Friday, June 4, 2010

BS. Trần Vỹ


Tù Nhân Chính Trị Tại Việt Nam

Chương 1.
TRÁCH NHIỆM CỦA MỘT CUỘC BẠI TRẬN


Video The bloody history of Communism

Xê xích một vài giờ – đúng 11 năm 6 tháng – sau cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 01 tháng 11 năm 1963 – cây cờ đỏ sao vàng của Việt Cộng phất phới ngạo nghễ trên mái nhà của dinh Độc Lập ở Saigon. Điều này đã xảy ra, dù có sự hy sinh của trên hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu nạn nhân Việt Nam, vừa dân sự lẫn binh lính.

Trách nhiệm của sự thất bại nầy trước hết ở trên đầu những người phù thủy tập sự, đã một cách ngây thơ, biến cuộc chiến du kích giữa những người Cộ
ng Sản và những người Quốc Gia Việt Nam – cuộc chiến mà có thể kéo dài hàng chục năm – thành một cuộc chiến tranh của Mỹ chống lại Bắc Việt, tuyến đầu phòng thủ ở mặt nam Trung Hoa Lục Địa.

Thêm vào lỡ lầm về chiến lược này, còn có sự sơ hở về chiến thuật “trả đũa từ từ”, con đẻ của cái mặc cảm vừa tự tôn lẫn tội lỗi. Trong trò này, những lực lượng của Mỹ đóng vai người đối đầu khoan dung trước quân đội Bắc Việt. Phía Trung Cộng, bực mình vì sự bất lực của mình trong việc tấn công các căn cứ Mỹ ở đảo Phi Luật Tân, do sự yếu kém của thủy quân, đã chu cấp một cách rộng rãi về binh nhu và về viện trợ kinh tế, sung sướng vì có thể chiến đấu chống người Mỹ, nếu cần cho đến người Bắc Việt cuối cùng.

Những lý do nào đã đưa một cường quốc “Bảo Vệ Tự Do” đến hành động đâm vào lưng một đồng minh yếu ớt đang đối chọi, nơi tuyến đầu, với Cộng Sản? Những chiến lược gia của Hoa Thịnh Đốn đã nghĩ gì khi đề nghị một giải pháp như thế?

Việc Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ chối không chấp nhận cho những đại đơn vị của quân đội Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam (1) chắc chắn đã là yếu tố quyết định nếu không là chính yếu. Vào thời điểm ấy chiến lược của Mỹ đối với Trung Cộng còn là chiến lược “cầm chân”. Nhưng Tổng Thống Diệm và em của ông, cố vấn Ngô Đình Nhu nhận định rằng sự có mặt của những đơn vị chính quy của quân đội Mỹ sẽ là một khiêu khích đối với Trung Cộng và sẽ không đem lại điều gì tốt đẹp cho Việt nam. Phải chăng tục ngữ Việt nam đã nói “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”?

Trước sự từ chối của Tổng Thống Diệm chấp nhận đưa những đơn vị chính quy của quân đội Mỹ vào Việt Nam, những người phù thủy tập sự nhận ra rằng cho đến bây giờ họ đã ủng hộ một vị Tổng Thống công giáo trong một đất nước mà những người cùng tôn giáo với ông chỉ chiếm 20% dân số (2), trong khi tất cả những nước lân bang khác ở phía nam Trung Cộng đều theo Phật Giáo (Miến Điện, Thái Lan, Cao Miên). Thật là một giấc mộng khi biến Việt Nam thành một nước Phật Giáo! Lúc đó, để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng về phía Đông Nam Châu Á, sẽ có một vòng đai gồm toàn những nước ít nhiều cùng một tư tưởng tôn giáo với một bản chất đối nghịch với vô thần Cộng Sản.

Mộng đẹp thật sự, mà lỡ lầm chết người vì họ đã quên rằng Phật Giáo rao giảng con người xa lãng hết mọi việc đời để đạt đến sự tiêu diệt bản ngã, hầu hòa nhập vào hư vô của Niết Bàn. Lịch sử nhân loại đã ghi chép lại kỷ niệm vè những hiệp sĩ của Allah chinh phục Bắc Phi và của đoàn viễn chinh “thập tự” ở Âu Châu để giải thoát đất thánh, nhưng chưa hề bao giờ biết đến một cuộc xuất binh của Phật Giáo để thực hiện bất cứ công tác nào về tranh chấp ý thức hệ cả.

Lúc bấy giờ những tên gián điệp bắt đầu, hầu như một cách công khai, khuyến khích những Phật tử quá khích, mà số đông là Việt Cộng “nằm vùng”‘, như chính phủ Cộng Sản đã không ngần ngại công nhận một cách chính thức sau 1975, đó là trường hợp của Quách Thị Trang, Kiều Mộng Thu, Ni-cô Huỳnh Liên và của biết bao người khác nữa đã kiếm cách lũng đoạn chính phủ của Tổng Thống Diệm bằng cách biểu tình, xuống đường, reo hò, không họp chợ, quyên sinh tự hủy, mà báo chí quốc tế thổi phòng tầm quan trọng lên một cách thích thú.

Bị bỏ rơi tuy chưa chính thức, nhưng người Mỹ đã bán chính thức và công khai tỏ thái độ, Tổng Thống Diệm và ông Nhu không còn đường nào khác hơn là mở một đường về Bắc Việt Nam để thử tìm ra một “Tạm ước” giữa hai chính thể khác biệt của cùng một dân tộc. Nếu miền Nam Việt Nam có nạn “những Phật tử quá khích” được ủng hộ bởi cường quốc liên minh thì miền Bắc cũng có khó khăn của mình: những hậu quả của cải cách ruộng đất đẫm máu rồi đến cải cách kỹ nghệ, đã đưa một vài miền và cả địa phương quê hương của Hồ Chí Minh đến bờ nổi loạn. Vừa được êm êm thì cuộc đàn áp phong trào “Nhân văn giai phẩm” đã đột ngột đập xuống giới văn nghệ sĩ làm lung lay giai cấp trí thức. Cho nên Ngô Đình Nhu nghĩ rằng thực sự có thể có được một cuộc đàm thoại giữa Nam Bắc. Nhân một cuộc tiếp tân trong khuôn viên thuộc viện Đại Học Saigon để chào mừng các giáo sư Pháp dạy ở Đại Học, Ngô Đình Nhu tuyên bố một cách công khai là ông đã tiếp ở văn phòng ông, một vài ngày trước đó, một cấp chỉ huy cao cấp Việt Cộng và sắp sửa tiếp một người khác ở cấp bậc rất cao để đàm phán … Tình báo Mỹ rủi thay là đã không vắng mặt trong số những kẻ được mời…

Vào cuối tháng 08 năm 1963, trong một cuộc tiếp tân tổ chức ở Bộ Ngoại Giao, ông Ngô Đình Nhu được vị đại diện Tòa Thánh Vatican giới thiệu với đại sứ Ba-Lan Maneli, thành viên của C.I.C. (ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình chiến Genève) trước sự hiện diện của các vị đại sứ Pháp, Ý và ấn Độ. Vài hôm sau, ngày 20 tháng 09 năm 1963, Ngô Đình Nhu và Maneli lại gặp nhau. Trong cuộc hội kiến này Maneli đã nhận chuyển tới Bắc Việt Nam ước muốn của Ngô Đình Nhu là mở ra với họ một cuộc thương thuyết hầu đạt đến một “Tạm ước”, tuy nhiên một cuộc gặp gỡ trực tiếp với chính quyền miền Bắc chưa được dự tính vào lúc đó.

