Nhớ về Xuân Lộc
Ðêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết,
Như một vành tang bịt đất trời!
Chân theo quân rút, hồn ta ở,
Sông nước La Ngà pha máu sôi.
(Nguyễn Phúc Sông Hương - Nửa hồn Xuân Lộc)
Như một vành tang bịt đất trời!
Chân theo quân rút, hồn ta ở,
Sông nước La Ngà pha máu sôi.
(Nguyễn Phúc Sông Hương - Nửa hồn Xuân Lộc)
Sau thời gian đầu sống cuộc đời lưu vong tỵ nạn cộng sản tại quê người, phải bươn chải lo cuộc mưu sinh, cuộc sống dần dần ổn định.
Những cựu chiến binh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, cũng như các cựu chiến binh của các quân binh chủng khác của QLVNCH, đã nghĩ đến các bạn đồng đội của mình còn sống lây lất tại quê nhà, nhất là các thương phế binh và cô nhi quả phụ. Những lần họp mặt, lúc thì ở vùng Orange County, lúc thì ở San José của California, Hoa Kỳ. Họ họp mặt không ngoài mục đích gặp gỡ hàn huyên tâm sự, nhắc lại chuyện xưa, nhớ lại một thời vẫy vùng ngang dọc trên con đường Bảo Quốc-An Dân. Và luôn luôn họ vẫn nhớ những đồng đội cũ chẳng may trở thành tàn phế, sống cuộc đời tủi nhục và xa lạ ngay chính trên quê hương của mình.
Kẻ ít người nhiều, họ gom góp lại, và cổ động đồng hương. Số tiền đóng góp và quyên được đã gửi trực tiếp đến các TPB/SÐ18BB ở quê nhà. Dù ít dù nhiều, cũng là tấm lòng của người đi, của đồng đội đã một thời vào sinh ra tử.
Năm nay, 2009, cuộc hội ngộ gia đình 18 được tổ chức tại Úc. Tuy đường xa diệu vợi, phải ngồi máy bay trên 20 tiếng đồng hồ, nhưng phái đoàn từ Mỹ châu cũng cố gắng về tham dự tương đối hùng hậu.
Trưởng phái đoàn là Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo, tư lệnh Sư Ðoàn 18BB, kiêm tư lệnh mặt trận Xuân Lộc tháng 4 năm 1975. Tháp tùng Hằng Minh (danh hiệu truyền tin, tên gọi thân thương mà các cựu chiến binh Sư đoàn 18 vẫn gọi người anh cả của mình) là anh chị Lê Văn Trang ở Canada, anh chị Bảo Ðịnh Nguyễn Hữu Chế (cựu Tiểu đoàn trưởng TÐ2/43), anh chị Hạnh Lan ở Holland (Michigan), anh chị Bình ở Connecticut. Tưởng cũng nên nhắc, Hằng Minh là tên cố Trung Tá Lê Hằng Minh, tiểu đoàn trưởng TÐ2/TQLC, tức Tiểu Ðoàn Trâu Ðiên lừng danh. Trung Tá Lê Hằng Minh cùng tiểu đoàn của ông bị VC phục kích trên đoạn đường giữa Huế và Quảng Trị. Tiểu đoàn đã phản phục kích thành công, nhưng người hùng Lê Hằng Minh và một số chiến sĩ mũ xanh anh dũng đã nằm lại trên con đường oan nghiệt mà nhà báo Pháp Bernard B. Fall gọi là Con Ðường Không Vui (La Rue Sans Joie).
Tướng Ðảo lấy tên Hằng Minh dùng làm danh hiệu truyền tin của mình để tưởng nhớ một người em “Anh Hùng” đã đền xong nợ nước, và cũng để nhắc nhở mình phải xứng đáng với danh hiệu đó.
