Monday, November 2, 2009

GS Tôn Thất Thiện


CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM

MỘT VIÊN NGỌC QUÝ TRONG KHO TÀNG TƯ TƯỞNG,
MỘT ĐÓNG GÓP LỚN VỀ SOI SÁNG VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN

Trích dẫn

VI.
Vấn đề “khung cảnh chính trị” là vấn đề tìm cho Việt Nam “một chính thể thích nghi cho Dân Tộc”. Chính thể đó “không phải định đoạt do một sự lựa chọn căn cứ trên những lý thuyết chính trị hay là những nguyên nhân triết lý, mà sẽ được quy định một cách rõ rệt bởi hoàn cảnh địa dư và lịch sử của chúng ta, cùng với trình độ phát triển của Dân Tộc….” Đặt vấn đề như vây là xét vấn đề phát triển từ góc đô địa lý chính trị và văn hoá, một lối tiếp cận vấn đề phát triển mới và độc đáo.Một điều độc đáo và mới nữa là trong sự tìm một con đuờng thích nghi cho sự phát triển Việt Nam, Tùng Phong chú tâm vào nguy cơ Việt Nam bị xâm lăng, và đặc biệt nguy cơ bị lệ thuộc Trung Hoa. Trong sự cứu xét kỹ vấn đề này ông đã đưa ra những cảnh báo có tính cách tiên tri, vì tuy đưa ra cách đây 50 năm, ngày nay nó đang xảy ra ngay dưới mắt chúng ta. (Hình phải Ông Ngô Đình Nhu,bút hiệu Tùng Phong-tác giả Chính Đề Việt Nam)

Tùng Phong đặt sự phân tách vấn đề trên hai dữ kiện:
1/ hoàn cảnh địa dư lịch sử của Việt Nam, và
2/ tình trạng nội bộ của Việt Nam.

Ngay trong trang mở đầu của tác phẩm, ông đã đặt vấn đề như sau:“Việt Nam là một nước nhỏ – về dân số, về lãnh thổ, về kinh tế kém phát triển, về phần đóng góp vào văn minh nhân loại. Cho nên lúc nào cũng bị các nước lớn chi phối, lúc nào cũng sống dưới sự đe dọa liên tục của ngoại xâm, và “và lúc này hơn lúc nào hết, nạn ngoại xâm vẫn đe dọa Dân Tộc Việt Nam”. (CĐVN, tr. 13) Ở một đoạn dưới Tùng Phong cảnh báo:“bao giờ yếu tố đó chưa thay đổi thì họa xâm lăng vẫn còn”.(CĐVN, tr. 236).

Nói đến “địa dư” là nói đến sự kiện Việt Nam nằm sát biên giới Trung Hoa. Nói đến “tình trạng nội bộ của chúng ta” là nói đến tình trạng Bắc Việt đã chọn con đường Cộng Sản, nghĩa là chế độ Độc tài Đảng trị như Trung Hoa.Phương pháp Độc tài Đảng trị là một phương pháp hấp dẫn đối với nhiều người lãnh đạo khi có một chương trình vĩ đại cần được thực hiện trong một thời gian ngắn vì nó dưạ trên căn bản chặt hết các dây liên hệ của từng cá nhân bất cứ dưới hình thức gia đình, xã hội, tôn giáo và văn hoá, và thay vào đó bằng những liên hệ duy nhứt với một Đảng chính trị duy nhứt nắm chính quyền. Nó biến mỗi cá nhân thành ra một bộ phận rất dễ sai khiến, dễ uốn nắn của bộ máy khổng lồ nhiều khả năng nhưng cũng dễ xử dụng trong tay người lãnh đạo. (CĐVN, tr. 302-304)

Nhưng, về phần miền Nam thì Tùng Phong quả quyết: nếu bây giờ chúng ta chưa có ý thức rõ rệt chính thể ấy phải thế nào, thì ngay bây giờ chúng ta có thể quan niệm được rằng “chính thể đó không thể là một chính thể chuyên chế hay độc tài được. Đó là một thái độ rất rõ rệt” (CĐVN, tr.244-245).

