Hồi ký của Thiếu Tá TQLC Mỹ
Phạm Xuân Quang và ảnh hưởng của cha anh
Một quyển hồi ký của một quân nhân Mỹ gốc Việt rất được giới quân đội Hoa Kỳ ưa thích, nay đã được dịch ra tiếng Việt.
Ðồng thời, cuốn sách đó, “A Sense of Duty” của Quang X. Pham, cũng được Random House tái bản với ấn bản bìa giấy, một dấu hiệu cho thấy cuốn sách có nhiều độc giả. Khác với thị trường Việt Nam, trong thị trường Mỹ, một cuốn sách thường được xuất bản lần đầu với bìa cứng, in ít bản hơn, cho tới khi cuốn sách tự chứng tỏ là ăn khách, mới được tái bản bìa giấy và in hàng loạt.
Tác giả Quang X. Pham sẽ có mặt tại nhà hàng Zen, 9329 Bolsa, Westminster, CA 92683, để ra mắt ký tặng sách và gây quỹ tranh cử cho Hugh Nguyen for Orange County Clerk-Recorder.
Quang X. Pham, tức Phạm Xuân Quang, mới đây ra ứng cử Quốc Hội liên bang, là một cựu thiếu tá phi công trong thủy quân lục chiến Mỹ. Thân phụ ông là cựu phi công phi đoàn khu trục 514 VNCH Phạm Văn Hòa.
Cuốn sách, với tiểu tựa “My Father, My American Journey” cho thấy thân phụ tác giả, cả về binh nghiệp lẫn cách nhìn về thế giới, ảnh hưởng đến Phạm Xuân Quang tới mức nào.
Phạm Xuân Quang hiện nay là một thương gia thành công, một triệu phú tự lập và tổng giám đốc công ty Lathian Health.
Dưới đây là trích đoạn một phần chương đầu cuốn sách “A Sense of Duty,” tựa tiếng Việt là “Ý Thức Trách Nhiệm.”
Chương dẫn nhập
Tôi sinh ra là một người Việt Nam tại một bệnh viện cổ của Pháp sáu tháng trước khi Tổng Thống Lyndon B. Johnson gởi hàng ngàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đến đất nước tôi... Tôi vẫn có thể tìm nơi sinh quán của tôi trên bản đồ. Tuy nhiên bây giờ nó đã bị đổi tên, với một cái tên quái dị, kỳ lạ, Thành Phố Hồ Chí Minh. Cái tên Saigon đã bị cưỡng đoạt. Nhưng nó vĩnh viễn không bị mất, tôi có thể cho mọi người biết lý do tại sao, mà không khỏi nghẹn ngào. John F. Kennedy đã từng nói, “Chiến thắng sẽ có 100 người cha thừa nhận và thất trận luôn luôn là kẻ mồ côi.” Như là một đứa trẻ mồ côi một nửa, tôi tự bằng lòng với chính tôi, Vietnam vẫn tồn tại trong tôi bao lâu mà tôi vẫn còn sống, và tình yêu của tôi cho nước Mỹ, một người Việt Nam đối với Hoa Kỳ, và bây giờ là quê hương của tôi.
Khi tôi được hai mươi tuổi, tôi trở thành người Mỹ bởi sự lựa chọn. Thật ra tôi chỉ là một sản phẩm phụ, hiện hữu bởi sự thất bại của chính sách Hoa Kỳ ủng hộ một chế độ làm tiền đồn để bảo vệ Á Châu. Tôi vẫn có thể giữ thẻ xanh và trở thành thường trú nhân như một số ít người không muốn trở thành công dân Mỹ. Nhưng tôi biết nếu muốn gia nhập quân đội Mỹ tôi phải là công dân của nước này. Ngay từ bé giấc mơ của tôi khi lớn lên tôi sẽ trở thành một phi công như bố tôi. Tôi cũng không ngờ để theo đuổi giấc mơ này, đã giúp tôi trả ơn việc trở thành công dân Mỹ và tìm hiểu được sự thật về nghĩa vụ của bố tôi trong cuộc chiến dai dẳng. Bố tôi một lần đã viết: “Có lẽ số phận ngẫu nhiên, con đã ở cùng một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến mà bố thường bay để yểm trợ và đã cứu thoát bố trong những ngày đầu của cuộc chiến.”
...
Ðây chỉ là một câu chuyện đơn giản của một đứa trẻ tị nạn lớn lên không cha và trở thành lẫn lộn vì nỗi nhung nhớ quê hương. Sôi nổi vì những tiếng gọi nghĩa vụ quê hương ngay cả trước khi chào đời, đứa bé được đưa vào giấc mộng của người Mỹ, mặc dầu phải trải qua những kỳ thị và những chướng ngại. Tuy nhiên sau cùng người thiếu niên này nhờ người bố thân yêu, một người lúc nào cũng dấn thân cho danh dự mà không hề đòi hỏi một sự đền bù và người thiếu niên này đã tìm được những hòa đồng.
Năm 1975, một tuần lễ trước khi quân Bắc Việt tràn ngập Saigon, mẹ tôi và ba người em gái của tôi và tôi đã đào thoát ra khỏi Vietnam. Quê hương tôi tan vỡ ra từng mảnh; hy vọng một quốc gia hoàn toàn có tự do đã trở thành vô vọng. Không hề đoán được trước là gia đình tôi trở thành một trong số hàng ngàn gia đình có thân nhân là tù nhân chiến tranh.
...
