Wednesday, June 30, 2010

Thơ Ngô Minh Hằng


BẢN TRƯỜNG CA THỨ BẢY

(Gởi người anh em bên kia giới tuyến)

Gió thu lạnh, từng lá vàng run rẩy
Cây trơ cành buồn bã hứng trời sương
Tôi viết tiếp bản trường ca thứ bảy
Chút lòng người vong quốc gởi quê hương !

Một quê hương bên kia bờ đại hải
Nửa địa cầu vời vợi cánh chim bay
Quê tôi đấy, dân đau thương quằn quại
Tôi xa quê, lòng nhớ qúa, đêm ngày!

Xưa, đẹp lắm, từng bờ sông, ngọn núi
Giặc tràn về tất cả trắng màu tang
Hăm mấy năm tôi chờ cơn gió nổi
Tôi đợi Kinh Kha phất ngọn cờ vàng!

Anh hỏi chúng tôi sao yêu đất nước
Lại âm thầm rời bỏ để ra đi
Và chị hỏi vì sao yêu tổ quốc
Cần bàn tay xây dựng lại không về ???

Tôi thẳng thắn trả lời anh và chị
Giận cũng đành. Tôi nói thật lòng tôi
Nếu còn đó, một độc tài đảng trị
Tôi có về, về tranh đấu mà thôi !

Quê hương đấy nhưng tôi không ở được
Cũng không về đóng góp bởi vì saỏ
Bởi Bác Đảng qúa tham tàn, bạo ngược
Hút máu dân đen, xiết họng đồng bào !

Hai chúng ta ở hai bờ giới tuyến
Hai con đường, lý tưởng nghịch chiều nhau
Tôi yêu tự do, công bình, chính thiện
Chế độ do dân lựa chọn, dân bầu

Đường anh chị rắc gieo mầm oan nghiệt
Nào giáo điều, nào lừa mị, gian tham
Nào khủng bố, nào tù lao, tiêu diệt
Nên căm hờn đầy dẫy Bắc Trung Nam !

Tôi nói thế nếu anh không vui lắm
Thì xin nhìn đất nước một lần xem
Có phải dân lành đói ăn, rách mặc
Chẳng tự do, không một chút nhân quyền ?

Dòng Bến Hải, Đảng chia đôi vĩ tuyến
Rồi Đảng xua quân xâm lược miền Nam
Có phải Đảng ném thương binh xuống biển
Đoạn tôn danh người ..."mất tích"...vinh quang ?

Có phải Đảng đã trả thù ác độc
Dân miền Nam sau khi cướp miền Nam
Nhãn "Cải tạo", mác "khoan hồng, học tập"
Thực chất giết người quỷ quyệt, dã man ?

Có phải Đảng chặt cây rừng, trộm gỗ
Để lụt hàng năm nước nổi, dân chìm ?
Cứu trợ gởi về, tiền kia Đảng giữ
Hiện vật nhập khọ Dân đói, đứng nhìn ?

Có phải đất dân Đảng thu, Đảng lấy
Dân biểu tình đòi, Đảng trả lại chưa ?
Có phải khắp nơi lòng dân chán ngấy
Những oán hờn cao chất ngất đơn thưa ?

Có phải Đảng bán dân làm nô lệ
Hết hạn rồi chẳng nhận họ về không?
Nước người trả. Đảng làm ngơ, mặc kệ
Chỉ dân đen là thân phận khốn cùng!

Có phải trẻ thơ bao em thất học
Đêm vỉa hè, ngày bới rác tìm cơm
Trường lớp thiếu nhưng hotel vẫn mọc
Dân không nhà nhưng Đảng lắm sân golf ?

Có phải Đảng bôi đen dòng lịch sử
Dạy trẻ thơ thù hận, dối gian không?
Trăm năm trồng người, người thành công cụ
Luồn cúi Nga Tàu, khinh rẻ tổ tông

Có phải thiếu niên đốt đời xuân trẻ
Để tương lai không là thoáng phân vân ?
Em gái mười hai môi tô, mắt vẽ
Ai thắp đèn hồng mời mọc thiêu thân ?

Có phải Đảng, đỉnh cao ngồi chễm chệ
Trên ngai vàng, lòng chẳng xót thương dân
Kiểu bạo chúa, reo cười trên máu lệ
Trên bạc vàng, trên quyền lực, phi nhân ?

Đảng và dân rõ ràng hai giai cấp
Đảng sang giàu, dân nghèo đói,đau thương
Đảng thống trị và người dân bị trị
Đảng tàn hung, dân khốn cực trăm đường !

Lệ đã thấm. Mầm xanh từ lòng đất
Đã nẩy chồi, đang lớn giữa quê hương
Dân Việt Nam với tinh thần bất khuất
Sẽ vùng lên mà rửa mối căm hờn

Anh thừa biết những lời tôi nói: ĐÚNG
Nên lo buồn mà chẳng dám nghe thôi
Đừng sợ nữạ Hãy nhìn vào sự thật
Để thương thân và thương đến giống nòi

Thế giới ngoài kia từng ngày biến chuyển
Những Bắc Hàn, Đông Đức, những Nam Tư
Khối Cộng Sản đang đi vào cõi chết
Vì lòng người bừng tỉnh giấc hoang mơ...

Thì hỡi chị, hỡi anh và hỡi bạn
Cùng chúng tôi, ta bước lại từ đầu
Hãy thành thật cho tình không đơn bạc
Muốn vườn tươi, phải diệt những loài sâu!

Muốn đất nước kịp người trong hội mới
Muốn ta không mai một chính đời ta
Muốn dân tộc tương lai không mù tối
Muốn ấm no hạnh phúc tới muôn nhà

Thì ta phải đập tan đời áp bức
Phá gông xiềng đòi dân chủ, tự do
Một thể chế chính quyền dân tạo dựng
Phải không anh? dân Việt vẫn mong chờ ???

Tôi đang nói với anh lời chí thiết'
Bằng con tim, bằng chân thật, tình người
Anh chẳng muốn nghe như tôi vẫn biết
Trong lòng anh, nguồn thác đã ngầm khơi...

Dòng thác đó lớn dần, lan rộng mãi
Trong trái tim người tiến bộ các anh
Thành những dòng sông hướng về đại hải
Cùng với muôn lòng, đốt lửa đấu tranh!

Ngày anh về, quê hương vui biết mấy
Cả ba miền vàng rực bóng cờ xưa
Anh đọc lại bản trường ca thứ bảy
Nhìn anh, tôi cười. Mắt biếc. Xinh chưa ???

Ngô Minh Hằng

Friday, June 25, 2010

Anti Communism


YOU Want the TRUTH
About HO CHI MINH?

Wacht the video below

HO CHI MINH,
THE MAN AND THE MYTH
(English Speaking)

Sunday, June 20, 2010

Dr. Nikonian


Viết cho con trai vừa có bằng lái xe

Vậy là chỉ sau một giấc ngủ dài trên máy bay, con đến Mỹ, đặt chân xuống sân bay Chicago tráng lệ. Chỉ sau một đêm, con giã từ bạn bè, góc phố thân quen, mái trường cũ…, để làm quen với một thế giới khác.

Cái thế giới mới mẻ của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ, quả kỳ lạ phải không con? Nơi mà sự ân cần, thân thiện của chú hải quan nơi phi trường, chị da đen ở Sở An sinh Xã hội, và mọi nhân viên công quyền khác làm cho cha con ta lạ lẫm. Nơi mà con vào công viên chơi bóng rổ, không phải trả tiền như trăm ngàn đứa trẻ Hoa Kỳ khác. Đó là một ân sủng, khi thoát khỏi văn mẫu, đề thi sai, chạy trường chạy lớp, con bước vào một hệ thống giáo dục khác, nơi mà cơ hội đồng đều cho mọi người. Không có biệt lệ cho bất cứ con ông cháu cha nào cả.

Đó là lý do vì sao ta trào nước mắt, khi thấy các con trai ta, sung sướng, hồn nhiên chơi bóng rổ dưới bóng lá cờ sao vạch của một đất nước khác, không phải quê hương. Giấc mơ Mỹ, quả là vĩ đại, không phải vì sự to lớn của nó, mà vì nó là của riêng con, riêng cho từng người. Và nó sẽ là sự thực, nếu con muốn, không phải là những lời phét lác huênh hoang của một thiên đường dối trá.Chúc mừng con, con trai ta ạ!

Chỉ sáu tháng sau, ta thầm cám ơn trời đất, ông bà khi gặp lại con. Con chững chạc, cao lớn, tự tin như bao thanh niên khác trên đất Mỹ. Con không còn từ chỗ mỗi ngày trở về nhà nhớp nhúa, hôi hám, kiệt sức với khói xe, bụi đường, nước cống ngập đen xì. Con đậu bằng lái xe hơi ở Mỹ, kết quả của một cuộc thi cử công bằng và nghiêm túc. Con có quyền tự hào khi được ngồi sau tay lái, ung dung chen vào đoàn xe xuôi ngược ngày đêm trên hệ thống xa lộ vĩ đại nơi đây. Con đã được một quyền cơ bản, quyền lái xe, một cách danh chính ngôn thuận, mà không phải chạy chọt, dấm dúi như bao người khác ở quê nhà. Ở Mỹ, có bằng lái xe là một sự kiện lớn trong đời đó con! Chúc mừng con, con trai ta ạ!

Các con ta, mỗi ngày cắp sách đến trường, về nhà không kiệt sức, không cùn mằn trong sự học nơi đây. Quyền đi học trong phẩm giá và niềm vui, quyền được hưởng thụ một nền giáo dục chính trực, công bằng, các con đã có! Đó là điều duy nhất, mà ta châm chước cho cái xã hội vừa kỳ quái nhất, vừa tốt đẹp nhất theo kiểu Hoa kỳ.Chúc mừng con, con trai ta ạ!

Ta biết là ta may mắn khi có những đứa con trai như vậy!
Chỉ có một điều: con không muốn về Việt nam nữa!

Ta hơi chựng lại, nhưng ngẫm nghĩ một hồi, ta chẳng ngạc nhiên. Chỉ mới 6 tháng, ký ức đen của con về trường lớp, kẹt xe, khói bụi, tai nạn…vẫn chưa kịp phai nhạt. Con ghê sợ những điều ấy, cũng như ta, như triệu người Sài gòn khốn khổ khác. Con vẫn chưa quên sự phẫn nộ về một hệ thống giáo dục đầy bất công và tiêu cực. Con vẫn chưa quên những phi vụ tham nhũng bẩn thỉu đầy trên các báo ở nhà. Và bao nhiêu điều tội nghiệp đáng buồn khác, ai mà quên được?

Nhưng mà con ơi, dù nhếch nhác thảm hại đến vậy, đó vẫn là quê hương con. Nơi đó, có một Sài Gòn, mà cha con ta đã từng rong ruổi. Nơi con cất tiếng chào đời, nơi con lẫm chẫm những bước đầu tiên. Nơi con nói những tiếng Việt đầu tiên “từ thuở nằm nôi”. Kể cả những điều nhỏ nhặt nhất, từ quán phở ám khói cha con ta hay ngồi, từ hiệu video con ghé, từ quán café nhìn ra sông lộng gió cha con ta ngồi tán gẫu. Tất cả những điều tưởng như vô nghĩa với cuộc sống hào nhoáng nơi đây, nhưng là ký ức, đó là quê hương máu thịt con ạ!

Con đã bị nhồi vào đầu những kiến thức sử học nhàm chám, khô khan, đầy máu và căm thù. Con đã học niềm vinh quang dối trá từ nồi da xáo thịt, từ huynh đệ tương tàn. Con đã đọc sách thấy vì nhân danh lý tưởng, niềm tin, người ta đấu tố cha mẹ anh em. Sự hung bạo, được ngụy tín dưới vỏ niềm tin. Sự mù quáng, được đậy điệm bằng lòng kiên định trung thành…Con không thể yêu quê cha đất tổ từ những điều giả trá ấy.

Hãy về đây! Ta sẽ đem con đến Yên Tử, kể cho con nghe chuyện đánh Nguyên Mông, dưới bóng tùng già 700 năm tuổi, phủ bóng lên mộ Trúc Lâm tam tổ. Ta sẽ chỉ cho con bãi cọc của Hưng Đạo Đại vương nơi bến Bạch Đằng, nơi gã lính viễn chinh xâm lược khi nhớ đến phải run sợ đến bạc đầu. Ta sẽ dẫn con đến ngôi từ đường đơn sơ mộc mạc của bà Bùi Thị Xuân, cùng cúi lạy anh linh nữ tướng. Ta sẽ dẫn con đến đèo Ngang lúc “bóng xế tà”, nơi có “cỏ cây chen lá, đá chen hoa”, cho con hiểu sự thanh cao của một tâm hồn Việt. Bên ngọn sóng bạc đầu Chương Dương, ta sẽ chỉ cho con những dấu chân xưa của Yết Kiêu, Dã Tượng, và của muôn vạn dân binh áo vải khác đã ngã xuống cho “đất nước vững thiên thu”.

Nhớ lại đi con, con trai nhỏ của ta! Con đã đặt chân đến Vạn Lý Trường Thành, ghê sợ cái nghĩa trang ngập xương máu lớn nhất hành tinh. Con đã thấy một Bắc Kinh hào nhoáng nhưng xấu xí với khói, bụi, ô nhiễm, khạc nhổ, oang oang nơi công cộng. Con đã thấy cảnh bắt người bán hàng rong như súc vật ngay chân Tử Cấm Thành. Con cũng đã thương hại gã Trung Hoa khốn khổ, lắp bắp một thứ tiếng Anh giả cầy khi bị quát tháo nơi sân bay quốc tế. Đất nước chúng ta, vẫn trường tồn dưới ách một gã khổng lồ, nhơ bẩn và man rợ như vậy đó con. Vì sao hôm nay ta không để tóc đuôi sam, con không ê a Hán tự, chúng ta không nhồm nhoàm những món ăn man rợ như óc khỉ, chân gà sống nướng? Vì sao chúng ta không bị đồng hóa theo lũ thái thú ô hợp kia, nếu không phải vì khí thiêng sông núi, anh linh tiên tổ đang chảy trong con? Quê hương con đó! Nhiều lắm con, nhiều chỗ để chỉ cho con thấy, dân tộc mình đã oai hùng, kiêu dũng, thanh sạch và khổ đau đến mức nào để có con sinh thành hôm nay.

