Sunday, October 19, 2014

Nguyễn Cao Quyền


Túi Khôn Của Đặng Tiểu Bình


Trong vòng 2000 năm về trước, Trung Quốc luôn luôn đứng ở đỉnh cao nhất trong thiên hạ về cả hai phương diện kỹ thuật và kinh tế, tài chính. Thế rồi, trong 200 năm gần đây, quốc gia hơn một tỷ người này lại bị xa sút về mọi mặt và dân tộc phải sống trong cảng nghèo khổ cùng cực .


Vào cuối thập niên1980, người ta ghi nhận vẫn còn khoảng 40 triệu dân Trung Quốc phải sống trong hang núi và 1/3 dân cư làng xã chỉ kiếm được khoảng 35 đôla/năm, bằng một bữa ăn tối trung bình của người dân New York, Hoa Kỳ. Tuy nhiên dù sao thì đấy cũng chỉ là câu chuyện của dĩ vãng.
 
Tình trạng nghèo khó nói trên, đã chấm dứt từ năm 1979 khi Đặng Tiểu Bình lên nắm chính quyền và thực hiện cải cách. Từ thời gian này nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu cất cánh với một tốc độ làm chấn động thế giời. Cũng từ thời gian này, Trung Quốc đã trở thành một con rồng lớn, đứng bên cạnh những con rồng nhỏ của Á Châu như Đài Loan, Nam Hàn, Hong Kong, Singapore.

Nền kinh tế Trung Hoa bị khựng lại trong hai ba năm giảm phát, nhưng rồi lấy lại sức, tiếp tục phát triển, và phát triển lẫy lừng từ năm 1992. Trước khi Trung Quốc thực hiện thành công kỳ tích phát triển đó ai cũng nghĩ rằng đây là một việc không thể xảy ra đối với một quốc gia có dân số là 1/5 dân số thế giới, và với một nền kinh tế lạc hậu kém phát triển như nền kinh tế của Trung Quốc.

Tại những vùng phát triển mạnh như những tỉnh tại miền duyên hải phía Đông, chủ nghĩa Mác Xít đã chết hẳn. Tại đây, chính trị đã nhường bước cho kinh tế, và từ hai ba thế hệ nay, áp lực cải cách đã đè nặng lên vai của chính quyền trung ương. Trên bàn cờ chính trị thế giới Bắc Kinh đã dấu nhẹm sự chia rẽ nội bộ, những tham vọng vể đất đai, để làm hòa với thế giới xung quanh, ngõ hầu dồn mọi nỗ lực vào phát triển kinh tế.

Những thành tích phát triển kinh tế đáng được ghi nhận

Sau khi nền kinh tế thị trường được khởi động vào đầu thập niên 1980 thì nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đều đặn 10%/năm , trừ thời kỳ giảm phát như đã đề cập đến ở trên. Năm 1992, ngoại thương của Trung Quốc đã tăng lên 166 tỷ đô la , nghĩa là Trung Quốc đã trở thành một quốc gia trong những quốc gia có một nền ngoại thương mạnh nhất thế giới. Dự trữ ngoại tệ dẫn đầu, không thua kém gì Nhật Bản.

Trong 12 năm đầu tiên của cuộc cải cách, Trung Quốc tiếp nhận 20 tỷ đô la đầu tư nước ngoài và đây là một khỏan đầu tư nước ngoài lớn nhất trong thời gian đó. Cũng trong năm 1992 Bắc Kinh lại tiếp nhận thêm 47.000 kế họach đầu tư ngoại quốc mới. Thiên hạ bắt đầu choáng váng vì những con số đầu tư chóng mặt này. Lạm phát có tăng, nhưng tăng rất chậm, không bằng một phần trăm ở Ba Lan và ở Liên Xô trong cùng một thời gian

So sánh với nền kinh tế Liên Xô để thấy sự khác biệt

Nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc thế nào cũng phải thua kém Liên Xô vì dù sao Trung Quốc cũng chỉ là một mẫu hình cóp nhặt của Moscow. Trên thực tế thì điều trái ngược đã xảy ra. Xảy ra là vì Trung Quốc đã theo đường lối phát triển của Nam Hàn chứ không theo đường lối phát triển của người anh em Bon Sê Vích.

Đặng Tiểu Bình đã không theo Moscow mà, trái lại, đã rập khuôn sự phát triển của bốn con tiểu long Đông Á là Nam Hàn, Đài Loan, Hong Kong, Singapore. Ta thử đi sâu vào hai khía cạnh kinh tế và chính trị xem sao.

