Sunday, June 13, 2010

Trần Trọng Kim


Một cơn gió bụi

Chương 7
Tôn chỉ và sự hành động của Cộng Sản đảng.

Cộng sản đảng, theo cách tổ chức và hành động của họ, là một thứ tôn giáo mới, giống như các tôn giáo cũ cốt lấy sự mê tín mà tin, chứ không hoài nghi hay đi trệch ra ngoài. Song các tôn giáo cũ nói có cõi trời, có thiên đường là nơi cực lạc(Hình phải: Sử gia Trần Trọng Kim ). Cộng sản giáo ngày nay thì hoàn toàn duy vật, nghĩa là ngoài vật chất ra, không có sự tin tưởng nào khác nữa, cho thiên đường không phải ở cõi trời mà chính ở cõi trần gian này. Ai tin theo đạo ấy là phải tin lý thuyết của Các Mác và Lê Nin là tuyệt đối chân chính, đem áp dụng là được sung sướng đủ mọi đường, tức thực hiện được cảnh thiên đường ở cõi đời. Còn về đường tín ngưỡng, thì đạo Cộng sản là đạo hoàn toàn duy vật, tất không ai thờ phụng thần thánh nào khác nữa, nhất thiết phải nghĩ sùng bái những người như Các Mác, Lê Nin, Sử Ta Lin để thay những bậc thần thánh cũ đã bị truất bỏ.

Ðã tin mê cái đạo ấy và đã coi lý thuyết ấy là chân lý tuyệt đối, thì ngoài cái lý thuyết ấy ra, là tà giáo, là tả đạo. Ai không tin theo và phản đối những người đứng đầu đảng, tức là những bậc giáo chủ, thì là người phản đạo, tất phải trừng trị rất nghiêm. Vì vậy mới có sự tàn sát những người trong đảng cộng sản theo Trotsky, chủ Cộng sản Ðệ Tứ Quốc tế, là một chi cộng sản phản đối Sử Ta Lin, chủ Cộng sản Ðệ Tam Quốc tế.

Vậy những tín đồ cộng sản phải là những người cuồng tín và chỉ biết có đời sống vật chất mà thôi, ngoài ra không có gì nữa. Sống có một đời rồi hết, nên ai nấy chỉ lo làm cho mình được mọi điều thắng lợi, sá chi những điều phúc họa thiện ác.

Về đường thực tế, các đặc sắc của cộng sản là không nhận có luân thường đạo lý, không biết có nhân nghĩa đạo đức như người ta vẫn tin tưởng. Người cộng sản cho cái điều đó là hủ tục của xã hội phong kiến thời xưa, đặt ra để lừa dối dân chúng, nên họ tìm cách xóa bỏ hết. Ai tin chỗ ấy là người sáng suốt, là người giác ngộ, ai không tin là người mờ tối, là người mê muội. Vì có tư tưởng như thế, cho nên cha con, anh em, bè bạn không có tình nghĩa gì cả, chỉ biết tôn trọng chủ nghĩa của cộng sản và phục tòng những người cầm quyền của đảng, ngoại giả, giết hại lẫn nhau, lừa đảo nhau: hễ ai làm những việc mà lợi cho đảng là người giỏi, người tốt. Gia đình, xã hội, phong tục, chế độ cũ đều bỏ hết, bỏ đến tận cội rễ, để thành lập xã hội mới. Cái xã hội mới ấy không tranh đấu cho quốc gia hay cho dân tộc. Dù có nói tranh đấu cho quốc gia hay cho dân tộc nữa, cũng chỉ là cái phương pháp dùng tạm thời trong một cơ hội nào để cho được việc mà thôi, chứ mục đích cốt yếu là tranh đấu cho giai cấp vô sản. Khi ở đâu sự tranh đấu cho giai cấp ấy được thắng lợi, thì cứ tranh đấu mãi để bảo vệ quyền lợi của giai cấp ấy và xóa bỏ hết những cương giới nước nọ với nước kia để thực hiện một thế giới đại đồng, đặt dưới quyền chỉ huy của giáo chủ cộng sản ở bên Nga. Vì vậy cho nên bất kỳ nước nào đã theo cộng sản là phải phục tùng mệnh lệnh bên Nga, còn nước nào tuy theo chế độ cộng sản, nhưng còn muốn giữ tư tưởng quốc gia như nước Nam Phu Lạp Tư (Yougoslavie) bên Ðông Âu là bị trục xuất ra ngoài hội nghị của các nước cộng sản.

