Thực vật trong văn hoá Phật giáo
1. Nhập đề
Thực vật thân thương với văn hoá Phật giáo tưởng chừng như không nhận ra, vì thực vật bao trùm lên mọi khía cạnh của văn hoá:
Ngày ngày ngắm Phật đâm quen mặt
Thân thiết như thân với nắng mưa
Thơ Luân Hoán
Thực vậy, từ bông hoa trên bàn thờ Phật đến bữa cơm thường nhật của phật tử, đâu đâu cũng có bóng dáng cây cỏ, cả Thảo lẫn Mộc:
Thảo là những cây thân thảo, mềm như các cây ngũ cốc họ Hoà Bản, các cây họ Đậu như đậu nành còn gọi là đậu tương, đậu đen, đậu đỏ…
Mộc gồm các loại cây thân cứng như cây bồ đề, cây trúc, cây sala, cây xoài, cây keo nghĩa là những cây ta thấy rải rác trong các kinh phật…
2. Thân bài
Trước tiên, ta đề cập đến văn hoá ẩm thực vì ‘có thực mới vực được đạo’. Người Á đông ta ăn cơm là chính, thỉnh thoảng có lễ mới ăn xôi .Nhưng dù cơm hay xôi, cũng là từ lúa mà ra. Mà lúa thì là căn bản của nông nghiệp mọi xứ Á Châu, từ Bắc Á như Nhật, Đại Hàn mãi cho đến Viet Nam, Thái Lan, Lào, Miến… Thực vậy, lúa trồng cả mùa mưa lẫn mùa nắng, đúng với nhịp điệu của khí hậu nhiệt đới… Lúa có thể gặp ở:
-hệ sinh thái vùng đất cao nước trời (rainfed upland ecosystem) trong đó lúa trồng cạn là chủ yếu; lúa này chỉ phụ thuộc vào nước trời mà lượng nước mưa này lại thay đổi theo năm nên năng suất thấp. Ta có thể kể các loại lúa rẩy, lúa lốc trồng trên đất bãi cao ven sông, các gò đồi.
-hệ sinh thái vùng đất thấp nước trời (rainfed lowland ecosystem) trong đó có lúa nước (wetland rice). Tổ tiên ta trồng lúa nước đầu tiên và còn lợi dụng nước sông được nâng lên với thuỷ triều ở các vùng duyên hải ven biển để tưới ruộng Dần dà, lúa nước đã được đưa dần từ ruộng nước lên ruộng cạn. Lúa nước là loại trồng trên các đất có chân nước trong ruộng và chiếm nhiều diện tích.
Vào mùa mưa, nông dân tận dụng nước trời để trồng lúa: đó là lúa mùa với nhiều giống sớm, muộn khác nhau tùy theo mực nước trong ruộng:
Ra đi mẹ có dặn dò
Ruộng sâu thì cấy, ruộng gò thì gieo
Trong khi ruộng gò thì gieo vãi lúa vì không có nước trong ruộng thì ruộng sâu phải cấy mạ . Lúa mùa thường cấy tháng 5, và gặt tháng 11, tức tháng mười âm lịch, đúng như bài ca dao:
Bao giờ cho đến tháng mười
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta
Gặt hái ta đem về nhà
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công
Vài giống lúa thơm đặc sản như lúa Tám xoan, nếp cái hoa vàng ở miền bắc, lúa Nàng Hương, Nàng Thơm Chợ Đào trong Nam. Một loại canh tác lúa nước trời đặc biệt là lúa nổi (deep water rice): lúa nổi trồng tại các vùng có nước ngập sâu đến 3-4 mét như Châu Đốc, Long Xuyên thường bị lụt sâu; lúa nổi có thân cao và tăng trưởng theo mực nước lên; lúa nổi được sạ vào tháng 5. Sau vụ lúa nổi gặt vào tháng 12, nông dân tận dụng nước ẩm còn trong ruộng lúa để làm thêm hoa màu phụ.