Chương trình hội ngộ được các cựu chiến binh 18 tại Úc do chiến hữu Hoàng Lập Chí, Trưởng ban tổ chức (thuộc TÐ1/48, một luật sư trẻ, rất năng động), và các đồng đội cùng thân hữu lên kế hoạch rất tỉ mỉ. Chương trình được tổ chức hai ngày:
- Dạ tiệc “Nhớ về Xuân Lộc” vào lúc 7 giờ tối ngày Thứ Sáu, 7 tháng 8 năm 2009, tại nhà nhà hàng Crystal Palace, Canley Vale Road, Canley Heights, NSW 2166, được đồng hương và cựu quân nhân QLVNCH tham dự đông đảo. Các chiến hữu Phạm Quang Ngọc (SQ tài chánh Trung Ðoàn 43), Ðổ Trung Chu (cựu tiểu đoàn trưởng TÐ1/43), Lê Văn Lệ (trưởng ban 4 Trung Ðoàn 43), Bác Sĩ Tấn, Nha Sĩ Sơn, Dược Sĩ Thạnh thuộc Tiểu Ðoàn 18 Quân Y,... cùng tất cả các nàng dâu, con cháu và bạn hữu Sư Ðoàn 18 đã cùng nhau, mỗi người một tay, tổ chức thành công đêm dạ tiệc gây quỹ yểm trợ TPB Sư Ðoàn 18BB, Mặt trận Xuân Lộc và QLVNCH còn sống lây lất tại quê nhà.
- Buổi nói chuyện chủ đề “Vị trí trận chiến Xuân Lộc trong Quân Sử VNCH” vào lúc 2 giờ đến 5 giờ chiếu ngày Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2009 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Ðồng NSW (Bibbys Road, Bonnyrigg, NSW 2177). Trong số quan khách, có sự hiện diện của Chiến sĩ Võ Ðại Tôn, ông cựu Ðại Sứ VNCH Ðoàn Bá Cang, chiến hữu Mai Ðức Hòa (Chủ tịch Tổng Hội CQN Úc Châu), Chiến hữu Trương Công Hải (Chủ tịch Hội CQN/NSW), Luật Sư Võ Trí Dũng (Chủ tịch CÐ/NVTD/NSW), Luật sư Võ Minh Cương, Ông Tô Ngọc Kim, Luật Sư Lưu Tường Quang (cựu giám đốc SBS Radio Australia), quí vị đại diện các hội đoàn, đoàn thể, các cơ quan truyền thông Việt Ngữ, nghị viên trẻ thành phố Fairfield Trần Nhân (cũng là con chim đầu đàn thuộc lực lượng hậu duệ VNCH tại Úc Châu), các em hậu duệ, và khoảng trên 400 đồng hương tham dự.
Ngoài ra báo chí Việt Ngữ và các đài phát thanh (Quốc Việt của SBS Radio, Tường Vân, Minh Trí, Phạm Cường của Phát Thanh Hậu Duệ, Ngọc Hân của đài VOA) đã phỏng vấn và đưa tin về cuộc hội ngộ của Gia đình 18 tại Úc Châu, làm cho bầu không khí vốn trầm mặc của xứ Kangaroo đang giữa mùa Ðông lạnh giá trở nên ấm áp sôi động.
Sư Ðoàn 18 Bộ Binh & trận chiến Xuân Lộc
Vào những ngày cuối của VNCH, tình hình thật hỗn loạn. Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu bị áp lực từ mọi phía, buộc phải từ chức vào buổi chiều ngày 21 tháng 4, 1975. Cũng thời gian này, Sư Ðoàn 18BB đã được lệnh rời bỏ Xuân Lộc về Biên Hòa.
“Các ông phải nói cho thế giới biết sự chiến đấu anh dũng và thắng lợi của SÐ18BB. Các ông phải nói để cho Chính phủ Mỹ thấy mà hổ thẹn vì đã bỏ rơi một đồng minh như Việt Nam.”
Trên đây là lời kể lại của Luật Sư Lưu Tường Quang, cựu giám đốc đài SBS, Australia, nhân buổi dạ tiệc “Nhớ Về Xuân Lộc.” Luật Sư Quang là cựu quyền tổng thư ký Bộ Ngoại Giao VNCH, được lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, triệu tập Ngoại giao đoàn đến Bộ Ngoại Giao vào buổi sáng ngày 21 tháng 4, 1975 để thông báo về việc từ chức của tổng thống. Trước khi ra về, vị đại sứ Anh Quốc đã dừng lại, nói với Luật Sư Quang lời tâm tình chân thật.
Trận chiến mở màn
34 năm về trước, vào lúc 5 giờ 40 phút sáng ngày 9 tháng 4, 1975, quân CSBV thuộc Quân Ðoàn 4 của Tướng Hoàng Cầm đồng loạt mở cuộc tấn công vào thị xã Xuân Lộc và thị trấn ngã ba Dầu Giây, phòng tuyến ngăn chận quân xâm lăng CSBV đang tràn vào từ miền Trung theo QL1, và Cao Nguyên theo QL20. Quân Ðoàn I&II/QLVNCH thua trận nhanh chóng. Quân xâm lăng tiến công như vũ bão, chúng tràn qua Vùng 1 & 2 như đi vào chỗ không người. Cuộc tiến quân quá dễ dàng đến đổi Văn Tiến Dũng, tên Ðại tướng CSBV, chỉ huy đạo quân xâm lăng đã huênh hoang khoác lác: “Cán bộ và chiến sĩ tham mưu không vẻ kịp bản đồ cho bước tiến quân của bộ đội.”