Hoặc nếu thì giờ eo hẹp, con hãy về một miền quê cát trắng, nơi ông bà, tổ tiên con yên nghỉ dưới bóng phi lao vi vút. Họ đã sống, đổ mồ hôi trên mảnh đất này, như một người nông dân, lành và lương thiện như đất. Họ về với đất, trong vinh dự âm thầm, không như những ngụy-danh-nhân với lăng tẩm đền đài đồ sộ. Quê hương con đó! Sài Gòn mà con ca thán, đâu phải thế! Sài Gòn ngày xưa đẹp, thanh bình với “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, với “Trưng Vương khung cửa mùa thu”. Sài Gòn mà con ngưỡng mộ qua những ca khúc vượt thời gian, qua những người Sài Gòn xưa mà con hết lòng khâm phục. Sài Gòn nay, như một cô gái đẹp bị lũ du côn rạch mặt, nham nhở đến tội nghiệp. Hỗn độn, xấu xí, bẩn thỉu, và hỗn hào biết mấy so với Hòn Ngọc Viễn Đông nền nã năm xưa.Quê hương con đó!

Một ngày kia, con sẽ hiểu: đó là một phần máu thịt trong con. Con sẽ quay về với nó, như con cáo nhớ hang, con chim nhớ tổ. Con sẽ có cảm giác về nhà – coming home- như ta mỗi lần quay lại từ một thế giới đầy ánh sáng, đặt chân xuống Tân Sơn Nhất. Cái cảm giác tìm về tổ đó, nó là bản năng, nó dẫn dắt người Do Thái quay về với mảnh đất Sion cằn cỗi, nó là niềm đau đáu của 2 triệu đồng bào con nơi đất khách. Không giải thích được bản năng tìm về cội nguồn đâu, con ạ! Mà cội nguồn con, đâu chỉ là Sài Gòn hỗn độn hôm nay. Cội nguồn con đã bắt đầu, khi Lang Liêu mở tấm bánh chưng xanh mộc mạc tạ ơn trời đất. Gốc rễ con, đã phôi thai với mẹ Âu Cơ khi đem con lên rừng xuống biển.

Về đây con! Về “mặc áo the, đi guốc mộc”, về mà “nghe chuyện tình bằng lời ca dao” , về để nhìn “bóng tre êm ru” lẫn “con diều vật vờ”, để thấy “trong đêm sao mờ lòng ta bâng khuâng theo gió vi vu”…Con đã lớn lên cùng ta, với những ca khúc này mà! Ngày con về, chắc tóc ta đã trắng như bạt ngàn lau lách. Nhưng có hề chi, nếu máu ta vẫn chảy trong con lòng thương nhớ cội nguồn không bao giờ có tuổi.Nhớ về, nghe con
!

Dr. Nikonian
Nguồn rfa.org

CNN & Mẹ Nấm


CNN phỏng vấn Blogger Mẹ Nấm

Đoạn phóng sự cho thấy Phóng viên CNN vào một tiệm Internet ở Sài Gòn và thử mở một trang tin về Nhân Quyền (Website của Human Rights Watch) thì bị tường lửa (Firewall) chặn lại.

Tuyệt vời! Một phóng sự rất có ý nghĩa đã đưa hình ảnh cuộc sống người dân VN bị kèm kẹp vì mất tự do thông tin với thế giới bên ngoài. Hôm nay 18/6/2010, đoạn phóng sự về chế độ bưng bít thông tin để mị dân của cộng sản VN đã được CNN chiếu khắp thế giới.

Khi được CNN phỏng vấn, Mẹ Nấm tâm sự qua dòng nước mắt uất nghẹn:

"Tôi đã từ bỏ blog nhưng mà họ không để cho tôi yên... vì vậy tôi quyết định viết blog lại".
CNN: "Cô là một người phụ nữ can đảm. Cô có nghĩ Cô là một người phụ nữ can đảm không?"

Mẹ Nấm: "Không. Bởi vì tôi cũng sợ; nhưng ai sẽ lên tiếng nếu chúng tôi không lên tiếng?".

Đúng vậy Mẹ Nấm thân thương! Hoan hô Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh!

HLTL
Nguồn lyhuong.net

Saturday, June 19, 2010

Father's Day 2010


Ba tôi,người lính Việt Nam Cọng Hòa

Một vài ngày nữa Ngày lê của Cha lại trở về. Một văn hào đã viết “Nơi chốn bình an nhất của đứa trẻ trên thế giới này là căn phòng của cha nó!”

Tình cha nhiều người cho rằng không đằm thắm bằng tình mẹ, có lẽ chỉ vì người cha ít chịu diễn tả mà thôi. Thật ra tình cha như nền móng của căn nhà, giá trị của nó là phần nằm sâu dưới mặt đất.

Nhiều người còn ví tình cha như miếng cam thảo, phải ngậm lâu mới ra chất ngọt.
Riêng người Việt ly hương chúng ta, Ngày Của Cha (Father's Day) thường rơi đúng vào ngày kỷ niệm Quân Lực VNCH 19 tháng 6 mỗi năm.

Nhớ lại hình ảnh những người trai thời chinh chiến, vừa làm người lính ôm súng gìn giữ quê hương, vừa phải lo cho gia đình chu toàn bổn phận làm cha. Nên người cha trong đất nước khói lửa, hầu như phải hy sinh tình nhà nhiều.

Nhưng không vì thế mà tình cha không đậm đà. Nhân ngày Quân Lực và Ngày Của cha, Hải Lê xin đóng góp một câu chuyện nhỏ kể theo Angie Kucer, nhằm vinh danh những người cha bất hạnh, hy sinh nhiều, nhưng nhận... chẳng có bao nhiêu!
Nhất là những người đã nằm xuống để vợ con, đồng bào mình được sống mãi mãi.

Tôi có một người cha già, lại tàn tật, cụt một chân. Khi tôi sinh ra đời bố tôi cũng đã gần 50 tuổi. Trong một thời gian dài, bố tôi đóng vai trò của một người mẹ, tuy di chuyển khó khăn, nhưng ông lo lắng cho tôi không còn thiếu một thứ gì. Bạn bè thường gọi là “Ông nội trợ” và khen là đàn ông mà bố tôi có đầy đủ các đức tính của người phụ nữ Á đông “công, dung, ngôn, hạnh”, nuôi con khéo léo không ai bằng.

Hồi còn bé, tôi không hiểu được, vì sao không phải mẹ tôi, mà bố tôi luôn luôn ở nhà chăm sóc cho tôi. Từ từ tôi mới nhận ra, trong đám bạn bè, tôi là người duy nhất luôn luôn có người bố bên cạnh. Thiếu tình mẹ, tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy an ủi, mình là người rất may mắn, còn hơn nhiều đứa trẻ thiếu cả tình thương của cha lẫn mẹ.

Sau này tìm hiểu thì tôi biết, bố tôi là một lính VNCH, bị thương trên chiến trường, được mẹ tôi bảo lãnh theo diện đoàn tụ, bà lo cho ông hưởng tiền trợ cấp tàn phế. Lúc tôi được hơn 3 tuổi, bố tôi và mẹ tôi ly dị, bà đã lập gia đình với một người đàn ông khác, nhường tôi lại cho bố tôi nuôi. Trong ký ức trẻ thơ, tôi có hình dung được hình ảnh của mẹ tôi một vài lần, khi bà đến thăm, nhưng rất xa lạ, vì luôn luôn bà đi với một người đàn ông nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng.

Tôi có tí mặc cảm về địa vị bố tôi ngoài xã hội, so với bố của những đứa trẻ khác, tuy nhiên việc chăm sóc tôi thì hoàn hảo, ông chăm lo cho tôi từ việc lớn đến việc nhỏ, không phải đụng tay vào bất cứ thứ gì. Trong suốt thời gian tôi học tiểu học, ông còn thuyết phục ông tài xế xe bus đón tôi đi học ngay tại cửa nhà, thay vì ở trạm xe , cách xa nhà tôi 4 dãy phố. Khi tôi bước vào nhà, lúc nào bố tôi cũng chuẩn bị sẵn thức ăn trưa, nào cá kho, thịt kho, rau xào và có cả canh nữa. Lâu lâu cũng có thức ăn Mỹ, sandwich, hamburger, bơ đậu phộng, và còn thay đổi theo mùa. Giáng Sinh bánh có viền xanh hình cây thông, Valentine có hình trái tim..vv...

Khi tôi lớn hơn một chút, vào năm đầu tiên trung học, tôi lại thích sống độc lập, tôi muốn thoát ra những cử chỉ yêu thương dành cho con nít của bố, vì sợ chúng bạn trêu chọc. Nhưng chẳng bao giờ bố buông tha tôi cả, một đôi khi tôi rất bực mình.

Cấp trung học, tôi không thể về nhà ăn cơm được nữa, phải bắt đầu tập tự lo cho mình. Nhưng bố tôi lại thức dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị bữa ăn trưa cho tôi. Ông cẩn thận ghi cả tên tôi bên ngoài túi giấy đựng đồ ăn. Lật dưới đít bao giấy, luôn luôn có một vài hình vẽ nhỏ, khi thì căn nhà, khi thì dòng suối, ngọn núi, chim cá và hình trái tim với dòng chữ “I Love You Tammy!” Nào hết đâu, bên trong những chiếc khăn giấy cũng có những dòng chữ triều mến “Bố thương con nhiều”. Ông luôn viết, hay có những câu nói bông đùa như thế để nhắc nhở là ông yêu thương tôi nhiều, và muốn làm cho tôi vui.

Tôi thường lén ăn trưa một mình để không ai thấy được cái túi giấy và khăn ăn. Nhưng cũng chẳng giấu được lâu. Một hôm, một đứa bạn tình cờ thấy khăn ăn của tôi, nó chộp lấy la lên và chuyền đi khắp căn phòng cho mọi người xem. Mặt tôi nóng bừng, bối rối, mắc cỡ muốn chui đầu xuống đất.

Bữa hôm đó tôi về, đã làm mặt giận với bố tôi và “cấm” ông ấy không được viết, vẽ “bậy bạ” trên khăn giấy nữa, để bạn bè không coi tôi như đứa con nít lúc nào cũng cần người lớn chăm sóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố tôi buồn, lặng lẽ vào phòng đóng cửa.

Ngày hôm sau, tôi vô cùng ngạc nhiên vì tất cả bạn bè bu chung quanh tôi, chờ để được xem chiếc khăn ăn, nhưng lần này thì trống trơn, không có dòng chữ hay hình vẽ gì cả. Nhìn mặt bọn chúng thất vọng, hụt hẫng, tôi mới hiểu ra, tất cả chúng nó đều mong ước có một ai đó biểu lộ tình thương yêu ngọt ngào giống vậy đối với chúng. Lúc đó lòng tôi len lén cảm thấy vui vui, dâng lên niềm tự hào về bố. Tôi vội về làm lành với bố, và những giòng chữ, những hình vẽ yêu thương lại tiếp tục.

Những năm còn lại trong trường trung học, tôi vẫn đều đều có những chiếc khăn đặc biệt ấy. Và từ đó, tôi giữ lại, chứa trong một cái hộp riêng, giấu kín.
Chưa hết, khi vào đại học, tôi phải rời xa bố, tôi nghĩ thông điệp xưa kia của bố sẽ phải chấm dứt. Nhưng tôi và bạn bè rất vui sướng vì những cử chỉ biểu lộ tình cảm của bố tôi vẫn tiếp tục qua hình thức khác.
Ở cấp đại học, dĩ nhiên không còn thấy bố tôi đứng chờ khi tan học, vì thế, tôi hay gọi điện thoại cho ông, chi phí điện thoại khá cao, nhưng không sao, tôi chỉ muốn nghe được giọng nói của ông mà thôi.

Suốt năm học đầu tiên, chúng tôi quen lối nói chuyện như thế và sau đó kéo dài một năm. Thường thì sau khi tôi nói lời tạm biệt, câu cuối cùng không bao giờ thiếu.

Này Tammy
Tôi thường trả lời : Dạ, gì thế bố?
Bố thương con nhiều
Con cũng thế. I Love You!

Hình như bố tôi nhận ra chi phí mắc mỏ cho những cuộc điện đàm, từ đó, tôi bắt đầu nhận thư mỗi thứ sáu. Ban thường trực phát thư của trường đều biết ai là người thường gửi lá thư này, mặc dù địa chỉ hồi âm luôn luôn ghi là KBC 1678. (Sau này tôi khám phá ra, KBC viết tắc là Khu Bưu Chính, địa chỉ trong quân đội ngày trước nơi bố tôi phục vụ. Còn số 1678 dễ quá, là số nhà tôi hiện tại.)

Nhiều lúc bên ngoài bì thư, địa chỉ được viết bằng bút chì và tiếp theo đó là những lá thư có hình con mèo và con chó của gia đình tôi, có vẽ những hình tháp nhiều từng, hình cây cầu nhiều nhịp in trên sóng nước. Hè năm đó, bố tôi và tôi du lịch về Việt Nam, lúc đó tôi mới biết là Chùa Một Cột, Chùa Thiên Mụ, Cầu Tràng Tiền v.v...

Sau chuyến du lịch ấy, tôi tìm hiểu về Việt nam nhiều hơn, nhất là cuộc chiến tranh trước 75, tôi bắt đầu thấy thương bố nhiều, ông là người lính bại trận, nhưng quân lực ấy đã chiến đấu dũng cảm cho tự do, cho hạnh phúc của người dân miền Nam trong suốt 20 năm. Nếu không bị đồng minh bán đứng, cuộc chiến chưa chắc ai thắng ai.

Thư đến và được phát mỗi ngày sau buổi ăn trưa. Tôi thường đi nhận thư và mang theo mỗi khi đi uống cà phê. Tôi nhận thấy chẳng cần phải giấu giếm làm gì nữa, bởi bạn cùng phòng tôi là những đứa bạn hồi còn trung học, chúng nó biết rất rõ về những chiếc bao giấy, khăn ăn. Và rồi trở thành như một tập tục, tôi đọc thư, còn bì thư và hình vẽ thì được chuyển khắp bạn bè, thư từ bố tôi thành niềm vui của cả phòng.

Trong năm cuối cùng đại học, bố tôi bị căn bịnh ung thư hành hạ. Mỗi khi tôi không nhận được thư vào ngày thứ sáu, tôi biết ông ốm nặng, không thể viết được. Ông thường thức dậy lúc 4 giờ sáng để có thể ngồi trong nhà yên tĩnh nắn nót viết những lá thư. Nếu không kịp cho đợt phát thư vào thứ sáu, thì chỉ sau đó, một hai ngày, thế nào rồi thư cũng đến. Bạn bè tôi bình bầu ông là “Người cha thương con nhất trên thế giới này!”