-hệ sinh thái nước tưới (irrigated ecosystem). Với nhiều công trình thuỷ lợi như máy bơm, đập nước, kinh mương, guồng xe để đưa nước lên ruộng v.v. nên nhiều vùng có nước tưới để trồng lúa vào mùa nắng như lúa Đông Xuân trong Nam, lúa tháng 8 ở miền Trung, lúa chiêm ở miền Bắc ( gọi như vậy vì giống lúa này du nhập từ Chiêm Thành); lúa này cấy tháng 12, thu hoạch tháng 5. Sau khi cấy xong lúa chiêm thì tháng giêng, tháng hai lúa chiêm vẫn chưa gặt nên nhàn rỗi đúng như ca dao :
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè ..
Vì chủ động được nước tưới nên nông dân trồng các giống lúa cải thiện, thấp dàn, phản ứng với phân bón nên năng xuất lúa ở hệ sinh thái này cao hơn lúa trồng vào mùa mưa.
Các giống lúa trồng có hai loại chính: đó là lúa tẻ sản xuất ra gạo nấu cơm, bột gạo làm nhiều loại sản phẩm khác nhau như bún, bánh tráng, bánh cuốn… và lúa nếp có hạt gạo dẽo dùng nấu xôi, gói bánh chưng, bánh tét, làm rượu nếp, cơm rượu v.v. .Ca dao cũng dùng lúa tẻ, lúa nếp để giải bày tâm tình trai gái :
Anh thưa với mẹ cùng cha
Nếp mà lộn tẻ, lựa ra hay đừng ?
Đò đưa đến bến đò ngừng
Anh thương em thuở trước, nửa chừng lại thôi !
Cây lúa có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau như khi còn non thì gọi là cây mạ, rồi nhảy bụi, trổ đòng đòng, ra bông kết hạt:
Anh đi lúa chửa chia vè,
Anh về lúa đã đõ hoe đầy đồng
Anh đi em chửa có chồng
Anh về em đã tay bồng tay mang
Ngoài lúa đóng vai trò chủ yếu, còn có các cây có củ (khoai các loại ), cây ăn qủa, các loại rau, cây công nghiệp (mía, chè ..).
Quê ta mát đất phù sa,
Trồng rau, rau tốt, trồng cà cà sai
Quê ta lắm bắp nhiều khoai,
Đồng trong chắc lúa, bãi ngoài xanh dâu
Dâu xanh, xanh ngắt một màu,
Xóm làng đan né, rủ nhau chăn tằm
Ruộng vườn, ta bón ta chăm,
Cho dâu đầy lá, cho tằm thêm tơ
Bắp nguồn gốc Trung Mỹ du nhập vào Á Châu cũng là một cây lương thực chủ yếu. Lúa miến hay bo bo, hình thái như cây bắp, cây kê và có nhiều loại như bo bo hạt (Sorghum dura, S. subglabrum), bo bo chăn nuôi ( Sorghum vulgare), bo bo đường, cây cao, thân to, nhiều nước ngọt (Sorghum dochna var. sacchararum), bo bo chổi, dùng làm chổi (Sorghum vulgare, var. sudanense).
Ngoài lúa, còn có các loài ngủ cốc khác như kê (millet), lúa mạch đen (rye, tiếng Pháp là seigle), lúa đại mạch (barley, tiếng Pháp là orge), yến mạch (oat, tiếng Pháp là avoine).
