Tuesday, March 2, 2010

Trần Đình Tuấn


Giỗ đầu của Mẹ
Video Lòng Mẹ

Mùa xuân năm ngoái, lúc lật đật chạy ra cổng để lên phi trường San Francisco về Việt Nam dự lễ tang Mẹ, tôi thoáng thấy cây đào trước sân nhà phủ đầy hoa. Thấm thoát đã một năm, đầu xuân này tôi lại thấy cây đào rực rỡ một màu hồng, nghĩa là đã đến giỗ đầu của Mẹ.

Mẹ tôi sinh nhiều lần nhưng hiếm con gái. Chị Hải tôi mất sớm, chỉ còn mình chị Ái là con đầu lòng, chẳng may lại khờ khạo, không biết chữ, không biết đếm, suốt đời quanh quẩn trong nhà, như một đứa bé hoàn toàn lệ thuộc vào tình cảm thương, ghét, của ông bà, cha mẹ, và sáu đứa em trai.

Một ngày sau khi Mẹ tôi qua đời, chị Ái lại gần, ngước mặt nhìn tôi, vừa nói vừa nhếch mép như mỉm cười “Mẹ mất rồi chị Ái đâu còn gì nữa đâu?” Và chị mách “Con Tư nói bà mất rồi nhà mình bây giờ có ma.” Tôi cầm tay chị, bàn tay lớn và xương xẩu y như bàn tay Mẹ tôi. “Con Tư nó nói bậy chị Ái đùng nghe nó, Mẹ là Mẹ mình, Mẹ thương chị Ái, phù hộ cho chị Ái chứ làm gì có ma?” Chị cười, lập lại lời tôi nói như một đứa trẻ con “Ừ, Mẹ thương chị Ái, làm gì có ma.”

Năm 2002 tôi may mắn được đi cùng Mẹ về thăm quê, làng Trang Nghiêm Thượng, huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam Ninh. Trong suốt thời thơ ấu, tôi đã nghe Bố Mẹ tôi nhắc đến tên ngôi làng này không biết bao nhiêu lần. Đối với tôi đó là một ngôi làng nhỏ điển hình ở miền đồng bằng Bắc Việt, nhưng với Mẹ tôi có lẽ nó là dấu ấn của cả một quãng đời son trẻ.

Chúng tôi đi trên con đường nhỏ láng xi măng, Mẹ tôi vui mừng dừng chân dưới cổng làng do ông Nội tôi xây cách nay hơn 70 năm. Một cụ già chống gậy đi ngang, ông chú dẫn đường hỏi “Cụ có nhận ra ai đây không?” Ông cụ nheo mắt nhìn Mẹ tôi rồi thốt lên “Giời ơi! Sao lại không? Cô Thư chứ ai! Đám cưới cô tôi là người treo pháo từ cái cổng làng này xuống đất, đốt pháo ngay ở cái cổng làng này!” Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghe một người gọi Mẹ tôi, một bà cụ đã ngoài 80, bằng “Cô”.

Đi một quãng, ghé vào một ngôi nhà, tôi thấy một ông cụ cởi trần, thân hình gầy gò chỉ toàn những xương và da, không có một chút mỡ dư nào, đang bửa củi ngoài sân. Ông chú tôi gọi lớn “Ông Cuông này, có biết ai đến thăm ông đây không?” À thì ra đây là ông Cuông, tôi đã được nghe Bố Mẹ tôi nhắc đến tên ông rất nhiều lần. Ông là người kéo xe cho ông Nội tôi. Lúc đó ông đã hơn 90 tuổi. Nhận ra Mẹ tôi, ông Cuông xúc động đến nỗi không nói được một lời nào. Ông lóng ngóng chân tay, nước mắt chảy dài trên gò má xương xẩu.

Ra khỏi nhà ông Cuông chúng tôi ghé thăm một bà cụ khác. Một lần nữa tôi lại được chứng kiến cảnh hội ngộ kỳ lạ giữa Mẹ tôi và những người quen xưa. Bà cụ và Mẹ tôi ôm lấy nhau, nhưng chỉ có Mẹ tôi là nói được một vài câu “Thôi, sao bà cứ khóc mãi thế, chị em mình còn mạnh khỏe gặp nhau thế này là mừng chứ sao lại khóc?” Mẹ tôi vừa nói vừa lau nước mắt. Trong suốt thời gian khoảng 15 phút, cho đến khi Mẹ tôi bịn rịn chia tay, bà cụ kia vẫn nghẹn ngào không nói được một câu nào.

