Thể chế có phải là tất cả?
Thể chế đã trở thành khái niệm thời thượng khi hai tác giả James Robinson và Daron Acemoglu viết nguyên cuốn “Vì sao nước thịnh nước suy” để gán cho thể chế vai trò quyết định trong việc một nước sẽ phát triển mạnh mẽ hay đi dần vào chỗ lụi tàn (Đọc thêm bài “Thể chế là gì?”).
Nói ngắn gọn, các tác giả cho rằng nước nào có thể chế dung nạp, tức luôn tạo ra cơ hội để xã hội có thể chung sức xây dựng kinh tế, tôn trọng sự sáng tạo để khích lệ mọi nguồn lực thì nước đó sẽ giàu lên. Ngược lại, nước nào có thể chế loại trừ, mọi chính sách chỉ nhằm khai thác chứ không phải phục vụ con người, quyền lực xã hội chỉ nằm trong tay một số người thì nước đó trước sau gì cũng nghèo đi.
Điều này có thể đúng nhưng thực tế sự thịnh suy của một đất nước còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Nhiều nhà phê bình đã chỉ ra vị trí địa lý, thời tiết và văn hóa còn là những yếu tố quyết định sự giàu nghèo của cả một vùng rộng lớn chứ không chỉ thể chế.
Bill Gates là người ít khi chê sách nhưng lại chê cuốn “Vì sao nước thịnh nước suy” khá mạnh. Ông cho rằng phân tích của hai tác giả là mơ hồ và đơn giản quá bởi ngoài quan điểm về thể chế chính trị và kinh tế “dung nạp” so với “loại trừ”, họ bỏ qua tất cả các yếu tố khác. Gates cũng cho rằng khái niệm thể chế dung nạp và thể chế loại trừ không được định nghĩa rõ ràng, cũng như không có phần nào giải thích một nước phải làm gì để có thể chế dung nạp nhiều hơn!
Gates cũng dùng những ví dụ từ thời xưa (nền văn minh Maya) đến những ví dụ gần đây như cuộc đại khủng hoảng, sự trì trệ của nền kinh tế Nhật Bản, hay toàn bộ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008 đến nay để nói rằng, không lẽ tất cả đều do thiếu “thể chế dung nạp”?
Đáng chú ý là trong bài viết phê bình sách ngắn này, Bill Gates đã đưa ra lý thuyết tăng trưởng mà ông nghĩ là hiển nhiên: khi một nước tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện giáo dục và dùng quy luật giá cả thị trường để xác định cách phân bổ nguồn lực tối ưu thì đất nước đó sẽ tăng trưởng mạnh. Ông cho rằng lý thuyết này rõ ràng, phân minh hơn cái lý thuyết thể chế dung nạp, thể chế loại trừ và đúng với thực tế lịch sử nhiều hơn.
Francis Fukuyama là nhân vật nổi tiếng khác phê phán cuốn “Vì sao nước thịnh nước suy” nhưng trước tiên ông lại ủng hộ tác giả ở một số luận điểm. Đó là thể chế rất quan trọng cho phát triển kinh tế và thể chế có xu hướng giữ nguyên hiện trạng vì các nhóm lợi ích muốn giữ nguyên như thế để tiếp tục hưởng lợi thế. Đó là nếu thể chế đóng vai trò như thế thì viện trợ phát triển hầu như chẳng có tác dụng gì nhiều – tiền viện trợ phát triển có thể làm hại thể chế vì nó làm suy giảm tính chịu trách nhiệm giải trình, đem lại sự tự mãn ngắn hạn.
Thế nhưng cũng như Bill Gates, Fukuyama cho rằng hai tác giả đã không xác định rõ thể chế dung nạp là gì, thể chế loại trừ là gì ngoại trừ những khái quát hóa quá chung chung. Cách của tác giả là dán nhãn dung nạp hay loại trừ cho những thể chế khi chúng thành công hay thất bại, bất kể thực chất có sự mâu thuẫn. Ví dụ dung nạp hàm ý dân chủ trong bỏ phiếu nhưng có những xã hội như nước Anh thế kỷ 17 khi chưa đầy 10% dân số có quyền bỏ phiếu vẫn được xem là có thể chế dung nạp. Hay khái niệm loại trừ lúc thì mang nghĩa “khai thác” như thời kỳ chiếm hữu nô lệ hay khai thác cạn kiệt tài nguyên, lúc mang nghĩa độc tài, độc quyền, độc đoán, không có sự tham gia rộng rãi của người dân.
Với sự mơ hồ như thế, tính hữu dụng của việc nhấn mạnh vào thể chế như yếu tố quyết định sự hưng thịnh của một đất nước không còn mang tính thuyết phục cao. Như Ấn Độ so với Trung Quốc, do quá “dung nạp” nên các dự án cơ sở hạ tầng lớn không bao giờ khởi công được vì kiện tụng, phản đối, tranh cãi liên miên.
Với hai bài viết phê bình này, James Robinson và Daron Acemoglu đều có bài trả lời khá quyết liệt nhưng lập luận chỉ rơi vào tranh luận các điểm cụ thể, không thuyết phục bằng.
Ở đây xin phép dùng lại kết luận của bài “Thể chế là gì?” bởi nó phù hợp nhất: “Dung nạp hay loại trừ - cũng thật khó mà dán nhãn cho những quy tắc, luật lệ, tập quán làm nên thể chế. Nhưng hình ảnh xắn tay áo lên cùng nhau làm chính là hình ảnh xã hội nào cũng muốn hướng đến, bằng không giỏi lắm là thái độ kẻ bề trên ban ơn cho người nghèo, người thất thế trong xã hội nếu không phải là lối sống ngồi trên đầu trên cổ kẻ khác. Muốn cùng nhau làm, phải có dân chủ; muốn loại trừ việc áp chế người khác bằng quyền lực hay tiền bạc, phải có pháp quyền. Đó là nguyên lý đơn giản”.
Nguyễn Vạn Phú