Trong bừa cơm còn có rau các loại mà về phương diện phân loại thực vật, rau có thể là rau lá ( leaf vegetable crops), rau trái (fruit vegetable crops), rau củ (root vegetable crops)
Đi đâu mà chẳng biết ta,
Ta ở kẻ Láng vốn nhà trồng rau
Rau thơm, rau húng, rau mùi
Thìa là, cải cúc, đủ mùi hành hoa
Mồng tơi, mướp đắng, ớt, cà
Bí đao, đậu ván, vốn nhà trồng nên
Rau lá như rau muống (Ipomea aquatica), rau dền, rau mồng tơi, rau đay, rau diếp (tên khác : rau xà lách) Lactuca sativa với nhiều giống (xà lách cuốn, xà lách giòn, rau xà lách xoăn ăn hơi đắng), cải bẹ (Brassica campestris),cải thìa (Brassica sinensis), cải bắp còn có tên bắp cải, bắp su (Brassica oleracea), cải tần ô (Chrysanthemum coronarium, còn gọi cải cúc).. Mồng tơi (Basella rubra) vì là dây leo nên trồng trên hàng rào, quanh nhà :
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau một giậu mồng tơi xanh rờn
(thơ Nguyễn Bính)
Rau-trái : Trong suy nghĩ thông thường thì trái thường ngọt, ăn tráng miệng còn rau dùng trong bữa ăn nhưng về phương diện thực vật, trái là kết quả sự thụ phấn và trong trái có hột: trái cà chua Lycopersicon esculentum, trái ớt Capsicum annuum, trái dưa leo Cucumis sativus; dưa melon Cucumis melo (melon-concombre); Courgette Zucchini squash Cucurbita pepo; trái dưa hấu Citrullus lanatus; trái đậu bắp Abelmoschus esculentus; trái bí đỏ Courge poivrée Cucurbita pepo hoặc bí rợ Cucurbita maxima trồng ăn quả, ăn ngọn non, lấy hạt rang ăn.
Cà Solanum melongena, cũng là một loại rau-trái :
Bồng em đi dạo vườn cà
Trái non bỏ mắm, trái già làm dưa
Làm dưa ba bữa dưa chua
Để dành ăn cấy, khỏi mua tốn tiền
Mướp có nhiều loại như mướp huơng (Luffa acutangula), mướp đắng (Momordica charantia), mướp ta (Luffa cylindrica) khi non để ăn, khi già cho xơ rửa bát. Bầu (Lagenaria vulgaris) trồng quanh vườn nhà, thả trên dàn leo ăn quả lúc còn non. Bí có thể là bí đao (Benincasa cerifera), trồng lấy quả ăn và làm mứt.
Trong bài thơ ‘Bạn đến chơi nhà’ của Nguyễn Khuyến có mô tả sơ qua về quang cảnh một khu vườn nhà miền Bắc như sau :
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra hoa, cà chửa nụ
Bàu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Cà và rau muống thông dụng nhất là tại miền Bắc và đã gặp trong ca dao:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Rau củ ( root vegetable crops) như củ cà rốt, củ cải, củ ra đi, su hào, khoai tây,v.v.
Ngoài ngũ cốc, trong bữa cơm chay phải có đậu mà ta có thể kể : đậu nành tức đậu tương Glycine max ( họ Fabaceae), chứa nhiều protein, có thể biến chế ra đậu hủ, chao, xì dầu; đậu cowpea Vigna unguiculata họ Fabaceae; đậu đen (Vigna cylindrica), thường sử dụng nấu chè, dễ tiêu, giải nhiệt; đậu Hà lan (Pisum sativum) quả non và hạt dùng để ăn, đậu ngự ( Phaseolus lunatus), đậu ván (Dolichos lablab), đậu xanh green gram còn gọi là Mung bean ( Phaseolus aureus), dùng làm giá trong chopsuey, đậu lùn haricot nain (Phaseolus vulgaris).. Vài vùng có đậu triều (Cajanus indicus ). Trong Nam có trồng đậu bắp (Hibiscus esculentus) nhưng họ Malvaceae, không phải họ Papilionaceae như các loại đậu kia.
