Monday, November 9, 2009

Hà Tường Cát


Lịch sử Bức Tường Bá Linh


Là hình ảnh tiêu biểu nhất của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Bức Tường Bá Linh đã tồn tại trong 28 năm và sự sụp đổ đánh dấu giai đoạn kết thúc của chế độ Cộng Sản ở Ðông Âu.


Ðông Ðức - Tây Ðức

Sau khi thắng trận Thế Chiến II (1939-1945), 4 nước Ðồng Minh - Nga, Mỹ, Anh, Pháp - qua các hội nghị Yalta và Potsdam thỏa thuận việc chia cắt lãnh thổ Ðức thành 4 vùng chiếm đóng quân sự: Liên Xô giữ phần phía Ðông, Hoa Kỳ phía Tây, Anh miền Bắc và Pháp miền Nam.

Bốn năm sau, khi tình thế đối đầu đã rõ ràng giữa hai thế giới tự do và cộng sản được gọi là cuộc Chiến Tranh Lạnh, nhận thấy nhu cầu tái lập một nước Ðức độc lập với kinh tế vững mạnh,để ngăn chặn hiểm họa xâm lăng của khối Cộng Sản, ngày 23 Tháng Năm, năm 1949, Hoa Kỳ, Anh, Pháp thỏa thuận sát nhập ba vùng chiếm đóng để thành lập nước Cộng Hòa Liên Bang Ðức, quen gọi là Tây Ðức, theo thể chế chính trị dân chủ.

Ngày 7 Tháng Mười cùng năm, Liên Xô cũng tuyên bố trao trả độc lập cho vùng chiếm đóng Ðông Ðức và thành lập nước Cộng Hòa Dân Chủ Ðức. Thực chất, Ðông Ðức cũng như những nước Ðông Âu khác đều do đảng Cộng Sản nắm giữ chính quyền và trực tiếp nằm dưới sự chi phối của Liên Xô.

Ðông Âu nói chung và Ðông Ðức nói riêng hoàn toàn biệt lập khỏi thế giới bằng những đường ranh giới đóng kín và Thủ Tướng Anh Winston Churchill là người đầu tiên đã nói, “Từ Stettin bên bờ Baltic đến Trieste trên biển Adriatic, một Bức Màn Sắt đã buông xuông ngăn đôi Âu Châu.”

Ðông Bá Linh - Tây Bá Linh

Cuối Thế Chiến II, Hồng Quân Liên Xô là đạo quân đầu tiên đã đánh chiếm được thủ đô Bá Linh của Quốc Xã Ðức. Nhưng theo thỏa thuận giữa 4 nước Ðồng Minh, thành phố này cũng được chia ra 4 khu vực và Liên Xô chỉ được chiếm đóng phần phía Ðông. Ba khu vực khác giao cho Mỹ, Anh, Pháp quản lý và sau này sát nhập thành Tây Bá Linh khi Tây Ðức được trả chủ quyền năm 1949.

Bá Linh hoàn toàn nằm lọt trong lãnh thổ Ðông Ðức, cách đường biên giới Tây Ðức gần nhất cũng 100 dặm. Thật ra chưa bao giờ có một thỏa hiệp chính thức nào bảo đảm sự liên lạc của Bá Linh với thế giới bên ngoài. Các nhà lãnh đạo Tây phương với niềm tin tưởng dễ dãi buổi đầu đặt vào nước bạn đồng minh trong chiến tranh, tin rằng Liên Xô sẽ sẵn sàng cho sử dụng đường bộ và đường sắt đi ngang vùng kiểm soát của họ để tới Bá Linh.

Chẳng bao lâu quan niệm ấy tỏ ra là sai lầm. Ngoài ba hành lang không lưu - từ Hamburg, Buckeburg, Franfort đến Berlin - Liên Xô giới hạn chỉ cho dùng một đường sắt với 10 chuyến xe lửa mỗi ngày và không bao giờ chấp thuận đề nghị mở thêm những đường khác.

Ngày 24 Tháng Sáu, năm 1946, Liên Xô đóng cửa tất cả đường bộ và đường sắt đến Bá Linh, nhằm buộc 3 nước Tây phương phải chấp nhận để Ðông Bá Linh cung cấp lương thực, nhiên liệu cho Tây Bá Linh và như vậy thực tế Liên Xô nắm quyền kiểm soát toàn thể thành phố.

Ðối lại, Tây phương lập tức tổ chức một cầu không vận tiếp tế cho Bá Linh, sử dụng mọi loại máy bay vận tải quân sự cũng như dân sự, đáp ứng nhu cầu tối thiểu 4,000 tấn lương thực mỗi ngày. Với khả năng kỹ thuật của máy bay vào thời đại ấy, đây là một nỗ lực khó khăn và thành tích lớn lao chưa từng có trong lịch sử. Trong hơn một năm liền Bá Linh bị phong tỏa, các máy bay đã thực hiện gần 300,000 phi vụ, chở tới 2.5 triệu tấn lương thực, than, dầu và các nhu yếu phẩm khác. Vào giai đoạn cao điểm cứ 30 giây có một máy bay đáp xuống hai phi trường ở Tây Bá Linh và 13,000 tấn hàng đưa đến mỗi ngày. Kết quả Liên Xô đã không đạt được ý đồ khống chế Tây Bá Linh và phải cho mở lại những hành lang đi đến thành phố.

