Tuesday, August 18, 2009

Phạm Quỳnh


Chuyện một ngày một đêm

(9-10 tháng 3 năm 1945)

Bấy giờ vào khoảng 9 giờ tối. Dùng cơm tối xong, tôi đương ngồi trong tư thất Bộ Lại, nói chuyện với con trai thứ tôi là Phạm Bích. Bấy giờ nghe tiếng súng nổ lung tung. Ra sân thì trông thấy đèn chiếu lấp loáng ở bên kia sông, và tiếng nổ là tiếng súng liên thanh như tiếng pháo, khi ở phía trên khi ở phía dưới.

Đương phân vân chưa hiểu chuyện gì thì chợt thấy quan Đề đốc Hộ thành Phan Gia Chung chạy vào Bộ. Ông nói “Có biến to. Nghe đâu lính khố đỏ phản lại Tây, đương đánh nhau dữ. Xin cho đóng các cửa thành.” Tôi cũng hối ông truyền cho lính đóng chặt các cửa thành, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Khi bấy giờ đứng ở thềm bộ Lại, ông Đề với tôi cùng sực nhớ Hoàng Đế và Hoàng Hậu ngự ra Quảng Trị đã mấy bữa nay, có lẽ chiều nay hay sáng mai về, nhưng chưa biết hiện giờ đã hồi loan chưa. Vì những khi các Ngài ngự vi-hành như thế này, thì chỉ lính canh trong Đại-nội và viên Võ-hộ-giá tây mới biết rõ giờ đi giờ về mà thôi. Tôi nói với ông Đề: “Thôi, quan lớn cứ đốc xuất việc cấm phòng trong thành cho cẩn mật. Để tôi vô Nội, nếu Ngài đã hồi loan thì tôi chầu Ngài, nếu chưa thì tôi sẽ tìm quan ba Bon để hỏi.” Ông Đề cũng nói: “Phải đấy, cụ nên vô Nội để chầu các Ngài là phải”. Bấy giờ, trời tối đen và hơi mưa phùn, ông liền nói: “Đã sẵn cái xe tay kéo tôi đây, cụ lên xe và đi cho mau.”

Tôi khoác cái “măng tô”, rồi lên xe đi, con trai tôi và một tên lính đạp xe đạp theo sau. Đến cửa Hòa Bình, tôi gõ cửa hỏi Ngài đã hồi loan chưa, thì cửa đóng kín mít, không tiếng trả lời: có lẽ lính canh đứng vào trong xa không nghe thấy, có lẽ nghe thấy mà đương lúc lộn xộn không biết ai không dám thưa.

Tôi liền bảo xe kéo vào nhà quan ba Võ-hộ-giá, ở tận bãi trong xa. Bấy giờ đêm lại càng tối, không trông thấy gì cả. Vào đến gần nhà quan ba cũng thấy tối mịt, không thấy đèn lửa gì. Đứng trong vườn rộng, con tôi và tên lính phải hết sức lên tiếng gọi bồi, hỏi quan ba có nhà không đến mười phút không thấy tiếng người, đã toan quay xe ra, mới thấy trong nhà bật đèn.

Chúng tôi đi vào, bồi ra mở cửa, hỏi thì nói quan ba còn đương ngủ, để vào đánh thức. Đợi năm phút mới thấy ông Bon chạy ra, như còn mơ ngủ, chưa hiểu chuyện gì. Hỏi có nghe tiếng súng không, thì ông nói: “Có lẽ lại báo động giả, chứ gì!” Sau nghe kỹ, ông mới hiểu là có chuyện biến. Tôi hỏi: “Ông có biết bao giờ Ngài ngự về? Hiện đã dời Quảng Trị chưa? Hồi loan đêm hôm nay, hay ngày mai?” Thế ra ông mơ hồ không biết chi cả. Tôi giục ông phải gấp làm thế nào thông tin tới Quảng Trị cho biết Ngài ngự ở đâu. Bấy giờ xem ra ông cũng hơi hoảng, bàn với tôi nên vô Nội để sẽ liệu.

Rồi mấy người cùng đi ra, đêm càng khuya càng tối và tiếng súng vẫn lác đác bốn phương. Ông Bon thuộc đường đi trước, chúng tôi đi theo sau. Ra khỏi vườn được một ít thì nghe trong đêm tối có tiếng người và tiếng gươm súng đụng chạm. Rồi có tiếng hỏi: “Có phải quan ba Bon đó không?” Thì ra có toán hiến binh Nhật Bản đương đi vào nhà ông Bon để tìm bắt. Rồi họ thấy chúng tôi đi lên, họ cũng giữ lấy. Bấy giờ có người thông ngôn Việt Nam đi theo, nói tiếng ta với tôi rằng: “Hiện quân Nhật đương giải võ quân Pháp, vì có việc lôi thôi giữa quân quan Nhật và Toàn quyền Decoux. Nhưng không việc gì đến người Việt Nam ta. Chỉ sáng mai là xong chuyện cả.”


