Monday, April 27, 2009

Diệp Văn Cương


Diệp Văn Cương & Diệp Văn Kỳ

Diệp Văn Cương, hiệu Thọ Sơn, bút hiệu Yên Sa, vì quê quán ông ở An Nhơn (gần Gò Vấp), Gia Định. Thuở nhỏ, Diệp Văn Cương giỏi chữ Hán và quốc ngữ nên được học bổng du học và đỗ tú tài ở Pháp. Ông về nước dạy tại trường Chasseloup Laubat (tục danh trường “Bổn quốc”)(1). Sau làm thông ngôn cho toà Khâm sứ Huế và là thầy dạy học cho vua Đồng Khánh. Ông lấy công chúa, Công nữ Thiện Niệm, con của Thoại Thái Vương Hồng Y, em vua Dục Đức. Ông có vai trò trong việc đưa vua Thành Thái lên ngôi, sau khi vua Đồng Khánh mất.

Là một trí thức lớn ở miền Nam, năm 1868, ông là chủ biên tờ Phan Yên báo tại Sài Gòn. Tờ báo quốc ngữ thứ hai sau Gia Định báo (1865) do Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của chủ biên. Nội dung tương tự như Gia Định báo (lúc đầu bài trong Gia Định báo đa số là công báo của chính quyền Pháp), với tin địa phương và thư độc giả bằng chữ quốc ngữ, nhưng sau đó có các bài chính trị, nên báo bị đóng cửa. Tác phẩm của Diệp Văn Cương gồm có: Syllabaire quốc ngữ (sách vần quốc ngữ) (1919), Recueil de morale annamite (1917), dịch tập Phong Hóa từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ.

Hãy nghe Vương Hồng Sển (1) kể về ông:“Gần tuổi về hưu, ông trở lại dạy Sử học và Việt văn trường Chasseloup-Laubat như trước. Kẻ viết bài này khi còn học lớp dưới, đã từng đứng nghe lóm ngoài cửa và ân hận không được thọ giáo cùng ông. Khoảng năm 1919, dạy sử học, ông lấy Sử Diễn Ca Lê Ngọc Cát ra bình chú, dạy Việt Văn ông đã biết đem những đoạn xuất sắc trong Kiều, Lục Vân Tiên, và Chinh Phụ Ngâm ra giải thích cũng là mới lạ. Người ông nẫm thấp hùng vĩ, lịch duyệt Bắc Nam, ông ngâm thi sang sảng, nói tiếng Tây rất "giòn", bình sanh sở thích hát bội, roi chầu bóng bẩy rất mực phong lưu, tuồng hát nằm lòng, cô đào anh kép phục sát đất! Vãn hát ông rước luôn đào để cả y phục và áo mão về nhà hát lại ông thưởng thức riêng.”

Diệp Văn Kỳ, con trai của Diệp Văn Cương, đỗ cử nhân, luật sư, cũng là một nhà báo tiền phong rất có tiếng tăm như cha. Mua lại tờ Đông Pháp thời báo (1927) từ ông Nguyễn Kim Đính, sau đổi thành nhật báo Thần Chung, được sự cộng tác đắc lực của nhóm Nguyễn Văn Bá, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Đào Trinh Nhất, Trần Huy Liệu, Phan Khôi, v.v.. Từ khi làm chủ, ông đã chuyển Đông Pháp thời báo theo hướng một tờ báo đối lập và Đông Pháp thời báo trở thành tờ báo có rất đông bạn đọc khắp Nam, Trung, Bắc. Cũng như cha, ông viết nhiều, đôi khi cùng với Phan Khôi (dưới bút hiệu Tân Việt) và rất mê kịch, tuồng (13). Ông là nhà báo dân tộc, lên tiếng bảo vệ sự hợp nhất chữ quốc ngữ ở 3 kỳ chống lại sự chia rẽ trong những tranh luận tách riêng sách giáo khoa quốc ngữ ở trong Nam (14) và là người rất rộng lượng, giúp đở nhiều nhà văn, nhà báo như Mộng Đài, Tản Đà..

