Wednesday, February 29, 2012

Văn hóa VN


Dòng họ Nguyễn nổi tiếng thế giới


VIỆT NAM (NV) - Trong danh sách 10 dòng họ được nhiều người biết nhất trên thế giới có họ Nguyễn của Việt Nam. (Khu mộ các bậc thủy tổ họ Nguyễn Cảnh tại xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An. (Hình: Internet)

Theo báo Tin Tức, các dòng họ nổi tiếng trên thế giới, tức được nhiều người biết đến là họ Lý, họ Trương, họ Vương, họ Nguyễn, họ Garcia, họ Gonzalez, họ Hernandez, họ Smith, họ Smirnov và họ Muller.

Trong danh sách này, họ Nguyễn của người Việt Nam đứng hàng thứ tư. Trên thế giới có khoảng 36 triệu người mang họ Nguyễn, ngoài Việt Nam, người mang họ Nguyễn có khá đông tại Úc, Pháp và Hoa Kỳ.

Dòng họ được cho là được nhiều người biết hàng đầu thế giới là họ Lý, trong đó có 7.9% sống tại Trung Quốc cùng với Bắc Hàn, Việt Nam, và Hoa Kỳ. Tổng cộng hiện có 120 triệu người mang họ Lý ở khắp thế giới.

Ðứng hàng thứ nhì là họ Trương với trên 100 triệu người, đông nhất tại Trung Quốc.

Họ Vương được xếp hàng thứ ba với khoảng 92.88 triệu người. Phần lớn người mang họ này sống tại Trung Quốc, Nhật, Việt Nam và Bắc Hàn.

Còn dòng họ Garcia đứng hàng thứ 5 mà dân số đông nhất sinh sống tại Tây Ban Nha, Cu Ba, Nam Mỹ, Trung Mỹ, Mexico và Philippines. (PL)


@nguoiviet  - nguoivn  -  cacdong ho lichsuvn  -  ancestry

Tuesday, February 28, 2012

Thơ Caubay Thiem


LỜI NGUYỆN CẦU CỦA NGƯỜI NGOẠI ĐẠO

(Kính gởi Linh mục Nguyễn văn Lý) 

Dẫu vẫn biết tôi là người ngoại đạo
Xin cúi đầu khâm phục đến quý Cha
Hồn sông núi và anh linh dân tộc
Đạo và đời quyện lẫn rất bao la

Dẫu vẫn biết tôi là người ngoại đạo
Xin cúi đầu thầm gọi một tiếng Cha
Không xấc láo âm vang "già dân tộc"
Mà thân thương như dưới một mái nhà

Thời rất trẻ Cha dâng mình cho Chúa
Đâu cần gì bả thế sự phù vân
Nhưng vận nước đã đến hồi cực bỉ
Ngơ sao đành trước nỗi khổ của dân?

Trước móng vuốt loài ma vương quỷ dữ
Cha hiên ngang ngẩng mặt ngước cao đầu
Rất khí phách hô vang lời "đả đảo"
Nói thay dân lòng uất nghẹn bấy lâu

Khoác áo tu nguyện dâng mình cho Chúa
Đem yêu thương để cứu lấy chúng sinh
Thì ngục thất đâu khác gì nhà nguyện
Bạo tàn nào ngăn được tiếng cầu kinh

Xin lạy Chúa! Con là người ngoại đạo
Tấc lòng thành con nguyện Chúa trên cao
Xin che chở người chiên lành của Chúa
Sáng đời đời như ánh những vầng sao.

Caubay Thiem

Monday, February 27, 2012

Vietnamese Pride


Một thiếu niên đạp xích lô ở Việt Nam
trở thành khoa học gia nguyên tử ở Mỹ


Tuần rồi, trên Tạp chí Thanh Niên, chúng ta có dịp làm quen với gương thành công đáng nể của một cậu bé bán thuốc lá dạo ở Việt Nam trở thành một nhà khoa học tài danh ở Mỹ, Giáo sư-Tiến sĩ Trương Nguyện Thành. Trong buổi tái ngộ hôm nay, Trà Mi hân hạnh kể cho quý vị và các bạn nghe một cuộc lột xác đổi đời kỳ diệu khác, từ một thiếu niên đạp xích lô ở Việt Nam biến thành một khoa học gia nghiên cứu vật lý nguyên tử ở Mỹ, Tiến sĩ Võ Tá Đức.(Tiến sĩ Võ Tá Đức lúc ở trại tị nạn Bataan (Philippines) trước khi sang Mỹ định cư)

Tiến sĩ Đức hiện công tác tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, một trong hai phòng thí nghiệm của Mỹ chuyên nghiên cứu chế tạo các loại võ khí nguyên tử và là một trong các viện nghiên cứu đa ngành lớn nhất thế giới. Cậu bé đạp xích lô ở Việt Nam ngày nào giờ đây đã góp công nghiên cứu sáng chế ra những máy móc, thiết bị dò tìm nguyên tử đang được ứng dụng để ngăn ngừa các hình thức vận chuyển nguyên tử bất hợp pháp vào biên giới Hoa Kỳ.

Là con trưởng trong gia đình 11 anh chị em, năm lên 14 tuổi, cậu bé Võ Tá Đức đã trở thành lao động chính trong nhà vì gia cảnh khó khăn. Ba cậu làm thợ nề, nhưng do bệnh tật nên bị mất sức lao động. Mẹ Đức tảo tần buôn bán lặt vặt chạy bữa qua ngày. Hằng ngày, sau giờ tan học, Đức ăn vội cơm trưa rồi cuốc chiếc xe xích lô rong ruổi khắp mọi góc phố ở Tuy Hòa để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi 14 miệng ăn trong gia đình.

Tiến sĩ Đức nhớ lại:

‘Sau biến cố năm 1975, lúc đó tôi còn rất nhỏ đang học trung học, nhưng vì nhà nghèo quá, nên cũng phải phụ giúp gia đình. Sáng đi học, trưa về ăn cơm xong liền xách xích lô chạy. Đạp xích lô tới chiều tối. Ăn cơm tối xong lại lên xe đi tiếp. Tôi chỉ học buổi sáng, đạp xích lô từ trưa tới sáng hôm sau luôn. Tối đến tôi đậu xích lô ở bến xe ngủ. Hễ nghe tiếng xe đò tới thì tôi tỉnh dậy, chạy về nhà tắm rửa, thay quần áo đi học. Lúc đó tôi đâu có thời giờ học đâu, thỉnh thoảng khi rãnh, tôi ngồi trên xe xích lô lấy bài vở ra làm chút chút vậy thôi.

Thời đó, tôi học rất dở vì không có giờ học.’5 năm trời dầm mưa dãi nắng còng lưng trên chiếc xích lô đạp, việc học hành của Đức hoàn toàn sa sút, nên cậu đã không thi đại học. Tới năm 1981, ba Đức cố xoay sở tìm cách cho cậu theo một người bà con trong Nam đi vượt biên, và cũng từ đó, cuộc đời cậu bé đạp xích lô bước sang một ngã rẽ mới. Thời gian trong trại tị nạn chờ được một nước thứ ba cho đi định cư chính là giai đoạn bước ngoặt đối với Đức, khi chàng thanh niên lam lũ, cơ hàn quyết chí phải đổi đời, phải phấn đấu tiến thân bằng con đường học vấn.

Tiến sĩ Đức cho biết:

“Vượt biên qua tới trại tị nạn, tôi cảm thấy như vậy là từ đây mình có cơ hội đi học, phát triển. Ngay từ lúc đó, tôi đã quyết định phải cố gắng học hành cho thành tài. Còn hồi trước ở Việt Nam, tôi không dám có ước mơ đó vì đi đạp xích lô cả ngày, học hành sao được mà có ước mơ học cho thành công?”
Sau thời gian ở trại tị nạn, anh tới Mỹ và được một gia đình ở bang Iowa nhận làm con nuôi. Thành tích học tập của chàng trai nghèo từ Việt Nam bắt đầu tỏa sáng sau 1 năm rưỡi ở trường trung học Mỹ.

Thông thường sinh viên ở Mỹ khi vào đại học phải trả học phí. Ngoài một số ít sinh viên xuất sắc nhận được học bổng, đa số phải vay từ các nguồn quỹ hỗ trợ của chính phủ dành cho sinh viên. Thế nhưng, cậu bé đạp xích lô ở Tuy Hòa suốt thời gian đại học và cao học ở Mỹ không phải trả bất kỳ khoản tiền học phí nào, nhờ vào thành tích lao động trí óc cần cù. Năm học lớp 12, Đức đoạt giải nhất một kỳ thi khoa học cấp tiểu bang, mang lại cho cậu học trò nghèo học bổng toàn phần cho suốt 4 năm học ở khoa vật lý trường đại học Bắc Iowa. Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ chuyên ngành vật lý nguyên tử, và trong suốt thời gian cao học, anh liên tục nhận được các nguồn học bổng dành cho nghiên cứu sinh. Còn các khoản sinh hoạt phí khác anh trang trải từ thu nhập làm trợ giảng cho các vị giáo sư.

Tiến sĩ Đức cho biết những điều kiện học tập có được ở Mỹ đã khuyến khích ông thêm say mê học tập, nên ông đã không dừng lại ở tấm bằng đại học như dự định ban đầu:
‘Mình đi học ráng học cho lẹ, lấy thiệt nhiều lớp để mau ra trường lấy bằng đi làm kiếm tiền gửi về Việt Nam phụ gia đình. Nhưng tới lúc học gần xong đại học, tôi lại thấy sức mình vẫn còn đi học tiếp được. Cho nên năm cuối đại học, tôi lại nộp đơn xin vào cao học. Tôi thấy vấn đề học hành không khó lắm. Nếu mình chịu khó thì chuyện gì cũng vượt qua được hết. Mỹ là một nước tự do và có cơ hội để mọi người, ai có chí, thì có thể làm nên. Tôi nghĩ nếu không qua Mỹ mà còn ở Việt Nam thì giờ này chắc tôi cũng còn đạp xích lô, không có cơ hội để phát triển thành tài. Nghĩa là phải có cơ hội nào đó đưa đến cho người ta có dịp để phát triển tài năng. Đối với tôi, cơ hội đưa đến là được qua Mỹ để rồi được phát triển đầu óc. Ở Mỹ này tôi thấy nếu mình chịu khó học sẽ có cơ hội đưa cuộc sống mình đi lên. Còn ở Việt Nam, dù cũng có, nhưng cơ hội không đồng đều.’

Ai có ngờ một nhà khoa học đang làm việc cho một phòng thí nghiệm nguyên tử nổi tiếng ở Mỹ xuất thân là một người đạp xích lô ở bến xe Tuy Hòa. Điều kỳ diệu ấy đã xảy ra đối với Tiến sĩ Võ Tá Đức thì cũng có thể xảy ra với các bạn, nhất là các bạn trẻ nghèo khó tại Việt Nam, nếu các bạn quyết tâm phấn đấu, cần cù chịu khó học tập để thay đổi số phận của mình.

Tiến sĩ Đức:‘Một thông điệp tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam, nhất là các bạn nghèo, rằng nếu có ý chí sẽ vượt qua được những khó khăn. Nếu các bạn chịu khó đặt một mục đích nào đó cho tương lai, cho cuộc sống của mình và ráng sống theo mục đích đó, thì sẽ thành công.’

Trà Mi

Sunday, February 26, 2012

Văn minh VN


Phát hiện chữ Việt cổ ở Quảng Tây


Ngay trước Tết, có tin mừng, xin chuyển tới bạn đọc niềm vui lớn là đã phát hiện được chữ Việt cổ ở Quang Tây Trung Quốc. Theo tin của Lí Nhĩ Chân đăng trên website www.news.xinhuanet.com January 03, 2012 được dịch và công bố trên mạng Việt học và được trang lyhocdongphuong đưa lại như sau (http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/23954-chu-viet-co-o-nam-duong-tu):

“Hôm trước, Hội nghiên cứu văn hóa Lạc Việt – tỉnh Quảng Tây truyền phát tin tức là người Lạc Việt ở Trung Quốc đã sáng tạo chữ viết vào bốn nghìn năm trước, phá bỏ quan niệm tổ tiên của dân tộc Tráng là người Lạc Việt không có chữ viết.

Phát hiện chữ viết của người Lạc Việt lần này sẽ viết lại lịch sử chữ viết ở Trung Quốc, chứng minh văn hóa Lạc Việt là một trong những nguồn gốc trọng yếu của văn hóa Trung Hoa.Trước thời điểm này, giới sử học Trung Quốc đều cho rằng tổ tiên của dân tộc Tráng không có chữ viết. Hội trưởng Hội nghiên cứu văn hóa Lạc Việt là Tạ Thọ Cầu giới thiệu:

Chuyên gia của Hội nghiên cứu đã thu tập một số lượng lớn chứng cứ chứng thực người Lạc Việt cổ sáng tạo chữ viết biểu ý vào bốn nghìn năm trước. Chữ viết Lạc Việt này có mầm mống vào thời đầu của thời đại đồ đá mới, hình thành vào thời kí đỉnh cao của ‘văn hóa xẻng đá lớn’ (4000-6000 năm trước), và chắc chắn có nguồn gốc sâu xa với chữ giáp cốt cổ cùng ‘chữ Thủy’ của dân tộc Thủy.

Tháng 10 năm nay, tại di chỉ cúng tế xẻng đá lớn Cảm Tang – thị trấn Mã Đầu – huyện Bình Quả – thành phố Bách Sắc, chuyên gia của Hội nghiên cứu văn hóa Lạc Việt – tỉnh Quảng Tây phát hiện mấy chục khối mảnh vỡ xẻng đá lớn và tấm đá có khắc đầy chữ viết cổ.

Ngày 19 tháng 12, chuyên gia lại đi đến hiện trường tiến hành khảo sát. Nghiên cứu phát hiện, khối đá có chữ viết lớn nhất là dài 103 cm, rộng 55 cm, trên bề mặt khắc đầy mấy trăm tự phù, phần lớn là chữ cúng tế và lời chiêm bốc. (Một phiến đá khắc chữ Lạc Việt)

Theo thống kê sơ qua, trên những phiến đá này có hơn 1000 tự phù.Các chuyên gia dựa vào sự phân bố xẻng đá lớn hoàn chỉnh ở bên cạnh phiến đá có khắc chữ mà suy đoán, thời kì xuất hiện của phiến đá có khắc chữ giống nhau với thời kì xẻng đá lớn.Nó cho thấy trước mắt chữ của người Lạc Việt cổ ở di chỉ cúng tế xẻng đá lớn Cảm Tang là một trong những văn tự hình thành thời xưa được phát hiện ở Trung Quốc.

Theo tin, vào tháng 11 năm ngoái, chuyên gia của Hội nghiên cứu phát hiện đàn cúng tế loại lớn của người Lạc Việt cổ ở trên núi Đại Minh – tỉnh Quảng Tây, trên đàn cúng tế còn phát hiện được phù hiệu và bàn vẽ.