Rồi nghe tiếng người hỏi: “Nhà ông Vĩnh Cẩn ở đâu?” Nhà ông Vĩnh Cẩn cũng ở gần ngay đấy. Rồi cả đoàn kéo vào. Quân Nhật xô cửa vào, mấy người trèo lên lầu, mấy người đứng bên dưới. Tôi ngồi với ông Bon ở nhà dưới. Được một lát thì có người hạ sĩ quan Nhật đưa cho tôi xem một mảnh giấy vừa chữ ta vừa chữ tây, đại khái cũng nói như lời người thông ngôn nói khi hồi, rồi mời tôi lên lầu, giao ông Bon cho lính canh ở dưới. Lên lầu thấy ông bà Vĩnh Cẩn ngồi cả đấy. Một lát nữa thì thấy ông Đề đốc Hộ thành cũng đến. Có viên quan Nhật Bản chung ngồi nói chuyện. Tôi thấy mệt vào nằm nghỉ ở một gian phòng cạnh đấy, vừa chợp mắt thì thấy tiếng người: Nhìn ra thì là quan phó lãnh sự Ishida, tôi đã quen biết, đi với một vị võ quan nữa. Ông bắt tay chào tôi, mời ra ngoài nói chuyện, rồi giới thiệu cho quan Đội trưởng Hiến binh Sơn Dã đại úy. Ông nói: “Chúng tôi có vào tìm cụ, ở Bộ Lại không thấy. Có vào cả các bộ khác, để tìm các cụ, có cụ ở Bộ, cũng có cụ đi khỏi. Chúng tôi muốn nói rõ cho các cụ biết đầu đuôi việc xảy ra như thế, và xin cứ yên tâm, quân đội sẽ bảo toàn châu đáo.” Ông lại nói: “Hiện khởi sự ở toàn cõi Đông dương, ở Sài Gòn, Hà Nội cũng cùng một giờ này, và có lẽ hiện đã xong rồi.” Rồi ông hỏi tin tức về Hoàng Đế. Hai ông bàn với nhau bằng tiếng Nhật hồi lâu, rồi nói lại với tôi rằng: “Bây giờ đã khuya rồi, cụ cứ nghỉ lại đây, đừng đi về Bộ vội, vì còn có tiếng súng bắn, đi đường có nguy hiểm. Sáng sớm mai, chúng tôi sẽ lại đây, rồi cụ cùng đi với chúng tôi ra Quảng Trị để rước Ngài về.” Hai ông ra về, tôi đi nghỉ.

Sáng hôm sau chủ nhật, tôi vừa khăn áo ngồi đợi, thì hai ông vừa tới. Ông Ishida nói: “Vừa có tin, Hoàng Đế và Hoàng Hậu đã ở Quảng Trị về từ từ khi đêm. Nhưng xe Ngài hiện còn ở cửa An Hòa, mời cụ cùng chúng tôi ra rước Ngài về điện.”

Tôi liền lên xe ô tô của Hiến binh, cùng với quan ba Hiến binh và ông phó lãnh sự ra cửa An Hòa. Đến nơi thì thấy xe Ngự đã ở đó, chung quanh có quân quan Nhật và một khẩu đại bác đương bắn vào đồn lính Tây ở Mang Cá. Tôi liền đến trước xe, tâu qua tình hình, rồi rước Ngài về Điện. Ngài ban rằng xe tới từ khuya mà đứng đợi đấy mãi đến giờ. Rồi ban cho lên xe, cùng chầu vô Nội. Đi trước là xe của Hiến binh, ở trong vẫn có quan ba Hiến binh và quan phó lãnh sự. Đến trước cửa Hòa Bình, thì xe Hiến binh đứng ra một bên, để xe ngự vào. Tôi xuống gọi cửa: lính canh nghe rõ tiếng tôi và tiếng xe ngự, liền mở cửa. Xe Hiến binh xin phép đi theo sau. Đến trước thềm lầu Kiến Trung, Hoàng Đế và Hoàng Hậu xuống xe. Bấy giờ hai vị quan Nhật mới ra trình diện, cúi đầu chào, do tôi giới thiệu, và xin phép chầu ngài mấy phút để tâu mấy lời. Hoàng Hậu lên lầu nghỉ, Hoàng Đế liền ngự vào phòng khách, rồi ban tôi mời hai vị cùng vào. Hoàng Đế ngự ghế giữa quan ba Sơn Dã, đứng bên, rất kính cẩn nói mấy câu bằng tiếng Nhật, rồi trao một tờ giấy cho ông Ishida. Ông này dịch lại lời quan ba ra tiếng Pháp có câu xin lỗi Hoàng Đế, đêm khuya Ngài ngự về giọc đường quân quan không biết, có điều gì sơ suất xin Ngài ban xá. Rồi đọc tờ giấy bằng chữ Pháp, là lời của quan Tổng tư lệnh quân đội Nhật ở Đông Dương, hiện ở Sài Gòn, thỉnh cầu Hoàng Đế và chính phủ Việt Nam hiệp sức với quân đội Nhật, và xin Ngài cứ ngự tại Đại Nội, không quan ngại gì, Hoàng quân sẽ bảo toàn châu đáo.

