Friday, February 28, 2014

Vĩnh Hảo

Điệp Khúc Yêu Em
 
Hắn xuất hiện ở đâu, người ta đứng dậy vỗ tay chào đón ầm ĩ. Nơi nào hắn đến, nơi đó rộn ràng lên và hắn luôn luôn trở thành trung tâm của đám đông, thượng khách của tất cả những cuộc nhóm họp.
  Hắn, một con người đa năng, phi thường trong lĩnh vực xướng âm, ca hát, nhái giọng và một chút khôi hài trong cung cách biểu đạt bằng ngôn ngữ. Hắn có thể nhái giọng của bất cứ ai, bất cứ con người hay súc vật, thậm chí chim chóc, côn trùng... nói chung là bất cứ âm thanh nào do bất cứ thứ động vật nào phát ra hắn đều có thể nhái lại y hệt. Sự kiện này không phải chỉ đơn giản là nhờ cái thanh quản đặc biệt. Mọi người đều hiểu rằng hắn phải có một trí nhớ phi thường thế nào đó để lưu giữ những âm thanh hắn nghe được; đến khi cần, hắn lôi cái âm thanh đó ra, phát lại y hệt. Không phải chỉ nhái giọng, hắn còn có khả năng giả giọng nữa. Nhái giọng chỉ là lặp lại giọng nói đã nghe, còn giả giọng thì dựa vào giọng nói của một người rồi nói ra được cả những lời mình chưa hề nghe người ấy nói bao giờ.
 
Chưa hết, không những nhái giọng, giả giọng, hắn còn có khả năng phi thường về ngôn ngữ. Hắn học ngoại ngữ rất nhanh, phát âm rất chuẩn, giả giọng rất giống theo từng địa phương. Có điều chính hắn lại không thích nhồi vào đầu những ngôn ngữ nước ngoài làm gì đấy thôi. Hắn thích cái trò nhái giọng và giả giọng hơn. Vì những trò này không tốn nhiều thời gian tập luyện, không bắt hắn phải ghi nhớ mà lại thường làm khán thính giả sửng sốt hoặc cười rộ. Chỉ trong vòng vài năm, hắn trở thành một nghệ sĩ có mặt khắp các sân khấu của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, trở thành một danh hề, vừa là một ca sĩ tổng hợp tất cả giọng của các ca sĩ lừng danh. Thỉnh thoảng, với sự cố vấn của ông bầu, hắn còn bắt chước cả giọng hát các ca sĩ lẫy lừng của Mỹ, giọng nam lẫn giọng nữ. Hắn giả giọng của mỗi ca sĩ, từ thế hệ già của thập niên 60 và 70, đến thế hệ trung niên của thập niên 80 - 90, cho đến thế hệ trẻ mới nổi tiếng đầu thiên kỷ. Hắn hát những bản ăn khách nhất của họ là hắn thành công, hốt bạc. Nào là giọng của Elvis Presley, Paul McCartney, Lobo, Phil Collins, Bob Dylan, Mick Jagger, Elton John, Paul Anka, Garth Brooks... cho đến giọng nữ như Barbara Streisand, Gloria Esteffan, Madonna, Whitney Houston, Shanai Twain, Maria Carrey, Toni Braxton, Faith Hill, Jewel, Jennifer Lopez, Christina Aguilera, Britney Spears, Dido...
 
Hắn tên là Năm. Nguyễn văn Năm. Một cái tên bình thường, chẳng gì đặc biệt đối với xã hội Việt Nam. Một cái tên mà khi đọc lên, người ta liền có ấn tượng là người mang tên ấy xuất thân từ miền quê, nếu không vậy thì cũng từ một gia đình ít học, hoặc từ một gia đình vẫn còn niềm tin rằng đặt tên xấu cho con thì sẽ dễ nuôi hơn, không bị ông bà tổ tiên bắt đi.
 