Ngoài ngủ cốc và các loại rau, phải kể khoai các loại: khoai lang (Ipomea batatas), khoai mì (Manihot esculenta), khoai sọ (Colocasia antiquorum) có tên khác là khoai môn, củ dùng làm thức ăn, cuống (dọc) có thể muối dưa, khoai nưa (Amorphophallus rivieri) cũng cùng họ Ráy (Araceae) như khoai sọ, có củ ăn hơi ngứa, khoai nước (Colocasia esculenta), còn gọi là môn nước, củ và cuống đều ăn được, khoai từ (Dioscorea esculenta) trồng phổ biến nhiều làng mạc.
Nấu ăn thì phải có dầu ăn, trích từ hạt thực vật: có thể có dầu Canola (một loại colza Brassica napus var oleifera); dầu bắp, dầu từ cây dầu dừa (palmier à huile), dầu đậu nành, dầu oliu, dầu mè ..
Trong bữa cơm cũng phải có gia vị như gừng (Zingiber officinale), ớt (Capsicum annuum), tiêu (Piper nigrum), hành, tỏi, sả, ngò, húng quế, rau răm Polygonum odoratum, rau diếp cá, rau thơm tức húng Láng (Mentha aquatica) thì cũng là từ thực vật nữa.
-Ai ơi chua ngọt đã từng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau
-Ớt nào là ớt chẳng cay
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng
-Ăn tiêu nhớ tỏi bùi ngùi
Ngồi bên đám hẹ nhớ mùi rau răm
Hỡi người quân tử trăm năm
Quay tơ có nhớ mối tằm hay không ?
Đó là các thực vật dùng làm gia vị (plantes condimentaires)
Như vậy, nếu Phật tử ăn chay thì không sợ bệnh bò điên, có tên khác là bệnh Creutzfeldt-Jakob, bệnh lây lan khi ăn thịt bò nhiễm bệnh. Ăn chay cũng không sợ bệnh cúm gà. Ăn chay thì không sợ chất béo, chất mỡ cholesterol. Ăn nhiều rau quả có thể ngăn ngừa sự phát triển của chứng xơ cứng động mach, giảm nguy cơ bệnh tim mạch (nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrition). Rau quả còn chứa nhiều chất chống oxyt hoá bioflavonoids, pectin, carotenoid, beta carotene, lycopene vv giúp cho sức khoẻ con người . Thực vậy, trong sự biến dưỡng thức ăn, cơ thể tạo ra những chất phế thải gọi là ‘gốc tự do’(radical libre). Chính các gốc lơ lửng này mới tấn công vào chất DNA của tế bào, tạo ra ung thư. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày nay cùng với sự tăng gia stress làm tăng thêm gốc tự do. Mà các loại rau đậu chính là những chất chống oxyt hoá (antioxidants), làm giảm bớt các gốc tự do.
Với dân số trên thế giới đông đúc như ngày nay, đặc biệt tại các nước chậm tiến, việc ăn chay giúp giảm sức ép lên đất trồng trọt vì quỹ đất đai, thay vì sử dụng làm đồng cỏ chăn nuôi, thì có thể dùng trồng cây lương thực..
Trong đời đức Phật, ta thường gặp các loài thực vật sau đây :
-cây sen. Chiếm một vị trí trung tâm trong Phật giáo. Theo Ấn Giáo, cây sen là cái nôi của vũ trụ và Brahma đã sinh ra giữa hoa sen và cùng hoa biến các cánh hoa thành đồi, thung lũng và sông ngòi. Hoa sen cũng tượng trưng cho tinh khiết, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn .Nói đến Phật giáo là nói ngay đến hoa sen vì hoa sen là hoa biểu trưng cho Phật giáo. Hoa sen thường ở trong các hệ sinh thái đầm ao, vùng trũng chứa nhiều chất bùn sình hôi hám vì chứa nhiều khí sulfua (H2S). Tuy mọc trong bùn nhưng cây sen cố gắng vượt lên khỏi chốn hôi hám, tượng trưng cho phiền não để tiến lên khỏi mặt nước, nhô lên, toả lá rộng để hấp thụ khí trời, toả bông thơm tượng trưng cho giải thoát .Mộc mạc, đằm thắm, kín đáo. Trời nắng bẻ lá sen làm nón, trời mưa lá sen che đầu , lá sen bới cơm ra đồng ăn.