Nhưng đạo quân xâm lăng của Tướng Dũng đã bị chận lại ngay tức khắc khi chúng đánh “cấp tập” vào Sư Ðoàn 18BB tại Xuân Lộc. Bởi vì chúng đã đụng phải bức tường thép: “Tuyến Thép Xuân Lộc.”
Vào những ngày của tháng 3, 1975, sau khi thất thủ Phước Long (6.1.75), mất Ban Mê Thuột (10.3.75), bỏ Ðà Nẵng (30.3.75), tình hình chiến sự tại Vùng 3 bắt đầu sôi động. Bọn đầu lĩnh Bắc Bộ Phủ thông qua kế hoạch thôn tính miền Nam Việt Nam trong hai năm (1975-1976). Theo kế hoạch của Bộ Chính Trị Cộng Ðảng, năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa, Giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhưng cuộc lui binh thất bại của Quân đoàn II trên Liên Tỉnh lộ 7B, và “lệnh lạc” giữ hay bỏ Huế và Ðà Nẵng không dứt khoát rõ ràng, khiến Vùng 1 đã hoàn toàn rơi vào tay CSBV một cách dễ dàng trong khoảng 10 ngày (19 ố 30.3.75), chỉ vì kế hoạch lui binh cũng thất bại như ở Quân đoàn II. Sau khi Phan Rang, tuyến phòng thủ xa nhất bị thất thủ ngày 16 tháng 4, 1975, Xuân Lộc được lệnh bỏ ngõ ngày 21 tháng 4, 1975, ngày 26 tháng 4, 1975, CSBV đã không chờ đến năm 1976, chúng bắt đầu mở chiến dịch gọi là Chiến dịch Hồ Chí Minh, để nhanh chóng thôn tính toàn bộ miền Nam.
Nửa đêm ngày 17 rạng ngày 18 tháng 3, 1975, Sư 7/CSBV được tăng cường 10 chiếc xe tăng, tung Trung Ðoàn 141 tấn công khu vực trung tâm Ðịnh Quán, một quận cực Bắc của tỉnh Long Khánh, Trung Ðoàn 209 tấn công vị trí đóng quân của các đại đội thuộc Tiểu Ðoàn 2/43 do Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế chỉ huy, nằm bên ngoài thị trấn (đơn vị này từ Xuân Lộc, mới di chuyển đến đây chiều ngày hôm trước). Quá trưa ngày 18 tháng 4, quân CSBV chiếm quận đường, thiếu tá quận trưởng bị bắt, căn cứ Ðại Ðội 377/ÐPQ nằm trên điểm cao thất thủ, các đồn bót Nghĩa Quân cũng cùng chung số phận.
Thị trấn Ðịnh Quán mất.
Trên đà thắng lợi, quân CSBV tập trung lực lượng dứt điểm TÐ2/43.
Ðơn vị này phải rút chạy dài về cầu sông La Ngà, rồi về hậu cứ tiểu đoàn tại Núi Thị để bổ sung quân số và tái trang bị. Căn cứ cấp Tiểu đoàn ÐPQ của Thiếu tá Làu Vĩnh Quay đóng giữ cầu sông La Ngà cũng bị giặc chiếm vào ngày hôm sau. Ðoạn đường này của QL20 cho đến Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Ðồng đã lọt vào tay giặc. Trong lúc đó quận Hoài Ðức thuộc tỉnh Bình Tuy gồm các xã Võ Ðắc, Võ Su và Sùng Nhơn cũng bị Cộng quân tấn công mạnh. Các đơn vị ÐPQ, NQ và Tiểu Ðoàn 3/43 của Thiếu Tá Nguyễn Văn Dư cũng phải rút chạy. Giờ đây Xuân Lộc trở thành điểm địa đầu của Tổ quốc, ngăn chặn giặc tràn vào từ phương Bắc. Tuyến phòng thủ từ xa Phan Rang do Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chịu trách nhiệm mất vào chiều ngày 16 tháng 4, 1975, vị chủ soái cùng một số cấp chỉ huy cao cấp bị bắt. Tiếp theo là Phan Thiết và Bình Tuy cũng liên tiếp lọt vào tay giặc.
