Truyện ngắn
Có tiếng gõ cửa rụt rè. Ông Nhân nhẹ nhàng đỡ vợ nằm xuống giường rồi vội vàng ra mở cửa. “Ai thế nhỉ?” Ông tự hỏi mình. Gần 20 năm nay, từ ngày ngưng nghỉ “chèo đò”, ông đã quá quen với cảnh bến mình đìu hiu, quạnh vắng.
Trước mặt ông là một người khách lạ, người gày gày, da mai mái nhưng thần thái vẫn rực lên những nét quyền uy, lịch lãm.
- Thầy có phải là thày Nhân không ạ? Người khách lạ rụt rè hỏi.
- Vâng. Tôi là Nhân. Ông gặp tôi có việc gì ạ?
- Thầy không nhận ra em sao?
Ông Nhân chăm chắm nhìn người khách rồi khẽ lắc đầu. Nhưng vẫn có những nét gì ngờ ngợ trong ông. Từ ngày về hưu tới giờ, thi thoảng ông vẫn có trò cũ tới thăm, nhưng đa phần những trò đó thủa nhỏ đều là những học sinh cá biệt, không ai có thần thái oai phong chững chạc như người khách này. Song nét mặt này.... Ông cố lục trong ký ức....Rồi ông bật lên câu:
- Ông... Ông có phải là giáo sư tiến sĩ THIỆN TÀI.....trưởng....trưởng ban.... Ông...vẫn lên vô tuyến nói...nói hay lắm....nói hay lắm......
- Thiện Tài là danh xưng thôi. Em là thằng Thất còm, con ông Chánh Đức ở Đậu Xá - Mỹ Xuyên, học trò cũ của thầy ở trường Quyết Thắng đây mà, thầy còn nhớ không?
- Ối giời....Nhớ! Nhớ chứ! Đúng là vật đổi sao dời....Vào nhà đi! Vào nhà đi! Làm quan to đến thế này mà còn nhớ tới thày là quý lắm, hiếm lắm đó!
Ông Thiện Tài hớn hở bước vào nhà. Ông đưa mắt nhìn quanh cái không gian mờ mờ ẩm thấp. Đúng như ông dự đoán: nhà thầy nghèo, nghèo quá! Đồ vật duy nhất trong căn nhà này còn có thể bán được cho đồng nát là chiếc Tivi LG 14 inch đã cũ, cũ lắm. Còn các vật dụng khác thì....cho cũng khó có người nhận. Thương thày, mắt ông Thiện Tài bỗng nhoè đi. Ông thầm nghĩ: Biết làm sao được... Người lao động lương thiện....Lương ba cọc ba đồng lại còn tính thương người....
Ông Thiện Tài lễ phép đón chén nước ông Nhân đưa bằng hai tay rồi khẽ đưa lên miệng nhấp nhấp vẻ hài lòng. Ông Thiện Tài kín đáo nhìn cái chén và cả thứ nước trong chén. Ông mủm mỉm cười, nghĩ: Có lẽ đến vài chục năm nay chưa ai có đủ dũng cảm mời ông uống nước như thế này. Đợi cho ông học trò đặt chén nước xuống bàn, ông Nhân mới thủng thẳng nói:
- Đời tôi, đến hôm nay đã ba lần đổi tỉnh, sáu lần đổi nhà mà anh vẫn biết tôi ở đây thì cũng tài. À mà, Thiện Tài cơ mà. Thiện tới đâu, Tài tới đâu mà làm quan to thế?
- Danh xưng hão thôi mà thày. Thày còn lạ gì thói đời, thiếu cái gì thì khát cái đó. Thiện tài gì đâu mà thày hỏi cho em xấu hổ. Nói thầy thông cảm, suốt cuộc đời này chưa có lúc nào em dám quên ơn thày. Ngày đó không có mươi lon gạo thầy cho, không có lời dặn của thầy: Khó mấy cũng không được bỏ học thì em đâu có được như bây giờ. Vì bận mưu sinh chưa đến thăm thầy cô được, em rất hối hận. Nhưng mỗi bước biến đổi của thày em đều biết rõ. Bệnh của cô có khá lên được chút nào không thầy? Thày cho em vào thăm cô ít phút.
