Mai Hương - ngọt ngào tình chị
Ngẫm lại, có lẽ người bạn đồng hành với người viết vì gắn bó và ca hát với nhau lâu dài nhất chính là chị Mai Hương. Chị lớn hơn người viết năm tuổi, cùng sinh vào cuối năm và lại cùng ngày, nên năm nào cũng nhớ chúc sinh nhật nhau.
Ngày xưa Mai Hương hát ban nhi đồng do Minh Trang sáng lập. Thời ấy chị 12 tuổi, và Quỳnh Giao mới lên 7 - mà cũng chưa có tên là Quỳnh Giao. Lũ nhi đồng như Quốc Thắng, Kim Chi, Tuấn Ngọc, Tuấn Tùng và... Ðoan Trang, là tên người viết, nhìn chị và nghe chị hát với sự say mê. Vì chị hát vững vàng và điêu luyện như người lớn.(Mai Hương cùng Bạch Tuyết và em trai (đã mất) bên song thân là Kiều Hạnh và Phạm Ðình Sĩ. (Hình: Tác giả cung cấp)
Lớp ca sĩ thiếu nhi đó còn có cả Bích Chiêu (chị lớn của Tuấn Ngọc), Mai Hân, Bạch Tuyết (em gái của Mai Hương) và Anh Minh (anh lớn của người viết) nữa. Nhưng đều thua đàn chị Mai Hương. Từ các ca khúc về lịch sử như “Ngày Xưa” của Hoàng Phú, hay “Hồ Lãng Bạc” của Xuân Tùng, tới những bài thật khó về kỹ thuật như “Bình Minh Ca Khúc” của Võ Ðức Thu hay “Chú Cuội” của Phạm Duy, chị diễn tả ngọt ngào và ý nhị.
Ngày ấy chị thường song ca với Anh Minh, còn mình nhỏ hơn năm tuổi thì hay song ca với Bạch Tuyết. Sau đó thì thân mẫu người viết nhường ban nhi đồng cho cặp nghệ sĩ Phạm Ðình Sĩ và Kiều Hạnh làm trưởng ban và đổi tên ban là Tuổi Xanh. Hai nghệ sĩ này là song thân của Mai Hương, bác Phạm Ðình Sĩ là anh của Hoài Trung Phạm Ðình Viêm, Hoài Bắc Phạm Ðình Chương và hai cô Thái Hằng, Thái Thanh
Thời kỳ này bác Kiều Hạnh cho trình diễn những vở nhạc kịch thật nghệ thuật như “Thỏ Ngọc” của Thế Lữ và Phạm Ðình Chương. Cho đến giờ người viết vẫn không quên được giọng ca trong vắt ngọt ngào và đầy tình cảm của chị trong vai thỏ ngọc:
Ðây là đâu, đây là đâu?
Cung tiên hay địa ngục?
Vui vẻ hay âu sầu...
Quỳnh Giao không có chị, chỉ có anh trai, em trai và một bầy bốn đứa em gái. Thường bắt gặp cảnh hai chị em Mai Hương và Bạch Tuyết quây quần, quấn quít, tỉ tê nói chuyện với nhau, mình thèm có người chị. Và đã từ lâu, xem Mai Hương như chị ruột của mình.
Thời gian trôi qua, cả hai chúng tôi lớn dần. Năm chị 19 và mình thì mới 14, cả hai được mời hát hợp xướng với dàn nhạc đại hòa tấu của trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn với phần hòa âm và cây đũa điều khiển của nhạc trưởng người Ðức, ông Otto Solhner. Tác phẩm là bản Trường ca “Con Ðường Cái Quan” vừa được Phạm Duy hoàn tất.
Một buổi trình diễn thật trang trọng diễn ra tại rạp hát Norodom tức là rạp Thống Nhất. Sau đó là một chuyến viễn du bằng xe lửa đi Ðà Lạt hát một tuần lễ liền. Hai chị em có hai bà mẹ nổi danh đi kèm. Bác Kiều Hạnh và mẹ Minh Trang!
Chúng tôi không bao giờ quên được kỷ niệm đẹp của chuyến đi xe lửa có toa couchette. Lần đầu được đi Ðà Lạt, nhìn ngắm phong cảnh xinh đẹp hữu tình của đất nước, được nghe chú Phạm Duy kể chuyện thật lôi cuốn cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp (vì nói với ông Solhner). Ðược mặc áo đẹp đi ăn nơi nhà hàng sang trọng và thịnh soạn ở khách sạn Lâm Viên. Khung trời Ðà Lạt nên thơ quá, mơ mộng quá, khiến hai chị em ngẩn ngơ...
Bây giờ nhớ lại thì tiếc nhất là khung cảnh thanh bình của thời xa xưa.