Ngày lễ cha, Father's Day, chúng nó gởi một tấm thiệp phong tặng ông danh hiệu đó và tất cả đều ký tên trên tấm thiệp. Tôi tin rằng ông đã dạy cho tất cả chúng tôi về tình phụ tử, bạn bè tôi bắt đầu nhận những tấm khăn ăn giống như tôi từ gia đình chúng nó, với những lời để lại ấn tượng mà sẽ thôi thúc họ hãy biểu hiện tình thương của họ với con cái sau này.

Suốt thời gian đại học, những lá thư và những cú điện thoại như một chu kỳ đều đặn.
Ngày ra trường, tôi quyết định chọn công việc làm gần nhà, để được ở cạnh bố tôi, vì căn bệnh bố càng ngày càng nặng. Thời gian được ở gần bố không còn bao nhiêu lâu nữa.
Đó là những giây phút khó khăn, đau khổ nhất cuộc đời tôi phải trải qua.

Tôi ở bên cạnh bố tôi một vài ngày trong bệnh viện trước khi ông mất. Vài giờ trước khi hấp hối, ông nắm tay tôi bảo “Bố nhờ con một điều, con về nhà lấy cho bố cái hộp gỗ mà bố để trên đầu tủ, đây là hộp chứa đựng những kỷ niệm đời lính mà bố yêu thương nhất. Bố muốn nhìn nó lại một lần.”

Tôi lái xe về nhà, và cũng tìm ra ngay chiếc hộp phủ đầy bụi thời gian. Có gì bên trong? Tôi tò mò mở nắp hộp. Mắt tôi bắt đầu cay cay nhòa lệ, khi nhìn thấy những tấm hình của bố tôi còn trẻ, trong những bộ quân phục thật oai phong. Có những tấm cầm súng đằng sau chiến trường còn bốc mùi lửa khói. Lật ra đàng sau, những ngày tháng cũ, 68, 70, 71, 72... với những địa danh xa lạ: An Lộc, Bình Long, Đồng Xoài, Khe Sanh... Dưới đáy hộp là căn cước quân nhân, giấy giải ngũ và những tấm huy chương, bộ lon gắn trên cổ áo khi ông mặc những bộ quân phục.

Bây giờ thì tôi mới hiểu hết, không còn mặc cảm hình ảnh có ông bố tàn tật chỉ biết lo việc “nội trợ”, ngược lại là đàng khác, Bố tôi đã một thời là một người lính chiến oai hùng, đổ máu hy sinh một phần thân thể mình cho một cuộc chiến đầy chính nghĩa, bảo vệ quê hương.

Rõ ràng bố tôi chăm sóc tôi, vui vẻ làm những việc của người phụ nữ bao nhiêu năm nay, chỉ vì tình thương con mà thôi. Ông thật là người cha tuyệt vời

Tôi ôm cái hộp, chạy gấp lại bệnh viện, định nói lời xin lỗi với người cha thân yêu của mình, nhưng đã trễ! Người y tá trực cho biết, bố tôi vừa trút hơi thở cuối cùng. Rồi người y tá trao cho tôi chiếc khăn giấy nhà thương, với giòng chữ cuối cùng run rẩy của một người cha dành cho con “Tammy, ba thương con nhiều! Vĩnh biệt!”

Nước mắt tôi trào ra như suối, cầm tấm khăn giấy trong tay áp vào ngực, tấm khăn giấy cuối cùng, mà cả cuộc đời mãi mãi không còn nhận được nữa.

Lúc liệm xác, tôi bỏ theo chiếc hộp kỷ niệm đời lính vào hòm cho bố, còn những chiếc khăn giấy tôi sẽ giữ mãi bên cạnh cả cuộc đời tôi.
Bây giờ thì những chiếc khăn giấy đã đổi màu vàng khè, nhưng tình tôi dành cho người bố càng ngày càng thấm thiết, bất diệt, muôn đời không thay đổi.

Happy Father's Day
Mừng Ngày Của Bố
Mừng ngày Quân Lực 19/6/2010

Kiệt
Nguồn benxua

Trần Gia Phụng


Các lực lượng nước ngoài tham dự chiến tranh 1960-1975

Ngay trước khi ký hiệp định Genève (20-7-1954), đảng Lao Động (LĐ) đã chủ trương tiếp tục chiến tranh để bành trướng thế lực.

Vì chủ trương nầy, đảng LĐ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) hay Bắc Việt Nam đã cầu viện Trung Quốc, Liên Xô và các nước cộng sản khác, nhằm bảo vệ hậu cứ Bắc Việt Nam và cung cấp võ khí tối tân để Bắc Việt Nam tấn công Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hay Nam Việt Nam. Ở thế yếu và để tự bảo vệ, Nam Việt Nam đành phải nhờ Hoa Kỳ và các nước đồng minh giúp đỡ nhằm chống lại cuộc xâm lăng của Bắc Việt Nam. Đó là lý do ở cả hai phía sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Việt Nam.

1.- Lực lượng Hoa Kỳ

Ngày 4-2-1950, Hoa Kỳ thừa nhận Quốc Gia Việt Nam do quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu. Military Assistance and Advisory Group-Indochina (MAAG-I) tức Đoàn Cố vấn Viện trợ Quân sự Mỹ chính thức thành lập ngày 17-9-1950, nhằm mục đích cố vấn và huấn luyện quân đội Việt Miên Lào.

Trong chiến tranh lạnh sau thế chiến thứ hai,(1) trước sự bành trướng của cộng sản, đại diện ba nước Australia, New Zealand, United States of Anmerica họp tại San Francisco (Hoa Kỳ) ngày 1-9-1951, ký hiệp ước thành lập khối quân sự ANZUS, nhằm hợp tác phòng thủ nếu xảy ra các cuộc tấn công trên Thái Bình Dương được xem là ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh của mỗi nước và các nước khác trong khu vực. Khối ANZUS không lập lực lượng riêng, chỉ họp hằng năm cấp bộ trưởng ngoại giao để duyệt xét tình hình và họp bất thường khi một trong ba nước thành viên yêu cầu vì an ninh bị đe dọa.

Sau hiệp định Genève (20-7-1954), lo ngại sự bành trướng của cộng sản tại vùng Đông Nam Á, Hoa Kỳ vận động ký kết Hiệp ước Hỗ tương Phòng thủ Đông Nam Á (Southeast Asia Collective Defence Treaty) tại Manila, thủ đô Phi Luật Tân, ngày 8-9-1954. Từ đó ra đời Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization viết tắt là SEATO), gồm các nước (theo thứ tự ABC) Australia (Úc), France (Pháp), New Zealand (Tân Tây Lan) Pakistan (Hồi Quốc), Philippines (Phi Luật Tân), Thailand (Thái Lan), United Kingdom (Anh), và United States of America (Hoa Kỳ).

Trong phụ bản của hiệp ước nầy, ba nước Cambodia (Cao Miên), Laos (Lào) và Việt Nam được liệt kê trong vùng lãnh thổ được bảo vệ. Hoa Kỳ dựa vào văn bản hiệp ước nầy để minh chứng sự ủng hộ của họ đối với các chế độ chống cộng ở Đông Nam Á.

Sau khi Pháp rút lui, Hoa Kỳ thiết lập đoàn MAAG-Việt Nam tháng 10-1955, để trực tiếp cố vấn và huấn luyện quân đội Việt Nam, nhằm xây dựng cho miền Nam Việt Nam một đội quân có thể tự bảo vệ an ninh lãnh thổ. Theo đà phát triển của quân đội VNCH, đoàn MAAG-Việt Nam được chuyển thành Military Assistance Command, Vietnam (MACV) tức Bộ Tư lệnh Quân viện Việt Nam ngày 8-2-1962. Nhân số MACV lúc đó khoảng 3,000 người.

Bộ Tư lệnh Quân viện Việt Nam (MACV) là bộ chỉ huy liên quân Mỹ tại Việt Nam, nằm dưới sự chỉ huy của Pacific Command (PACCOM) tức Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. Dưới quyền MACV là tất cả các lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, gồm có: Bộ chỉ huy Lục quân (United States Army Vietnam – USARV), Bộ tư lệnh Hải quân (Naval Forces Vietnam -NAVFORV), Không lực 7 (Seventh Air Force – 7AF), Lực lượng Thủy bộ số 3 (III Marine Amphibious Force – IIIMAF), Lực lượng Dã chiến số 1 (I Field Force, Vietnam – I FFV), Lực lượng Dã chiến số 2 (II Field Force, Vietnam – II FFV), Quân đoàn 24 (XXIV Corps), Lực lượng Đặc biệt số 5 (5th. Special Forces Group), Cơ quan Điều phối Dân sự vụ và Phát triển Nông thôn (Civil Operations and Rural Development Support – CORDS), Nhóm Nghiên cứu và Quan sát (Studies and Observations Group – SOG).(2)

Các Tư lệnh MACV là đại tướng Paul D. Harkins (từ tháng 2-1962), William C. Westmoreland (từ tháng 6-1964), Creighton W. Abrams (từ tháng 7-1968) và Frederick C. Weyand (từ tháng 6-1972). Vai trò của MACV càng ngày càng quan trọng khi Hoa Kỳ tung quân vào Việt Nam từ năm 1965.

Tháng 8-1964 xảy ra biến cố Vịnh Bắc Việt. Nguyên vào ngày 2-8-1964, khu trục hạm Maddox (Hoa Kỳ) đang tuần tra trong hải phận quốc tế trong vịnh Bắc Việt ở ngoài khơi Thanh Hóa, thì bị ba ngư lôi đĩnh Bắc Việt tấn công. Theo các tài liệu cũ của Hoa Kỳ, hai ngày sau, chiều tối 4-8-1964 hai chiến hạm Maddox và Turney Joy bị tấn công lần nữa, trong khi thi hành nhiệm vụ trong hải phận quốc tế. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều tài liệu cho thấy lần tấn công thứ hai vào tối 4-8-1964 không có thật. (Đỗ Cẩm, ) Ngày 7-8, theo yêu cầu của tổng thống Hoa Kỳ, Quốc hội Hoa Kỳ cho phép ông được sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đánh trả, nghĩa là cho phép ông có thể đưa quân qua Việt Nam và mở rộng chiến tranh.

Trong thời gian thủ tướng Phan Huy Quát cầm quyền (từ 16-2-1965 đến 19-6-1965), những báo cáo của các giới chức Hoa Kỳ cho thấy tình hình quân sự VNCH càng ngày càng bi đát, nhất là báo cáo ngày 24-2-1965 của Cơ quan Trung ương tình báo (CIA), báo cáo vào đầu tháng 3 của tướng Westmoreland và báo cáo của cố vấn McGeorge Bundy sau khi từ Việt Nam trở về.(3) Bundy đề nghị thực hiện ngay kế hoạch “trả đũa liên tục” chống lại miền Bắc. Tổng thống Johnson liền quyết định mở chiến dịch oanh tạc thường xuyên Bắc Việt, đặt tên là Rolling Thunder, chính thức bắt đầu vào ngày 2-3-1965.

Do hoạt động của không quân Hoa Kỳ càng ngày càng gia tăng, phi trường Đà Nẵng được dùng làm nơi xuất phát các phản lực cơ bay đi oanh tạc Bắc Việt. Ngày 22-2-1965, tướng Westmoreland, tư lệnh MACV, yêu cầu tổng thống Johnson cho đổ bộ hai tiểu đoàn Thủy quân lục chiến (TQLC) Hoa Kỳ, nhằm bảo vệ căn cứ Đà Nẵng. Johnson đồng ý đề nghị nầy với điều kiện phải có sự ưng thuận của chính phủ Việt Nam.

Được lệnh của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngày 1-3-1965, đại sứ Taylor và phó đại sứ Alexis Johnson gặp thủ tướng Phan Huy Quát, đưa đề nghị về việc Hoa Kỳ gởi hai tiểu đoàn TQLC đến Đà Nẵng. Thủ tướng Quát chấp thuận. Ngày hôm sau, 2-3-1965, tướng Westmoreland gặp và thông báo cho các tướng Nguyễn Văn Thiệu, tổng trưởng Quân lực và Trần Văn Minh, tổng tư lệnh quân đội. Người Mỹ còn ra Đà Nẵng, gặp thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Quân đoàn I để thảo luận kế hoạch đổ bộ. Cần nhấn mạnh là quyết định tối quan trọng nầy chỉ được thỏa thuận bằng lời chứ không bằng văn bản, giữa các giới chức Hoa Kỳ với thủ tướng Phan Huy Quát và một số tướng lãnh Việt Nam chứ, không có ý kiến của Hội đồng chính phủ hay của HĐQL.

Cuối cùng, ngày 8-3-1965, tiểu đoàn 9 TQLC Hoa Kỳ là đơn vị chiến đấu Mỹ đầu tiên đổ bộ vào bãi biển Nam Ô, phía bắc Đà Nẵng khoảng 10 cây số.(4) Các đơn vị còn lại đến Đà Nẵng bằng không vận. Việc người Mỹ bắt đầu đổ quân chiến đấu vào Việt Nam là một biến cố quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ tình hình Việt Nam.

Quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam từ tháng 4-1965 là 32,000 người. Cuối năm 1965, số quân nầy tăng thành 186,000. Cuối năm 1966 là 376,800 quân. Cuối năm 1967 lại tăng nữa: 486,000 quân.(5). Sau biến cố Mậu Thân vào đầu năm 1968, quân số Hoa Kỳ lên cao điểm là 536,100 người.(6) Sau đó, từ giữa năm 1969, tổng thống Richard Nixon thay đổi sách lược, rút quân dần dần theo kế hoạch mà người Mỹ gọi là “Việt Nam hóa” và dự tính sẽ còn 405,000 vào 1972.

Sau hiệp định Paris (27-1-1973), toàn bộ quân Mỹ triệt thoái khỏi Việt Nam, MACV bị giải thể ngày 29-3-1973. Cơ quan Defense Attach Office (DAO) tức Phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ được thành lập do thiếu tướng John Murray chỉ huy và trong năm sau (1974), thiếu tướng Homer Smith thay thế, cho đến tháng 4-1975. Số quân nhân Hoa Kỳ hy sinh tại chiến trường Việt Nam lên khoảng 58, 217 người và 19 dân sự; 153,452 bị thương và 1,740 người mất tích.(7)

Cần chú ý, chính phủ các nước trên thế giới đều chỉ lo phục vụ quyền lợi nước họ, nên khi quyết định giúp đỡ một nước khác, cũng chỉ vì quyền lợi gần hay xa của nước họ. Người Hoa Kỳ rất thực dụng. Do đó, chính phủ Hoa Kỳ quyết định can thiệp vào Việt Nam vì chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ chứ không phải chỉ vì giúp đỡ VNCH. Khi đến vì quyền lợi, thì cũng vì quyền lợi người Hoa Kỳ ra đi, sẵn sàng bỏ rơi VNCH khi cần.

