Thursday, January 9, 2014

Trần Văn Bá



Tưởng Niệm năm thứ 29(1985-2014)
ngày Anh hùng Trần Văn Bá(1945-1985) hy sinh vì Tổ Quốc .
*
Nhớ Về Các Kỷ Niệm Với Anh Trần Văn Bá
Nhân Ngày Giỗ 8 Tháng 1


Video SÁNG MÃI TÊN ANH TRẦN VĂN BÁ  -  KHÁNHANH 


Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, những sinh viên Quốc Gia du học tại Ý Đại Lợi đã thành lập một Liên Hội Sinh Viên Quốc Gia toàn nước Ý mà thành phần chủ chốt là Hội Sinh Viên Yêu Nước tại Milan trong đó tôi là một thành viên tích cực. Bởi vì hiểu rõ chủ nghĩa Cộng Sản (CS) từ lúc ở trong nước, sau khi đến du học tại Ý tôi vẫn không bao giờ lung lay với lý tưởng quốc gia và do đó tôi luôn chống lại các tuyên truyền của CS, kể cả CS Ý, một lực lượng rất hùng hậu của Tây Âu lúc bấy giờ.




Tất cả các sinh viên VN du học tại các nước Tây Âu hầu hết đều xuất thân từ Miền Nam, hay đúng ra là do chính phủ VNCH cho đi. Thế mà có nhiều anh “ăn cơm quốc gia thờ ma CS”, một hiện tượng vẫn còn thấy vào lúc nầy trong cộng đồng người Việt. Các cô cậu nầy không hiểu CS là gì, nhất là CSVN. Lớn lên rồi đi học, đa số tại các thành thị miền Nam, họ chưa bao giờ thấy CS hành xử và tráo trở với dân lành Việt Nam đến thế nào. Một lý do khác nữa là giáo dục của gia đình cũng ảnh hưởng đến tư tưởng và thế đứng chính trị cho bản thân mình. Nếu cứ tiếp tục dạy dổ con em chúng ta lo học cho giỏi, kiếm bằng cao chức trọng, làm nhiều tiền, mà quên đi đức dục, ý thức phục vụ tha nhân, cộng đồng và ý thức chính trị của người Việt quốc gia yêu nước, thì không sớm thì muộn các cô cậu sẽ bị lung lay, ru ngủ, và ảnh hưởng bởi tuyên truyền của CS. Có nhiều anh được đi học bổng với tư cách là quốc gia nghĩa tử – nghĩa là cha hay mẹ bị CS sát hại, mà sau nầy chạy theo hoạt động cho tòa đại sứ của CS. Các anh nầy khi bị chúng tôi chỉ trích thì lại quay ra chửi lại cha mẹ mình, cho là cha mẹ tôi theo Mỹ Ngụy thì chết là phải rồi! Nông cạn đến thế thì hết chỗ nói.

Trở lại kỷ niệm của Hội Sinh Viên VN Yêu Nước tại Milan vào những năm sau 75. Khi chúng tôi thành lập Hội SVVN và có kèm theo hai chữ Yêu Nước thì bên phía sinh viên thân Cộng nhảy hoảng lên vì hai chữ yêu nước lâu nay do họ “độc quyền” xử dụng. Lúc đó hội gì có chữ yêu nước là thân cộng, hay ngầm ý là của CS. Chúng tôi muốn chứng tỏ là lúc nầy thì chúng tôi mới là sinh viên yêu nước, các anh chỉ là tay sai của tòa đại sứ, một lối nói mà người sinh viên CS ưa dùng để chụp mũ nhóm sinh viên quốc gia chúng tôi. Họ làm tay sai cho CS mà họ nghĩ là họ yêu nước rồi đi ngược lại chụp mũ mình!

Hội SVVN Yêu Nước tại Milan, cũng như các Hội SV Quốc Gia khác trên toàn nước Ý tập hợp lại và thành lập Liên Hội Sinh Viên QG tại Ý. Ngoài các hoạt động tạo đoàn kết cho khối sinh viên QG, vận động dư luận Ý cho một VN tự do, nhân bản và nhất là đi khắp nước Ý, nơi nào có thể được để giải thích cho dân Ý hiểu rõ tình cảnh mới của VN, chúng tôi còn tổ chức các buổi văn nghệ “đấu tranh” nhân dịp Xuân về cho dân chúng Ý xem.
 

Chúng tôi đã tham gia các đại hội sinh viên QG tại Âu Châu, một lần tổ chức thành công là ở Stuttgard, Tây Đức năm 1977, nếu tôi nhớ không lầm vì nay đã qua 37 năm. Năm đó anh em đến từ Ý của chúng tôi có gặp mặt anh Trần Văn Bá, anh đang hướng dẫn phái đoàn của Tổng Hội SVVN của Paris qua dự.


Sau những giờ nghỉ ngơi và tiếp xúc với anh, anh đã khuyến khích chúng tôi đứng ra tổ chức đại hội sinh viên Việt Nam tại Âu Châu năm 1978. Phái đoàn chúng tôi đồng ý trên nguyên tắc và hứa sẽ về trình bày lại cho anh em tại Ý để quyết định.
 
Trong những giờ rảnh rỗi không bận họp, chúng tôi có dịp tâm sự và trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến thời cuộc với Anh. Anh Trần Văn Bá chinh phục cảm tình của chúng tôi ngay từ buổi ban đầu. Anh có tinh thần quốc gia vững vàng và là một người rất giản dị, ăn nói rất đứng đắn và những gì Anh nói ra là những nhận xét rất sắc bén và đáng để cho đám đàn em chúng tôi phải lắng nghe và học hỏi. Tư cách lãnh đạo của Anh thì không có gì chê trách. Tôi biết trước lúc khi gặp Anh, Anh là con của Cố Dân Biểu Trần Văn Văn, một lãnh tụ chính trị đáng kính của VNCH bị CS sát hại.
 