- Bà ấy vừa chợp mắt. Chúng mình đừng làm phiền bà ấy. Mươi năm gần đây bà ấy cứ quên quên, nhớ nhớ; người ngợm chân tay cứ run run, rẩy rẩy. May mà tôi về hưu có thời giờ săn sóc không thì....Nghĩ cũng thấy xót xa, anh ạ. Giá mà mình có tiền thuốc thang, bồi bổ tốt hơn thì...Nhưng đào đâu ra anh. Lương hưu trong cái thời gạo châu củi quế này, khoẻ mạnh còn khốn khó thì nói gì đến ốm đau.
Ông ngừng nói, hai mắt nhắm nghiền như đang lạc vào cõi mộng. Rồi ông bỗng như bừng tỉnh, nở một nụ cười mụ dạy, ngượng nghịu nói tiếp:
- Xin lỗi anh, kể lể miên man. Bệnh của tuổi già mà. Thôi, nói chuyện khác đi
- Vâng! Thưa thày, gần năm chục năm nay em cứ canh cánh trong lòng câu hỏi: Ngày ấy, thày dám sai thằng Dũng mang gạo và lời nhắn tới cho nhà em, thày có sợ không? Trí - Phú - Địa – Hào đào tận gốc, trốc tận rễ cơ mà. Đã trí thức lại còn tiếp tay cho phong kiến đế quốc thì cầm chắc tru di tam tộc rồi.
- Sợ chứ anh. Ngày ấy, người ta còn dám vận động con dâu tố bố chồng hiếp dâm man rợ khác gì tội đốt sách chôn học trò của Tần Thuỷ Hoàng, thì việc gì họ không dám làm. Thân bại danh liệt là cái chắc.
- Cuộc cách mạng diễn ra trên một nền văn hoá phong kiến, lại còn bị thực dân đế quốc ngu dân thì tránh sao khỏi những biến tướng trở thành quái thai của lịch sử. Trong bối cảnh ấy, dám hy sinh thân mình để cứu những người không máu mủ ruột rà, không dây mơ rễ má thì thật lá khí phách, thạt là dũng cảm. Ơn ấy, nghĩa ấy em làm sao trả nổi.
- Đừng phức tạp hoá sự việc lên như vậy. Hành động của tôi đối với gia đình anh lúc đó có gì là anh hùng, nghĩa hiệp, đâu dám sánh với khí phách anh hùng, hào kiệt của kẻ: Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha. Nó chỉ đơn giản là: Người lương thiện thấy người lương thiện sa cơ lỡ vận thì gồng mình, tái mặt mà giúp, được đến đâu hay đến đó, thế thôi. Tình người mà anh. Theo tôi biết, bố mẹ anh là người có học, học cao là đằng khác, lại là người nhân đức chỉ trị bệnh cứu người. Tổng mình lúc bấy giờ nếu lôi lão đội Nhương ra tố thì sẽ ít oan hơn, ít ức hơn. Tôi nói vậy vì thực chất lão đội Nhương cũng chỉ là kẻ phu phen tạp dịch ở bên Tây. Về nước có chút của cải hơn những người nông dân kiệt quệ ở làng, lại do ít học nên nhiều lúc lão ra vẻ ta đây ngông nghênh, lấc cấc nên có nhiều người khinh, người ghét. Nhưng chẳng hiểu sao, đúng lúc đó lão ấy lại bỏ làng ra đi. Thế chẳng nhẽ lại là tôi à? Thế là bố mẹ anh phải vào thế chỗ. Việc nó chỉ thế thôi. Mà tôi hỏi khí không phải: Hôm nay anh sang tôi chơi hay còn có việc gì?
- Có. Em còn muốn nhờ thầy giúp cho một việc. Chẳng biết thày có sẵn lòng giúp cho không?
- Có việc gì anh cứ nói. Tôi không có thói quen rào trước đón sau. Giúp được đến đâu tôi sẽ cố đến đấy.
- Việc của Dũng thày ạ.
- Dũng nó có việc gì?