Quán trưởng Bác vật quán Quảng Tây, Chủ nhiệm Ủy viên Hội giám định văn vật Quảng Tây là Tưởng Đình Du cho rằng phù hiệu và bàn vẽ này là phù hiệu khắc vẽ cúng tế của người Lạc Việt cổ thời đại đồ đá mới.Sau đó, chuyên gia của Hội nghiên cứu cũng phát hiện một số lượng lớn phù hiệu chữ viết cổ khắc trên mảnh xương, đồ ngọc, đồ đá tại vùng đất có phân bố di chỉ cúng tế của người Lạc Việt là huyện Vũ Minh, huyện Long An của thành phố Nam Ninh, huyện Điền Đông – thành phố Bách Sắc thuộc tỉnh Quảng Tây, những phù hiệu (câu bùa) này rõ ràng là một câu đơn hoặc đơn biệt, được chuyên gia cho là chữ viết của thời kì đầu.”

Thật là tin vui lớn nhưng với tôi không quá bất ngờ vì rằng, khi tìm hiểu chữ Việt cổ, tôi đã biết những sự kiện sau:

1. Văn bản chữ tượng hình của người Việt cổ trên bình gốm tại di chỉ Bán Pha 2, gần thủ phủ Tây An tỉnh Sơn Tây Trung Quốc, có tuổi 12000 năm.2. Chữ tượng hình khắc trên yếm rùa tại di chỉ Giả Hồ tình Hà Nam Trung Quốc có tuổi 9000 năm.
3. Một số chữ tượng hình cổ phát hiện ở Sơn Đông, nơi cư trú trước đây của người Việt cổ
4. Chữ tượng hình được gọi là chữ Thủy của người Thủy tộc, một bộ lạc Việt với 250000 người hiện sống ở Quý Châu.

Theo lịch sử hình thành dân cư Trung Quốc mới được phát hiện, thì thời gian này, trên địa bàn Trung Hoa chỉ có người Việt sinh sống, người Hoa Hạ chưa ra đời. chứng tỏ rằng đó là chữ của người Lạc Việt.Điều đáng chú ý là, chữ Bán Pha và Giả Hồ gợi nhớ tới Giáp cốt và Kim văn. Nhờ vậy, khi đối chiếu với Giáp cốt văn, các nhà chuyên môn đã đọc được văn bản trên bình gốm Bán Pha 2.

So sánh tự dạng thì thấy chữ Cảm Tang phức tạp hơn chữ tượng hình ở di chỉ Bán Pha 2 và Giả Hồ nhưng lại đơn giản hơn chữ trên Giáp cốt và Kim văn. Điều này cho phép giả định, hệ thống chữ Lạc Việt có thể bắt đầu từ Bãi đá Sapa đi lên.

Do ở thời kỳ sớm nên chữ ở Bán Pha 2 và Giả Hồ còn đơn giản. Do có tuổi muộn hơn nên chữ Cảm Tang đã phức tạp hơn. Phải chăng chữ trên giáp cốt và đồ đồng Ân Khư là sự phát triển sau cùng của chữ tượng hình Lạc Việt.
Sau thời gian này, trên cơ sở Giáp cốt và Kim văn, cộng đồng người Việt và người Hoa trong vương triều Chu cùng các nhà nước kế nhiệm chung tay xây dựng chữ tượng hình Trung Hoa. Điều này cho thấy Giáp cốt và Kim văn là của người Lạc Việt.

Có thể giải thích việc Giáp cốt và Kim văn tập trung nhiều ở Ân Khư như sau:Nhà Thương là một dòng Việt sống ở Nam Hoàng Hà nên cũng sở hữu chữ viết tượng hình này. Khi xâm lăng đất của người Lạc Việt ở vùng Sơn Đông ngày nay, đã cướp những văn tự của người Việt ở đây mang về kinh đô của mình, làm phong phú sưu tập chữ Lạc Việt.“(Bản đồ phân bố xẻng đá lớn http://www.luoyue.net/)

Phát hiện chữ Lạc Việt ở Cảm Tang có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là chứng cứ rõ ràng nhất cho thấy người Lạc Việt sáng tạo chữ viết trên đất Trung Hoa khoảng 4000 đến 6000 năm trước.
Mặt khác, chữ cổ Cảm Tang chứng minh sự liên tục của chữ tượng hình Lạc Việt từ Sa Pa Việt Nam tới nhiều vùng khác nhau trên lục địa Trung Hoa.

Hà Văn Thùy

Saturday, February 25, 2012

Lifestyle


Cách chia 2 đồng bạc

Chú bé Lula, sinh ra vào tháng 10 năm 1945, tại 1 gia đình nông dân ở Ba-Tây (Brazil- Vì nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, thằng nhỏ đã phải đi bán đậu-phụng ngoài đường, nhưng vẫn quần áo tả tơi, và thiếu ăn. Sau khi được lên tiểu học, lúc đó đã dọn lên thủ đô Rio de Janeiro, sau buổi học chú bé thường hay cùng với 2 người bạn cùng lứa đi đánh giầy ở đầu đường, hôm nào không có khách, thì coi như là nhịn đói. (Hình  phải:Tổng thống thứ 35 của nước Brazil , Luiz Inácio Lula da Silva)

Năm 12 tuổi, vào 1 buổi xế chiều, có 1 người khách, là chủ 1 tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần đến chiếu cố, 3 đứa trẻ chạy lại chào hàng. Ông chủ tiệm nhìn vào 3 cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng ông ta nói : "Đứa nào cần tiền nhất, thì tôi cho nó đánh giầy, và sẽ trả công 2 đồng".

Công đánh 1 đôi giầy chỉ có 20 xu, 2 đồng đúng là 1 món tiền rất lớn. 3 cặp mắt đều sáng lên. Một đứa nhỏ nói : "từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói!“ Đứa khác nói: "Nhà cháu đã hết thức ăn từ 3 ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn…“ .

Cậu Lula nhìn vào 2 đồng bạc trong tay ông chủ-tiệm, nghĩ ngợi 1 lúc, rồi nói : “Nếu cháu được ông cho kiếm 2 đồng này, thì cháu sẽ chia cho 2 đưá đó mỗi đứa 1 đồng !!”

Câu nói của Lula làm Ông chủ Tiệm và 2 đứa nhỏ kia rất là ngạc nhiên.

Cậu giải thích thêm: “Tụi nó là bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói hết 1 ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa còn ăn được ít đậu phụng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó, Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn Ông sẽ hài lòng”

Cảm động trước câu nói của thằng nhỏ, Ông chủ tiệm đã trả cho hắn 2 đồng bạc, sau khi được hắn đánh óng đôi giầy. Và thằng nhỏ Lula giữ đúng lời, đã đưa ngay cho 2 đứa bạn mỗi đứa 1 đồng.

Vài ngày sau, Ông chủ Tiệm đã tìm đến thằng nhỏ Lula, nhận chú bé cứ sau buổi tan học là đến học nghề ở tiệm giặt nhuộm của ông ta ,và bao cả bữa cơm tối. Tiền lương lúc học nghề tuy là rất thấp, nhưng so với đánh giầy thì khá hơn rất nhiều.

Thằng bé hiểu rằng : Chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người khốn đốn , nên mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời.
Từ đó , miễn là có khả năng, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình.

Sau Lula nghỉ học đi làm thợ trong 1 nhà máy, để bênh vực cho quyền lợi của những người thợ, cậu ta tham gia vào công-đoàn, năm 45 tuổi, Lula lập ra đảng Lao-Công.

Năm 2002, trong cuộc ứng cử tổng-thống, khẩu hiệu của Lula là : Ba bữa cơm no cho tất cả những người trong quốc gia này. Và đắc cử làm Tổng Thống xứ Brazil. Năm 2006 đắc cử nhiệm kỳ 2, cho 4 năm tới.

Trong 8 năm tại chức, Ông ta đã thực hiện đúng lời mình đã hứa :
-93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm. Thực hành đúng tâm niệm : giúp đời !!

Và nước Ba-tây dưới sự lãnh đạo của Ông đã không còn là "con khủng long nhai cỏ" mà đã trở nên "Con mãnh sư Mỹ Châu“. Và xây nên nền kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới.
Luiz Inácio Lula da Silva : đó là tên của vị tổng thống vừa giải nhiệm vào 31.12.2010 này.


@chuakimquang

Friday, February 24, 2012

Vietnamese Pride


Cậu bé bán thuốc lá dạo ở VN
trở thành nhà khoa học tài giỏi ở Mỹ


Một nhà khoa học thành danh ở Mỹ với nhiều công trình nghiên cứu và hằng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế xuất thân từ một cậu bé bán thuốc lá dạo ở chợ Gò Vấp, Sài Gòn. Câu chuyện của Giáo sư-Tiến sĩ Hóa học Trương Nguyện Thành hiện đang giảng dạy tại trường đại học Utah, Hoa Kỳ, là niềm hãnh diện của người Việt trên trường quốc tế và là tấm gương đáng khâm phục để giới trẻ Việt Nam noi theo. (Giáo sư Trương Nguyện Thành chụp tại Viện Khoa Học-Công Nghệ-Thông Tin ở Sài Gòn)

Năm 11 tuổi, cậu bé Thành đã bắt đầu bươn chải, dãi dầu mưa nắng để kiếm tiền phụ mẹ nuôi 9 anh chị em sau khi cha mình bị liệt bán thân. Ngày ngày, sau giờ tan trường từ giữa trưa đến tận 9, 10 giờ đêm, cậu bé rong ruổi với thùng thuốc lá trên vai đi bán dạo quanh bến xe lam chợ Gò Vấp. Năm 1976, khi Việt Nam mở chiến dịch đưa cư dân ra các vùng kinh tế mới xa xôi, hẻo lánh, gia đình Thành chuyển xuống Lái Thiêu xoay sở tậu được một miếng ruộng nhỏ và một cặp trâu. Ở tuổi 15, Thành bỏ nghề bán thuốc lá dạo để chuyển sang đi cày thuê cuốc mướn. Việc học của cậu bé bị cản trở và chi phối rất nhiều bởi công cuộc mưu sinh vất vả hằng ngày, nhưng ý chí quyết tâm theo đuổi con đường học vấn để đổi đời đã vun đúc trong lòng cậu bé từ rất sớm.

Tiến sĩ Thành chia sẻ:

“Tôi có tư duy thích học, những lúc rảnh rỗi, tôi thường lấy sách đọc. Chỉ có môn toán là tôi học được vì không đòi hỏi tập trung nhiều. Cứ rảnh là tôi ngó qua một cái rồi để cái đầu tôi làm việc. Tôi được sự dạy dỗ của ông nội và ba tôi. Họ thường khuyên rằng học vấn là con đường ngắn nhất để đưa một người không có gì tới thành công.”

Tới năm học lớp 12, con đường học vấn của cậu bé nghèo, lam lũ bắt đầu rẽ bước ngoặt, xuất phát từ một đáp án dí dỏm của Thành trước câu hỏi của thầy đố các học sinh giỏi. Ấn tượng trước sự thông minh của Thành, người thầy đã soạn đưa cho cậu bé một số sách để tham khảo.

Giáo sư Trương Nguyện Thành kể lại:

“Năm 1979, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức kỳ thi toán toàn quốc. Thầy tôi có đem mười mấy cuốn sách cho tôi mượn, bảo tôi đọc cho biết rồi tới dự lớp thầy dạy cho các học sinh giỏi dự thi toán. Tôi rất cảm động trước nghĩa cử này. Mỗi tối sau giờ làm ruộng, tôi đốt đèn dầu đọc sách từ 9 giờ tới 12 giờ đêm. Thời điểm đó, ở Việt Nam, hạnh kiểm là vấn đề khá quan trọng. Hạnh kiểm tôi tương đối xấu nên cô hiệu trưởng không cho tôi đi thi học sinh giỏi toán. Ông thầy lén đưa tôi đi theo đội tuyển, may quá tôi thi đậu. Tỉnh Bình Dương lúc đó chọn khoảng 30-40 em học sinh giỏi toán lên trên tỉnh học chuyên toán trong 3 tháng. Sau 3 tháng, họ tuyển lại lấy 5 em. Tôi cũng may mắn lọt vào trong 5 em đó. Cũng vì thế, ba tôi nhận ra rằng tôi có tiềm năng. Từ lúc đó, ông khuyên tôi nên nghỉ đừng đi cày thêm mà tập trung học. Và từ đó, ông tìm cách cho tôi ra nước ngoài.”

19 tuổi, sau khi thi đậu vào đại học Bách Khoa, chàng thanh niên Trương Nguyện Thành vượt biên sang Mỹ. Sau 1 năm ở trung học với những khó khăn bước đầu về ngôn ngữ, anh từ giã gia đình bảo trợ người Mỹ để bắt đầu cuộc sống tự lập ngay từ năm thứ nhất đại học. Để trang trải sinh hoạt phí trong thời đèn sách, phần đông các bạn trẻ ở đây thường phụ việc ở nhà hàng, tiệm giặt ủi, hay đi giao báo. Riêng trường hợp của Thành, anh tìm đến một người thầy và xin được theo chân làm việc trong phòng thí nghiệm để bắt đầu công việc nghiên cứu ngay từ năm đầu đại học, một công việc thường bắt đầu ở bậc cao học. Số tiền kiếm được đủ trang trải các khoản chi phí hết sức tiết kiệm hằng ngày. Còn học phí của anh chủ yếu nhờ các khoản vay từ nguồn quỹ dành cho sinh viên và các phần học bổng của chính phủ. Sau 4 năm đại học, anh ra trường với bằng cử nhân hóa học cùng với 4 văn bằng phụ về lý, toán, công nghệ thông tin, và thống kê.

Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ. Trong thời gian nghiên cứu hậu tiến sĩ, anh dành được học bổng của Qũy Khoa học Quốc gia dành cho các tiến sĩ trẻ có tiềm năng vì lúc tốt nghiệp tiến sĩ, anh đã có 16 bài nghiên cứu trong khi trung bình một tiến sĩ khi ra trường xuất bản chừng 4-5 bài nghiên cứu. Năm 1992, anh về làm Giáo sư hóa cho trường đại học Utah. Một năm sau, anh được chọn là 1 trong những nhà khoa học trẻ nhiều triển vọng của Hoa Kỳ, với giải thưởng 500 ngàn đô la cho công tác nghiên cứu. Năm 2002, anh được cấp bằng Giáo sư Cao cấp, tức bậc cao nhất trong 3 cấp Giáo sư của Mỹ.

Những yếu tố nào giúp một cậu bé lam lũ, nghèo khó từng bán thuốc lá dạo, cày thuê cuốc mướn ở đáy xã hội Việt Nam lột xác, đổi đời thành một nhà khoa học danh tiếng tại Mỹ?

