Bỗng đâu những ngày tỵ nạn ở Nhật bùng lên và hình ảnh Sư hiện lên rõ mồn một như mọi sự như mới xảy ra ngày hôm qua. Trại tỵ nạn Fusisawa nằm ngoại ô Ðông Kinh là một nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Một hôm, có một ông sư đến thăm. Sư dáng người nhỏ thó nhưng cung cách ăn nói và dáng điệu chĩnh chạc khiến anh em đều kính trọng. Sư mặc tăng bào Nhật và cho biết ông dù ăn mặc như một nhà sư Nhật, ông vẫn thuộc Giáo Hội Tăng Già Việt Nam . Tôi tò mò không hiểu tại sao khi một ông sư trong hoàn cảnh đó vẫn khăng khăng ngay từ lần gặp đầu tiên đã minh xác lập trường có vẻ hơi quá khích như vậy cho đến khi hiểu ông hơn thì mới vỡ lẽ
.(Hình phải: Di ảnh cố Hòa Thượng Thích Trí Hiền, thường được môn đồ, Phật tử thân cận, gọi bằng “Sư Ông,” có dáng vóc ngày càng giống Tổ Vĩnh Nghiêm (Tổ Tuệ Tạng). (Hình: Ái Hữu Gia Ðình Phật Tử Vĩnh Nghiêm)
Sư Trí Hiền du học Nhật và là một trong họa hiếm tăng lữ Việt Nam kham nổi đời sống tu hành tại đất Nhật, trong đó phải nhắc đến thầy Tâm Giác và thầy Thanh Kiểm là những người đã không hổ thẹn là những nhà sư Việt Nam. Nói như vậy vì nhiều lý do. Những nhà tu Việt Nam, do lòng sùng bái của quần chúng Phật tử, thường sống một cuộc sống thoải mái về phương diện vật chất như ăn uống có người hầu kẻ hạ, tu hành thì không có những qui luật khắt khe. Từ đó có nhiều người đội lốt tu và coi chùa là nơi hưởng thụ.
Nhật Bản, tuy cùng là Ðại Thừa và ảnh hưởng rất nhiều Phật Giáo Trung Hoa, lại có bản sắc riêng khiến Phật Giáo, nhất là Thiền Tông và Hoa Nghiêm Tông của Nhật thoát ra và đứng riêng thành một nhánh Phật Giáo đầy màu sắc và cá tính Nhật, không trộn lẫn với Phật Giáo Trung Hoa. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chỉ là một cái bóng mờ ảo của Tàu và ngay cả khi chúng ta nói đến Thiền Việt Nam thì cũng không có chứng tích và văn bản cũng như thực tế nào cho thấy có một thiền Việt khác với những gì của Tàu.
Phái thiền được nhắc đến nhiều nhất là Trúc Lâm đời Trần và cuốn Thiền Uyển Tập Anh vẫn được các nhà tu và sử gia Việt coi là tinh hoa của Thiền Việt Nam. Nhưng những học giả có uy tín sau khi khảo sát và so sánh thì thấy toàn bộ sách là sao chép của Tàu và thê thảm hơn nữa là chắp nối đầu Ngô mình Sở vô cùng ngớ ngẩn. Tôi không tiện dẫn nơi đây về những khảo cứu này vì nó đi ngoài bài viết. Khi không có truyền thống được qui hoạch hóa, có nề nếp và nhất là quá trình chiến tranh loạn lạc liên miên trong suốt lịch sử Việt Nam khiến giáo hội Phật Giáo Việt Nam không thật sự có được một tổ chức có qui củ và một truyền thống được lưu truyền thế hệ này qua thế hệ khác như Trung Hoa và Nhật cùng một số các quốc gia theo Phật Giáo khác.