Hồi tưởng lại những kỷ niệm về Mẹ, tôi cảm thấy anh chị em tôi thật là may mắn đã được Mẹ sinh ra. Tôi nhớ lại hồi còn 4, 5 tuổi, nhiều lần tôi bị ốm, lên cơn mê sảng, thấy ma quỷ đứng ở chung quanh giường, tôi kinh sợ khủng khiếp, khóc lặng đi, nhưng được Mẹ ôm chặt vào lòng thì nhanh chóng hết sợ.

Cũng trong thưở ấu thơ, tôi nhớ mãi có lần Mẹ đi vắng, Bố tắm cho tôi, tôi ngồi trong thau nước, co rúm vì bàn tay Bố thô nhám như lưỡi cọp chà xát trên lưng tôi, trái hẳn bàn tay êm, mịn của Mẹ.

Lớn hơn nữa, bao nhiêu lần đi học, đi chơi về, bụng đói, tôi chạy vào bếp rối rít hỏi “Cơm sắp chín chưa Mẹ”, làm cho Mẹ thêm quýnh quáng “Cơm sắp chin rồi, gớm cứ rối lên!” Nhiều lần Mẹ đang thái thức ăn, Mẹ bốc một miếng mề hay miếng gan gà bỏ vào miệng tôi, đây là những miếng ngon mà tôi nhớ mãi.

Lớn thêm nữa, những lần tôi ở trong căn phòng học nhỏ trên lầu với bạn gái, Me có việc phải lên lầu thì Mẹ luôn luôn hắng giọng để cậu quý tử tạm dừng tay. Và biết bao nhiêu lần chở Mẹ đi chợ, đi chùa, đi công việc, Mẹ ngồi phía sau nói đủ thứ chuyện mà chẳng mấy khi tôi chú ý nghe.

Tôi có bốn người anh em trai định cư tại Úc, trong đó có chú Phú, du học tại Úc từ năm 1972, đã 40 tuổi mà chưa lập gia đình. Cách nay hơn 10 năm, Mẹ có dịp sang Úc thăm các con, Mẹ kể có lần chú Phú đưa Mẹ đi chơi xong về nhà mời Mẹ lên lầu nghỉ. Trong lúc Mẹ nghỉ, chú Phú nấu cơm, lúc mời Mẹ xuống cơm nước đã sẵn sàng, có cả muỗng nĩa, khăn ăn… nồi cơm bé xíu gây ấn tượng cho Mẹ vì nồi cơm của gia đình tôi lúc nào cũng lớn. Mẹ thương Phú quá muốn chảy nước mắt. Thật là kỳ lạ. Mẹ nấu cho anh em chúng tôi không biết bao nhiêu bữa cơm, mà em tôi chỉ nấu cho Mẹ một bữa cũng làm Mẹ xúc động muốn chảy nước mắt. Sau này khi em tôi lập gia đình thì Mẹ tôi cũng vui mừng chảy nước mắt.

Từ khi Mẹ mất đến nay nhiều lần tôi nằm mơ thấy Mẹ. Lần nào cũng thấy Mẹ như vừa tắm xong, đầu tóc chải gọn gàng, mặc quần áo mới giống như Mẹ sắp đi chùa hay đi công việc. Lần nào tôi cũng mừng quá chạy lại, có lần hồi hộp nhào tới túm chặt lấy Mẹ, có lần nắm được cánh tay Mẹ, lần nào tôi cũng hỏi Mẹ có khỏe không? Mấy hôm nay Mẹ ở đâu? Lần nào Mẹ cũng trả lời Mẹ không sao, Mẹ khỏe lắm… Giọng nói và nét mặt của Mẹ y như lúc Mẹ vẫn trấn an anh em chúng tôi mỗi khi có chuyện gì không hay xảy ra. Sau những cơn mê như vậy, giật mình thức giấc giữa đêm, tôi có cảm giác sợ hãi, tuyệt vọng kinh hoàng y như hồi bé lên cơn mê sảng thấy ma đứng ở chung quanh giường mà Mẹ lại không có nhà.

Mùa xuân này nhìn cây đào nở rộ, rất đẹp ở trước sân, tôi có cảm tưởng như đất trời cũng mừng vui kỷ niệm ngày Mẹ hoàn tất cuộc hành trình trên cõi đời và trở về cõi Phật. Tôi cảm thấy đúng là phúc đức vô lương vô biên cho tất cả anh chị em chúng tôi kiếp này đã có cơ duyên được làm con của Mẹ.


Trần Đình Tuấn