Ra mắt sách "Tu Tại Gia"
Vào chiều ngày Thứ Bảy 17 tháng 4 năm 2010 tôi đến dự buổi ra mắt sách "Tu Tại Gia" do Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam tổ chức tại trụ sở của Tổng Hội tại thành phố Santa Ana dưới Quận Cam thuộc miền Nam California, Hoa Kỳ.
Sách "Tu Tại Gia" gồm có 55 chương, dày 527 trang do tác-giả Lế Thái Ất biên soạn. Theo phần tiểu sử sơ-lược in trên trang bìa sách, tác-giả Lê Thái Ất có bút hiệu Duyên Hạc và pháp danh Bảo Thông. Ông làm nghề dạy học và viết sách giáo khoa. Ông đã từng dạy ở trường Chu Văn An và Quốc Gia Nghĩa Tử ở bậc Trung học. Ông cũng đã dạy ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và Đại Học Vạn Hạnh ở bậc Đại học tại Việt Nam trước năm 1975. Ông là tác giả của cuốn Soạn Thảo Công Văn.
Qua Hoa Kỳ định cư năm 1992, tác giả đã viết và cho xuất bản các sách khảo-cứu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.
Với tư-cách Phật tử và cư sĩ, tác giả cho trình làng tác-phẩm "Tu Tại Gia" vào cuối tuần vừa qua.
Trong phạm-vi bài này, tôi chỉ xin chia-sẻ với người đọc các chi-tiết liên-quan đến tác giả Lê Thái Ất mà thôi.
Vào ngày Thứ Bảy nói trên tác-giả là người cuối cùng được ban tổ-chức buổi ra mắt sách mời lên micro để đọc diễn-văn, bày tỏ cảm tưởng cá nhân trong một dịp long trọng như thế này.
Tôi không xa lạ gì với Thầy Lê Thái Ất vì cách đây khoảng 40 năm tôi đã từng là một sinh-viên thụ giáo Thầy về môn Soạn Thảo Công Văn tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
Vào buổi chiều hôm ấy Thầy đến địa điểm THCSPG trong một trang phục rất giản-dị, áo sơ mi màu vàng nhạt trong chiếc quần Tây và chỉ có đeo cà vạt mà thôi.
Một cựu sinh viên QGHC là anh Trần Quý Hùng phụ trách một phần giới thiệu chương trình và về nguời Thầy dạy học của mình đã tiết-lộ với cử toạ một kỷ-niệm 'ly kỳ' mà anh đã có với ông Thầy giáo. Đó là vào một thuở xa xưa khi anh còn là học sinh của Trường Trung Học Chu Văn An trong một lớp học do Thầy phụ trách, anh có cầm một cục phấn trên tay, thế rồi anh búng cục phấn đó vào một bạn đồng học. Xui thay, cục phấn ấy bay chệch qua một bên và đã bay thẳng lên hướng bảng đen, cuối cùng đã bắn trúng vào màng tang của Thầy. Quá bất ngờ, anh Trần Quý Hùng đã chột dạ và lo lắng. Thầy Lê Thái Ất từ từ quay lại ngó xuống các học sinh đang ngồi phía dưới và cất tiếng hỏi rằng:"Anh nào đã bắn cục phấn vào đầu tôi?". Đang hoang mang và sợ sệt, anh Trần Quý Hùng chưa kịp phản ứng thì Thầy Ất lập lại câu hỏi một lần nữa:"Tôi hỏi lại, anh nào đã bắn cục phấn vào đầu tôi?". Váo lúc ấy anh Trần Quý Hùng vừa đứng bật dậy và trả lời rằng:"Thưa Thầy, em lỡ". Ý của anh là lỡ dại hoặc lỡ tay. Anh nhìn nhận việc làm của anh vì anh chủ trương mình làm mình chịu. Ngoài dự đoán của mọi người, nghe xong Thầy Ất điềm tĩnh và ôn tồn bảo anh rằng:"Thật ra, tôi đã biết anh làm ra chuyện ấy nhưng tôi vẫn muốn hỏi xem anh có đủ can đảm đứng lên nhận lãnh cái trách nhiệm của mình hay không mà thôi". Cuối cùng Thầy Ất nói với anh Trần Quý Hùng rằng:"Thôi được rồi, anh ngồi xuống đi.".