Nhìn lại kỹ thì thấy Phật Giáo Việt nổi nhất vẫn chỉ là Tịnh Ðộ Tông tức ăn chay niệm Phật. Nói như vậy không có nghĩa Tịnh Ðộ là xoàng là dở nhưng một nền Phật Giáo chỉ có Tịnh Ðộ thì có lẽ hơi hời hợt. Cộng vào đó là lòng mê tín dị đoan và lòng sùng kính nhà tu khiến những nhà tu (tôi không dám vơ đũa cả nắm) trở nên tự phụ, tự cho mình có những thẩm quyền vượt khỏi vị trí nhà tu và lạm dụng bộ áo nhà tu. Chúng ta có quá nhiều thí dụ không cần dẫn chứng. Khi Phật Giáo Việt Nam có những tu sĩ may mắn được du học Nhật, họ không quên được những đặc quyền đặc lợi ở quê nhà và vì vậy đa số không kham nổi đời sống tu thật sự như những người tu hành đích thực trong những chùa chiền hoặc giáo phái Nhật. Thức dậy từ năm giờ sáng công phu cho đến bảy giờ thì lao động thật sự và còn biết bao nhiêu bổn phận khác đến tận nửa đêm may ra mới được nằm xuống. Tóm lại, đi tu học ở Nhật cực kỳ vất vả và đôi khi còn vất vả hơn nữa vì là người ngoại quốc tiếng tăm ú ớ. Thế tại sao một ông sư được ưu đãi như Sư ngay trong môn phái của ông tại Nhật, trụ trì trong ngôi bảo tự cao quí nhất giữa Ðông Kinh lại khăng khăng phủ nhận thực tại và một lòng một dạ nhất định tuyên bố mình thuộc Tăng Già Bắc Việt Di Cư và thỉnh thoảng Sư lại khoác trên mình bộ áo nâu sồng như một nhắc nhở khôn nguôi?
Không hiểu có phải vì cách ăn nói khó chịu của tôi hay vì lẽ gì khác, khoảng hai ngày sau Sư lại đến thăm trại tỵ nạn và rủ tôi đi ra ngoài chơi. Không thể ngờ Sư lôi tôi ra quán rượu. Nhật có những quán rượu rất dễ thương chỉ bán sake và bia với một người bartender duy nhất và món nhậu là thịt gà hoặc thịt heo thái nhỏ sâu thành từng sâu nướng nhậu rất bắt. Thế là một buổi chiều Tháng Năm, một ông sư và một thuyền nhân ngồi khề khà trên hai chiếc đẩu nâng sake nóng chén Sư chén tôi.
Khung cảnh như vậy chắc chắn không thể có ở Việt Nam. Sư hỏi tôi rất nhiều điều về tình trạng Việt Nam sau 75. Tửu lượng Sư không khá, chỉ chiêu cỡ hai ba ly hạt mít và ăn uống thì nhỏ nhẹ nhưng những câu hỏi thì chính xác và đi thẳng vào vấn đề. Tôi vì mới từ Việt Nam ra lòng đầy phấn khích và có thể vì cái khung cảnh là lạ, tôi trở nên ba hoa nói năng có phần bi phẫn về đủ mọi vấn đề. Sư nghe, hỏi nhiều hơn nói và rồi cuối cùng Sư bảo: “Tôi cũng nghe nhiều nhưng hôm nay mới biết thêm về những gì đang xảy ra ở Sài Gòn. Âu cũng là cái nghiệp mà dân mình phải gánh.”
Trời Tháng Năm ở Ðông Kinh khá lạnh, nhất là đối với một kẻ mới từ xứ nhiệt đới như tôi. Trên con đường về và trong cái lành lạnh cuối Xuân, tôi hỏi một câu hết sức vô duyên: “Thế tu ở Nhật đi uống rượu ngoài quán không bị Phật tử mè nheo sao?” Sư bật cười bảo: “Nhật khác, Việt Nam khác, nhưng cái khác chỉ là bề ngoài. Ði tu có những ràng buộc nhưng cũng những thứ thật ra chẳng cần phải giữ. Quan trọng là ở cái tâm và định lực thôi. Phật có lúc ăn thịt trâu nhưng Phật vẫn là Phật phải không? Phật giáo Nhật phóng khoáng lắm nhưng cũng khắt khe lắm, phải ở trong mới biết, nhất là không thể nhìn họ bằng con mắt Việt Nam được.”
Ngày một ngày hai tôi biết đại cương về Sư và cái chữ khắt khe mà Sư đề cập đến một cách hững hờ trở nên một sự thật không chối cãi được. Khoảng vài tuần sau đó, Sư rủ tôi lên chùa nơi Sư trụ trì. Chùa nằm ngay giữa khu Sinjuku là nơi đô hội nhất của Tokyo, nơi một tấc đất có lẽ là chục nén vàng. Sư dẫn tôi vào và chỉ cho tôi coi những bảo vật trấn quốc được lưu trữ ngay trong chùa. Tôi đã rùng mình khi Sư vén màn lên và bên trong bàn thờ nhỏ sơn son thiếp vàng là một pho tượng xám đen của một cao tăng. Vị cao tăng đã ngồi thiền tự diệt bằng cách nhịn ăn từ từ cho đến lúc mỗi ngày chỉ ăn một hạt cơm. Ðó là phép khô thiền dùng lửa tam muội đốt hết để tự diệt. Pho tượng không được sơn phết và dáng ngồi của vị thiền sư vẫn uy nghi tự tại sau bao nhiêu trăm năm mà không hề bị hủy hoại.
