Cái thế lực của nhà văn hào
Một vị hoàng đế hay là một chánh phủ có thế lực lớn đã đành, một nhà văn hào đứng bựcthì lại cũng có thế lực đối ngang với cái thế lực trên kia. Mà một đôi khi hai đàng gặp nhau, cái thế lực của hoàng đế hay của chánh phủ lại phải chịu sút cái thế lực của nhà văn hào, sự đó không phải là sự xưa nay chưa hề thấy.
Nếu vậy thì cái câu "Một mảnh giấy hơn mười vạn binh" chẳng phải là câu nói ngoa; mà chị em bạn gái ta nghĩ rằng: "Chẳng ham ruộng cả ao liền, ham vì cái bút cái nghiên anh đồ" cũng không phải là nghĩ bậy.
Nói thật không phải bỡn: cái ngọn bút của nhà văn hào đứng bực có thể chấp cả muôn binh ngàn tướng, tàu đồng súng sắt, lại chấp cả những thứ pháp luật nặng nề kia đặt ra để mà áp chế thiên hạ nữa.
Trong bao nhiêu vị văn hào trong thế giới, ta hẳn kể ra đây một vị ở nước Nga, là ông Tolstoy, mà ta quen đọc theo chữ Tàu là "Thác-nhĩ-tư-thái".
Ông Tolstoy sanh năm 1828, mất năm 1910, là một nhà văn học có tiếng nhứt ở nước Nga. Thuở nhỏ ông đi học trường đại học Kazan, rồi có đi lính một độ, sau về ở ẩn tại làng kia gần thành Moscou, chăm một việc học hành và làm sách rất nhiều. Ông nổi tiếng về thi ca và tiểu thuyết, mỗi lần bài của ông ra, người ta hay tranh nhau mà đọc. Ông chủ trương cái thuyết xã hội cải lương và tôn giáo thần bí, cố đem những cái lẽ tự do, bình đẳng mà rót vào trong đám óc bình dân. Ông lại là một nhà thực hành cái chủ nghĩa xã hội, ở nhà tranh vách đất, làm ruộng lấy mà ăn. Những sách của ông không hề giữ bản quyền, nói rằng: ấy là một vật chung của thế gian, mình không thể đem làm của riêng mình được.
Ông Tolstoy cũng phản đối nhà vua, phản đối nhà tư bổn, vì cớ ấy đã có hai lần bị chánh phủ bắt, song xét ra ông chỉ nói mà thôi, chớ không có làm việc gì phạm tội cả, nên được thả về...
Sách vở của ông Tolstoy có nhiều chỗ nói bạo lắm, thử dịch sơ ra đây một đoạn mà nghe. Trong một cuốn sách kia, ông có tỏ ý mình về sự bỏ kinh đô về ở nhà quê mà rằng:
"Các chỗ đô hội lớn trong thế giới như Ba-lê, Luân-đôn phồn thạnh đến nỗi nào, chẳng cần phải nói. Tức như hai kinh đô cũ và mới (Moscou và Pétrograd) của nước Nga gần đây cũng đã thấy phát đạt mỗi ngày một hơn. Những lâu đài cung điện của nhà vua nguy nga đồ sộ là dường nào, gấm mây trăm thức, rực rỡ vàng son, đem cung thất của đế vương đời xưa mà sánh nhau, thật không thấm vào đâu cả. Người ta đến chơi đấy ai chẳng ngước mặt khen thầm, cho rằng nước Nga là nước lớn, xem đây đủ biết dân tộc Tư-lạp-phu (Slave) là hùng cường? Nào ngờ đâu! đó chỉ là cái bề ngoài mà thôi; còn nhân dân trong cả nước, chẳng biết bao nhiêu người khổ não phiền hà dưới cái oai chuyên chế, hằng ngày đổ mồ hôi, toát nước mắt lo mà cuốc bẫm cày sâu, có khi cả năm không hề được nghỉ, nhưng mà nào có ai biết tới! Ôi! những sự trang hoàng rực rỡ ở chốn kinh đô nầy có phải là bởi mồ hôi nước mắt ấy mà làm nên chăng? Làm sao kẻ ở dưng thì ngồi đó mà ăn chơi, còn kẻ khó nhọc lại không được hưởng? Trời sanh người ta ra, ai cũng như nấy, có ai lại hơn kém gì ai? Kẻ có quyền lực kia chẳng phải có ba đầu sáu tay hay là có phép lạ chước mầu gì, chỉ nhờ cái sức mạnh hơn người, rồi đang tay mà cướp bóc. Chúng lại dám khoát lên rằng: "Hỡi bay là lũ dân hèn, phải ra sức làm lụng để cung phụng chúng ta là con cưng của Trời đây! " Vậy ra đầy tớ trở khinh thầy, kẻ trộm trở ăn hiếp gia chủ, thì ai mà chẳng căm tức được?
"Mà hay! Cái chốn tòa ngang dãy dọc, võng lọng nghinh ngang là chốn kinh đô nầy, mà té ra là chỗ ổ ăn trộm đây! Chúng nó tụ họp trăm ngàn lu la, rồi bợ đỡ một vài thằng đại ác lên làm lớn, mài nanh rỉa vuốt, hút máu gặm xương, thì loài người còn có mấy nỗi mà chẳng tiêu mòn? ...