Giáo sư-Tiến sĩ Trương Nguyện Thành cho biết:

“Người đó có tiềm năng trời phú. Thứ hai, có môi trường giúp họ phát triển. Thứ ba, người đó có nhận thức được rằng mình có cơ hội đó hay không.
Tiềm năng chỉ là khả năng, muốn đạt được thành công đòi hỏi phải có môi trường để phát triển. Môi trường không cho phép người đó phát triển, thì cũng không làm được. Điển hình là người Việt ở Mỹ hay ở nước ngoài thành công rất cao, thế nhưng tại sao ngay tại Việt Nam không có những ngôi sao như vậy?

Khi tôi bước chân vào trung học ở Mỹ, có một cậu vượt biên cũng giống trường hợp như tôi, đi một mình, được một gia đình Mỹ bảo lãnh. Cậu ta cũng ở gần nhà tôi. Khi tới Mỹ, tôi và cậu ấy có cùng một cơ hội như nhau. Tôi cố gắng hơn, tôi vào đại học. Còn cậu ta làm việc cho một hãng gà Tây, kiếm tiền liền. Một năm sau, tôi về lại làng thăm ba mẹ nuôi và ghé thăm thằng bạn. Công việc nó làm chỉ đứng móc ruột gà Tây thôi, chờ con gà chạy qua, đưa tay vào móc ruột gà ra. Nó khoe với tôi nó có được chiếc xe hơi. Còn tôi lúc đó vẫn chưa có gì. Sau 4 năm đại học, tôi trở về, anh bạn vẫn còn móc ruột gà Tây. Anh đã có được một căn hộ, có TV lớn, dàn máy xịn, xe hơi sports. Còn tôi vẫn chỉ một thùng sách quèn. Sau 5, 6 năm sau, tôi trở về, cậu bạn vẫn còn làm chỗ cũ nhưng cho biết phải đổi nghề vì đau nhức xương khớp tay do làm việc ở phòng lạnh. Lúc đó, tôi sắp ra tiến sĩ. Đó là cái điều kiện thứ 3 mà tôi muốn nói: người có tiềm năng, có môi trường, mà không nhận thức được cơ hội của mình và quyết tâm đạt được cơ hội đó. Thật sự, tôi không có xe hơi, không có bạn gái, không có tình phí, ở nội trú, ăn mì gói. Cho nên, chi phí tôi rất ít. Tôi làm việc trong phòng nghiên cứu chỉ đủ sống. Tôi ra đại học trong túi chỉ có 200 đô la, nợ nhà nước khoảng 15 ngàn đô la (mỗi năm khoảng 3-4 ngàn tiền học phí cộng với tiền phụ thêm để sống), cùng một thùng sách và một giỏ quần áo cũ.”
Thành công ở xứ người, Giáo sư Thành trở lại Việt Nam, giúp thành lập Viện Khoa học Công nghệ Tính toán TP.HCM bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009. Vừa tiếp tục giảng dạy tại trường đại học Utah ở Mỹ, vừa giúp điều hành Viện nghiên cứu tại Việt Nam, Viện trưởng Trương Nguyện Thành nói về công việc của mình:

“Điều khiển một viện nghiên cứu từ xa rất khó. Cho nên, có một viện trưởng tại Việt Nam chuyên lo các vấn đề hằng ngày như làm việc với chính phủ, hợp đồng, hay mướn người. Còn tôi phụ trách chiến lược phát triển về khoa học, kêu gọi những người khác về giúp phát triển.”

Ngoài ra, cá nhân ông còn nhận bảo trợ cho các sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng chính nguồn quỹ nghiên cứu của ông. Đích thân Giáo sư Thành đứng ra phỏng vấn tuyển chọn người tài, và từ năm 2001 tới nay, ông đã tài trợ cho trên dưới 20 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập, nghiên cứu. Trong số này có nhiều người đã trở về giúp ông phát triển Viện nghiên cứu tại Việt Nam.

Tiến sĩ Trương Nguyện Thành tâm sự:

“Thời còn đi cày mướn, lời nguyền của tôi là nếu tôi thành công, tôi sẽ đem cơ hội đó cho lại những người khác. Đó là tâm nguyện của tôi lúc còn ở đáy xã hội Việt Nam. Tôi thường nói chuyện với học trò của tôi khi họ tới cảm ơn tôi đã cho họ cơ hội. Tôi bảo họ không cần cảm ơn tôi. Điều họ có thể trả ơn tôi là đem cơ hội đó cho một vài người khác. Chính vì vậy, một số đệ tử của tôi về lại Việt Nam, giúp tôi lập Viện. Tôi gieo những hạt giống và từ đó sẽ nhân thành những hạt giống khác. Một con én không làm nên nổi mùa xuân. Tôi chỉ là người mở đường. Những người khác bước chân theo, làm cho con đường rộng ra, nhẵn thêm, dễ đi hơn.”

Giáo sư Thành nói ai cũng mơ ước thành công, nhưng chỉ có những người chịu khó nỗ lực mới tới được đích đến:

“Tôi chỉ có một lời nhắn nhủ với các sinh viên ở Việt Nam rằng trên đời cái gì cũng có giá phải trả. Nếu muốn thành công, phải chấp nhận trả cái giá đó. Thành công là một con đường đi chứ không phải là một điểm đích. Tôi không nói tôi đã thành đạt điều gì, chỉ là một con đường mà khi quay lại tôi thấy tôi đã đi được rất xa rồi.”

Con đường thành công của Giáo sư -Tiến sĩ Trương Nguyện Thành trải qua bao nhiêu năm gian nan, thử thách. Cậu bé bần cùng, lam lũ ở Việt Nam qua đến Mỹ cũng đã nếm trải bao nhiêu những thiếu thốn, khó nhọc để có được vị trí đáng nể như ngày hôm nay. Đó là nhờ sự quyết tâm vượt khó vươn lên, sẵn sàng trả giá cho con đường đã chọn.

Trà Mi
@VOA

Thursday, February 23, 2012

Truyện


Mộ gió 


 Hồi ấy chị lên mười ba, em nhỏ hơn hai tuổi.

Mười bảy tháng mười năm đó ba má đi đám giỗ, để hai chị em ở nhà. Lúc xách cặp chèo ra cửa má ngoái lại dặn chị:

- Ở nhà coi chừng em...

Chị dạ. Má rải lời dặn dò nằm lển nghển khắp nơi. Chị ngó ngoài sân thấy “Coi chừng ông trời chuyển mưa thì đem củi vô nhà“ và ”Đóng cái cổng rào lại” đứng dựa hàng bông lồng đèn kêu cọt kẹt, bước vô nhà vấp “Lấy chổi rơm quét mạng nhện trên bàn thờ” và “Nhà hết gạo rồi, con lội bộ lại đằng tiệm mua nấu đỡ” thì nằm nép trong góc bếp. Ở sàn lãn gió thổi xập xòe làm “Còn mấy con cá rô đem kho tiêu” đập đuôi xao xác vách thùng.

Một mình chị làm bao nhiêu chuyện đó cũng xong, nhưng em cứ cà nhổng chạy chơi với chuồn chuồn thì ức. Ba hay nói phải chia việc mà làm, “mỗi người có một bổn phận...”. Con trai kiếm cá con gái hái rau, con trai ra ruộng rẫy con gái vùi đầu trong xó bếp. Bao giờ con trai trở thành đàn ông nó có bổn phận đưa tay đánh, còn con gái (giờ đã là đàn bà) thì giơ thân ra chịu đòn. Vụ đó ba không dạy, hai chị em tự biết thôi.

Những bài học về bổn phận chị thuộc nằm lòng, nên khi em đòi đi tiệm mua gạo thay vì bắc ghế quét mạng nhện bàn thờ, chị buộc lòng gật đầu. Làm chị phải nhường em.

Chị thích được đi tiệm để săm soi mấy cây kẹp tóc thèm chơi. Nhưng tiệm cũng là thiên đường của em, với những cục kẹo sặc sỡ như những cái bong bóng sặc sỡ. Dù mỗi lần em đi tiệm dường như răng lại mòn hơn, dù em hay chểnh mảng kiểu như mua đường cát về tới nhà thấy cát nhiều hơn đường, còn lẫn lộn thêm mấy con cuốn chiếu. Bữa trước đi mua đậu trắng em về với cái túi không, đậu chảy theo cái lỗ thủng rải dọc đường như cô công chúa Mỵ Châu để lại dấu vết cho chồng. Bữa trước nữa em lội sông mang gạo về, má phải đem mớ gạo ướt mèm xay bột.

Sẽ xảy ra vài kịch tính ở quãng đường giữa nhà và tiệm tạp hóa bà Tư Mốt: một nhánh cây gãy lộ ra ổ ong mật, một con diều của ai đó mắc kẹt trên đọt so đũa, một tiếng chim hót nghe gần... cũng làm chân em chậm lại mươi phút hay vài giờ hay hết phim, nếu nhà bà Tư Mốt đang mở một cái phim võ thuật kiểu như Ngôi chùa Thiếu Lâm tự.

Nên trưa ấy quá bữa rồi mà gạo chưa về tới nhà, chị tưởng em còn hóng hớt đâu đó. Cái mẻ kho nằm nguội ngắt chờ cơm.

Nhiều ngày sau đó, khi xóm nhỏ nháo nhác vì một cư dân mười một tuổi đã biến mất, chị vẫn nghĩ em đang chơi đâu đó. Chị giận sôi những người đã tỏ ra thất vọng khi không tìm thấy thi thể em, ở ngoài đồng hay dưới đáy sông. Một câu đố không tìm ra câu trả lời, ông trời cà chớn quá.

Nhiều tháng sau đó, khi ba má vẫn vật vã rã rượi, chị vẫn nghĩ em đi chơi đâu đó sẽ về. Cho tới khi má rọi cái ảnh em hồi mười tuổi đặt lên bàn thờ, đứng chung với mấy ông bà già u mặc. Trong ảnh, em mặc áo thun vàng đồng phục của đội bóng nhi đồng trường lúc đang nhận giải ba cấp huyện, mặt em nghiêng về trái khoe mụt ruồi lớn như con ve chó, giống như hình ảnh cuối cùng của buổi sáng ấy chị ngó thấy em chạy vù đi.

Cái ảnh là kết cuộc cho những chờ đợi nhưng hi vọng đã bay hơi theo ánh mặt trời. Má sực nhớ biết đâu thi thể thằng nhỏ trôi ra biển hay bị kẹt dưới chân cầu nào, rồi âm thầm tan rã. Biết đâu giờ hồn nó vất vơ vất vưởng đói ăn. Ba má bắt đầu kêu em về trong những bữa cơm. Có lần chị quên không dọn dư ra một cái chén, ba bợp tai chị cắm đầu, nói “đã kêu mày coi chừng em rồi mà...”.

Coi như chị đã được định tội xong, và định sẵn cho mọi lỗi lầm dù chẳng mấy liên quan như chuột cắn ổ gà, dông làm ngã cây đu đủ... Nếu mỗi lần đau trên người chị mọc sợi lông, thì những lần má ngồi khóc bên sông, những lần ba buông đũa giữa bữa cơm bởi tiếng bầy trẻ trai đi bắn chim ngang nhà, những cái tết lặng lờ qua, những khói nhang tối tối, những lần giở quần áo em ra giũ bụi... đã biến chị thành con khỉ.

Và nếu mỗi lần đau là một giọt nước, một hạt cát thì chị thành sông, thành đồi cát năm ba mươi tuổi.

Chị sống một mình. Mỗi khi định cười giòn thì chợt nhớ mình đã để mất đứa em. Mỗi khi định lấy ai đó làm chồng thì nhớ trong cơn mê sảng má thảng thốt kêu Võ, Võ ơi. Mỗi khi định sống cho ra con người thì nhớ ba lúc lâm chung vuốt mãi mắt mới chịu nhắm.

Chị vẫn tin em đi chơi đâu đó. Nhà vẫn cặm trên nền cũ, vườn cũ, kiểu cũ. Cây nào chết thì trồng lại y giống cây đó. Đoạn rào nào gãy thì được thay giống hệt. Chị chôn chị chỗ buổi sáng em guộn mấy tờ giấy bạc mua gạo vô dây lưng quần cộc xanh dương, áo màu xám tro lấm lem mủ chuối vẫy tay rẽ trái chạy vù về phía tiệm tạp hóa bà Tư Mốt. Lúc đi em không đóng cửa rào làm mấy con gà đi qua nhà hàng xóm bươi tơi bời giồng cải họ mới gieo.

Một bữa chị qua hàng xóm mượn trẻ con nhổ tóc ngứa, đang ngủ gà gật, đang lúc hờn hờn cái thân mình chẳng có đứa nhỏ để sai vặt, chợt nghe bên nhà chó sủa. Chị hỏi vóng qua hào ranh. Người đó ngập ngừng:

- Cho tôi hỏi nhà chú Mười Hưng.

- Phải rồi, nhà ba tui đó, cậu kiếm ai?

- Em Võ nè, chị Hai...

Người đó nói vậy. Chị không biết cách nào mình đã về đến nhà, bay, hay bò lết, hay nhảy ào xuống hào càn qua những dây rau muống. Chỉ biết chị phải về sụp xuống trước bàn thờ, để thưa:

- Đó, ba má thấy chưa, con đã nói là thằng Võ đi chơi mà...

Chị quỵ ở đó rất lâu, tóc xấp xải trải xòe ra đất, lưng khum khum như một ngôi mộ. Chị không hỏi em đã đi đâu, chẳng ích gì... Đàn ông rong ruổi đường xa, đàn bà vạ vật ngồi canh cửa, đời phân công vậy mà...

Truyện 1.211 chữ của 

NGUYỄN NGỌC TƯ
@vanhoa

Wednesday, February 22, 2012

USA

TT Obama Mời Dân VN Nói Về Việt Khang; Obama muốn nghe 2 bản Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai, và vụ CSVN bắt giam nhạc sĩ

WASHINGTON (VB) -- Tòa Bạch Ốc chính thức yêu cầu gặp cộng đồng Việt để bàn về cuộc chiến nhân quyền tại VN. Và có thể đích thân TT Obama sẽ gặp cộng đồng Việt.


Tin này do nghệ sĩ Nam Lộc phổ biến chiều Chủ Nhật, qua email viết như sau:
“Thân gởi qúy vị và các bạn đã tiếp tay thỉnh nguyện thư ngay từ những phút đầu tiên.

