Monday, January 20, 2014

R.I.P



R.I.P
Nhạc sĩ Lê Cao Phan
(1923-2014)


Nhạc sĩ Lê Cao Phan đã giã biệt cõi trần lúc 00 giờ 30’ ngày 2 tháng 1 năm 2014 tại Sài Gòn, hưởng thọ 92 tuổi.


Nhạc sĩ Lê Cao Phan, pháp danh Quảng Hội, pháp tự Nhuận Pháp, sinh ngày 25/09/1923 dương lịch (tức ngày 15 tháng 8 năm Quý Hợi âm lịch) tại làng Ngô Xá Đông,quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình truyền thống Nho giáo và quy ngưỡng Phật giáo.
 
Nhạc sĩ Lê Cao Phan đã có nhiều đóng góp cho Phật giáo Việt nam nói riêng và nền văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung.  Ông đã từng là nguyên trưởng ban hướng dẫn gia đình Phật tử Thừa Thiên-Huế (1951-1953), nguyên Ủy viên văn nghệ ban Hướng dẫn Trung ương gia đình Phật tử Việt Nam, và gần đây nhất ông được tấn phong là huynh trưởng cấp Dũng của gia đình Phật tử Việt Nam (2013).
 
Về mặt âm nhạc, đặc biệt, ông là tác giả của ca khúc “Phật Giáo Việt Nam”, một bài hát gắn liền với lịch sử Phật giáo nước nhà trong hơn 55 năm qua, trở thành Đạo ca của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (theo Quy định tại Điều 4, Chương I, Hiến chương Tu chỉnh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc GHPGVN, kỳ VI, 2007).
 
Ông cũng là tác giả của các bài trại ca chính thức như Huyền Trang Ca, Đồng Ca Kết Đoàn, và Vườn Xanh. Đáng ghi nhận là nhạc sĩ Lê Cao Phan đã có công viết  5 tập nhạc Thiếu nhi dùng trong học đường trước 1975 mà những ai đã học ở miền Nam Việt Nam đều biết. Một số ca khúc thiếu nhi tiêu biểu của ông như Ba Bà Đi Bán Lợn Con, Hai Chú Gà Con, Vui Đi Học, Ca Mùa Học Vui, Lòng Hiếu Chim Oanh Vũ, Tập Tầm Vông, Ra Chơi, Bài Ca Tình Bạn, v.v. Ông còn viết lời ca tiếng Pháp, tiếng Anh cho các ca khúc thiếu nhi như Tiếng Gà Gáy Sáng, Chuột Cắp Trứng, Chim Mất Con… Về tình khúc thì ông viết rất ít nhưng vẫn có một số bài được các ca sĩ hát trên các đài phát thanh Pháp Á và đài Huế trong thập niên 1950-1960…
 
Nhạc sĩ Lê Cao Phan còn là một nhà dịch thuật đa tài.  Ông đã được tổ chức UNESCO tài trợ để dịch Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du từ tiếng Việt sang tiếng Pháp (Histoire de Kiều) và tiếng Anh (The Story of Kiều).  Ông cũng đã dịch truyện Kiều sang quốc tế ngữ Esperanto (La Rakonto Pri Kjeu).  Ngoài ra, ông cũng là dịch giả của tác phẩm Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi sang tiếng Anh, Pháp, và được nhà xuất bản Văn học ấn hành vào năm 2000.
 
Nhạc sĩ Lê Cao Phan còn là một họa sĩ và điêu khắc gia.  Từ năm 1962 đến 1975, ông đã có 4 lần triển lãm tranh sơn dầu tại Sài Gòn.  Ông còn là nhà điêu khắc tượng Bồ tát Thích Quảng Đức và một số tượng của bạn bè và người thân khác.
 
Nhạc sĩ Lê Cao Phan có 3 người con trai và 4 người con gái.  Tất cả đều đã thành đạt và đang sống tại Sài Gòn, Canada, và Pháp.


Vỉdeo