Hắn ít học. Chỉ vừa lên trung học hai năm thì phải ngưng ngang. Cuộc sống của hắn bị đóng khung ở vùng quê với ruộng vườn, bò trâu, gà vịt, chim chóc, con cò, con diệc, con mểnh, con mang... Thế giới của hắn là từ khoảnh sân nhỏ phía sau mái nhà tranh dẫn đến ruộng, ngang qua một khoảnh rừng nhỏ đầy tre gai. Trường học và bạn bè của hắn càng lúc càng xa. Ngôi trường nhỏ năm ấy không còn nữa, muốn học lớp cao hơn phải lên tận huyện. Ba má hắn thấy chuyện học chẳng thiết thực mà cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho đời hắn nên bảo hắn nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình làm ruộng. Vả chăng, xong bậc tiểu học và hai năm trung học đối với dân ruộng ở đây thì cũng là khá lắm. Vậy rồi loanh quanh lẩn quẩn sáng ra đồng, tối về nằm nghe cải lương trước khi ngủ, thoắt cái hắn trở thành thanh niên, một chàng trai vạm vỡ, cục mịch nhưng hiền lành, ngây ngô như một đứa con nít.
 
Đứa con nít đó, mỗi lần thanh niên nam nữ trong xóm ấp tụ tập để ca hát vui chơi, cũng biết góp mặt làm trò cười bằng tiết mục nhái giọng, trình diễn trước đám đông rất dạn dĩ, nhưng phải lòng một thiếu nữ láng giềng thì chẳng bao giờ dám ngỏ ý. Cứ thấy cô ta là lủi mất, rồi lại đứng núp mà ngó theo, ngó theo. Cho đến một hôm bị cô ta dí vào nơi không chạy được nữa, mới chịu đứng lại nói chuyện.
“Anh trốn tui hả?”
“Đâu... đâu có,” hắn ấp úng đáp.
“Anh đi theo tui nãy giờ phải không?”
“Đâu phải, tại tui cũng đi ra ngõ đó mà...”
“Í, áo anh sao đứt hột nút ở đây vậy? Bị cô nào níu phải không?”
“Đâu có, đâu có... không có ai níu đâu.”
“Hi hi, nói giỡn đó mà. Anh muốn đi với tui ra ngoài ruộng không? Ruộng anh đã cho nước vào chưa?”
“Tát vào hôm qua rồi. Còn của nhà chị... Lộc thì sao hả? Chưa tát tui đi tát giùm cho.”
“Chưa. Hôm nay tát. Bộ tui lớn lắm hả sao kêu tui bằng chị?”
“Tại vì... tại vì...”
“Thôi anh ơi, khỏi tại với bị gì hết. Đi, đi ra ruộng không?”
“Đi chớ.”
Năm theo Lộc ra ruộng, giúp tát nước vào ruộng của cô. Bằng cái gàu đan bằng tre với bốn sợi dây, hai sợi cột trên miệng gàu, hai sợi cột dưới đít gàu, chia làm hai bên; hai người hai phía bờ ao, mỗi người nắm mỗi tay một quai, theo nhịp mà kéo nước từ ao, tát vào ruộng. Ban đầu thì Lộc hò, khi cô hết hơi thì Năm tiếp. Anh hò cả hai giọng, giọng nam rồi giọng nữ, nghe rất thú vị và đôi khi buồn cười. Lộc vừa tát nước vừa cười ngặt nghẽo, có khi phải ngưng tát, ngồi xuống bờ ao. Họ thân với nhau từ hôm ấy.
 
 
Một ngày sáng trăng, họ đi xem cải lương chung. Trên đường về ấp, họ nắm tay nhau lần đầu. Trước khi chia tay ở đầu ngõ, họ nói lời thương nhau.
“Tui thương anh lắm anh có biết không?”
“Có, có biết.”
“Vậy chứ anh thì sao?”
“Tui cũng thương... nữa.”
“Nói cho rõ ràng một chút được hôn?”
“Tui thương... em.”
“Không được, nói lại đi.”
“Anh... thương... em...”
Lộc cười sung sướng.
“Em cũng thương anh nữa. Thôi anh về đi, em vào ngủ nghen.”
 
Năm sau họ làm đám cưới. Đám cưới đơn giản chỉ có vài người thân trong gia đình, nhưng hàng xóm thì kéo đến thật đông. Lúc đó, ba Lộc đang ở tù cải tạo.
 
Một năm sau đám cưới của Lộc, ba nàng ra tù được đi Mỹ với diện H.O. Ba má Lộc và hai em đi trước. Lộc và Năm qua sau vì ban đầu chính Năm không chịu đi, muốn ở lại để còn có cơ hội chăm sóc mẹ già...
“Hơn nữa... em không biết đâu, anh yêu mảnh vườn mảnh ruộng của mình biết bao. Anh yêu con đường đất đỏ này biết bao. Có quá nhiều chuyện đẹp của hai đứa mình xảy ra ở đây, trong ấp này... anh không bỏ đi được đâu,” Năm giải thích với vợ để được ở lại.
 