Biết tôi ham uống rượu, Sư dẫn vào một căn phòng nhỏ bảo tôi muốn uống chai nào thì cứ tự nhiên vì “cả chùa chỉ có hai thầy trò, Lão Sư thì năm thì mười họa mới uống” còn Sư thì gần như không đụng đến rượu.
Tôi ngơ ngẩn trước cả trăm chai rượu quí do Phật tử tặng, và như chớp, lôi xuống một chai Martell cổ lùn năm sao. Sư mò xuống bếp lục lọi và đem ra một lô đồ khô như mực xé nhỏ, cá cơm khô và rất nhiều loại hột, như điều và những thứ lỉnh kỉnh khác, rồi dẫn tôi vào phòng riêng của Sư. Căn phòng sáu chiếu bề nang cỡ bốn thước bề dài cỡ sáu thước và trống trơn không có đồ đạc gì. Tôi và Sư ngồi bệt xuống và điều cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao hôm đó Sư uống như hũ chìm. Câu chuyện thì vẫn xoay quanh Việt Nam và vào khoảng hai giờ sáng thì chai rượu cạn. Tôi say mèm và tôi nghĩ Sư cũng say.
Tôi lăn ra, thiếp đi chưa bao lâu thì nghe lịch kịch. Sư đã thức dậy. Tôi mắt cay sè hỏi và Sư bảo bốn giờ sáng phải dậy để công phu. Tò mò, tôi cố gượng nhất định theo Sư công phu buổi sáng. Khi lên đến chính điện thì thấy một vị sư già đã ngồi đó. Sư không nói năng gì, lui cui lo đốt đèn và nhang khói xong, quỳ phía sau. Hai vị sư bắt đầu tụng kinh. Âm thanh Nhật ngữ lạ lẫm nhưng chỉ một lúc sau tôi nghe danh hiệu các đức Phật có lẽ từ Hán tự, như Ðại Thế Chí Bồ Tát, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát & nhất là A Di Ðà Phật và tôi cũng lẩm nhẩm đọc theo. Chắc vì thế, sau khi tụng xong nhà sư già quay xuống nhìn tôi gật gật có vẻ hài lòng. Sư nói với tôi: “Bây giờ ông về phòng nghỉ đi vì tôi với Lão Sư còn phải làm việc.” Cái mà Sư nói là phải làm việc giản dị lắm. Hai ông sư, một già lụ khụ, một cũng đã trung niên, còng lưng xuống lau sàn. Chùa rộng mênh mông và tôi cũng lăn lưng cố theo. Hỡi ơi, sau một trận nhậu mờ người, khi cùng hai ông sư lau từ trong ra ngoài ngôi chùa, tôi thở dốc muốn gục ngay tại chỗ. Lúc đó trời bắt đầu hửng sáng, tôi tưởng xong nhưng chưa. Hai ông, mỗi người một cái cào thưa ra sau chùa bắt đầu cào vườn thiền.
Tôi đã đọc và hơi biết về vụ này nhưng không dám can dự. Hai thửa vườn toàn cát mịn trắng phau có lẽ đã được cào từ hôm trước vẫn còn những vết như những đợt sóng vòng từ trong ra ngoài lác đác có vài cái lá rụng đâu đó. Vị sư già chân trần bước vào vừa đi vừa khoa vừa hất khiến cái vườn cát như vừa bị tụi nhỏ chơi đùa tung tóe lên. Lão Sư và Sư nhẹ nhàng bước vào vườn cát. Tôi tò mò đứng nhìn. Vườn cát trắng phau lấp lánh phản chiếu ánh ban mai và hai thầy trò rất chậm rãi cào. Chắc cũng cả tiếng đồng hồ sau đó vườn bỗng có sắc thái khác hẳn. Những đợt sóng cát li ti mịn màng vây quanh những tảng đá và thật sự tôi thấy như lòng mình cũng dịu đi trước công trình giản dị nhưng đầy thiền tính. Công việc xem ra dễ nhưng là cả một dụng tâm vì cào cát sao cho cả một vườn như một quần thể hợp nhất không có gì có thể xen vào được. Tôi thấy hai thầy trò Sư mồ hôi nhễ nhại và chợt hiểu cái dụng tâm chuyên chú vào công việc khó khăn đến mức nào.