Với sức mạnh thể hiện qua số lượng chữ ký thỉnh nguyện thư, Tòa Bạch Ốc (White House) đã chính thức xin được tiếp xúc và gặp gỡ cộng đồng người Việt về vấn đề nhân quyền cho VN cùng những quan tâm đến các nhà tranh đấu và tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở trong nước.
Cuộc tiếp xúc sẽ được diễn ra vào lúc 12 giờ trưa Thứ Hai, ngày 5 tháng 3, 2012 tới đây.
Qua ngày 6 tháng 3 chúng ta sẽ gặp gỡ quý vị dân cử ở Quốc Hội HK.
Toà Bạch Ốc cũng xin được nghe và tìm hiểu nội dung cùng ý nghĩa của hai bài hát mà nhạc sĩ Việt Khang đã vừa sáng tác, đó là Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai, cùng một số sáng tác khác ở hải ngoại, thể hiện tinh thần yêu nước và tranh đấu cho nhân quyên của người Việt tự do.

Quý vị và các bạn nào muốn tháp tùng phái đoàn (hoàn toàn với tính cách cá nhân) xin chuẩn bị gởi tên, ngày tháng năm sinh cùng địa chỉ về cho SBTN để xin giấy phép vào Tòa Bạch Ốc nội trong ngày mai, Thứ Hai Feb. 20, 2012.
Xin chú ý: Tòa Bạch Ốc chỉ hạn chế tiếp xúc khoảng 100 người mà thôi, riêng Quốc Hội thì không giới hạn số người tham dự. Quý vị tham dự viên phải tự túc vé máy bay round trip đến Washington DC. SBTN chỉ đủ? sức lo nơi ăn và chốn ở cho quý vị mà thôi Kính thông báo và xin tùy nghi chia sẻ với thân hữu cùng quý vị đồng hương,Nam Lộc.

PS: XIN TIẾP TỤC KÝ THỈNH NGUYỆN THƯ ĐỀ NGÀY VÀO TÒA BẠCH ỐC SẼ ĐẠT TRÊN CON SỐ 100 NGÀN.

Tin này đang lan truyền nhanh chóng trên các diễn đàn, và cho thấy chữ ký thỉnh nguyện của cộng đồng Mỹ gốc Việt tranh đấu cho nhạc sĩ Việt Khang và các nhà hoạt động dân chủ khác gần như luôn luôn có tac1 dụng tích cực.

Theo lịch trình do nghệ sĩ Nam Lộc phổ biến ở trên, chưa thấy ghi rõ có phải Tổng Thống Obama sẽ gặp, hay đaị diện TT Obama, sẽ gặp cộng đồng. Người ta hy vọng rằng, trong năm bầu cử này, TT Obama có thể sẽ trực tiếp gặp cộng đồng Việt.
Trong ngày 6-3 cũng chưa thấy ghi rõ các vị dân cử Quốc Hội nào sẽ gặp cộng đồng Việt.
Thêm nữa,thỉnh nguyện thư của cộng đồng Việt trên trang nhà Tòa Bạch Ốc có thể sẽ thu kịp 100,000 chữ ký hay không sẽ là một hy vọng khả thi.

Tuesday, February 21, 2012

Freedom for VN


Thỉnh Nguyện Thư cho nhân quyền Việt Nam

Audio RFA  -  youtube
 
Tin tức mới nhất cho biết hiện đã có trên 63 ngàn chữ ký của cộng đồng người Việt ký vào thỉnh nguyện thư gửi TT Barack Obama và chính giới Hoa Kỳ nhằm can thiệp nhà cầm quyền Hà Nội để trả tự do cho ca nhạc sĩ Việt Khang và đấu tranh cho nhân quyền cho Việt Nam.

Theo nhạc sĩ Trúc Hồ, thì Tổng thống Obama đã quyết định tiếp phái đoàn người Việt khoảng 100 người từ 12 giờ đến 3 giờ chiều ngày 5 tháng 3, tại Tòa Bạch Ốc, và sau đó, vào ngày 6 tháng 3, phái đoàn của cộng đồng người Việt (không hạn chế số lượng) sẽ điều trần tại quốc Hội Hoa Kỳ.

Nhạc sĩ Trúc Hồ cho nhật báo Cali Today biết là trong lúc gặp Tổng thống Barack Obama, tổng thống sẽ nghe 4 ca khúc bằng tiếng Việt có phụ đề Anh ngữ là Những Thiên Thần Trong Bóng Tối, Đáp Lời Sông Núi của nhạc sĩ Trúc Hồ và Anh Là Ai, Việt Nam Tôi Đâu của ca nhạc sĩ Việt Khang.

Nhạc sĩ Việt Khang sẽ hát (qua băng ghi âm) hai ca khúc nói trên và sau đó là những nghệ sĩ sẽ tiếp tục cùng trình bày ca khúc này. Tổng thống Barack Obama sẽ nghe để hiểu nội dung các ca khúc nói trên, để hiểu tâm trạng của người Việt trong nước và hải ngoại, và vì sao những ca nhạc sĩ sáng tác và trình diễn những ca khúc như thế lại bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt bỏ tù.

Sau phần trình bày 4 ca khúc nói trên, tổng thống sẽ nghe những phúc trình của phái đoàn Việt Nam về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và nguyện vọng của cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như của dân chúng trong nước.

Nhạc sĩ Trúc Hồ tâm sự với nhật báo Cali Today là “Đây là thành tích lịch sử của cộng đồng người Việt, và đây là cơ hội tuyệt vời, vì là mùa bầu cử, đêå cộng đồng người Việt làm nên lịch sử; cho nên, chúng ta sẽ tiếp tục vận động chữ ký cho đến 100 ngàn, 200 ngàn, 300 ngàn,… Sức mạnh chúng ta càng lớn khi càng có nhiều chữ ký hơn nữa. Và chúng ta còn tới khoảng 2 tuần nữa để thu thập chữ ký lên con số hàng trăm ngàn…”

Trong phái đoàn khoảng 100 người Việt gặp tổng thống Barack Obama có khoảng một nửa là những người trong ban tổ chức, giới truyền thông và ca nhạc sĩ… và một nửa còn lại sẽ là những người ký tên từ 50 tiểu bang của Hoa Kỳ.

Với kết quả như đã nói trên, chiến dịch vận động chữ ký thỉnh nguyện thư trả tự do cho Việt Khang đã tạo ra một sức mạnh lịch sử cũng như một di sản chính trị vĩ đại của cộng đồng Việt tại hải ngoại.

Nguyễn Dương

Monday, February 20, 2012

Vietnamese Pride


Chân dung kỹ sư gốc Việt
phụ trách chế tạo xe Mustang


Tăng Thái Hậu (Hau Thai-Tang), 46 tuổi, người vừa được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Ford Motors là một người Mỹ gốc Việt, từng đảm nhiệm ví trí kỹ sư trưởng của nhóm sản xuất xe Ford Mustang phiên bản 2005.( Tăng Thái Hậu từng là kỹ sư trưởng của bộ phận sản xuất xe Ford Mustang phiên bản 2005, là nhân vật then chốt của dự án ngay từ đầu. Ông lãnh đạo nhóm kỹ thuật chịu trách nhiệm thiết kế, phát triển và thử nghiệm mọi yếu tố kỹ thuật của xe.)

“Tình yêu của tôi với ô tô thực sự cũng giống như bao người, như một trong những đồng nghiệp của tôi, người lớn lên ở Iowa và dỡ tung chiếc máy kéo của cha ra “nghiên cứu” khi mới 12 tuổi,” Tăng Thái Hậu (Hau Thai-Tang), 46 tuổi, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc chương trình phát triển toàn cầu của Ford, chia sẻ.

Sinh năm 1966 tại Sài Gòn, nhưng Thái Hậu lớn lên ở New York (Mỹ) và bắt đầu làm việc tại Ford với vai trò thực tập sinh vào năm 1988.

Tăng Thái Hậu có bằng kỹ sư của Đại học Carnegie-Mellon và MBA của Đại học Michigan. Sau khi tốt nghiệp, ông đã được một loạt tập đoàn lớn “trải thảm” mời về làm, như Carnegie Mellon, Proctor & Gamble, và bộ phận sản xuất động cơ máy bay của General Electric, nhưng ông quyết định chọn Ford.

“ Làm về động cơ máy bay có thể đem đến những kiến thức rất hay, nhưng bạn sẽ ít có khả năng đưa vợ đi cùng bay thử, trong khi với Mustang, bạn có thể mang xe về nhà và chia sẻ với bạn bè. Thực sự rất thoả mãn,” ông Tăng Thái Hậu nói về việc ông đầu quân cho Ford.

Về Ford, ông làm việc tại nhóm phát triển xe đua CART của công ty, sau đó là giám đốc kỹ thuật của nhóm sản xuất xe Lincoln LS, rồi kỹ sư trưởng của nhóm sản xuất xe Thunderbird, và chỉ đạo việc phát triển, ra mắt các xe Mustang GT, V6, Cobra, và Bullitt phiên bản 2001. Lĩnh vực chính của ông là kỹ thuật chế tạo khung xe.

Ông Hậu từng là kỹ sư phụ trách vấn đề kỹ thuật cho các tay đua Nigel Mansell và Mario Andretti của đội Newman/Haas IndyCar vào năm 1993. Anh góp công trong 6 chiến thắng, 11 chiến thắng giành vị trí xuất phát đầu tiên của chặng đua, và danh hiệu vô định của tay đua cũng như nhà sản xuất.

Ông đã được trao Giải Tài năng và Lãnh đạo trẻ của bảo tàng Automotive Hall of Fame vào năm 2001. Ông cũng được On Wheels Inc. vinh danh Lãnh đạo châu Á của năm 2006.

Năm 2006, ông được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm phát triển sản phẩm và Nhóm sản xuất xe đặc biệt - SVT của Ford (xe Mustang thuộc nhóm này).

Tình yêu của ông với xe cơ bắp Mỹ hình thành từ nhỏ, khi ông còn ở Việt Nam thời chiến tranh, với những chiếc Mustang thường được dùng làm nền cho các chương trình ca nhạc.

“Tôi chưa từng thấy thứ gì như thế,” Thái Hậu, cậu bé khi đó vốn chỉ quen với các loại xe như Citroen động cơ hai xy-lanh của gia đình, kể về ấn tượng ban đầu của ông với xe Mustang. Ông bị mê hoặc bởi sự cân đối.

Trước ngày 30-4-1975, Tăng Thái Hậu theo gia đình sang Mỹ và định cư tại đó, mang theo niềm đam mê với xe Mustang.
Với Tăng Thái Hậu, việc giám sát quá trình phát triển xe Mustang là giấc mơ đã thành hiện thực, nhưng cũng là công việc đầy áp lực.

“Có 18 triệu khách hàng có sự gắn kết cá nhân với mẫu xe này,” Thái Hậu giải thích. “Đó là một áp lực lớn. Tin tốt là mọi người đều biết một chiếc Mustang nên như thế nào. Tin xấu cũng là mọi người biết một chiếc Mustang nên như thế nào. Vì vậy, bạn có rất nhiều thứ phải quan tâm.” (Ông Tăng Thái Hậu ra mắt xe Shelby GT500 Mustang tại Triển lãm ô tô Chicago 2012 hồi tuần trước.)

Thái Hậu là một lựa chọn hợp lý cho vị trí giám sát việc phát triển xe Mustang, theo lời ông Phil Martens, Phó chủ tịch Ford khi Thái Hậu được bổ nhiệm làm kỹ sư trưởng. “Chúng tôi cần một người am hiểu và đam mê ô tô”.

Những chiếc Mustang ngày nay là tổng hòa của công nghệ hiện đại và kiểu dáng cổ điển, từ những chiếc xe thập niên 60-70 mà Tăng Thái Hậu đã mê mẩn suốt thời niên thiếu và không thể ngờ có ngày được trực tiếp tham gia chế tạo.

Có một sự trùng hợp thú vị, Thái Hậu sinh năm 1966, cầm tinh con ngựa, và ông lại làm dự án Mustang - mẫu xe cơ bắp Mỹ mang biệt danh “Ngựa hoang” và gắn logo hình chú ngựa. Dường như ông sinh ra là để dành cho công việc đó.

Nhật Minh
 @dantri  -  thanhnien

Sunday, February 19, 2012

Thơ Bùi Giáng


Chiều
 

Em ngó buổi chiều buồn có phải
Buồn cũng như buồn những buổi chiều xưa
Tròng con mắt đã mỏi mòn có phải
Sắc của trời hương của đất lưa thưa
Những nhịp bước bên đường còn dội mãi
Vang về đâu không vọng lại hồi âm
Của réo rắt riêng một lần mãi mãi
Gió phương trời ù mộng giữa hoa tâm
Em hỏi mãi tuy biết lời đáp lại
Chẳng bao giờ thoả đáng giữa đời câm
Em ngó mãi những chiều về trở lại
Mang những gì về trong cõi trăm năm

Bùi Giáng
@VOAnews - dthoi -

Saturday, February 18, 2012

ductuan'sblog


Chuyện dài Việt Cộng, nghe mệt

Vụ án ông Đoàn Văn Vươn hình như tới bữa nay vẫn chưa kết thúc, nghe đâu ông thủ tướng ra lệnh cho đàn em dưới trướng điều tra cho kỷ và trả lại công bằng cho gia đình ông Vươn, chiêu này nghe quen quen… Giống như mấy ngài dân cử ở đây mị dân kiếm phiếu vậy.

Mà nghĩ cũng ngộ nha, trên thế giới này hình như tui chưa có nghe bất cứ một nước lớn nhỏ nào có chuyện chính phủ đặt ra hình phạt đình chỉ công tác một ông quan gì đó mà chỉ có 15 ngày, cái này giống như vợ giận chồng “tui cấm cửa ông 15 ngày hổng được tới gần tui nha” nghe giống như trò hề…

Đúng là chỉ có cộng sản mà là cộng sản made in Viet Nam mới có luật “rừng” kiểu đó!

Trở lại chuyện ông Đoàn Văn Vươn, mặc dù nhà nước nhận định trong vụ án này ông Vươn làm đúng, chính quyền sở tại là sai hoàn toàn nhưng cũng vẫn phạt tù ông Vươn còn thằng cha chủ tịch hay phó chủ tịch, bí thư gì đó của thành phố hay quận huyện của chổ ông Vươn ở chỉ là phạt nhẹ ”giơ cao đánh khẻ” thôi…

Gia đình ông Vươn bây giờ màn trời chiếu đất thì kệ mẹ chúng nó! chúng nó đói, thê thảm chứ có mắc mớ gì các quan tham ô đâu mà thắc mắc, phải không?

Việt cộng ngàn đời vẫn là việt cộng, lối xử lý theo kiểu luật rừng, mạnh thằng nào thằng đó chơi… chẳng có lề lối gì hết ráo!

Bởi vậy mới nói, Việt cộng bây giờ ra sân chơi lớn với các đàn anh quốc tế nhưng lối chơi vẫn chỉ là lối chơi của bọn trẻ con, không biết đường đâu mà rờ!!!