Lý do của thái độ dứt khoát trên đây là một chế độ Độc tài Đảng trị không thể đưa đến một trạng thái điều hoà mới trong đó tiêu chuẩn mới sống chung với tiêu chuẩn cũ, “vì [nó] phủ nhận quyền tư hữu, bài trừ tôn giáo, vân vân, đã nhân danh quyền lợi của cộng đồng mà bóp chết cá nhân, do đó tiêu diệt trạng thái thăng bằng đồng tiến căn bản trong một cộng đồng, giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi cộng đồng. Trạng thái thăng bằng biến mất, vì hai lực lượng tương phản không còn để tạo ra một cuộc phối hợp sáng tạo. Sinh lực sáng tạo không có thì sự tiến hoá trong tương lai của cộng đồng không bảo đảm” (CĐVN, tr. 305).

Không có một quốc gia Tây phương nào thực hiện phát triển bằng Độc tài Đảng trị. Ngay cả Nga Sô cũng phải từ bỏ chế độ đó và trở về với những giá trị tiêu chuẩn có tính cách di sản của nhân loại. Bài học của Nga Sô chứng minh rằng phương pháp Độc tài Đảng trị Cộng Sản không thế nào bảo đảm được sự thành công của một công cuộc phát triển Dân Tộc toàn diện. Nó đòi hỏi phải thay thế các giá trị tiêu chuẩn, và đả phá tận nền tảng Mác-Lê. Lãnh đạo Nga Sô không muốn vậy, nhưng “thực tế lịch sử đã dồn họ vào cái thế không làm sao không thay đổi được”. Điều nhận xét nay được đưa ra năm 1960, 40 năm trước khi khối cộng sản tan rã, và Liên Bang Nga Sô và Đảng Cộng Sản Liên Sô bị giải thể….

Trong bối cảnh trên đây, câu hỏi được đặt ra là: sau khi độc lập đã khai phục, Dân Tộc chuyển qua giai đoạn phát triển, đường lối Cộng Sản còn thích hợp hay không? Giải đáp cho câu hỏi này liên quan đến sự bang giao giữa Trung Hoa và Việt Nam.

Về phía Trung Hoa, Tùng Phong nhận xét:“Trong quá khứ, ngay những lúc ta chiến thắng Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng khôn ngoan hoà thuận với Trung Quốc và tự đặt mình vào chế độ thuộc quốc. Nhưng điều mà Trung Quốc muốn không phải là Việt Nam chỉ thần phục và triều cống Trung hoa, suốt thời gian gần một ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy lại mảnh đất mà Trung Hoa coi như tạm mất” (CĐVN, tr. 235)

Tùng Phong nhắc lại rằng trong 900 năm (939-1840) Trung Hoa đã bẩy lần toan chiếm Việt Nam.“Một hành đông liên tục như vậy nhứt định có nghĩa là tất cả các triều đại Trung Hoa đều theo đuổi một chính sách, đặt nền thống trị trên lãnh thổ Việt Nam. Chính sách này do một điều kiện địa dư và kinh tế định: lưu vực sông Hồng Hà là đường thoát ra biển thiên nhiên của các tỉnh Tây Nam của Trung Hoa. Đã như vậy, ngay từ bây giờ [1960], ý định của Trung Hoa vẫn là muốn thôn tính, nếu không phải hết nước Việt Nam, thì ít ra cũng Bắc phần…” (CĐCV, tr. 235)

Thế còn dữ kiện Trung Cộng ủng hộ viện trợ cho Việt Nam, và đặc biệt đã giúp Việt Nam thắng trong trận Điện Biên Phủ? Tùng Phong giải thích: “Trung Cộng đã viện trợ cho Bắc Việt vì, trong hoàn cảnh phát triển nghiêm khắc của họ, họ phải nỗ lực vận động một mặt trận đồng minh thế giới làm hậu thuẫn cho chương trình phát triển của họ. Vả lại ta phải tự hỏi: họ đã gíúp khí giới kỹ thuật và phương tiện cho Việt Nam chiến thắng vì họ thân Việt Nam hay vì họ bài Mỹ, và khi viện trợ như vậy họ coi Việt Nam là một đồng chí Cộng Sản hay là một phần đất cũ xưa kia, và nay sắp gần được gồm thâu vào lãnh thổ của họ”?( – nt–)

Với cuộc phát triển đang thực hiện “nước Tàu của Mao Trạch Đông còn cần dùng con đường ra biển “hơn cả các triều đại trước đây của Trung Hoa”. Viện trợ cho Bắc Việt, trên quan điểm đó, là để dành quyền sử dụng con đường ra biển ‘khi thời cơ đến” (CĐCN, tr.29).

