Friday, March 26, 2010

Cổ nhạc


Vọng cổ, bài hát "quan trọng nhất Thế Kỷ 20"
của âm nhạc Việt Nam

Vọng cổ là bản ca thông dụng nhất trong giới đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương, ra đời cách đây đúng 90 năm, đóng vai trò viên ngọc quý cho kho tàng cổ nhạc dân tộc.

Bản vọng cổ cũng thích hợp với Mùa Xuân, nên khi xưa, cứ Tết đến, thiên hạ rủ nhau đi coi hát, mà mục đích chính là nghe... Út Trà Ôn ca vọng cổ. Các gánh hát cải lương cũng chọn tuồng hay, tăng thêm suất hát để đáp ứng con số khán giả đông đảo của mấy ngày Tết. (Báo chí phỏng vấn ông Sáu Lầu, tác giả 'Dạ Cổ Hoài Lang,' trong buổi hát vinh danh và giúp đỡ ông ở Sài Gòn hồi thập niên 1960s. (Hình: Ngành Mai sưu tầm)

Người Việt Nam chúng ta ưa thích bản vọng cổ vì bản ca ấy thường dùng cho tuồng cải lương trong những lớp cảm động nhất. Khi một soạn giả viết tuồng cải lương, trong số hằng trăm bài bản cổ nhạc được sử dụng, người soạn có thể bỏ bớt một bản ca nào đó, chớ không bao giờ bỏ đi bản vọng cổ. Tuồng hát mà không có ca vọng cổ, hoặc ca ít quá, thì không bầu gánh nào chịu nhận đưa lên sân khấu. Thế nên soạn giả luôn chọn những lớp tuồng gay cấn đưa bản vọng cổ vào để thỏa mãn thị hiếu khán giả.

Các vai trò cũng vậy, khi muốn viện dẫn lý do để bênh vực cho lập trường của mình, họ đều dùng vài câu vọng cổ để thuyết phục người đối thoại trong lớp diễn. Một người đi học ca thì trước hết họ học sáu câu vọng cổ làm căn bản, rồi sau đó mới học các bài bản khác. Có người chỉ học mỗi bản vọng cổ thôi, cũng có thể tham gia bất cứ buổi sinh hoạt đờn ca nào. Học đờn cũng thế, sáu câu vọng cổ trước rồi sau đó mới học thêm.

Trong nghệ thuật cải lương, một kép hát hay đào hát, muốn được thăng tiến nghề nghiệp, điều cốt yếu là phải có làn hơi ca vọng cổ 'mùi' mới có hy vọng.

Bản vọng cổ đã đi sâu vào lòng nhiều thế hệ khán giả, và mặc nhiên chiếm ngôi vị độc tôn mà không một ai có thể phủ nhận được. Có thể nói, Vọng Cổ có ma lực thu hút người nghe!

Theo như sưu tầm của người viết bài này, bản vọng cổ lúc mới đầu có tên 'Dạ Cổ,' do ông Cao Văn Lầu, tức nhạc sĩ Sáu Lầu ở Bạc Liêu, sáng tác vào năm 1920. Và cơ duyên đưa đến sự ra đời bản ca bất hủ ấy là do hoàn cảnh khắt khe của xã hội thời bấy giờ, khiến ông phải chia tay với người vợ từng 10 năm chung sống!

Số là, năm 20 tuổi, ông Sáu Lầu cưới vợ. Đến 30 tuổi, tương truyền, vợ ông vẫn chưa sanh con. Cha mẹ ông bắt buộc con trai cưới vợ khác, vì sợ tuyệt tự. Ông Sáu Lầu buồn rầu không muốn làm gì nữa. Ngoài công việc ruộng rẫy ở thôn quê, hằng ngày ông ra đồng, nghiền ngẫm những lời vợ ông nói với ông trước khi chia tay. Do biết đờn cổ nhạc, cộng thêm tâm trạng của người chồng đau khổ trước cảnh gia đình tan rã, ông cảm hứng tạo ra bản nhạc 20 câu, đặt tên 'Dạ Cổ Hoài Lang' (đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng), có ý kỷ niệm mối tâm tình của người vợ đối với ông.

Khoảng năm 1945, bản vọng cổ tăng lên nhịp Tám, phổ biến khắp cả Nam Việt, với các dĩa hát 'Nặng Gánh Nợ Đời' và 'Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa.' Đếnđầu thập niên 1950s, vọng cổ tăng lên nhịp 16 với bài 'Tôn Tẩn Giả Điên,' do Út Trà Ôn biểu diễn. Thời điểm này đánh dấu một kỷ nguyên mới cho bản vọng cổ.