Lộc chiều chồng, ở lại, sinh một đứa con, rồi hai đứa con, rồi cuối cùng qua thư từ và hình ảnh, thấy ba má sống bên Mỹ thoải mái quá, hai em ăn học thành công quá, Lộc muốn đưa chồng con đi. Lộc tìm mọi cách thuyết phục Năm. Thuyết phục mãi cho đến sau khi mẹ Năm mất một thời gian khá lâu, Năm mới đồng ý với vợ, quyết định lên đường.
 
Ba của Lộc vẫn có ý coi thường Năm ít học, là thứ nông dân dốt nát cục mịch, may mắn cưới được con gái mình. Ông cứ cằn nhằn phiền trách vợ mãi về chuyện gả Lộc cho Năm lúc ông còn trong trại cải tạo ngoài Bắc. Ông nói nếu có ông ở nhà thì con ông đâu có lấy thằng chồng tệ đến thế.
“Ông tưởng ông ở nhà thì mọi chuyện sẽ đổi khác đi à? Tui sợ không phải như vậy. Chính nhờ ông ở tù, khốn khổ, cơ cực, tủi nhục bao nhiêu ngày tháng trong đó nên mới được đền bù như ngày hôm nay,” má Lộc nói với chồng như thế.
“Đền bù cái chuyện xuất ngoại, cho con cái học hành nên danh nên phận, chứ đâu phải được đền bù lấy cái thằng nông dân ấy!”
“Suỵt, đừng có nói vậy nữa mà, hai em nó nghe được... sau này nó bắt chước cha nó, cứ khinh miệt anh rể, tội nghiệp người ta. Cái số con Lộc đã như thế, sửa đổi thế nào được. Dù gì thì hai đứa nó cũng đã hạnh phúc, có con với nhau. Thằng Năm cũng thương chiều vợ, biết lo cho con, lại hiếu thảo với mẹ nó, hiếu thảo với cha mẹ vợ nữa, vậy là tốt rồi, còn đòi hỏi chi nữa. Lỡ như con Lộc lấy phải thằng chồng có ăn học nhưng tính nết, tư cách, tâm tình chẳng ra chi thì nó còn khổ hơn. Vả lại, con Lộc cũng học hành hơn thằng Năm bao nhiêu đâu! Thằng Năm học xong lớp 7, con Lộc cũng mới hết lớp 9 thì nghỉ mất rồi.”
“Xì, bà nói sao thì nói, chứ tui vẫn thấy ấm ức, tức giùm cho con nhỏ làm sao ấy! Phải chi nó cứ ở vậy, qua đây tiếp tục đi học như hai thằng em thì hay biết mấy...”
“Làm sao biết được ngày nào ông về mà chờ đợi... Huống chi, cái chuyện tình cảm của tụi nó, đâu có chờ đợi mãi. Mình phải thương, phải hiểu hoàn cảnh của nó chứ. Thử tưởng tượng đi, ở cái ấp buồn xo ấy, quanh năm suốt tháng không có lấy một niềm vui, không có bất kỳ một trò chơi giải trí nào... không lẽ cứ để cho con mình chôn vùi tuổi xuân của nó trong công việc đồng áng? Ông không biết đâu... chính vì nhớ thương ông, bao năm vò võ một thân một mình nuôi con ở nơi chốn đói khổ cằn khô ấy, tui mới cảm thông được nỗi trống trải, cô đơn, buồn tẻ của tâm tình con người nơi ấy... Ôi, ngày này qua tháng nọ chỉ có gió hú, ve kêu, mưa dầm, đất nhão, nắng gắt, bụi mù... đôi khi giật mình giữa đêm, nghe một nỗi gì đau quặn trong lòng, cô liêu, thê thiết lắm. Có khi tưởng chừng không sao chịu đựng được nữa. Có khi muốn điên lên. Có khi chỉ muốn chết đi. Ở những nơi ấy, không có tình yêu thì không sống nổi đâu ông ạ. Chỉ nhờ tình yêu mà con người ở đó vẫn còn là con người.”
“Được rồi, được rồi, tôi hiểu, tôi hiểu, đừng khóc nữa bà. Nín đi kẻo tụi nhỏ cười.”
 