Tuyến Thép Xuân Lộc
Không một ai nghĩ rằng những người lính Miền Ðông mang phù hiệu “Cung Tên,” đã đánh một trận để đời, đã viết nên một trang sử vẻ vang cho Quân sử VNCH, đã đánh cho Cộng quân thua xiểng liểng. Mặc dầu trong quá khứ, Sư Ðoàn 18BB không phải là đơn vị đánh giặc giỏi, trái lại từng bị đánh giá là một trong các sư đoàn kém khả năng của QLVNCH. Nhưng kể từ mùa Hè đỏ lửa năm 1972, sư đoàn được đặt dưới quyền Ðại tá Tư lệnh Lê Minh Ðảo, một sĩ quan trẻ, năng động, thông minh và nhiều mưu lược, nhất là biết cách lãnh đạo chỉ huy. Trung Tướng Phillip B. Davidson của Quân Lực Hoa Kỳ, qua kết quả của trận chiến Xuân Lộc, đã có nhận định thích đáng như sau: “The battle for Xuan Loc produced one of the epic battles of any of the Indochina wars, certainly the most heroic stand in Indochina War III... In this final epic stand ARVN demonstrated for the last time that, when properly led, it had the 'right stuff.'”
Tên Thái Thượng Hoàng Triều đình đỏ Bắc Việt Lê Ðức Thọ phải thú nhận: “Kết cục là anh em cũng không đánh được Xuân Lộc, bị thương vong nặng, phải rút ra...”
Văn Tiến Dũng, tên chỉ huy đạo quân xâm lược than: “Kế hoạch tấn công Xuân Lộc của QÐ4 lúc đầu chưa tính hết được sự phát triển phức tạp của tình hình, chưa đánh giá hết tính chất ngoan cố của địch. Tính chất giằng co ác liệt qua trận đánh này...”
Trần Văn Trà, tên chỉ huy quân “Giải Phóng Miền Nam” cũng bắt chước đàn anh than: “Các báo cáo cho biết các mũi tiến triển tốt... Nhưng vào cuối ngày 10.4.75 trở đi, tình hình trở nên căng thẳng. Ðịch phản công điên cuồng... Máy bay địch đánh phá ác liệt... tình hình rất gay go. Các đồng chí Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng và cả anh Lê Ðức Thọ, rất lo lắng khi thấy địch càng tập trung thêm lực lượng và ta có vẻ khựng lại... hoặc bị đẩy lui.”
Sau ba ngày tấn công vào Xuân Lộc và ngã ba Dầu Giây, các Sư 6, 7 và 341 thuộc Quân Ðoàn 4 của Tướng Hoàng Cầm đã không làm nên “cơm cháo” gì, bị Sư Ðoàn 18BB chận lại, bị thiệt hại nặng, phải tăng cường thêm Trung Ðoàn 95B, và điều thêm Sư Ðoàn 325 vào mặt trận. Chiều ngày 11 tháng 4, 1975, tại Lộc Ninh, Thủ phủ của cái gọi là “Chính phủ Cộng Hòa Lâm Thời miền Nam Việt Nam”, bọn đầu lĩnh trong đạo quân xâm lược gồm Lê Ðức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, và Trần Văn Trà họp khẩn cấp để đề ra phương án mới. Chúng quyết định thay đổi kế hoạch ban đầu, sử dụng Quân Ðoàn 4 của Cầm đánh cầm chân Xuân Lộc, còn đại quân sẽ đi vòng qua Hàm Tân, dọc theo bờ biển, rồi theo QL15 tiến lên đánh thẳng vào Biên Hòa. Cánh quân từ Cao Nguyên sẽ tiến xuống theo QL20. Nhưng trước hết phải tiêu diệt cho được Chiến đoàn 52 của Ðại Tá Ngô Kỳ Dũng đang lập tuyến phòng thủ tại ngã ba Dầu Giây. Theo nhận định của bọn chúng, đây là điểm yếu trong tuyến phòng ngự liên hoàn. Thực tế cũng như vậy. Bởi vì CÐ52 đã xuất phái Tiểu Ðoàn 2/52 của Ðại Úy Huỳnh Văn Út cho Xuân Lộc ngay từ buổi tối ngày 10.4. Cho nên khi quân của Tướng Cầm được tăng cường thêm Trung Ðoàn 95B, chúng đã có cơ hội đánh dứt điểm tuyến phòng ngự của CÐ52 vào chiều ngày 15 tháng 4. Trong lúc đó Trung Ðoàn 8, SÐ5BB của Trung Tá Nguyễn Bá Mạnh Hùng bị cầm chân tại Hưng Lộc và Hưng Nghĩa, cách ngã ba Dầu Giây lối 3 cây số. Lữ Ðoàn 3 Xung kích của Tướng Khôi gồm mấy trăm chiếc chiến xa và mấy tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân tùng thiết cũng không thể nào phá được nút chận của địch để ra giải cứu CÐ52 đang nguy khốn. Kết quả CÐ52 bị thiệt hại nặng, phải rút chạy về Biên Hòa. Chiến đoàn 52 bị thua trận, nhưng Xuân Lộc vẫn đứng vững, nhất là sau khi được tăng viện thêm Lữ đoàn 1 Dù của Trung Tá Nguyễn Văn Ðỉnh vào chiều ngày 12 tháng 4. Từ bị động chống đỡ, quân trú phòng bắt đầu mở những cuộc phản công truy kích địch.
