AK-47
Khẩu súng giết người nhiều nhất
Không thể có một thống kê chính xác nào để biết được mỗi loại súng đã làm thiệt mạng bao nhiêu người, nhưng có thể tin rằng AK-47 và các biến thể của nó là vũ khí cá nhân gây nhiều thương vong nhất trong hơn nửa thế kỷ gần đây.
Quân đội Liên Xô bắt đầu được cung cấp súng AK-47 năm 1949 và từ đó đến nay trên 100 quốc gia đã sử dụng và công nhận là vũ khí cá nhân hữu hiệu nhất. Quân đội 50 nước trên thế giới trang bị AK-47 cho Bộ Binh. Hầu hết những lực lượng nổi dậy và các nhóm du kích dùng loại súng này. Trên lá quốc kỳ nước Cộng Hòa Mozambique, Phi Châu, cờ của tổ chức Hồi Giáo Hezbollah và phù hiệu Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran có hình khẩu súng AK-47.
AK-47, chữ tắt của Avtomat Kalashnikova 1947, nghĩa là súng tự động đời 1947 do Kalashnikov sáng chế. Mikhail Timofeyevich Kalashnikov, 90 tuổi, cựu trung tướng Lục Quân, vừa được Tổng Thống Dmitry Medvedev trao tặng huy chương Anh Hùng Liên Bang Nga trong một buổi lễ tại điện Kremlin hôm Thứ Ba, 11 Tháng Mười, nhân ngày sinh thứ 90 của ông.
Phát biểu trong dịp này, Kalashnikov bày tỏ niềm ân hận là sáng chế của mình thường đã không được dùng vào mục tiêu chính đáng. Ông nói, “Tôi đã tạo ra khẩu súng này nhằm bảo vệ tổ quốc. Tôi không thể nào ngờ là rất thường khi nó được sử dụng cho những việc không nên làm. Ðó không phải lỗi nơi tôi mà là lỗi của những nhà chính trị và những phần tử xấu.”
Ðầu Thế Chiến II, Kalashnikov là trung sĩ binh chủng Thiết Giáp, phục vụ trên chiến xa. Sau khi bị thương trong một trận đánh với quân đội Ðức Quốc Xã ông được chuyển về làm việc trong một xưởng chế tạo vũ khí. Khi còn nằm ở quân y viện, ông đã nghe nhiều quân nhân phàn nàn về khẩu súng của họ, quá dài, không được gọn nhẹ, bắn chậm và ít đạn. Vì vậy Kalashnikov nghĩ đến cách cải tiến thích ứng.
Ðầu tiên khẩu tiểu liên mà ông vẽ kiểu năm 1942 không được chấp nhận. Kế đó ông chịu ảnh hưởng bởi súng trường Garand M-1 của Mỹ, năm 1944 Kalashnikov đưa ra khẩu carbine (súng trường ngắn) bán tự động, dùng loại đạn 7.62 x 33 mm. Tuy nhiên sau khi so sánh, quân đội Liên Xô năm 1946 chọn khẩu SKS (viết theo mẫu tự Nga là CKC) do Sergei Gavrilovich Simonov vẽ kiểu. Tới 1947 Kalashnikov mới chế được ra khẩu súng tự động AK-47, với 2 lối tác xạ, bắn từng loạt như tiểu liên hoặc từng phát như súng trường.
Những nghiên cứu sau này về chiến trường trong Thế Chiến II ghi nhận được 3 sự kiện quan trọng: (1) Hầu hết thương vong do vũ khí cá nhân là ở cự ly gần và như thế khả năng tác xạ chính xác của súng trường ít có hiệu quả thực tế, (2) trong trận đụng độ di động thường chiến binh không có điều kiện và đủ thời gian để nhắm bắn đúng cách, (3) do tác động tâm lý có tới 2/3 binh lính mang súng trường chưa bắn phát nào về phía địch quân và chỉ có những loại súng tự động được sử dụng nhiều nhất, tuy nhiên tiểu liên thường là quá yếu và chỉ có hiệu quả lúc cận chiến.