2.- Lực lượng các nước trong khối tự do tham chiến

Hoa Kỳ là thành viên của khối ANZUS và tổ chức SEATO, nên Hoa Kỳ kêu gọi, thúc đẩy các nước đồng minh Đông Á giúp đỡ Việt Nam. Lúc đầu là những toán chuyên viên dân sự. Dần dần nhiều nước gởi quân chiến đấu đến giúp VNCH.

Năm 1962, Australia (Úc) gởi qua Việt Nam một biệt đội cố vấn chiến tranh rừng rậm khoảng 30 người. Số quân Úc tăng dần lên đến 7,672 năm 1969 và từ năm 1970 giảm xuống trở lại (6,763 quân).(8) Khi rút hết quân về nước tháng 12-1972, Úc chỉ để lại một trung đội bảo vệ sứ quán Úc tại Sài Gòn. Số quân Úc tử trận tại Việt Nam là 521 người. (9)

New Zealand (Tân Tây Lan) gởi quân giúp Việt Nam từ tháng 6-1964 đến tháng 12-1972. Đầu tiên là một toán cố vấn 30 người năm 1964 tăng dần theo từng năm. Số quân New Zealand cao nhất vào năm 1970 là 441 người.(10) Tổng số quân tử trận tại Việt Nam là 36 người.(11)

Năm 1964, Republic of Korea (South Korea) tức Cộng Hòa Đại Hàn (hay Nam Hàn) gởi sang Việt Nam 200 quân, nhưng ngay từ năm sau (1965), quân Đại Hàn tăng lên 20,620 người, rồi lại tăng thành 45,566 quân năm 1966. Cao điểm vào năm 1969, quân Đại Hàn hiện diện ở Việt Nam là 48, 869 người. Sau đó quân số giảm dần cho đến khi rút lui đầu năm 1973. Quân Đại Hàn đóng giữ các tỉnh duyên hải từ Quảng Ngãi vào đến Bình Thuận. Các dơn vị nổi tiếng là Sư đoàn Mãnh Hổ (bản doanh ở Bình Định), Lữ đoàn Thủy quân lục chiến Thanh Long (bản doanh ở Cam Ranh) và sư đoàn Bạch Mã (bản doanh ở Tuy Hòa). Số quân tử trận khoảng 5,099, bị thương 11,232 và mất tích 4.(12)

Ngày 29-9-1964, 16 quân nhân viên Không lực Thái Lan đến Sài Gòn để giúp Không quân Việt Nam. Dần dần quân Thái Lan lên đến 6 tiểu đoàn với 11,586 quân năm 1970, đóng bản doanh trong vùng tỉnh Biên Hòa. Thái Lan bắt đầu rút quân từ tháng 3-1971 và chấm dứt giữa năm 1972.(13a) Thái Lan mất 351 quân nhân và bị thương 1,358 người.

Nước Philippines gởi Đoàn Công tác Dân vụ (Civic Action Group) qua giúp VNCH từ năm 1964. Cao điểm năm 1967, quân Philippines lên đến 534 người. Sau đó giảm xuống dần dần và chỉ còn 74 người năm 1970. Quân Philippines đảm trách các công tác dân vụ như y tế, làm đường sá, xây cầu cống, dựng nhà giúp dân tái định cư tại các tỉnh Hậu Nghĩa, Bình Dương và Tây Ninh.(13b) Số thiệt hại quân nhân Phi Luật Tân không đáng kể, 7 người chết, 2 người bị thương.

Ngoài ra, còn hai nước chỉ gởi chuyên viên kỹ thuật và y tế sang giúp VNCH là Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China) và Tây Ban Nha (Spain). Trung Hoa Dân Quốc tức Đài Loan (Taiwan) gởi 20 người năm 1964 và 31 người năm 1970. Tây Ban Nha gởi 13 chuyên viên năm 1966 và chỉ còn 7 người năm 1970.(14)

Diễn biến quân số đồng minh tự do (14)

QUỐC GIA 1964 1965 1966 1967 1968 1969 1970

Australia 200 1,557 4,525 6,818 7,661 7,672 6,763

New Zealand 30 119 155 534 516 552 441

Republic of Korea 200 20,620 45,566 47,829 50,003 48,869 48,537

Thái Lan 16 244 2,205 6,005 11,568 11,586

Philippines 17 72 2,061 2,020 1,576 189 74

Republic of China 20 20 23 31 29 29 31

Tây Ban Nha 13 13 12 10 07


3.-Lực lượng các nước Cộng sản tham chiến

Quân đội Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong khối Tự do đến giúp VNCH (Nam Việt Nam) có tính cách công khai, nên chẳng những người Việt Nam biết, mà cả thế giới đều biết. Ngược lại, lực lượng các nước trong khối Cộng sản đến giúp VNDCCH (Bắc Việt Nam) hết sức bí mật và được giấu kín trong thời gian chiến tranh. Sau năm 1975, tin tức dần dần mới được tiết lộ.

Để chuẩn bị chiến tranh, đầu tháng 7-1959 Hồ Chí Minh qua Moscow đề nghị Liên Xô yểm trợ Bắc Việt Nam trong cuộc chiến mà đảng LĐ đang sửa soạn tấn công miền Nam Việt Nam, nhưng Liên Xô khuyên Hồ Chí Minh nên tiếp tục mưu tìm sự thống nhất trong hòa bình.(15)

Vào lúc nầy, Nikita Khrushchev đang cầm quyền ở Liên Xô từ năm 1953. Năm 1956, trong Đại hội đảng lần thứ 20 đảng Cộng Sản Liên Xô (CSLX) tháng 2-1956, ông đưa ra chủ trương “chung sống hòa bình” giữa các nước không cùng chế độ chính trị.

Một thành tựu quân sự quan trọng của LX dưới thời Khrushchev là Liên Xô đã phóng thành công vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo ngày 4-10-1957, mở đầu kỷ nguyên chinh phục không gian. Sau những cuộc thương lượng kéo dài, ngày 5-8-1963, ngoại trưởng Liên Xô (Andrei Gromyko), ngoại trưởng Anh Quốc (Alec Douglas Home) và ngoại trưởng Hoa Kỳ (Dean Rusk) ký thỏa hiệp giới hạn thử nghiệm bom nguyên tử trên khí quyển và ngoài biển khơi, chỉ được thử nghiệm trên đất liền. Thỏa hiệp nầy chính thức có hiêu lực từ ngày 10-10-1963.

Khi Leonid Brezhnev lên làm thư ký thứ nhất đảng CSLX thay Nikita Khrushchev vào tháng 10-1964, thì LX thay đổi thái đô, viện trợ và gởi người sang giúp Bắc Việt Nam. Quân đội Liên Xô đến Bắc Việt khoảng 3,000 người, thuộc Phòng Tùy viên Quân sự Tòa đại sứ Liên Xô tại Hà Nội, đều là những chuyên viên không quân, kỹ thuật phòng không và hỏa tiễn (Bắc Việt gọi là tên lửa). Nhiệm vụ của chuyên viên LX là huấn luyện lắp ráp tại chỗ các loại máy bay chiến đấu MIG-21 và SU, huấn luyện phi công Bắc Việt lái máy bay, lắp ráp các bệ phóng hỏa tiễn và điều khiển hỏa tiễn. Ngoài ra còn có một số chuyên gia về hải quân và các binh chủng khác.

Khi phục vụ tại Bắc Việt, các quân nhân LX đều dùng thường phục, chỉ trong những buổi lễ mới dùng quân phục, sinh sống tập trung nhiều nhất ở trong một số khu vực ở Hà Nội và ở các phi trường lớn có trang bị hỏa tiễn phòng không tại Bắc Việt.(16)

Nước cộng sản lớn thứ hai đưa quân vào Bắc Việt Nam là Trung Quốc (TQ). Bắc Việt Nam nằm sát phía nam TQ. Ngày 4-9-1958, Quốc Vụ Viện TQ ra nghị quyết về ranh giới biển của TQ là 12 hải lý kể từ bờ biển, áp dụng cho toàn thể lãnh thổ TQ, bao gồm các hải đảo, trong đó có cả Hoàng Sa và Trường Sa. Để lấy lòng TQ, Phạm Văn Đồng, thủ tướng Bắc Việt, với sự đồng ý của Hồ Chí Minh và bộ Chính trị đảng LĐ, ký quốc thư ngày 14-9-1958, tán thành quyết định trên của TQ ngày 4-9-1958, nghĩa là mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc.

Cần chú ý thêm TQ đã thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên ngày 16-10-1964, phóng hỏa tiễn nguyên tử đầu tiên ngày 25-10-1966 và thử nghiệm quả bom khinh khí đầu tiên ngày 14-6-1967.(17) Sự thành công nầy làm tăng giá trị vị thế của TQ trong bang giao quốc tế.

Trước đây, chỉ có Liên Xô là nước cộng sản duy nhất thủ đắc bom nguyên tử, có thể đối trọng với Hoa Kỳ. Nay Trung Quốc cũng có bom nguyên tử nên càng làm cho Bắc Việt tin tưởng thêm hơn trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ. Mối bang giao Liên Xô-Trung Quốc rạn nứt từ khi Nikita Khrushchev chủ trương “sống chung hòa bình” giữa các nước không cùng chế độ chính trị. Nay có bom nguyên tử, TQ càng tỏ ra khiêu khích đối với Liên Xô. Riêng Hoa Kỳ, sau khi TQ nắm được bom nguyên tử, Hoa Kỳ cũng phải tính toán lại sách lược bang giao đối với Trung Quốc, tạo nhiều hệ lụy trong chiến tranh Việt Nam.

Trong khi đó, vào đầu tháng 8-1964 xảy ra biến cố Vịnh Bắc Việt. Quốc hội Hoa Kỳ liền đưa ra “Quyết nghị vịnh Bắc Việt” (Gulf of Tonkin Resolution) ngày 7-8-1964, cho phép tổng thống Hoa Kỳ thi hành các biện pháp cần thiết, kể cả việc dùng võ lực, để đối phó với tình hình tại Đông Nam Á. Trung Quốc tỏ ra quan ngại, cho rằng chẳng những Hoa Kỳ tấn công Bắc Việt mà Hoa Kỳ sẽ có thể giúp Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đổ bộ lục địa Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc tái bố trí lực lượng nội địa để phòng thủ, một mặt Trung Quốc tăng cường giúp đỡ VNDCCH nhằm chống lại Hoa Kỳ. (18)

Các lãnh tụ Bắc Việt là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng liên tục qua Trung Quốc hội họp và thương lượng với các lãnh tụ Trung Quốc. Ngoài việc gởi quân viện, từ tháng 6-1965 đến tháng 3-1968, Trung Quốc gởi sang Bắc Việt Nam 320,000 quân, trú đóng ở các tỉnh và thành phố phía bắc Hà Nội, điều khiển các súng phòng không, sửa chữa đường sá, cầu cống, đường xe lửa, xây dựng các hãng xưởng, bảo vệ các tỉnh phía bắc nhằm giúp Bắc Việt kéo hết quân xuống tấn công miền Nam. Khi Trung Quốc rút quân về nước vào tháng 8-1973 (7 tháng sau hiệp định Paris), tổng số lính Trung Quốc thiệt mạng tại Việt Nam là 1,100 người và bị thương là 4,200 người.(19)

Cuối năm 1966, Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên (Bắc Hàn) gởi hai trung đoàn pháo binh phòng không và hai phi đội sang Bắc Việt Nam giúp bảo vệ Hà Nội. Kim Nhật Thành đã nói với các phi công Bắc Hàn là hãy chiến đấu trên bầu trời Bắc Việt giống như tại Triều Tiên. Khi rút về vào 1972, Bắc Hàn để lại khoảng vài chục quân nhân bị giết trong các cuộc dội bom của phi cơ Hoa Kỳ.(20)

Ngoài ra, Cuba, một nước ở Trung Mỹ theo cộng sản, cũng gởi người đến giúp Bắc Việt, qua hình thức dân sự thuộc Tòa đại sứ Cuba ở Hà Nội. Đó là những chuyên viên phụ trách khai thác tù binh Hoa Kỳ bị Bắc Việt bắt được. Đa số quân nhân Hoa Kỳ bị bắt là phi công. Theo lời kể của những tù binh Hoa Kỳ còn sống sót và trở về Hoa Kỳ sau hiệp định Paris năm 1973, các chuyên viên Cuba tra tấn một cách tàn nhẫn và có khi đánh đập đến chết một số tù binh Hoa Kỳ.(21)

Kết luận

Sau khi đất nước bị chia hai, miền Nam Việt Nam muốn sống yên ổn, hòa bình để phát triển kinh tế, nhưng lại bị Bắc Việt Nam khiêu khích và tấn công vì cho rằng miền Nam Việt Nam không thi hành việc tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo hiệp định Genève (20-7-1954). Lý do nầy hoàn toàn không hợp lý vì hiệp định Genève chỉ là một hiệp ước đình chỉ chiến sự, không nói gì đến giải pháp chính trị. Việc dự tính tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước chỉ được đề cập đến trong điều 7 bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương”. Bản tuyên bố nầy lại không có chữ ký của các nước tham dự hội nghị nên không có giá trị cưỡng hành.

Quân đội các nước cộng sản kín đáo đến giúp Bắc Việt Nam, được ngụy trang dưới hình thức chuyên viên kỹ thuật dân sự. Truyền thông Bắc Việt hoàn toàn do nhà nước kiểm soát, nên không đưa tin về việc nầy. Bắc Việt bưng bít tin tức rất kỹ, thế giới hoàn toàn không hay biết về sự hiện diện của quân đội các nước cộng sản tại Bắc Việt.

Trong khi đó, Hoa Kỳ cùng đồng minh công khai đổ quân ồ ạt vào Nam Việt Nam. Cộng sản Bắc Việt lợi dụng sự hiện diện công khai của quân nhân nước ngoài tại miền Nam Việt Nam để tuyên truyền chống VNCH và chống “đế quốc xâm lược Mỹ”, chẳng những trong dân chúng Việt Nam ở cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam, mà cả trưóc dư luận thế giới.

