh đạo quân đội qua Trung ương Quân ủy hội và sẽ nhường chức Chủ tịch Nhà nước cho tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình vào năm tới, người ta thấy ra tính chất thiếu hoà bình mà thừa hung hăng của Trung Quốc.

Bản chất "thao hối" của Bắc Kinh đã tỏ lộ.

Các học giả về Trung Quốc, rất xứng tên "Trung học", có thể bình nghị về các nguyên nhân của thái độ này. Như ảnh hưởng của quân đội và các tướng lãnh trên thượng tầng lãnh đạo, hay chủ trương của phe "tân tả" mà thực chất là cực hữu trong giới trí thức của đảng, hoặc nhu cầu xoa dịu sự bất mãn của quần chúng bằng cách đề cao sức mạnh của Hán tộc, v.v... Những chuyện ấy không đáng nói bằng sự thể khách quan là Bắc Kinh không chấp nhận ngồi ghế cá kèo khi họ thấy đệ nhất siêu cường toàn cầu đang đến hồi mạt vận. Hãy xem lãnh đạo Hoa Kỳ đang tranh luận về những gì thì ta thấy ra kết luận của lãnh đạo Trung Quốc.

Huống hồ, thiên nhiên vốn không thích khoảng trống.

Hoa Kỳ đang úp mặt vào tường, hai năm qua vẫn chưa dứt khoát được về ưu tiên giảm chi hay tăng thuế để tìm lại quân bình tối thiểu về chi thu, lại còn tín nhiệm một Tổng thống có chủ đích cải tạo xã hội, thì sẽ lại thả nổi thiên hạ sự. Chuyện nước Mỹ "chuyển trục" về Châu Á là phèng la để che lấp một sự lúng túng cao độ khi phải thu vén ngân sách quân sự.

Tương lai rồi sẽ ra sao?

Trong nhiệm kỳ đầu của Barack Obama, đối sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc có cái dáng đa nguyên của Đào Cốc Lục tiên trong truyện võ hiệp "Tiếu Ngạo Giang Hồ" của Kim Dung.

Là các nhân vật võ công trùm đời nếu liên thủ với nhau, sáu cao thủ này có biệt tài cãi nhau về chuyện vu vơ ngớ ngẩn. Rất Mỹ. Nhiều khi họ còn tranh luận với sự tích cực giúp sức của hệ thống địch vận Trung Quốc, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang kiếm lời tại Hoa lục và những chên gia học giả sẵn sàng trấn an dư luận Mỹ về sự khôn ngoan và biết điều của Bắc Kinh.

Trong xã hội và trên thương trường Hoa Kỷ thì đã vậy, trên chính trường thì còn tệ hơn. Đó là hiện tượng ba đầu sáu tay đánh nhau chí chạp.

Ở mặt dương, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Ngoại trưởng Hillary Clinton có tiếng nói tương đối tích cực, với hậu thuẫn của một số đại diện dân cử có vẻ diều hâu trong Quốc hội. Sau khi dại dột tuyên bố khi mới nhậm chức vào đầu năm 2009, rằng vấn đề (thiếu) nhân quyền của Trung Quốc không thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước, bà Clinton đã đổi giọng từ năm 2010. Trên tờ Foreign Policy ngày 11.11. 2011 còn phóng bút khẳng định thêm về chủ trương "Thế kỷ Á châu của Hoa Kỳ".

Nhìn từ Bộ Ngoại giao thì Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong tinh thần cộng đồng đồng tiến, đôi bên và thế giới cùng có lợi. Nhưng Mỹ không từ bỏ những giá trị tinh thần của mình là tôn trọng nhân quyền và phát huy dân chủ và vẫn lên tiếng khi cần thiết. Đấy là quan điểm truyền thống của cánh tả tích cực với thiên hạ sự. Nhưng quan trọng nhất, Clinton nhắc nhở rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ quyền lợi của mình tại Châu Á vì từ bản chất và vị trí địa dư, Hoa Kỳ là một cường quốc Á Châu.

Nhiều quốc gia Đông Á vội coi đó là bước ngoặt chiến lược khi Hoa Kỳ đã có thể rút chân khỏi hai chiến trường Iraq và Afghanistan sau 10 năm bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo. Người ta càng vững tin như vậy khi thấy Bộ Ngoại giao vừa nói là có Bộ Quốc phòng xúc tiến bằng hành động cụ thể, như tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia hải đải hay bán đảo tại khu vực Á châu Thái bình dương, như Nhật Bản, Nam Dương, Phi Luật Tân, Singapore, Úc, và cả Việt Nam....

