Bàn về nước tiểu
LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com
Nước tiểu của bạn “có khỏe” trong mấy ngày gần đây không?
Ai biết mà nói! Câu hỏi ít ai hỏi mà cũng ít ai có thể trả lời cho thỏa đáng.
Tuy nhiên, bạn nên tự hỏi lòng mình thường xuyên về chất lượng lẫn thể tích nước tiểu mà cơ thể bạn đào thải ra mỗi ngày. Nếu nói rằng đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, thì nước tiểu chính là cửa sổ đi vào lòng cơ thể của mỗi người.
Làm sao biết được, tiểu bao nhiêu thì đủ, bao nhiêu là nhiều và bấy nhiêu là ít?
Thông thường hai trái thận của bạn ngoài việc lọc máu để gạn bỏ chất dơ, còn đóng vai trò điều chỉnh lượng nước và áp suất máu trong cơ thể được cân bằng. Khi dư nước thì thận sẽ thải ra nhiều nước tiểu còn lúc thiếu thì thận sẽ tìm cách hút nước, recycle trở lại. Màu của nước tiểu phản ánh trữ lượng nước trong cơ thể của bạn xem có bị hạn hán hay không, nhất là trong những ngày gió nóng của mùa Hè. Nước tiểu lành mạnh có đượm chút sắc vàng nhạt do những chất cặn do cơ thể thải ra, hòa tan trong đó. Đại khái như khi bạn pha nước đá chanh lemonade, khi ít nước thì màu sẽ đậm hơn, khi nước tiểu có màu vàng đậm có nghĩa là cơ thể bạn đang thiếu nước.
Một số trường hợp, cơ thể bị mất khả năng điều chỉnh nồng độ nước gọi là bệnh diabetes insipidus hay khi bị bệnh tiểu đường, trái thận sẽ thải nước ra nhiều hơn thể tích được giữ lại, bệnh nhân sẽ đi tiểu liên tục không ngừng, lúc nào cũng thấy khát nước và cơ thể rất mệt mỏi. Ngược lại một số người khác lại không tiểu ra giọt nào trong khi cơ thể bị phù thủng là do thận suy hay hư lá gan lây lan qua thận.
Không nên nhầm lẫn với những trường hợp bất thường tạm thời của hệ thống tiểu. Đàn ông bị lớn nhiếp hộ tuyến nhất là người cao tuổi có thể đi tiểu khó khăn hơn và vòi… nước ra không được mạnh cho lắm. Đàn bà khi mới cấn thai có thể đi tiểu nhiều, nhất là tiểu đêm do hormone thay đổi. Phụ nữ lớn tuổi có thể bị sa bọng đái hay sa tử cung gây ra chứng són tiểu. Nếu bị tiểu gắt, quặn đau và phải rặn mới ra được nước tiểu là có thể bị nhiễm trùng đường tiểu.
Bằng cách quan sát màu của nước tiểu, ngoài màu vàng nhạt, bạn cũng có thể biết khi cần phải tham khảo bác sĩ. Nước tiểu đổi màu có thể chỉ vì thuốc men đang uống hay một số thức ăn nhưng cũng có thể trầm trọng hơn như bị nhiễm trùng hay bị ung thư chẳng hạn.
Khi bạn thấy nước tiểu có màu hồng hay đỏ thì nên quan tâm. Phụ nữ đang khi hành kinh có thể thấy máu trộn với nước tiểu, nhưng trong những thời gian khác của chu kỳ kinh nguyệt, phải lưu ý và gọi cho bác sĩ ngay. Đa số trường hợp có máu trong nước tiểu là do bị sạn thận hay bị nhiễm trùng đường tiểu. Nếu màu nước tiểu ngả màu sậm như Cola Cola là dấu hiệu của máu bầm trong đường tiểu do bướu ung thư hay sạn thận, hoặc bị chấn thương hai quả thận, hay chấn thương toàn bộ cơ thể như sau tai nạn xe cộ chẳng hạn.
Khi bạn thấy nước tiểu có màu hồng hay đỏ thì nên quan tâm. Phụ nữ đang khi hành kinh có thể thấy máu trộn với nước tiểu, nhưng trong những thời gian khác của chu kỳ kinh nguyệt, phải lưu ý và gọi cho bác sĩ ngay. Đa số trường hợp có máu trong nước tiểu là do bị sạn thận hay bị nhiễm trùng đường tiểu. Nếu màu nước tiểu ngả màu sậm như Cola Cola là dấu hiệu của máu bầm trong đường tiểu do bướu ung thư hay sạn thận, hoặc bị chấn thương hai quả thận, hay chấn thương toàn bộ cơ thể như sau tai nạn xe cộ chẳng hạn.
Đau gan cũng có thể làm cho ra máu màu nâu. Tuy nhiên một số trái cây rau cải như blackberries hay một số thuốc xổ, nhuận trường cũng làm cho nước tiểu có màu hồng hay màu đỏ. Một số thuốc trị đau khi bị đi tiểu buốt do nhiễm trùng đường tiểu cũng làm cho nước tiểu biến thành màu cam, xanh lơ, tím, hay xanh lá cây.
Trong mọi trường hợp khi nước tiểu bị đục, nguyên nhân có thể bị nhiễm trùng đường tiểu hay những bệnh khác quan trọng hơn.
Sau màu sắc, chúng ta cần lưu ý tới mùi của nước tiểu. Nước tiểu có mùi vị ngọt là do bị bệnh tiểu đường hay một số chứng bệnh không tiêu thụ được amino acid có trong đồ ăn. Đa số chúng ta không ngửi được mùi măng tây trong nước tiểu, nhưng một số người với gene di truyền đặc biệt có thể ngửi được mùi tanh này.
Thử nghiệm nước tiểu có thể cho biết rất nhiều điều về sức khỏe của bạn. Hơn 6,000 năm trước các bác sĩ thời xưa đã biết thử nước tiểu hay soi bọng đái của bệnh nhân. Bác sĩ thời xưa ấy có khi bảo bệnh nhân tiểu lên đất sét, hay có lúc phải… nếm nước tiểu để định bệnh. Một cách thử nghiệm may mắn thay, không cần phải làm nữa.
Ngày nay, nhờ những thử nghiệm rất thường tình như chấm một cái que (dipstick) vào nước tiểu (thay vì phải nếm!) bác sĩ có thể biết gần hết những thay đổi quan trọng trong nước tiểu. Để biết được bạn có vấn đề với hệ thống tiểu tiện, có khi bạn phải hứng nước tiểu trong vòng 24 tiếng đồng hồ để xác nghiệm chất lượng lẫn thể tích xem nhiều hay ít để xem bệnh nhân có bị suy thoái thận hay không. Khi có vấn đề bác sĩ sẽ soi ống dẫn tiểu và bọng đái.
Tóm lại, nên để ý đến màu và mùi của nước tiểu đi đôi với những dấu hiệu bất thường khi đi tiểu và tham khảo với bác sĩ khi có dấu hiệu cần quan tâm.
BS. Hồ Ngọc Minh