Rút kinh nghiệm ấy, kể từ thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, vũ khí cá nhân tiêu chuẩn cho tất cả mọi quân đội là loại súng tác chiến (attack rifle) phối hợp hai đặc điểm của súng trường và tiểu liên, có thể bắn tự động hay từng phát một, gắn băng đạn rời để nạp nhanh chóng đủ số đạn cần thiết với sức mạnh không bằng súng trường nhưng phải hơn carbine hay tiểu liên và phải tương đối gọn nhẹ dễ điều khiển. Hai kiểu súng tác chiến tiêu biểu nhất là AK-47 và M-16, trở thành căn bản để có thêm những cải biến và tính năng sau này.
Trong chiến tranh Việt Nam tới gần cuối thập niên 1960 bộ đội Bắc Việt và lính Việt Cộng đã được trang bị bằng AK-47 và có ưu thế hơn hẳn những súng cá nhân của quân đội Việt Nam Cộng Hòa lúc đó như súng trường bán tự động Garand M-1, Carbine M-1 hay M-2 và tiểu liên loại Thompson. Cho tới khi quân đội Miền Nam được cung cấp M-16, hỏa lực cá nhân bộ binh giữa hai bên mới được coi là ngang bằng.
So sánh giữa hai kiểu súng, đặc điểm đáng kể nhất của AK-47 là dễ bảo trì, sử dụng tốt trong mọi điều kiện chiến trường. Kinh nghiệm ở Việt Nam, những khẩu AK-47 chôn xuống đất hay vùi dưới bùn lâu ngày, khi lấy lên chỉ cần lau chùi qua loa là có thể dùng lại được ngay.
M-16 ra đời sau AK-47 gần 20 năm nên có những tính năng tân tiến hơn. Xuất phát từ khẩu AR-15 tự động được cải tiến để có thể tác xạ theo hai kiểu tự động và bán tự động, M-16 dùng loại đạn nhỏ vận tốc cao sức xoáy mạnh có hiệu quả sát thương lớn hơn. Nhưng nhược điểm của M-16 là với cấu tạo tinh vi, cần được bảo trì đúng cách và chỉ thích hợp cho quân đội chính quy được huấn luyện thuần thục. Do đó AK-47 vẫn là loại súng phổ thông sử dụng thuận lợi cho các lực lượng quân nổi dậy và đơn vị du kích kém huấn luyện, dù là sức giật mạnh hơn và bắn kém chính xác so với M-16.
AK-47 dài 87 cm với bá gỗ và 64.5 cm với báng xếp, nặng 4.3 kg không kể băng đạn, sử dụng đạn 7.62 x 39 mm, viên đạn nặng 120 gram có vận tốc 710 mét/giây khi ra nòng dài 41.5 cm , tầm tác xạ hiệu quả 400 mét, tốc độ tác xạ 600 viên/phút. Ðạn 5.56 mm nhẹ hơn nên mỗi quân nhân có thể mang theo một số đạn nhiều hơn.
Với thân súng bằng chất plastic, M-16 dài 100 cm kể cả ống che lửa chỉ cân nặng 3.5 kg, dùng đạn 5.56 x 45 mm, viên đạn 62 gram ra khỏi nòng dài 50.8 cm có vận tốc 975 mét/ giây, tầm tác xạ hiệu quả 550 mét, tốc độ tác xạ 700-900 viên/phút.