- Thưa thày, dạo này Dũng nó ốm lắm. Chung quy chi tại cái nghèo thôi thầy ạ. Bệnh nó, nếu có tiền thuốc men chu đáo thì đâu đến nỗi. Nhưng nhà nó nghèo lắm, nghèo đến mức chi có ruồi muỗi đến chơi thôi. Em có tiền muốn giúp nó, nhưng biết nó sẽ không nhận. Chết nó cũng không nhận, khái tính lắm. Thày ạ! Em muốn nhờ thày lấy số tiền em đã chuẩn bị để thuốc thang tẩm bổ cho nó. Chỉ có cách duy nhất này mới cứu được nó thôi. Em biết, vợ chồng nó không dám từ chối sự giúp đỡ của thày đâu. Thày giúp em cứu nó nhé.
- Của người phúc ta. Tiền của anh, ơn tôi được. Tôi không bao giờ làm thế đâu.
- Thày ạ, cứu bệnh như cứu hoả. Nó khỏi bệnh rồi, thày trò mình cùng nói cho nó rõ, có gì thày phải lăn tăn.
- Ừ.... ừ...Thế cũng được.
- Em cảm ơn thày! Vừa nói ông Thiện Tài vừa thò tay vào cặp, rút ra một bọc nilon to cỡ chừng vài viên gạch, hai tay lễ phép đưa ông Nhân.
Không giơ tay đón gói quà, ông Nhân dè chừng hỏi:
- Gói gì đấy anh?
- Thưa thày, gói tiền.
Ông Nhân trợn tròn mắt nói:
- Tiền! Tiền mà nhiều thế này sao? Anh mang về đi. Sau này cần dùng tới đâu ta mang theo đến đó cho gọn anh ạ.
- Nhưng... Nhưng mai em phải đi công tác xa rồi. Dăm bữa nửa tháng nữa em mới về.
- Đưa tiền cho vợ con giữ, khi nào đi công tác về, đến đây ta cùng đi.
Mặt ông Thiện Tài bỗng nhiên buồn rười rượi. Ông nói nhỏ và chân thành:
- Thày ạ. Vợ con em đã bỏ em lâu rồi. Hiện nay họ đang làm ăn ở Mỹ. Giàu lắm. Giàu tới mức không còn tình người. Khi thong thả em sẽ thưa hết chuyện để thày rõ. Em sống độc thân đã lâu rồi.
Ông Nhân khẽ thở dài, nói:
- Thôi, đưa tôi giữ cho. Công việc xong nhớ đến đây ngay ta cùng đi anh nhé. Nhớ đến ngay đấy. Để tiền nhiều trong nhà tôi sợ lắm. Anh thông cảm cho tôi.
Đợi thầy nói hết câu, ông Thiện Tài đột ngột đứng dậy, khẽ ghì thày vào lòng, mắt ông nhoè lệ. Rồi cũng đột ngột ông chào thày ra về. Có một cái gì đó tồi tội, thê lương.....
Hơn 2 tháng nay, ông Nhân không dám đi đâu lâu, tưới rau cũng vội vàng, đi chợ cũng quáng quàng vội vã. Ông lo. Thời gian đầu ông lo đống tiền lù lù trong tủ, nhỡ mất cắp thì mang tiếng cả đời. Đào đâu ra tiền mà trả. Rồi còn căn bệnh của Dũng. Dũng nó mắc bệnh gì? Cứu bệnh hơn cứu hoả. Nhanh một ngày. Chậm một ngày....Rồi thời gian sau ông lo sang Thiện Tài. Công tác gì mà lâu thế? Có trục trặc gì không? Cỡ quan ấy nếu gặp mệnh hệ gì thì thiên hạ đã ầm lên rồi. Ông ngồi nhà đợi trò mà lòng như thiêu như đốt. Ngu quá! Dốt quá! Sao hôm ấy ông không ghi lại số điện thoại của Thiện Tài, không hỏi địa chỉ cơ quan, không hỏi địa chỉ nhà ở.....Giờ đây ông chẳng biết liên hệ với ai. Ông chỉ còn cách ngồi chờ...chờ....và chờ...
Có người đến. Ông lao ra cửa. Người khách lạ nhìn ông từ đầu xuống chân rồi nhẹ nhàng hỏi:
- Thày có phải là thày Nhân không ạ?
- Vâng. Tôi là Nhân. Anh đến có việc gì?
- Dạ. Có lá thư anh Thiện Tài gửi thày.