Cho nên người ta thường nói kinh sư là nơi "thủ thiện", mà ta thì bảo kinh sư là nơi "thủ ác". Bởi vậy ta chán không muốn ở đó nữa, mà về ở nơi thôn quê nầy để lánh chốn bụi hồng mà giữ lấy tấm thân sạch sẽ. May ra có ngày trời kia ngó lại, một trận gió đông quét sạch cái chỗ trần hiêu ô uế ấy, há chẳng sướng lắm thay! "
Một đoạn dịch đó, xin độc giả đừng kể văn chương, chỉ xem sơ qua cho biết cái tư tưởng của ông Tolstoy là thế nào.
Ông Tolstoy đã đem cái tư tưởng cách mạng sú vào thơ văn mà sún cho quốc dân nước Nga, nhứt là đám học sanh, làm cho hết thảy đều nẩy ra cái mầm cách mạng. Bấy giờ những tay thủ cựu trong Giáo hội thấy thế thì cho ông Tolstoy là bậy mà bỏ ông ra ngoài giáo hội. Những học sanh ở kinh đô nước Nga có đến vài ba vạn người, bình nhựt họ đã đọc sách của ông và kính phục ông lắm, gặp việc nầy, tài nào chịu được, họ bèn đứng phắt cả dậy, gây ra việc rất to, để cho chúng ta nhơn đó thấy cái thế lực của nhà văn hào.
Việc nầy chẳng xưa mấy, mới xảy ra cách 27 năm nay, nghĩa là vào năm 1901.
Bấy giờ mấy vạn học sanh đứng ra kêu oan cho ông Tolstoy mà kiện đến hoàng đế nước Nga. Hoàng đế không cho việc học sanh làm đó là phải, thì hạ lịnh cấm không cho ồn. Bọn học sanh tính bề không thể lấy lý sự mà nói được, ngày 17 tháng 3 năm ấy bèn nổi lên, quân cách mạng cờ xí toàn dùng sắc đỏ cả để chỉ nghĩa rằng phải đổ máu. Họ phát hành ra một bài hịch rất dài, kể tội ác của chánh phủ và nói quyết rằng bọn học sanh phải liều mình đổ máu để trừ khử hoàng tộc đi và lấy lại quyền tự do. Liền ngày đó, quân chánh phủ và quân học sanh hai bên giao chiến cùng nhau. Rút lại, bên học sanh vì ít người và không đủ khí giới thì phải thua to, chết mất hơn một ngàn người; còn bên chánh phủ cũng bị chết tròm trèm số ấy, hội hồng thập tự phải đem lính ra cứu, như khi hai cường quốc đánh nhau vậy.
Học sanh quân dẫu bị thua song cũng còn thâu góp nhau lại, tính bề quyết chiến với chánh phủ trận nữa. Họ trốn dấu khắp mọi nơi, chánh phủ không thể bắt giết hết cả được, thành ra việc càng thêm khó xong. Ngày 22 ông hội trưởng của giáo hội bị học sanh ném trái phá mà chết, lại các quan thượng thơ đều có được thơ hăm dọa của bọn học sanh, tức chẳng đã vua Ni-cô-la II bèn mở cuộc hội nghị trong cung, rồi xóa cái nghị bỏ ông Tolstoy ra ngoài giáo hội đi, lại cho học sanh khỏi đi lính và thay đổi chế độ trường đại học. Khi ấy học sanh quân mới chịu tan. Tuy vậy, kinh đô Pétrograd cũng đã rối loạn một tuần lễ. Trong một tuần lễ đó ông Tolstoy vẫn ngồi yên ở nhà, trong tay ông cũng chỉ có một ngòi bút.
Cuộc chiến tranh đó ban đầu thì bên chánh phủ được thắng mà bên học sanh bị hại, song rốt lại thì bên học sanh lại được thắng vì bên kia sau phải kiếm cách mà cầu hòa. Nói cho đến cùng thì sự thắng trận không phải của mấy vạn học sanh nước Nga mà là của ông Tolstoy, của ngòi bút ông Tolstoy.
Bên quân học sanh không có đủ binh lính súng đạn mà cũng thắng được bên quân chánh phủ có nhiều binh lính súng đạn. Còn ông Tolstoy không hề có một chút binh lính súng đạn gì hết, song cũng thắng được, ấy là nhờ ông có cái ngòi bút.
Sau đó không đầy 20 năm, ngôi vua nước Nga đổ, vua Ni-cô-la bị giết, nước Nga trở nên nước dân chủ, rồi lại trở nên nước cộng sản, người ta cho rằng ấy là nhờ thế lực của quân cách mạng bấy giờ và thế lực của bọn Lý-Ninh; nhưng lại có người nói rằng ấy là nhờ thế lực của ông Tolstoy, nhờ ngòi bút của ông Tolstoy vậy.
CHƯƠNG DÂN
Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 727 ra ngày5.6.1928
Ghi chú: Chương Dân là bút hiệu của Phan Khôi
Hình trên:Phan Khôi
Nguồn viet-studies