Cho nên “Đối với Dân Tộc Việt Nam, Trung Hoa của Mao Trạch Đông, cũng như của các triều đại Nguyên, Tống, Minh, Thanh là một đe dọa truyền kiếp” (CĐVN, tr. 286)..Những nhận xét trên đây được đưa ra vào khoảng năm 1960. Ngày nay, 50 năm sau, trong bối cảnh Trung Hoa cưỡng chiếm các đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, hải phận Vịnh Bắc Việt, v.v…, nó nói lên sự sáng suốt của những người lãnh đạo Cọng Hoà I, và sự thất thiệt lớn lao cho xứ sở do sự mất những người lãnh đạo này do những biến cố năm 1963 gây nên.

VII.
Những điều vừa trình bày trên đây cho phép trả lời một cách dứt khoát câu hỏi: ngày nay, đường lối Cộng Sản còn thích hợp không? Giải đáp là: Không. Không những đúng cho thời gian 1960, mà hiện nay, 2009, lại còn đúng hơn nữa. Nhưng điều quan trọng là ta phải hiểu cho thật rõ: tại sao, như Tùng Phong giải thích dưới đây.

Chủ trương Cộng Sản chẳng những không giải quyết được vấn đề của Quốc Gia Việt Nam trong thời kỳ này [1960] của cộng đồng, mà lại “sẽ đưa Dân Tộc vào một con đường đen tối cho nhiều thế hệ tương lai” (CĐVN, tr.27) và “sự gắn liền vận mạng của chúng ta vào vận mạng Trung Cộng là một hành động di hại cho Dân Tộc” (CĐVN, tr. 290).

Tùng Phong nhận xét: mối liên hệ giữa Cộng Sản Việt Nam với Trung Quốc làm “tái hiện dũng mãnh”, sau một trăm năm vắng mặt, “ký ức thời kỳ thống trị tàn khốc của Tàu đối với chúng ta”, và cảnh báo:

Các nhà lãnh đạo miền Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà còn đe dọa sự tồn tại của Dân Tộc…”

Sở dĩ ngày nay [1960], sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt Nam bị Bắc Việt thôn tính, thì sự thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian” (CĐVN, tr. 301).

Ngày nay, năm 2009, những cảnh báo trên đây không còn là cảnh báo nữa, mà đã thành hiện thực: sự thôn tính Nam Việt bởi Bắc Việt đã mở đường cho Trung Quốc thôn tính toàn Việt Nam.

Tùng Phong viết: “Các nhà lãnh đạo phía Bắc vẫn chưa nhận thức được nguy cơ đang đe dọa Dân Tộc và những ngày đen tối của chúng ta vẫn còn tiếp tục” vì “những người lãnh đạo này đang còn say mê thuyết Cộng Sản và đương nhiên đưa nó lên hàng một chân lý” trong khi Nga Sô và Trung Cộng chỉ coi nó là một phương tiện. Đưa một phương tiện của người lên làm chân lý của mình là mặc nhiên hạ mình xuống thấp hơn một bực đối với các lãnh tụ cộng sản quốc tế, “và tự biến mình thành một thứ nô lệ trí thức cho người sai khiến”. Vì vậy cho nên, trong nhiều hành động chính trị của các nhà lãnh đạo phía Bắc “lý thuyết được để lên trên quyền lợi Dân Tộc” (CĐVN, tr. 290).

Vì sự lệ thuộc về lý thuyết, các lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã hy sinh quyền lợi Dân Tộc Việt Nam cho quyền lợi của Dân Tộc Trung Hoa. Nếu đặt quyền lợi của Dân Tộc trên hết, “thì không có lý do gì để binh vực sự gắn liền vận mạng công cuộc phát triển của chúng ta với vận mạng công cuộc phát triển của Trung Cộng” (CĐVN, tr. 338).