Ông giúp đỡ thi sĩ Tản Đà, khi Tản Đà thất bại làm báo “An Nam tạp chí” thiếu nợ phải vào Nam kiếm sống khoảng năm 1926, trong lúc tình cờ gặp Tản Đà đang lang thang trên đường Catinat (đường Đồng Khởi) trước nhà hàng Continental mà ông và một số bạn đang ngồi bên trong. Mến tài Tản Đà, ông cho 2000$ (một số tiền lớn thời đó) để Tản Đà trở ra Bắc trang trãi nợ nần và vào Nam viết cho tờ Đông Pháp thời báo. Ông trã rất hậu hĩnh mỗi tháng cho thi sĩ Tản Đà bằng tiền lương quận trưởng (12) và giúp đỡ định cư ở Saigon (Xóm Gà, Gia Định) trong ngôi nhà rộng, tĩnh mịch để thi sĩ có cảm hứng. Tuy vậy thi sĩ Tản Đà cũng có lúc báo sắp lên khuôn mà chưa thấy đưa bài. Ông Kỳ phải kêu tùy phái vào Xóm Gà để hối thúc bài. Tản Đà vẫn thản nhiên thốt một câu lịch sử để đời trong văn học “Làm thơ đâu phải bửa củi mà muốn lúc nào có lúc ấy”.

Nhà thơ thời tiền chiến Mộng Đài cũng là một người thuở còn trẻ khi vào Saigon đã được ông giúp đỡ. Trong dịp cùng với nhà báo Hoa Đường xông đất đầu năm đến nhà Diệp Văn Kỳ thăm, Mộng Đài viết trong hồi ký như sau

“Sau khi cho phép Hoa Đường múa “Gioọc” (“Giọc” là giọc tẩu, ống hút thuốc phiện) đầu năm, cụ Diệp quay lại nắm lấy tay tôi và bằng giọng thật ấm áp nói:

-“Xừ Mạnh đến với anh, anh chẳng biết chúc gì cho chú em mà chỉ có mỗi bài thơ này tặng nhau ngày Xuân”.

Rồi cụ Diệp cất tiếng cao ngâm bài thơ ứng khẩu ấy như sau:

Cái kiếp trần duyên, kiếp đọa đày
Non Tiên sao khéo lạc loài đây?!
Trớ trêu thu thủy hoa in nguyệt
Đỏng đảnh Xuân Tiêu liễu vẽ mày
Sóng sắc lập lòe con nước động
Gió hương phưởng phất cánh hoa lay.
Trông em khó nổi vô tình được
Mượn bút làm duyên để giải khuây.

Ngâm xong cụ lấy bút viết ngay vào tờ giấy đoạn vào
phòng trong bỏ trong phong bì đỏ ra trao tôi:
-“Bài thơ này tặng em. Ý tứ của bài thơ thì em về chiêm nghiệm lấy”.
Đêm hôm ấy tôi về đến nhà, mở ra để đọc lại cho vui. Không ngờ ngoài tờ thơ cụ viết, cụ còn để ngay ngắn tờ “Con Công” năm đồng ngay trong phong bì để lì xì cùng mấy chữ ngoằn ngoèo trong tờ giấy đỏ:

“Cho người em cưng nhất của ta”. Cụ ký vào bên dưới”.

Năm 1945, ông Diệp Văn Kỳ bị VC ám sát ở Trảng Bàng (Tây Ninh), uổng mất một tài năng trong lịch sử báo chí Nam kỳ. Ngoài số bài báo ông viết và viết chung với Phan Khôi, còn có tác phẩm để lại: Thần ái tình (Rabindranath Tagore), Diệp Văn Kỳ dịch, 1929. Biệt thự nhà ông trên đường Trần Hưng Đạo, được quân đội Nhật trưng dụng dùng làm nơi chỉ huy, sau quân đội Anh giải giới giao cho Pháp và trước năm 1975 được dùng làm Bộ Tổng Tham Mưu.


NGUYỄN ĐỨC HIỆP
Nguồn vanchuongviet
Đọc thêm : vietbao