Lão Sư ung dung chậm rãi đến chiếc bàn đá cạnh đó và Sư ra hiệu. Tôi lẳng lặng ngồi đối diện với nhà sư già sau khi chắp tay bái. Lão Sư chỉ cười không nói năng gì. Ðó là ông già đầu nhẵn thín hai hàng lông mi rủ xuống nhưng đầy vẻ quắc thước. Sư từ trong bếp đem ra một ấm trà rất lớn và ba cái ly bằng sành khá to. Sư nghiêng bình trà rót từ trên cao vào ly trà sủi bọt. Tôi vốn đọc và loáng thoáng hiểu về trà đạo, những tưởng sắp được thưởng thức nhưng không phải như vậy. Hai vị sư uống ừng ực rất nhanh. Tôi lanh trí làm theo. Trà nhạt thếch có lẫn vị gạo rang. Và đến ly cối thứ hai thì tôi thấy tỉnh hẳn, mọi mệt nhọc từ tinh mơ sáng như dứt hẳn. Mãi sau này khi đã sống ở Nhật đủ lâu, tôi mới hiểu cái gọi là trà đạo chỉ là một biểu tượng văn hóa và không phải người Nhật nào cũng có cơ hội để tham dự một buổi trà đạo. Người Nhật bình thường uống trà hàng ngày và trà được pha lẫn với gạo rang, uống vừa giải khát vừa giúp tiêu hóa.
Lão Sư nói gì đó và Sư cười hỏi tôi “Ðói chưa.” Tôi gật và ba chúng tôi đi vào bếp. Một mâm cơm bày trên bàn và tôi quan sát. Ba bát cơm, ba chén miso và hai dĩa thức ăn gồm đậu phụ và cá cơm chiên giòn cùng với một thố rau luộc. Sư bảo tôi: “Chùa ăn hai bữa sáng và tối, không cao lương mĩ vị gì, ông mà phát Bồ Ðề Tâm đi tu thì chỉ có thế này thôi.” Bụng đói như cào, tôi ngấu nghiến lùa một hơi hai bát cơm. Lão Sư nhìn tôi cười hài lòng. Vậy đó, tôi làm quen với nếp sống của Sư và dần dần tôi hiểu Sư hơn.
Giữa lúc đó, có tin Thứ Trưởng Ngoại Giao Phan Hiền của Cộng Sản thăm Nhật với ý đồ xin viện trợ. Anh em thuyền nhân ở trại Fusisawa bàn nhau toan tính biểu tình phản đối. Chúng tôi vừa đến Nhật chưa quá hai tháng, đường đi lối lại chưa thông, ngôn ngữ thì mù tịt, không hiểu gì về đất Nhật làm sao biểu tình. Một số anh em sinh viên Việt Nam còn hiện diện ở đây cho hay chưa hề có vụ người Việt Nam đi biểu tình và nếu lại là thuyền nhân thì e gặp nhiều trở ngại trong vấn đề định cư. Tôi liên lạc với nhóm anh em sinh viên Người Việt Tự Do và Ngô Chi Dũng đồng ý rằng rất khó khăn nhưng anh bảo tôi thử liên lạc với Sư Trí Hiền hỏi xem sao.
Khi được tham khảo, Sư trầm ngâm và nhỏ nhẹ: “Nhật là quốc gia dân chủ, ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến và nguyện vọng, miễn là không bạo động và vi phạm luật pháp thì không ai có quyền cấm cản. Nếu anh em định biểu tình thì tôi sẵn sàng tham dự.”
