Saturday, June 12, 2010

Đoàn Thanh Liêm


Ủy Hội Venice vừa tròn 20 tuổi .
(The Venice Commission 1990 – 2010)

Vào ngày 10 tháng Năm 1990, sau khi bức tường Berlin xụp đổ, thì 18 quốc gia thuộc Hội Đồng Âu châu (Council of Europe) đã quyết định thành lập một cơ cấu chuyên môn mệnh danh là “ Ủy Hội Âu châu Xây dựng Dân chủ thông qua Luật pháp” (The European Commission for Democracy through law). Ủy hội này thường cũng được gọi là Ủy hội Venice (The Venice Commission ), vì lý do thường hội họp tại thành phố Venice của nước Italia.

Mục đích ban đầu của Ủy hội là nhằm giúp đỡ các quốc gia vừa thóat khỏi các chế độ độc tài tòan trị xây dựng được những bản Hiến pháp và các đạo luật căn bản khác sao cho thích hợp với các tiêu chuẩn của Hội đồng Âu châu : đó là Dân chủ, Nhân quyền và Nền Pháp trị (the rule of law). Đây là một cơ quan tư vấn về các vấn đề liên hệ đến Luật Hiến pháp, mà thành phần gồm các chuyên gia được bổ nhiệm trên cơ sở kinh nghiệm của họ trong các định chế dân chủ, hay sự đóng góp của họ vào trong lãnh vực tăng cường luật pháp và khoa học chính trị.

Hầu hết các quốc gia “ cựu cộng sản” mới gia nhập vào Hội đồng Âu châu trong thập niên 1990, thì đều được Ủy hội giúp đỡ trong việc sọan thảo Hiến pháp của mỗi nước và chuẩn bị để được chấp thuận gia nhập vào làm một thành viên của Hội đồng.

Ngòai những bản văn Hiến pháp ra, Ủy hội Venice cũng quan tâm đến những khía cạnh khác của quá trình dân chủ hóa, cụ thể như việc cải tổ ngành lập pháp, cải tổ tư pháp, việc thiết lập tòa án hiến pháp cùng lề lối điều hành, chế độ liên bang và khu vực địa phương, và cả việc chuẩn bị pháp chế mới về bàu cử, và những luật lệ nhằm bảo vệ các sắc dân thiểu số. Ủy hội cũng tập chú vào việc tìm kiếm những phương cách pháp lý nhằm giải quyết những tranh chấp về chính trị có nguồn gốc từ sự mâu thuẫn chủng tộc.

Ủy hội cũng thường thực hiện những cuộc nghiên cứu đối chiếu về những vấn đề pháp lý hiện hành, và tổ chức các “ seminars UniDem” (Universities for Democracy) và các khóa huấn luyện riêng về những đề tài có tính cách quan trọng đối với các nước tham dự viên.

Từ ngày thành lập, Ủy hội đã được khắp quốc tế thừa nhân như là trung tâm quy chiếu (reference) cho các tiêu chuẩn cao về dân chủ ở Âu châu. Ủy hội đã đóng góp hàng mấy trăm những ý kiến và phát triển hàng mấy chục những nghiên cứu, bô luật và bản hướng dẫn về vô số đề tài của luật Hiến pháp. Với sự gia nhập của Mexico và Tunisia vào năm 2010 mới đây, thì Ủy hội hiện có 57 quốc gia là thành viên thực thụ, kể cả số quốc gia thành viên không nằm trong Âu châu; với khả năng phục vụ về chuyên môn cho 1300 triệu người dân. Từ năm 2002, Tòa Án Âu châu về Nhân quyền (European Court of Human Rights –ECtHR) thường xin Ủy hội cho ý kiến về pháp lý, và đã thỉnh ý Ủy hội trong hơn 45 vụ án.

Ủy hội cũng còn đóng vai trò nòng cốt trong việc thiết lập Hội nghị Quốc tế về Công lý Hiến định (the World Conference on Constitutional Justice) nhằm khai mở hệ thống án lệ tòan cầu về Nhân quyền, và tính cách độc lập của ngành tư pháp trên khắp thế giới.

Năm 2004, Ủy hội đã cho xuất bản một bộ sách gồm 2 cuốn dày tới 2,000 trang với đày đủ tòan văn các bản Hiến pháp của 46 quốc gia thuộc Âu châu. Bộ sách có nhan đề chính là :“ Constitutions of Europe” với phụ đề là “ Texts collected by the Council of Europe Venice Commission”. Đây là bộ sách đày đủ nhất về hiến pháp của các nước Âu châu, mà được cập nhật hóa cho đến năm 2002, đặc biệt là của các quốc gia cựu cộng sản, kể cả Cộng hòa Liên bang Nga hiện nay vào đầu thế kỷ XXI.

Nhân tiện cũng xin lưu ý về sự khác biệt giữa tổ chức Hội đồng Âu châu ( Council of Europe CE) hiện có 47 quốc gia hội viên, thì khác với tổ chức Liên Hiệp Âu châu (European Union EU) mà hiện mới có 27 quốc gia thành viên.

Nhằm đánh dấu 20 năm ngày thành lập, Ủy hội Venice đã quyết định sẽ tổ chức một buổi lễ Kỷ niệm thật long trọng vào ngày 5 tháng Sáu 2010 săp tới tại thành phố Venice, với sự tham dự của các nhà Lãnh đạo Quốc gia và nhiều nhân vật cao cấp khác. Khi được giới truyền thông báo chí phỏng vấn vừa đây, Vị Chủ tịch của Ủy hội là Gianni Buquichio đã phát biểu trong một tinh thần phấn khởi lạc quan, đại khái như sau : “ Mối thử thách đối với chúng ta ngày nay, đó chính là phải củng cố cho vững chắc được cái nền tảng của tương lai dân chủ tại Âu châu và còn đi xa hơn nữa, bằng cách bắt rễ thật chặt xã hội chúng ta vào với những giá trị của di sản hiến định truyền thống của Âu châu, mà chúng ta sẽ tiếp tục củng cố và phát triển hơn mãi.”

Trải qua mấy thế kỷ chiến tranh đẫm máu và tranh chấp căng thẳng liên tục tại khắp các vùng đất thuộc Âu châu, cũng như phải gánh chịu hai nền độc tài khắc nghiệt, tàn bạo của Đức quốc xã và của cộng sản mới đây trong thế kỷ XX, lúc này Âu châu mới bắt đầu có cơ duyên phục hồi lại được nền Dân chủ Đa nguyên, Tinh thần Tôn trọng Nhân quyền và các Tự do nền tảng, cũng như nền Pháp trị.

Và trong 20 năm qua, với sự ra đời của Ủy hội Venice, cũng như nhiều định chế văn hóa xã hội cũng như chính trị khác nữa, thì người Âu châu cũng như người ở những châu lục khác trên thế giới đã bắt đầu thấy được một niềm hy vọng tràn đày lạc quan về một thế giới trật tự hơn, an hòa hơn và nhân ái hơn nữa vậy./.

Washington DC, Mùa Xuân Canh Dần 2010

Đoàn Thanh Liêm
Nguồn daivietus