Giai thoại thời ấy ghi không rõ, không biết ông Sáu Lầu có hoàn toàn chia tay với vợ chưa, nhưng sự thể xảy ra là, 'trời cao ngó xuống, nên khi ông sáng tác bản vọng cổ rồi thì vợ ông thụ thai, và sanh liên tiếp cho ông đến... sáu đứa con!' (Vua vọng cổ Út Trà Ôn, người có công làm mới bản nhạc bằng nhiều kỹ thuật hồi thập niên 1950s. (Hình: Ngành Mai sưu tầm)

Đó là câu chuyện bắt nguồn bản vọng cổ. Sau này, khi được báo chí phỏng vấn, ông cũng trả lời như trên.

Về sau, bản nhạc được đổi tên thành 'Vọng Cổ Hoài Lang' cho rộng nghĩa (trông mối tình xưa mà nhớ đến chồng).

Bản vọng cổ nguyên thủy coi như khởi đầu năm 1920, ca nhịp Đôi, giọng Bắc vì có một ít câu giống câu Hành Vân. Kể từ năm 1927 về sau, bản vọng cổ biến chuyển không ngừng, cứ mỗi thời kỳ độ 9, 10 năm thì thấy tăng nhịp gấp đôi và thường chia ra hai đợt.

Khoảng đầu thập niên 1930, trên sân khấu Trần Đắc, tuồng 'Khúc Oan Vô Lượng,' soạn giả Huỳnh Thủ Trung, tức nghệ sĩ Tư Chơi, soạn bài vọng cổ nhịp Tư cho nghệ sĩ Phùng Há ca với nhiều chữ hơn, hơi ca kéo dài ngân nga nên bản vọng cổ từ giọng Bắc đã biến thể ra giọng Nam và được công chúng thích nghe hơn.

Đến khoảng 1945, bản vọng cổ tăng lên nhịp Tám. Thời kỳ này, bản vọng cổ phổ biến khắp cả Nam Việt, chớ không riêng gì ở vùng Bạc Liêu, Lục Tỉnh. Nghệ sĩ danh ca Năm Nghĩa mở màn với lối ca chậm rãi và ngân nga nhiều ở mấy chữ cuối câu trong các dĩa hát 'Nặng Gánh Nợ Đời' và 'Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa' do hãng dĩa Asia thu thanh phát hành cùng khắp. (Nữ nghệ sĩ Thanh Nga (Hình: Ngành Mai sưu tầm)

Đến đầu thập niên 1950, vọng cổ tăng lên nhịp 16 với bài 'Tôn Tẩn Giả Điên,' Út Trà Ôn ca độc chiếc trên dĩa hát Asia với một nghệ thuật kỳ xảo, tuyệt diệu. Đệ nhất danh ca đã khai sanh ra lối ca 'buông nhịp' mới mẻ, và rất già dặn về nhịp. Út Trà Ôn đã xáo các thành phần của bài vọng cổ bằng cách lồng vào câu vọng cổ những điệu hò, điệu nói thơ Vân Tiên v.v...

Bài ca, từ đó đánh dấu một bước tiến, một kỷ nguyên mới cho bản vọng cổ.

Dù đã rất hay, bản vọng cổ không dừng lại tại đây. Sang đến đầu thập niên 1960, một bài ca nói lên lòng hiếu thảo của Thầy Tử Lộ với tên tựa “Đội Gạo Đường Xa” của soạn giả Kiên Giang, nghệ sĩ Hữu Phước đơn ca trên dĩa hát Lam Sơn, có thể đại diện cho vọng cổ nhịp 32.

Những bài ca vọng cổ nhịp 32 ra đời ở thời kỳ này phần nhiều là của soạn giả Viễn Châu, tức nhạc sĩ Bảy Bá. Ông Bảy Bá người gốc ở Trà Vinh là một nhà thơ kiêm nhạc sĩ, nên những bài ca của ông soạn đều rất dễ ca và ý tứ dồi dào, câu văn điêu luyện, gọn gàng, hấp dẫn. Bài ca của ông xuất bản rất nhiều và được giới mộ điệu tặng cho biệt danh 'Vua soạn bài ca vọng cổ.'

Sau đó bản vọng cổ còn tăng lên nhịp 64 với bản 'Ba Râu đi Chợ Lớn,' cũng của soạn giả Viễn Châu, soạn nhiều chữ cho Văn Hường ca hài hước trên dĩa hát Hồng Hoa. Vì lời ca quá nhiều chữ theo điệu ca Văn Hường không thích hợp với lối chơi đờn ca tài tử, trừ một số ít người nháy giọng Văn Hường, đại đa số ca sĩ tài tử đã không học lối ca hài hước. Bài vọng cổ trở lại nhịp 32.