Quân đội Hoa Kỳ và đồng minh vào miền Nam Việt Nam khá nhanh từ năm 1965 và cũng rút nhanh vào đầu thập niên 70. Tuy vậy, quân đội VNCH vẫn một mình chiến đấu bảo vệ miền Nam Việt Nam, và chỉ phải buông súng vì thiếu đạn dược do Hoa Kỳ cắt quân viện, trong khi Bắc Việt Nam được toàn khối cộng sản yểm trợ mạnh mẽ cho đến khi thành công năm 1975. (Trích Việt sử đại cương tập 6.)


Trần Gia Phụng

Chú thích:

1. Sau thế chiến thứ hai, thế giới chia thành hai khối rõ rệt. Khối tư bản do Hoa Kỳ đứng đầu và khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo. Hoa Kỳ thử thành công bom nguyên tử lần đầu tiên ngày 16-7-1945, và đã dùng bom nguyên tử thả xuống hai thành phố Nhật Bản là Hiroshima (6-8-1945) và Nagasaki (9-8-1945), kết thúc thế chiến thứ hai. Liên Xô thử nghiệm thành công bom nguyên tử đầu tiên ngày 29-8-1949. Vì cùng thủ đắc võ khí nguyên tử, hai nước Hoa Kỳ và Liên Xô, tuy tranh chấp nhau quyết liệt, nhưng tránh trực tiếp đụng độ nhau. Tình trạng nầy gọi là chiến tranh lạnh Trong chiến tranh lạnh, Liên Xô và khối cộng sản dựa vào chiêu bài giải phóng dân tộc để tuyên truyền và bành trướng thế lực. Hoa Kỳ và khối tư bản cho rằng khi một nước bị cộng sản chiếm quyền, thì các nước lân bang dần dần sẽ bị mất vào tay cộng sản, nghĩa là một quân cờ domino sụp đổ, thì các quân cờ domino khác cũng sụp theo. Đó là nguồn gốc thuyết domino tại các nước Tây phương, nhất là Hoa Kỳ. Vận dụng thuyết địa lý chính trị nầy, Hoa Kỳ can thiệp vào các nước Đông Nam Á, hầu ngăn chận sự bành trướng của cộng sản.

2. Wikipedia, The free encyclopedia, “Military Assistance Advisory Group”.

3. Lâm Vĩnh Thế trích dịch, Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa, Hamilton, Ontario: Hoài Việt, 2008, tt. 162-166. Đọc thêm: William Westmoreland, A Soldier’s Report, Duy Nguyên dịch, Hồi ký cựu đại tướng Westmoreland, San Jose: Nxb. Thế Giới, 1996, chương VII, “Quyết định khó khăn nhất”, tt. 171-206.

4. Làng Nam Ô nằm ven vịnh Đà Nẵng, dân địa phương gọi là Vũng Thùng. Trước đó hơn 100 năm, những TQLC Pháp đầu tiên cũng đã đổ bộ ở Vũng Thùng năm 1856. Ca dao Quảng Nam có câu: “Tai nghe súng nổ cái đùng/ Tàu Tây đã đến Vũng Thùng hôm qua.” Làng Nam Ô thuộc huyện Hòa Vang, tiếp giáp với Liên Chiểu, ngay dưới chân phía nam đèo Hải Vân.

5. Đoàn Thêm, Việc từng ngày 1965, Việc từng ngày 1966, Việc từng ngày 1967, California: Nxb. Xuân Thu tái bản, mục cuối mỗi sách: “Quân số Hoa Kỳ”.

6. Wikipedia, The Free Encyclopedia, “Việt nam War”, mục “Strenght”.()

7. Wikipedia, the Free Encyclopedia, “Vietnam War” “Casualities” [Thương vong trong chiến tranh Việt Nam]. (http://en.wikipedia.org/wiki/Vietnam_War_casualties)

8. Trung tướng Stanley Robert Larson và Thiếu tướng James Lawton Collins, Jr., Allied Participation in Vietnam, Washingtong D.C.: Department of Army, 1985, tr. 23.

9. Australian War Memorial, “Vietnam War 1962-1975”.()

10. Robert Larson và Lawton Collins, Jr., sđd. tr. 23.

11. Wikipedia, The Free Encyclopedia, “New Zealand in the Vietnam War”.

12. Robert Larson và Lawton Collins, Jr., sđd, chương: “The Republic of Korea”, tt. 120-156; và Wikipedia, The free encyclopedia, “Vietnam War Casualities”.

13. Robert Larson và Lawton Collins, Jr., sđd, tt.. 23, 51 (13a), 23, 63 (13b).

14. Robert Larson và Lawton Collins, Jr., sđd. tr. 23.

15. Mark Moyar, Triumph Forsaken, The Vietnam War, 1954-1965, New York: Cambridge University Press, 2006, tr. 83.

16. http://www.russiatoday.ru/news/news/21019 “USSR ‘secret’ Vietnam soldiers speak out”, 16-2-2008. Xem thêm: Bản tin đài RFA (Radio Free Asia) ngày 20-2-2008. RFA còn phỏng vấn nhà báo Bùi Tín, cựu đại tá Bộ đội cộng sản Bắc Việt. Ngoài ra, tham khảo thêm BBC Vietnamese ngày 19-11-2008.

17. Google: “China Nuclear Forces”.(Trích ngày 4-6-2008.)
18. Lorenz Luthi, “The Vietnam War and Chinas Third-Line Defense Planning before the Cultural Revolution, 1964-1966″ Journal of Cold War Studies, Vol. 10, No. 1, Winter 2008, pp. 26-51, bản dịch của Trần Quốc Tân, Chiến tranh Việt Nam và kế hoạch phòng tuyến ba của Trung Quốc trước Cách mạng Văn hóa, 1964-1966, (Nguồn: Tạp chí Thời Đại Mới, số 13, tháng 03-2008. (tapchithoidai.org/ThoiDai13/2008).

19. Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 135.

20. Wikipedia, The Free Encyclopedia, “Koreans in Vietnam”, “Vietnam War casualties”, và BBC NEWS (Anh ngữ) các ngày 31-3-2000, 7-7-2001, và 12-7-2001.
21. http://www2.fiu.edu/~fcf/warcrimes.cuba.vietnam.html. “War Crimes: The Cuban-Vietnam Connection”, 20-2-1997. http://webcache.googleusercontent.com/ “Cuban Torturers in Viet Nam-Eye-Witness Report, 12-Apr-2004”.

Nguồn saigonecho.com

Thursday, June 17, 2010

FIFA flags


Cờ của FIFA

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA-The Fédération Internationale de Football Association) được thành lập năm 1904 bởi các hội túc cầu của các nước ở châu Âu gồm:Pháp,Bỉ,Đan mach,Hòa Lan,Tây Ba Nha,Đức và Thụy sĩ.

Cho đến năm 2004,có đến 208 nước là hội viên của Liên đoàn bóng đá thế giới.Từ năm 1904 đến nay,FIFA đã trải qua 8 chủ tịch điều hành.Trụ sở đặt tại Zurich-Thụy sĩ.Trong số 208 đội bóng đá Nam của 208 nước hội viên,còn có 109 đội Nữ.

Các giải bóng đá do FIFA tổ chức gồm :Giải bóng đá thế giới dành cho Nam, Giải bóng đá thế giới dành cho Nữ,giải tuổi 20 dành cho Nam, giải tuổi 17 dành cho Nam, giải tuổi 20 dành cho Nữ, giải tuổi 17 dành cho Nữ ,giải câu lạc bộ các đội bóng,giải bóng đá luân lưu thu gọn(FIFA Futsal World Cup),giải bóng đá trên bải biển(FIFA Beach Soccer World Cup) (Hình phải:Cúp vàng danh dự giải bóng đá thế giới)

Bài hát chính của FIFA(FIFA Anthem)trong lễ khai mạc các giải,do nhạc sĩ Franz Lambert,người Đức sáng tác được xử dụng từ năm 1994 trở về sau này.Từ năm 1930 đến nay(2010),FIFA đã tổ chức,cứ 4 năm 1 lần,được 19 lần giải bóng đá thế giới(FIFA World Cup)

Chủ trương của Liên đoàn bóng đá thế giới là "Vì nhân quần. Để tranh tài”(For the Game.For the World) và khẩu hiệu là “phát huy bóng đá,xích lại gần nhau và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”(develop the game, touch the world and build a better future).

Cho đến nay,các tài liệu về Cờ học (vexillology)vẫn chưa đề cập đầy đủ và chính xác về lịch sử cờ của FIFA.Bởi thế cho nên tạm thời các mẫu cờ sau được ghi nhận:

Cờ của FIFA (FIFA flags) thay đổi từ năm 1904 đến nay (từ trái qua phải):

1.-Cờ xử dụng từ 1904 đến năm 1998
2.-Cờ xử dụng từ năm 1998 đến năm 2007
3.-Cờ 100 năm của FIFA (1904-2004)
4.-Cờ hiện tại (nền màu vàng,hình phải)



Đọc thêm:
fifa.com - crwflags

Thơ Đỗ Trung Quân


Trong giọng nói ấy có mùi sông Thạch Hãn

Video Cờ bay

Tôi không phải người Quảng Trị
Tôi nói giọng Hà Nội cũ
Giọng của mẹ tôi .


Tôi sinh ở Sài Gòn, lớn lên và nổi trôi
Từ kênh Nhiêu Lộc một hôm thấy mình tấp vào chân cầu Thạch Hãn
Áo thì rách, quần thì mòn, người thì thảm như nạn đói năm bốn lăm.


Thế rồi có một người đàn ông
Đưa tay ra bảo nắm lấy
Ông kéo tôi từ sông
Cho bộ quần áo và bảo từ nay anh về nhà tôi. Sách đấy, cọ đấy màu đấy… có đủ thứ ở đấy anh muốn làm gì thì làm.
Thế rồi tôi đọc sách, tôi vẽ, tôi cắn củ khoai nửa đêm để dành cho cái đói bụng trên chiếc đĩa màu xanh, lồng bàn úp lại như một bầu trời nhỏ nhưng không có bão giông.
Chỉ có mùi khoai ngọt .

Tôi không phải là người Quảng Trị
Tôi không biết quê mình ở nơi nào nhưng biết chắc tôi đã sống, đã nên người nhờ con người xa lạ ấy
Trong giọng nói của ông
Có mùi sông
Thạch Hãn…

Đỗ Trung Quân
Nguồn uminhcoc.com - Đọc thêm: kwan’s blog

Việt Nam Quốc Dân Đảng


Việt Nam Quốc Dân Đảng đi dựng bia
tưởng niệm những nhà yêu nước tại Guyane, Nam Mỹ

Cách đây 80 năm, ngày 10-02-1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng bằng chính sức mạnh của dân tộc mình đứng lên Tổng Khởi Nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Cuộc Tổng Khởi Nghĩa thất bại hàng ngàn đảng viên ưu tú đã bị bắt và bị đày đi côn đảo... Trong đó có một vùng côn đảo xa xôi tận Nam Mỹ gọi là Guyane thuộc Pháp đã lưu đày biệt xứ 325 chiến sĩ Yên Bái và những anh hùng dân tộc này đã vĩnh viễn nằm xuống chốn rừng sâu Amazone. Nhân dịp 80 năm tưởng niệm ngày Tổng Khởi Nghĩa của VNQDĐ (1930-2010) Phái đoàn VNQDĐ đã thể hiện tưởng niệm Tổng Khởi Nghĩa một cách cụ thể bằng cách đến Guyane, Nam Mỹ để dựng bia tưởng niệm 525 anh hùng dân tộc, trong đó có 325 anh hùng VNQDĐ đã bị lưu đày biệt xứ và vĩnh viễn nằm lại nơi đây....(Mời quý vị đọc 5 bài phóng sự đặc biệt của trang nhà http://www.vietquoc.org )

Thăm Nhà Lao An Nam tại Guyane (Le Bagne Des Annamites en Guyane) lần đầu tiên:

Người chết cho tổ quốc không bao giờ bị bỏ quên, người xả thân cứu đồng bào thì đồng bào ghi nhớ! Hơn 79 năm rồi, từ sau cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái ngày 10/02/1930 do Việt Nam Quốc Dân Đảng lãnh đạo, đã có 325 chiến sĩ yêu nước Việt Quốc bị lưu đày biệt xứ đến chốn rừng sâu nước độc tại Guyane thuộc Pháp gọi là Nhà Lao An Nam tại Guyane. Chốn lưu đày nằm sâu trong rừng Ínini thuộc rặng Amazone, nay thuộc quận Monstinery-Tonnegrande, nằm cách thủ phủ Cayenne của tỉnh Guyane thuộc Pháp chừng 60 cây số (km). Ngày 25/01/2010 phái đoàn Việt Nam Quốc Dân Đảng do anh Tổng Bí Thư Lê Thành Nhân hướng dẩn đã đến “Dựng bia tưởng niệm các đồng chí VNQDĐ đã bỏ mình tại Guyane sau cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái 10-02-1930”.

Cách đây hơn một năm, VNQDĐ đã phái người đến đây tìm kiếm những đồng chí của họ đã hy sinh cho tổ quốc bị lưu đày biệt xứ và bị lãng quên từ 79 năm qua, nhờ vậy mới biết được tung tích, xác nhận được được vị trí Nhà Lao An Nam, Trung Ương VNQDĐ đã viết một lá thứ bằng tiếng Pháp gửi đến cho ông Le Cante, quận trưởng Montsinéry-Tonnegrande, yêu cầu giúp đỡ và đề nghị hợp tác dựng đài tưởng niệm hầu biến khu Nhà Lao An Nam thành khu văn hóa lịch sử, nhưng vì điều kiện tài chánh cũng như yếu tố tế nhị về chính trị, chính quyền địa phương giữ thái độ im lặng, quận trưởng Le Cante thấy có một cái gì đó áy náy trong lòng với sự “im lặng trái đạo lý” và đã nhắn qua người liên lạc rằng các bạn hãy can đảm đi tới và chúc thành công, ý nói việc làm của các bạn rất đáng ca ngợi, nhưng rất tiết chúng tôi không hợp tác được vì...

Cuối cùng VNQDĐ không xây dựng được đài tưởng niệm thì quyết định phải dựng bia tưởng niệm các Liệt Sĩ Yên Bái vì lương tâm không cho phép bỏ quên những chiến sĩ yêu nước xả thân cho nền độc lập dân tộc đã chết oan khiên tức tưởi và vong hồn đang vất vưởng nơi chốn rừng hoang, u tịch mà 79 năm qua không hương khói, không một lời cầu nguyện!