Cố gắng của Ngô Đình Nhu để đàm thoại với miền Bắc Việt Nam đã làm phật lòng thật nhiều người Mỹ. Ngoài ra, dù có sự ủng hộ lộ liễu dành cho những Phật tử quá khích ở Saigon và dù có sử dụng đến những kẻ khiêu khích trong một cuộc họp Phật Giáo ở Huế, thì sự nổi loạn mong đợi ở quần chúng vẫn chưa hề xảy tới. Những kẻ phù thủy tập sự của Hoa Thịnh Đốn, trước sự đe dọa sắp mở những cuộc đàm phán trực tiếp giữa miền Nam và miền Bắc Việt Nam, đã dùng đến cuộc đảo chánh của quân đội, một việc khá dễ dàng vì cố vấn Mỹ có mặt trong nhiều bộ tham mưu quân sự. Cuộc đảo chánh này cũng như trong phần nhiều trường hợp khác, người ta cần đến những ông tướng. Mà những tướng lãnh Việt Nam năm 1963 là những ai? Phần nhiều là những hạ sĩ quan của Vệ Binh bản xứ (Garde indigène: khố xanh) hay những lính Đông Dương (Tirailleurs indochinois: khố đỏ), những cựu thư ký hay thanh tra sở cảnh sát hay điều tra, tóm lại những cựu cán sự bản xứ, thuộc cấp của các cơ quan đàn áp của cường quyền thực dân . Một vài người là cựu học sinh trường hạ sĩ quan trừ bị (Elèves sous-officiers de réserve = E. S. O. R) mà quân đội Pháp đã thành lập trong những năm trước khi Nhật Bản xâm chiếm Việt Nam, vì bị cắt đứt với hậu phương. Những cậu Tú mà đại học hay những trường cao đẳng đều không hấp dẫn họ hoặc đã đào thải họ, họ bị lôi cuốn bởi lương bổng gọi là “âu tây của hạ sĩ quan trừ bị, cao hơn nhiều lương bổng của công chức và cấp chỉ huy Việt Nam. Sự cần thiết có được các sĩ quan trong quân đội quốc gia của miền Nam Việt Nam trong lúc mới thành lập, đã cho phép họ được thăng thức nhanh chóng, qua một chuyến tập sự cấp tốc ở Paris hay ở đồn Fort Bragg, đã phết cho họ một lớp sơn nhân tạo, nhưng không thay đổi được gì về giá trị và bản chất của họ. Đã có chọn lọc đấy, nhưng chọn lọc bất đắc dĩ, không phải những người có năng khiếu nhất hay có học nhất, chắc chắn là không phải những người yêu nước nhất, cũng không phải là những người can đảm hay lương thiện nhất, nhưng là những người nhờ vào người Mỹ đang thao túng đất nước.

Cho đến lúc ấy, bị kềm chế bởi những công chức Pháp rồi bởi chánh quyền thật quan liêu của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, họ hành động khá đứng đắn và làm những gì người ta có thể trông cậy vào họ, nhưng lúc này họ tưởng mình là chủ đất nước thì con người thật của họ hiện nguyên hình dưới ánh sáng mặt trời. Điều mà dân chúng được biết nhanh chóng về hành động của “Hội Đồng Tướng Lãnh” thật đúng với giá trị các thành tích của những thành viên hội đồng: việc ám sát hèn nhát Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu sau khi họ đầu hàng (3); sự tranh chấp bần tiện giữa những tướng lãnh khi chia phần chiến lợi phẩm 17 triệu đồng qũy đen mà Tổng Thống để lại ở dinh Gia Long; việc các tướng lãnh vội vã chiếm hữu những ngôi nhà của Nhà Nước để làm của riêng. Châm ngôn của Hội Đồng Tướng Lãnh dường như là: “hèn nhát, tham lam, xa hoa v.v…” vì vị bộ trưởng Nội Vụ của họ gọi cho bà Hiệu Trưởng trường Nữ Trung Học Saigon thiệp mời đi dự dạ vũ tư nhân ,chính thức nhờ bà mời những học sinh của bà đến đấy!

Trong lãnh vực chính trị quân sự, biện pháp quan trọng duy nhất của chánh phủ mới là đình chỉ chương trình “ấp Chiến Lược’ (4), biện pháp phi lý đã chứng minh cho tiếng đồn “ngây ngô” mà mọi người gán cho Dương Văn Minh, vị thủ lãnh của “Hội Đồng Tướng Lãnh”(5). Nhiều người bạn trung học của tôi ở lại miền Bắc, trở thành cấp chỉ huy cao cấp của chính quyền Hà Nội, đến Saigon sau năm 1975, đã thổ lộ với tôi rằng: “cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1963 ở Saigon đã là món quà “Trời cho miền Bắc Việt Nam”.

Quả thật từ 1956 với sự chối từ của Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc tổng tuyển cử như hiệp định Genève đã dự định và, do sự cải tiến của hoàn cảnh chính trị và nhất là kinh tế của miền Nam Việt Nam – trái với điều đã xẩy ra ở miền Bắc, sau vụ cải cách điền địa, kỹ nghệ và văn hóa- sự quân bình lực lượng đã nghiêng về miền Nam Việt Nam. Nếu như Hồ Chí Minh và những chính trị gia vẫn nói đến sự ‘Thống Nhất’ thì đó chỉ còn là một thói quen mồm miệng mà người ta không còn tin một chút nào; cả những người lạc quan nhất cũng đã không coi rằng sự thống nhất này có thể đến trong một tương lai có thể dự kiến được. Sự phân chia đất nước dưới thời Trịnh Nguyễn há đã chẳng kéo dài hằng nhiều thế kỷ ư ? Cuộc đảo chánh mới và sự ám sát tổng thống Diệm đã vang nổ như một tiếng sét thiên định, và ngày một ngày hai, người ta tin rằng sự thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Hà Nội đã sẵn trong tầm tay với được. Những cấp chỉ huy cộng sản cũng đã công nhận rằng chính sách “Ấp Chiến Lược”, phỏng theo kinh nghiệm của người Anh ở Mã Lai đã là phương tiện tốt nhất để chống lại hoạt động của đảng Cộng Sản ở miền Nam Việt Nam. Diệm bị ám sát, ấp chiến lược bị dẹp bỏ, từ đó trở đi không còn gì có thể chống cản được sự thắng lợi sắp tới của Cộng Sản.

Một “Hội Đồng Tướng Lãnh” tồi tệ như vậy không thể tồn tại lâu dài. Chưa được ba tháng sau, một đêm tháng Giêng, Nguyễn Khánh, một ông tướng đầy tham vọng đã lật đổ họ bằng một hành động thật hữu hiệu; những thành viên quan trọng nhất của Hội Đồng đã bị bắt tại tư gia và hầu như không có đổ máu. Nạn nhân duy nhất là Thiếu Tá Nhung, sĩ quan tùy viên của thủ lãnh Hội Đồng Tướng Lãnh. Những người lính Dù đảo chánh đã bắt giữ ông và đã đánh ông đến chết, vì họ biết chính ông đã ra tay hạ sát, bằng những phát súng tiểu liên, Tổng Thống Ngô Đình Diệm -người mà lính Dù qui mến- và người em, ông Ngô Đình Nhu, trong xe thiết giáp chở hai ông từ Chợ Lớn đến đại bản doanh. Sáng hôm sau, lính Dù treo cổ Nhung và loan tin ông đã tự sát.