Tôi có hỏi Anh học hỏi ở đâu mà biết nhiều về chính trị và kinh nghiệm như thế. Anh Bá cười cười nói hồi nhỏ “moi” ở trong nhà hay rót nước cho Ông Già mời khách rồi ngồi nghe các ổng bàn chuyện chính trị rồi “thấm” vào luôn. Sự thật là như vậy. Anh đã học được những gì quý báu từ cha mẹ – đó là sự giáo dục của một gia đình có tinh thần cách mạng, hy sinh cho đại cuộc, hơn là lấy vinh thân phì gia làm mục đính chính cho con cái của mình.
 
Tất cả chúng tôi, những sinh viên Quốc Gia lúc đó ở Âu Châu có Anh Bá như có một người “cha” che chở, chỉ dẫn cho trong việc tranh đấu cho một Việt Nam tự do, nhân bản, và dân chủ sau ngày 30 tháng 4. Những gì Anh làm cho Tổng Hội SVVN tại Paris sau ngày 30 tháng 4 chúng tôi đều theo dõi và cảm phục tấm lòng của Anh cho đại cuộc.
 
Anh Bá đã nhận được sự kính mến của tất cả những sinh viên trong các Đại Hội ở Âu Châu. Khi chúng tôi tổ chức Đại Hội Sinh Viên Âu Châu tại Milan, Italy vào tháng Bảy, 1978, Anh đã đích thân hướng dẫn phái đoàn của Tổng Hội Paris qua tham dự. Anh khuyến khích, chỉ dẫn, tác động tinh thần và luôn luôn vui vẻ trong công việc chung. Mỗi khi bàn thảo một vấn đề gì, Anh lắng nghe và cho ý kiến một cách thành thật, và sau đó là ủng hộ hết mình những gì đa số anh em khác đã đồng lòng biểu quyết. Một tinh thần đoàn kết, xây dựng lo cho đại cuộc mà chúng ta thấy thiếu vắng trong hàng ngũ các các người hoạt động chính trị ngày nay. Tôi không nhớ Anh có hút thuốc hay không, nhưng chắc chắn là Anh không nhậu nhẹt nói tầm phào, vô bổ.

Trong dịp đại hội nầy ở Milan, ngoài phái đoàn của Tổng Hội Sinh Viên tại Paris còn có các đại diện của SVVN quốc gia đến từ Pháp (THSVVN Paris, Lyon, Grenoble), Đan Mạch, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ.

Trong số các sinh viên đến từ Vương Quốc Bỉ, chúng tôi còn nhớ có Anh Lê Hữu Đào của Liège. Trong một dịp được phỏng vấn bởi đài Đài Á Châu Tự Do (RFA- Radio Free Asia) trước đây anh Lê Hữu Đào tâm sự rằng Anh Trần Văn Bá đã biết chắc một điều là muốn Việt Nam vươn lên thì giải thể chế độ CS ở Việt Nam là con đường duy nhất. Thời buổi đó Anh Bá đã có nhận xét đúng đắn và điều nầy vẫn còn có gía trị cho đến ngày hôm nay, gần 40 năm sau khi CS thống trị toàn đất nước. Ngày nào còn chế độ CS ngày ấy dân tộc ta còn lầm than, đất nước còn lạc hậu không tiến xa được. CSVN đã tàn phá biết bao nhiêu giá trị cao quí của con người Việt Nam đã có từ ngàn năm trước khi họ đem chủ nghĩa CS áp đặt lên dân Việt. Họ đã làm lụn bại, phá sản tinh túy của cả một thế hệ con dân Việt mà rồi đây con cháu chúng ta sẽ phải bỏ ra rất nhiều công sức để xây dựng trở lại.

Cũng trong một bài phỏng vấn trên của đài RFA, chị Vũ Thụy, một người đã từng hoạt động với Anh Bá nhiều năm ở Paris, đã nói “Đối với tôi thì Anh Bá là hình ảnh cụ thể nhất của một nhà cách mạng, nhà ái quốc, dám hy sinh cho lý tưởng…”. Chị còn tâm sự mổi lần chị tổ chức gì mà có lấn cấn, chị nghĩ đến Anh thì mọi việc dường như 99% đều được suông sẻ. Tôi tin điều nầy có thể linh nghiệm được vì biết rằng anh Bá là một nhà yêu nước thật sự, Anh đã về bên kia thế giới hợp quần với tất cả các nhà cách mạng chân chính Việt Nam để phù trợ và đùm bọc cho con cháu nước nhà.

Anh Trần Văn Bá mất đi ngày 8 tháng 1 năm 1985 thọ 40 tuổi. Tin Anh bị CS hành quyết làm cho chúng tôi những người quen biết Anh sững sờ và thương tiếc, dù biết rằng Anh chấp nhận hy sinh cho một nước Việt Nam tự do không CS.

Những nhà cách mạng, anh hùng dân tộc không phải dễ tìm ra. Anh là một trong những vị gần với thế hệ chúng ta, nhất là tuổi trẻ trong giới sinh viên hoc sinh mà anh Trần Văn Bá là một lãnh tụ kính yêu. Biết rằng không thể nào làm việc to lớn như Anh được, nhưng chúng tôi, những người đồng chí hướng với Anh, thầm nghĩ và tự hứa với lòng mình là phải sống sao cho ra con người VN Quốc Gia, giáo dục con cái để cho chúng thành NHÂN, và làm hết khả năng trong hoàn cảnh của mình để không thẹn với ông bà tổ tiên của dòng giống dân Việt.

Võ Văn Thiệu