Sau cùng nỗi lo sợ kinh hoàng của chúng tôi khi rời khỏi Vietnam đã chấm dứt. Bố tôi đã bị Cộng Sản cầm tù sau khi chiến tranh kết liễu: Ông bị lên án hơn mười hai năm tại các trại tù - sau khi ông được lệnh đi trình diện học tập chỉ có ba mươi ngày. Sau khi đã lắng nghe hay giả vờ lắng nghe sự tẩy não của Cộng Sản (có mỹ từ là “cải tạo”) trong vài tháng, ông đã trải qua những năm tháng còn lại trong các lao tù khổ sai đương đầu với tất cả các chứng bệnh phù thũng, kiết lỵ, sốt rét, đói khát, đánh đập và gần kề với tử thần. Ông ta và những người cùng một thế hệ lầm tưởng Hoa Kỳ sẽ sát cánh với họ mãi mãi. Bố tôi đã phục vụ hai mươi mốt năm trong quân ngũ của miền Nam sau Ðệ Nhị Thế Chiến gần hết tuổi thanh xuân của ông. Nhưng khi ông đến được bến bờ tự do tại đây, ông chẳng bao giờ nhận được một sự chào đón chân thành, nói chi đến những quyền lợi cựu chiến binh hay hưu dưỡng.
...
Khi bố tôi qua đời năm 2000, những người bạn đồng ngũ của ông xuất hiện đông đủ để tiễn biệt ông, cũng như những người bạn Thủy Quân Lục Chiến của tôi. Buổi chiều khi tôi đọc bài điếu văn đó là giây phút khó khăn nhất trong đời tôi: Tôi đã mất đi người bố thân yêu lần thứ hai trong đời. Tôi đứng khẽ động đậy dưới ngọn đèn của nhà quàn, đưa mắt nhìn về phía cuối phòng những người đồng đội già của bố tôi, nay không còn trong quân ngũ. Những người đã từng phục vụ chung trong phi đoàn với bố tôi hay cùng sống qua các trại cải tạo: Bao, Hoi, Thanh, Tien, Tri, Xuong, và nhiều người khác nữa. Họ đã phủ lá Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ lên quan tài của bố tôi. Tôi đọc bài điếu văn bằng Anh ngữ. Tôi đã chểnh mảng với tiếng mẹ đẻ của tôi quá lâu để có thể kể lể một cách trau chuốt về cuộc đời và sự nghiệp của bố tôi.
...
Bố tôi đã làm điều gì để ông xứng đáng cho những danh dự đó? Tại sao những người cựu quân nhân này phải bận tâm với những nghi thức quân đội? Rốt cuộc, quê hương của bố tôi đã mất cũng như những người lãnh đạo- những người được coi là đảm lược và giỏi giang nhất- là loạt người đầu tiên đã đào thoát ra khỏi Saigon, mang theo cả vợ con. Chỉ trong vòng năm mươi lăm ngày trong Mùa Xuân 1975 khi một đạo quân gồm một triệu người đã tran rã hàng ngũ một cách nhanh chóng. Ðổ lỗi cho Hoa Kỳ? Ðiều này đã từng làm, và nhiều người miền Nam vẫn tiếp tục đổ lỗi cho người bạn đồng minh. Vết thương này vẫn chưa được hàn gắn từ hàng chục năm nay trên đất nước này. Sự tháo chạy của một đồng minh?
...
Ngày 27 tháng 4 , năm 1964, bố tôi, lúc đó là trung úy không quân Phạm Văn Hòa, đã bị bắn hạ trong một phi vụ yểm trợ cho một cuộc hành quân trực thăng vận quy mô điều khiển bởi cố vấn Mỹ trong cuộc chiến bí mật của họ. Ðược cứu sống và tập trung vào binh nghiệp của ông, ông tiếp tục tung hoành trên bầu trời miền Nam thêm một thập niên nữa, cho đến khi sự may mắn của ông cũng như bao nhiêu người đồng hương khác, không còn nữa. Hơn mười hai năm cay đắng, thật ra là cả hết cuộc đời của ông, bố tôi đã trả một cái giá quá đắt của những người thất trận. Những tên cai ngục Bắc Việt đã mạt sát bố tôi bằng vô số những danh từ không ái quốc, phản bội, nợ máu, tay sai đế quốc, không tặc, và đánh thuê rẻ tiền. Chúng áp buộc bố tôi phải viết những bản tự thú nhìn nhận những tội phạm đã liên kết với chính phủ Saigon. (Những người đồng minh cũ của bố tôi và guồng máy truyền thông, báo chí Mỹ, một khi an bình trở về Hoa Kỳ, đã vẽ lên một hình ảnh tiêu cực là miền Nam tham nhũng, bất tài, một xã hội đen không xứng đáng để yểm trợ.)
...
Tôi vẫn ao ước bố tôi vẫn còn sống. Ông từ trần vỏn vẹn tám năm sau khi rời khỏi Việt Nam. Tất cả những điều này, và mặc dầu đôi lúc ông nghĩ rằng Hoa Kỳ đã bội phản ông. Nhưng không vì đó mà ông sẽ vắng mặt trong cuộc lễ khánh thành Tượng Ðài. Ông đã chiến đấu bên cạnh những người lính Hoa Kỳ tại Việt Nam và bố tôi hãnh diện về điều này.
...
...
Tôi chẳng bao giờ nhìn lại quá khứ và sẽ không bao giờ. Phải mất ba mươi năm tôi mới có câu trả lời cho những thắc mắc của tôi. Hoa Kỳ đã cho gia đình tôi một cơ hội làm lại cuộc đời lần thứ hai trong tự do và thanh bình và cơ hội mọi người thông cảm lẫn nhau trở lại; bố tôi và những người bạn tù của ông ta sẽ không bao giờ bị quên lãng. Ơn nghĩa ấy chúng tôi vẫn canh cánh bên lòng. Và đó là câu chuyện của hai bố con tôi.
Phạm Xuân Quang
Nguồn nguoi-viet.com