Saturday, November 28, 2009

Nguyễn Hữu Loan & Phạm Thị Nhu


“Đã lấy nhau phải cùng chung số phận”

Video Màu tím hoa sim (Ngâm thơ) - Những Đồi Hoa Sim (Nhạc)

Buổi trưa ở núi Vân Hoàn, nắng đổ. Chúng tôi đến Nga Sơn, Thanh Hoá, lòng hồi hộp tưởng tượng có một cụ già quắc thước cũng như chúng tôi, đang hướng về núi Vân Hoàn để mong thấy lại bao nhiêu máu và nước mắt của cuộc đời ông loang lổ in dấu trên những khoảnh đá núi đang bị đục đẽo. Núi đã từng cứu sống bao người, trong đó có cả một đời trai trẻ của nhà thơ Hữu Loan và người vợ thứ hai – bà Phạm Thị Nhu. (Hình phải: Bà Phạm Thị Nhu trước sân nhà)

Xe dừng, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên chỉ tay vào cánh cổng nhỏ bị che khuất bởi hàng cây trước ngõ: “Nhà ông Hữu Loan đây!” Trong ngôi nhà ấy, có hai con người từng bị đày đoạ đến tận cùng mà vẫn sống thanh thản. Họ có với nhau mười người con và 50 năm sống cùng nhau, cùng tồn tại, không thẹn với lòng, ngẩng mặt nhìn trời kiêu hãnh là người tử tế.

Người phụ nữ mặc áo lụa màu mỡ gà, trên cổ bà đeo chuỗi hạt trắng, nở nụ cười đôn hậu chỉ vào nhà: “Ông ấy nằm trong đấy!” rồi lại bình thản ra ngồi trên chiếc võng nhìn mọi người líu ríu vào trong chào ông. Thấy có người chụp ảnh, bà bảo: “Để tôi vấn tóc lên cho đàng hoàng đã”. “Thưa bà, bà là bà Nhu phải không?” – “Đúng vậy, tôi vợ của ông Hữu Loan, dân quanh vùng gọi tôi là bà Tú Loan. Chả là ông ấy ngày xưa đỗ tú tài mà” – bà tự hào. “Ông bà đã trải qua một cuộc đời dâu bể rồi mới có ngày an bình như hôm nay. Bây giờ bà đã vui chưa ạ?” – “Vui cũng chả vui mà buồn cũng chả buồn. Vì có lẽ đã khổ chưa từng thấy!” – “Vậy có khi nào bà than lấy ông ấy khổ quá?” – “Không, chả bao giờ có tư tưởng đấy, khổ thì khổ chung rồi, đã lấy nhau thì phải chung số phận. Dù cho có gì xảy ra thì vẫn ở với nhau nuôi con vui vẻ chứ không oán thán gì hết, không tại ông tại ả, tại nọ tại kia, và lúc nào cũng tin tưởng là ở với nhau trăm năm trọn vẹn chứ không bao giờ có xu hướng nghĩ khác”.

Câu chuyện của người đàn bà mấy chục năm cùng lăn lộn sinh tử với chồng con được bà kể lại rất tự nhiên, không chút oán thán:

“Cha mẹ tôi có 13 người con, tôi là thứ sáu. Lúc ông ấy về làng, làm thầy giáo dạy văn, tôi nghe lóm ở ngoài cửa lớp học, mê ông ấy giảng Kiều đến nỗi đêm về nằm mơ toàn thấy ông ấy. Rồi không hiểu sao ông ấy biết được, tìm đến hỏi tôi về làm vợ. Lúc đó cha mẹ tôi cũng không còn sống, gia đình ly tán sau cải cách ruộng đất. Tôi lấy ông ấy không chỉ vì mê mà cũng vì tìm một chỗ nương tựa. Có lẽ cũng vì lý do đó mà tôi đã không bao giờ rời xa ông ấy cho dù đói khổ thế nào.

