Vũ Hy Trác, một trong những người
sáng tạo vần quốc ngữ mới
Khi giới thiệu về phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, người ta có nhắc đến tên ông Vũ Hy Trác. Trong tiểu sử học giả Trần Văn Giáp khi nói về hoạt động giai đoạn truyền bá chữ quốc ngữ có ghi: “Ông là một trong những người sáng lập Hội truyền bá Quốc ngữ, đã cùng với Hoàng Xuân Hãn và Vũ Hy Trác soạn quyền Vần quốc ngữ (1938) sáng tạo ra phương pháp học i- tờ”. (1)
Bài viết về Trần Văn Giáp của tác giả Nguyễn Quang Ân cũng có chi tiết này: “Ông ở trong ban trị sự, phụ trách về tài liệu giáo khoa, cùng Hoàng Xuân Hãn, Vũ Hy Trác soạn sách Vần quốc ngữ, sáng tạo được phương pháp i- tờ dạy cho người mù chữ chóng biết đọc biết viết”. (2)
Bản thư mục các tác phẩm của học giả Trần Văn Giáp trong đó có ghi “Vần Quốc Ngữ. Soạn cho Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, cùng Hoàng Xuân Hãn và Vũ Hy Trác. Hà Nội, 1938”. Không rõ là nó được photo từ cuốn nào nhưng nay có thể tìm được trang giống như vậy ở trên mạng. (3)
Năm 1988, có nhiều hoạt động kỷ niệm về Hội truyền bá quốc ngữ nhưng vì điều kiện, mẹ tôi và các cậu cùng các cháu nội ngoại của ông chẳng biết gì.Mãi đến sau này, khi internet phổ biến hơn, tôi có mày mò tìm tư liệu về ông ngoại. Cũng chỉ là tìm để biết về kể cho mẹ nghe. Tình cờ, một lần vào Google tôi tìm thấy 8 kết quả với từ khoá “Vũ Hy Trác”. Phần tiểu sử Trần Văn Giáp trên Wikipedia ghi: “Ông cùng với học giả Hoàng Xuân Hãn và Vũ Hy Trác là người sáng lập Hội Truyền bá Quốc ngữ, theo đó là cuốn Vần quốc ngữ đề xướng học chữ Việt theo phương pháp "i-tờ". (4)
Có trang web nêu ý kiến một phụ huynh ở Mỹ về phương pháp học chữ quốc ngữ: “Tôi có đứa con gái 5 tuổi đang học mẫu giáo ở Mỹ. Cháu tự đọc được các sách tiếng Anh dành cho học sinh lớp 2, nhưng tiếng Việt của cháu kém. Hôm nọ tìm được một lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em trong một ngôi chùa. Mừng quá. Các thày cô rất tận tâm. Nhưng nhận thấy các học sinh trong lớp rất khổ sở khi học đánh vần. Ví dụ: Chữ "gặt" sẽ được dạy là: "á tờ ắt nặng ặt. Gờ ặt gặt". Về tra lại, thấy phương pháp dạy đánh vần này khá theo sát cách i- tờ của các cụ Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn và Vũ Hy Trác ("Vần Quốc-Ngữ. Dạy Theo Phương-Pháp Mới" Hà Nội - 1939)”. (5)
Nhờ Google, tôi tìm ra mấy bài báo có nhắc đến ông ngoại tôi. Bắt đầu là báo Đại Đoàn Kết (Hà Nội) số 31, ngày 6.8.1988, có bài “Nhớ lại Hội Truyền bá quốc ngữ” của học giả Hoàng Xuân Hãn. Sau đó, báo Đoàn Kết (Paris) số 405-406 tháng 9-10-/1988 đăng lại toàn văn bài viết của Hoàng Xuân Hãn.