Qua câu chuyện ngắn gọn này, phải nói rằng Thầy Lê Thái Ất đã biểu lộ một sư hiểu biết, khoan dung, không chấp nhất với học sinh của mình. Điều đáng lưu ý ở đây là Thầy đã không quan trọng hoá cái "Tôi" của một người Thầy và đã dẹp được cái tự ái vĩ đại của một ông Thầy theo quan-niệm Quân Sư Phụ của nền văn hoá cổ truyền Á đông khi bị va chạm trước các cặp mắt của các học sinh niên thiếu. Phàm ở đời khi sự việc như thế xảy ra, người Thầy cảm thấy bị mất mặt và thường không kềm được sự tức giận mà để nó phát tiết ra ngoài, đổ ập cơn nóng giận lên đầu người học trò của mình. Người Thầy trong xã hội Đông phương không chỉ thuần túy là người truyền đạt kiến thức cho giới trẻ, mà ngoài ra còn là một tấm gương cho thế hệ trẻ nhìn vào học hỏi và làm theo. Dạy học không chỉ giới hạn trong phương tiện lời nói, sách vở và chữ nghĩa mà bao gồm các hành động, cử chỉ, tác phong, ăn mặc và các hành vi nhỏ nhặt khác nữa. Làm cho người học trò sợ thì dễ, chứ mà làm cho họ nể phục qua cái kiến thức, phương pháp sư phạm thích hợp, điệu bộ, hành vi, cử chỉ, lời nói, giọng nói, tác phong, cái cười, cái nhìn...nhằm đạt được sự kính phục và hợp tác của học sinh và thanh thoả trọn vẹn mục tiêu của một "bậc Sư" không phải là một việc dễ làm.
Được ban tổ chức mời lên podium, Thầy Lê Thái Ất đã chậm rãi kể cho cử tọa nghe diễn tiến hình thành của quyển "Tu Tại Gia" mà hầu hết mọi người đang hân hoan cầm nó trên tay. Thầy nói, sau khi đinh cư tại thành phố Lawndale, phía nam Los Angeles vào năm 1992, một hôm tình cờ trong một buổi đi bộ buổi sáng Thầy gặp anh Trần Quý Hùng. Hoá ra, nơi Thầy đang ở cũng gần nhà anh Trấn Quý Hùng. Chẳng hiểu cái duyên gặp gỡ này là cái duyên gì. Cái anh học trò mà cách đây cả nửa thế kỷ đã bắn một cục phấn vào đầu của Thầy bỗng dưng xuất-hiện bằng xương bằng thịt trước mặt Thầy đây. Được biết trong khoảng thời gian dài Thầy trò xa cách ấy Thầy đã chuyển hướng qua lãnh vực tìm hiểu Phật pháp. Phàm ở đời phải có thử thách mới biết mình tiến bộ hay không. Có lẽ 'người cũ' tái xuất-hiện với một sứ mạng mới là thử thách xem ông Thầy tu học Phật pháp có tiến bộ thật hay chăng? Được biết Thầy mình nay là cư sĩ, tu tại gia, vợ chồng anh Trần Quý Hùng ngỏ lời xin thọ giáo Thầy mình về Phật học. Thầy bèn hoan hỉ nhận lời. Thế nhưng cặp vợ chồng học trò lớn tuổi hiếu học nhưng hơi lười này lại không đi đâu hết. Vào những ngày nghỉ, ông Thầy phải đến nhà học trò để dạy họ tu-học. Thầy có lúc tự hỏi chính mình rằng cái sự liên hệ giữa Thầy và cặp hoc trò hiếm có này bắt nguồn từ thuở xa xưa với đầu dây mối nhợ là từ cái cục phấn bé tí teo ấy, xem ra đã ly kỳ từ dạo ấy mà ngày nay ra vẻ lại ly kỳ nhiều hơn nữa, phải được gọi thế nào cho hợp lý? Nhân ư? Có thể có, có thể không. Duyên ư ? Cũng có thể đúng, có thể không. Quả ư ? Có thể có, có thể không. Mà nếu liên hệ Thầy trò xoay quanh Phật pháp như thế này thì rõ ràng là pháp duyên rồi còn gì! Chính Thầy cũng không dám