Ngài ban cảm ơn, và giao cho tôi giao thiệp với quí quan mọi việc rồi hai ông lui ra, tôi cũng tâu xin ra để Ngài nghỉ, sẽ vô chầu sau.

Hai ông cùng đi ra Bộ Lại với tôi, nói chuyện chừng mười lăm phút. Khi ấy vào khoảng mười giờ hơn. Đương lúc nói chuyện thì viên hạ sĩ quan vào trình việc gì. Hai ông nói lại với tôi là ở Huế việc đã gần xong, chỉ còn đồn Mang Cá chống lại chưa hàng mà thôi. Hai ông khuyên tôi cứ ở Bộ, đừng ra ngoài vội, vì đương khi đánh nhau, đạn lạc tên bay, có nguy hiểm. Tôi nói tôi cần phải vô Nội chầu Ngài, sợ lính Nhật canh các đầu đường trong thành có cản trở chăng. Quan ba Sơn Dã liền viết cho tôi một tờ giấy thông hành để đi lại trong thành cho tiện. Trước khi ra về, ông Ishida có tin cho tôi biết rằng hiện có quan đặc sứ Yokoyama ở Huế, ngài sẽ đến thăm tôi, nhưng không nói giờ nào. Tôi nói quan sứ Yokoyama thì tôi đã biết, đã có dịp tiếp chuyện ngài năm trước, và sẽ hân hạnh được thừa tiếp lần nữa.

Bấy giờ tiếng súng đại bác và liên thanh vẫn không ngớt, bắn vào Mang Cá.

Chừng bốn giờ chiều thì có tin trong Nội Hoàng Đế ban triệu tôi. Tôi liền khăn áo vô chầu. Bấy giờ Hoàng Đế, Từ Cung và Hoàng Hậu đương đứng ở sân lầu Kiến Trung. Tôi chầu chuyện ba ngài giờ lâu, rồi Hoàng Đế ban cho tôi tối phải vào ngủ trong Nội, để túc trực phòng việc cần. Bấy giờ tiếng súng đã ngớt. Chợt nghe tiếng xe ở cửa Hòa Bình, rồi thấy tên lính canh chạy vào bẩm với tôi có hai xe ô tô quan Nhật xin vô Nội. Hoàng Đế ban tôi ra tiếp, rồi Ngài ngự lên lầu.

Tôi truyền cho lính ra mở cửa để xe các quan vào. Tôi chực ở trước cửa Ngự Tiền văn phòng. Hai xe tới nơi, thời ở xe trước xuống, thấy quan đặc sứ Yokoyama, võ quan lãnh sự Ishida tôi đã biết, đi cùng với quan lãnh sự Watamata, bấy giờ mới giới thiệu. Xe sau là võ quan và quân lính hộ vệ tùy tùng. Tôi mời các quan lên buồng giấy nói chuyện. Sau mấy câu hàn huyên, quan đặc sứ tỏ ý muốn chầu Hoàng Đế để tâu việc cần. Tôi liền qua lầu Kiến Trung để tâu lại, Ngài ban mời các quan vào phòng khách tiếp chuyện.

Hoàng Đế ngồi giữa, đặc sứ Yokoyama ngồi tay phải, còn hai bên thì hai quan lãnh sự Watamata và Ishida với tôi.

Buổi tiếp kiến này là một giai đoạn rất quan hệ trong lịch sử nước ta, vì là buổi đề cập tới vấn đề độc lập nước Việt Nam, sau này sẽ có dịp tự thuật tường, để cống hiến một tài liệu cho lịch sử, không tiện biên chép lại- thảo ngay bây giờ.

Sau cuộc tiếp kiến ấy, liền có cuộc hội đồng đặc biệt Viện Cơ Mật trong phòng nhỏ Hoàng Đế tại lầu Kiến Trung vào bảy giờ tối.

Rồi mười giờ đêm hôm ấy, các cụ Cơ Mật lại họp ở Bộ Lại để tiếp quan đặc sứ và thảo tờ Tuyên bố Độc lập.

Hai cuộc hội đồng đó cũng như cuộc hội kiến trên, đều là những việc quan trọng, thuộc về lịch sử, tôi được may mắn dự vào, đóng một vai chính, sau này sẽ có dịp thuật tường.

Phạm Quỳnh

Chú thích:
Hình học giả Phạm Quỳnh tại văn phòng Lại bộ Thượng thư (Huế 1942)
Thủ bút Phạm Quỳnh trong “CHUYỆN MỘT ĐÊM MỘT NGÀY”