Phải có bức tường

Trong những năm tiếp theo, từ một thành phố bị tàn phá tan hoang vì những trận mưa bom và đạn trọng pháo, Ðông Bá Linh và Tây Bá Linh đã tái thiết theo đường hướng khác biệt và trở thành hai mô hình phô triển cho hai chế độ đối kháng.

Ðông Bá Linh được xây dựng bằng những đại lộ rộng lớn, công viên tráng lệ, các dãy cao ốc chung cư và kiến trúc đồ sộ, nhưng toàn bộ chỉ là một khung cảnh tẻ nhạt với dân chúng có mức sống thấp kém và sinh hoạt khắc khổ theo nền nếp chuyên chế cộng sản.

Ngược lại, Tây Bá Linh là một ốc đảo phồn vinh của kinh tế tư bản tự do, tiêu biểu nhất là đại lộ, Kurfurstendamm con đường chạy dài 2 dặm, tập trung hàng trăm cửa hàng sang trọng buôn bán đông đúc tấp nập suốt ngày đêm.

Giữa 4 khu vực chiếm đóng của 4 nước cũng như ranh giới thành phố với Ðông Ðức lúc đầu không có hàng rào chia cắt và dân chúng có thể qua lại tự do, hằng ngày 1/2 triệu dân Ðông Ðức vẫn đến Tây Bá Linh mua bán và làm việc. Năm 1962 chính quyền Ðông Ðức quyết định lập đường biên giới với Tây Ðức và Tây Bá Linh, tuy nhiên sự đi lại giữa Ðông và Tây thành phố vẫn còn có thể tiếp tục với điều kiện phải xin giấy phép trước và đi qua những trạm kiểm soát.

Mỗi tháng hàng ngàn dân Ðông Ðức bỏ chạy sang Tây Ðức, và con đường tương đối còn dễ dàng là qua Bá Linh. Từ 1949 đến năm 1961 có hơn 2.6 triệu trong tổng số 17 triệu dân Ðông Ðức đã bỏ đi, tạo nên nguy cơ sụp đổ cho chế độ. Ðể chấm dứt tình trạng này, Chủ Tịch Ðông Ðức Walter Ulbricht đi đến quyết định cho làm hàng rào phòng vệ bao quanh hoàn toàn khu vực Tây Bá Linh. với danh nghĩa “ngăn chặn xâm nhập của phát xít tư bản.” Ngày 13 Tháng Tám, năm 1961, quân đội Ðông Ðức khởi sự giăng vòng rào kẽm gai và xây dựng Bức Tường Bá Linh.

Qua 4 đợt chấn chỉnh củng cố và tăng cường từ 1961 đến 1975. Bức tường có chiều dài tổng cộng 96 dặm bao gồm 27 dặm giữa Ðông-Tây Bá Linh, và 69 dặm ranh giới Tây Bá Linh với lãnh thổ Ðông Ðức. Song song về phía sau là hàng rào kẽm gai gắn bộ phận báo động khi có đụng chạm, có đoạn truyền điện; khoảng trống rộng 6-7 mét giữa tường và rào là đường tuần tiễu cho lính gác, một số nơi có đào hào ngăn cản xe cộ vượt qua. Tường xi măng cao 3.6 mét dài 66 dặm, không chỉ ngăn chặn sự đi lại mà còn che kín tầm nhìn giữa hai miền. Những đoạn không xây tường vì đã có nhà cửa hay chướng ngại vật khác đều có vòng rào kẽm gai bảo vệ. Dọc theo đường ranh giới này có 302 vọng gác và 20 lô cốt phòng thủ và ban đêm toàn thể khu vực hai bên đường ranh giới được chiếu sáng bằng những đèn pha.

Trong 28 năm, 192 người đã bị bắn chết khi tìm cách vượt thoát qua Bức Tường Bá Linh, hơn 200 người bị thương và hàng ngàn người khác bị bắt giữ...

Và di sản chưa phôi pha

Ngày nay hầu như tất cả những ai từng đến Bá Linh đều muốn tìm xem Bức Tường năm xưa như thế nào, để rồi phải thất vọng vì không thể còn thấy một hình ảnh gì nữa. Bức Tường đã hoàn toàn bị phá bỏ san bằng, những mảnh vỡ còn lại đã được chuyển đi trưng bầy hay bán để giữ làm kỷ niệm ở hàng trăm nơi khác trên khắp thế giới. Còn tại thành phố Bá Linh chỉ có hai hàng đá lót chạy dài ngang các đường phố và khu nhà, đánh dấu nơi đã từng là ranh giới tử thần cho những người muốn qua miền đất tự do.

Nhưng dù không thấy Bức Tường, mà mọi người vẫn cảm thấy không thể nào lầm lẫn hai sinh khí khác biệt còn vương vất giữa khu Ðông và khu Tây. Sau một thời gian quá dài phân cách, sự hòa giải có thể đạt được bằng lý trí nhưng hòa hợp không đơn giản, nó mang tính cách tâm lý và tinh thần cùng những điều kiện của đời sống. Và đó là một kinh nghiệm đáng suy ngẫm về ngày tàn của chế độ Cộng Sản đã gần một thế kỷ lưu lại nhiều chấn thương trong nhân loại

Hà Tường Cát
Nguồn nguoi-viet.com
Đọc thêm :ngonhandung