Friday, June 19, 2009

Prisonnier Politique Au Việt Nam


CHẾT TRONG LAO TÙ CỘNG SẢN

Lời người dịch: Cái chết của LS Trần Văn Tuyên, một phó thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Thông Tin, một Giáo Sư Dân Luật Luật Khoa Đại Học Đường Sài Gòn , một Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn Sài Gòn, một Luật Sư tên tuổi và cuối cùng một Dân Biểu Lãnh Tụ Khối Dân Tộc Đối Lập Hạ Viện VNCH dưới thời TT Nguyễn Văn Thiệu, mãi đến bây giờ mới được công bố sự thật qua ngòi bút hồi ký tả chân và sống động của Cố Giáo Sư Thạc Sĩ Y Khoa Trần Vỹ, nguyên Bộ Trưởng Y Tế Đệ I Cộng Hòa, một sáng lập viên Lực Lượng Nhân Dân Kiến Quốc đối lập với TT Nguyễn Văn Thiệu, trong đại tác phẩm trường thiên hồi ký viết bằng Pháp ngữ "Prisonnier Politique Au Việt Nam" (Người Tù Chính Trị Tại Việt Nam) mà tôi xin trích dịch hầu độc giả sau đây. LS Trần Văn Tuyên là Giáo Sư Dân Luật của tôi năm thứ I ở trường Luật khi tôi còn theo học Y Khoa ở Sài Gòn. Giáo sư thạc sĩ Trần Vỹ là thầy dạy tôi các năm thứ I, II, III ở Y Khoa Đại Học Đường Sài Gòn về các môn Sinh Lý Học (Physiologie) và Y Học Thực Nghiệm (Médicine Expérimentale). Sau ngày mất nước 30/4/75, cả hai thầy lẫn trò đều phải đem theo "một tháng tiền ăn" và "đăng ký cải tạo tẩy não" tại trường Trưng Vương để rồi xuống ở tù tại làng Cô Nhi Long Thành tọa lạc trên Quốc Lộ 15 đi Vũng tàu, cách Sài Gòn 35 cs. Tại đây, bọn cộng sản đã chia "ngụy quân, ngụy quyền" thành 4 khối: khối 1 gồm công chức và quân nhân, cao cấp biệt phái từ quận trưởng trở lên, khối 2 gồm Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, khối 3 thuộc Cảnh Sát Quốc Gia, và khối 4 thuộc các Đảng phái "phản động" (nghĩa là không phải cộng sản.) Thầy Tuyên và tôi thuộc khối 1, ở tại nhà 1 (khối này có tất cả 17 nhà). Thầy Tuyên lại ở trong tổ 9 do tôi làm tổ trưởng. Còn thầy Vỹ ở tổ 4 (vì thầy đi trình diện theo diện đảng phái mặc dầu các giáo sư Đại Học Y Khoa Sài Gòn vào giờ chót đã được miễn đi cải tạo vì chúng nó đang cần chuyên viên để giảng dạy tại lớp và bệnh viện, nhưng thầy Vỹ đã không thèm hưởng đặc ân đó). Cuối mùa đông năm 1975, thầy Tuyên và thầy Vỹ và một số lớn khác bị phân tán lên Thủ Đức để cải tạo khắc khe hơn. Trong thời gian ngắn ngủi chung sống tại Long Thành với hai thầy (mà tôi đã viết trong bộ trường thiên hồi ký "Đêm Vượt Biên" sẽ xuất bản) tôi đã có nhiều kỷ niệm lao tù trong những giờ cuốc đất đào rãnh và xách nước tại nhà bếp. Một trong những kỷ niệm đẹp đó là tôi đã làm thế cho thầy Tuyên các "lao động nặng" và xách nước tắm cho thầy Vỹ trong giờ nghỉ. Khi hai thầy bị đày đi xa, tôi đã mất liên lạc từ đó cho đến ngày vượt biên. Trước khi từ trần vào đâu 1995 thầy Vỹ đã hoàn thành cuốn sách quý giá nói trên mà tôi đã được đọc với bao bồi hồi xúc cảm tìm lại được những dư âm trong những năm nghe thầy giảng bài tại "28 Testard" cũ. Cuốn sách là một bản cáo trạng tố giác hùng hồn tội ác tày trời của bè lũ tập đoàn khát máu cộng sản Hà Nội (CSHN). Thầy cũ này đã nhắc đến thầy cũ kia một cách tình cờ, trong cùng một thời điểm, tại một giao điểm cả hai Thầy đã về nước Chúa. Chúng tôi mạnh dạn thách đố những ông trong Bộ Chính Trị CSHN nếu có can đảm hãy trả lời trước công luận thế giới về cái chết phi lý và vô nhân đạo của Thầy Tuyên. Chúng tôi yêu cầu những người cầm bút chân chính ở hải ngoại hãy tiếp tay với chúng tôi vạch trần lòng hoang da thú của bọn CSHN thâm độc giết người không dao. Với lòng tôn kính tuyệt đối của một người học trò cũ đối với hai vị Thầy khả kính trọn đời trong tâm khảm, tôi đốt nén hương lòng soi sáng tâm tư để lược dịch hai khúc phim sống động về một cái chết vô cùng dã man trong lao tù CSHN mà vô số nạn nhân miền Nam đã trải qua nhưng chưa bao giờ được nhắc tới (!), để tưởng niệm hai nhà Đại Trí Thức từng bất khuất trước gông cùm bạo lực của bọn độc tài vô sản chuyên chính. - Phụng Hồng


