Sự thật về vụ thảm sát Katyn
và tội ác của Stalin
Ngày 01/09/1939 Hitler tấn công Ba Lan, mở đầu Thế chiến lần thứ II. Thoả thuận ngầm với Đức Quốc Xã, ngày 17/09/1939, Liên Xô cho quân chiếm đóng các vùng phía Đông của Ba Lan. Khoảng hơn 20 ngàn sĩ quan, binh lính của quân đội quốc gia và cảnh sát Ba Lan bị bắt và bị nhốt tập trung trong các trại tù ở khu rừng Katyn (phía Tây của Belarus và Ukraine).(Hình phải:Đài tưởng niệm các sĩ quan Ba Lan bị sát hại tại Katyn (Baltimore, Hoa Kỳ)
Ngày 5/03/1940, Tổng thanh tra Bộ Nội vụ Liên Xô L. Beria gửi văn bản No. 794/B [794/Б] tới Stalin, đề nghị bắn bỏ không cần điều tra, luận tội 14.700 tù binh và 11.000 tù nhân khác (trong đó đại đa số là người Ba Lan) vì “không nhìn thấy sự hối cải của kẻ thù đối với lãnh đạo Xô Viết”.
Trên văn bản của L. Beria có các chữ ký của Stalin, Voroshilov, Molotov, Mikoian và thêm bút tích của Kalinin. Cùng ngày, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản (ĐCS) Liên Xô ra quyết định No. P13/144 chuẩn y đề nghị của Beria.
Ngày 22/03/1940, L. Beria ra sắc lệnh No. 00350 và một trong những cuộc thảm sát có kế hoạch lớn nhất trong lịch sử Ba Lan và thế giới trong thế kỷ XX đã xảy ra.
Sự dối trá và sự thật nhức nhối
Năm 1987, trong khuôn khổ của Pierestroika Michail Gorbachev đã đồng ý thành lập uỷ ban hỗn hợp Liên Xô-Ba Lan với mục đích tìm sự lý giải cho những vết đen lịch sử trong quan hệ hai nước. Gọi tên uỷ ban như vậy nhưng trong thực tế là tìm phương thức thích ứng để công khai hoá thủ phạm. Cũng cần lưu ý ở đây rằng, với cương vị Tổng bí thư và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao, chắc chắn Gorbachev đã biết rõ "Hồ sơ đặc biệt Số 1" và văn bản số RP-979 [РП-979] của Viện Hàn Lâm Khoa học Nga, trong đó có âm mưu tìm lại nguồn thảm sát tù binh Nga để phản công lại phía Ba Lan.
Andrei Kunert, giáo sư tiến sĩ sử học nổi tiếng của Ba Lan đã từng nói trước công luận rằng, chỉ riêng phía Nga tạo dựng sự việc thảm sát tù binh thuộc quân xâm lược Bôn-se-vich trong cuộc chiến 1920 giữa Nga và Ba Lan để làm đối trọng với Katyn - tội ác đối với hàng binh của nước Ba Lan bị xâm lược, tay không tấc sắt - đã là một trò đầu cơ bỉ ổi. Ông nói: “Các tài liệu lịch sử cho thấy rằng, trong 110 ngàn tù binh Bôn-se-vich đã có 66 ngàn trở về nước, phía Ba Lan không hề giết hại một người nào. Khoảng 24-28 ngàn là nạn nhân của dịch tả và dịch sốt Rickettsia (typhus) hoành hoành trên toàn Âu châu bấy giờ, và đúng với số lượng ấy người ta đã gạt qua những đơn vị chiến đấu với Ba Lan. Trong những năm 90, chính phủ Ba Lan đã trao lại cho phía Nga toàn bộ hồ sơ lưu trữ về vấn đề này”.
Vụ thảm sát Katyn đã được đưa ra Toà án Quân sự tại Nürnberg, Đức quốc, năm 1945. Công tố viên Liên Xô, tướng R.A. Rudenco đã buộc tội phát xít Đức thảm sát 11 ngàn tù binh Ba Lan tại Katyn. Tuy nhiên, đã không có phán xét chung cuộc vì không thể chứng minh được tội ác gây ra thuộc về người Đức.
Ngày 22/12/1953, một ủy ban của Thượng Viện Hoa Kỳ, sau nhiều cố gắng vận động của cộng đồng người Ba Lan tại Mỹ, đã gửi tường trình lên chính phủ và cáo buộc Liên Xô trước Toà án Quốc Tế (International Court of Justice) tại Den Haag (Netherlands), một định chế tư pháp của Liên Hiệp Quốc. Năm 1971, BBC cho chiếu bộ phim tài liệu với tựa đề: "Sự việc cần lãng quên".
Cuối những năm 50, dưới chỉ đạo của tổng bí thư N. Khrushchev, sếp KGB Alexander Shlepin đã bí mật nghiên cứu hồ sơ Katyn, sau đó bằng văn bản N-632-SH [Н-632-Ш] ngày 3/03/1959, đề nghị tiêu huỷ 21.857 cặp tài liệu nhân sự về các nạn nhân Katyn mà Sheplin gọi là “những tên tù của Ba Lan tư sản” - được coi là không có giá trị phân tích cũng như lịch sử, chỉ giữ lại những thứ quan trọng nhất, tập hợp trong một bộ hồ sơ mang tên "Hồ sơ đặc biệt Số 1". “Hồ sơ đặc biệt Số 1” này được cất giữ tuyệt mật và chỉ những người lãnh đạo cao nhất của đảng CS Liên Xô mới có quyền tiếp cận.
