Wednesday, January 15, 2014

R.I.P Hà Thanh



Lễ Tưởng Niệm Nữ Danh Ca Hà Thanh
tại Boston 12-1-2014
 
Vừa mở cửa bước vào chùa đã nghe giọng ca của chị Hà Thanh. Giọng ca quen thuộc đó vang lên trong chánh điện chùa Phật Giáo Việt Nam ở Roselindale, Massachusetts, mỗi chủ nhật, ngày vía, ngày đại lễ suốt 20 năm qua. Nếu không có hai vòng hoa và tấm ảnh chị trên bàn thờ đơn giản và trang nghiêm thật khó tin rằng chị đã đi xa và buổi lễ hôm nay là Lễ Tưởng Niệm Ca Sĩ Hà Thanh.

Vào những ngày như thế, trong khi chờ đợi lễ bắt đầu, đồng bào Phật Tử thường được nghe chị Hà Thanh hát những bài đạo ca từ giàn máy của chùa. Nếu không phải Thăm lại chùa xưa thì là Tâm sự những người cài hoa trắng. Nếu không phải Nhành dương cứu khổ thì cũng Từ Đàm quê hương tôi hay những bài đạo ca tương tự. Và hôm nay cũng không khác mọi ngày. Vẫn giọng ca ngọt ngào như giòng suối, vẫn không khí đầy ắp đạo tình, vẫn bóng dáng chiếc áo dài lam chị thường mặc. Tất cả như vẫn còn đâu đây, nhưng chị đã đi xa.
 
Chị Hà Thanh từ giã thế gian lúc 7:30 tối ngày 1 tháng 1, 2014. Chị bị ung thư máu nhưng theo tin tức từ gia đình chị không bị đau đớn gì ngoại trừ khi tỉnh khi mê trong ngày cuối cùng. Tang lễ của chị được thực hiện một cách riêng tư theo ý nguyện của chị nhưng lễ cầu siêu và tưởng niệm chị mở rộng cho đại chúng được tổ chức tại chùa Việt Nam sáng 12 tháng 1, 2014.

 Hòa thượng Thích Nguyên Hạnh bắt đầu buổi lễ bằng lời an ủi Kim Huyên và gia đình đừng buồn khổ trước sự ra đi của chị Hà Thanh. Không có mất mát nào lớn lao hơn là mất đi một người mẹ với “chín tháng cưu mang”, “ba năm nhũ bộ”, “bên ráo con ngủ bên ướt mẹ nằm”, vâng, nhưng vạn vật vốn vô thường. Có sinh sẽ có diệt. Con người được sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng bằng vật chất và một ngày sẽ tàn rụi như mọi vật chất trên thế gian này. Từ cỏ cây, hoa lá cho đến con người đều không thoát ra khỏi sinh, trụ, dị, diệt.

Ai cũng đến cuộc đời bằng tiếng khóc nhưng mỗi người có một cách để ra đi. Điểm khác nhau đó chính là sự tu tập, cách sống, giải trừ vô minh phiền não, lấy lòng từ bi làm gốc cho đời sống của mình. Chị Hà Thanh đã sống trọn vẹn với đại từ bi tâm đó và hôm nay chị đang ra đi trong thảnh thơi, nhẹ nhàng.

 Mặc dù khá nhiều vị phát biểu nhưng chương trình không vì thế trở thành nặng nề. Hòa thượng Viện chủ Trung tâm Phật Giáo Việt Nam tại Houston Thích Nguyên Hạnh nhắc lại những nhân duyên giữa thầy và chị Hà Thanh. Không một lần nào thầy ghé chùa mà thiếu vắng chị đến vấn an. Một lần nữa Hòa thượng tán dương tâm từ bi sâu rộng của Phật tử Tâm Tú Trần Thị Lục Hà. Không một công việc nào mang lợi lạc cho người khác mà thiếu vắng chị dù nhiều khi phải đến tận các nơi xa.

 Chị Phương Thảo, em gái của chị Hà Thanh đọc tiểu sử của chị Hà Thanh. Phần lớn chi tiết về cuộc đời của nữ ca sĩ tài danh trong âm nhạc Việt Nam đã được các nhà văn viết và báo chí đăng tải ngoại trừ một vài chi tiết nhỏ như việc chị bắt đầu hành trình ca hát ở tuổi 16, năm 1953, với nhạc phẩm Dòng Sông Xanh chứ không phải 1955 như vài nguồn tin và chị sinh ra trong một trang trại gia đình ở chân núi Trường Sơn.