Vậy mà cái thằng ít học ấy, chỉ vài năm bập bẹ đi học tiếng Anh trong các lớp đặc biệt dành cho người lớn tuổi nước ngoài, đã thoắt cái, chuyển vận, trở thành đại nghệ sĩ, chẳng cần bất cứ thứ vốn liếng nhà trường nào, cũng chẳng cần bằng cấp hay nghề nghiệp chuyên môn nào để kiếm sống. Hắn giàu to thoáng chốc. Tậu một dinh thự to lớn cho mình và vợ con. Tậu luôn căn nhà nhiều phòng cho ba mẹ vợ. Tặng hai em vợ hai chiếc xe láng lẩy để đi học. Tiền vào như nước. Tiền ra cũng như nước. Bạn bè càng lúc càng đông. Hắn rộng tay chi xài, giúp đỡ vốn liếng làm ăn cho hết người này đến người nọ khiến cho nhiều gia đình cũng được phất lên. Hắn còn biết giúp tiền cho các cơ quan từ thiện xã hội, các cơ sở tôn giáo, giúp người tàn tật, nghèo đói, thiên tai ở Việt Nam, ở Phi châu, ở Nam Mỹ, ở Ấn Độ... bất cứ nơi đâu có vận động giúp người đói khổ, hắn đều vui vẻ ký ngân phiếu gởi tới.
 
Gia đình vợ, bà con bên vợ, cho đến những họ hàng xa của vợ hay của hắn, không còn dám khinh thường hắn nữa. Hắn bây giờ trở thành con người của đám đông, của quần chúng. Ai ai cũng biết mặt, biết tên hắn cả. Thành công rực rỡ như vậy, hắn vẫn hiền lành, dễ thương, vui vẻ, hòa hoãn với mọi người như hôm nào còn ở ruộng rẫy. Không ai gặp hắn mà không vui lên. Hắn luôn mang đến niềm vui cho kẻ khác, niềm vui vật chất hay niềm vui tinh thần.
 
Chỉ có một điều hắn không bao giờ hiểu nổi là Lộc, vợ hắn, tại sao vẫn không được hạnh phúc hoàn toàn như hắn nghĩ. Cô ta không bao giờ ngăn cản những điều hắn làm. Cô ta luôn khuyến khích hắn thực hiện những điều tốt, những điều mà cô nghĩ là mang lại phước đức cho gia đình, con cái. Có thể nói rằng những điều công ích mà hắn đóng góp cho đời đa phần đều do sự hướng dẫn và khích lệ của vợ. Nhưng thỉnh thoảng, Năm lại thấy vợ buồn so. Đôi mắt nàng chìm sâu xuống với một nỗi buồn lạ lùng, mang mang.
“Em có điều gì buồn hả?”
“Không, không có.”
“Em không thích anh làm chuyện ấy hả?”
“Không, em thích chứ.”
“Chứ sao... mặt em thấy buồn quá vậy”
“Anh thấy được sao?”
“Ừ, trong mắt em đó.”
“Nó như thế nào?”
“Như là em đang tìm kiếm, chờ đợi... một cái gì.”
 
Lộc im không nói. Nhiều lần Năm gặng hỏi mà vẫn không có câu trả lời.
“Em không biết nữa. Em thật khó nói cái cảm giác của em. Em biết, chúng ta đã có tất cả mọi thứ và chúng ta có nhau. Nhiều người ước ao có được hoàn cảnh như chúng ta. Nhưng mà... sao em vẫn thấy thiếu cái gì đó, không hiểu nổi. Em đang cố gắng tìm cho ra cái điều đó. Có lẽ một lúc nào đó em cũng sẽ tìm thấy thôi. Lúc đó, chắc em sẽ không còn buồn nữa đâu. Nhưng anh à, chỉ là chuyện nhỏ thôi. Mọi thứ ở đây, trong cuộc sống này, đều thoải mái. Em không dám đòi hỏi gì hơn nữa.”
 