Anh Hoàng Chí Linh từ Frankfurt Đức, chị Lê Quý An từ Đức, anh Nguyễn Tâm Thiện từ Pháp, anh Phục Việt từ Pennsylvania, anh Hoàng Linh từ California và anh Lê Thành Nhân từ Texas, một toán đi từ phi trường Orly, Paris và toán khác từ Canada và Hoa Kỳ trực chỉ phi trường Cayenne, Guyane …sau chuyến bay dài gần hai ngày, dừng lại nhiều phi trường với hành trang mang theo không những chỉ quần áo mà muốn đến xứ Guyane của rừng Amazone phải chích ngừa đủ mọi thứ, anh Hoàng Linh tâm sự “nội chuyện chích ngừa không tốn gần $500 USD”, ngoài ra cần đem theo áo quần đi mưa, dày lội rừng, mũ an toàn, thuốc chống vắt muỗi,bọ cạp, rết rừng v.v... và đặc biệt tấm bia tưởng niệm do anh Chí Linh, chị Quý An, anh Tâm Thiện đặt làm bằng đồng nặng gần 50 kilograms (100 lbs) phải vận chuyển bằng đường bộ cồng kềnh từ Đức đến phi trường Orly, từ phi trường Cayenne đến nhà trọ ở quận Montsinéry, sau đó khiên bộ hơn 4 cây số đường rừng đến Nhà Lao An Nam để dựng bia tưởng niệm đầy gian nan vất vả!

Hai toán gặp nhau tại phi trường Cayenne, Guyane lúc 4:00 chiều thứ Hai ngày 25/01, từ đây thuê xe về nhà trọ trong quận Montsinéry-Tonnegrande cách phi trường 60 cây số, nằm sâu trong một vùng thôn quê để đi đến địa điểm vào Nhà Lao cho tiện, vì cây cầu chính trên trục lộ bị gãy phải dùng đường lộ phụ nên đường đi khó khăn dễ lạc phải nhờ ông chủ cho thuê nhà ra đón tại phi trường dưa về chỗ ở.

Anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng, nhưng thấy trước mắt nhiều công việc phải lo, nào tiếp xúc với chính quyền, nào mời người tham dự, nào phải đi thăm Saint-Lauren Du Maroni địa điểm đầu tiên các nhà ái quốc bị tàu Martinière chở đến đây v.v. tất cả đều bắt đầu cuộc hành trình từ số “zero” đầy thử thách trong 5 ngày tới, và chỉ có 5 ngày thôi nếu không hoàn thành hoặc gặp bất trắc gì thì khó khăn vì anh em cần trở về đúng chuyến bay để còn đi làm việc, nhất là công việc làm trong thời kinh tế khó khăn này nhiều rủi ro. Do đó, những ngày còn lại thời gian làm việc rất sít sao nên anh em cũng tạm gát qua những hàn huyên tâm sự đến khuya, ai ai cũng phải đi ngủ sớm để ngày mai vào thăm Nhà Lao ra mắt các tiên liệt là các đồng chí hậu duệ đến thăm viếng và dựng bia tưởng nhớ các anh hùng dân tộc vị quốc vong thân nơi xứ người.

Sáng hôm sau vào ngày thứ Ba (26/01), vừa chuẩn bị đi vào Nhà Lao thì ông quận trưởng Montsinéry-Tonnegrande gọi điện thoại nói sẽ đến gặp, nhưng chờ hoài không thấy và ông báo lại cho biết đang bận họp cứu trợ động đất ở Haiti. Đến 1:30 chiều thì anh em quyết định vào thăm Nhà Lao mặc dù đã trễ, nhưng không thể để mất một ngày làm gián đoạn chương trình dự tính.

Từ nhà trọ đến ngõ vào Nhà Lao chừng 20 cây số, ngõ vào Nhà Lao là lối vào ven rừng nhỏ đầy cỏ mọc hoang dại, nếu không có người đã từng đến đây đánh dấu chỉ dẫn thì không tài nào nhận ra rằng đó là lối vào Nhà Lao An Nam, đây là một lối đi hẹp vào rừng bị che khuất bởi cỏ dại mọc cao đến đầu gối…từ đường lộ dẫn vào Nhà Lao là một còn đường mòn rất nhỏ hơn 4 cây số lầy lội (tháng này mùa mưa), nhiều cây ngã chắn lối, nhiều nơi bị nghẽn lối phải rẻ cây đi vòng, nhiều chỗ phải leo lên thân cây ngã cao gần đến ngực để qua đường, đặc biệt bác Thanh Sơn 85 tuổi nhưng vẫn cố gắng cùng với anh em một tay cầm gậy tay kia vịn vào vai anh em trẻ cùng tiến bước(Hình phải: Dấu tích tội ác lịch sử của chế độ thực dân Pháp còn nguyên vẹn - hai dãy chuồng cọp tại nhà lao An Nam (Ảnh CL - 26-01-2010) . Sau gần 2 giờ lặn lội trong rừng chị Quý An la lớn “đến nơi rồi” khi nhận ra được viên đá của nền nhà còn sót lại và có thể nơi đây là trung tâm của Nhà Lao gọi là La Bagne Anammite chứa 525 người lưu đày biệt xứ trong đó có 325 chiến sĩ VNQDĐ bị bắt từ vụ ám sát tên mộ phu Hervé Bazin và sau cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái 10-02-1930. Rẽ phải chừng 200m thì thấy hai dãy bê tông cốt sắt sừng sững hiện ra, đoàn người đứng trước chứng tích của tội ác khét tiếng của chế độ thực dân: “chuồng cọp”.

Lúc đó mới 3:20 phút, nhưng bầu trời sao bỗng âm u lạ thường như màn đêm buông xuống, một án mây đen kéo đến trùm lên Nhà Lao với không khí lạnh lùng như trách móc, oán hờn của những vong hồn oan nghiệt còn vương vấn đâu đây chưa siêu thoát. Chúng tôi đốt hương, bác Thanh Sơn và anh Lê Thành Nhân khấn nguyện, xin lỗi, tạ tội 79 năm qua không đến viếng thăm các cụ, nguyện hứa từ đây hằng năm sẽ đến hương khói...các anh em chia nhau cắm hương khắp các chuồng cọp, người nào cũng rưng rưng nước mắt trước cảnh hoang dã, lạnh lùng của núi rừng Amazone mà chính nơi này cha ông chúng ta những chiến sĩ yêu nước đứng lên chiến đấu cho nền độc lập của dân tộc đã bị lưu đày biệt xứ bỏ mình vĩnh viễn tại đây.

Hương khói làm ấm lòng các cụ hay sao mà bỗng nhiên đám mây biến mất mặt trời ló dạng, ánh sáng xuyên qua khẽ lá rừng già, mọi người cũng thấy ấm cúng và vui vẻ không còn mang tâm trạng ớn lạnh như khi mới bước vào...

Máy quay phim, máy chụp ảnh hoạt động liên tục nào chụp những cầu tiêu còn sót lại, chụp chuồng cọp từ nóc đến tận nền, thầm nhủ rằng nơi đây những nhà ái quốc Việt Nam đã trải qua những giây phút nhục hình trong uất hận, cô đơn và tuyệt vọng. Chuồng cọp sau 79 năm đã phủ rêu phong nhưng những nét tàn bạo hiểm ác của nó vẫn còn y nguyên vẹn. Các Nhà Lao cây cối mọc đầy, chỉ còn lại cái nền nhà, cái xe đẩy (wagon) dùng sức trâu ngựa của các chiến sĩ lưu đày giờ đây đã rỉ sét gần hết như muốn phá tan một chứng tích ác độc của chế độ thực dân dùng sức người thay trâu ngựa...Con đường rầy dùng để chuyển sản phẩm làm ra từ Suối Lươn rồi dùng sức tù nhân hằng ngày hì hục đẩy về nộp cho tên cái ngục.... nhìn đâu cũng thấy dấu tích bóc lột độc ác tàn bạo của chế độ Thực Dân đối với người bị lưu đày!

Chụp hình và thâu video xong thì trời đã bắt đầu tối, ánh nắng yếu ớt còn sót lại của buổi hoàng hôn, phái đoàn phải trở về để lo công tác cho ngày mai...

Dấu tích tội ác lịch sử của chế độ thực dân Pháp còn nguyên vẹn - hai dãy chuồng cọp tại nhà lao An Nam (Ảnh CL - 26-01-2010)

Đọc tiếp : Bài 2Bài 3 - Bài 4 - Bài 5

Lê Hoành Sơn
Nguồn vietquoc.org

Nguyễn Thái Học


Yên Báy, Ngày… tháng 3 năm 1930

Gửi ông Toàn Quyền Đông Dương ở Hà Nội.

Ông Toàn Quyền,

Tôi, Nguyễn Thái Học ký tên dưới đây, chủ tịch Đảng cách mệnh Việt Nam Quốc Dân Đảng, hiện bị giam ở ngục Yên Báy, trân trọng nói cho ông rõ rằng:

Hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, tôi thực có trách nhiệm về mọi việc chính biến phát sinh trong nước, do Đảng tôi chỉ huy từ năm 1927 tới nay, vì tôi là chủ tịch Đảng, và là người sáng lập nữa. Vậy xin ông giết một mình tôi, chứ đừng giết các người đảng viên hay gọi là đảng viên, hiện bị giam ở các ngục, bởi vì người ta vô tội! Người ta vô tội vì trong số đó thì một phần là các đảng viên, nhưng họ vào đảng là vì tôi khuyến khích họ, cho họ biết thế nào là nghĩa vụ một người dân đối với quốc gia, thế nào là nghĩa vụ một người dân đối với quốc gia, thế nào là khổ nhục của một tên dân mất nước; còn ngoài ra thì là những người bị vu cáo bởi bọn thù hằn, bởi lũ mật thám, bởi những bạn bè bán mình cho chính phủ Đông Dương! Tôi nhắc lại một lần nữa để ông biết rằng chỉ cần giết một mình tôi, vì tôi mới chính là thủ phạm. Mà nếu còn chưa đủ hả, thì xin tru di cả nhà tôi, nhưng tôi đem nước mắt mà xin ông tha cho những người khác! Sau nữa tôi mong ông nghĩ đến danh dự nước Pháp, đến công lý, đến nhân đạo mà thôi, đừng ra lệnh ném bom hay đốt phá những làng vô tội như ông vừa mới làm! Đó là một lệnh giết người. Những đồng bào của tôi sẽ vì thế mà chết đói, chết rét lấy vạn mà kể!

Sau cùng kết kuận bức thư, tôi nói cho ông biết rằng: nếu người Pháp muốn ở yên ở Đông Dương mà không phải khốn đốn vì phong trào cách mệnh thì:

1) Phải thay đổi cái chương trình chính trị hung tàn và vô đạo hiện hành ở Đông Dương.

2) Phải cư xử cho ra vẻ là người bạn dân Việt Nam, chứ đừng có lên bộ ông chủ bạo ngược và áp chế.

3) Phải để lòng giúp đở những nỗi đau khổ về tinh thần, về vật chất của người Việt Nam, bằng cách trả lại các nhân quyền, như tự do du lịch, tự do học hành, tự do hội họp, tự do ngôn luận; đừng có dung túng bọn tham quan, ô lại, và những phong tục hủ bại ở các hương thôn; mở mang nền công, thương bản xứ, cho nhân dân được học tập những món cần thiết.

Ông Toàn Quyền, hãy nhận lấy tấm lòng tôi tôn kính và cảm kích, với sự nhiệt liệt tạ ơn.

Kẻ thù của ông:

Nhà Cách mệnh Nguyễn Thái Học

Nguồn vietquoc.org

Monday, June 14, 2010

Phan Bội Châu


Văn Tế Các Tiên Liệt VNQDĐ (1932)

Sau khi ông mất một vài nắm, nơi nơi đều làm lễ tưởng nhới nhà cách mạng Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng đền nợ nước ngày 17-06-1930, đó là ngày TANG YÊN BÁI của dân tộc. Vào năm 1932, sinh viên học sinh Huế tổ chức lễ truy điệu Nguyễn Thái Học và các nhà cách mạng VNQDĐ đọc bài "Văn tế các Tiên liệt Việt Nam Quốc Dân Đảng" sau đây do cụ Phan Bội Châu trước tác vào năm 1932.

Văn Tế Các Tiên Liệt Việt Nam Quốc Dân Đảng
Do Sinh Viên Học Sinh thành phố Huế tổ chức lễ truy điệu 1932

Gươm ba thước chọc trời kinh, chớp cháy, nầy Lâm Thao, nầy Yên Bái, nầy Vĩnh Bảo, khí phục thù hơi thở một tầng mây!
Súng liên thanh vang đất thụt, non reo, nào chủ đồn, nào xếp cẩm, nào quan binh, ma hút máu người bay theo ngọn gió.

Trách nông nỗi trời còn xoay tít, trước cờ binh sao quay gió cản ngăn;
Tiếc sự cơ ai quá lờ mờ, dưới trướng giặc bấy nhiêu tay len lỏi.
Ma cường quyền đắc thế sinh hùng uy,
Thần công lý bó tay nghe tử tội.

Ôi thôi, mù thảm mây sầu,
Gió cuồng mưa vội;
Cửa quỷ thênh thang!
Đường trời vòi vọi!

Nhân dân chí sĩ, sát thân vào luật dã man;
Nữ kiệt anh hùng, thất thế đang hồi đen rủi. [1]


Trường tuyên án chị chị anh anh cười tủm tỉm, tức nỗi xuất sư vị tiệp, [2] vai bể non gánh nặng hãy trìu trìu,
Đoạn đầu đài sau sau trước bước ung dung, gớm gan thị tử như quy, [3] mặc cây cỏ máu tươi thêm chói chói.


Tuy kim cổ hữu hình thì hữu hoại, sóng Bạch Đằng,mây Tam Đảo, hơi sầu cuộn cuộn bóng rồng thiêng đành ông HỌC xa xuôi,
Nhưng sơn hà còn phách ắt còn linh, voi nàng Triệu, ngựa nàng Trưng, hình hạc gió, hãy cô GIANG theo đuổi.

Đoàn trẻ chúng tôi nay:

Tiếc nước còn đau,
Nghĩ mình càng tủi!
Nghĩa lớn khôn quên,
Đường xa dặm mỏi!

Giây nô lệ quyết rày mai cắt đứt, anh linh thời ủng hộ, mở rộng đường công nhẩy, bằng bay;
Để lao lung đua thế giới vẫy vùng, nhân đạo muốn hoàn toàn, phải gắng sức rồng dành, cọp chọi,
Đông đủ người năm bộ lớn, đốt hương nồng, pha máu nóng, hồn thiên thu như sống như còn,
Ước ao trong bấy nhiêu niên, rung chông bạc, múa cờ vàng, tiếng vạn tuế càng hô càng trỗi.

Tình khôn xiết nói,
Hồn xin chứng cho,
Thượng hưởng!