quả quyết nó là cái gì nữa. Cuối cùng, Thầy cho rẳng Thầy đi gần một nửa vòng quả đất qua đến Hoa Kỳ này vào cái tuổi không còn trẻ để mà bỏ công cuốc bộ đi dạy miễn phí cho một cặp vợ chồng cũng không còn trẻ gì xuất phát từ một liên hệ chằng chịt theo lý duyên khởi từ muôn kiếp trước được Thầy tóm gọn tổng hợp là liên hệ 'nhân duyên quả' thì không sai trật đâu được nữa. Đã nhận lời dạy dỗ và y thức được trách nhiệm của vi sư biểu, Thầy Lê Thái Ất mới tâm niệm rằng Thầy sẽ làm hết bổn phận của một người thầy giáo, còn cái chuyện học hành là thuộc về cặp học trò này, rằng họ có tiến bộ, tinh tấn trong việc học hỏi Phật pháp hay không là việc của họ chứ chẳng phải việc của Thầy. Học hành kiểu này xem ra thoải mái hơn thời gian còn phải cắp sách đến trường. Hai học trò chẳng có phải thi cử hay làm test gì cả thành ra ông Thầy cũng chẳng rõ học trò tiến bộ đến đâu. Cả hai, Thầy và học trò đều đã già hết rồi, lo quá chỉ mệt cái thân xác và tâm trí mà thôi. Ấy, ở đời có nhiều sự lạ, có khi học sinh được thả lỏng, không bị gò bó, và nhờ có thiệm cảm hay mặc cảm tội lỗi với Thầy mình lại học hành tấn tới ra trò đây không chừng!
Thầy Lê Thái Ất kể rằng, từ thuở tứ tuần Thầy có ý nghĩ tìm hiểu đạo Phật và trong bấy lâu nay thỉnh thoảng khi có dịp Thầy thường "viết bài bài liên hệ đến những khái niệm căn bản về giáo lý đạo Phật, thiên về phần hành chứng thực nghiệm hơn là phần lý giải uyên thâm, nặng về Sự cần thiết để làm sáng tỏ Lý ngõ hầu đạt tới Sự Lý Ngộ Viên Dung". Các bài viết được hình thành khởi nguồn có khi từ cái duyên tiếp xúc với một người nào đó. Phải nói rằng, cuốn sách "Tu Tại Gia" sở dĩ có mặt với đời ngày hôm ấy một phần cũng là do công trình của anh Trần Quý Hùng mà ra. Thấy Lê Thái Ất cho biết Thầy chưa bao giờ có ý định sẽ xuất bản một quyển sách như thế này. Chính anh Trần Quý Hùng được biết Thầy đã viết nhiều bài có giá trị cho nên anh mới đưa ra ý kiến đóng tập và in thành sách xuất-bản. Để đạt mục đích này, anh tình nguyện đánh máy các bài viết của Thầy. Nhưng qua giai đoạn kế tiếp là 'lay out' và in ấn thì Thầy trò chưa biết là đến bao giờ mới có thể khởi công được. May mắn thay, vào khoảng cuối năm 2009, một người con của Thầy tên là Cát Tiên, xưa nay bận rộn quanh năm bỗng dưng lại có vài tháng rảnh rỗi, thế là người này phụ trách lo phần 'lay out' và in ấn để rồi ngày hôm nay mọi người có được tác phẩm "Tu Tại Gia" trong tay. Thầy khiêm nhường bảo rằng Thầy chỉ có mỗi cái công viết, chứ việc cuốn sách ra đời và đến tay người đọc phần lớn là do công lao của anh Trần Quý Hùng và người con của Thầy, vì rằng bài viết dù có sẵn nhưng nếu không có sự tiếp tay của hai người này thì các bạn đồng tu khác không thể có sách để cùng học hỏi. Đến đây thì người đọc mới thấy cái diễn trình từ một cục phấn năm xưa cho đến "Tu Tại Gia" ngày nay là cả một liên hệ nhân duyên quả rất dài vậy. Xem ra phần thực-hành của anh học sinh năm xưa đã có được kết quả tốt.