Kẻ chiến thắng, xuất thân từ giới kịch nghệ cải lương đã không chối bỏ gốc gác của mình, qua cách cư xử sau cuộc chỉnh lý của ông ta . Với sự công tác – như lời đồn- của Trần Chánh Thành, cựu Tổng Trưỏng Thông Tin của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông cho thảo ra một hiến pháp mới gọi là “Hiến Chương Vũng Tàu” – lấy tên của một nơi tắm biển, với tên xưa Cấp Saint-Jacques – nơi mà Hiến Chương đã được soạn thảo và công bố. Trong bản Hiến Chương Vũng Tàu, ông Tổng Thống tự dành cho mình mọi quyền hành. Bản Hiến Chương vừa được công bố, các sinh viên và học sinh trung học Saigon xuống đường và biểu tình trước dinh chính phủ, nơi mà vị tân Nguyên Thủ Quốc gia có mặt. Lúc bấy giờ: trong truyền thống thuần túy hề cải lương, nhà độc tài của chúng ta nhập bọn với họ và tuyên bố ông ta cũng chống lại bản hiến chương này.

Sự thất bại này đã kéo theo một thời kỳ dài rối loạn chính trị mà đảo chánh và chống đảo chánh nối tiếp nhau. Tình trạng này kéo dài đến cuối năm 1966. Dưới áp lực của người Mỹ đã chán ngấy, lúc bấy giờ xuất hiện một nhị đầu chế (Duumvirat). Gọi là Nhị đầu chế là nói quá bởi vì hai vị tướng; một vị mang tước vị ‘ Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia”, một chức vị hầu như chỉ có tính cách nghi thức, còn vị kia là “Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp” với mọi quyền hành. Hai vị này đều ở dưới sự điều khiển của “Hội Đồng Tướng Lãnh”. Đổi lại họ giới hạn quyền lực của họ ở trong vùng thủ đô, phần còn lại của đất nước ở dưới ách của những tướng tá các vùng chiến thuật khác biệt, những vị ấy là lãnh chúa chính cống, danh từ mà một tùy viên của tòa đại sứ Mỹ tại Saigon, ông Levine đã dùng trước mặt tôi, để nói đến họ trong một cuộc đối thoại. Nhờ vào tham nhũng, sự hỗn loạn và sự vô hiệu hành chánh lan rộng khắp nơi, kể cả trong quân đội. Nhờ vào đó du kích Việt Cộng có đủ thời gian để tổ chức và trở thành một lực lượng đáng nguy hiểm. Lúc bấy giờ để miền Nam khỏi rơi vào tay Việt Cộng, cái gì phải đến đã đến: sự can thiệp của lực lượng quân đội Mỹ.

Việc can thiệp leo thang của Mỹ đã đánh dấu một khúc quanh lịch sử quan trọng của miền Nam Việt Nam. Lúc ban đầu tình hình đất nước sáng hẳn , vì sự có mặt của một lực lượng Mỹ càng ngày càng đông hơn, khiến du kích Việt-cộng phải rút lui, trật tự vãn hồi kèm theo một sự lắng dịu về chính trị đi đôi với một tình hình kinh tế tốt đẹp hơn nhờ viện trợ. Nhưng trong dài hạn, sự hiện diện của lực lượng Mỹ đã bán rẻ tương lai của miền Nam Việt Nam và đã là nguồn gốc của tình trạng rối loạn lan rộng ra cả vùng Đông Nam Á. Trung Cộng quả nhiên không thể, với bất cứ giá nào, chấp nhận sự có mặt của lực lượng Mỹ ở dưới 1000 cây số cách miền biên giới mỏng manh của mình, không được bảo vệ như về phía tây bởi dãy cao sơn bất khả nhập, hay ở phía bắc bởi miền băng giá bao la không có sinh động. Vì vậy, dù muốn dù không Trung Cộng bị đẩy vào thế phải giúp đỡ thật hữu hiệu miền Bắc Việt Nam và tạo thành một sức mạnh quân sự có khả năng chống đỡ sự hăm dọa từ phía Mỹ. Lúc bấy giờ tại Hoa Kỳ cũng như tại các nước Âu Châu, người ta đã nói thật nhiều về sự viện trợ của Nga cho Bắc Việt Nam. Giới truyền thông quốc tế, báo chí và truyền hình loan tin khắp nơi những hình ảnh ngoạn mục của những cuộc không tập: máy bay B52 rải từng đợt bom từ trên cao xuống, máy bay khu trục ném bom, cất cánh trong tiếng ầm ầm khủng khiếp từ những hàng không mẫu hạm để đi tiêu diệt những mục tiêu chẳng quan trọng bao nhiêu, hay là bị bắn rơi vì hỏa tiễn do Nga chu cấp. Nhưng nếu sự trả đũa tăng từng bực (réponse graduée) của không lực Hoa Kỳ không đánh gục được miền Bắc thì cũng không phải vũ khí tân kỳ của Nga đã dẫn dắt miền Bắc đến thắng lợi chiến tranh. Vai trò này phải dành cho người lính bộ binh Cộng Sản mà nước Tàu nuôi nấng, cung cấp vũ khí và huấn luyện một cách hữu hiệu: lựu đạn, súng trường, súng tiểu liên, súng bazoka, xe vận tải, xe thiết giáp, những thiết bị cá nhân, lương thực để chiến đấu. Tất cả những thứ ấy Trung Cộng đã cung cấp cho Bắc Việt Nam một cách dồi dào. Một người anh họ tôi làm việc vào thập niên 70 ở biên giới Hoa-việt đã kể lại cho tôi nghe – vào năm 1980, khi mà phong trào chống Trung Cộng ở cực điểm- rằng ở biên giới Hoa-Việt, nơi mà anh phục vụ, đêm đêm từ hoàng hôn cho đến rạng đông những đoàn xe vận tải không ngừng chuyên chở hàng tấn vật liệu đủ loại, vật liệu quân sự cũng như lương thực. Một người khác cũng là bà con của tôi sống tại Hà Tĩnh kể cho tôi nghe sự quyết tâm của Tàu để giúp “chúng ta” trong chiến tranh không thể tưởng tượng được. Hà Tĩnh không sản xuất đủ gạo để nuôi dân, những vận chuyển đường bộ hầu như bị cắt đứt vì không lực Hoa Kỳ dội bom, mỗi ngày đánh phá đường sá và cầu cống. Lúc bấy giờ người Tàu tiếp tế dân Hà Tĩnh bằng những tàu đánh cá mà đêm đến, ở ngoài khơi của địa giới tính, thảy xuống hàng chục ngàn bao gạo nhỏ mà sóng biển đẫy vào bờ. “Nhờ vậy mà dân vẫn sống và tiếp tục cố gắng chiến đấu. Chúng tôi mang ơn họ lắm”.

Tại Saigon, trong địa hạt chính trị, quyền hành thực sự của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp dần dần chuyển sang Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc gia. Năm 1966, ông Chủ Tịch Hành Pháp quyết định tất cả; do tính khoác lác của ông ta (ví dụ: “quân đội là cha mẹ dân và quân đội là Tôi”), cũng như tham nhũng bị lôi ra ánh sáng mặt trời làm ông mất hết sự khâm phục của dân chúng, của một vài tướng lãnh và của người Mỹ. Ông ta cấm viên chức quan thuế phi cảng Saigon kiểm soát sự xuất nhập cảnh của các nhân viên không quân mà ông là thủ lãnh và nhờ vậy, biến phi cảng thành trung tâm buôn bán bất chính, mưu lợi cho ông và những kẻ ủng hộ ông ta.

Lúc bản hiến pháp, ít nhiều phỏng theo bản hiến pháp Hoa Kỳ thảo ra vào năm 1968 được trình bày với Tổng Thống Mỹ ở đảo Guam để được chấp thuận trước khi công bố, ông ta phải bằng lòng, sau nhiều pha sóng gió ở Hội Đồng Tướng Lãnh, với chiếc ghế ứng cử viên Phó Tổng Thống, đứng sau ông Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, đổi lại ông được lời hứa của người đối thủ nhiều may mắn hơn, là để cho ông ta chọn vị Thủ Tướng.