Sào Nam Phan Bội Châu
(1932)

Chú thích
1.-ý khóc Cô Giang, vị hôn thê của Nguyễn Thái Học, cùng là đồng chí và đảng viên, đã tuẫn tiết sau khi thấy ông bị hành hình
2.-Đỗ Phủ điếu tang Gia Cát Lượng có câu: "Xuất sư vị tiệp thân tiên tử, Trường sử anh hùng lệ mãn khâm", tạm dịch: Ra quân chưa kịp chiến thắng thân đã khuất, mãi khiến những ai giống như ông cũng phải chạnh lòng nước mắt đẫm đầy vạt áo.
3.-thị tử như quy: xem cái chết như chỗ đi về
Nguồn vietquoc.org

Thơ Trần Kiêu Bạc


Từ bên trong sân cỏ.

Má dặn em hoài từ tuổi mười lăm
Thương ai thì thương, chớ thương thằng cầu thủ
Lừa dọc lừa ngang là đồ tráo trở
Liếc mắt bên nầy lại đá bên kia

Chờ lúc trọng tài không để ý đàng xa
Đùng một cái, chun ngay vùng cấm địa
Đảo lại đảo qua bằng nhiều động tác giả
Thử hỏi người nầy có tin được hay không?

Thiệt tình em mới lớn chồng ngồng
Lo cái thân chưa xong, nói chi là cầu thủ
Thấy trái banh tròn tròn coi cũng ngộ
Nghĩ đến sức căng lứa tuổi dậy thì

Một ngày đẹp trời vào cuối mùa thi
Em đứng nhứt trường, được cho nhiều thứ
Một món lạ làm em xao lòng thiếu nữ
Lần đầu trong đời theo Ba coi đá banh

Một trái tròn tròn lăn cuồn cuộn giữa sân
Hai mươi chàng trai chạy xuôi chạy ngược
Hai chàng khác chôn mình nơi hai góc
Trong khung gỗ cao mà Ba gọi cầu môn

Em lơ đãng nhìn sân cỏ nhiều hơn
Xanh biếc màu xanh một trời hy vọng
Hai màu áo khác nhau thành hai đợt sóng
Trộn hòa nhau thành màu sắc lạ kỳ

Thiệt lòng em sinh sống miệt nhà quê
Theo Ba vào sân mà lòng mắc cỡ
Lo bữa cơm rau, lo trời chưa no gió
Đá banh đá bung nào có lợi gì?

Đang nghĩ bâng quơ, lại nghe hét bên tai
Sân banh bung ra từng tràng pháo nổ
Đó là pháo tay những người cỗ võ
Những nhịp tim theo nhịp chạy trong sân

Anh một mình chạy theo lối vòng cung
Đón trái banh bấm từ góc xa sân trống
Đảo một giây làm đối phương lỡ trớn
Anh oai hùng như từ dưới đất mọc lên

Gạt qua hai người đứng chặn hai bên
Chân sấm sét sút đường banh kẻ chỉ
Mọi ngươì đứng lên hét la ầm ỉ
“ Dô rồi “! Đội mình dẫn trước một không

Lại môt mình, anh được bạn công kênh
Nhận chút vinh quang nhỏ nhoi từ đồng đội
Lần đầu tiên tim em lên tiếng nói
Má trật lất rồi! Cầu thủ quá đáng yêu!

Ba ngồi lặng yên một nét đăm chiêu
Chắc nhớ lại một thời làm cầu thủ
Giờ có lẽ Ba đã “lên công về thở”
Nên Má chê đủ điều cầu thủ đá banh

Từ sân cỏ về em suy nghĩ miên man
Nhớ hoài đôi chân đi banh như khiêu vũ
Trái đội đầu cũng gây bao sóng gió
Những sợi tóc quăn theo em mãi đến nhà

Em mơ màng thấy được khúc Samba
Của những chàng áo xanh vàng Nam Mỹ
Trái banh nằm yên còn tim em nhảy múa
Trận banh đầu đời cảm xúc lâu năm!

Em nghĩ lại rồi! Má trật trăm phần trăm
Cầu thủ trên sân ai không lừa ngang dọc?
Không ai nỡ kêu đó là lừa lọc
Nên em vẫn nghe nhiều tràng pháo ở khán đài

Lại nghĩ rằng như một cộng môt thành hai
Yêu cầu thủ là yêu đôi chân sút
Sút một phát là phải vào trúng đích
Thủ thành như em cũng phải chịu thôi!

Bây giờ lớn rồi, em đã hai mươi
Anh hai mấy lẻ chắc còn dư sức
Đời cầu thủ chừng mười lăm năm có được
Sẽ ra một đội banh mười một đứa chạy vòng cung

Nếu dân ca đổi lại khúc mười thương
Em sẽ hát một thương anh cầu thủ
Hai là trái banh tròn làm em mất ngủ
Ba mới đến Ai có tóc xõa đuôi gà!

Trần Kiêu Bạc
S. Africa World Cup 2010

Sunday, June 13, 2010

Nguyễn Lương Hải Khôi


ODA – “Sát thủ kinh tế” của Nhật Bản?

Đối với Việt Nam, việc tiếp cận các nguồn vốn quốc tế, trong đó có vốn vay ODA, là cần thiết để phát triển. Tuy vậy, nếu như những nước cần vốn có “chiến lược nợ” của mình, thì các nước giàu cũng có “chiến lược cho vay” của họ. Vì thế, để xây dựng “chiến lược nhận” một cách thích hợp, các nước nghèo không thể không tìm hiểu “chiến lược cho” của đối tác.

Trên cơ sở tham khảo những công trình nghiên cứu có tính “vạch trần” về bản chất và chiến lược ODA của Nhật Bản, do chính các học giả xứ Phù Tang thực hiện và công bố, bài viết này chỉ ra “binh pháp ODA” của họ, nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam một góc nhìn tham chiếu trước khi đưa ra quyết định.

Tiếng nói phê phán ODA của học giả Nhật

Trong ngôn ngữ ngoại giao, người ta coi ODA là biểu hiện của tình ưu ái của người cho đối với người nhận. Tuy vậy, ngay tại Nhật Bản, cũng có nhiều học giả, với tinh thần trung thực trong khoa học, đã “vạch trần” bản chất thực của chính sách ODA của chính đất nước mình.

Chẳng hạn, cuốn “Sự thật viện trợ ODA” của Sumi Kazuo, giáo sư Đại học Yokohama, là một trong những công trình như vậy. Cuốn sách này tuy dung lượng ngắn, nhưng có thể dẫn dắt người đọc lần theo đường đi nước bước của dòng chảy ODA ở những trường hợp cụ thể. Ngoài ra, tìm hiểu về ODA Nhật, không thể không đọc công trình nghiên cứu của tập thể học giả Fuke Yousuke, Fujibayashi Yasushi, Satake Youko, Moriyama Hiroshi, Nagase Riei, Miyauchi Taisuke, Ishikawa Kiyoshi. Cuốn sách của họ có tiêu đề “ODA – vì cuộc sống của người Nhật Bản” [1]. Các tác giả là những thành viên của một tổ chức học thuật phi chính phủ: Hội Điều tra Nghiên cứu về ODA (ODA Chosa Kenkyu Kai), thành lập năm 1988.

Từ 5/1991 đến 3/1992, họ đã liên tục thuyết trình các kết quả nghiên cứu của mình về vấn đề viện trợ ODA của Nhật Bản. Sau đó, họ tiếp tục khảo cứu các tư liệu mới, đồng thời tiến hành điều tra thực địa tại các nước nhận ODA của Nhật Bản, và viết thành cuốn sách nói trên, xuất bản vào năm 1999, sau hơn 10 năm theo đuổi đề tài, với ngồn ngộn những tài liệu, số liệu, hình ảnh được xử lý và trình bày một cách khoa học.

Cuốn sách đã “vạch trần” bản chất đồng tiền ODA của Nhật, giúp chúng ta hiểu rằng, đằng sau những lời lẽ ngoại giao mỹ miều là một vũ khí kinh tế đặc biệt, mà như các tác giả khẳng định ở mục cuối của cuốn sách: Ngày xưa chúng ta dùng chiến tranh, ngày nay chúng ta dùng ODA [2].

Ngay cả Đài Truyền hình Trung ương Nhật Bản NHK cũng từng có chương trình phát sóng điều tra về sự thật ODA, trong đó, tập trung vào những dự án ODA điển hình của tinh thần “vì Nhật Bản”. Nhìn chung, từ những nghiên cứu như vậy mà tiếng nói đề xuất cải cách chính sách ODA ngày càng mạnh mẽ ở Nhật Bản. Dưới đây xin giới thiệu cụ thể hơn góc nhìn của họ về ODA Nhật Bản.

“Ngày xưa: chiến tranh, ngày nay: ODA”

Để hiểu bản chất của đồng ODA Nhật Bản ngày hôm nay, ở thế kỷ 21 này, các tác giả của sách “ODA vì cuộc sống của người Nhật Bản” dẫn chúng ta quay ngược về quá trình hình thành và diễn biến của chiến lược ODA của đất nước họ. Chiến lược ODA của Nhật Bản được xây dựng cùng với việc phải tuân thủ hiệp ước San Francisco 1951, theo đó Nhật phải bồi thường chiến tranh cho một số nước Châu Á. Họ đã khôn khéo làm cho những đồng tiền “bồi thường” ấy quay trở về phục vụ lại cho chính họ.

Ví dụ, Nhật đã “bồi thường chiến tranh” cho Indonesia như thế nào? Trong quá trình đàm phán bồi thường, họ đã khôn khéo lồng vào ý sau đây trong điều khoản: “Nhật Bản sẽ cung cấp cho Indonesia các dịch vụ và sản phẩm của Nhật Bản trị giá tương đương 80,3 tỷ Yên” [3]

Kết quả, Nhật Bản “bồi thường” cho Indonesia bằng cách xây dựng... những khu khách sạn cao cấp, những tòa căn hộ sang trọng, những khu mua sắm đắt tiền, những nhà máy sản xuất giấy, vải, gỗ... Những thứ này, nói như các tác giả của sách, “không thể hiểu nổi sao có thể gọi đó là bồi thường chiến tranh”. Bởi một mặt, những thứ này không phải “bồi thường” cho nhân dân Indonesia, và mặt khác, chúng đã làm rất nhiều nhà máy sản xuất giấy và ván ép non yếu của Indonesia phá sản [4].

Để có thể “bồi thường” như vậy, chắc chắn không thể không nhờ đến cả những đàm phán sau cánh cửa.

Họ đã chuyển hóa sự “bồi thường” cho nạn nhân thành cái chính mình hưởng lợi, còn nạn nhân thì không được gì, hoặc được rất ít không như công bố, thậm chí bị thiệt hại nặng hơn trước. Cùng sự sự phục hưng kinh tế của Nhật sau chiến tranh, chiến lược ODA cũng được thực thi mạnh mẽ theo nguyên tắc nói trên. Những quốc gia “ngây thơ”, vô tình hoặc cố ý, bắt đầu một cuộc đua tài trí tuệ không cân sức với Nhật Bản.

Xin điểm qua một vài trường hợp điển hình.

Từ những năm 70, do các quốc gia ven biển bắt đầu được nhận vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, các công ty đánh bắt hải sản của Nhật bắt đầu bị hạn chế đánh bắt ở những ngư trường giàu có của nước cộng hòa Kiribati thuộc trung tây Thái Bình Dương. Hàn Quốc thì trả tiền cho Kiribati để được tiếp tục đánh bắt. Nhật thì triển khai một chiến lược khác. Họ đề xuất cho Kiribati cái gọi là “Viện trợ không hoàn lại trong lĩnh vực thủy sản”, tặng cho nước này mấy chiếc tàu đánh cá và kho bảo quản hiện đại, và rồi khai thác hải sản của Kiribati với giá rẻ. [5]

Giáo sư Sumi Kazuo trong sách “Sự thật của viện trợ ODA”, cũng chỉ ra rằng, giữa những năm 70, ngành sản xuất nhôm của Nhật bắt đầu gặp khó khăn, chính phủ Nhật lập tức xây dựng dự án viện trợ ODA cho Indonesia trong lĩnh vực khai thác nguyên liệu sản xuất nhôm trên đảo Sumatra. Mục đích của nó không chỉ là “hợp tác quốc tế”, mà còn là, như chính họ nói, nhằm “đầu tư để xác lập thế trận bảo vệ có tính chiến lược đối với nguyên liệu nhôm của đất nước chúng ta” [6].

Cùng với sự phục hưng kinh tế Nhật sau chiến tranh, “nền sản xuất số lượng lớn” và “xã hội tiêu thụ với số lượng lớn” sẽ không thể đứng vững nến không có một quá trình “tiêu hủy rác thải số lượng lớn”. Và vì thế, viện trợ của Nhật cho Indonesia liên quan đến rác cũng được đưa vào cỗ máy ODA này. “Ở Indonesia, một hệ thống xử lý rác thải tương thích với thực tiễn của Indonesia đã không hề được xây dựng, mà thay vào đó, những cơ sở “hiện đại hóa” thu gom rác quy mô lớn đã được xây dựng bằng ODA. Indonesia đã chăm sóc một lượng rác lớn của người Nhật” [7]

“Binh pháp” nào đã giúp Nhật thực hiện thành công những điều trên? Đó là cả một “thế trận” được sắp xếp một cách bài bản. Để tồn tại trước thế lực này, Việt Nam cần có một thế trận bài bản tương ứng.

“Binh pháp” của ODA Nhật Bản

Những nghiên cứu nói trên tuân thủ nguyên tắc thực chứng luận vốn có ảnh hưởng sâu đậm trong khoa học xã hội Nhật Bản, vạch trần bản chất của vấn đề thông qua việc phân tích các chuỗi sự kiện, mà không kèm theo bình luận chủ quan nào.

Thông qua những gì họ trình bày, người đọc dễ dàng nhìn thấy một thế trận chặt chẽ và bài bản để vận hành cỗ máy ODA ấy. “Binh pháp ODA” bao gồm cái cấu trúc này và sự vận hành của nó. Ở đây sẽ trình bày về “binh pháp” này và minh họa bằng một ví dụ cụ thể.

Thành tố đầu tiên trong binh pháp ODA Nhật là các Hiệp hội nghề nghiệp.

Các Hội nghề nghiệp của Nhật vận hành theo nguyên tắc của một xã hội dân sự, không bị can thiệp bởi chính quyền.