Người khách đưa lá thư cho ông rồi về ngay. Ông Nhân lập cập đeo kính rồi mở thư ra đọc. Lá thư viết:
“Thưa thày! Khi thày cầm trên tay lá thư này thì em đã vĩnh viễn đi xa. Em đã chết.”
Luồng dương khí thoát nhanh khỏi cái cơ thể vốn đã già, lại còn suy dinh dưỡng của ông Nhân. Ông rã rời tay chân. Ông lặng người, mặc mấy giọt cặn lệ nhoè tan đi trong đôi mắt. Lặng người một lúc, ông run rẩy đọc tiếp:
“Cái chết đối với em không đột ngột. Nó đã được các giáo sư lừng danh dự đoán chính xác tới tận ngày.
Thưa thày!
Lần vừa rồi em đến thăm thày, thày có hỏi “Thiện đến đâu, Tài đến đâu mà làm quan to thế?”
Thày ơi, thời này có phải thời Lê Thánh Tông đâu mà thày nhắc đến Thiện, Tài. Quan trường là chiến trường khốc liệt, vì chính nó đẻ ra quyền lực - tiền tài - danh vọng. Ở đó không có chỗ cho lương thiện, hiền tài. Đời em là một chuỗi dài các sự dối trá. Như lẽ tự nhiên, càng làm quan to lời nói dối càng đậm nét chân thành. Chắc thày còn nhớ ngày em đến thăm, em có gửi thày một số tiền để thày trò mình chuẩn bị đến thăm Dũng. Đó là lời nói dối cuối cùng của đời em đấy. Dũng nó đã hy sinh từ năm Mậu Thân, chưa vợ, chưa con. Biếu được số tiền để thày cô phần nào bớt được sự khốn khó trong cuộc sống chồng chất khó khăn này làm sự ra đi mãi mãi của em trở nên thanh thản. Đời mình cũng có lúc làm được việc nghĩa nhân, theo mong muốn của thày.
Thày ơi! Đến lúc chết em mới hiểu lời dạy của thày: Học để làm Người chứ không phải học để làm Quan.
Làm Người thì ít tiền, ít quyền và khốn khổ.
Làm Quan thì nhiều tiền, nhiều quyền nhưng khốn nạn.
Nếu có kiếp sau, phải lựa chọn hai cái khốn, thì em xin vui lòng đứng vào phe những người khốn khổ. Khốn đấy! Khổ đấy! Nhưng thanh thản, thấm đẫm tình người. Còn khốn nạn thì....Chỉ nghĩ tới đó em đã rùng mình...
Để minh chứng cho sự giác ngộ của mình, em có gửi cho anh em trong cơ quan bài thơ sau, thày xem có được không nhé:
MẶT TRỜI XANH
Đừng cho phủ hoa lên mộ của Anh
Đó là sự dối trá.
Cả đời Anh chưa một lần vinh quang tử tế
Sao hôm nay hoa nhiều đến thế?
Tầng tầng – lớp lớp đè tức ngực Anh.
Em hãy xem
Những bông hoa biết thẹn
Những vòng hoa biết xộc xệch héo tàn
Đốt cho anh nén nhang
Đốt càng nhiều càng tốt.
Lửa sẽ làm cạn khô những giọt nước mắt cá sấu
Lửa sẽ thiêu cháy những lời nói dối chân thành
Lửa sẽ làm môi trường quanh anh thanh sạch.
Lần đầu tiên trong đời, Anh thấy: MẶT TRỜI XANH.
Thày ơi! Những kỷ niệm ấm áp về thày, tình thày, đời thày đã mở cho em (một ông quan - một kẻ đang hấp hối), một cuộc đời mới với trang đầu bằng lá thư này,với những lời nói thật...”
Đặt lá thư xuống bàn ông Nhân thờ thẩn ngứơc cặp mắt hoen rỉ nhìn vào khoảng không mờ ẩm trước mặt. Không gian bổng chuyển màu ngọc bích xanh suốt mang mang ... và phía xa, xa thẳm của không gian ngọc bích một đốm sáng nhập nhoà nhấp nháy như vẩy như gọi ông ... mông lung, mờ ảo. Ông vật người ra nghế cố ghìm tiếng thở dài. Tiếng thở buồn, tê tái như hơi thở của rừng già heo hút.
Lê Mai
Nguồn viet-studies.info