... Chúng tôi nhất loạt đồng ý rất mau về việc tán thành chỉ định người báo cáo hôm đó là Trần Văn Tuyên, một cựu luật sư nổi tiếng tài ba xuất chúng rất quen thuộc đối với chúng tôi.

Tuyên cám ơn tấm thịnh tình tin tưởng của chúng tôi và nói rằng ông rất sung sướng được có cơ hội để chứng minh cho người cộng sản thấy rằng người trí thức miền Nam không bao giờ phản bội Tổ Quốc họ, rằng họ đã đấu tranh và giành độc lập cho Việt Nam theo quan niệm về dân chủ tự do của họ, một quan niệm đánh giá đúng mức những kẻ khác!

Ba ngày sau đó, Tuyên suy nghĩ nhiều về bản báo cáo của ông ta, ông không đi ra ngoài trong những giờ nghỉ giải lao, ban đêm thì ông ngồi trong mùng để tiếp tục viết...

Qua sáng sớm ngày thứ hai đầu tuần, mặc dầu trời lạnh, Tuyên vẫn giữ thói quen cố hữu là tắm trong một máng chậu lớn đặt cách dãy nhà chúng tôi nằm chục thước, nơi mà chúng tôi thường làm vệ sinh.

Trước 8 giờ, tên quản giáo phụ trách chính trị cho tất cả mọi người, kể cả những người bạn ở gian bên cạnh trong cùng dãy nhà với chúng tôi lên lớp và ra lệnh cho chúng tôi ngồi thành dãy hàng hai người một, trên chiếu của mình. Tôi ngồi trên chiếc chiếu của tôi, gần bức tường để có thể dựa lưng trong lúc "người khách được mời của tôi ở phòng kế cận" (ám chỉ ông Trần Văn Tuyên, chú thích của người dịch) lại ngồi gần ở lối đi ở giữa. Tuyên ngồi ở phía bên kia của lối đi đó, không xa tôi mấy. Ở đầu cùng, gần cửa đi vào, người ta đã kê một cái bàn nhỏ trên một tấm vải điều và ba cái ghế. Chừng vài phút sau 8 giờ, một nhóm cán bộ chính trị bước vào, tên đại diện Bộ Nội Vụ đứng thẳng đàng sau bàn, mời tên phó giám đốc đặc trách cải tạo của trại ngồi xuống trên cái ghế bên cạnh bàn, ở phía trái trong lúc những đứa khác thì đến ngồi ở giữa những hàng đầu của những người bạn chúng tôi. Tên đại diện tuyên bố khai mạc khóa học tập, cám ơn tên giám đốc trại đã giúp tổ chức lớp học, xong ngồi xuống và bắt đầu nói về những lợi ích đặc biệt mà Bộ Nội Vũ đã chú tâm đến lớp này, những cố gắng mà Bộ Nội Vụ đã làm và sẽ làm để giúp chúng tôi hoàn thành tốt công cuộc cải tạo...

Ngay chính lúc đó tôi bỗng chú ý có một vài giao động ở phía bên kia của lối đi giữa: chắc rằng có một người nào đó vừa té ngất xỉu và những người bạn đang xúm lại để tiếp cứu. Trong thời gian này, với những cơn lạnh đầu mùa, những người bạn cải tạo đều quá yếu đuối trầm trọng bởi thiếu dinh dưỡng, thường hay ngã quỵ mỗi khi phải gắng sức cho dù tối thiểu.