Đại Đức Thích Chánh Trí, Hội trưởng Hội Phật Giáo chùa Việt Nam nhắc đến chị Hà Thanh như một Phật tử gương mẫu gắn bó với chùa hơn 20 năm “Đạo hữu, dù nỗi tiếng hơn người, nhưng vẫn luôn luôn khiêm tốn, hiền hòa, vui vẻ. Tâm thành kính Phật, trọng Tăng luôn thể hiện trên đôi tay và ánh mắt”.

 Ông bà Bác sĩ Trần Đoàn đến từ Virginia chia sẻ cảm tưởng và đặc biệt bà Trần Đoàn đã hát tặng chị Hà Thanh một khúc đạo ca thật cảm động.

Ca sĩ Hoàng Vân, một trong những ca sĩ kỳ cựu của vùng New England và là một người em văn nghệ của chị Hà Thanh, nhắc lại những kỷ niệm trong những lần hai chị em đi hát thiện nguyện cho các chùa, các buổi gây quỹ từ Philadelphia sang Toronto rồi Montreal. Anh nói “Mới mùa Vu Lan năm nào, cũng ở tại chánh điện ngôi chùa này, hai chị em đã cùng song ca nhạc phẩm Bông Hồng Cài Áo và Tâm Sự Người Cài Hoa Trắng vậy mà hôm nay chị đă vĩnh viễn ra đi. Tết năm nay và mãi mãi về sau, chùa sẽ vắng hẳn tiếng ca thánh thót quen thuộc, nụ cười tươi tắn, và lời chào hỏi thân tình của chị”.

 Giáo sư Tạ Văn Tài, em rễ chị Hà Thanh, thay mặt Đại Gia Đình đọc lời Từ biệt ca sĩ Hà Thanh “Chị Hà biết không? Một cư sĩ trí thức Phật giáo tại Âu châu, mà gia đình nhờ tìm email của chùa Từ Đàm, Huế, để gia đình gửi lời cảm ơn về lễ cầu siêu đã tổ chức cho chị ở bên đó, nghe chuyện kể là lúc còn nhỏ, vào lúc thăm Thày Thích Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân , thầy tụng kinh, con rùa nhỏ ở hang đá núi non bộ chui ra, chị Hà cúi xuống hát cho nó nghe, và nó đi gần ra thêm mà nhìn và nghe chị, thì cư sĩ đó nói là “con rùa là fan của chị đấy, cũng như Thày Trụ Trì Chùa Từ Đàm hiện nay, tức Thày Haỉ Ấn, đã làm lễ cho chị, cũng là fan của chị“.

Hôm 12 tháng 1, thầy Hải Ấn đã trang trọng tổ chức lễ cầu siêu và tưởng nhớ chị Hà Thanh tại chùa Từ Đàm, Huế và trước đó một ngày tại chùa Già Lam, Sài Gòn, lễ cầu siêu cho hương linh chị cũng được trang nghiêm tổ chức.

Chị Nguyên Tịnh Nguyễn Thị Bích thay mặt chùa và tang gia để cám ơn chư tôn đức tăng, ni đã quang lâm về chùa chứng minh cho buổi lễ và cám ơn đến các tôn giáo bạn, các tổ chức, đoàn thể trong cộng đồng, các văn nghệ sĩ, các cơ quan truyền thông báo chí, thân hữu xa gần đã tham dự hay gởi lời chia buồn đến gia đình.

Nhìn mấy trăm đồng hương gồm đại diện cộng đồng, đoàn thể, văn nghệ sĩ và thân hữu, cùng vân tập về chùa để tưởng nhớ chị Hà Thanh trong ngày đông giá rét đủ để thấy tình cảm đồng hương dành cho chị sâu đậm đến dường nào.

Nhiều đồng hương phải đứng dọc hành lang và ngay cả ngoài hiên rét mướt. Nhiều thân hữu ở rất xa không đến được đã gởi email, gọi điện thoại. Những bài viết của các nhà văn, ca sĩ, nhạc sĩ được phổ biến trên các diễn đàn, trong facebook, trong các mạng internet khắp thế giới. Chùa khá nhỏ nhưng lòng người rất rộng. Nhiều đồng hương tuy không phải là Phật Tử đã ngồi im lặng cúi đầu lắng nghe suốt gần hai tiếng đồng hồ. Bởi vì, tất cả đều có cùng một niềm tin như chị Hà Thanh, niềm tin vào giá trị Chân Thiện Mỹ.