Khi được biết thuyền nhân toan tính biểu tình, Ma Seour trưởng trại và một viên chức của Liên Hiệp Quốc đặc trách tỵ nạn đã đến trại cảnh cáo thuyền nhân không được quyền làm chính trị. Chúng tôi ngơ ngẩn không lối thoát thì Sư cố vấn: “Anh em cứ thông báo cho họ rằng chúng ta không làm chính trị vì việc làm của anh em không xen vào nội bộ của chính trị Nhật. Anh em không ủng hộ hay chống đối một khuynh hướng chính trị nào của Nhật mà chỉ đấu tranh cho nhân quyền của Việt Nam. Hễ họ tìm cách ngăn thì tôi sẽ dẫn anh em đến tuyệt thực trước trụ sở LHQ.” Chúng tôi theo lời cố vấn của Sư và quả nhiên các viên chức này im tiếng. Ngạc nhiên thay, tất cả anh em sinh viên khi nghe có cụ Trí Hiền thì đều xả lưng giúp cho cuộc biểu tình, tình nguyện dẫn đường chỉ lối và lo những vụ bên lề như đồ ăn thức uống và cả dụng cụ cứu thương. Ðây là cuộc xuống đường đầu tiên của thuyền nhân Việt Nam và phải ghi nhận đó là bước đầu để sinh hoạt của người Việt tại Nhật bùng nổ và tổ chức Người Việt Tự Do đã đóng vai trò tích cực nhất.
Cuộc biểu tình chỉ với 48 người, kể cả trẻ con, nhưng chính cái gương cam đảm của Sư đã khiến ai nấy bỏ mọi sợ hãi lo lắng cho số phận tỵ nạn hăng hái tham gia. Khi hai viên cảnh sát Nhật to lớn kẹp Sư vào giữa nhắc bổng Sư lên như một con nhái thì thuyền nhân la ó nằm vật ra, hò hét phản đối
Sau này Sư luôn luôn có mặt và sát cánh cùng mọi người trong mọi sinh hoạt chung và chính cái thái độ tự tại của một thiền sư đã chinh phục mọi người. Sư cho hay, vì thuộc Tăng Già Bắc Việt Di Cư, Sư đã quyết định tu theo Lâm Tế và tu học tại một thiền viện của Nhật ròng rã trong nhiều năm trời. Sư kể khá nhiều chuyện về thiền viện và lúc nào cũng băn khoăn về tương lai của Giáo Hội Việt Nam: “Khó lắm vì mình thiếu hẳn truyền thống và định chế được qui hoạch hóa và truyền từ đời này qua đời khác. Tôi nhớ khi từ trạm xe lửa xuống thì gặp một anh người Nhật cũng trọc đầu như tôi và được biết anh chàng cũng trên con đường nhập tu. Hai đứa hàn huyên vui vẻ và ngay khi đến trước cổng thiền viện chừng vài chục bước anh ta bỗng chạy thật nhanh và khi tôi bước vào cổng thì anh ta cười khì khì bảo theo qui luật thì kẻ nào vào chùa trước là sư huynh. Từ đó cho đến chết trong hoàn cảnh nào tôi vẫn phải coi vị sư đồng tu này là sư huynh. Câu chuyện có vẻ khôi hài này thực ra tiềm ẩn một điều quan trọng hơn là cái truyền thống được nâng niu bảo trì tuân thủ đời này qua đời khác mà Phật Giáo Việt Nam e còn thiếu.”
Phật Giáo Nhật đã có một biến chuyển trọng đại vào khoảng giữa thế kỷ 19 khi Nhật phải đương đầu với sức ép của Tây Phương và đòi hỏi của Thiên Chúa Giáo phải được quyền truyền đạo. Triều đình Nhật đã ra lệnh tất cả các gia đình Nhật phải đăng ký và trực thuộc vào một ngôi chùa, và bài vị tổ tiên cũng phải được thờ trong các chùa chiền. Biện pháp này cho thấy tại sao ngày nay ở Nhật, Thiên Chúa Giáo chiếm không quá 1% dân số. Biến chuyển thứ hai là các tu sĩ không cần theo lề lối đại thừa Trung Hoa, họ ăn mặn và có quyền lập gia đình. Tu sĩ được các làng mạc hoặc giáo phái chu cấp để sống. Phải chăng chính vì thế đời sống của tu sĩ Nhật quân bằng hơn? Nhưng cũng có một vài biệt lệ như phái của Sư. Tôi hỏi tại sao các tu sĩ Nhật không cạo đầu và có gia đình trong khi Lão Sư và Sư lại trọc lóc sống độc thân, Sư nói đó là truyền thống của phái Thiền Tôn Lâm Tế, chi phái duy nhất vẫn giữ những qui luật tự xưa.