Ðến nay M-16 cũng như AK-47 đã được cải biến hay thay thế bằng những kiểu mới hơn nhưng vẫn còn được sử dụng rộng rãi, nhất là AK-47, trên khắp thế giới. Từ 1974, quân đội Liên Xô đã được trang bị AK-74, căn bản từ AK-47 nhưng nhẹ hơn và sử dụng đạn 5.45 x 39 mm bắn ra với vận tốc cao và tầm sát thương lớn hơn. Tuy vậy đạn 7.62 nặng hơn có khả năng đi xuyên qua các chướng ngại vật như tường vách trong khi loại đạn nhỏ thường bị cản lại và vỡ ra nhiều mảnh gây thương tích cho những nạn nhân không phải mục tiêu cố ý. Ðây là lý do khiến lực lượng cảnh sát Nga đã ngưng sử dụng AK-74 từ Tháng Mười năm ngoái.
Trong giai đoạn Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô trợ giúp súng và đạn AK-47, hoặc mặc nhiên chấp nhận cho các nước khối cộng sản chế tạo tại chỗ. Ðặc biệt Trung Quốc đã sản xuất AK-47 và những kiểu biến thể khác được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam và cho các toán du kích nổi dậy ở nhiều nước thế giới thứ ba.
AK-47 cũng là vũ khí được xuất cảng và buôn bán lậu qua lại nhiều nhất tới chính quyền các quốc gia, loạn quân, băng đảng tội phạm và tư nhân. Tại một số nơi, giá một khẩu AK rất rẻ, như ở Pakistan, Somalia, Rwanda, Mozambique, Congo, Ethiopia, ... chỉ từ $30 đến $125. Loại súng này đã trở thành vũ khí chính cho cả hai phía đối nghịch trong những cuộc xung đột địa phương ở vùng Balkans, Phi Châu, Trung Ðông, Nam Á. Theo ước lượng của Ngân Hàng Thế Giới, trong khoảng 500 triệu vũ khí nhỏ hiện có trên thế giới thì 75 triệu là AK-47.
Vấn đề bản quyền khẩu AK gần đây được Nga đặt ra. Năm ngoái đại sứ Nga tại NATO, ông Dmitry Rogozin trong một buổi họp báo đã nói, “Luật bản quyền không chỉ áp dụng cho sản phẩm văn hóa nghệ thuật và trí tuệ mà còn phải bao gồm lãnh vực vũ khí.” Theo ông nhiều quốc gia trong đó có những nước thành viên NATO như vẫn sản xuất hoặc xuất cảng lậu súng loại AK-47.
Hôm Thứ Ba vừa qua, Igor Sevastyanov, phó chủ tịch tổng giám đốc công ty xuất cảng vũ khí Rosoboronexport cho biết trong ít năm gần đây đã có 10 quốc gia ký hợp đồng xin lập cơ xưởng chế tạo các loại súng từ AK-47 đến AK-100. Ông không cho biết rõ đó là những nước nào mà chỉ nói là có các quốc gia Trung Ðông và Nam Mỹ.
Anatoly Isaikin, chủ tịch Rosoboronexport, trong một cuộc họp báo hồi Tháng Mười nói là có khoảng 100 triệu súng Kalashnikov trên thế giới và phân nửa là sản phẩm lậu; 15 quốc gia bao gồm Bulgaria, Romania, Ai Cập, Trung Quốc không có phép sản xuất hoặc giấy phép đã hết hạn. Ngoài ra, theo lời Isaikon, ít nhất có 30 tổ chức sản xuất trái phép hay buôn bán lậu các loại súng này trên khắp thế giới. Hiện nay Nga vẫn còn đang tiếp tục thương lượng với Trung Quốc để ký kết một hợp đồng dài hạn về bản quyền sản xuất súng Kalasnikov.