Cuộc bầu cử ít nhiều trung thực đã diễn ra sau đó và danh sách do Hội Đồng Tướng Lãnh giới thiệu đã thắng với đa số tương đối, khoảng 35% vì đã có năm hay sáu liên danh tranh cử. Vị Thủ Tướng quả nhiên đã được Phó Tổng Thống chọn, nhưng vài tháng sau, Tổng Thống đã thay thế bằng một người do chính ông ta chọn.

Vai trò của Phó Tổng Thống suy giảm dần dần và không tránh khỏi bị lu mờ sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân vào đầu năm 1968. Vào những ngày cuối cùng của cuộc tấn công Cộng Sản này, cuộc chiến đấu đã chuyển về vùng ngoại ô phía tây của thủ đô và khi bộ tham mưu quân chính của Phó Tổng Thống đi thăm một căn cứ chiến đấu ở Chợ Lớn, một trực thăng Mỹ đã bắn hỏa tiễn vào gian phòng có ông ta ở trong đó, làm chết và gây thương tích cho nhiều sĩ quan; lầm lẫn tác xạ hay tai nạn đã được cố ý gây ra ? Thực vậy, trực thăng chỉ bắn vào mục tiêu chỉ định bởi những quan sát viên ở dưới đất! Bị mất đi những phụ tá và cố vấn, vị Phó Tổng Thống dần dần mờ nhạt đi và tuồng khoác lác cuối cùng của ông ta tái diễn ra vào dịp bầu cử tổng thống năm 1971 .

Cuộc tổng tấn công của Cộng Sản vào dịp Tết Mậu Thân đã đánh dấu một khúc quanh trong tiến trình của chiến tranh Việt Nam. Quân đội Quốc Gia của miền Nam Việt Nam được thiết bị và huấn luyện bởi Hoa Kỳ, đã chống cự một cách hữu hiệu và thắng lợi cuộc tấn công của Việt Cộng, mặc dầu có yếu tố bất ngờ và có sự thiếu vắng quân đội Mỹ trong những ngày đầu của cuộc tấn công. Cuộc tấn công này đã để lộ ra những tổ chức bí mật của Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam; sau cuộc tấn công, một số đông những cán bộ hoạt động bí mật bị bắt và tổ chức của chúng bị phá vỡ một cách trầm trọng.

Dù vậy, cuộc tấn công này đã có một tác động tâm lý rất lớn trên dư luận và trên chính giới Mỹ : thấm mệt vì chiến tranh kéo dài và nhạy cảm do việc gởi binh sì quân dịch Mỹ ra tiền tuyến, dân Mỹ bị lôi cuốn bởi những phong trào đòi hòa bình. Sự chống đối chiến tranh ở Nam Việt Nam càng mạnh thế ở quốc hội Mỹ đã đưa đến việc ngược đời là, Việt Cộng mặc dù bị đánh bại ở chiến trường tại Việt Nam, đang cả thắng chiến tranh ở Hoa Thịnh Đốn!

Những rối loạn chính trị ở Saigon chỉ làm củng cố thêm khuynh hướng này. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nổi giận vì sự nhấn mạnh của một vài phóng viên báo chí quốc tế ác ý lúc nào cũng tường thuật -một cách ngu xuẩn- là ông chỉ đắc cử vào năm 1967 với số phiếu ít hơn 35 % (điều này thường thấy khi có đến năm-sáu ứng cử viên). Tổng Thống đã quyết định là lần này sẽ đạt đến, nếu không phải là 99% thì ít nhất cũng gần như thế. Muốn thế ông phải là ứng cử viên duy nhất. Lợi dụng một điều luật tuyển cử quy định mỗi danh sách ứng cử viên phải được 100 dân biểu giới thiệu và mỗi dân biểu chỉ được giới thiệu một danh sách duy nhất (Tổng Thống + Phó Tổng Thống). Ngoài nhiều phương cách khác, bằng phương tiện tài chánh ông trợ cấp mỗi đại biểu ủng hộ ông một số tiền 500.000 đồng Việt Nam, khoảng 3.000 Mỹ kim, cho hoạt động gọi là xã hội của họ; ông được bảo đảm một số đáng kể chữ ký giới thiệu và như vậy để lại cho đối thủ rất ít may mắn để hội đủ số phiếu của nghị viên! Vị Phó Tổng Thống, chỉ kiếm được khoảng sáu mươi chữ ký, giận dữ vì bị loại khỏi vòng tranh cử, hôm trước ngày hết hạn ghi danh ứng cử, đã dùng một đoàn thiết giáp, xe jeep và biểu chương, còi hụ, đến trước trụ sở Tối Cao Pháp Viện, để nộp đơn ứng cử dù ông ta không hội đủ số chữ ký cần thiết. Nhân viên thừa hành ở phòng tiếp nhận ứng cử sợ có thể xày ra việc đáng tiếc, do một ứng cử viên nóng tlánh gây ra, đã nhận đơn với điều kiện phải được sự chuẩn y của Hội Đồng Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện. Những ngày sau đó, đơn của ứng cử viên này được Ủy Ban chấp nhận; nhưng lúc bấy giờ vị Phó Tổng Thống ý thức được rằng dù bằng cách nào đi nữa ông ta cũng không thể thắng cử, tuyên bố rút lui khỏi cuộc tranh cử. Một ứng cử viên khác, cựu Chủ Tịch Hội Đồng Tướng Lãnh cũng đã không thể hội đủ 100 chữ ký của đại biểu như luật tuyển cử đòi hỏi.

Ngụ tại Hoa Thịnh Đốn vào thời kỳ ấy, tôi muốn biết Hành Pháp Mỹ nghĩ gì về tấm hài kịch tuyển cử này ở Saigon. Trong một bữa cơm trưa với ông Levine, một cựu tham vụ của tòa đại sứ Mỹ ở Saigon, lúc bấy giờ đang làm việc ở Hoa Thịnh Đốn trong Tòa Bạch Ốc tôi nói với ông ấy giữa hai tách cà phê:

“Báo chí Hoa Thịnh Đốn chê trách chính phủ Mỹ nhiều lắm vì nâng đỡ Tướng Thiệu. Vì lợi ích của cuộc vận động bầu cử Tổng Thống Nixon, ông có nghĩ chăng tốt hơn là nên thay Thiệu bằng một ứng cử viên khác, một người dân sự chẳng hạn ?”

“Ông thấy đấy, ở Saigon giữa chúng ta và Việt Cộng giống như là một cuộc đua ngựa. Hiện giờ bên ta đang thắng thế và người ta không thay người nài của đội thắng khi đội đã gần tới đích”

Vài ngày sau tôi đến dự một cuộc họp khoa học ở Đại Học Georgetown. Lúc chia tay vị chủ nhà, mà cũng là một người bạn, nhờ một tham dự viên có xe đưa tôi về khách sạn. Trên chặn đường ngắn ngủi này vị giáo sư, một người Do Thái, nói với tôi trong thứ tiếng Pháp ngập ngừng:

“Chúng nó đang bán các ông cho tụi Vixi, tụi Vixi sẽ đến Saigon và cắt cổ các ông.”

Tôi đã không trả lời, vì tôi đã đồng ý với điểm thứ nhất nhưng không chia sẻ sự bi quan của ông ấy về tương lai. Than ôi! ba năm sau đó, chỉ còn một chút xíu nữa lời tiên đoán của ông ấy thành sự thật.

Ở Saigon tuy vậy Thiệu đã đạt được điều ông muốn: ứng cử viên duy nhất chắc chắn được trúng cử với một số bách phân thật cao về số phiếu. Nhưng ở miền Nam Việt Nam cuộc vận động bầu cử đã không làm ai chú ý nữa.