Những người trong cùng một ngành nghề, theo quy luật thị trường, sẽ phải cạnh tranh với nhau để sống còn. Nhưng ở Nhật Bản, văn hóa hiệp hội phát huy hiệu quả cao đến mức, quy luật này vận hành một cách khác thường.

Trong phạm vi hiệp hội, các thành viên coi cạnh tranh không phải là một hình thức tiêu diệt lẫn nhau, ngược lại, “cạnh tranh” là một hình thức của... “hợp tác”, thúc đẩy tinh thần thi đua và thử sức để cùng vươn lên.

Khi đối diện với người nước ngoài, chủ nghĩa ái quốc trong kinh tế được phát huy cao độ. Các thành viên sẽ hợp tác với nhau, gác qua cạnh tranh nội bộ, cùng nhau “sống còn” với đối thủ. Đó là cách họ bước ra thế giới từ hơn một thế kỷ nay.

Chính các tổ chức nghề nghiệp chứ không phải ai khác, là lực lượng đầu tiên đề xuất cho chính phủ của họ các dự án ODA cho các quốc gia bị họ xem là “con mồi”.

Thành tố thứ hai là tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản). Giáo sư Sumi Kazuo ở Đại học Yokohama, trong sách “Sự thật của viện trợ ODA”, đã phân tích về bản chất của JICA như sau.

“Nhìn chung, có thể xem JICA là cơ quan thực hiện viện trợ không hoàn lại về mặt kỹ thuật và tài chính cho các nước đang phát triển. Quả thực, các hoạt động của JICA cũng có hướng đến những hoạt động kiểu như vậy. Tuy nhiên, ngoài chức năng ấy, JICA còn thực hiện cả các dịch vụ hỗ trợ cho các công ty Nhật. Nguồn tài chính được dùng thực hiện điều này là “Vốn đầu tư phát triển”. Việc JICA cho các công ty Nhật vay dài hạn với lãi suất thấp và điều kiện cực mềm, trong khuôn khổ “Vốn đầu tư phát triển”, là điều còn ít được biết đến” [8]

“Vốn đầu tư phát triển” của JICA có hai loại. Một loại cho vay liên quan đến chuẩn bị cơ sở vật chất, và loại kia cho vay phục vụ cho “những công việc liên quan đến thí nghiệm”, là loại tiền xuất ra để “vừa bảo hiểm nợ vừa cho vay liên quan đến những sự nghiệp có tính tiên phong và khó khăn” như “thực hiện việc cải tiến kỹ thuật của doanh nghiệp”. [9]

Trong trường hợp doanh nghiệp Nhật đầu tư ra nước ngoài, với danh nghĩa “cao cả” là cơ quan thúc đẩy “hợp tác” và “phát triển” có tính “quốc tế”, JICA sẽ sử dụng loại vốn thứ 2 để đảm nhiệm vai trò phát hiện mục tiêu, nghiên cứu và đề xuất các dự án cho vay ưu đãi ODA đối với quốc gia “mục tiêu”, chuẩn bị về mặt tri thức và quan hệ cho các doanh nghiệp Nhật.

Các dự án cho vay ODA được điểm qua ở trên đều do JICA đảm nhiệm khâu đầu tiên: nghiên cứu, viết dự án, thuyết phục nước sở tại, vận động hành lang... nhằm đạt đến mục đích cho họ vay ODA.

Mấu chốt của binh pháp ODA nằm ở quá trình thuyết phục con mồi. Như phân tích của giáo sư Sumi Kazuo, họ tạo ra và duy trì một “nhu cầu viện trợ giả tạo” [10], hướng đến “lợi nhuận cho doanh nghiệp Nhật” [11] và “đưa ô nhiễm của Nhật ra nước ngoài” [12]

Thành tố thứ ba là chính phủ. Chính phủ đảm đượng công việc kết nối tất cả các đầu mối trong nước và quốc tế, đảm bảo sự vận hành thông suốt của guồng máy ODA.

Ta hãy thử hình dung cách vận hành của “thế trận” nói trên trong một “trận đánh” cụ thể của họ.

Sách “ODA vì cuộc sống của người Nhật Bản” đã trình bày diễn biến và kết quả của dự án ODA trồng rừng ở đông bắc Thái Lan từ 4/1992 đến 3/1997. Dự án này được đặt tên là “Hợp tác quốc tế vì màu xanh”, nhưng kết quả cuối cùng là biến vùng đông bắc Thái Lan thành vùng cung cấp... gỗ bạch đàn sản xuất giấy cho Nhật Bản.

Khảo sát diễn biến của “trận đánh” này, ta sẽ thấy rõ cách thức hoạt động của “thế trận” bộ ba “Chính phủ – JICA – Giới tư bản” trong quá trình vận hành của một dự án ODA.

Câu chuyện bắt đầu từ nhu cầu của Nhật Bản. Người Nhật tiêu thụ giấy thứ 4 thế giới (trung bình một người 245 kg/1 năm), ngành công nghiệp giấy của Nhật sản xuất 3000 vạn tấn giấy/ năm (số liệu năm 1996). Tuy vậy, từ những năm 80, khi chính sách bảo vệ môi trường được xiết chặt, các doanh nghiệp giấy Nhật bắt đầu tăng cường mua gỗ bạch đàn ở nước ngoài, đặc biệt là của Thái Lan.

Và vì thế, một dự án ODA được vạch ra để giới tư bản giấy Nhật có thể khai thác tài nguyên gỗ của Thái Lan với giá rẻ.

JICA lập tức xuất hiện. “Báo cáo nghiên cứu về kế hoạch trồng rừng vùng đông bắc Thái Lan” ra đời năm 1992. Báo cáo mở đầu bằng những lời tốt đẹp:

“Ở Thái Lan, 20 năm trở lại đây, dân số tăng nhanh, đất nông nghiệp được mở rộng, nhu cầu gỗ phát triển, cho nên vùng đông bắc Thái tỷ lệ che phủ rừng năm 1961 là 40% thì nay giảm còn 14%” [13]

Trên cơ sở đó, JICA đề xuất một kế hoạch trồng rừng cho vùng đông bắc Thái. Chính phủ Thái đồng ý về mặt chủ trương và yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện. JICA liền đề xuất một kế hoạch trồng rừng mà tên gọi thì hết sức tốt đẹp, “Hợp tác quốc tế vì màu xanh”, nhưng người Thái chỉ nhận ra cái bẫy của nó sau khi dự án được triển khai 7 năm, khi mà không còn có thể tưởng tượng rằng vùng đông bắc Thái từng là “vương quốc của rừng” nữa.

Kế hoạch JICA đề xuất với Thái Lan gồm 3 việc:

- Viện trợ không hoàn lại 3 tỷ Yên xây dựng 4 trung tâm trồng cây giống, cây non quy mô lớn, xây dựng các cơ sở huấn luyện, cung cấp xe cộ và các phương tiện cần thiết khác.

- Gửi đến Thái Lan các chuyên gia lâm nghiệp của Nhật để huấn luyện sản xuất cây giống và chỉ đạo việc trồng rừng.

- Phái đến “Đoàn thanh niên Hợp tác Quốc tế” của Nhật Bản để “khai sáng” cho nông dân Thái ý thức về tầm quan trọng của rừng và việc trồng rừng (“Khai sáng” là từ họ dùng trong nguyên văn)
Không rõ những thanh niên Nhật Bản kia đã “khai sáng” cho nông dân Thái Lan điều gì, nhưng nông dân Thái chỉ thích trồng bạch đàn vì đó là “loại cây biến thành tiền”, và không rõ 4 trung tâm sản xuất cây giống kia tạo ra loại cây gì, nhưng từ 1992 đến 1995, một trăm triệu cây giống được phát miễn phí cho nông dân Thái Lan để họ tự trồng rừng, và trong đó, hầu hết là cây bạch đàn để sản xuất giấy.
Khi cả một vùng đông bắc trồng bạch đàn, thì một mặt, giá bạch đàn ở đây sẽ vô cùng rẻ, và mặt khác, nguồn nước và nguồn dinh dưỡng của đất bị hủy hoại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc nông dân được phát miễn phí cây giống bạch đàn với số lượng khổng lồ, là loại cây có lợi ích kinh tế trước mắt, đã làm cho diện tích rừng bạch đàn tăng vọt và diện tích rừng tự nhiên trước đó bị hủy hoại. Cái gọi là “hợp tác quốc tế” và “trồng rừng để bảo vệ thiên nhiên” chỉ là trò đùa. Hầu hết số tài sản 3 tỷ Yên của dự án đều phục vụ ngược lại cho Nhật Bản. Kết cục, dự án bị nhân sĩ Bangkok phản đối kịch liệt.

Nếu ví dự án ODA này là một cái bẫy thì cái lẫy then chốt của bẫy này là việc phát không cây giống cho nông dân tự trồng “rừng”. Thuyết minh cho chủ trương này, JICA đưa ra những lập luận tốt đẹp. Nông dân Thái Lan cũng đã trồng rừng một cách tự phát, vừa để bảo vệ môi trường vừa phục vụ nhu cầu cuộc sống. Vậy, có thể tận dụng điều này để thực hiện 2 việc một lúc: bảo vệ thiên nhiên và xóa đói giảm nghèo cho vùng đông bắc Thái [14] Làm sao chính phủ Thái có thể từ chối một lời đề nghị như thế?

Mưu kế này của JICA làm người ta nhớ lại những câu chuyện đấu trí được kể trong “Chiến quốc sách” ở bên Tàu.

Ở “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế” của John Perkins, người đọc không hiểu vì sao một cá nhân như ông lại có thể làm được một khối lượng công việc khổng lồ là lần lượt thuyết phục các chính phủ Châu Mỹ La tinh, Đông Nam Á, Trung Đông lao theo những dự án giả dối nhằm phục vụ lợi ích tư bản Mỹ. Nhưng, ở trường hợp Nhật Bản lại hết sức dễ hiểu: thực hiện điều này không phải là một cá nhân mà là cả một bộ máy trong đó có những tổ chức đóng vai trò xung kích.

Biện hộ cho ODA Nhật Bản

Dĩ nhiên, bản thân các học giả Nhật Bản khi phê phán chiến lược cho vay ODA thì cũng không có ý định phủ định sạch trơn mặt tích cực của nó. Không có gì là tiêu cực hoàn toàn. Chúng ta có thể liệt kê, trên bề mặt hiện tượng, vô số những lợi ích mà các dự án ODA mang lại. Ở Nhật Bản, có vô số sách vở ca ngợi ODA của Nhật là một “cống hiến” của dân tộc họ đối với thế giới.

Trong một cuốn sách biện hộ cho ODA Nhật, xuất bản năm 2003, Miura Yuuji, một trong những chuyên gia của JETRO (Hội Chấn hưng Ngoại thương Nhật Bản) và Watanabe Toshio, một giáo sư của Đại học Công nghiệp Tokyo, một mặt thừa nhận rằng, vào cuối những năm 50, vì khả năng cạnh tranh quốc tế của các công ty Nhật Bản còn yếu, cho nên “việc dùng ODA như một hình thức bảo hộ lợi nhuận của các công ty Nhật là sự biểu lộ rõ ràng của ý thức quốc gia” [15], nhưng mặt khác, theo hai tác giả, nếu tiếp tục nhìn bằng con mắt ấy trong bối cảnh “xã hội có tính quốc tế” hiện nay là sai, bởi vì ngày nay, “lực lượng xây dựng các dự án ODA rất đa dạng, không chỉ có các công ty Nhật mà còn có cả chính phủ nước được viện trợ, ngân hàng, JICA, các tổ chức và quốc gia tài trợ khác, thậm chí cả các công ty tư vấn không thuộc Nhật Bản cùng tham gia” [16].

Như vậy, cứ theo hai học giả trên thì có thể hiểu rằng, ngày nay ODA Nhật không còn là “ODA vì Nhật Bản” nữa mà đã thực sự là ODA “cao thượng”. Tuy vậy, cũng cần nói rằng, “sự đa dạng” ở trên thực chất không nói lên điều gì. Sự thật nằm ở kết quả cuối cùng mà những dự án đó đạt tới.

Có lẽ, nếu tranh cãi xem bên “phê phán” và bên “biện hộ”, bên nào đúng, bên nào sai, thì cuộc tranh cãi sẽ không bao giờ kết thúc. Vì dường như cả hai bên đều có mặt đúng của mình.

Viện trợ ODA của các nước giàu cho các nước đang phát triển như Việt Nam trở nên tốt hay không tốt, thì có lẽ, phụ thuộc vào phương thức tiếp nhận của phía chúng ta hơn là phụ thuộc vào người cho.

Vì vậy, Việt Nam không thể không xem xét hệ thống vận hành của ODA Nhật, để từ đó, nhìn lại lề lối suy nghĩ, “thế trận” và quá trình ra quyết định của chính mình. Nhìn từ góc độ này thì phải chăng, chúng ta đang tổ chức một “thế trận” hoàn toàn không tương thích với “thế trận” của đối phương/ đối tác?

Tokyo, 3/6/2010

Nguyễn Lương Hải Khôi

[1] 福家洋介、藤林泰、佐竹庸子、森山弘志、長瀬理英、宮内泰介、石川清「日本人の暮らしのためだったODA」、コモンズ、1999
(Fuke Yousuke, Fujibayashi Yasushi, Satake Youko, Moriyama Hiroshi, Nagase Riei, Miyauchi Taisuke, Ishikawa Kiyoshi, “ODA – vì cuộc sống của người Nhật Bản”, NXB Komonzu, 1999)
[2] Như trên, p. 215 – 219
[3] Như trên, p. 206
[4] Như trên, p. 207 – 208
[5] Như trên, chương 2
[6] 鷲見一夫、「ODA 援助の現実」、岩波書店、1989, p. 170
(Sumi Kazuo, Sự thật của viện trợ ODA, Iwanami shoten, 1989, p. 170)
[7] “ODA vì cuộc sống của người Nhật Bản”, Sđd, p. 4
[8] “Sự thật của viện trợ ODA”, Sđd, p.168 – 169
[9] Như trên, p. 169
[10] Như trên, p. 137 – p. 147
[11] Như trên, p. 148 – 158
[12] Như trên, p. 158 – 167
[13] Dẫn theo: “ODA – vì cuộc sống của người Nhật Bản”, Sđd, p. 13
[14] Như trên, p. 14
[15] 三浦有史、渡辺利夫、「ODA - 日本に何ができるか」, 中公新書、2003, 107-108 頁
(Miura Yuuji, Watanabe Tosio, “(Tạm dịch) ODA – có thể làm gì với tư cách là Nhật Bản”, Chuko Shinsho, 2003, 107-108 p)
[16] Như trên, 109 p

Nguồn vietstudies.info