Chính vì thực hành quan trọng dường ấy cho nên Thầy Lê Thái Ất có nhắc lại sự khác biệt giữa lý thuyết và thực hành. Thầy nói người nào có khả năng, nghiên cứu, viết lách các sách vở, tài liệu chuyên môn, chuyên về lý thuyết với những kiến thức rộng về một số lãnh vực nào đó làm lợi cho đời được xếp vào thành phần học giả. Còn những người khác tuy không giỏi về lý thuyết, thiếu cơ hội học hành, có một kiến thức hạn chế về một số lãnh vực nào đó nhưng họ lại chuyên về thực hành, ứng dựng thì trên thực tế, nhiều khi lại được việc. Những người này được Thầy xếp vào thành phần hành giả. Thầy bảo là nếu được chọn một trong hai, là học giả hay hành giả, Thầy sẽ chọn hành giả. Thầy Ất đưa ra một thí dụ: Ngày nay người đời được biết nguyên lý Archimede, nói về sức đẩy của nước; một vật khi được thả xuống nước nhờ có sức đẩy của nước cho nên sẽ nổi trở lên. Học sinh Trung Học đã học qua cái nguyên lý này và dĩ nhiên một giáo sư Vật lý lại còn hiểu rõ nguyên-lý này hơn ai hết. Con em nhà thuyền chài không có biết cái gì gọi là nguyên-lý Archimede cả. Ấy thế mà khi rớt xuống sông con nhà thuyền chài vẫn sống nhăn, không bị chết đưối vì đã từng đượt dợt bơi lội từ tấm bé trong khi ông giáo sư Vật lý sống tại thành thị chưa từng học bơi bao giờ nhưng lỡ bị té xuống sông thì kết quả sẽ là chết đuối. Như thế cái hành động bơi lội giúp người ta sống còn khi rớt xuống nước chứ cái kiến thức Archimede suông chẳng giúp gì cho người ấy trong trường hợp này. Nói cách khác, cái biết chỉ có ích khi đi đôi với thực hành mà thôi.
Nghe đến đây, tôi chợt nhớ là có một lần tôi được nghe một CD do một Đại Đức Phật giáo thuyết giảng. Trong phần giới thiệu vị giảng sư này, người điều khiển chương-trình, là một vị cao niên có kinh nghiệm Phật pháp và tu học, có đề cập tới chữ học giả và nói rất mạnh mẽ như thế này:"Thầy (tức là Đại Đức giảng sư) không những là một hành giả mà còn là một học giả vì giảng sư có cấp bằng Tiến sĩ Triệt học Phật giáo." Nói như thế nghe không ổn, Phải nói là phần lớn các học giả có một sư nghiên cứu thâm sâu và một kiến thức uyên bác về một hay vài ngành nào đó làm lợi lạc cho người đời và họ không nhất thiết phải có bằng Tiến sĩ. Có bằng Tiến sĩ mà tự động được xếp vào hàng học giả thì con số học giả sẽ nhiều vô kể như lá mùa thu và đếm không xuể nữa. Phần đông các học giả nổi tiếng của Việt Nam không có học vị cao nhưng lại được quần chúng đặc biệt dành cho một sự kính nể.