Thôi nói chút cho vui vậy thôi, chuyện việt cộng là chuyện dài bà tám mà… có buôn chuyện tới hết năm cũng chẳng bao giờ kết thúc…

Ngợm không phải người, mà người thuộc loại có lổ tai cây… bởi vậy bắc loa chỉa vào tai chúng hét to tụi nó cũng vẫn tỉnh bơ như thằng điếc..

Chịu thua!

Friday, February 17, 2012

Tâm Thanh

Ý THU


Chúng tôi từ Oslo sang Paris đưa tiễn người bạn vong niên, ông Hoàng, vừa qua đời. Vợ chồng tôi ngồi lộn chỗ trên máy bay – lẽ ra hàng ghế 20, hoang mang vì mất bạn thế nào mà sa vào hàng 21. Hai người ngồi bậy mà quấy rầy an cư lạc nghiệp của sáu người. Trong số sáu người phải đứng lên để đổi chỗ cho nhau, có một cô gái Á Đông rất xinh. Cô nói: “Cô chú muốn ngồi chung, con đổi chỗ cho?” cô nói tiếng Việt, vậy mà lúc lên tàu tôi cứ tưởng cô người Singapore, không hiểu tại sao lại tưởng như vậy. Tôi đáp cám ơn nhưng không cần, vì điều chỉnh lại vợ chồng tôi vẫn ngồi cạnh nhau. An tọa rồi, tôi mới thảnh thơi moi túi lấy sách ra đọc.
Sáng nay tôi rút cuốn L’étranger của Camus trong tủ sách, vì nó nhỏ, mỏng nhất. Đọc tới thái độ dửng dưng của nhân vật Meursault trước cái chết của bà mẹ, tôi nghĩ đến người bạn già vừa chết và câu nói dễ thương của cô gái Việt Nam. Ba cái chuyện chẳng ăn nhằm gì với nhau – cái chết của người mẹ trong tiểu thuyết, cái chết của người bạn bằng xương bằng thịt, triết lý vô cảm của ông Camus, lời ân cần của người con gái đang ngồi đằng sau – lại như quấn quít lấy nhau như dây trầu trong đầu tôi. Tôi nghiệm ra rằng những cái tưởng là rời rạc trên đời luôn luôn được kết nối vào nhau thành một chuỗi bồ đề mà lý trí không lần thành câu kinh mạch lạc nào cả, nhưng tâm trí rất bị cám dỗ quấn quít. Đọc tới chỗ Meursault vô cớ bắn năm viên đạn vào một thanh niên Ả-rập không ân oán trên bãi biển, tôi gấp sách lại, để dành cho chuyến về.

Bỗng muốn gạ chuyện với cô gái. Đã có cớ để làm quen rồi mà – hồi nãy cô mở lời trước! Nhưng giá vợ tôi bắt đầu làm việc này, tôi thích hơn. Tiếc là nàng cũng bận đọc cuốn sách của mình. Vả lại nàng không ưa cái thói hay gạ chuyện của tôi. Anh lấy em, bắt đầu bằng gạ chuyện đấy, tôi cãi. Nhưng gạ chuyện người lạ, không hay, nàng nói. Trước khi thành vợ chồng mình cũng là người lạ thôi, em ơi!

Tình bạn giữa ông Hoàng và chúng tôi bắt đầu từ cái mà ngôn ngữ xã giao nói chẳng-ai-xa-lạ-cả. Ông Hoàng, trước năm 75 là chủ một lò bánh mì ở Chợ Lớn. Bánh mì của ông, ngoài việc bán bánh cho các thực quán Tây ở Sài Gòn, còn độc quyền giao cho Tòa Đại sứ Pháp, nhà thương Grall và nhiều cơ sở thương mại và văn hóa khác của Pháp. Từ năm 1953 tới 1955 ông còn giao bánh cho các đồn Tây trong vùng Sài Gòn Chợ Lớn luôn. Năm 1978 ông bị đánh tư sản mại bản, phiêu bạt sang đúng cái nôi ‘bánh Tây parisien’, nhưng ông không đắp lò nướng được như lời cam đoan ngon lành với vợ con khi xin định cư tại Pháp. Ông còn khoe tên tuổi nhiều người quen ở Pháp. Mất hai năm để tìm được một ông đại tá hồi hưu. Mục đích là thăm hỏi thôi, không phải để nhờ vả, vì ông đã mở được một quầy bán bánh mì cho tây đầm kẹp nách. Có đồng ra đồng vào. Chẳng biết ông cựu đại tá có nhớ ông bán bánh mì ngày xưa thật không, nhưng vui vẻ đánh máy một lá thư trong đó có câu ‘Mr. Đinh Hoàng là một người bạn tốt của người Pháp’. Ông mang thư về lộng kính treo trong phòng khách, bên cạnh hình lò bánh mì ở Chợ Lớn.

Quán bánh mì ở Quận 13 Paris sống lai rai được mười bảy năm, cho tới khi hai người con trai có gia đình riêng và bà vợ qua đời, ông sang quán, về hưu luôn. Ông sống một mình trong một chung cư ở khu phố Tầu. Mỗi bữa, đúng 11 giờ sáng ông ra khỏi nhà, đi ngang qua nhà giáo sư TKĐ, nếu thấy ông cựu giáo sư luật ngồi đọc báo trong bếp, ông ‘bonne journée’ một cái. Biết nói to hay nhỏ thì, cửa sổ đóng, ông TKĐ cũng chẳng nghe, nên nhiều khi ông làm biếng, chỉ máy môi. Ông đoán ông giáo sư già cũng máy môi thôi. Vậy mà hôm nào ông TKĐ không ngồi trong bếp, ông thấy lo lo. Hoặc hôm nào lỡ hai cái máy môi không gặp nhau, ông thấy thiêu thiếu.

Còn tôi, gặp ông lần đầu rất tình cờ. Năm nào, tôi không nhớ, nhưng đó là một ngày đầu xuân, mấy cây đào trên đường Simone Weil (con đường nhà ông) đang chớm nở hoa. Tôi thấy ông tới gần, liếc mắt nhìn lên cây đào, ý chừng tự hỏi trên đấy có cái gì lạ mà khách phương xa phải nhìn. Không lạ đối với ông, nhưng lạ đối với tôi – ở Na-uy chỉ có cây hạnh, hiếm có cây đào mà người bản xứ gọi là đào Nhật, còn tôi, phải gọi là đào Đà Lạt mới bằng lòng. Ngắm hoa một lát xong, tôi trở ra Avenue d’Ivry, ngồi trên cái băng gỗ chờ vợ đi chợ Tang Frères như đã hẹn. Tôi ngồi cạnh hai ông say mà lúc đầu tôi không thể đoán được là người xứ nào, mặt mũi dáng vóc Á Đông không lầm lẫn được, quần áo... Đông Dương, giọng nói lúc Quảng Đông, lúc Thái (tất nhiên tôi chỉ phân biệt được giọng, không hiểu lời). Có cái khạc nhổ liên hồi thì tôi không dám khẳng định là ‘nhãn hiệu’ của xứ nào. Cuối cùng tôi mới biết họ cũng là người Việt, nhờ bắt được vài chữ tiếng Pháp giọng Quảng Ninh (sau khi bức Tường Bá-linh sụp đổ, nhiều người sang Tây Âu xin ‘tị nạn’, đa số là người Quảng Ninh, Hải Phòng, giọng rất đặc biệt). Mỗi lúc phỏng đoán của tôi càng được xác nhận hơn khi hai ông bắt đầu cãi nhau và văng tục bạo hơn – bằng tiếng Việt rặt, Quảng Ninh. Cuối cùng họ thỏa thuận được điều gì đó, hạ thấp giọng và cùng đứng lên, lảo đảo đi tới một góc tường đằng kia. Tôi đưa mắt tò mò xem, thấy họ moi từ trong một cái bịch đi chợ hai chai bia, bỏ hai cái vỏ cũ vào. Quay lại, tôi thấy một người khác vừa chiếm chỗ trống trên băng. Chính là ông già mới gặp bên cây đào Đà Lạt. Ông cũng nhận ra tôi, “Mới thấy ông đằng kia, phải không?” Ông phàn nàn người ta khạc nhổ mất vệ sinh. Tôi khen đường phố Paris hồi này không còn cứt chó như hai mươi năm về trước – đâu nhất thiết cái gì cũng phải tồi tệ đi theo thời gian. Paris có cái hay không thay đổi là lề đường dành cho người đi bộ rộng thênh thang, đi mà muốn... lẻ loi, chả bù với Hà Nội, Sài Gòn – lề dường dành cho người đi bộ càng ngày càng hẹp lai, bây giờ chỉ còn chừng mét rưỡi mà xe gắn máy choán hết, không chừa chỗ cho người đặt bàn chân, và có chỗ nào trống thì coi chừng cứt người. Nghe nói thành phố Hà Nội được thiết kế mô phỏng theo Paris đấy. “Tôi sinh ở Hà Nội,” tôi nói. “Tui Mỹ Tho,” ông nói.

Rồi hai người đi mút về ngôi trường cũ của mình – và để ký ức la cà ở đó cho tới khi bóng ngôi nhà 20 tầng bên khu Massena đổ sang một bên, mặt trời ló ra chói lòa mắt. Tôi nhìn đồng hồ. Ông vội nói “Muốn lại coi con nhỏ của tui không?” Tôi xuýt phì cười – ông già mà còn con nhỏ? Hay là ông muốn tôi coi ‘thằng nhỏ’ của ông? Khiếp! May, ông giải đáp thắc mắc thầm của tôi liền. Ông kể lai lịch người đàn bà hiện đang ở với ông. Ba năm trước, cũng trên cái ghế này, ông thường ngồi rải bánh mì cho chim bồ câu. Nếu có người quen đi qua, ông vời lại nói dăm ba câu chuyện cho đỡ ghiền. Nếu gặp tay quen rủ đi đánh mạt chược, thì nhất. Liên tiếp ba ngày liền ông thấy một người đàn bà ngồi đấy, hai tay kẹp giữa đùi co ro.Thấy tôi ngẫn ngơ không hiểu ô-xin là gì, ông giải thích “Ông không biết ô-sin là gì sao? Tội nghiệp, Osin là tên riêng cô gái làm thuê trong phim Nhật. Dân mình hết sảy, chơi chữ quốc tế không. Hết Tây ô-be bây giờ lại Nhật ô-sìn! Hừ, ô-be hay ô-sìn cũng chỉ là ở đợ!”

Ông trở về số phận người đàn bà trẻ: lợi dụng tình dục không được, chủ nhà đuổi ngang bà. Bà thì muốn ở lại Pháp, không phải để sướng thân (có gì mà sướng?) nhưng “có cái gì ấy ở ngoài này dễ thở hơn”. Nghe câu nói hơi văn vẻ ấy, ông nghĩ “con nhỏ láu cá tính ca sáu câu để mua lòng trắc ẩn mà thôi”. Yêu thầm có khi đến chết không ai hay biết, nhưng khinh khi, dù kín đáo bao nhiêu cũng không che giấu được – người đàn bà biết bị khinh khi, lặng lẽ bỏ đi. Hôm sau, khi ông Hoàng đi qua nhà giáo sư TKĐ, ông vẫy lại cửa sổ chỉ cho một tin trên báo đêm qua một phụ nữ Việt Nam uống thuốc ngủ tự vẫn ngoài đường.

Ông Hoàng giật mình đi tìm và may mắn thấy ‘con nhỏ’ ở nhà thương. Đây là giây phút quyết định, ông nghĩ, đây là lúc mình chuộc lại tội giết người vì sự dửng dưng vô tình. Ông quyết định nhận bà là người yêu chưa cưới. Ông khai như vậy với cảnh sát di trú trước mặt bà. Bà trợn mắt, chối nguây nguẩy, bảo ông là người xa lạ. Ông một mực khai là hai bên đã hứa hôn. Tự nhiên ông bịa ngon lành là người đàn bà có vướng mắc tình cảm cũ với ai đó, nên bây giờ phát khùng, phủ nhận tình yêu đã hứa với ông. Ông nói ông sẵn sàng bỏ qua hết, nếu bà bằng lòng làm lại, lấy ông. Lạ lùng, chính những lời khai như chửi nhau giữa hai người lại làm cho cảnh sát tin đây là một bi kịch gia đình thật, không phải một trò xiệc di trú.

Vợ tôi khệ nệ từ trong Tang Frères đi ra, thấy tôi đang líu lo, nhếch môi một cái, ý nói lo gạ chuyện người lạ để người quen xách nặng. Ông Hoàng chưa dứt lời, vội vàng gói ghém đoạn kết câu chuyện vào một câu đại khái là lần đầu tiên ông dùng lá bùa ông đại tá, linh lắm, nó giúp ông làm giấy hôn thú rồi thường trú cho ‘con nhỏ’ xong cái roẹt. Chấm hết câu chuyện xong, ông mới đáp lời chào hỏi của vợ tôi. Nghe vợ tôi tự giới thiệu cũng người Mỹ Tho, ông reo lên “Vậy ghé nhà tui coi con nhỏ? Có năm phút đi bộ thôi à.’

Đó là một người đàn bà chưa tới tứ tuần, nhan sắc trên trung bình, tự nhiên, nước da sáng làm cho cả người sáng sủa ra, ăn nói lịch thiệp, người Bắc mà. Thế rồi mỗi năm chúng tôi đi Paris một lần, lần nào cũng ở khách sạn quen trong khu Quartier Chinois và tới thăm ông bà Hoàng, có lúc ăn cơm trong nhà, có lúc chúng tôi mời ông bà ăn ở ngoài. Bà trông sang trọng hẳn lên trong trang sức đi chơi phố. Khi đủ thân mật rồi, tôi xin ông bỏ hai chữ ‘con nhỏ’ đi, thay vào ‘Bà Hoàng Bé’, ông không chịu – “Le Petit Prince từ sa mạc bay về trời, tui không muốn con nhỏ bay mất. Ông bà muốn gọi nó là Hoàng Bé thì cứ gọi...” Còn bà gọi ông thân mật bằng ‘bố’. Những dịp ấy vợ chồng tôi cố quan sát xem đây là tình thật hay tình giả. Lần nào cũng vậy, bất kể trùng mùa hoa đào nở hay mùa lá phong rơi, từ đường Simone Weil về khách sạn hay đi dạo chiều bên bờ sông Seine, chúng tôi đều không kết luận gì được. Giữa hai người là một mối tương quan mập mờ chưa chắc chính họ phân định được biên giới, hay đặt tên. Tuổi tác ông gấp đôi bà, với nhan sắc kia bà dư sức rũ áo ra đi lấy một ông chủ tiệm phở, sao bà còn ở lại? Đã có giấy thường trú trên ba năm, tại sao con sáo chưa sang sông, mà vẫn lui cui chăm sóc ông như một con gà mái chăn con?
Ngược lại, ông có xơ múi gì không mà đối xử như có xơ múi? Bà đi làm có tiền riêng, nhưng ông vẫn chia một phần ba tiền hưu mỗi tháng cho bà dư tiền chợ, thừa tiền túi. Biết bà có gửi tiền về Việt Nam, ông cũng lờ đi, “quyền của con nhỏ”. Tết và Noël ông tặng bà quà rất hậu. Còn quà bà cho ông và cho các con, các cháu của ông là do tiền... ông đưa! Ông tự khai cái hào sảng của mình, rồi lại tự xí xóa đi – “coi, nó cơm nước áo quần cho tui như vầy...” Hai người ngủ riêng hai phòng; liệu lúc tối lửa tắt đèn ông có mò sang phòng bà không? Tấm ra phẳng phiu trên chiếc giường đơn không trả lời câu hỏi của tôi.