Vào tháng 12 năm 1971, Nguyễn Văn Thiệu đã trúng cử một cách ít nhiều đúng đắn (ít hơn là nhiều) thành Tổng Thống của nước Cộng Hòa với bách phân rất cao. Để làm Phó Tổng Thống ông đã chọn một vị giáo sư trung học già, cựu Đô Trưởng Saigon và nổi danh là thanh liêm.

Khi ván bài tuyển cử kết thúc, đã trúng cử Tổng Thống, Thiệu đáng lẽ phải “tin vào sự trúng cử của mình” và xử sự như một vị Tổng Thống thật sự đắc cử do ý muốn của quốc dân để phục vụ quốc dân. Tiếc thay, ông lại không làm gì cả, về mặt chính trị cũng như về mặt hành chánh. Ông cứ tưởng còn ờ thời kỳ ông là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia với điểm khác là lần này ông kiêm nhiệm luôn chức vụ của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung ương. Ông có mọi quyền hành nhưng vẫn chịu nằm dưới sự giám hộ của Hội Đồng Tướng Lãnh.

Và điều này ông không hề che dấu. Lúc bấy giờ ở Hạ Nghị Viện vài thành viên ở khối đối lập Quốc Gia đã hoàn toàn bất lực trước đa số lớn lao những đồng viện theo Thiệu (được mua thì đúng hôm, họ không làm gì khác hơn là đôi khi chỉ trích một cách gay gắt Tổng Thống và coi là “gia nô” những dân biểu được Tổng Thống ưa chuộng, hay đả kích một cách mãnh liệt những hành động mờ ám của Thiệu và gia đình, coi ông như một kẻ bất lương, tham nhũng và đòi ông từ chức.

Phản ứng của Thiệu thật thảm hại: một ngày kia ông đã cho mời các dân biểu đối lập, đối thật hay đối giả, đến họp ở dinh Tổng Thống. Mọi người đã tưởng là ông sẽ tuyên bố thiện chí thực thi dân chủ, đoàn kết quốc gia. Tính thực thà của ông làm tôi ngạc nhiên: trả lời những chỉ trích của các dân biểu đối lập, ông tuyên bố chúng không làm ông thay đổi một chút nào, ông chỉ tùy thuộc vào Hội Đòng Tướng Lãnh và nếu Hội Đồng này không bằng lòng ông nữa thì ông sẽ lập tức trao quyền hành của ông cho Hội Đồng.

Tôi đã sửng sốt: vậy thì chính Thiệu đã cho sự tấn phong của mình không đáng kể và còn coi mình là đã được Hội Đồng Tướng Lãnh phong chức và giữ quyền rút lại sự tấn phong cho ông.

Kết quả của quan niệm này về vai trò Tổng Thống Cộng Hòa của ông: các tỉnh vẫn ở dưới sự cai quản của những lãnh chúa. Tại Saigon, Tổng Thống của nước Cộng Hòa và Thủ Tướng đã để bộ hạ tha hồ tham nhũng và thậm chí tranh nhau tham nhũng, vì họ chẳng phải cả hai đã do Hội Đồng Tướng Lãnh chỉ định là gì?

Cho nên vào một buổi tối trời đẹp năm 1973, từ tỉnh Mỹ Tho, quê hương của vị đệ nhất phu nhân của đất nước, một đoàn xe chạy bon bon sau chiếc ieep, rọi đèn pha sáng trưng và rống còi hụ inh ỏi mở đường. Đến cầu Tân An, chiếc xe jeep dừng lại, tài xế trình giấy cho hạ sĩ quan gác chặn đường và xin qua. Nhưng người hạ sĩ quan này lại muốn kiểm soát xem chuyến hàng của đoàn xe có đúng như giấy trình hay không.

Sĩ quan hộ tống đoàn xe từ chối., không cho xem. Hai bên bàn cãi, rồi các sĩ quan không đếm xỉa đến sự phàn đối, cho giở cản gác phòng thủ cầu và tiếp tục lộ trình. Nhưng người hạ sĩ quan nổi giận, lập tức báo động vị chỉ huy của đồn cách đó khoảng mươi cây số. Vị trung úy này đã cho chận đường lại và đoàn xe phải ngưng chạy. Vị trung úy cũng đòi kiểm soát chuyến hàng; hai bên bàn cãi thật lâu, rồi vị trung úy ngay sau đó lại gọi quân cảnh Saigon đến và kiểm soát chuyến hàng. Toàn là hàng lập vải vóc, thuốc lá ngoại quốc, rượu mùi, phấn son, mỹ phẩm, mà trị giá vượt quá hàng trăm triệu đòng. Câu chuyện này được đăng ở trang nhất báo chí Saigon mấy ngày sau đó, nhưng sau đó ra sao thì không ai biết cả. Tuy nhiên có tin đồn rằng các vị Trung Úy và Hạ Sĩ quả cảm này đã chịu số phận mà vua David dành cho quân phu người đẹp Bethsabée.

Không bao lâu sau đó tư dinh của một bộ trưởng thân tín của thủ tướng đã bị cảnh sát lục soát và phát hiện ra rằng tư dinh bộ trưởng này có một cửa ngang đục qua tường và thông lưu với một căn nhà bên cạnh nơi mà cảnh sát phát giác ra một.sòng bạc đang hồi sát phạt. Báo chí đăng tải vụ tai tiếng này; vị bộ trưởng vắng mặt khi có cuộc lùng soát, cho mọi chuyện là “vu khống”, nhưng đã không thuyết phục được ai cả.

Tôi không muốn nhấn mạnh nhiều về sự hủ hóa của chánh quyền Thiệu, vì nếu tôi đã không chịu đựng được sự thể vào lúc ấy, thì tôi cũng có thể ý thức sau đó rằng dưới chế độ Cộng Sản, sự thối nát còn trăm lần tệ hại hơn nữa. Trước 1975 độc đoán, bất công thối nát đã chỉ là hậu quả của sự lạm dụng quyền hành của các cá nhân nắm giữ trách nhiệm, những chức vụ nhiều hay ít quan trọng: nếu người ta đút lót các công chức là để được hưởng ân huệ. Những kẻ buôn lậu hối lộ viên chức kinh tế để trả ít thuế hoặc ít cước hơn; những người xin việc làm đút lót để được có chỗ, mà không cần có tài năng cần thiết hay để được ưu tiên; người xin giấy phép nào đó, đã biếu quà vì không hội đủ điều kiện đòi hỏi hay muốn được mau hơn và cũng có khi một thí sinh ở một khóa thi nào đó đút lót khi bài nộp không khá lắm? Tóm lại người ta đút lót công chức mỗi lần mà người ta mong muốn một đặc ân ít nhiều to lớn.

Hiện nay ở thành phố Saigon cũng như ở mọi nơi khác trên đất nước Việt Nam, kể cả miền Bắc, sự bất công, độc đoán, tham nhũng đã được thiết chế dưới chế độ Cộng Sản. Sự bất công cơ chế hóa này, quyền tự ý định đoạt của các nhà chức trách ờ mọi cấp bậc của chánh quyền, là những kích thích cho tham nhũng, tôi đã nhanh chóng nhận thấy, ngay từ những ngày đầu tôi vừa trở về.

Tệ hơn thế nữa với hoàn cảnh kinh tế càng ngày càng khó khăn, cán bộ của “đảng và Nhà Nước” không thể trông cậy vào đồng lương thiếu hụt và vào sự phân phát thực phẩm càng ngày càng hiếm với giá chính thức “dành riêng cho cán bộ”, đã kiếm ra một cái cớ để “biện minh” cho sự tham nhũng của họ.