Rủ nhau ra tắm hồ sen
Nước trong bóng mát, hương chen cạnh mình
Cứ chi vườn ngọc, ao quỳnh
Thôn quê vẫn thú hữu tình xưa nay
hoặc như trong câu hát quan họ của cô thôn nữ Bắc Ninh người ơi, người ở đừng về :
Đêm qua tát nước í..a đầu đình Bỏ quên chiếc áo í a .. trên cành hoa sen ..là cành hoa sen
Trong vài bài kệ, ta bắt gặp hoa sen :
Nguyện sanh Tây phương cõi Tịnh độ Mẹ cha là chin phẩm sen lành Hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh Độ khắp tất cả loài hàm thức
Tây phương là cõi Cực lạc thanh tịnh. Vô sanh có nghĩa không còn phải tái sinh trong cõi Luân hồi sống-chết nữa . Hàm thức có nghĩa các chúng sanh có tiềm tàng, có sẵn ý thức để hiểu biết.
-Cây sa la : Theo tục truyền, mẹ đức Phật, hoàng hậu Mahamaya (Ma ha mada) vào năm 563 trước Công Nguyên, trên đường rời Kapilavatthu tức Ca Ti La Vệ về quê, dọc đường sinh ngài ở Lumbini tức Lâm Tì Ni với chim hót, rừng rú thiên nhiên có nhiều cây Shorea (cây sa la). Vào cuối đời ở Kusinagara (Câu thi na), ngài cũng nằm trong võng mắc trên hai cây Shorea. Trong kinh Pháp Cú, phẩm Tự ngã, có bài kệ sau đây cũng có nhắc đến cây Shorea :
Dây bìm leo bám cây ta-la Quấn quá chặt khiến cây khô héo Người phá giới nặng nề chỉ khéo Chuốc hoạ cho mình, như kẻ thù mong
Trần Trọng San cũng dịch ra như sau:
Người mà không giữ giới răn Như dây leo nọ lan tràn nảy sinh Nếu ai buông thả dục tình, Ngày ngày nết ác tăng nhanh thêm nhiều
Cây trúc, cây tre cũng thường gặp trong kinh Phật. Người ta thường nhắc đến vườn Trúc Lâm, tên tu viện tiếng Pali Veluvana (vana : rừng). Nirvana ta gọi là Niết Bàn có chữ vana trong đó Nirvana có nghĩa đen là ra khỏi rừng, theo nghĩa bóng là thoát khỏi chốn trầm luân, phiền não, ra khỏi rừng vô minh. Tịnh xá Trúc Lâm ở ngoài thành Vương xá, trong rừng tre, nơi đức Phật thường cư ngụ và thuyết pháp. Phật Thích Ca truyền đạo cho các đệ tử đầu tiên ở Trúc Lâm hoặc rừng trúc. Gần thành Vương xá ( tiếng Pali là Rajagaha)., có một ngọn núi hình con chim ưng, gọi là núi Linh thứu (sommet du Vautour). Cây trúc, cây tre còn tượng trưng cho người quân tử: mềm mại mà cứng rắn, uyển chuyển nhưng gan lì.