Bây giờ ông chết, vấn đề sẽ đơn giản hơn – về một mặt nào đó, tôi nghĩ. Tôi bị cám dỗ, không thể để dành cuốn sách cho lượt về được. Phần hai nói về phiên tòa xử tội Meursault. Tôi phải đọc nốt, vì hình như lời ông Hoàng nói khi tìm thấy bà Hoàng Bé trong nhà thương mà tôi vừa nhớ lại (“Đây là lúc mình chuộc lại tội giết người vì sự dửng dưng vô tình”), có cái gì đó tương cận với tâm lý của anh chàng Meursault trong truyện. Chà, đúng như linh cảm của tôi – trong phiên tòa, ông biện lý và cả dư luận báo chí lấy thái độ dửng dưng của Meursault với mẹ ruột để buộc hắn tội cố sát không chạy vào đâu được! Làm như sự vô tình với thân nhân là mầm mống giết người vậy.

Máy bay đáp xuống Orly vào xế chiều. Chúng tôi bỏ hành lý vào khách sạn rồi tới xóm bốn cây đào ngay. Lá đào đã úa nhưng chưa rụng; nó dai hơn nhiều lá khác. Tôi dòm qua cửa sổ nhà số 09 tầng trệt. Tôi thấy ông Hoàng! Không tin mắt mình, tôi bảo vợ nhìn lại xem, mắt em tinh hơn. Nàng cũng thấy ông và bà Hoàng Bé, họ đang ngồi đếm cái gì trên bàn ăn. Nàng máy móc chộp lấy tay tôi – bàn tay nàng lạnh ngắt. Tôi nâng cườm tay nàng nhìn... đồng hồ – 6 giờ kém 10, giờ Paris và Oslo bằng nhau. Giờ này ở Oslo tối như mực rồi, nhưng ở đây chưa lên đèn. Bỗng bà Hoàng Bé quay ra, nheo mắt nhận ra chúng tôi, vội vàng ra mở cửa. Ông Hoàng còn sống, ngồi đó, cười mếu. Ông không còn ngồi thẳng lưng như bà Hoàng Bé thường nhắc được nữa, nhưng còn sống thật. Ông dán mắt vào đôi môi lợt lạt của bà khi bà kể cho chúng tôi về vụ ông chết hụt.

Chiều thứ năm tuần trước, bà đi làm về, thấy ông nằm bất động trên divan. “Cứ như những thứ năm khác, em ghé chợ rồi mới về thì bố theo ông bà ông vải rồi...” bà phụ chú. Bà hoảng hồn gọi xe cấp cứu đưa ông vào nhà thương. Trong lúc ông hôn mê, bà tưởng ông chết, nên điện thoại báo tin cho con cái ông, rồi cho chúng tôi. “Thế, trong lúc điện thoại cho ông bà, em nói chết à? Em nói khó qua khỏi chứ! Vâng, có thể em nói chết... Hồn vía em nó nói chứ em chẳng biết mình nói gì... Hú hồn!” Bà kể với những giọt nước mắt hạnh phúc, thỉnh thoảng liếc sang ông như trách móc – làm người ta hết hồn. Rồi lại quệt nước mắt cười hi hí quay sang vợ tôi “Xin lỗi, em cứ tưởng bố đi luôn, cuống lên, gọi hoảng làm mất công ông bà từ Norvège sang.” Tới lượt ông nhìn bà âu yếm, chế diễu. Kể tạm xong, bà đứng lên, dùng tay áo mình phủi cái gì đó trên má ông, rồi xuống bếp pha trà. Ông nói nhỏ với chúng tôi “Ở lâu sanh tình,” rồi thở dài, “trước tưởng chỉ là một sự trao đổi, tui cần người đỡ đần, nó cần ở lại. Giờ thì có tình...” Ông nói tiếp, giọng mệt nhọc nhưng đầy hứng thú, “Có tình thì có lý. Tôi vẫn áy náy lương tâm cái chuyện mình nói dối với cảnh sát sáu năm trước. Khai người lạ là vợ chưa cưới, đâu có nên, là nói dối, là bậy trước pháp luật. Bây giờ có tình thật thì không còn là dối trá nữa, phải không ông bà?” Tôi gật đầu tán thành. Vợ tôi, con người nguyên tắc, xuýt xoa khen ông xử tình lý vẹn toàn. Nhân nói tới chuyện pháp luật, ông hỏi chúng tôi có nên lấy lại căn hộ này, tức là đứng tên không. Nhà là nhà ông bỏ tiền mua, nhưng hồi đó tính già tính non chuyện thuế di sản, ông để cho hai thằng con đứng tên. Không biết tí gì về luật lệ Pháp, tôi chưa biết trả lời ra sao, thì bà từ trong bếp bưng khay trà bánh ra, xen lời “Không! Bố liệu còn sống bao năm nữa mà đòi đứng tên cái nhà, để làm gì? Phải để nguyên tên chúng nó!” Bà thính tai thật! Chuyện trò gần khan cổ, Bà Hoàng Bé đòi đi làm cơm, vợ tôi gạt đi. Tôi thắc mắc hồi nãy hai người đếm cái gì trên bàn. Nhưng tôi không nói ra – tôi còn nhiều ‘bí ẩn’ nho nhỏ như thế trên đời, thích để vậy còn hơn được giải đáp sai. Chúng tôi từ giã ông bà. Dưới ánh đèn đường, những chiếc lá phong đỏ như son nằm trên lề đường thênh thang. Thu Paris, sang Oslo đã thành mùa đông. Mai xuống phi trường Gardermoen thể nào tôi cũng phải cạo băng trên kính cái xe gửi ngoài bãi. Nghĩ hơi nản. Thấy cô gái trong phi trường Orly, tôi cảm thấy như gặp lại một người đồng hương quen biết từ lâu. Trong câu chuyện thăm hỏi nhau về chuyến đi có vui không, làm gì, mua gì... cô giới thiệu cho chúng tôi cái khách sạn cô vừa ở, giá phải chăng, gần trạm Métro, tiện nghi. Lúc đưa danh thiếp của khách sạn cho vợ tôi, cô nâng hai tay. Khi có lệnh lên tàu, cô đứng dậy, cười tươi, hỏi “Cô chú có cần con phụ xách gì không?” Chúng tôi trả lời không. Vợ tôi nhìn cô dịu dàng hỏi, “Con ở Việt Nam sang N a-uy lúc mấy tuổi?” Câu hỏi lúc này có hơi lạc đề, nhưng chính tôi đang muốn hỏi như thế. Không lẽ hỏi con cái nhà ai mà giờ này còn lễ phép như vậy. N hư hiểu ý vợ tôi, cô gái giấu sự hãnh diện trong một nụ cười bẽn lẽn đáp, “Dạ con sanh tại Na-uy.” Chúng tôi suy nghĩ trong im lặng.

Lên máy bay, hết cái đọc, tôi nhắm mắt làm như ngủ, nhưng trong đầu lượng giá chuyến đi. Tôi cho năm sao – ‘rất hài lòng’ – được đấy. Lời quá chừng, tôi nói thầm. Ông Hoàng còn sống là cái lời thứ nhất cho tôi. Ông được hoãn chuyến tới bao giờ không biết, nhưng một ngày sống sau khi chết hụt của ông, từ nay sẽ trở thành một ngày vàng của tôi, và chắc chắn của ông. Sống như đo thời gian của chiếc lá vàng rơi, một sát-na trên không là một vô tận biết ơn. Lại một chiếc lá vàng khác – lòng ân cần – vẫn chưa lìa cành. Hạnh phúc biết bao, trong mùa thu cuộc đời, được ngắm những chiếc lá vàng còn đong đưa sự sống! Những chiếc lá vàng chửa lìa cành, nhờ một ông già gần đất xa trời! Nhờ một cô gái trẻ sinh trưởng ở nước ngoài. Nhờ một người đàn bà tới từ một nơi mà mùa thu năm ấy khởi đầu bằng trống chiêng tùng xòe rồi kéo dài bằng tiếng kèn đám ma thõng thượt, vô cảm. Thật kỳ lạ, phải trở về quê tạm để nghênh tiếp mùa đông nghiệt ngã mà lòng tôi hân hoan như về nhà. Như đi gặp mùa xuân.

Tâm Thanh

Thursday, February 16, 2012

Lê Như Đức

Ngày Cuối Trong Thiên Đường

Khoa quay qua hỏi vợ lần cuối trước khi đặt bút ký vào tờ khế ước mua căn nhà:
- Em nhất định mua cái nhà này, phải không"
Mai nhìn chồng gật mạnh đầu:
- Nhất định mua vì…cái hàng hiên rộng.
Khoa vừa ký vừa lặp lại lời vợ mình:
- Vì cái hàng hiên rộng.

Người bán nhà người Mỹ gốc Mễ không hiểu vợ chồng Khoa nói gì nhưng anh ta cũng chả thèm thắc mắc làm chi cho mệt. Anh ta chỉ cần nhìn chữ ký của Khoa vừa đặt bút ký đồng ý mua căn nhà là hiểu ngay mọi chuyện dù là đang nghe tiếng Việt hay tiếng Lào. Anh hiểu rất rõ: tháng này anh sẽ lãnh cái chi phiếu sáu ngàn đô la tiền hoa hồng cho căn nhà bán thật ngon ơ.
Sau khi gom giấy tờ và bắt tay Khoa, anh lên xe dzọt lẹ. Kinh nghiệm bao năm trong nghề bán nhà dậy cho anh hay khi có được chữ ký là phải chạy mau về văn phòng đóng hồ sơ và gửi đi ngay lập tức. Bước lên xe, anh còn cẩn thận tắt cả cái điện thoại cầm tay để nhỡ thân chủ có “a second thought” gọi anh đổi ý thì toi mất tháng lương. Nhất là cái căn nhà thật quái ác này. Kiểu nó đã quá cũ không người thèm ở, ai cũng có thể thấy rắc rối, đổi ý không mua bất cứ lúc nào.

Cái căn nhà cổ xây theo kiểu thời…đệ nhất thế chiến này do chính tay anh đã cho lên mạng Internet một năm hơn mà chả có ma nào thèm hỏi tới nữa là trả giá. Nó không những đã nằm trong khu lao động nghèo mà cái tên chủ nhà người Mễ lại không hiểu “thời thế, thế thời” ra giá thật cao mới chết chứ. Đã bao lần anh gọi khuyên y nên hạ giá thì may ra mới có người tới ngắm.Y đều nổi nóng giải thích lại là nhà của y xây bằng gạch đặc, lợp mái ngói thẻ nên ở suốt đời không phải sơn sửa hay thay mái.

Đồng ý là cái nhà thật kiên cố như pháo đài vì xây toàn gạch tốt, nhưng cái kiểu của nó quá xưa, không có máy lạnh, lại ở khu tồi thì có chắc cũng như không. Muốn gắn hệ thống máy lạnh lớn cho toàn nhà thì có lẽ phải đập hết trần nhà ra làm lại, mà nếu có muốn gắn máy lạnh nhỏ cho từng phòng thì cũng lại phải đập cửa sổ ra mới gắn được. Nhà đã xây bằng gạch đặc thì chỉ có nước đập hết cả nhà lẫn mái chứ không thể đập từng chỗ được.
Cái thằng chủ nhà chết bầm cổ lỗ sĩ này lang thang từ xứ Mễ qua Houston từ năm một ngàn chín trăm hồi đó, nó không hiểu luật lệ xây nhà mấy, nên mua miếng đất thật bự và tự ý xây nghiên, xây ngửa theo ý nó. Thời đó chưa có máy lạnh cũng chưa có quạt trần nên căn nhà phải có thật nhiều cửa sổ và một cái hàng hiên thật vĩ đại để giảm cái nóng như thiêu của tiểu bang Texas vào mùa hè. Thời đó cũng chưa có tủ lạnh, TiVi, dàn máy hát karaôkê, ghế đấm bóp, computer, máy fax nên nhà nó xây cũng ít lỗ cắm điện nữa.

Chung quanh căn nhà trồng toàn những cây đại thụ để lấy tàn che nhà đến nỗi cỏ thiếu nắng mọc cũng không nổi một cụm. Sau nhà, nơi góc vườn còn có cả cái giếng khô với hai ba cái thùng đựng nước nằm lăn lóc và cái chuồng gà đóng èo ọp bằng mấy thanh gỗ vặn vẹo, cong cong nằm sát cạnh mà hầu như những nhà ở thôn quê Việt Nam nào cũng thường phải có.
Nếu căn nhà này mà nằm cạnh bãi biển thì giá nó đáng bạc triệu vì cái đất rộng mênh mông và cái vững chắc không suy xuyển tí tẹo trong trường hợp bão có thổi. Chưa hết, chiều chiều ra treo võng nằm hóng gió biển ở hàng hiên trước nhà thì có mười cái máy lạnh cũng không mát bằng. Đằng này nó lại nằm chình ìn đầu khu bình dân đấm đá của đám người lao động nửa đen nửa Mễ mà cả năm không thèm cắt cỏ đến một lần. Chiều chiều chả lẽ ra trước hàng hiên treo võng ngắm…Mỹ đen lai Mễ.
Khuyên y xuống giá mãi chả được, công ty bán nhà đành phải để lơ cả năm hơn. Mọi nhân viên trong sở thường chọc anh là sẽ bình bầu “employee of the…century” nếu anh bán được căn nhà này. Khi mà mọi người chán không còn muốn chọc hay nhắc tới thì Mai lại đùng đùng gọi tới hỏi mua.
Chưa hết ngạc nhiên, anh ngồi xém té xuống nghế khi biết được vợ chồng Mai hiện đang ở một căn nhà thật lớn trong khu sang trọng của thành phố Houton. Mấy lần tính hỏi lý do mua nhà, nhưng rồi lại nhớ tới những kinh nghiệm dậy trong nghề là chớ nên hỏi khách hàng mình tại sao mua, anh đành nuốt vào bụng nín thinh. Mình là người chuyên bán nhà mà còn không biết được những cái lợi khi mua căn nhà mà còn phải hỏi người mua thì chả khác nào bảo khách hàng…ngốc quá sao mua.
Lần đầu tiên thấy căn nhà khi tới khu này để dậy thế một giáo sư bị bịnh nặng cho trường bạn vài hôm, Mai bấm điện thoại gọi cho chồng ngay. Đã từ lâu, vợ chồng Mai đang tìm một khu đất để xây building cho người thuê. Giờ ăn trưa hôm đó, Khoa hẹn vợ lái xe tới coi căn nhà. Mai bận trông lớp nên chỉ một mình Khoa tới thôi.
Vừa thoáng thấy căn nhà xa xa ngói đỏ mốc cũ với cái mái hiên thật rộng và thật dài, Khoa bồi hồi nhớ lại những việc xẩy ra hơn hai mươi sáu năm qua trong ngày cuối cùng trước khi rời nước, trốn Thiên Đường cộng sản đi tìm tự do.