Và nếu nói về thế với lực, Hoa Kỳ có cái lực để bảo vệ cái thế Á châu của mình. Với sản lượng kinh tế chỉ bằng 22% của tổng sản lượng thế giới, Hoa Kỳ có ngân sách quốc phòng cao gấp đôi tỷ trọng kinh tế đó, và một sức mạnh hải quân dày dạn phương tiện và kinh nghiệm hơn hẳn Hải quân của Trung Quốc mới chỉ thập thò tiến ra biển xanh dương....

Nhưng có thế và lực, nước Mỹ cũng còn cần ý chí.

Khi ấy, ta mới thấy Bộ Ngân khố (Tài chánh) của Chính quyền Obama lại giữ nhiệm vụ đá ra biên. Một con kỳ đà cản mũi. Dưới sự lãnh đạo của Tổng trưởng Timothy Geithner, cái đầu thứ ba này có tiếng hót lạc điệu.

Là chuyên gia về Trung Quốc - lại một nhà "Trung học" - xuất thân từ lò đào luyện của Henry Kissinger, có quyền lợi gắn bó với giới đầu tư tài chánh tại Wall Street, Geithner triệt để giữ gìn tình hữu nghị Mỹ-Hoa. Như một đối tác thuộc loại thân hữu theo cái nhìn của Bắc Kinh, Geithner thường tránh nêu vấn đề về quy chế của đồng Nguyên, về tội lũng đoạn hối đoái và cạnh tranh bất chính, kể cả tội không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Cũng dễ hiểu thôi vì quy luật "ăn cây nào rào cây ấy" trong cái cảnh một đồng một cốt. Mai này khi ra khỏi nội các, Geithner vẫn là chuyên gia có thế giá trong lãnh vực tài chánh ngân hàng gắn bó với thị trường Trung Quốc, hoặc sẽ lại như Kissinger, làm tư vấn cho giới đầu tư cần kiếm lời trong quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.

Ra khỏi những tính toán rất Mỹ và rất bẩn đó, số xuất siêu của Trung Quốc (thặng dư mậu dịch) lại được tái đầu tư vào thị trường Mỹ và giữ cho phân lời rẻ để Hoa Kỳ thoải mái tăng chi. Việc doanh nghiệp Mỹ thua thiệt vì bị cạnh tranh bất chính là vấn đề của người khác.

Cũng vì vậy mà Bộ Ngân khố của Geithner còn khéo đỡ đòn cho Trung Quốc khi gặp sức ép của Bộ Thương mại và Hội đồng Thương mại Quốc tế ITC.

Ở trên cùng, người có thể điều chỉnh đối sách giở giăng giở đèn như vậy của Hoa Kỳ với Trung Quốc là Barack Obama thì lại theo đuổi ưu tiên khác: gây bội chi ngân sách để hối lộ cử tri hầu tiến hành việc cải tạo xã hội theo giấc mơ viển vông và tốn kém của mình. Mà lại tái đắc cử!
***

Vì vậy, trong một vài năm tới, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đi bước "lang ba vi bộ", lúc thì quàng sang tả, khi thì chạy qua hữu và chưa thể có một đối sách thống nhất và dứt khoát với Trung Quốc.

Đấy là một sự cám dỗ rất lớn cho lãnh đạo Bắc Kinh, cho đến khi nước Mỹ lại giật mình tỉnh giấc. Từ nay đến đó, các quốc gia trong khu vực sẽ phải tư lo liệu lấy.

Nếu cứ từ quá khứ mà vạch ra đường tuyến cho tương lai thì Trung Quốc sẽ sớm vượt Hoa Kỳ về sức nặng kinh tế, Rồi với sức bật của quân sự của Bắc Kinh, Á Châu sẽ lại chuyển trục. Nhưng sự đời vốn dĩ bất lường, lãnh đạo Bắc Kinh có thể yên tâm về lợi thế nhất định từ sự trống trải và lang bang của nước Mỹ, họ không thể giải quyết được quá nhiều mâu thuẫn ở bên trong. Và càng muốn bung ra thật mạnh thì cái vỏ cứng càng khiến cái ruột mềm dễ đứt đoạn. Đó là khi Trung Quốc gãy trục trên đà cải tạo xã hội thành một xứ văn minh và tiến bộ hơn.

Chuyện ấy, xin chờ cuộc bầu cử tới của Hoa Kỳ vào năm 2016, trước khi có Đại hội 19 của đảng vào năm 2017, nếu như Tập Cận Bình chưa bị nhồi máu cơ tim....

Nguyễn Xuân Nghĩa
Dec.12.2012
@dainamaxtribune