Mãi cho đến bây giờ, điều này đã xảy ra như cơm bữa và quá tầm thường đối với chúng tôi cũng như những người khác, không có một ngất xỉu nào mà không đưa đến sự chết chóc! Tên báo cáo viên cứ tiếp tục nói và các bạn tôi và bản thân tôi tiếp tục nghe một cách lơ đãng; độ năm hay sáu phút sau đó, tôi nhận thấy ở phía bên kia của lối đi chính, nhóm người tụ lại chung quanh "người bệnh" vẫn tiếp tục kéo dài. "Chắc phải có một cái gì bất thường đã xảy ra" tôi tự nhủ thầm và liền rời chỗ tôi ngồi để tới xem xét. Người đó chính là Tuyên đã nằm duỗi thẳng, nhịp thở hơi đều, nhưng lại không phải là một cơn ngất xỉu, ông ta đang bị hôn mê trầm trọng! Vì tôi đã biết ông ta bị chứng cao huyết áp, ở Thủ Đức đã nhiều lần ông ta nhờ tôi đo áp huyết, tôi liền làm một chẩn đoán bệnh ngay tức khắc là "kích xúc thuyên tắc mạch". Tôi yêu cầu mọi người thôi đừng thoa bóp ông ta nữa mà vực ông ta đến cuối phòng, họ liền làm tức khắc và tôi ngồi cạnh Tuyên để canh chừng: nhịp thở đều nhưng đã thấy bán thân bất toại và phản xạ duỗi thẳng những ngón chân được ghi nhận rõ rệt. Đối với những tên cán bộ quản giáo, chính trị của tổ chúng tôi vừa hỏi tôi vì sao lại xảy ra như thế, tôi trả lời là Tuyên vừa bị vỡ một động mạch nhỏ trong não và phải di chuyển ông ta đi bệnh viện ngay. Nó bỏ đi không nói gì và một lát sau, y trở lại cùng với một nhân viên y tế của trại chúng tôi. Tên này lại hỏi lại xem tôi có lầm lẫn trong lúc chẩn đoán không, tôi xác nhận lại lần nữa rằng tôi quả quyết là đúng chắc, rằng tôi đã biết hết về bệnh trạng tăng huyết áp của đương sự từ khi còn ở Thủ Đức, rồi tôi bảo hắn ta lo di chuyển Tuyên đi bệnh viện và trong lúc chờ đợi tôi yêu cầu hắn cho tôi mượn một máy đo huyết áp. Tên này cũng như tên hồi nãy nghe xong bỏ đi không nói gì rồi sau một giờ thì trở lại với một ống chích đựng đầy một chất lỏng trong veo mà nó bảo tôi chích cho Tuyên.

- Thuốc gì vậy?

- Sinh tố B 1, hãy chích cho nó!

-Nhưng không có tác dụng gì công hiệu cả!

-Thì hãy cứ chích cho nó!

Tôi chích xong, nói với y:

-Cán bộ Chính Trị! Hãy đưa người bệnh đi bệnh viện ngay, ở đây ta đành chịu bó tay, không làm gì được cho ông ta!

-Chúng tôi không được quyền cho ông ta ra khỏi trại!

-Vậy hãy đưa ông ta lên bệnh xá!

-Lại không thể được! Vì không có chỗ! (sự thật thì trại chưa hề có bệnh xá).

-Ở bệnh xá hay bất cứ một phòng nào. Đang còn có tất cả những bạn hữu của tôi ở đây. Anh không thể để cho họ nhìn thấy ông ta chết!

Tên y tá không trả lời, nó đứng suy nghĩ một lát rồi bỏ đi.

Buổi học tập vừa mới chấm dứt; vả lại chúng nó cũng không thể tiếp tục vào buổi chiều này hay ngày mai được.... Rất nhiều bằng hữu tiến lại gần chỗ chúng tôi đứng nhìn một cách buồn thảm người bạn chúng tôi đang nằm mê man, nói vài câu thương tiếc, rồi giải tán... Đã đến giờ sửa soạn bữa ăn trưa!

Chung quanh Tuyên, chỉ còn lại mình tôi, với độ sáu, bảy người khác, tất cả đều là cựu đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng cả, Tuyên cũng ở trong đảng này.

Hơn một giờ sau, tên y tá trở lại đem theo hai người tù làm việc chung-sự, khiêng một cánh cửa thế cái cáng.

"Chúng tôi di chuyển ông ta đi bệnh viện!" tên y tá nói.