Tại mặt trận Xuân Lộc, ngoài yếu tố quyết định là vị tướng tư lệnh mặt trận có tài thao lược, cấp chỉ huy can trường và gần gũi binh sĩ, và hơn hết là tinh thần quyết chiến quyết thắng của người lính. Nhưng việc thành bại của một trận chiến, Pháo yểm và Không yểm vẫn đóng vai trò then chốt. Hai trái bom BLU-82 được thả xuống chỉ huy sở và hậu cần của Sư Ðoàn 341/CSBV, sau khi Dầu Giây thất thủ, đã bị Hà Nội la hoảng vì đã gây thiệt hại cho chúng rất nhiều (nhưng rất tiếc, không có cơ hội để kiểm chứng chính xác mức độ thiệt hại).
Sau khi tiến quân như thế chẻ tre từ Vùng 1, Vùng 2, và đè bẹp tuyến phòng thủ địa đầu Vùng 3 (Phan Rang), đạo quân xâm lăng của Tướng Văn Tiến Dũng đã bị chận đứng tại Xuân Lộc, chúng đã đụng phải bức tường thép: Tuyến Thép Xuân Lộc. Tuyến thép dược dựng lên do những chiến binh Sư đoàn 18BB, ÐPQ & NQ Long Khánh, các chiến sĩ mũ nâu của Tiểu Ðoàn 82/BÐQ, mũ đỏ của Lữ Ðoàn 1 Dù. Mười hai ngày đêm tấn công Xuân Lộc là 12 ngày đêm thảm bại của đạo quân xâm lược. Quân CSBV bị giết tại trận trên 6 ngàn tên, 37 xe tăng và xe bọc thép bị bắn cháy. Tổn thất của quân bạn được xem là nhẹ, chỉ có CÐ52 (-) của Ðại Tá Dũng và TÐ2/43 của Thiếu Tá Chế là bị thiệt hại nhiều nhất, lối 50% quân số.
Tháng 7 năm 1954 Pháp thua Việt Minh tại trận Ðiện Biên Phủ đưa đến việc qua phân đất nước. Tháng 4 năm 1975, CSBV thua QLVNCH tại trận Xuân Lộc, nhưng thắng lớn trên khắp các mặt trận, đưa đến nước VNCH bị xóa tên trên bản đồ thế giới, QLVNCH không còn. Nhưng trận chiến Xuân Lộc đã ghi lại một nét vàng son chói lọi trong quân sử VNCH. Xuân Lộc là trận chiến cuối cùng của cuộc chiến tranh Quốc Cộng kéo dài trong hai mươi năm. Nhưng là một trận chiến thắng vẻ vang, là niềm tự hào có được của quân và dân VNCH, khiến kẻ địch khiếp sợ và đồng minh phải nể phục.
Nhớ về Xuân Lộc không phải chỉ để hoài niệm suông, để hãnh diện một chiến thắng đã đi vào dĩ vãng, đang bị lãng quên theo năm tháng, mà để nhắc nhở chúng ta, những người còn sống, thế hệ trẻ, thế hệ mai sau, phải làm thế nào để xương máu của các chiến sĩ đã đổ xuống Mặt Trận Xuân Lộc không vô nghĩa.
Bảo Ðịnh
(Michigan, ngày 17 tháng 8 năm 2009)