Cái căn nhà thật đơn giản với hai gian mà Khoa đã ở, dù chỉ hai đêm một ngày nằm ngoài ngoại ô Tắc Cậu cách thị xã Rạch Giá khoảng vài cây số.
Có lẽ ngay chính người dân Tắc Cậu cũng chả biết cái nơi nhỏ bé tí tẹo của mình đang ở nên gọi là thôn, là xóm hay là phường" Ai ai khi nói về chốn này cũng đều gọi trống trơn hai chữ Tắc Cậu.
Tắc Cậu nhỏ lắm. Nhỏ đến nỗi không có đường bộ lẫn đường sông chạy thẳng tới nó. Muốn đi từ thị xã Rạch Giá tới Tắc Cậu thì phải đi xe hai bánh hay đi ghe tới Tắc Rán trước rồi đổi qua con kinh khác, đi ghe vào Tắc Cậu. Từ Tắc Rán vào Tắc Cậu cũng có một con đường bộ nhỏ, vừa cho hai người đi, chạy ven theo con kinh. Phải gọi đúng là đường bộ vì chỉ đi bộ được mà thôi. Xe đạp cũng khó có thể đạp qua được những hố lớn hay những ụ đất cao. Con đường đôi khi biến mất vì cỏ mọc um tùm, người đi cứ phải đạp cỏ, nhắm mắt mà đi môt đoạn dài thì đường lại hiện ra.
Khoa tới Tắc Cậu trễ nên phải nằm ở lại đây chờ chủ tầu làm giấy tờ, biến thành người Việt gốc Hoa để đưa vào kinh trong lên tầu đi bán chính thức hồi hương… Hoa lục. Chủ tầu mướn căn nhà này để phòng khi người đi bán chính thức xuống quá đông, hơn mức dự định, mà tầu cũng chưa được nhà nước cho nhổ neo.
Những người nằm ở kinh trong lại sợ tầu nhổ neo mà không thông báo kịp nên dù có dơ dáy, bùn lầy họ cũng trải lều, căng mùng chứ không chịu rời xa tầu, trở ra ngoài ở nhà như Khoa. Việt cộng thay đổi chính sách như chong chóng. Giờ trước cho tầu nhổ neo, giờ sau lại cấm đòi thêm tiền mãi lộ. Chắc vì vậy nên chỉ có một mình Khoa nằm ngủ hai đêm trong căn nhà trống đợi ngày giã từ Thiên Đường.
Có lẽ chủ cho mướn nhà biết rõ mục đích của người ở nên căn nhà chỉ có ba thứ chủ yếu: giường, mùng và đồ nấu “mì ăn liền” như vài ba cái nồi, năm sáu cái chén, một nắm đũa cọt cạch. Thuốc xịt muỗi thì la liệt khắp chỗ. Có lẽ do những người đi bán chính thức của tầu trước vất lại. Ra khơi đâu ai thèm mang thuốc trị muỗi.
Khoa dọn dẹp những đồ vất ngổn ngang cho gọn, xong lấy ổ bánh mì thịt mà người đại diện chủ tầu đưa lúc dắt tới đây ra ăn cho qua bữa chiều. Vừa ăn, Khoa vừa treo mùng lên để đề phòng mấy chú muỗi tấn công khi mặt trời lặn. Khoa còn cẩn thận bầy những chai thuốc chống muỗi ngay trong mùng trước khi đóng chặt cửa nhà. Khoa chọn cái giường ngay cạnh cửa sổ, mở ra nhìn hàng hiên, nghĩ mông lung về những ngày ra khơi sắp tới.

Con kinh trước nhà buổi chiều nước đục chảy lờ đờ, mệt mỏi như tâm trí của Khoa qua bao lần trốn chạy vượt biên để giờ cuối cùng phải đổi thành Hoa Kiều hồi hương. Thỉnh thoảng vài người lối xóm đi bộ qua, khẽ liếc nhìn vào nhà. Đôi khi có người đạp xe đạp nhanh qua. Hình như mọi người ở Tắn Cậu đều biết căn nhà của những người ở trước khi rời nước.
Mặt trời từ từ lặn, từng đàn muỗi vo ve ngủ bên bờ kinh thức giấc, bắt đầu xông vào nhà từ tứ phía. Khoa khẽ khép cửa sổ, kiểm soát mùng màn một lần cuối trước khi ngủ. Căn nhà yên lặng và buồn đến lạnh người. Người đi qua lại trước nhà cũng từ từ ngưng.
Chưa tới nửa đêm, Khoa bị đánh thức bởi một vài tiếng động lạ bên ngoài hàng hiên. Hình như có người tới treo mùng ngủ ngoài đó. Khoa nằm yên lắng nghe để cố đoán xem bao nhiêu người bên ngoài và họ thuộc loại nào. Hình như người bên ngoài cũng biết có người ngủ bên trong nhà nên họ đi đứng rất nhẹ nhàng, cố gắng ít gây tiếng động. Chỉ mười phút sau, mọi việc lại trở nên yên lặng như trước. Khoa cũng lại từ từ chìm vào giấc ngủ vật vờ.
Lần thứ hai Khoa bị đánh thức bởi tiếng khóc nho nhỏ của đứa bé gái. Khoa vẫn nằm im lặng nghe tiếng dỗ ngọt của đứa bé trai:
- Nín đi Cún. Có đói không" Tao còn nửa củ mì. Ăn đi.
- Em nhớ má. Má, má, anh Còi ơi. Em muốn má.
Đứa bé trai hình như không biết trả lời sao. Nó im lặng giây lát rồi lại dụ em nó tiếp:
- Củ mì này ngọt lắm. Mày ăn đi, Cún. Ngon lắm.
Có tiếng khóc thút thít của đứa bé gái vừa ăn khoai vừa khóc vọng vào nhà làm Khoa tỉnh hẳn. Khoa khẽ ngồi dậy vặn cái chốt cánh cửa sổ hé mở nhìn ra ngoài hàng hiên thấy hai đứa bé gầy gò nằm trong một cái mùng to. Đứa bé trai chỉ khoảng mười hai, mười ba tuổi, con bé thì có lẽ chưa được năm.
Tiếng cót két của cửa sổ mở làm hai đứa bé quay nhìn về hướng Khoa. Đứa bé trai lên tiếng ngay:
- Em con nó đói nên khóc. Con nói nó im rồi. Ông cho con ngủ ở đây đêm nay. Chúng con nghèo, mồ côi, không nhà nên ngủ ở đây. Ông cho con ngủ ở đây đêm nay. Con nói con Cún không khóc nữa để yên ông ngủ.
Rồi nó quay qua đứa bé gái, to tiếng:
- Mày làm ồn thêm một lần nữa, ông ngủ không được, đuổi đi thì không có chỗ ngủ đêm nay đâu.
Khoa mỉm cười vì cái tính láu cá của đứa bé trai. Có lẽ nó chuyên ngủ hàng hiên nên học được cái tài ứng khẩu này để ngủ qua đêm nhà người. Khoa từ tốn trả lời:
- Anh không có đuổi ai đâu mà phải lo. Em có muốn vào nhà ngủ không" Nhà này không phải của anh. Trong nhà còn nhiều giường trống lắm. Hai em vào đây ngủ. Có giường, chiếu, mùng, màn đầy đủ. Để anh mở cửa cho.
Khoa tính vén mùng, bước xuống giường ra mở cửa cho hai đứa bé vào thì nghe tiếng đứa bé trai từ chối:
- Không được đâu anh ơi. Nhà này của người đi bán chính thức ở, nếu tụi em vào ngủ, công an phường thấy được họ sẽ gây chuyện với chủ tầu của anh để kiếm tiền. Ông chủ tầu mất tiền tức, sẽ nói ông chủ nhà này đánh tụi chúng em nữa. Không dám vô trỏng ngủ đâu anh. Anh cho ngủ ngoài này là đã rồi.
Khoa vẫn bước xuống giường, cầm theo chai thuốc trị muỗi xịt liên tục, đi ra mở cửa để đón hai đứa bé vào. Ở cuối hàng hiên, một cái mùng to, tương đối còn nguyên vẹn được chăng sơ sài qua hai cái cột nhà và cái bản lề của cửa sổ. Trong mùng hai bộ xương bé tí teo với cái đầu bù xù lắc lư, ngồi nhìn ra Khoa. Khoa hơi khựng lại vì mùi hôi của hai đứa bé, có lẽ qua nhiều ngày không tắm, xông nồng nặc vào mũi. Đứa bé trai lại lên tiếng:
- Anh vào nhà lại đi không muỗi nhiều lắm. Tụi em không vào trong ngủ được đâu. Công an sẽ phạt chủ nhà.
Khoa vừa xịt thuốc muỗi vào người vừa tiến sát tới cái mùng. Đứa bé trai chỉ em nó giới thiệu:
- Đây là con Cún. Người ở đây kêu em là Còi.
Khoa hỏi Còi:
- Không có ai tên là Cún hay Còi. Tên của các em là gì"
Còi ngập ngừng một lúc rồi trả lời:
- Má gọi em là…thằng Hưng, còn nó là…con Hoa.
- Như vậy là từ đây ai gọi em là Còi hay Cún thì em phải cho họ hay tên em là Hưng và nó là Hoa, nghe chưa. Em cũng phải gọi nó là Hoa chứ không được kêu bằng con Cún. Mình là người, có tên tuổi đàng hoàng của một con người, chứ không như tên con vật. Em hiểu chưa"
Hai đứa bé nhìn nhau. Thằng Hưng bập bẹ:
- Em Hoa.
Con Hoa cũng nhe răng cười rồi gọi anh nó:
- Anh Hưng.
Ngọn gió mát thổi từ con kinh lên bỗng chốc làm cả tâm hồn khô cằn của hai đứa trẻ mồ côi mát rượi sau bao năm. Khoa cũng thấy sung sướng lây. Khoa hỏi tiếp:
- Ba má các em ở đâu" Sao hai đứa lại dắt nhau tới đây ngủ"
Thằng Hưng nhìn em nó một lúc, rồi quay qua trả lời:
- Ba em bị nhà nước bắt đi tù lâu lắm rồi. Má em đau nặng nên phải…đi qua… Mỹ… chữa bịnh năm trước, khi nào hết bịnh sẽ về. Tụi em theo má xuống Rạch Giá ở nhà ông nội. Lúc má em…đi, họ nói nhà của sĩ quan ngụy nên tịch thu luôn nhà ông nội. Ông nội chết trước khi má đi mấy tháng. Tụi em đi xuống đây tìm nhà chú Út. Chú Út đi bán chính thức nên bán nhà này cho ông Năm. Ông Năm cho chủ tầu của anh thuê.
Con Hoa chợt ngước nhìn anh nó hỏi:
- Má cũng đi bán chính thức hả anh"
Thằng Hưng ngập ngừng một thoáng rồi gật đầu, trả lời bừa:
- Ừ, má cũng đi bán chính thức. Má sắp gửi nhiều đồ ăn về cho anh em mình.
- Em không muốn đồ ăn đâu. Em muốn má thôi. Em muốn gặp má. Em nhớ má. Em nhớ má qúa anh Hưng ơi. Em muốn má ôm em. Ôm chặt cho em ngủ. Hu hu.
Cả Khoa lẫn thằng Hưng đều yên lặng nghe tiếng gọi nhớ nhung của con Hoa. Khoa nhắm mắt lại cho cơn thổn thức dịu bớt xuống. Thằng Hưng hình như quen với tiếng khóc kêu má trong đêm khuya của em nó nên ít ngẹn ngào hơn. Nó xoa bụng liên tục không biết để dằn cơn đói bao năm hay để đỡ xót xa cay đắng trong lòng. Nó cúi đầu ngậm ngùi:
- Con Hoa cứ nhớ tới má em kêu khóc mỗi đêm.
Khoa ngậm chặt miệng, cố nuốt nước miếng để dằn cơn xúc động xuống rồi khẽ nói với hai đứa bé côi cút:
- Hai em vào nhà đi. Đừng sợ gì cả. Anh muốn hỏi chuyện em.
Thằng Hưng vẫn lắc đầu một mực từ chối:
- Em không vô đâu. Lúc trước cũng có người nói tụi em vô trong ngủ. Công an thấy nên gần sáng tới đây khám. Ông Năm phải năn nỉ ông chủ tầu cho chúng nửa cây mới yên. Ổng Năm nói sẽ đánh thấy mẹ nếu tụi em vào ngủ lần nữa. Lần đầu ông tha vì nghĩ đến chú Út. Công an phường khôn lắm. Chúng dụ tụi em vào trong ngủ hoài. Ông Năm cũng tốt với tụi em lắm. Ông cho đồ ăn luôn. Nhưng ông không nói nhiều. Ông sợ tụi nó kiếm chuyện, phá nhà thuê của ổng.
Khoa không ngờ câu chuyện côi cút của hai đứa bé lại mang nhiều uẩn khúc đau thương đến như vậy. Sau cuộc chiến xâm lăng của Việt cộng miền Bắc, kẻ chiến thắng đã không từ bỏ bất cứ một thủ đoạn đê hèn nào để kiếm lợi cho những tư dục, người thua cuộc sẽ chịu nhiều đau khổ nhất trong tù đầy. Riêng con của họ, những đứa bé lạc loài, còn chịu nhiều đắng cay hơn ai hết.
Khoa nhìn chúng thở dài, rồi ngoái nhìn ra màn đêm tăm tối của con kinh ở Tắc Cậu, nghĩ đến tương lai u buồn của chúng để cố tìm lối thoát cho hai đứa bé. Chàng phải thở dài nhiều lần trước khi bước vào nhà một mình. Hai bộ xương khô khẳng khiu chống đỡ hai cái đầu to lúc lắc trong mùng nửa như muốn chào hỏi, nửa như muốn rơi rụng.