Tuy vậy trước năm 1975, dù những khác biệt căn bản đã có từ lâu – một bên là sự lạm dụng quyền hành cá nhân, một bên là sự bất công xã hội và một sự tham nhũng đã được “cơ chế hóa” do chế độ chính trị không giống như ngày nay.

Ở miền Nam Việt Nam, báo chí tương đối tự do, đã phơi bày những trường hợp bất công xã hội và tham nhũng ra ánh sáng, và một nền kinh tế khá thịnh vượng đã giải tỏa con người ra khỏi những lo âu về lương thực hàng ngày và cho phép họ dặt nghi vấn về dân chủ, tự do, công bằng xã hội. Lúc bấy giờ không những chỉ có sự thành hình của một phe đối lập chính trị thôi, mà còn cả đối lập xã hội nữa. Cộng Sản đã lợi dụng sự bất bình của một thành phần khá đông dân chúng, đã muốn làm cho dân tin bằng một sự tuyên truyền láo khoét rằng cái xã hội lý tưởng mà họ hằng khao khát đó sẽ tìm ra dưới một thế độ Cộng Sản.

Sự quyết tâm của miền Nam Việt Nam chống lại du kích Cộng Sản, dưới chánh quyền của Thiệu, bị đình trệ một phần nào.

Ngược lại dưới chế độ Cộng Sản ở Bắc Việt Nam, sự kiểm soát dân chúng về mặt hành chánh và ý thức hệ được tổ chức một cách chặt chẽ bằng một mạng lưới công an mật thám có mặt ở mọi nơi mọi lúc. Sự nghèo nàn lan rộng khắp nơi đã đẩy dân chúng, một cách mâu thuẫn, đến sự phục tùng tuyệt đối chính sách độc tài nghiệt ngã của Đảng; ở trong khối dân đã được hoàn toàn kiểm soát này, lương thực bị hạn chế ở một mức độ chết đói (khẩu phần này gồm luôn cả số lương thực do cá nhân sản xuất), một sự chỉ trích dù nhẹ nhàng đến đâu đi nữa đối với chánh quyền, với đảng, hay đối với cả những cán bộ địa phương sẽ đưa đến việc hủy bỏ “khẩu phần gạo” của người vi phạm và của gia đình họ. Sự nghèo khổ này cũng là một yếu tố cho lòng hăng say và kỷ luật trong quân đội. Khẩu phần gạo của dân chúng trong nhiều địa phương của Bắc Việt chỉ có sáu kí lô thóc một tháng, tương đương với bốn kí gạo, trong khi binh lính nhận được 18 kí. Nhập ngũ là phương tiện tốt nhất để thoát khỏi nạn đói! Họ sợ bị đuổi khỏi quân đội vì vô kỷ luật hay vì bất tài (trong trường hợp này khẩu phần sáu kí thóc cũng không còn được bảo đảm nữa) điều đó đã góp phần hữu hiệu vào kỷ luật. Thêm vào động cơ vật chất là động cơ tâm lý. Giáo dục chính trị của người lính tương lai và cả của người dân đen, bắt đầu từ trong nôi. Ráo riết miệt mài, không mệt mỏi hiện diện suất ngày, sự tẩy não này đã không có ý khắc sâu vào tâm trí những khái niệm thu trượng về công bằng tự do hay dân chủ, mà đề nghị một cái gì cụ thể hơn, dễ hiểu hơn với tâm hồn còn trong trắng của một trẻ thơ hay với tâm hồn còn thô sơ của một thanh niên ở chốn đồng nội không được học hành bao nhiêu. Đó là tình yêu tổ quốc cộng sản vì nếu tổ quốc không phải là cộng sản thì không còn là tổ quốc nữa, cụ thể hoá vào một nhân vật bằng xương bằng thịt: Bác Hồ!

Bác Hồ ư? Người ta gán ghép mọi đức tính của loài người, Bác vừa là bình sữa cho trẻ sơ sinh, bánh ngọt cho cháu nội, mẫu mực của học trò thông minh và chăm chỉ, người công nhân hầm mỏ “stakhanoviste” cho người thợ, anh hùng không biết sợ và không lỗi lầm của người lính, người mẹ dịu dàng và tận tụy của bệnh nhân và cũng là người còn được kẻ bị án tử hình ca tụng trước trung đội hành hình (để gia đình mình được đối xử rộng lượng). Tóm lại, ông là đối chiếu với “cha nhỏ của các dân tộc” của người Sô Viết. Ông ta là hình ảnh thu nhỏ, bởi vì đầy tớ không thể vĩ đại hơn ông chủ, cả trong hình ảnh do tuyên truyền chính thức ngày trước nhào nặn nên, lẫn trong những tội ác thực tế của ông mà ngày nay báo chí ở Nga Sô đã phơi bày.

Để chống lại quân đội cuồng nhiệt này, với kỷ luật sắt từ người binh nhì đến vị tổng chỉ huy, thiết bị thật đầy đủ do Trung cộng vũ trang, quân đội miền Nam Việt Nam thể hiện như thế nào?

Câu hỏi này thật quan trọng vì sự sát nhập miền Nam Việt Nam với miền Bắc là hậu quả của chiến thắng thiết yếu quân sự của quân đội Cộng Sản. Dân chúng miền Nam với vốn văn hóa, với cách sống, với những đức tính và những tật xấu, mặc dầu bị đàn áp, bạo hành, đói khổ đã không thua và còn lâu mới bị thua cuộc; một cách nào đó người ta còn có thể hy vọng như “nước Hy Lạp bị chiếm đóng, sẽ chinh phục được kẻ chiến thắng họ”. Lòng khao khát được tự do hơn, được công bằng hơn, được dân chủ hơn -dân chủ thực sự chớ không phải là dân chủ chỉ đạo- sự can đảm chống lại những bất công và lạm dụng quyền lực của chánh quyền mà ngày nay thấy xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam, là “vì” miền Bắc đã chinh phục miền Nam năm 1975! Những thuyền nhân ngày hôm nay rời bờ biển Việt Nam ra khơi ở cả phía Bắc lẫn phía Nam đã là minh chứng chua chát cho nhận xét này.

Sự thất bại của miền Nam trước hết là một thất bại quân sự. Quân Đội Quốc Gia miền Nam Việt Nam gánh chịu trách nhiệm. Tuy nhiên người lính Nam Việt nam đã bao lần chứng minh lòng can đảm, giá trị chiến đấu và tinh thần anh dũng ngay cả trong khi bại trận. Nếu quân lực đã bị đánh bai là vì họ bị các vị thủ lãnh phản bội, các vị “lãnh chúa” mà trong bao nhiêu năm tháng, từ 1963, đã dùng thời giờ của họ không phải để lo việc huấn luyện và luyện tập quân lính thực hiện những cuộc thao dượt hay nghiên cứu những chương trình phòng thủ lãnh thổ và dân chúng dưới quyền của họ, nhưng họ lại lo dấn mình vào những thủ đoạn chính trị bè phái, vào buôn lậu, làm giàu bằng tham nhũng và thỏa mãn những đam mê về tình dục, cờ bạc, xì phé hoặc mạt chược. Một đại tá làm việc ở tổng hành dinh đã tâm sự với tôi vào năm 1972 như sau:

“Chúng nó bán quân hàm cũng còn được đi, nhưng chúng lại bán cà những chức vụ chỉ huy nữa”.