Tùng Phong nói :”sự gắn liền vận mạng của chúng ta vào vận mạng Trung Cộng là một hành động di hại cho Dân Tộc”. (CĐVN, tr. 290) Sự áp dụng các phương pháp huy động nhân lực Trung Cộng vào trường hợp Việt Nam, mặc dầu hoàn cảnh phát triển của chúng ta không hề đòi hỏi những phương tiện như vậy, là “làm sống lại tâm lý thuộc quốc gần như đã chết trong thế kỷ, của những người tự ty mặc cảm trước “Trung Hoa vĩ đại”, lúc nào cũng xem Việt Nam là “một Trung Hoa con con” (CĐVN, tr. 342). Nếu Trung Hoa diễn tuồng trên sân khấu 100 m2, Việt Nam cũng phải diễn cùng một tấn tuồng trên 1 m2. “Ngày nay, vì nước Tàu thi hành phương pháp Độc tài Đảng trị kinh khủng một cách rộng lớn, thì Bắc Việt cũng phải thi hành phương pháp Độc tài Đảng trị kinh khủng một cách nho nhỏ” (- nt -)

Sự quy phục thuyết Cộng Sản “sẽ đương nhiên biến sự đe doạ thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam thành thực tế…”; các nhà lãnh đạo Cộng Sản áp dụng phương pháp Độc tài Đảng trị ở Việt Nam “sẽ đương nhiên tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Cộng xâm chiếm Việt Nam” vì phương pháp đó “sẽ suy nhược hoá sức đề kháng của Dân Tộc đối với kẻ xâm lăng” (CĐVN, tr. 373).

“Trong tình thế chính trị chúng ta được mục kích, sự quy phục thuyết Cộng Sản của các nhà lãnh đạo Bắc Việt tự nó là một sự thần phục Trung Cộng, như các triều đại xưa của chúng ta thần phục Trung Hoa…” (CĐVN, tr. 374).

“Sự quy phục lý thuyết Cộng Sản sẽ đương nhiên gắn liền vận mạng công cuộc phát triển Dân Tộc chúng ta vào vận mạng công cuộc phát triển của Trung Hoa… Như vậy có nghĩa là “chúng ta tự ý bỏ công cuộc phát triển của chúng ta” ( – nt – )

Sự lệ thuộc trên đây là một lệ thuộc nặng nề của Việt Nam đối với văn hoá Tàu. Từ ngày lập quốc, cách đây hơn một ngàn năm, sự chi phối của Trung Hoa đối với Việt Nam nặng nề đến đỗi tâm lý thuộc quốc bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống của Dân Tộc.

Tâm lý này xuất phát từ hai sự kiện: tự ty mặc cảm đối với “Trung Hoa vĩ đại”, và sự lệ thuộc của ta đối với văn hoá Tàu. Những lời ca tụng “Trung Hoa vĩ đại” của miền Bắc, những điệu âm thanh Trung Cộng của đài phát thanh Hà Nội, những điệu vũ nữ hoà bình, và những y phục theo Tàu đều là “những biểu lộ thiết thực của một sự lệ thuộc văn hoá càng ngày càng sâu đậm của miền Bắc đối với Trung Cộng” bởi vì “các nhà lãnh đạo miền Bắc đã chấp nhận một sự lệ thuộc tư tưởng” (CĐVN, tr. 375).

Mà cũng vì lệ thuộc chủ nghĩa Cọng Sản mà cuộc chiến đấu dành độc lập của chúng ta tiêu hao bao sinh lực Dân Tộc, mà xảy ra tình trạng chia đôi đất nước, mà chiến tranh tàn phá cái vốn nhân lực và tài nguyên của chúng từ hai mươi năm nay. (CĐVN, tr. 376). Từ mười năm nay [1954] Bắc Việt chưa thực hiện được những mục tiêu đáng kể, trong khi các thực hiện của Nam Việt đều bị du kích quân Bắc Việt phá hoại. Bao nhiêu sinh lực của Dân Tộc đã bị phí phạm.

Tùng Phong nhận xét rằng: “Chưa có một triệu chứng nào chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo miền Bắc hiện nay đã nhận thức những điều kiện trên. Thư lại chính trị miền Bắc vẫn còn đang ca tụng như những chân lý những giá trị tiêu chuẩn và giai đoạn mà Nga Sô đã bỏ” (CĐVN, tr.287). Và cũng vì các lý do trên đây, Tùng Phong nói, “chúng ta có thể quả quyết rằng các nhà lãnh đạo phía Bắc chưa nhận thức nguy cơ đang đe dọa Dân Tộc, và những ngày đen tối của chúng ta vẫn còn tiếp tục” (CĐVN, tr. 217).