Thứ nhất : Về phương diện kinh tế
Theo gương các nước NIE (New Industrializing Economies) Bắc Kinh dành ưu tiên cho những công nghiệp và khu vực mà ở đó vốn đầu tư của chính phủ rất ít nhưng lợi tức mang lại rất nhiều, chẳng hạn như trả lại trang trại cho trại chủ và đất đai cầy cấy cho nông dân và cho họ tự do buôn bán trong nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó là chính sách chiêu dụ đầu tư nước ngoài với những đạo luật dễ dàng về mọi mặt. Sau hết là giúp đỡ vốn cho nhữnh ngành công nghiệp nhẹ và trung để họ có thể phát triển nhanh chóng. Các ngành kỹ nghệ như vải, giầy dép, đồ chơi với giá rẻ, tập trung đề xuất cảng nhằm kích động sự tiêu thụ toàn cầu, đã mang lại cho nền ngoại thương Trung Quốc những khỏan lợi tức chưa từng thấy.

So với Liên Xô có sự khác biệt nào? Liên Xô không mấy chú trọng đến ngoại thương và công nghiệp nhẹ, mà chỉ chú trọng đến công nghiệp nặng. Lúc Gorbachev lên cầm quyền thì chỉ hô hào phát triển công nghiệp nặng và kỹ thuật cao. Tất cả những thứ này đều là những thứ đòi hỏi số vốn đầu tư lớn. Đây là những lời căn dặn của Marx mà Gorbachev vẫn chưa quên được và cũng không có sáng kiến để làm khác.

Kết quả là chiến lược phát triển của Liên Xô đã thất bại. Các nước tân dân chủ như Ba Lan, mà theo sát chân Liên Xô cũng thất bại. Gorbachev đã lầm lẫn và một số nước Đông Âu mới dân chủ hóa cũng gặp phải cảnh ngộ khó khăn sơ khởi đó.

Sự khác biệt là ở chỗ : công cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình là chiều theo ý muốn và nhu cầu của người dân, khởi phát từ lòng dân, trong khi cuộc cải cách của Gorbachev lại là những lệnh khởi phát từ trên xuống, từ những sai lầm của lãnh đạo mà người dân chưa bao giờ mong muốn và nhìn nhận.

Một việc tương tự cũng đã xảy ra tại Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Một đằng có thể ví như một chiếc máy bay đang cất cánh, còn đằng kia là chiếc tầu ngầm đang trên đà lặn xuống biển sâu.

Chiến lược phát triển của Đặng Tiểu Bình đã cung cấp ngay hàng triệu công ăn việc làm cho một đám dân chúng thất nghiệp hay bán thất nghiệp. Họ là những người cần có công ăn việc làm nhất, và đợt đầu tư sơ khởi này đã tạo ra một sức mua lớn mạnh như chưa bao giớ thấy trong nền kinh tế của đất nước. Cứ thế, sức mua này lớn dần và lan tràn sang các lãnh vực khác của nền kinh tế quốc gia.

Đợt cải cách nông nghiệp của Đặng Tiểu Bình đã nâng cao lợi tức của nông đân lên gấp đôi trong một thời gian rất ngắn và đã được sự ủng hộ của 800 triệu nhân dân Trung Quốc. Tiếp theo Đặng lại ra tay giúp đỡ và tạo điều kiện cho đám doanh nhân cỡ nhỏ và trung bình “cất cánh”. Trong nhóm này, lẽ cố nhiên lả có kẻ thắng người bại, nhưng những người thắng đã trở thành những doanh nhân năng động và ưu tú nhất của đất nước. Đặng cũng đồng thời gỡ bỏ những ngăn cấm lỗi thời trong hệ thống tài chính, gửi sinh viên ra nước ngoài học hỏi, và bãi bỏ lệnh ngăn sông cấm chợ ở trong nước.

Với tất cả những hành động hợp thời hợp thế nói trên Đặng đã thu phục được dưới trướng những nhóm người ưu tú đông đảo nhất ủng hộ. Cho nên không lạ gì, sau biến cố Thiên An Môn, khi bị thế giới cấm vận, Đặng vẫn đứng vững vì những nhóm người ủng hộ này vẫn còn đó. Ngay cả những nhóm trong quân đội cũng vẫn kiên trì đứng sau hỗ trợ Đặng mặc dầu các ngân khỏan chi tiêu cho sự lớn mạnh của quân đội đã bị Đặng cắt giảm rất nhiều.

Trái lại, bên Liên Xô trong cùng một thời gian, cuộc cải cách của Gorbachev theo lời răn dạy của Lenin vẫn không làm cho nền kinh tế nhúc nhích. Nông dân nói chung, vẫn chểnh mảng và lơ đãng như dưới thời Stalin. Công nhân càng ngày càng bất mãn vì thấy đồng lương của họ bi giảm sụt. Doanh nhân thì sống “ngất ngư” vì lợi tức kiếm được, không những rất khó khăn mà còn dần dần nhỏ hẹp lại. Quân đội không tin tưởng vì thấy vũ khí của họ không được hiện đại hóa nhanh bằng vũ khí của phương Tây. Có thể nói Gorbachev đã thất bại, và Liên Xô đã sụp đổ vì sự thất bại đó.

Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng và lẫy lừng vì Đặng Tiểu Bình đã khôn ngoan nhận ra rằng muốn thành công thì phải đi theo mấy con “tiểu long Á Châu” vì Trung Quốc chính là một phần của vùng đất Á Châu đang trên đà phát triển này.

Đặng đã nghiên cứu và đã thấu triệt những bài học kinh tế chính yếu mà các nước đàn em xung quanh đã mang lại. Đặng đã hiểu được vai trò của doanh nhân trong thời hiện đại, hiểu thế nào là thị trường tài chính, thế nào là kỹ thuật cao, thế nào là những tương tác mậu dịch mới trên địa bàn thế giới. Đặng đã học được những thứ đó từ hai vùng đất tư bản có tên là Hong Kong và Đài Loan.

Trên đà phát triển của chúng, bốn con tiểu long Châu Á đã giúp Trung Quốc phát triển theo bằng cách mang vào Trung Quốc những xí nghiệp khao khát đất đai và nhân công rẻ. Đi tìm nhân công rẻ, họ đồng thời cũng mang vào Trung Quốc những tương quan mậu dịch quốc tế và những kỹ thuật cạnh tranh hiện đại cho Trung Quốc.

Thứ hai : Về phương diện chính trị
Về phương diện chính trị, nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ” cũng đã đóng góp vào tiến trình phát triển rất nhiều. Nguyên tắc này là một chính sách ngoại giao khôn khéo của Đặng Tiểu Bình, đưa ra sau biến cố Thiên An Môn. Sau biến cố này Trung Quốc đã bị thế giới cô lập và nền kinh tế củ Trung Quốc đã khựng lại không phát triển theo những con số mong muốn.

Trước viễn tượng nguy hiểm đó, Đặng sửa sai bằng cách thay đổi chính sách ngoại giao để vừa lấy lại sự tín nhiệm của thế giới vừa lợi dụng được sự hợp tác của những vùng đất có một chế độ chính trị khác biệt như Hong Kong, Macao và Đài Loan. Những vùng đất này đã trở thành trung gian hợp tác giữa Trung Quốc và thế giới bên ngoài, giúp cho nền kinh tế của Trung Quốc nhanh chóng hiện đại hóa và phát triển đều đặn không đứt quãng.

Bằng nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ” Đặng Tiểu Bình đề nghị : tất cà những vùng mới thu hồi độc lập như Hong Kong (1997) Macao (1999) và Đài Loan, tuy đều thuộc chủ quyền của Bắc Kinh, nhưng vẫn có thể giữ lại chế độ chính trị tư bản mà họ muốn thêm 50 năm nữa. Riêng Đài Loan còn có thể giữ lại cả quân đội của họ. Chỉ có các vấn đề đối ngoại và an ninh là phải do Bắc Kinh phụ trách.

Khi nguyên tắc này được mang ra áp dụng thì cả ba khối dân chúng tại Hong Kong, Macao và Đài Loan đều đồng thanh phản đối vì sợ bị Bắc Kinh đánh lừa. Mặc cảm sợ bị đánh lừa nặng nhất ở Hong Kong vì trong thời gian Thiên An Môn, Hong Kong đã hỗ trợ tài chính cho các phần tử ly khai tại lục địa, giúp họ ra vào Trung Quốc một cách bí mật, tuyên truyền yềm trợ hành động của họ và, đặc biệt hơn cả, nhóm của lãnh tụ ly khai Martin Lee còn công khai kêu gọi lật đổ chính quyền Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trước những hành động nói trên, phản ứng của Bắc Kinh rất từ tốn. Họ chỉ ưa ra những bản văn “phản đối” rất hòa bình nhắc lại những cam kết mà hai bên đã thỏa thuận. Bên cạnh những phản đối viết này, không hề có một sự đe dọa trừng phạt nào, hoặc một sự trả đũa nào khác.

Thời gian trôi đi và dưới con mắt quan sát vô tư của thế gới bên ngoài thì Bắc Kinh đã giữ đúng lời hứa. Sự hỗ tương tín nhiệm tăng dần và đã đưa đến việc cả hai bên cùng hỗ trợ tài chính cho công ty phát triển giao thông PADS (Port and Airport Develop-ment Scheme) xây dựng một chiếc cầu dài nhất và tốn kém nhất thế giới nối liền Hong Kong với lục địa. Một phi trường mới cũng được công ty PADS xây dựng trong cùng một thời gian.