Thầy Lê Thái Ất còn tâm sự rằng lúc vào khoảng bốn mươi Thầy có cơ hội tham chính nhờ các điều kiện sẵn có cộng thêm các bạn bè trong chính phủ kêu gọi và thúc đẩy, ấy thế mà là một thanh niên thành đạt trong xã hội lúc bấy giờ Thầy không quan tâm lắm đến tiền tài, danh vọng địa vị, mà lại chú tâm nghiên cứu kinh điển và chứng nghiệm thực hành.
Quan sát phần phát biểu của Thầy Lê Thái Ất tại THCSPG tôi nhận thấy, dù đã tám mươi mấy nhưng Thầy vẫn còn mạnh khoẻ, sắc diện hồng hào. Thầy đứng thẳng và nói theo kiểu ứng khẩu chứ không đọc diễn văn. Cặp mắt của Thầy nhìn xuống cử tọa trong lúc bàn tay Thầy cầm vững cái micro. Giọng nói của Thầy rõ ràng, gẫy gọn, liên tục và không suy giảm cường độ. Phần kể chuyện của Thầy có lớp lang, thứ tự và nghiêm trang nhưng không kém phần dí dỏm tạo cho cử toạ có được những nụ cười vui. Dĩ nhiên theo thời gian Thầy có già đi nhưng phong độ của một nhà giáo vẫn còn nguyên vẹn và đuy trì được sự kính trọng của mọi người và các môn sinh của Thầy. Nay Thầy lại trang bi thêm hành trang tâm linh với tâm nguyện dùng "Tu Tại Gia" là phương tiện "giao duyên cùng các bạn đồng tu tại gia để cùng dắt nhau trên đường tiến tu và quán rằng đó là một cách báo ơn Đức Như Lai trong khi thọ nghiệp thế gian" khiến tôi cảm thấy may mắn và phước đức vô ngần. Tôi thật không ngờ, thuở đôi mươi tôi đã là học trò của Thầy, trong mấy chục năm công vụ trải dài từ Việt Nam cho đến Hoa Kỳ, dù Thầy không ở gần cùng tôi nhưng cái kiến thức "Soạn Thảo Công Văn" đã theo tôi như hình với bóng, yểm trợ cho tôi đến tận ngày hôm nay. Nào ngờ ở vào cái tuổi xế chiều tha hương tôi lại có duyên lành với Thấy, được Thầy cung cấp "Soạn Thảo Công Văn" số hai có tên là "Tu Tại Gia". Đời tôi có được hoàn thiện hay không từ nay là hoàn toàn ở tôi. Thầy tôi đã dạy cho tôi đầy đủ các bài học về "Đời" và "Đạo", có tinh tấn hay không là do nơi tôi mà thôi.
Tôi không dám nhận Thầy Lê Thái Ất là bạn đồng tu như Thầy nói. Chỗ nào và lúc nào thì vị trí vẫn minh bạch, Thầy là Thầy và trò là trò, không thể lẫn lộn. Kính xin Thầy Lê Thái Ất vui lòng nhận nơi đây một sự tri ân sâu xa của một người học trò của thế kỷ.
Nguyễn Văn Huy
Mười điều tâm niệm
1. Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục vọng dễ sanh.
2. Ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy.
3. Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo.
4. Xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.
5. Việc làm đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng khinh thường kiêu ngạo
6. Giao tiếp đừng cầu lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa,
7. Với người thì đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình vì được thuận theo ý mình thì lòng tất kiêu căng.
8. Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân có mưu đồ.
9. Thấy lợi đừng nhúng vào, vì nhúng vào thì si mê phải động.
10.Oan ức không cần biện bạch vì biện bạch là nhân chưa xả.