Những nhận xét và cảnh báo trên đây là những nhận xét và cảnh báo thốt ra năm 1960. Những gì xảy ra từ 1975 chứng tỏ rằng tình hình càng ngày càng trầm trọng hơn thêm, và lại còn đen tối hơn là Tùng Phong đã dự đoán. Ngày nay, 2009, Trung Hoa không những đe dọa sự tồn tại của Việt Nam, mà đang thực sự thôn tính Việt Nam. Nhân danh xã hội chủ nghĩa và cách mạng thế giới Cộng Sản Trung Hoa đả cỡi lưng Cộng Sản Việt Nam bành trướng ách thống trị của Trung Hoa qua vĩ tuyến 17, bao luôn Cao Nguyên Nam Phần, xuống tận Cà Mau.

Năm 1960, Tùng Phong còn hy vọng rằng “sự tồn tại miền Nam là một bảo đảm cho Dân Tộc thoát khỏi ách thống trị Trung Cộng, vừa là bảo đảm cho cơ hội phát triển của chúng ta, và vừa là một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Bắc Việt khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho Dân Tộc…; sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của Dân Tộc.” (CĐVN, tr. 301-302).
Không may cho Dân Tộc Việt Nam, hy vọng lớn trên đây đã không thành. Cuộc đảo chánh tháng 11, năm 1963, và những sự xáo trộn nó gây ra, tạo ra một tình trạng miền Nam vô chính phủ, vô lãnh đạo, sinh lực sút giảm; đồng thời những xáo trộn do những lực lượng phản chiến Hoa Kỳ áp lực chính phủ Mỹ phải bỏ rơi Việt Nam, tạo ra một tình trạng hỗn loạn, suy sụp, tạo điều kiện cho Cộng Sản chiến thắng và thôn tính miền Nam. Đặc biệt là lúc đó, họ càng tin là họ đã đúng đường. Nhưng, ngày nay, sau những gì đã xảy ra từ lúc Cộng Sản xâm chiếm miến Nam, càng ngày càng rõ rằng những gì Tùng Phong nói lên trên đây trong Chính Đề Việt Nam là đúng: sự mất còn của miền Nam là một bảo đảm cho Dân Tộc thoát khỏi ách thống trị Trung Cộng, vừa là lối thoát cho các nhà lãnh đạo Bắc Việt khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho Dân Tộc…

Điều vừa nêu lên giúp làm sáng tỏ một vấn đề đã làm dư luận bàn tán nhiều năm 1963, và trong thờì gian qua, vẫn còn được nhiều người đề cập đến. Năm 1963 có những tin đồn rằng ông Ngô Đình Nhu (Tùng Phong) liên lạc với Cọng Sản. Điều này nay đã được những người thân cận xác nhận. Nhưng điều quan trọng nhất – để làm gì – thì ngoài ông Nhu ra, không ai biết ông Nhu và những người bên kia bàn gì với nhau. Nay ông Nhu đã mất, điều này vẩn chưa được soi sáng vì không có, và không còn nhân chứng, trừ anh Cao Xuân Vỹ; mà chính anh Cao Xuân Vỹ cũng không được biết.

Nay, chỉ còn tôi là người nhân chứng duy nhứt. Nhưng tôi chỉ làm nhân chứng những điều sau đây do chính ông Nhu đã tiết lộ trong một cuộc họp báo với ký giả ngoại quốc vào cuối tháng 9, năm 1963.

Tôi là thông dịch viên trong buổi họp báo đó, (xin xem hình kèm) và tôi đã nghe và thông dịch hai điều sau đây:
1/ ông đã tiếp Trần Độ ngay “trong phòng này”, văn phòng của ông, nơi mà ông đang tiếp các ký giả,
2/ Trần Độ có hỏi ông: “Nếu chúng tôi buông súng thì Việt Nam sẽ thế nào?”