Sư ít khi đề cập đến đời sống riêng vì đã cạo đầu thì những chuyện vụn vặt đó đâu có đáng phải bận tâm. Những chắp nối trong câu chuyện thì Sư xuất gia từ nhỏ tại chùa Quảng Bá và tu học tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Hiệp Ðịnh Geneve chặt đôi Việt Nam và Sư được Hòa Thượng Tố Liên bảo phải đi Nam. Sư lúc đó mới 17 tuổi, tu và sống tại chùa Giác Minh cho đến 1963 với biến cố Phật Giáo làm thay đổi hẳn Miền Nam. Sư nói: Thật là cơ hội bằng vàng cho Phật Giáo Việt Nam nhưng các cụ nhà mình không biết nắm lấy. Nhìn lại thì có nhiều lý do như địa phương tính, nạn bè phái, như cái ngã quá to nhưng tổng quát hơn vẫn là thiếu tổ chức, thiếu truyền thống khiến lại chia năm xẻ bảy, thật đáng buồn.
Sư luôn luôn dùng chữ “Các Cụ Nhà Mình” một cách thân ái khi đề cập đến Phật Giáo Việt Nam. Sư được học bổng đi Nhật và: “Dù biết trước, vẫn không lường được những khó khăn phải vượt qua.” Sau một thời gian trau giồi tiếng Nhật, Sư vào tu tại thiền viện Tokai Ji, một thiền viện nổi tiếng khắt khe. Ðây là thời gian tu học vô cùng gay go khổ nhọc. Mỗi ngày, Sư phải hành cước khất thực, phải lao động đúng như lời “Bất Tác Bất Thực,” phải thiền, rồi còn phải học ở đại học bên ngoài đến nỗi mỗi ngày chỉ ngủ độ bốn tiếng. Có lần Sư hỏi tôi: “Ông có biết tại sao người tôi lệch không?” Tôi phì cười nghĩ đến kiếm hiệp và đùa: “Tẩu hỏa nhập ma.” Sư cũng cười nói: “Ðúng. Tôi bị lệch người vì căn bản thiền của tôi tự mò mẫm khi còn trẻ ở Việt Nam khiến ra như vậy. Sang Nhật, dù có minh sư dìu dắt, cái cố tật vẫn không chừa được. Chính vì thế tôi phải cố gắng hơn các vị đồng tu để tiến kịp họ.”
Ðiều mà Sư không hay nói đến là Sư đã chiếm được lòng kính trọng của toàn bộ phái thiền Thiền Tôn của Nhật. Ngay tại thiền viện Rinzai Di, Sư đảm nhiệm chức Tri Khách Tăng rồi Quản Trị Thiền Viện và đồng thời đắc cử vào Hội Ðồng Nghị Viên của tăng đường Trúc Lâm. Sư là người ngoại quốc lại không có tăng tịch Nhật và đây là trường hợp duy nhất đã xảy ra và vinh dự này ít khi Sư đề cập đến.
Cái lấn cấn nhất của Sư có lẽ là vấn đề tăng tịch. Vị Lão Sư và hầu như toàn môn phái luôn luôn nhắc nhở và hối thúc Sư nhập tăng tịch Nhật với cái ý định để Sư kế thừa Lão Sư trông nom tổ đình Ðông Hải, và sau đó có thể sẽ quán xuyến môn phái. Sư cứ lắc và khất lần cho đến 1975. Sư tâm sự cho đến lúc đó Sư vẫn băn khoăn trước chọn lựa hoặc sống luôn ở Nhật hoặc trở về Việt Nam. Sư nói: “Ông biết đâu chả là đất Phật. Thằng Trí Hiền này là sư ở Nhật hay Việt Nam thì vẫn là thằng Trí Hiền chưa vượt qua cái ải lớn nhất của người tu thiền. Vẫn phải tu, vẫn phải học. Ở Nhật điều kiện tu học, sách vở đầy rẫy và nhất là có nhiều cao tăng để cầu đạo. Nhưng thằng Trí Hiền này còn nợ Việt Nam, còn các cụ nhà mình bên nhà đang lao đao cần đến nó. Thế ông bảo tôi tính sao bây giờ?”