Cái phương thuật của đảng cộng sản bên Nga không khéo chỗ ở ấy, tuy nói là bài trừ đế quốc chủ nghĩa và tiêu diệt những chế đô độc tài áp chế đời xưa, nhưng lại áp dụng chế độ độc tài áp chế hà khốc và tàn ác hơn thời xưa, và gây ra một thứ đế quốc chủ nghĩa theo một danh hiệu khác, để tự mình thống trị hết thiên hạ. Thành ra các nước đã theo cộng sản đều phải là những nước phụ thuộc nước Nga, cũng như bên Tàu ngày xưa các nước chư hầu phải phục tùng mệnh lệnh thiên tử. Thì ra trong thế gian này chẳng có gì là mới lạ. So chế độ cộng sản ở nước Nga ngày nay có khác gì chế độ nhà Tần thời chiến quốc bên Tàủ Có khác là ở những phương tiện theo khoa học và những mánh khóe hiện thời mà thôi, còn thì cũng tàn bạo gian trá như thế, và cũng dùng những quyền mưu quỉ quyệt để thống trị hết cả các nước.

Ðảng cộng sản đã có cái tổ chức rất đúng khoa học, đảng viên lại giữ kỷ luật rất nghiêm, rất chịu khó làm việc và có tín lực rất mạnh. Ai theo đảng là đắm đuối vào chủ nghĩa của đảng, có lâm nguy nan gì thì cho là một vinh hạnh được tuẫn tử vì đảng. Về sự hành động thì đảng cộng sản chuyên dùng những thủ đoạn quỉ quyệt, nên tuy có thắng lợi mà những người trí thức ít người theo. Cũng vì vậy mà họ bài trừ trí thức và chỉ ưa dùng đàn bà, trẻ con và những người lao động là hạng người dễ khuyến dụ, dễ lừa dối.

Người cộng sản, khi đã hành động, hay dùng đến chữ giải phóng. Theo việc làm của họ, tôi vẫn chưa hiểu rõ nghĩa hai chữ ấy. Có phải trước kia có cái cũi giam người, bây giờ họ đem cái cũi kiểu mới đến bên cạnh rồi bảo người ta chạy sang cái cũi mới ấy, thế gọi là giải phóng không? Nếu cái nghĩa giải phóng là thế, thì cũi cũ hay cũi mới cũng vẫn là cái cũi, chứ có hơn gì?

Cứ như ý tôi, thì giải phóng phải theo đúng cái lẽ công bằng, làm cho người ta được ung dung thư thái, được hành động trong một cái khuôn khổ rộng rãi, ai nấy biết trọng quyền lợi của mọi người theo pháp luật đã định, không bị đàn áp và lừa dối, không bị bắt bớ và giết hại một cách ám muội, oan ức.

Ðàng này tôi thấy chế độ các nước cộng sản giống nhau như in cái chế độ chuyên chế thuở xưa. Người nào nói xấu hay công kích những người cầm quyền của đảng là phải tội bị đày, bị giết. Ai không sốt sắng theo mình thì bị tình nghi, phải chịu mọi điều phiền khổ. Nhân dân trong nước vẫn bị đàn áp lầm than khổ sở, riêng có một số ít người có địa vị to lớn là được sung sướng. Như thế thì giải phóng ở đâủ Giải phóng gì mà cả chính thể một nước phải nương cậy ở những đội trinh thám để đi rình mò và tố cáo hết thảy mọi người. Hễ ai vô ý nói lỡ một câu là bị tình nghi có khi bị bắt, bị đày v...v... thành ra nhân dân trong xã hội ấy lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không biết ai là bạn là thù, mất hẳn sinh thú ở đời, thật trái với lời nói thiên đường ở cõi trần.

Trong những lời tuyên truyền của Việt Minh, thấy luôn luôn nói nào là hạnh phúc, nào là tự do, bình đẳng, mà sự thật thì trái ngược tất cả. Những lối họ dùng là nói dối, đánh lừa cướp bóc, giết hại tàn phá, không kiêng dè gì cả, miễn làm cho người ta mắc lừa hay sợ mà theo mình là được. Xem như lúc đầu Việt Minh tuyên truyền rầm rĩ lên rằng: "Nước Việt Nam đã được các nước Ðồng Minh cho hoàn toàn độc lập, và dân được tha hết các thứ thuế". Thôi thì chỗ dân gian nghe nói thế chạy ùa ùa theo. Sau chẳng thấy độc lập đâu cả và dân lại phải đóng góp nặng hơn trước. Khi Việt Minh đã nắm quyền binh rồi, lại định các ngạch thuế, có người hỏi họ: "Sao trước kia các ông bảo tha hết các thứ thuế rồi kia mà?" Họ trả lời: "Ấy trước nói tha thuế, nhưng bây giờ chính phủ cần có thuế để làm mọi việc". Nói thế thì uy tín của chính phủ để đâủ

Cái thủ đoạn của Việt Minh là dùng mọi cách bạo ngược, tàn nhẫn, giả dối, lừa đảo để cho được việc trong một lúc. Ngay như họ đối với Việt Nam Quốc dân đảng nay nói là đoàn kết, mai nói đoàn kết, nhưng họ vẫn đánh úp, vẫn bao vây cho tuyệt lương thực. Khi họ đánh được thì giết phá, đánh không được thì lại đoàn kết, rồi cách ngày lại đánh phá. Dân tình thấy thế thật là ngao ngán chán nản, nhưng chỉ ngấm ngầm trong bụng mà không dám nói ra. Nên dân gian thường có câu "nói như Vẹm". Vẹm là do hai chữ Việt Minh viết tắt V M, đọc nhanh mà thành ra.