Mai Hương bắt đầu hát ban “người lớn” khi 18 tuổi. Người viết thì vẫn còn hát ban... nhi đồng. Nhưng tới 15 tuổi, là sau chuyến đi hát ở Ðà Lạt về, thân mẫu bỗng mất giọng và từ đó người viết bắt đầu lên “ban người lớn” với Mai Hương. Tuy là hai nhóc ít tuổi nhất đài phát thanh, nhưng lại được cộng tác với hầu hết các ban nhạc trong cả hai đài phát thanh Quốc Gia và Quân Ðội.
Sở dĩ được chiếu cố như thế là nhờ vững nhạc lý, cầm bài là hát ngay, không phải tập dượt trước. Chúng tôi hát đơn ca cũng được, mà hợp ca hay hát bè phụ họa, là việc khó hơn, cũng đều được, cho nên mới “đắt hàng” như vậy. Và có lẽ cũng còn do tính tình hòa nhã, lễ phép, có kỷ luật nên các trưởng ban mới yêu mến
Mai Hương và Quỳnh Giao thường nhắc chuyện xưa và tự hào là bước vào nghề dễ dàng. Suốt ba thập niên 50, 60 rồi 70, hai chị em gặp nhau hàng ngày. Có khi ba lần trong ngày, từ đài Sài Gòn qua đài Quân Ðội. Cuối thập niên 60 lại có thêm đài Tiếng Nói Tự Do (phát ra Bắc) và đài vô tuyền truyền hình nữa.
Tháng 4, 1975 cả nước nhốn nháo. Chúng tôi lại may mắn gặp nhau trên xứ người. Lại được hát với nhau, không nhiều như xưa nhưng vẫn còn được hát. Thời gian đầu thì song ca, sau đó có thêm Kim Tước thành ban tam ca “Tiếng Tơ Ðồng,” để nhớ tới nhạc sĩ Hoàng Trọng ở nhà. Ðầy ắp những kỷ niệm khó quên về nghệ thuật và tình bạn.
Người đời có câu “văn là người” để nói về các nhà văn. Trong âm nhạc, trường hợp Mai Hương cũng đúng như vậy. Tiếng hát là người. Nếu ai hỏi người viết nghĩ gì về giọng ca Mai Hương. Câu trả lời là “giọng hát ngọt ngào hiền dịu nhất của tân nhạc Việt Nam
Có nhiều cách thưởng thức giọng hát Mai Hương. Nếu thích ngọt thì giọng chị là dòng suối ngọt êm. Cứ nghe Mai Hương hát “Em Tôi” của Lê Trạch Lựu, hay “Xuân Tha Hương” của Phạm Ðình Chương thì rõ. Nếu thích một chút lẳng lơ, mơn trớn, thì giọng Mai Hương như rượu nồng vừa nhấp. Hãy nghe chị hát “Cùng Một Kiếp Hoa” hay “Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng” thì ngất ngây ngay đấy.
Nếu Kim Tước là giọng hát đẹp trang trọng, quý phái vẻ kiêu sa, thì giọng Mai Hương đẹp thùy mị dịu dàng, vẻ đẹp gần gũi mà gia đình nào cũng thích nghe thấy trong nhà.
Mai Hương có lối nhả chữ rất tròn. Các tác giả khó tính cũng phải hài lòng về cách phát âm rõ ràng của chị. Rõ mà êm chứ không cứng. Có lần người viết hỏi Hoàng Trọng là theo ông, ai là người hát bè “quyện” nhất. Người nhạc sĩ ngẫm nghĩ giây lát rồi trả lời thật gọn: Mai Hương. Hoàng Trọng là “vua” viết bè và phụ họa. Ngoài tài sáng tác, ông từng viết cho ban tam ca Mộc Kim Châu (Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà) thập niên 50. Từ lúc có ban Tiếng Tơ Ðồng thì nghệ thuật viết hợp ca của ông lên tột đỉnh. Nhận định của ông thì không thể sai
Quả thật vậy, Mai Hương có thể hát với Thái Thanh, với Kim Tước, với Hà Thanh, với Khánh Ly và dĩ nhiên là hát với Quỳnh Giao nữa chứ! Mà hát với ai cũng quyện mới hay. Giờ này, mình vẫn còn có thể tìm nghe Mai Hương hát 10 bài “Ðạo Ca” với Thái Thanh thì thấy thế nào là quyện. Nhờ chất giọng rất êm nên khi đi bè không lộ giọng của mình. Ðó là kỹ thuật thượng thừa mà trong nghề mới biết rõ.
Biết bao lần đặt bút xuống để viết về chị, Quỳnh Giao chỉ sợ mối giao tình với Mai Hương làm mình sẽ khó vô tư khách quan như một người nghe nhạc bình thường. Có những nghệ sĩ cuộc đời lớn hơn sự nghiệp, hoặc ngược lại. Với Quỳnh Giao, giọng hát và cuộc đời Mai Hương là một.
Quỳnh Giao