Quân đội miền Nam Việt Nam không đáng bị đối xử như thế! Lỗi phải qui cho những người mà từ năm 1963 đã thao túng chánh quyền và quân đội, một bộ mặt gồm đa số những người mà vào những năm cuối cùng của thập niên 1940, vì không kiếm được một chân tốt, ông “tham” hay ông “ký ‘ đã đầu quân vào phụ lực quân của quân đội thuộc địa Pháp. “Hãy thay đổi những gì cần thay đổi” (Mutatis mutandis) nhưng sự tuyển chọn cũng giống như tuyển chọn năm 1963 lại gồm những người trong “Hội Đồng Tướng Lãnh” kỳ thứ nhất và kết quả không sao có thể khác được. Đã có mấy người trong các tướng lãnh ấy đi đầu khi quân của họ tháo lui? Đã mấy người trong bọn họ biết hy sinh cho danh dự miền Nam Việt Nam? Thật may mắn đã có một vài người như vậy và chúng ta thành kính tưởng niệm. Nhưng hỡi ôi con số đó không quá đầu ngón tay!

Và vì vậy mà ngọn cờ của Việt Cộng Bắc Việt Nam đã có thể phất phới trên mái nhà cựu Dinh Độc Lập ở Saigon ngày 30 tháng 04 năm 1975 và tiếp tục phất phới.

Chú Thích:

(1) Theo ông Trương Công Cừu, quyền Tổng Trưởng Ngoại Giao vào năm 1963, thì Đại Sứ Hoa Kỳ đã chính thức xin phép đổ bộ 40.000 lính Hoa Kỳ và đày Nhu đi sáu tháng. Tổng Thống Diệm đã không trả lời. Cơ quan tình báo Hoa Kỳ (C.I.A) giúp đỡ Phật Giáo chống đối không phải chỉ bắt đầu vào năm 1963; nó đã có trước từ lâu, nhưng là chỉ để tạo ra một sự chống đối dân chủ, nghĩa là có sẵn để khi cần thì dùng tới, một phương tiện để thuyết phục người đồng minh bạn. Khi đồng minh trở thành kẻ thù, sự hỗ trợ phe chống đối trở nên công khai với tính cách tranh đấu chống chánh phủ, nhất là việc cho một lãnh đạo của phe đối lập cư trú trong khuôn viên ngoại giao. Người ta lại còn nói rằng phe đối lập được báo tin cho biết về mọi dự định của chánh phủ nhờ vào một tổng trưởng điệp viên của C.I.A

(2)Điều này không có nghĩa là, như một vài phóng viên báo chí quốc tế viết, 80% dân số còn lại là Phật tử. Theo ý kiến của một người lãnh đạo Phật tử vào năm 1964, những người theo đạo Phật đã chỉ có khoảng 4,4 triệu tới 5,6 triệu trên 16 triệu dân số Miền Nam vào thời đó. Và số còn lại thì sao?

Trước hết có khoảng 1,5 triệu người theo đạo Cao Đài nhiệt tín dưới con mắt chăm chú đại diện Đấng Tối Cao, của Thích-Ca Mâu Ni cũng như của Chúa Giê-su, và cả của Victor Hugo. Rồi độ hai triệu tín đồ Hòa Hảo mệnh danh là Phật Giáo Hòa Hảo, thờ “Đức Thầy”. Sau đó, độ một triệu người Miền Núi phần đông là theo thuyết vật linh, với vài vạn người trở lại đạo Tin Lành; số còn lại của dân số Việt Nam, chỉ thờ ông bà.

(3)Ngay từ những ngày đầu, Bộ Trưởng Thông-tin của Hội Đồng Tướng Lãnh đã báo tin ông Ngô Đình Diệm và em ông, Ngô Đình Nhu, tự sát, điều nói đối ngu xuẩn đến nỗi không ai tin! Sự thật đã hoàn toàn khác hẳn.

Ngày 2 tháng 11, khi đại tá Nguyên Văn Thiệu – vị tổng thống tương lai – người điều khiển các đoàn quân nổi loạn, báo cáo cho các tướng lãnh vẫn còn tụ họp ở Bộ Tổng Tham Mưu, là ông đã chiếm dinh Gia Long, nhưng không thấy cả Tổng Thống Ngô Đình Diệm lẫn ông Ngô Đình Nhu thì sự kinh hoàng đã lên tột độ nơi những tướng lãnh phiến loạn! Người ta còn nói là một vài người đã sửa soạn va-li sẵn! Tuy nhiên, khoảng 9 giờ, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm điện thoại cho họ, và báo tin sự đầu hàng của ông, thì họ đã tái sinh và bắt đầu quyết định về số phận dành cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm và em ông. Không có một đa số rõ ràng nào, những người quyết liệt nhất là nhóm cựu hạ sĩ và cựu cảnh sát! Lúc bấy giờ, do một dấu hiệu của Dương Văn Minh, ông tướng Cảnh Sát đi ra, có Nhung, sĩ quan tùy tùng của Dương Văn Minh đi theo. Họ lấy những thiết giáp đầu tiên mà họ tìm được và lo đi kiếm TT Ngô Đình Diệm và em ông, chỉ sợ có người khác kiếm ra trước mình. Khi đến nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn, họ cho ông Diệm và ông Nhu lên xe thiết giáp với Nhung theo hộ vệ, khi đoàn xe của họ, trên đường về, đến khoảng Đại Học Y khoa, họ ngừng lại và cho thay tài xế bằng bộ hạ, những người thân tín mà họ đã tin cho biết trước khi đi. Đoàn xe lại lên dường về Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng khi đến ngang đường xe lửa gần nhà Bảo Sanh Từ Dũ, Nhung và người đồng lõa của y, Nghĩa, đã ám sát TT Diệm và ông Nhu bằng những tràng đạn tiểu liên.

Thiếu Tá Nguyễn Đức Xích, Tỉnh Trưởng Gia Định , ngoại ô của Saigon, đã kể cho tôi nghe năm 1969 chi tiết sau đây ngày 2 tháng 11 năm 1963, ông đã bị gọi sớm vào Tổng Tham Mưu, ở đó ông phải đợi nhiều giờ trước khi được vào văn phòng của Dương Văn Minh, người thủ lãnh trên danh nghĩa của Hội Đồng Tướng Lãnh. Dương văn Minh hỏi ông về những bố trí quân sự trong tỉnh của ông, câu chuyện bị ngắt ngang một cách bất ngờ do sự ào vào của sĩ quan tùy tùng, thiếu tá Nhung, người này chào theo kiểu nhà binh thượng cấp của mình bằng cách đập gót giày thật mạnh và nói bằng tiếng Pháp: “Thưa Đại Tướng, công tác đã hoàn thành”, lại chào nữa, rồi đi ra!

Nhưng những kẻ thật sự có trách nhiệm vè vụ giết người không phải là những người này! Giáo sư Bửu Hội, một hóa học gia Việt Nam nổi tiếng làm việc ở Pháp, và kiêm nhiệm vào thời đó chức vụ đại sứ Việt Nam ở Maroc, đã kể cho tôi nghe năm 1965, là một chính trị gia Pháp đã cho ông hay rằng trong một buổi họp hội đồng Bộ Trưởng sau cuộc đảo chánh ở Saigon, Tướng De Gaulle, sau khi được thông báo sự ám sát TT Ngô Đình Diệm, dường như đã nói: ‘Thưa quý vị, ít nhất chúng ta không vấy máu trên tay chúng ta!’. Mọi người đều biết ông muốn ám chỉ ai!

Còn về những người Việt Nam Quốc Gia, quá yếu để phản ứng lại những biến cố này, họ chỉ còn trông vào sự phán xét của Thượng Để để phạt những kẻ có tội và làm vơi đi những khốn cùng của họ.