Thời cải lương cực thịnh thập niên 1960, một ban tổ chức được thành lập, cử người về Bạc Liêu mời ông Sáu Lầu lên Sài Gòn. Người ta tổ chức một buổi hát mà các nghệ sĩ tham gia không nhận thù lao. Mọi đóng góp, tiền lời được sung vào 'quỹ cứu trợ,' giúp ông Sáu Lầu trong tuổi già. Sau lần ấy, không thấy tổ chức thêm lần nào nữa, và chẳng bao lâu thì nghe tin ông mất ở quê nhà!

Những năm 1964-1965 đánh dấu một thay đổi quan trọng trong cấu trúc bài vọng cổ. Các soạn giả cho lồng vào câu vọng cổ những điệu tân nhạc, cho 'gối đầu' bằng những bản tân nhạc đã có sẵn. Người ta còn nhớ, thời này, xướng ngôn viên Ngọc Dung của đài phát thanh Quân Đội giới thiệu loại bài ca này là 'Tân Cổ Giao Duyên.' Rồi, hàng loạt những bài tân nhạc được lồng vào bài ca vọng cổ ra đời, như: 'Hòn Vọng Phu,' 'Phiên Gác Đêm Xuân,' 'Mưa Rừng,' 'Trăng Rụng Xuống Cầu,' 'Tình Anh Lính Chiến,' 'Lá Thư Miền Trung,' 'Biệt Kinh Thành'...

Để giúp nghệ sĩ vô vọng cổ cho 'êm,' soạn giả thường áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để gối đầu bản vọng cổ, như: Dùng câu nói lối, bài ca cổ vắn, câu ngâm thơ, bài tân nhạc mới chế. Riêng dùng bài tân nhạc có sẵn thì phương pháp này chỉ dùng soạn bài ca cho dĩa nhựa, chớ không thể dùng trong cải lương. Sau 1975, không biết do ai sáng chế, khán giả lại thấy lối vô vọng cổ với hàng mấy trăm chữ, nói không ngớt miệng. Cách này, chẳng bao nhiêu người học. Bức hình nghệ sĩ Hữu Phước chụp vào thời thập niên 1950, lúc mới vào nghiệp cầm ca vô bộ dĩa 'Cây Khế Ngọt' đóng vai con quạ với lời ca: Ăn khế ta trả vàng, may túi ba gang, để dành mà đựng, ăn khế ta trả vàng... (Hình: Ngành Mai sưu tầm)

Tựu trung, bản vọng cổ là bản ca phổ biến rộng rãi trong dân gian, từ thành thị đến thôn quê, từ Nam chí Bắc không nơi nào phủ nhận quyền ngự trị của nó trên đài cổ nhạc. Một bản ca được công chúng hoan nghinh như vậy tất phải có dân tộc tính và nói lên được cái gì uẩn khúc trong lòng người Việt Nam.

Đã có một quá khứ huy hoàng đến thế, người ta tin rằng bản vọng cổ sẽ sống mãi với thời gian vậy. (Bức ảnh của đào thương Út Bạch Lan thời thập niên 1960. (Hình: Ngành Mai sưu tầm)

Từ khi bản vọng cổ ra đời tới nay, có biết bao thành phần nhờ nó mà nên sự nghiệp: Các nghệ sĩ nổi danh nhờ ca vọng cổ, các bầu gánh hát, hãng dĩa nhựa, chủ rạp hát làm giàu, cũng nhờ bản vọng cổ. Nói chung là rất nhiều người, nhiều giới đã khai thác bản vọng cổ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy cũng nhiều lần nhận định, rằng bản Vọng Cổ là 'bài hát quan trọng nhất Thế Kỷ 20' của âm nhạc Việt Nam.

Thế nhưng, người sáng chế ra bản vọng cổ về sau cuộc sống như thế nào? Câu trả lời là: Cũng như bao nhiêu nhạc sĩ cổ nhạc khác, ông Sáu Lầu khi về già sống trong cảnh nghèo nàn ở Bạc Liêu.

Thời cải lương cực thịnh thập niên 1960, có người đưa ra sáng kiến là nên làm một buổi 'Vinh Danh Nhạc Sĩ Sáu Lầu.' Sau nhiều lần bàn thảo, một ban tổ chức được thành lập, cử người về Bạc Liêu mời ông Sáu Lầu lên Sài Gòn. Ông lên sân khấu phát biểu cảm tưởng, rằng cám ơn ban tổ chức, cám ơn khán giả và trả lời phỏng vấn của báo chí. Sau đó, người ta tổ chức một buổi hát mà các nghệ sĩ tham gia không nhận thù lao. Mọi đóng góp, tiền lời được sung vào 'quỹ cứu trợ,' giúp ông Sáu Lầu trong tuổi già.

Sau lần ấy, không thấy tổ chức thêm lần nào nữa, và chẳng bao lâu thì nghe tin ông mất ở quê nhà.

Ngành Mai
Nguồn nguoi-viet