Trong khi đó thì từ Tháng Chín, công ty Gremikha, một phân bộ của Izhmash, đã nạp đơn khai phá sản lên một tòa án ở nước Cộng Hòa Udmmurtia vùng núi Urals trong Liên Bang Nga. Izhmash là công ty chế tạo vũ khí lớn nhất ở Nga nhưng cơ xưởng Molot thuộc công ty này trước kia vẫn sản xuất các loại súng Kalashnikov, hiện nay đã ngưng hoạt động vì không có hợp đồng đặt hàng ở Nga cũng như các nước ngoài. (HC)
Hà Tường Cát
Nguồn nguoi-viet.com
Quân đội Liên Xô bắt đầu được cung cấp súng AK-47 năm 1949 và từ đó đến nay trên 100 quốc gia đã sử dụng và công nhận là vũ khí cá nhân hữu hiệu nhất. Quân đội 50 nước trên thế giới trang bị AK-47 cho Bộ Binh. Hầu hết những lực lượng nổi dậy và các nhóm du kích dùng loại súng này. Trên lá quốc kỳ nước Cộng Hòa Mozambique, Phi Châu, cờ của tổ chức Hồi Giáo Hezbollah và phù hiệu Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran có hình khẩu súng AK-47.
AK-47, chữ tắt của Avtomat Kalashnikova 1947, nghĩa là súng tự động đời 1947 do Kalashnikov sáng chế. Mikhail Timofeyevich Kalashnikov, 90 tuổi, cựu trung tướng Lục Quân, vừa được Tổng Thống Dmitry Medvedev trao tặng huy chương Anh Hùng Liên Bang Nga trong một buổi lễ tại điện Kremlin hôm Thứ Ba, 11 Tháng Mười, nhân ngày sinh thứ 90 của ông.
Phát biểu trong dịp này, Kalashnikov bày tỏ niềm ân hận là sáng chế của mình thường đã không được dùng vào mục tiêu chính đáng. Ông nói, “Tôi đã tạo ra khẩu súng này nhằm bảo vệ tổ quốc. Tôi không thể nào ngờ là rất thường khi nó được sử dụng cho những việc không nên làm. Ðó không phải lỗi nơi tôi mà là lỗi của những nhà chính trị và những phần tử xấu.”
Ðầu Thế Chiến II, Kalashnikov là trung sĩ binh chủng Thiết Giáp, phục vụ trên chiến xa. Sau khi bị thương trong một trận đánh với quân đội Ðức Quốc Xã ông được chuyển về làm việc trong một xưởng chế tạo vũ khí. Khi còn nằm ở quân y viện, ông đã nghe nhiều quân nhân phàn nàn về khẩu súng của họ, quá dài, không được gọn nhẹ, bắn chậm và ít đạn. Vì vậy Kalashnikov nghĩ đến cách cải tiến thích ứng.
Ðầu tiên khẩu tiểu liên mà ông vẽ kiểu năm 1942 không được chấp nhận. Kế đó ông chịu ảnh hưởng bởi súng trường Garand M-1 của Mỹ, năm 1944 Kalashnikov đưa ra khẩu carbine (súng trường ngắn) bán tự động, dùng loại đạn 7.62 x 33 mm. Tuy nhiên sau khi so sánh, quân đội Liên Xô năm 1946 chọn khẩu SKS (viết theo mẫu tự Nga là CKC) do Sergei Gavrilovich Simonov vẽ kiểu. Tới 1947 Kalashnikov mới chế được ra khẩu súng tự động AK-47, với 2 lối tác xạ, bắn từng loạt như tiểu liên hoặc từng phát như súng trường.
Những nghiên cứu sau này về chiến trường trong Thế Chiến II ghi nhận được 3 sự kiện quan trọng: (1) Hầu hết thương vong do vũ khí cá nhân là ở cự ly gần và như thế khả năng tác xạ chính xác của súng trường ít có hiệu quả thực tế, (2) trong trận đụng độ di động thường chiến binh không có điều kiện và đủ thời gian để nhắm bắn đúng cách, (3) do tác động tâm lý có tới 2/3 binh lính mang súng trường chưa bắn phát nào về phía địch quân và chỉ có những loại súng tự động được sử dụng nhiều nhất, tuy nhiên tiểu liên thường là quá yếu và chỉ có hiệu quả lúc cận chiến.