Chính những gì xẩy ra ở Việt Nam và phòng trào vượt biên đã khiến Sư có chọn lựa dứt khoát. Sư từ chức, rời Shizuoka trở về Ðông Kinh sống. Nhưng Lão Sư vẫn nuôi hy vọng Sư đổi ý, nhất là nay Sư không cách gì trở về Việt Nam nữa. Sư cười, kể: “Một hôm, Lão Sư cho hay nếu tôi đổi tăng tịch thì ngài sẽ tháo khoán tất cả ngân khoản trong ngân hàng trao lại cho tôi cũng như nội nhật trong ngày sẽ tấn phong tôi thành Trụ Trị ngôi bảo tự này. Tôi không hề biết ngay khi bước vào cổng thiền viện Tokai là tôi đã được hưởng trợ cấp, hay gọi là lương cũng được. Số tiền đó họ bỏ vào ngân hàng có lời. Ông có biết sau hơn chục năm số tiền lãi mẹ đẻ lãi con lên đến bao nhiêu không? Hai trăm ngàn đô la chưa kể các tài khoản khác tổng cộng lên đến gần bốn trăm ngàn.”
Thật là một chuyện đáng ngạc nhiên đến độ tôi trợn tròn mắt la oai oái: “Trời đất. Sư nhận đi chứ. Tu thiền là phá chấp. Sư Nhật, sư Việt, Sư vẫn là Sư, nhưng là sư Việt thì khố rách áo ôm. Với bốn trăm ngàn đô la làm được khối việc Sư ơi!”
Sư trầm ngâm, lắc đầu:
- Ðâu có thể thế được. Còn các cụ nhà mình nữa. Ðâu có thể thế được.
Vốn hay tếu, tôi bàn:
- Sư cứ thay tăng tịch rồi ít lâu sau vân du sang Mỹ. Tôi sẽ bàn với sư Giang, sư Dục, mỗi người một bên làm hộ pháp. Hai ông này to con tốt tướng, nhiều oai nghi bề ngoài. Tôi sẽ là phát ngôn viên. Chỉ vài tháng thầy trò mình kiếm khối tiền. Có tiền mua tiên cũng được, mình dùng tiền đó lo Phật sự và Việt Nam có phải hay không.
Sư nhìn tôi như một quái vật và sau một lúc thở dài:
- Ðâu có thể thế được. Ðâu có thể thế được.
Tôi rời khỏi trại tỵ nạn Fusisawa đần năm 1979 thì độ sáu tháng sau có điện thoại của Sư. Từ vùng New England, tôi tất tưởi xuống thăm Sư tại chùa đường 16 thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Tay bắt mặt mừng và khi thấy Sư quần lá tọa áo cánh màu xanh nhạt tôi cười ngất: “A ha, thế là Sư Trí Hiền nay lại thuộc Tăng Già Bắc Việt như mấy chục năm về trước ở Quán Sứ Hà Nội với Hòa Thượng Tố Liên.” Sư cười, dắt tay tôi vào phòng, chỉ một tấm ảnh đã cũ phóng lớn chụp chùa Quán Sứ và nói: “Ðây là cụ Tố Liên, còn đây là tôi, ông có nhận ra không. Thế mà hơn ba chục năm rồi.”
Nợ áo cơm khiến tôi lang thang hết nơi này đến nơi khác và xa hẳn Sư. Tôi loáng thoáng biết Sư dựng chùa ở Dallas cho đến cách đây hơn một năm mới có cơ duyên gặp lại Sư. Ngôi chùa mông mênh chính điện nguy nga và cây cỏ hoa lá tưng bừng nhưng Sư Trí Hiền của tôi thì xem ra nhỏ thó hom hem hơn xưa. Câu nói đầu tiên của Sư phần nào phản ánh nỗi cô đơn của Sư: “Ông về đây tôi giao hết chùa cho ông.”
Tình trạng sức khỏe của Sư suy sụp thấy rõ và nhất là cố tật hút thuốc lá liên miên và ăn uống thất thường khiến Sư trông sọm hẳn đi. Tôi nhìn Sư và nghĩ cái gì đã xảy ra thì thế nào rồi cũng sẽ lặp lại. Khi Lão Sư muốn truyền thừa cho Sư để coi sóc Lâm Tế Thiền Tôn thì nay chắc Sư cũng thấp thỏm tìm người kế tục. Sư mất đi nhưng liệu có một Trí Hiền thứ hai dám từ khước gần nửa triệu đô la cùng chức chưởng môn một giáo phái lâu đời của Phật Giáo Nhật chỉ vì vẫn muốn là một ông sư của Tăng Già Bắc Việt Di Cư?