Lộc nói vậy, nhưng rồi càng lúc nàng lại càng buồn nhiều hơn. Ăn uống ít lại. Ngủ ít lại. Nói ít lại. Mọi thứ đều không còn gì là quan trọng đối với nàng nữa. Nàng đi đứng nằm ngồi, sống và hít thở cái không khí tiện nghi trong ngôi biệt thự của một phu nhân giàu có mà vẫn cứ thẫn thờ thờ thẫn như người mất hồn. Năm giục vợ đi bác sĩ gia đình, rồi bác sĩ tâm thần. Không thay đổi được gì. Nàng vẫn buồn. Càng lúc càng lặng lẽ, ít nói và càng giống người bệnh hơn. Xanh xao, gầy mòn. Đôi mắt lạc thần. Đôi mắt của người đang tìm kiếm, chờ đợi một cái gì quay lại với mình. Năm lo sợ, chạy đôn chạy đáo, tìm bác sĩ tây-y, đông-y, thầy pháp, thầy bói... ai cũng nghĩ mình có thể chữa trị được, cũng khám, nói chuyện, cho toa, cho lời khuyên... nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Lộc vẫn cứ ngồi thừ, buồn tiu nghỉu như người nghèo bị mất trộm.
“Em ơi, em có biết không? Em là tất cả vốn liếng của đời anh đó. Cho dù anh có ngồi trên đống vàng, tự hào trên núi danh vọng... nhưng mất em, mất nụ cười và niềm vui của em, là anh mất tất cả đó. Em nói đi, nói anh nghe em muốn gì. Em cần gì, thiếu gì, cứ nói anh nghe, chân trời góc biển nào anh cũng sẽ tìm về đây cho em. Nói đi, nói đi em. Anh sẵn sàng chịu mất tất cả, vứt hết tất cả, chỉ để giữ lại mình em cho đời anh. Chỉ một mình em thôi, là đầy đủ, là hạnh phúc cho anh rồi.”
 
Nàng chớp chớp đôi mắt, long lanh ngấn lệ. Năm thấy vậy thì hơi mừng. Nghĩ rằng nàng vẫn còn cảm giác đối với tình yêu của mình. Nghĩ rằng có thể những lời của mình đã gợi ý cho nàng tìm ra cái gì nàng thiếu. Nhưng rồi, nàng vẫn không nói gì cả.
 
Bây giờ người ta đã bắt đầu đồn đãi rằng vợ của nhà đại nghệ sĩ bị mắc bệnh tâm thần. Năm giảm bớt những buổi trình diễn để quanh quẩn ở nhà với vợ, chờ đợi nàng nói, chờ đợi nàng cười.
 
Cho đến một đêm, Năm về trễ. Không dám làm động giấc ngủ của vợ, Năm nằm ngủ ở sofa phòng khách. Trằn trọc một lúc, trầm tư về cuộc sống của mình với người vợ đang bệnh, Năm thiếp đi một cách mệt mỏi. Bất chợt, Năm giật mình, thấy vợ ngồi kế bên. Bàn tay của Lộc đang ắp trên má hắn. Hắn sung sướng nắm lấy tay vợ, ngồi chổm dậy:
“Em, em... không ngủ hả? Em có điều muốn nói với anh phải không?”
 
Lộc gật gật cái đầu. Trong bóng đêm, mái tóc nàng xõa xuống hai bên vai làm nổi bật khuôn mặt trắng bệch.
“Em nói anh nghe đi. Em buồn điều gì? Em thấy thiếu cái gì, nói đi. Anh sẽ lập tức mang cái đó về cho em bằng mọi giá.”
 