Mấy tháng sau, trên báo Đại Đoàn Kết ngày 24.2.89, hai tác giả Ngô Nhật Quang - Trần Lê Nghĩa có bài trả lời: “Báo Đoàn Kết (Paris) số 405-406 tháng 9 và 10 năm 1988 có nhận xét '' ... Khi đăng bài này, báo Đại Đoàn Kết đã đục đoạn chót. Nghiêm trọng và đáng tiếc hơn cả, báo Đại đoàn Kết còn xóa cả tên ông Nguyễn Hữu Đang, lúc đó được Đảng Cộng Sản phân công liên lạc với nhân sĩ trí thức để vận động truyền bá quốc ngữ...”
Hai tác giả Ngô Nhật Quang - Trần Lê Nghĩa giải thích: “Bài viết của ông Hoàng Xuân Hãn bắt đầu bằng câu '' Bấy giờ vào khoảng cuối năm 1937... '' và nhắc đến tên ông Nguyễn Hữu Đang ở ba chỗ khi thuật lại lời của ông Trần Văn Giáp... Thời gian đó, ông Nguyễn Hữu Đang không có mặt ở Hà Nội, mà đang dạy học ở Ninh Bình... Trang 2 bìa có ghi: “Ban soạn sách: Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Hy Trác”. Như vậy ba chỗ nhắc đến tên ông Nguyễn Hữu Đang là không chính xác. Hoặc giả ra có sự nhớ lẫn với ông Vũ Hy Trác, cũng là một nhà sư phạm, cùng trạc tuổi, có tên trong ban soạn sách. Chúng tôi đã lược bỏ tên ông Nguyễn Hữu Đang ở những đoạn đó vì sự chân xác lịch sử”.
Cũng trong số đó, báo Đại Đoàn kết có “Đôi lời của Ban Biên tập” như sau: “Chúng tôi hoan nghênh trả lời của hai tác giả Ngô Nhật Quang, Trần Lê Nghĩa, cũng như thái độ trân trọng của Ban biên tập Đại Đoàn Kết đã đăng bài này trên trang nhất. Chúng tôi đã chuyển bài này tới giáo sư Hoàng Xuân Hãn và được bác Hãn cho biết thêm như sau: Bác đã viết "Nhớ lại..." hoàn toàn dựa theo trí nhớ, nên rất có thể có sự nhầm lẫn về vai trò của hai ông Vũ Hy Trác và Nguyễn Hữu Đang. Bác không nhớ tên ông Vũ Hy Trác, chỉ nhớ tên ông Nguyễn Hữu Đang, và trong trí nhớ, tên tuổi ông Đang gắn liền với thời kỳ cách đây 50 năm, chứ cũng không biết rằng ông Đang tham gia phong trào Nhân Văn-giai phẩm cách đây hơn 30 năm”. (6)
Về điểm này, hồi ký “Người thuyền trưởng” của Nguyễn Hữu Đang có đề cập. Bài viết dưới hai bút danh Phạm Đình Thái (phần 1) và Dương Quang Hiệt (phần 2) đăng trong kỷ yếu 50 năm Hội truyền bá quốc ngữ. Sau được chính tác giả dưới tên thật là Nguyễn Hữu Đang gộp lại làm một. Ông Nguyễn Hữu Đang viết: “Đang thong thả đi lại ngoài hành lang, tôi bỗng để ý một người ôm khệ nệ một bó vở viết đồ sộ, đi về phía tôi. Tưởng tôi là giáo viên ông ta hất hàm thân mật bảo tôi cùng đi chia vở cho các lớp. Chia xong, tôi hỏi: "Ông là Trưởng ban dạy học à?". Ông ta đáp: "Không. Tôi là Quản Xuân Nam, phó thư ký của Hội. Ông muốn gặp Trưởng ban dạy học thì lại chỗ kia". Theo tay anh chỉ, tôi đến một cửa lớp học. Trông thấy giáo viên, tôi nhận ra ngay là Vũ Hy Trác, người bạn học cùng trường, trên tôi hai lớp và tôi giơ tay vời gọi anh ra. Anh nhoẻn miệng cười, vừa bắt tay vừa nói thong thả: "May quá ! Anh đến giúp chúng tôi một tay đúng lúc”.