Chính phủ Việt Minh đối với ông Bảo Ðại rất là đơn bạc, nhưng bề ngoài vẫn làm ra bộ thân thiện. Họ để ông ở nhà của viên đốc lý Hà Nội ở trước, song đồ đạc không có; chỗ nằm ngủ, đến cái mùng ông cũng phải đi mượn. Cơm nước thì họ cử một người hào phú trù liệu cho ông. Song mỗi khi ông đến chỗ dân chúng, nhân dân rất hoan nghinh và các phái viên ngoại quốc như Tàu và Mỹ rất kính trọng và thường chú ý đến ông.

Việt Minh thấy dân chúng kính mến ông Bảo Ðại và người ngoại quốc để ý đến ông, họ bèn đem ông vào ở Sầm Sơn trong Thanh Hóa, rồi sau lại đem ông lên Phủ Thọ Xuân, thành ra ông mắc phải bệnh nóng lạnh ngã nước, sang Hương Cảng chữa mãi không khỏi. Sau cuộc tổng tuyển cử vào quảng tháng giêng năm 1946, Việt Minh mới để ông trở về Hà Nội. Khi Việt Minh lập xong chính phủ do quốc hội chuẩn y rồi, họ thấy dân chúng và người ngoại quốc có nhiều cảm tình đối với ông Bảo Ðại và lại biết quân Pháp sắp vào Bắc Trung Bộ, họ sợ để ông ở Hà Nội có xảy ra sự biến gì chăng, mới bày ra cách lập một phái đoàn sang Trùng Khánh tỏ tình thân thiện với nước Tàu.

Cứ như ý riêng của tôi, thì việc ấy ông Hồ Chí Minh có thể mưu với những tướng Tàu là bọn Lư Hán và Tiêu Văn, nói rằng chủ tịch Tưởng Giới Thạch có điện mời ông Bảo Ðại sang Trung Hoa chơi. Vì lúc ấy bọn tướng Tàu đã lấy tiền của ông Hồ, nên bảo gì chẳng được. Hãy xem như sau khi ông Hồ đã ký hiệp ước với Pháp, ông phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần bỏ sang Tàu, tướng Tiêu Văn cứ chạy theo cụ Nguyễn để cố mời cụ trở về Hà Nội làm việc, thì biết dù sao đi nữa, việc lập một phái đoàn để đưa ông Bảo Ðại sang Tàu có tính cách vội vàng và bí mật lắm. Phái đoàn ấy để ông Bảo Ðại đứng đầu, có mấy người Việt Minh và mấy người Quốc dân đảng đi theo. Hôm tôi đến thăm ông lần đầu, ông nói qua việc ấy tôi nghe. Tôi cũng khuyên ông đi ra ngoài, vì ở trong nước có nhiều sự nguy hiểm cho ông. Song tôi tưởng còn lâu mới đi, nào ngờ cách bốn hôm sau tôi đến thì ông đã đi hôm trước rồi. Sang đến Trùng Khánh, chủ tịch Tưởng Giới Thạch có tiếp ông tử tế. Song mấy người Việt Minh và Quốc dân đảng bỏ ông ở bên ấy không để tiền nong gì cho ông, ông phải vay mà tiêu. Còn hoàng hậu và mấy người con, ông Hồ có hứa rồi sẽ cho sang sau, nhưng rồi cũng không cho sang. Lúc ấy chính phủ Trung Hoa đang dọn về Nam Kinh, có mời ông về đấy, nhưng ông từ chối rồi về ở Hương Cảng.

Sau chính phủ Việt Minh gửi thư sang bảo ông cứ ở bên Tàu đừng về nữa. Xem thế cũng rõ cái ý chính phủ Việt Minh là muốn đưa ông Bảo Ðại ra ngoài để họ dễ làm việc và khỏi lo ngại về việc có thể xảy ra được. Ðó là mưu sự của người, nhưng biết đâu lại không phải là ý trời xui khiến ra như thế, để ông ra khỏi chỗ nguy hiểm ở trong nước.

Đọc toàn bộ : Một cơn gió bụi

Lệ Thần Trần Trọng Kim
Nguồn talawas.de
Đọc thêm : anhbasam.com