Lộc lắc đầu. Ngồi im một lúc, nàng bắt đầu thủ thỉ:
“Anh có biết em thương anh nhất lúc nào không?”
“Ư... lúc anh âu yếm em... phải không?”
“Không phải.”
“Lúc anh vui cười, nắm tay dắt em đi giữa phố chợ.”
“Không phải. Những cái đó là trong hiện tại. Em muốn nói cái hình ảnh đẹp ở quá khứ kia.”
“Quá khứ à? Từ lúc mới qua Mỹ, hay lúc còn ở Việt Nam?”
“Còn ở Việt Nam.”
“Vậy thì khoảng thời gian hai đứa mới quen nhau chứ gì. Có phải lúc anh giả giọng bà Thanh Thanh, hát mấy bản nhạc tiền chiến kéo nhựa cả tiếng đồng hồ không?”
“Cái đó thì chỉ vui vậy thôi, cái vui cho đám đông, đâu phải cho riêng em.”
“Vậy chứ cái gì, em nói đại đi, anh đâu có nhớ hết được.”
Lộc im.
“Xin lỗi em, để anh nói, để anh nhớ coi nào. Có phải lúc em chận anh lại, hỏi anh có phải anh đang theo em không.”
Lộc lắc đầu.
“Vậy có phải lúc hai đứa đi xem cải lương về... chia tay nhau, em nói em thương anh, anh cũng nói anh thương em, phải không?”
Lộc gật đầu nhiều cái. Năm sung sướng nói tiếp:
“Thật vậy hả, em chỉ nhớ, chỉ mong, chỉ muốn ôn lại cái kỷ niệm đó thôi hả?”
“Không phải chỉ là cái kỷ niệm đó mà là cái giọng nói của anh lúc ấy.”
“Là sao? Anh không hiểu.”
“Cái giọng nói của anh lúc ấy... nó chân tình, ngây ngô, trung hậu, dễ thương, hồn nhiên lắm, anh có biết không?”
“Ơ... chỉ vậy thôi sao? Anh đã nói gì há, à, anh nói 'tui thương em' rồi sau đó anh nói 'anh thương em'... phải không?”
“Phải, nhưng cái giọng lúc đó là cái giọng thật của anh, còn bây giờ đó hả, anh chỉ nói với em bằng cái giọng của người khác mà thôi. Mỗi ngày, mỗi ngày, em cố gắng lắng nghe, để tìm lại cái giọng ngày xưa của anh, nhưng em thấy anh không còn nói bằng cái giọng đó nữa. Giọng của anh bây giờ là giọng của người khác. Ôi, anh có biết không, cho dù là giọng vàng, giọng bạc, giọng của vua, của tổng thống, của siêu sao màn bạc, của ca sĩ lừng danh... của bất cứ thượng đế, thiên thần, thiền sư, triết gia, nhà văn, nhà thơ nào đi nữa... thì vẫn là giọng giả thôi, vẫn là giọng của họ thôi. Hàng ngày anh mang những người ấy, hết người này tới người kia, mang về nhà này, để sống chung trong căn nhà này. Ôi, căn nhà đầy ắp những thượng khách. Em thật là mệt với những hình bóng của các người lừng danh nổi tiếng. Họ thật xa lạ đối với em, chẳng cho em chút thoải mái nào cả. Em không phủ nhận tất cả những thành công của anh lâu nay là do nhờ anh giả được cái giọng của họ y hệt, nhưng đó là trên sân khấu, còn ở đây, trong căn nhà này, trong đời sống hàng ngày bên nhau, em chỉ cần anh, cần cái giọng thật của anh, cái giọng mà hôm nào dưới trăng anh đã ấp a ấp úng nói lời tỏ tình đầu tiên với em... Em chỉ cần có chừng đó thôi. Em chỉ cần cái giọng một trăm phần trăm của anh, không bắt chước, không nhái, không giả, không cóp nhặt, không vay mượn của bất cứ ai trên đời. Anh cho em đi, anh hãy tìm lại giọng nói ấy cho em đi. Em van anh, hãy tìm lại cái giọng ấy cho em, đừng đánh mất nó. Anh đánh mất nó thì làm sao em tìm thấy nó được nữa, hu hu...”
“Được rồi, được rồi... để anh nói lại giọng của anh, để anh nói lại...”
“Không, giọng đó không phải của anh, của ca sĩ Vũ Linh.”
“Để xem, à giọng của anh đây rồi.”
“Không phải, đó là giọng của cựu Trung tướng Nguyễn Minh.”
“Từ từ, chịu khó một chút em ơi, đây nè, giọng anh như vầy nè, 'anh thương em'.”
“Không phải, giọng đó của ông nghị viên thành phố.”
“Anh thương em.”
“Không, giọng đó của nhà văn Phạm Tôn.”
“Anh thương em.”
“Không, của thi sĩ Bùi Lâm.”
“Anh thương em.”
“Không phải.”
“Anh thương em.”
“Không phải.
“Anh thương em.”
“...”
“...”
 
Năm không thể nói lại được giọng nói cũ của hắn. Suốt ngày hắn đi ra đi vào cứ lẩm bẩm “anh thương em” mãi. Hắn không còn đi lưu diễn nữa. Báo chí nhắc đến hắn, nói châm chọc một câu rằng: “đại nghệ sĩ Nguyễn văn Năm bận đi trình diễn show Anh thương Em.” Có báo nói rằng cả hai vợ chồng đại nghệ sĩ đều trở thành những bệnh nhân tâm thần.
 
Những bệnh nhân ấy, người thì lắng nghe, lắc đầu, tìm kiếm, chờ đợi; người thì cứ lẩm bẩm mãi một điệp khúc 'anh thương em'. Điệp khúc ấy, mọi cặp tình nhân trên cuộc đời đều đã từng nói qua, nhắc qua, nhưng không phải ai cũng nói được bằng giọng thật của mình.
 
Vĩnh Hảo