Năm 1978 người ta cho dựng bia kỷ niệm nạn nhân tại Katyn với dòng chữ: “Nạn nhân của chủ nghĩa phát xít – những sĩ quan Ba Lan bị bắn chết bởi quân đội Hitler trong năm 1941”.
Sự dối trá này được duy trì trong suốt gần 5 thập niên cuối của thế kỷ XX dưới chế độ cộng sản Ba Lan. “Katyn” trở thành đề tài nhạy cảm, bị cấm kỵ trong các tranh luận xã hội. Gia đình các nạn nhân phải ôm hận đau thương trong im lặng.
Năm 1989, chế độ cộng sản sụp đổ đầu tiên tại Ba Lan và tiếp theo là sự phá sản giây chuyền toàn bộ khối cộng sản tại Trung-Đông Âu và Nga. Ngày 14/10/1992, thừa lệnh tổng thống Boris Jeltsin, Viện lưu trữ Nga đã trao lại cho tổng thống Ba Lan L. Valesa toàn bộ các bản sao của Hồ sơ đặc biệt Số 1. Hồ sơ được công bố ngay cho công luận tại Ba Lan và tại Nga năm 1993 trên số đầu tiên của nguyệt san “Voprosi Histori”. Nhà nước Nga cũng đồng ý mở hồ sơ cho các nhà khoa học, lịch sử Ba Lan và các nước khác.
Ngày 30/11/2004, Viện Tưởng Nhớ Dân Tộc Ba Lan (The Institute of National Remembrance – Commission of the Prosection of Crime against the Polish Nation) chính thức điều tra “Tội ác Katyn”.
Ngày 11/03/2005 Viện Công tố Quân sự Tối cao Nga - mặc dù đã thu thập hàng trăm tập hồ sơ, tài liệu và đã có những cam kết hỗ trợ phía Ba Lan trước đó - ra thông báo về việc chấm dứt điều tra. Viện Công tố Quân sự Tối cao Nga chính thức cho rằng, “không có cơ sở để kết luận Katyn là tội ác chống nhân loại”. Thông báo giải thích rằng, việc trấn áp, giam giữ và đối xử với binh sĩ Ba Lan phù hợp với các tiêu chuẩn phổ cập vào thời buổi đó. Nước Nga xem vụ Katyn là tội phạm thông thường, do đó đã quá thời hạn hiệu lực hồi tố. Tồn tại một lý do trong việc đóng hồ sơ không được nói ra là có sự đồng loã của đảng Cộng sản Ba Lan trong việc bắt giữ sĩ quan và binh lính của quân đội quốc gia Ba Lan.
Phía Ba Lan vẫn giữ quan điểm của mình. Viện Tưởng Nhớ Dân Tộc Ba Lan nhờ “Memorial”, một tổ chức xã hội Nga chuyên sưu tập và nghiên cứu tội ác của chủ nghĩa Stalin, đánh giá tính pháp lý của kết luận do Viện Công tố Quân sự Tối cao Nga đưa ra. “Memorial” đã trả lời dựa trên điều khoản 193 điểm 17 của Bộ luật hình sự Nga (RFSRR) rằng, đây là “tội lạm quyền của những người lãnh đạo cao nhất trong Bộ chỉ huy Hồng Quân Liên Xô”.(Hình phải:Hố chôn tập thể được tìm thấy)
Ngày 14/07/2007, quốc hội Cộng Hoà Ba Lan ra thông báo: “Để tưởng nhớ tất cả những người bị GUGB (*) giết hại trên cơ sở sắc lệnh của lãnh đạo cao nhất Liên Xô ngày 5/03/1940, Quốc hội Ba Lan quyết định lấy ngày 13 tháng Tư hàng năm làm Ngày Tưởng Nhớ Nạn Nhân Tội Ác Katyn”.
Nói về thái độ thay đổi lật ngược của phía Nga, W. Konończuk, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông của Ba Lan nói: “Ba Lan không phải là ngoại lệ. Người Nga cũng thể hiện tương tự trong các quan hệ với Ukraine và các nước vùng Baltic. Chúng ta đừng quên nguồn gốc của tổng thống Putin: chỉ đạo viết lại lịch sử Liên Xô, ông ta xoá bỏ những tội ác gây nên bởi lực lượng đặc biệt, nơi mà từ đó ông ta xuất phát tiến thân”.
A. Gurianov, chuyên viên về Katyn của Tổ chức “Memorial” giải thích: “Chính quyền Nga hiện nay nói chung muốn làm ngơ trước những trang sử đen tối của lịch sử nước tôi. Trong nước Nga hiện đại đang có những đề tài tranh luận hoàn toàn khác về quá khứ. Với tất cả sức mạnh người ta đang cổ vũ cho các sự kiện khơi dậy tính anh hùng và vị thế cường quốc của nước Nga. Phần còn lại tốt nhất là quên đi”.
Trong dư luận Ba Lan, nhiều người cho rằng, nếu phía Nga thừa nhận Katyn là tội ác (diệt chủng) chống nhân loại, thì hàng trăm ngàn người thân của các nạn nhân Ba Lan hiện nay có quyền đòi nhà nước Nga bồi thường trước công pháp quốc tế. Điều này sẽ là một tổn thất to lớn về vật chất và đạo đức cho nước Nga…
Theo RFI
Nguồn vietinfo.eu
Đọc thêm : rfa.org