Rút kinh nghiệm ấy, kể từ thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, vũ khí cá nhân tiêu chuẩn cho tất cả mọi quân đội là loại súng tác chiến (attack rifle) phối hợp hai đặc điểm của súng trường và tiểu liên, có thể bắn tự động hay từng phát một, gắn băng đạn rời để nạp nhanh chóng đủ số đạn cần thiết với sức mạnh không bằng súng trường nhưng phải hơn carbine hay tiểu liên và phải tương đối gọn nhẹ dễ điều khiển. Hai kiểu súng tác chiến tiêu biểu nhất là AK-47 và M-16, trở thành căn bản để có thêm những cải biến và tính năng sau này.
Trong chiến tranh Việt Nam tới gần cuối thập niên 1960 bộ đội Bắc Việt và lính Việt Cộng đã được trang bị bằng AK-47 và có ưu thế hơn hẳn những súng cá nhân của quân đội Việt Nam Cộng Hòa lúc đó như súng trường bán tự động Garand M-1, Carbine M-1 hay M-2 và tiểu liên loại Thompson. Cho tới khi quân đội Miền Nam được cung cấp M-16, hỏa lực cá nhân bộ binh giữa hai bên mới được coi là ngang bằng.
So sánh giữa hai kiểu súng, đặc điểm đáng kể nhất của AK-47 là dễ bảo trì, sử dụng tốt trong mọi điều kiện chiến trường. Kinh nghiệm ở Việt Nam, những khẩu AK-47 chôn xuống đất hay vùi dưới bùn lâu ngày, khi lấy lên chỉ cần lau chùi qua loa là có thể dùng lại được ngay.
M-16 ra đời sau AK-47 gần 20 năm nên có những tính năng tân tiến hơn. Xuất phát từ khẩu AR-15 tự động được cải tiến để có thể tác xạ theo hai kiểu tự động và bán tự động, M-16 dùng loại đạn nhỏ vận tốc cao sức xoáy mạnh có hiệu quả sát thương lớn hơn. Nhưng nhược điểm của M-16 là với cấu tạo tinh vi, cần được bảo trì đúng cách và chỉ thích hợp cho quân đội chính quy được huấn luyện thuần thục. Do đó AK-47 vẫn là loại súng phổ thông sử dụng thuận lợi cho các lực lượng quân nổi dậy và đơn vị du kích kém huấn luyện, dù là sức giật mạnh hơn và bắn kém chính xác so với M-16.
AK-47 dài 87 cm với bá gỗ và 64.5 cm với báng xếp, nặng 4.3 kg không kể băng đạn, sử dụng đạn 7.62 x 39 mm, viên đạn nặng 120 gram có vận tốc 710 mét/giây khi ra nòng dài 41.5 cm , tầm tác xạ hiệu quả 400 mét, tốc độ tác xạ 600 viên/phút. Ðạn 5.56 mm nhẹ hơn nên mỗi quân nhân có thể mang theo một số đạn nhiều hơn.
Với thân súng bằng chất plastic, M-16 dài 100 cm kể cả ống che lửa chỉ cân nặng 3.5 kg, dùng đạn 5.56 x 45 mm, viên đạn 62 gram ra khỏi nòng dài 50.8 cm có vận tốc 975 mét/ giây, tầm tác xạ hiệu quả 550 mét, tốc độ tác xạ 700-900 viên/phút.
Ðến nay M-16 cũng như AK-47 đã được cải biến hay thay thế bằng những kiểu mới hơn nhưng vẫn còn được sử dụng rộng rãi, nhất là AK-47, trên khắp thế giới. Từ 1974, quân đội Liên Xô đã được trang bị AK-74, căn bản từ AK-47 nhưng nhẹ hơn và sử dụng đạn 5.45 x 39 mm bắn ra với vận tốc cao và tầm sát thương lớn hơn. Tuy vậy đạn 7.62 nặng hơn có khả năng đi xuyên qua các chướng ngại vật như tường vách trong khi loại đạn nhỏ thường bị cản lại và vỡ ra nhiều mảnh gây thương tích cho những nạn nhân không phải mục tiêu cố ý. Ðây là lý do khiến lực lượng cảnh sát Nga đã ngưng sử dụng AK-74 từ Tháng Mười năm ngoái.
