Monday, March 22, 2010

Poet Hữu Loan funeral


Hàng ngàn người đưa tiễn nhà thơ Hữu Loan

Video
Những đồi hoa sim

Video
1.- Nhà thơ Hữu Loan
2.- Tâm Tình Nhà Thơ Hữu Loan
Phần 1Phần 2Phần 3Phần 4Phần 5

THANH HÓA (TH)Saturday, March 20, 2010 - Hàng ngàn người đã theo chân gia đình đưa tiễn cố thi sĩ Hữu Loan về lòng đất mẹ ngày 19 tháng 3, 2010 ở quê ông, làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.


Theo một bản tin của báo Dân Trí hôm Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010, “Lễ phát tang nhà thơ được tiến hành vào sáng 19 tháng 3 và chiều cùng ngày hàng gàn người dân xã Nga Linh cùng bạn bè thân quyến đã tiễn đưa cố nhà thơ Hữu loan về nơi an nghỉ cuối cùng.” (Hình phải:Thân quyến nhà thơ Hữu Loan. -Hình DT)


Nhà thơ Hữu Loan, sau một thời gian bệnh, một phần cũng do tuổi cao, sức yếu, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 19 giờ ngày Thứ Năm 18 tháng 3 tại nhà riêng, thọ 95 tuổi. Sự ra đi vĩnh viễn của ông để lại trong lòng người Việt Nam, dù trong hay ngoài nước một sự xúc động sâu xa. (Quan tài thi sĩ Hữu Loan được di chuyển ra khỏi nhà. -Hình: DT)

Cuộc đời của ông gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập từ tay thực dân Pháp rồi sau đó, bị trù dập qua vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (1956-1958) cho tới gần hết đời. Dù ở hoàn cảnh nào, ông luôn luôn chứng tỏ là một kẻ sĩ, không hề khuất phục cường quyền, bạo lực.


Một trong những bài thơ của ông trở thành bất tử, bài “Màu Tím Hoa Sim” bắt nguồn từ cái chết của người vợ trẻ khi ông đang trên đường hành quân kháng chiến, được các người lính Vệ Quốc Quân chép tay truyền tụng lén lút mà mãi khi CSVN chiếm được miền Bắc năm 1954, bài thơ này mới được in lần đầu tiên trên tờ tập san Trăm Hoa năm 1956 do thi sĩ Nguyễn Bính chủ trương.

Rất ít báo trong hệ thống báo chí CSVN đưa tin Hữu Loan qua đời dù có thể rất nhiều người trong số họ công nhận thi tài và tầm ảnh hưởng lớn lao của ông trong nền văn chương Việt Nam thế kỷ thứ 20. (Hàng ngàn người dân khắp nơi cùng đến tiễn đưa tác giả Màu Tím Hoa Sim về nơi an nghỉ cuối cùng. -Hình: DT)


Một vài tờ báo như Thanh Niên, Sài Gòn Tiếp Thị, Dân Trí đưa tin về cái chết của ông nhưng cũng với những lời lẽ nhẹ nhàng, lờ giai đoạn ông bị chế độ trù dập, khủng bố suốt nhiều chục năm trời.


Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà Văn CSVN đến đọc diễn văn trong đám tang nhà thơ Hữu Loan, theo tin báo Dân Trí kèm theo tấm hình, nhưng không thấy thuật lại gì ngoài chuyện Hữu Thỉnh kể lể tình bạn.
Những năm gần đây, nhà thơ Hữu Loan trả lời các cuộc phỏng vấn của báo chí ngoại quốc đã thuật lại cho thấy ông sống ra sao, làm sao tồn tại từ mò cua bắt ốc, đập đá, kéo xe trong khi vẫn phải đối phó với các trò khủng bố của chế độ.


Loan tin ông chết hôm 19 tháng 3, báo Dân Trí chỉ dám bình luận, “Sự ra đi của nhà thơ Hữu Loan đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với người dân quê hương cũng như hàng triệu trái tim yêu mến những vần thơ của ông. Cuộc đời của thi sĩ Hữu Loan trải qua nhiều thăng trầm biến cố, nhưng với tâm hồn và trái tim yêu nghệ thuật, ông đã sống và cống hiến hết mình vì nền nghệ thuật nước nhà.”
(Núi Vân Hoàn một ngày cuối Xuân, cây cối và lòng người như hòa cùng một nỗi tiếc thương khi tiễn đưa người con quê hương, một hồn thơ về nơi an nghỉ cuối cùng. -Hình: DT)

Còn báo Thanh Niên ngày 20 tháng 3, 2010, chỉ dám nói sự ra đi vĩnh viễn của ông “Khép lại một chuỗi ngày dài đằng đẵng đến cả 50 năm nhọc nhằn thể xác lẫn tinh thần”.
Bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” đã được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc như: Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà (Phạm Duy), Màu Tím Hoa Sim (Duy Khánh), Những Ðồi Hoa Sim (Dzũng Chinh), Chuyện Hoa Sim (Anh Bằng), Tím Cả Chiều Hoang (Nguyễn Ðặng Mừng), Tím Cả Rừng Chiều (Thu Hồ). Tuy nhiên, nổi tiếng nhất là hai bài của Phạm Duy và Dzũng Chinh.


Màu Tím Hoa Sim

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh

Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Ðược tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Ðứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...


Hữu Loan