Cùng với những người bạn cũ tôi di chuyển Tuyên trên cái cáng tự chiếc biến, đắp mền cho ông ta và nhét thêm vài bộ quần áo của ông ta ở bên cạnh; những người "lo chung sự" nhấc bổng cái cáng lên và chúng tôi đi theo tiễn Tuyên cho đến tận cửa ra vào mà sau đó cái cáng Tuyên nằm mất hút với tên y tá áp tải.

Tên cán bộ quản giáo của tổ chúng tôi trở lại giữa lúc đó, báo cho chúng tôi hay rằng chính hắn ta và tên y tá đã lên gặp tên giám đốc trại từ lúc 9 giờ để thông báo bệnh tình của Tuyên; tên giám đốc liền điện thoại cho Bộ Nội Vụ ngay tức khắc để xin chỉ thị. Nhưng bộ chỉ cho lệnh di chuyển Tuyên đi bệnh viện Hà Đông mới cách đây nửa tiếng. Hắn cũng yêu cầu chúng tôi thành lập một tiểu ban gồm ba người để kiểm kê hành trang cá nhân của Tuyên còn lại trong túi đồ và vali của ông.

Một trong những người bạn của Tuyên đã cho tôi hay rằng Tuyên có một người con gái đời vợ trước, ở lại miền Bắc từ 1954 với chế độ cộng sản và hiện là kỹ sư trong một hãng thầu của nhà nước ở ngay tại Hà Nội. Ngày hôm sau, tên y tá trở lại phòng chúng tôi và báo với chúng tôi rằng Tuyên vẫn luôn luôn ở trong tình trạng hôn mê, tôi đã nói với hắn về người con gái của Tuyên mà tên và địa chỉ thì rất dễ tìm trong các bản tự khai của Tuyên, về đời sống dân sự và các người liên hệ trong gia đình; tôi cũng đề nghị với hắn là nên cho cô ta về ở cạnh đầu giường của Tuyên tại bệnh viện. Cũng như moị lần, hắn không trả lời!

Qua ngày hôm sau, thứ tư, tên cán bộ quản giáo của tổ chúng tôi báo cho chúng tôi biết rằng Tuyên đã từ trần cùng sáng hôm ấy, lúc 4 giờ sáng và thi hài sẽ được đem về lại trại buổi chiều. Hắn cũng nói thêm là tên giám đốc trại đã cho phép chúng tôi cử một phái đoàn gồm 8 người để tham dự vào việc tẩm liệm và chôn cất. Chúng tôi dành vinh dự ấy cho những đảng viên kỳ cựu của Việt Nam Quốc Dân Đảng mà Tuyên là đảng viên. Vào xế trưa, trước 16 giờ, một cai ngục đến tìm tám thành viên của chúng tôi và dẫn ra khỏi phòng giam; những người này đã trở về rất muộn, sau giờ giới nghiêm.

Ngày hôm sau, họ đã kể lại cho chúng tôi nghe những gì đã thấy và làm. Họ đã làm những gì đáng tự hào! Thi hài của Tuyên đã được đem về trại lúc 14 giờ và đặt ở "nhà hội của những người tù". Khi họ tới, thi hài đã được đặt trong một cỗ quan tài đóng bằng gỗ tạp ván không ngay ngắn nhưng dày, đóng ngay sáng hôm đó tại trại mộc của trại. Canh chân quan tài có một bàn thấp trên đó có để những chén đựng cát để cắm những nén hương (đã có nhiều cây hương cắm trước đó rồi), hai chén cơm, một đĩa đựng quả trứng luộc, một đôi đũa tre còn nguyên cắm vào chén cơm; bên cạnh hòm, còn kê thêm một cái bàn với vài cái ghế chung quanh và trên mặt bàn, một bình trà và vài tách nhỏ. Một tên cán bộ chính trị, đóng vai kẻ đại diện gia đình người quá cố đã tiếp đón phái đoàn và hướng dẫn họ đến bên quan tài; họ nhận thấy rõ một cách dễ dàng gương mặt rất tươi sáng của người quá cố đơn giản như khi ông nằm ngủ; họ cũng còn thấy rõ thân hình của Tuyên được mặc bộ đồ lớn Việt Nam bằng lụa; và thi hài được đặt trên một tấm vải "mùng tuyn" mà hai đầu được xếp lại và bọc trên đầu và tới cuối dưới chân. Họ đứng nhìn Tuyên lâu lắm, cho đến khi được bảo dịch xa ra để những người "chung sự" phụ trách chôn cất xáp lại gần, vực hai đầu tấm vải "mùng tuyn" đang úp măt và chân lên và phủ trên thi thể những áo quần mà chúng tôi đã nhét bên cạnh Tuyên khi ông được cho đi bệnh viện. Nắp quan tài được đậy lại và đóng đinh. Người ta đã đặt lên trên hòm chén đựng cát có cắm những cây nhang và bát com với đôi đũa rời và dĩa đựng cái trứng luộc; ban đại diện chúng tôi thắp những nén hương mới và cúi đầu vái hai lần trước linh cửu. Tên công an "đại diện gia đình người quá cố" mời họ ngồi vào bàn bên cạnh và uống trà. Chừng mười phút sau, một chiếc xe vận tải mui trần đến đổ ngay trước nhà hội, mọi người đứng lên, và sáu "người chung sự", sau khi đã cúi lạy hai lần trước linh cửu, nhấc bổng quan tài lên và đặt xuống trên sàn xe. Những người đại diện của chúng tôi cũng leo lên xe với 6 người "âm công" và ngồi chung quanh quan tài; một tên bộ đội đeo súng leo lên xe với họ, trong lúc một tên khác ngồi đàng trước buồng lái với tên tài xế. Màn đêm đã buông xuống từ lâu nên bọn chúng phải mang theo một cây đèn bão.s