Trong giai đoạn Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô trợ giúp súng và đạn AK-47, hoặc mặc nhiên chấp nhận cho các nước khối cộng sản chế tạo tại chỗ. Ðặc biệt Trung Quốc đã sản xuất AK-47 và những kiểu biến thể khác được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam và cho các toán du kích nổi dậy ở nhiều nước thế giới thứ ba.
AK-47 cũng là vũ khí được xuất cảng và buôn bán lậu qua lại nhiều nhất tới chính quyền các quốc gia, loạn quân, băng đảng tội phạm và tư nhân. Tại một số nơi, giá một khẩu AK rất rẻ, như ở Pakistan, Somalia, Rwanda, Mozambique, Congo, Ethiopia, ... chỉ từ $30 đến $125. Loại súng này đã trở thành vũ khí chính cho cả hai phía đối nghịch trong những cuộc xung đột địa phương ở vùng Balkans, Phi Châu, Trung Ðông, Nam Á. Theo ước lượng của Ngân Hàng Thế Giới, trong khoảng 500 triệu vũ khí nhỏ hiện có trên thế giới thì 75 triệu là AK-47.
Vấn đề bản quyền khẩu AK gần đây được Nga đặt ra. Năm ngoái đại sứ Nga tại NATO, ông Dmitry Rogozin trong một buổi họp báo đã nói, “Luật bản quyền không chỉ áp dụng cho sản phẩm văn hóa nghệ thuật và trí tuệ mà còn phải bao gồm lãnh vực vũ khí.” Theo ông nhiều quốc gia trong đó có những nước thành viên NATO như vẫn sản xuất hoặc xuất cảng lậu súng loại AK-47.
Hôm Thứ Ba vừa qua, Igor Sevastyanov, phó chủ tịch tổng giám đốc công ty xuất cảng vũ khí Rosoboronexport cho biết trong ít năm gần đây đã có 10 quốc gia ký hợp đồng xin lập cơ xưởng chế tạo các loại súng từ AK-47 đến AK-100. Ông không cho biết rõ đó là những nước nào mà chỉ nói là có các quốc gia Trung Ðông và Nam Mỹ.
Anatoly Isaikin, chủ tịch Rosoboronexport, trong một cuộc họp báo hồi Tháng Mười nói là có khoảng 100 triệu súng Kalashnikov trên thế giới và phân nửa là sản phẩm lậu; 15 quốc gia bao gồm Bulgaria, Romania, Ai Cập, Trung Quốc không có phép sản xuất hoặc giấy phép đã hết hạn. Ngoài ra, theo lời Isaikon, ít nhất có 30 tổ chức sản xuất trái phép hay buôn bán lậu các loại súng này trên khắp thế giới. Hiện nay Nga vẫn còn đang tiếp tục thương lượng với Trung Quốc để ký kết một hợp đồng dài hạn về bản quyền sản xuất súng Kalasnikov.
Trong khi đó thì từ Tháng Chín, công ty Gremikha, một phân bộ của Izhmash, đã nạp đơn khai phá sản lên một tòa án ở nước Cộng Hòa Udmmurtia vùng núi Urals trong Liên Bang Nga. Izhmash là công ty chế tạo vũ khí lớn nhất ở Nga nhưng cơ xưởng Molot thuộc công ty này trước kia vẫn sản xuất các loại súng Kalashnikov, hiện nay đã ngưng hoạt động vì không có hợp đồng đặt hàng ở Nga cũng như các nước ngoài. (HC)
Hà Tường Cát
Nguồn nguoi-viet.com