Khoa tỉnh giấc trễ hơn mọi ngày vì mất ngủ cả nửa đêm. Nếu không có ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào mặt từ cái cửa sổ mở rộng thì có lẽ Khoa còn thiếp đi một giấc dài nữa. Ngoái nhìn vội ra cửa sổ, Khoa không thấy cái mùng và hai đứa bé. Cái hàng hiên trống trơn, sạch sẽ và im lặng như ngày hôm qua, lúc Khoa mới tới.
Khoa bật dậy, bước khỏi giường, ra sau hè xúc miệng vội, xong khoát cái túi xách chứa vài bộ quần áo và đồ cá nhân của mình rồi rời nhà ngay tức thì. Cặp mắt bén nhậy của Khoa liên tục quan sát những dấu chân của hai đứa bé ra đi từ cái hàng hiên. Bao nhiêu năm sinh hoạt trong đoàn Hướng Đạo Việt Nam ở Sàigòn đã tạo cho Khoa không những có thể sống thích nghi với mọi hoàn cảnh thiếu thốn ngoài thiên nhiên mà còn luyện tập được một cặp mắt tinh anh của một con báo.
Từ từ theo dấu chân trên đất, Khoa ngạc nhiên thấy chúng hướng lần ra vườn sau, rồi đầy dấu chân xuất hiện nơi chuồng gà ẩm mốc. Hình bóng hai đứa bé vẫn không thấy. Khoa đứng ngơ ngác giữa chuồng nhìn quanh, cố tìm xem những chỗ có thể treo mùng ngủ, hay vỏ của củ khoai mì. Không có một vết tích gì của hai đứa bé để lại ngoài những dấu chân dẫm đầy trên đất.
Khoa đánh một vòng lớn quanh vườn để cố tìm thêm được dấu vết gì chăng; có lúc bước qua cả vườn sau hai nhà hàng xóm mà vẫn không tìm ra thêm được chút manh mối nào. Ngẫm nghĩ một lúc, Khoa quyết định bỏ nguyên ngày đi khắp mọi nơi Tắc Cậu để tìm kiếm. Hai đứa bé chắc chắn phải đi xin đồ ăn uống, như vậy quán ăn hay chợ là chốn chúng phải tới hàng ngày.

 Tắc Cậu không có họp chợ. Muốn đi chợ phải đón ghe ra Tắc Rán. Khoảng giữa Tắc Cậu có ba nóc gia liền nhau, tương đối khang trang lập nên những quán ăn nho nhỏ, bầy bàn cả trong nhà lẫn ngoài sân trước. Dân bán chính thức ngồi đợi tầu nhổ neo nên rảnh rỗi thường tới tụ tập đánh cờ và bàn chuyện ra khơi. Công an cũng mò tới đấy để kiếm ăn và kiếm…cây. Từ đó nơi đây tự nhiên biến thành trung tâm sinh hoạt của Tắc Cậu. Phường trưởng và phó phường thích ra đây ăn nhậu, chia nhà của người vượt biên và họp…chi bộ đảng. Nơi đây tự nhiên cũng trở thành chỗ lãnh phiếu thực phẩm của người dân Tắc Cậu. Lãnh mì sợi, khoai sắn xong bán liền cho các quán ăn khỏi phải khiên về nhà cho đỡ mất thì giờ của nhân dân.
Khoa tìm một góc quán, kêu cốc cà phê sữa nóng ngồi nhâm nhi quan sát tình hình.

Khách, hầu hết là những người đàn ông tới đây ngồi đánh cờ tướng chờ ngày Việt cộng cho tầu nhổ neo. Bàn cờ la liệt dựng lên ngoài sân. Đám trung niên nhiều tiền, thích đánh lớn, tập trung vào những tụ to. Vài ba tụ nhỏ cho đám thanh niên mới biết chơi. Trong nhà chỉ chứa những tụ đánh độ thật lớn, có một tụ chơi cờ domino. Người coi ngồi im lặng còn hơn người đánh. Thỉnh thoảng phát ra một vài tiếng than chua chát, bất mãn vì nước cờ lỡ. Đôi khi vài ba tiếng thốt thán phục vì nước cờ hay.
Công an phường cũng tụ tập ở các bàn cờ khá đông, vừa lấy tin tức, vừa làm công tác chi bộ, vừa nhận hối lộ. Ở một góc sân có một số người địa phương đứng, ngồi và nằm theo hàng chờ lãnh thực phẩm hàng tháng. Góc đối diện cũng có vài ba người xếp hàng để xin giấy chứng minh nhân dân đi đường hay nhập hộ khẩu trước một cái bàn trống. Mọi sinh hoạt của nhân dân đều ứ đọng chờ phường trưởng và ủy viên chi bộ phường đấu trí qua ván cờ.

 Khoa khẽ bật reo khi thấy thằng nhóc Hưng cũng đứng thứ ba trong hàng. Nó nhỏ bé, còi cọt, xanh xao và ốm đói quá mức khiến người thấy mà phải ứa nước mắt. Hình như thằng Hưng cũng biết thân phận của mình nên lặng lẽ cúi đầu, thu mình để tránh những ánh mắt soi mói của mọi người chung quanh. Khoa cũng thu mình trong một góc nhỏ của quán để thằng Hưng không nhận thấy.
Mặt trời đứng bóng, phường trưởng vừa đi nước pháo giăng vừa vẫy tay ra dấu đến giờ lao động hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hai anh công an lừng khừng đứng lên ra bàn ngồi thụ lý đơn xin phép và sửa soạn phát…cao lương cho nhân dân dùng. Nhân dân cũng lục đục uể oải đứng lên xếp hàng ngay thẳng để lãnh ơn huệ do bác, đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa ban bố. Mọi người sống im lặng, ù lì như những cỗ xe cũ kỹ rỉ rả chạy.

 Bỗng một tên ba trợn to lớn người từ đâu chạy tới trước mặt thằng Hưng hét to:
- Còi, mày không có hộ khẩu ở đây. Đi chỗ khác chơi, để tao lại chỗ xếp hàng của mày, lát nữa tao cho mấy cọng mì.
Hưng chỉ ra phía sau mạnh dạn trả lời:
- Tôi xếp hàng cho bà Năm. Bà đang đi tới kia kìa.
Hình như bà Năm cũng có thớ ở Tắc Cậu nên tên ba trợn ngâp ngừng đôi chút rồi từ từ chuồn ra cuối hàng đứng đợi. Hưng hãnh diện vênh mặt tấn công tiếp:
- Tôi tên Hưng, chứ không không phải là Còi. Tôi là người, có tên tuổi đàng hoàng của một con người, chứ không có tên của một con vật.
Mọi người nhìn thằng Hưng với ánh mắt ngạc nhiên. Phường trưởng đang lên tượng để chống nước pháo đầu cũng phải ngước mặt ra nhìn. Cả Khoa lẫn thằng Hưng đều hiểu được nó đang chuyển mình từ kiếp vật sang kiếp người sau bao năm bị chủ nghĩa cộng sản đẩy nó từ kiếp người xuống kiếp vật.
Tên ba trợn quê quê, quay lên hỏi tên công an:
- Tháng này nhà nước cho ăn gì, đồng chí " Ba tháng rồi cứ khoai mì hoài, ăn hổng vô. Nghe nói có mì sợi tháng này phải không đại ca "
Rồi nó cười lên sằng sặc như điên, rống to hát:
- Tổ quốc ơi, xơi khoai mì ớn quá. Tự dzải phóng dzô đây, ta ăn độn dài dài. Tự dzải phóng dzô đây, ta ăn độn trừ cơm.
Cả phường trưởng lẫn công an đều im lặng làm ngơ. Người cộng sản chuyên đàn áp cướp bóc giai cấp tư sản nhưng lại sợ nhất giới…liều mạng vô sản chuyên chính.
Thằng Hưng nhường chỗ cho bà Năm rồi lặng lẽ rút lui. Khoa cũng đứng lên, âm thầm bám sát theo nó. Đúng như dự đoán của Khoa, thằng Hưng đi lần về hướng căn nhà Khoa trú hôm trước rồi lẩn vào vườn sau. Khoa chạy vội vào trong nhà, đi ra sau bếp, hé mở cửa sổ lén nhìn ra. Bóng thằng Khoa biến mất. Chuồng gà vẫn trống trơn không người. Khoa bước ra chuồng gà đứng im lặng nhìn quanh, suy nghĩ cố tìm xem có một vết tích gì thêm. Vẫn chẳng thấy gì ngoài những dấu chân nhỏ bé dẫm đầy trên mặt đất.

 Chiều hôm đó, Khoa đi lang thang khắp Tắc Cậu mà vẫn không thấy được bóng dáng hai đứa bé. Khoa mua đồ ăn chiều và trở về lại căn nhà trọ treo mùng sớm, nằm vật vờ chờ màn đêm từ từ buông xuống.
Đúng khoảng nửa đêm, Khoa thức giấc vì những tiếng động bên ngoài hàng hiên. Khoa biết thằng Hưng đang treo mùng cho em nó ngủ ngoài đó. Khoa không lên tiếng vội, nằm im chờ xem phản ứng của nó ra sao. Nằm một lúc lâu, thằng Hưng chịu hết nổi nên gõ nhẹ vào cửa sổ hỏi:
- Anh ơi. Anh còn ngủ trong đó không" Em Hưng đây.
Khoa mỉm cười, giả bộ ngái ngủ:
- Có chuyện gì không em"
- Ngày mai anh vào kinh trong ngủ rồi phải không" Em muốn xin anh mấy cái lọ thuốc xịt muỗi.
Khoa ngồi dậy, mở hai cánh cửa sổ, ngoái đầu nhìn ra ngoài. Vẫn hai bộ xương bé tí teo với cái đầu bù xù lắc lư, nằm trong mùng. Thằng Hưng mở to mắt nhìn Khoa, con Hoa nhắm mắt, hình như đã ngủ say.
- Em muốn lấy cái gì trong nhà này thì cứ tự nhiên vào khuân đi. Khỏi phải hỏi anh chi cho mệt.
- Cho em hỏi anh thêm câu nữa.
- Ừ, em cứ việc hỏi. Bao nhiêu câu cũng được.
- Thuốc xịt muỗi này uống nhiều có làm chết mình không anh"
Khoa giựt mình, ngần ngừ vừa trả lời vừa hỏi lại:
- Thuốc diệt muỗi uống nhiều dĩ nhiên không chết cũng ngất ngư. Em tính chuyện gì vậy" Đừng có liều mình làm ẩu nhe. Từ từ, đợi ba em ở tù ra, sẽ về đây kiếm hai em. Cuộc đời các em sẽ đỡ hơn nhiều.
Thằng Hưng im lặng một lúc lâu, rồi khẽ thốt:
- Ba em chết rồi còn đâu mà chờ ra. Má em giấu ông nội, giấu chúng em không nói, nhưng mỗi đêm em thấy má em thức dậy thắp nhang, ôm hình ba em khóc. Má em buồn nên bịnh chết theo ba em. Em biết hết mà. Ông nội cũng biết nên mới bịnh chết.

Khoa sững sờ nằm im không biết trả lời ra sao. Có lẽ chết là cách giải quyết hay nhất cho hai đứa trẻ mồ côi sống trong cái thiên đường khốn nạn xã hội chủ nghĩa. Ông nội và mẹ nó cũng đã chọn cách giải quyết buông suôi này. Thằng Hưng thấy Khoa im lặng cũng không nói thêm câu gì. Nó nằm im một lúc lâu rồi khe khẽ hát:
- Tổ quốc ơi, xơi khoai mì ớn quá. Tự dzải phóng vô đây, ta ăn độn dài dài.
Tiếng hát thê lương, hiện thực xã hội chủ nghĩa vang nhẹ trong đêm khuya như lưỡi gươm bén đâm từng nhát một vào trái tim Khoa. Ngực của Khoa nhói lên từng hồi khi tưởng tượng ra xác của hai đứa bé nằm trơ trọi trong chuồng gà sau vườn bên cạnh những chai thuốc xịt muỗi. Cái chính sách thâm độc cột thật chặt cái bao tử của người dân để thống trị, kiểm soát do đảng cộng sản bầy ra đã gây bao nhiêu đọa đầy cho dân tộc Việt Nam. Người dân lúc nào cũng đói trơ xương thì bảo gì mà chả nghe, có sức đâu mà đi biểu tình chống đối. Khoa cũng lẩm bẩm đau đớn hát theo:
- Tự dzải phóng vô đây, ta ăn độn trừ cơm.
Khoa cựa mình gác đầu lên thành cửa sổ, tính nằm thức đến sáng để canh hai đứa nhỏ xem chúng sẽ đi đâu. Trời chưa sáng, Khoa bị đánh thức, không phải bởi thằng Hưng tháo mùng mà bởi người đại diện chủ tầu tới. Anh ta báo cho Khoa hay phải vào kinh trong ngay lập tức vì tầu đã được phép nhổ neo. Khoa bàng hoàng bước ra khỏi nhà, chỉ kịp rút hết tiền túi đưa cho thằng Hưng.
Thằng Hưng và con Hoa cũng bị đánh thức dậy cùng lúc với Khoa. Chúng ngồi trong mùng ngơ ngác nhìn ra. Khoa dặn nhỏ thằng Hưng:
- Đừng có làm ẩu em nhá. Em phải sống. Tìm đường mà sống. 

Khoa lái xe chậm chậm vào trước căn nhà rồi bước xuống xe, đứng ngẫm nghĩ lại những gì đã xẩy ra hai mươi sáu năm qua.
Cái căn nhà đơn giản với hai gian và cái hàng hiên rộng phía trước. Bên phải xa xa phía sau là cái chuồng gà và cái giếng nước. Khoa bước tới chuồng gà, đi vào trong ngắm nhìn một hồi. Cái chuồng gà bên Mỹ lợp bằng tôn, còn bên Việt Nam lợp bằng lá nên có vẻ mát mẻ hơn.
Đã bao năm qua, vợ chồng Khoa tốn nhiều công sức, nhờ người tìm giúp và gửi cả tiền về Việt Nam mướn người kiếm hai đứa bé nhưng không ai tìm ra được chúng. Chuyện của hai đứa bé mồ côi đã ảnh hưởng đến đời sống của vợ chồng Khoa quá sâu đậm đến nỗi Mai cũng tự hình dung ra căn nhà có hàng hiên lớn và cái chuồng gà.

Đầu thu ở Texas, trời vẫn nóng như thiêu. Khoa bước ra cái giếng khô, nhìn xuống coi có tí nước mát mẻ nào còn sót lại. Ở đáy giếng, đồ phế thải và chai bia vất đầy. Khoa thấy hai con búp bê nằm ngổn ngang giữa mấy lon bia. Nước mắt Khoa bỗng trào ra. Qua màn lệ, Khoa như thấy hai bộ xương gầy guộc của hai đứa bé mồ côi nằm lạc lõng giữa những chai thuốc trị muỗi.
Khoa qụy gập người xuống, áp má vào thành giếng, bật khóc:
- Hưng ơi, Hoa ơi, anh biết chỗ ngủ của hai em rồi.

Houston, cuối hè năm 2005,

Lê Như Đức