Chiếc xe vận tải ra khỏi trại và tiến một cách thận trọng trên con đường thật xấu không trải đá lượn khúc quanh co giữa những cánh đồng. Nó chạy rất chậm và sau gần nửa giờ thì dừng lại ở bên vệ đường. Mọi người xuống xe, xong đến lượt 6 người "âm công" vác trên vai cổ quan tài và đi theo tên bộ đội đi trước cầm cây đèn bão; ban đại diện chúng tôi đi theo sau quan tài với tên bộ đội đeo vũ khí kia. Sau khi vượt một quãng đường khá dài băng qua giữa ruộng lúa, những người này đến tại một thửa đất hơn cao và ở đó, giữa những nấm mồ khác, có sẵn một cái huyệt mà những "âm công" đã đào trước từ sáng hôm đó. Họ hạ quan tài xuống huyệt và lấp đất lên trên làm thành một mô đất nhỏ. Những người trong ban đại diện chúng tôi kính cẩn nghiêng mình nhiều lần trước mộ, những người "âm công" cũng làm theo như thế. Xong những người này chia nhau bát cơm và quả trứng mà họ đã đặt một lát ở trên mộ... Đó là đồng tiền lương đền bù lại công lao của họ!

Sau câu chuyện này do những người bạn trong ban đại diện kể, tất cả chúng tôi đều nhận thức rằng ban giám đốc trại đã biểu lộ chút ít tình cảm kính trong cái chết của đồng đội chúng tôi: một cổ quan tài, vài phẩm vật cúng dường, đôi nén hương, một thằng tù chính trị trong một nước cộng sản không thể hy vọng có được nhiều hơn thế được nữa khi chết đi!

"Ước gì những tên cộng sản vô thần tôn trọng truyền thống tinh thần cổ truyền của chúng ta. Đó là điều không thể tưởng tượng được và ... đáng khâm phục!"

Nhưng một người khác cũng nói thêm vào:

"Chắc có lẽ để cho phép chúng mình hưởng lợi những đặc ân của chúng sau khi chết mà chúng nó đã ban phát cho chúng mình Đói và Lạnh chăng?"

Sự mâu thuẫn kỳ dị này giữa những nghi thức tôn giáo cổ truyền và những điều kiện về đời sống bần cùng của những tù cải tạo đã đưa đến một thảm cảnh phũ phàng nhưng cảm động kinh khủng mà tôi đã chứng kiến vài tháng sau đó: Một buổi trưa, khi đi lên bệnh xá để xin thuốc cho các bạn tôi, tôi đã thấy tận mắt, cách vài thước trước lối đi vào, một người tù trong ban chung sự gầy ốm teo giơ xương, đang ngồi ngay trên đất bụi, không ngớt kêu nài van xin bằng giọng ai oán:

"Cán bộ chính trị ơi! Ôi cán bộ chính trị! Hãy thương
hại tôi! Hãy cho tôi ngay bây giờ đi bát cơm và quả trứng mà ông sẽ đặt lên quan tài của tôi sau này..."

Nguyên tác
: cố Giáo Sư Trần Vỹ
Bản Dịch: Phụng Hồng
(Trích dịch từ tác phẩm "Prisonnier Politique Au Việt Nam" , trang 104 – 109)