(4)Chương trình “Ấp Chiến Lược” dựa theo chiến thuật người Anh đã áp dụng ở Mã Lai và họ đã thành công trong việc loại du kích Cộng Sản một thời đã đe dọa cả đất nước. Dĩ nhiên, hoàn cảnh kinh tế xã hội của Mã Lai khác hẳn với hoàn cảnh của Miền Nam: ở đó lúa gạo đều được nhập cảng, như vậy dễ dàng kiểm kê và dân chúng nông thôn phần đông làm việc ở các đồn điền cao su, dễ kiểm soát hơn là ở miền Nam Việt Nam mà đa số quần chúng làm việc rải rác ở đồng ruộng bát ngát để sản xuất thực phẩm cho chính mình. Tuy vậy, chương trình ấp chiến lược, mặc dù quần chúng nông thôn thường không chấp nhận dễ dàng, vẫn thực sự hữu hiệu như những cán bộ cộng sản cao cấp của Bắc Việt đã công nhận sau năm 1975 . Đi đôi với chương trình Ấp Chiến Lược này là việc thành lập đoàn dân quân, dùng để bảo vệ ấp chiến lược. Năm 1956-57, Ngô Đình Diệm thành lập đoàn Bảo An, một loại vệ quân dân sự. Người Mỹ không đồng ý thành lập đoàn dân quân này, mà muốn chỉ có một quân đội quốc gia gồm 150.000 người do họ vũ trang, huấn luyện và bảo dưỡng, họ từ chối mọi sự giúp đỡ cho đoàn Bảo An. Tổng Thống Ngô Đình Diệm vũ trang đoàn Bảo An với súng trường mà quân đội quốc gia thải ra sau khi đã nhận được những thiết bị quân sự mới của Mỹ. Đó là một đám vũ khí hỗn tạp chắp vá, đi từ súng trường Đông Dương Pháp, cho tới súng carabine của Mỹ, rồi đến tiểu liên Thompson của Anh. Nhưng thiếu đạn dược, Tổng Thống Diệm đành dùng những ngoại tệ riêng của Việt Nam để xây cất một xưởng làm đạn dược. Công việc được giao phó cho đại tá Sâm- cựu chuẩn úy Thủy Quân Pháp, nay phụ trách Nha Quân Cụ của Quân Đội quốc Gia. Xưởng được đặt ở Cát Lái, những cố gắng sản xuất đã rất khó khăn rồi cuối cùng xưởng bị nổ tan! Tác phẩm của C.I.A hay là sự bất lương của Đại Tá Sâm ? Sự nổ tung này đã ít nhiều ảnh hưởng trong việc dẹp bỏ chương trình Bảo An.

Ngô Đình Nhu còn lâu mới khâm phục chiến thuật chống du kích do cố vấn Mỹ chủ trương. Trong một bữa cơm tối với vài công chức cao cấp ủng hộ chế độ, Ngô Đình Nhu nói về vấn đề cần tổ chức đoàn Thanh Niên Cộng Hòa, đoàn thanh niên bán quân sự sẽ giúp thực hiện ở miền quê chương trình ấp Chiến Lược. ông đã nói về quân đội quốc gia do Mỹ huấn luyện:

“Chúng ta hãy để cho họ lê gót giày và làm ồn trên những con đường lớn để dọa nạt mọi người, nhưng công việc có hiệu quả là do đoàn Thanh Niên Cộng Hòa thực hiện bằng cách sống kề cận bên người nông dân, trong làng mạc của họ, và giữa ruộng đồng của họ”

Chuyện xảy ra ở Ấp Bắc một ít lâu sau đó, có lẽ đã biện minh cho ý kiến của ông. Ấp Bắc là tên của một ấp nhỏ của một tỉnh miền Tây. Việt Cộng đã xâm nhập vào đó để tuyên truyền và thâu thuế. Được điệp viên báo tin, quân đội gửi đến đấy những đơn vị đầu tiên đã được huấn luyện trong việc chống đánh du kích do người Mỹ thực hiện, và lần đầu tiên dùng kỹ thuật chuyển quân bằng trực thăng. Sau một cuộc chiến đấu hung bạo và quyết hệt, Việt Cộng đã rút đi được mà không bị nhiều tổn thất. Việt Cộng la to chiến thắng, trong khi đó giới cao cấp quân sự và chính trị Miền Nam bàn bạc “Thất bại hay Không Thất bại”. Các tướng lãnh Việt Nam, nuôi bằng sữa bình của Viện Trợ Mỹ, đã ganh tỵ vì sự chú ý đặc biệt của Tổng Thống Diệm dành cho chương trình bình định nông thôn của các Ấp Chiến Lược. Điều này có thể giải thích sự hấp tấp của ‘Đại Ngây’ Thủ Lãnh Hội Đồng Tướng Lãnh thứ nhất, đã hủy bỏ chương trình này ngay vài tuần sau ngày 2 tháng 11 năm 1963, biện pháp mà ông Đại Tướng khác, người lật đổ ông ta tháng giêng năm 1964, đã lật đật thành lập lại chương trình bình định này dưới một tên gọi khác. “Than ôi! Chén vỡ đem hàn lại, không khi nào có giá trị như khi chén còn nguyên vẹn “.

(5) Không có gì chứng minh rõ ràng hơn sự ngây thơ của Dương Văn Minh, cựu thủ lãnh của Hội đồng Tướng Lãnh đầu tiên, người đã trở thành chủ tịch của chính phủ giờ thứ 24, và thủ tướng của ông, Vũ trọc đầu, là chuyện thương thuyết để đoàn quân Cộng Sản vào Saigon. Câu chuyện này do Bùi Tường Huân, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng của Chính Phủ này kể lại cho Đại Tá Hoàng văn T., và ông ta đã kể lại cho tôi nghe. Lúc bấy giờ, chúng tôi có ba người đều ở cùng một trại lao cải cưỡng bách, trại 52-A tại Hà Sơn Bình. Theo sự thoả thuận giữa các đại biểu của nhóm cựu chủ tịch Hội Đồng Tướng Lãnh lần thứ nhất và các đại biểu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, điều đình được thực hiện dưới sự chủ tọa của Thượng Tọa Thích Trí Quang, thì một khi cựu chủ tịch Hội Đồng Tướng Lãnh lần thứ nhất đã nắm chính quyền và thành lập chính phủ, đoàn quân Cộng Sản phải dừng bước tiến và những cuộc thương lượng sẽ mở ra đề thành lập một chính phủ liên minh gồm ba thành phần: Cộng Sản, Quốc Gia, và Trung Lập. Nhờ đã tiết lộ kết quả những cuộc thương lượng này mà cựu chủ tịch của hội đồng tướng lãnh lần thứ nhất đã được quốc hội trao quyền lập chính phủ. Khi Bùi Tường Huân, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng của chính phủ giờ thứ 24 này, thấy rằng các đoàn quân Cộng Sản tiếp tục tiến quân, ông đã điện thoại cho Thích Trí Quang và yêu cầu ông này can thiệp. Thích Từ Quang trả lời rằng “chính ông” đang nói chuyện với đại diện của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và ông đưa điện thoại cho hai người nói chuyện với nhau, Bùi Tường Huân bèn hỏi đại diện của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam:

“Tại sao còn tiến quân khi mà bây giờ, các điều kiện của thỏa hiệp đã được thi hành về phía chánh phủ ‘. Và anh ta nghe trả lời: “Tôi đã biểu họ ngưng, nhưng đ.. má chúng! (lời chửi thề rất… Nam Bộ) chúng nó không nghe tôi và tiếp tục tiến tới! Tôi làm gì được bây giờ?”

xin xem tiếp chương 2:
CUỘC CHIẾM ĐÓNG CỦA CỘNG SẢN

BS. Trần Vỹ
Nguồn baovecovang.wordpress.com