Như vậy nghĩa là:
1/ Ông Nhu đã có tiếp xúc với phía Cộng Sản;
2/ Ông Nhu đã có đề cập đến vấn đề phía Cộng Sản ngưng chiến.
Với những lý luận gì? Nay Chính Đề Việt Nam – ta nên nhớ rằng tác phẩm này được hoàn tất vào năm 1962 – cho phép ta nghĩ rằng Ông Nhu đã nói với phía bên kia như sau:

1/ Chuyên chế Độc tài Đảng trị không thể chấp nhận được, và khư khư ôm lấy thuyết Cộng Sản, như các nhà lãnh đạo miền Bắc đang làm, là sai, vì nó không thich nghi với hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam và không giải quyết được vấn đề phát triển/hiện đại hoá của Dân Tôc Việt Nam được.
2/ Áp dụng thuyết Cộng Sản là thần phục Trung Hoa, tái lập sự lệ thuôc của Dân Tộc Việt Nam đối với Trung Hoa như dưới các triều xưa, và tạo điều kiện cho Trung Hoa xâm chiếm Việt Nam.
3/ Sự tồn tại của miền Nam là một lối thoát cho lãnh đạo miền Bắc khỏi mang tiếng là đã hy sinh quyền lợi của Dân Tôc Việt Nam, và phục vụ quyền lợi Trung Hoa.

Như ta đã thấy ở đoạn trên, Ông Nhu than phiền rằng các nhà lãnh đạo miền Bắc đã mù quáng không chịu bỏ thuyết Cộng Sản, vẫn cho đó là chân lý, nhất quyết “trụ” với giải pháp Độc tài Đảng trị, và quy phục Trung Cộng.

Đó là năm 1962. Bây giờ, năm 2009, tình trạng lại trầm trọng và khẩn trương hơn. Và không biết bao giờ lại mới có cơ hội, và một sự lãnh đạo sáng suốt để bảo đảm công cuộc phát triển để giải quyết vấn đề đặt ra cho Dân Tộc Việt Nam từ một ngàn năm: “cởi bỏ cho Dân Tộc tâm lý thuộc quốc đối với Trung Hoa”, như Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ đã làm. (CĐVN, tr. 342)
Dù sao, ngày nay, với Chính Đề Việt Nam, lối tiếp cận và giải pháp đã có; ngoài hai điều kiện vừa nêu trên, chỉ cần một điều kiện căn bản hơn cả, mà Tùng Phong đưa ra trong phần kết thúc tác phẩm. Đó là:
Trong tình hình chính trị thế giới hiện nay, và trong trình độ tiến hoá của nhân loại hiện nay, các vấn đề Dân Tộc Việt Nam, trong thời kỳ này, chỉ có thể tìm ra được một giải đáp nếu chúng ta trụ vào vị trí Dân Tộc”. (CĐVN, tr. 503)

Và Tùng Phong kết luận với một lời nhắc và hai lời kêu gọi.

Lời nhắc đề cập đến một thực tế mà ta không thể phủ nhận được. Đó là dưới áp lực của nhân khẩu, Trung Hoa phải bành trướng. Sự bành trướng này đã mở màn. “Nếu chúng ta không thức tỉnh thì một trong những nạn nhân đầu tiên của sự bành trướng nói trên sẽ là chúng ta. Chỉ tưởng tượng đến viễn ảnh đó cũng đủ làm cho chúng ta khủng khiếp.”

Và hai lời kêu gọi, một lời hướng về miền Nam, và một lời hướng về miền Bắc:
1/ “công cuộc chống sự xâm lăng của miền Bắc không lúc nào khẩn thiết cho cộng đồng Dân Tộc ViệtNam bằng trong lúc này hết”
2/ “chúng ta mong mỏi các nhà lãnh đạo miền Bắc kịp thời nhận định đã đến lúc, vì sự tiến hoá của Dân Tộc, không nên tiếp tục sự trụ-đóng vào phương tiện Cộng Sản nữa”. (CĐVN, tr. 505-506)

Ngày nay, miền Nam không còn nữa, mà Tùng Phong cũng không còn nữa, nhưng lời nhắc và những lời kêu gọi trên lại còn thích hợp hơn lúc nào hết.Đọc tiếp phần 1,2,3,4,5 tại:nguoivietboston.com

GS Tôn Thất Thiện
Viết cho Đặc San
Vào dịp Lễ Tưởng Niệm Tống Thống Ngô Đình Diệm
Tháng 11, năm 2009

Phụ bản Chính Đề Việt Nam:
Độc giả nào muốn có toàn bộ tác phẩm để đọc,
Xin liên lạc với Anh Đỗ Như Điện
405 Ranger Road, Fallbrook, CA 92028-8482
E-Mail: donhudien@yahoo. com
ĐT: 858-337-7049