Dù là “Phước cho người đầy lòng thương, vì sẽ được thương xót” trong bài giảng theo Phúc âm Matthew của Chúa Jesus hay “Từ Bi gieo cùng khắp, cả thế gian khổ hải” trong Kinh Từ Bi từ bộ Sutta Nipata của Phật Thích Ca Mâu Ni đều nhắc nhở con người phải sống trong tinh thần hướng thiện và gieo rắc hạt giống từ bi bác ái trong mỗi bước mình đi. Đời là cõi tạm. Ai cũng biết điều đó nhưng biết và sống nhiều khi là hai chuyện khác nhau. Chị Hà Thanh biết và đã sống một cách hợp nhất bằng hạnh nguyện giúp người và cứu đời.

Giọng chị Hà Thanh êm như tơ, nhẹ nhàng như suối. Dường như tất cả văn nghệ sĩ và phê bình âm nhạc đều nhận xét giống nhau như thế. Vâng, nhưng trong lịch sử âm nhạc nhiều tiếng hát có thể êm ái hơn, nhẹ nhàng hơn đã chìm vào quên lãng, không còn ai nhắc nhở. Chị Hà Thanh thì khác. Chị sẽ còn mãi mãi, bởi vì chị không chỉ để lại cho đời một tiếng hát mà còn là cách sống giản dị, thanh bạch, đạo hạnh, từ bi.

Chị không cô độc như một số người nhận xét. Chị không tìm quên những oan trái của cuộc đời trong câu kinh tiếng kệ như vài người lầm tưởng. Từ khi còn là một oanh vũ trong Gia đình Phật tử Hương Từ, Huế, thọ ngũ giới ở Tổ Đình Tường Vân và được Đức Tăng Thống ban pháp danh Tâm Tú cho đến đầu năm nay, chị Hà Thanh sống trên 70 năm tích cực trong tinh thần Phật Giáo.

Chị không hát vì nhu cầu cơm áo hay hát để tồn tại trong một hoàn cảnh khắt khe, cay nghiệt. Cuốn băng duy nhất được thu bằng máy cassette và phổ biến một cách kín đáo sau 1975 ở Huế là cuốn băng đạo ca Phật Giáo. Giữa một cố đô chìm trong lửa đỏ hận thù, tiếng hát của chị như những giọt nước tình thương nhỏ xuống vết thương đau nhức mà cả dân tộc Việt Nam đang chịu đựng. Nhiều năm dài chị im lặng và im lặng là một cách nói, một thái độ, một chọn lựa mà không phải ai cũng có thể làm được. Thật từ bi và vô úy biết bao nhiêu !.
 
Từ những nhạc phẩm hát về người lính VNCH như Phiên gát đêm xuân, Một chuyến bay đêm cho đến những bài tình ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông hay đạo ca sâu sắc tính thiền như Chân nguyên, Sám hối, chị đều hát bằng trái tim rung cảm chân thành. Tuy nhiên, có một bài hát mà khi giọng chị cất lên tất cả Phật tử đều chắp tay hướng về Tam Bảo, đó là bài Trầm Hương Đốt.

Trầm hương đốt xông ngát mười phương.
Nguyện nguyện kính Đức Nghiêm từ vô lượng
Cầu cầu xin chứng tâm thành chúng con
Vần vần khói kết mây lành cúng dường
Đạo nhiệm mầu đã lan truyền nơi cùng nơi
Nhờ chân lý chúng sanh đều thoát luân hồi…

 Thật vậy, nhờ quá trình tu tập, chị đã tạo được một nhân duyên hằng cữu theo từng bước chân của Phật Giáo Việt Nam, hôm nay và mãi mãi về sau, ở Việt Nam, ở Mỹ và khắp thế giới. Chủ nhật này các chùa ở Boston, ở Huế, ở Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ và nhiều nơi khác, bài Trầm Hương Đốt của nhạc sĩ Bửu Bác qua giọng ca chị Hà Thanh được xem như là một phần của nghi lễ. Vì bài hát cũng là phần kết thúc buổi lễ Phật Giáo nên khi ra về ai cũng sẽ mang theo âm vọng Hà Thanh và cũng thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thoát. 
 
Sáng hôm nay ở chùa Việt Nam Massachusetts, chị Hà Thanh không còn là ca sĩ Hà Thanh nữa. Chị Hà Thanh đang chèo thuyền trên dòng sông, không phải Dòng Sông Xanh của Johann Strauss II hay sông Hương của Huế thân yêu mà dòng sông trăng Tịnh Độ của cõi Phật Di Đà, và chị cũng không quên đáp lễ mỗi người tham dự buổi tiễn đưa chị bằng một nụ cười an nhiên, khiêm tốn kèm theo lời nhắn gởi, hãy sống bằng hạnh từ bi để rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một nơi từ bi là vĩnh cửu.

 
Trần Trung Đạo
@nguoivietboston