-Cây bồ đề Ficus religiosa còn gọi là cây pipal, pippala, Âu Mỹ dịch ra là Bodhi tree cũng là một cây khác liên hệ đến đời đức Phật . Thái tử Siddhattha (Tất đạt đa) khi quyết định bỏ cảnh phồn hoa phú quý đã vào rừng tu với nhiều năm khổ hạnh . Sau nhiều năm khổ hạnh, ngài rời bỏ Uruvilva (U lâu tần hoa) xuống tắm trong dòng sông, nhờ sữa do một cô thôn nữ cho uống lại sức rồi lại ngồi dưới gốc cây pipal lớn để tập trung suy ngẫm. Nơi này cách thị trấn Gaya 8 cây số ở tiểu bang Bihar, Đông Bắc Ấn độ ngày nay . Tương truyền ngài ngồi thiền 49 ngày đêm chứng ngộ được chánh pháp, hiểu ra quy luật của đời người, thấy nỗi khổ của kiếp nhân sinh. Sau đó, Ngài đi tìm 5 người bạn cùng tu khổ hạnh trước đây để giác ngộ cho họ và cùng đi truyền bá các tư tưởng siêu việt của ngài khắp lưu vực sông Hằng. Từ đó, người đời gọi ngài là Buddha, phiên âm tiếng Việt là Bụt .Còn cây pipal mà Ngài đã ngồi thiền định gọi là cây bodhi , tiếng Việt phiên âm là cây bồ đề . Và thị trấn Gaya mang tên Both Gaya (Bồ đề đạo tràng) .
-cây xoài Mangifera indica L, h? Anacardiaceae,cũng rải rác trong nhiều kinh Phật. Vườn xoài ở ngoài thành Vương xá, được y sĩ Kỳ- bà dâng cúng cho Tăng đoàn để cất tịnh xá.
-Cây keo (Acacia) cũng thường gặp trong các rừng cây Ấn độ ngày nay .
-Cây ưu đàm (cây udumbara) t?c Ficus glomerata;
-Cây sanh tức Ficus indica ;
Làng mạc Việt Nam quanh chùa thường có cây đa, cây đề là cây cổ thụ, được nhắc nhở trong các bài hát:
Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh .Có sông sâu lờ lững vờn quanh
Cây đa cổ thụ quanh chùa có tính cách biểu tượng vì theo quan niệm người Việt, đó là nơi nghỉ chân người qua đường cũng như nơi trú ngụ của những linh hồn .
Quanh chùa ở động Hương tích có nhiều cây mơ (abricotier) mọc trên núi đá vôi và đã được bất hủ hoá qua một bài thơ thời tiền chiến:
Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ
Ngoài cây mơ cũng có cây dương ( peuplier) :
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương
Trong bài Văn tế thập loại chúng sinh với màu sắc Phật giáo của thi bá Nguyễn Du cũng có nêu cây dương, nhưng không phải cây dương peuplier mà cây bạch dương tức bouleau blanc, tiếng Anh là birch có tên khoa học là Betula platyphylla, thân mộc, có vỏ trắng, rụng lá vào đông, thuộc họ Hoa Mộc (Betulaceae) và cây đường lê, một cây cao trung bình, tên khoa học là Pyrus betulaefolia , họ Rosaceae :
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi-sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay bấy chiều thu!
Ngàn lau khảm bạc, giếng ngô rụng vàng…
Đường bạch-dương bóng chiều man-mác
Ngọn đường lê lác-đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm!
Phật giáo và đa dạng sinh học
Trong ngũ giới của Phật giáo, có điều khoản cấm sát sanh . Như vậy cũng có nghĩa là không săn bắn hoang thú. Điều này cũng có nghĩa là phải bảo tồn rừng rú vì nếu không có rừng thì loài thú hoang, chim muông sẽ không nơi trú ẩn .Tục ngữ ta cũng có nói đến hai tội lớn trong môi trường : đó là Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá . Phá sơn lâm thì không còn rừng rú khiến đất đai bị xói mòn, chuồi đất lụt lội . Vô hình chung, đạo Phật qua điều răn trong ngủ giới đã khuyến cáo sự đa dạng sinh học (biodiversity).