Hiện hồi ký này có thể tìm thấy ở trang web của tạp chí Diễn đàn (7) và bản in Tạp chí Diễn đàn số 78/1.10.1998 tại Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM. Như vậy theo Nguyễn Hữu Đang thì Vũ Hy Trác làm Trưởng ban dạy học của Hội truyền bá quốc ngữ.
Việc ông ngoại tôi dạy học ở Hà Nội, tham gia phong trào truyền bá chữ quốc ngữ năm 1938 ở Hà Nội với tư cách là đồng tác giả sách “Vần quốc ngữ”, tham gia tổ chức phong trào là có thật. Tuy nhiên, những tài liệu có thể mô tả rõ hơn thì không có. Những tư liệu mà tôi tìm được cũng chỉ ở mức ghi nhận.
Tôi không phải là người làm sử. Tôi chỉ là đứa cháu ngoại của ông. Khi lớn lên, tôi được nghe kể về ông. Những điều mà mẹ tôi, các cậu tôi kể lại là rất ít. Tôi muốn tìm hiểu thêm chút gì đó về ông, cũng là để về kể cho mẹ tôi nghe. Tôi đã liên hệ với một số nhà sử học, một số người chuyên làm tư liệu. Câu trả lời luôn là khó và phải biết chờ đợi. Đúng là không dễ chút nào. Bao nhiêu cơ hội đã trôi qua. Cụ Hoàng Xuân Hãn, cụ Trần Văn Giáp, cụ Nguyễn Hữu Đang... đều đã qua đời. Một nhà báo giờ đã nghỉ hưu và chuyên làm tư liệu bảo: “Cuốn Vần quốc ngữ bây giờ rất khó tìm. Tư liệu về cụ Vũ Hy Trác chắc là có nhưng còn ở đâu đó”.
Ông ơi, ông ở đâu? Con cháu đã đưa tên ông về cánh đồng làng nằm cạnh bà. Mong hương hồn ông được yên nghỉ trên cánh đồng làng. Còn những tư liệu ghi lại hoạt động, đóng góp của ông cho đời, con cháu biết tìm ở đâu?
Phạm Hy Hưng
Chú thích trong bài:
(1) Trần Văn Giáp, Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2003, trang 8.
(2) Trí thức Việt Nam xưa và nay, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội, năm 2006, trang 1029.
(3) http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/tacgia/tranvangiap.htm. tải tư liệu ngày 13.12.2009.
(4) http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_V%C4%83n_Gi%C3%A1p. Tải tư liệu ngày 10.9.2009
(5) http://www.viethoc.org/phorum/read.php?20,40917,40917,quote=1 Tải tư liệu ngày 10.9.2009
(6) http://www.diendan.org/tai-lieu/doan-ket/ve-bai-hoi-truyen-ba-quoc-ngu/ Tải tư liệu ngày 15.12.2009
(7) địa chỉ http://www.diendan.org/tai-lieu/doan-ket/ve-bai-hoi-truyen-ba-quoc-ngu/. Tải tư liệu ngày 15.12.2009
Nguồn vietstudies.info
Chú thích của Diendan.
Cụ Vũ Hy Trác,nguyên là Trưởng ban giảng huấn của Hội Truyền Bá Chữ Quốc ngữ,hoạt động chính trị trong Việt Nam Quốc Dân Đảng,mất tích năm 1946,có nghi vấn là do Cọng sản thủ tiêu.Cháu ngoại Cụ là Phạm Hy Hưng,tác giả viết bài này,
mong muốn được biết vấn đề rỏ hơn,do tính cách lịch sử này,bài viết tuy có những danh từ không ổn từ trong nước,nhưng vẫn được giữ nguyên bản,không edited phần nào.