Giao thông liên lạc giữa Hong Kong và lục địa tở nên xầm uất và phồn thịnh. Tiền đầu tư nước ngoài chảy vào Trung Hoa như thác đổ và nền kinh tế cùa xứ này phát triển nhanh chóng và lẫy lừng như chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử.

Công việc Đài Loan và Bắc Kinh xích lại gần nhau thì gặp nhiều khó khăn hơn. Trước thập niên 1970 lãnh đạo của hai bên nhìn nhau như những tội phạm chiến tranh cần tiêu diệt. Giao thông và giao thương qua eo biển Đài Loan bị tuyệt đối cấm chỉ. Pháo binh lục địa thi nhau nã đạn thường xuyên vào hai hòn đảo nhỏ che chở Đài Loan là Kim Môn và Mã Tổ.

Khi Đài Loan bắt đầu đợt cải cách chính trị đầu tiên thì Bắc Kinh đưa ra đề nghị “một quốc gia hai chế độ”. Taipei từ chối ngay lập tức, không thắc mắc và cũng không suy nghĩ. Nhưng rồi qua thời gian sự căng thẳng giữa đôi bên gỉam dần cường độ. Đài Loan không thể thờ ơ mãi với những cơ hội làm ăn “ngàn năm một thuở” với Bắc Kinh. Những cuộc đi lại giữa đôi bên qua ngả Hong Kong tăng dần khi pháo binh Trung Quốc thôi nhả đạn sang đảo quốc.
Năm 1989 Giám Đốc Ngân Hàng Trung Ương Đài Loan đến Bắc Kinh họp hội nghị các ngân hàng phát triển Á Châu. Năm 1992 tỷ số doanh thương giữa Đài Loan và lục địa đạt tới những mức “nóng” nhất thế giới: ngoại thương lên tới 7 tỷ Mỹ Kim, đầu tư của Đài Loan vào lục địa lên tới con số 8.4 tỷ, với 7.500 kế hoạch.

Những công nghiệp không cần kỹ thuật cao như giầy dép, quần áo, đồ chơi trẻ em thi nhau vượt eo biển vảo lục địa. Giữa các năm 1987-1992, 3 triệu du khách Đài Loan mang tiền và kiến thức thời đại vào phổ biến trên đất nước Trung Hoa. Đây là con số kỷ lục như chưa bao giờ thấy trong quan hệ giao thông và giao thương giữa hai bên.

Tiềm lực phát triển của Đài Loan mang vào Trung Quốc bắt đầu lớn hơn tiềm lực của Hong Kong. Sự tiến bộ của Đài Loan từ một chế độ gần như toàn trị sang một chế độ độc tài, rồi sang một chế độ chuyên chính lỏng lẻo, rồi sang một chế độ dân chủ đã hấp dẫn dân chúng lục địa, và họ gọi đó là “diễn biến hòa bình”.

Ngọn lửa doanh thương và đầu tư đến từ Hong Kong và Đài Loan hiện nay đang lan dần trên khắp lục địa Trung Hoa và không ai dập tắt được. Chất cháy đổ vào ngọn lửa đó là giá đất đai và nhân công rẻ, cộng với tay nghề cao và sự chăm chỉ của giai cấp công nhân trẻ tuổi. Tiền đầu tư, kỹ thuật tiên tiến và những kiến thức về thị trường hiện đại của Đài Loan và Hong Kong là dưỡng khí làm cháy ngọn lửa rừng khó tắt đó.

Sự hợp tác giữa Trung Quốc và một số nước Á Châu-Thái Bình Dương đã dẫn nhân loại sang một con đường mới, nhưng không phải là con đường phát triển cộng sản. Đặng Tiểu Bình đã chọn thống nhất đất nước bằng một cái đầu nguội, nhẫn nại và thông minh. Thay vì dùng kinh tế Mác Xít, Đặng đã dùng thời gian để chuyển hóa chế độ, đã lấy lại tín nhiệm của thế giới khi thấy sự tín nhiệm đó là cần thiết.
 
Tập Cận Bình khi mới “lên ngôi” đã trông thấy ở Đặng một “vĩ nhân” của thời đại và muốn bắt chước đi theo con đường khôn ngoan đó. Lộ trình còn lại vào lúc này là làm sao dẫn dắt được dân tộc Trung Hoa tiến sang chế độ “dân chủ” một cách hòa bình. Làm sao giải quyết được một cách êm đẹp ngọn lửa dân chủ hiện đang bốc cháy ở Hong Kong và đừng để Hong Kong biến thành một Thiên An Môn thứ hai của Trung Quốc.
 
Nguyễn Cao Quyền
Tháng 10 năm 2014