Với rừng rú được bảo tồn, sức khoẻ con người được tăng lên vì rừng toả ra oxy qua hiện tượng quang hợp và hút bớt các khí độc do khói nhà máy, khói xe hơi hàng vạn chiếc suốt ngày đêm di chuyển phát ra. Đó là các khí nhà kiếng (green house gas) làm đảo lộn khí hậu trái đất .
Rừng là nguồn gen thực vật. Nhờ quỹ gen đó mà có thể thay đổi hay cải thiện các giống hiện có, bằng cách lai giống, ghép cây, để tạo ra các giống mới thích nghi với môi trường mới, kháng sâu hơn, giúp tăng gia nông phẩm.. Sự đa dạng sinh học là điều kiện cần thiết để có một quỹ gen phong phú. Vì rừng chứa nhiều loại thực vật khác nhau nên đó là một kho gen vĩ đại; muốn tháp gen thì phải có gen nào cần như có cây có gen kháng mặn, kháng bệnh thì đưa gen đó vào loài cây muốn cải thiện. Như vậy rừng là vàng xanh vì rừng chứa một kho gen vĩ đại mà công nghệ sinh học (biotechnology) luôn luôn cần có để nghiên cứu, tìm tòi tạo ra thuốc mới, cây mới, giúp cho nhân loại.
S
ức khỏe không chỉ có nghĩa là phải ‘vai u thịt chắc’ mà sức khỏe tâm linh cũng rất quan trọng. Rừng giúp con người thư giãn, tìm lại sự im lặng, tĩnh mịch:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao .
Triết học Á Đông luôn luôn đề cao sự hài hoà của 3 yếu tố Thiên, Địa và Nhân
Thiên có nghĩa nôm na là ông Trời ..Chữ Trời được nhắc đến mấy chục lần trong các câu Kiều; nó đồng nghĩa với God, với đấng Tối Cao. ‘Trời làm chi cực bấy Trời’; nhạc sĩ cũng nói đến Trời: ‘lạy Trời mưa tuôn, hạt mộng vươn lên’; ‘trời ươm nắng cho mây hồng’..; người nông dân cũng ‘lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống’
Địa có nghĩa là đất với sông, suối, hồ, ao, núi, rừng, cây cỏ, cỏ cây, sa mạc, đất liền, biển cả.
Nhân là người, nhưng cũng bao hàm mọi sinh vật trên trái đất.
Tìm hài hoà và an lạc cho tâm hồn chính là đạt đến sự quân bình sinh thái giữa 3 thành tố trên. Ngày nay, nhiều vấn nạn tâm linh thường xảy ra vì con người thấy hụt hẳng trong sự tương quan giữa người với thiên nhiên.
3. Kết luận.
Thực vật học có nhiều chuyên ngành : nấm học (mycology), phân loại thực vật (plant taxonomy), sinh thái thực vật (plant ecology), ẩn hoa học (cryptogamy) v.v. nhưng bài tham luận này liên hệ đến một chuyên ngành khác của thực vật học : đó là thực vật các tộc người (ethnobotany). Đây là một chuyên ngành liên hệ đến thực vật và đời sống con người. Nói đến con người là phải đề cập đến môi trường văn học với thi văn, môi trường nghệ thuật với lời ca, câu hát, môi trường tâm linh với thờ phượng, cầu nguyện v.v…
Bài tham luận này chứng tỏ thực vật có chỗ đứng riêng trang trọng trong văn hoá Phật giáo, từ làng Thiền, tu viện Thiền xa đô thành khói bụi cho đến những chùa chiền luôn luôn có thực vật thân thương bao quanh. Nhờ khung cảnh tịch mịch, tâm linh con người dễ thăng hoa, chánh niệm trong mỗi phút giây dễ dàng hơn, các phiền não dễ bị kết tuả, trầm tích lại, nhìn lại sự vô thường của Tạo hoá để tìm và nhập vào tư tưởng của cái Chân Như.
Thái Công Tụng