Ngày ông quay ra Hà Nội làm việc ở hội Nhà văn, tôi ở lại đang chửa thằng cu đầu, ăn hết gạo mà nó vẫn không chịu chui ra. Khi nó ra thì tôi không còn gì để ăn nữa, cũng không dám xin ai, cứ nhịn đói ba ngày như thế, dân làng phát hiện, đưa ra xã để xin cứu đói, một ngày sau thì ông ấy về, bảo rằng: “Có bài thơ in, các anh em cán bộ cũng nghèo, đói dài, lấy tiền nhuận bút một cái là bị kè ra quán suốt, thế là hết tiền”. Rồi ông ấy đưa tôi ra Hà Nội. Sinh hai cháu gái tiếp theo, ăn gạo phiếu thì có mà không có tiền mua thức ăn, cứ rau muống với nước muối chấm là hàng đầu. Đến năm ông ấy bị kỷ luật, cả nhà về lại quê, lúc đó tôi đang có đứa thứ tư. Về làng, ông ấy vào núi đục đá, tôi làm bánh bán. Đủ loại bánh và cả bún mọc. Không có chút vốn liếng gì cả, tất tần tật là mua chịu, không phải người ta thương mà bán chịu, mà nhờ cái thật thà. Bán cả ngày xong là đem tiền về trả ngay. Còn bao nhiêu thì nuôi con, bữa đói bữa no cũng sống được mấy mươi năm.

Thương là thương ông ấy. Ăn toàn cháo khoai mà phải đẩy từng xe đá to khắp làng để bán. Mỗi vài chục bước lại hoa mắt, dừng nghỉ một lúc mới đẩy tiếp được. Thằng con thứ tư Nguyễn Hữu Vũ Thắng làm bài thơ “Bố ta đi xe cút kít” năm nó lên chín, nó tả ông ấy thế này: “Bố ta đi xe cút kít – Ò e út ít – Đủn choè lỗ đít – Út ít ò e…” Bài thơ dài lắm nhưng tôi cứ nhớ mấy câu đó, mỗi lần nhớ đến lại buồn cười mà thương ông ấy hơn. “Đủn choè lỗ đít” là hai chân chạng choè ra rồi lấy sức đẩy… Nhà tôi nói chung không phải lo con ăn học mà con cái cũng làm được thơ, văn đấy chứ!

Lúc nào cũng thương ông ấy. Thấy đời ông ấy vất vả, khổ thì mình cũng thế. Chỉ biết với nhau vậy mà thông cảm cùng nhau chứ chả trách ai. Chỉ trách mình sao quá đông con. May mà cả mười đứa đều trưởng thành tuy chỉ nuôi bằng “gạo chợ nước sông”.

Câu chuyện dừng lại khi mọi người gọi vào nghe ông đọc thơ. Ông nhìn bà, ánh mắt dịu dàng: “Tôi đọc bài thơ đã viết tặng bà nhé, cho mấy nhà báo thu lại” – “Ừ, thì ông đọc đi!” (Hình phải:Nhà Thơ Hữu Loan)

Em là con gái đồng xanh
Tóc dài vương hoa lúa
Đôi mắt em mang chân trời quê cũ
Giếng ngọt, cây đa
Anh khát tình quê ta trong mắt em thăm thẳm
Nhạc quê hương say đắm
Trong lời em từng lời
Tiếng quê hương muôn đời và tiếng em là một…


(Hoa lúa – 1955)

Bà nói: “Ông ấy năm nay 94, tôi cũng đã 76 tuổi rồi. Bây giờ không khổ nữa, người dân trong vùng đều thương nhà tôi. Những người có học thì trọng thơ ông, những người dân không biết chữ thì trọng ông vì khí khái, đường nào người ta cũng trọng. Sống như vậy thì đâu có sợ khổ sợ khó. Mỗi ngày lễ, tết, vợ chồng tôi cũng đã được quây quần với 20 đứa con cả dâu, rể và 40 đứa cháu nội, ngoại. Thế là cuộc đời cũng đã bình an!”

Ngân Hà
Nguồn sgtt.com.vn
Đọc thêm
sites.google.com