Ý THU
Chúng tôi từ Oslo sang Paris đưa tiễn người bạn vong niên, ông Hoàng, vừa
qua đời. Vợ chồng tôi ngồi lộn chỗ trên máy bay – lẽ ra hàng ghế 20, hoang
mang vì mất bạn thế nào mà sa vào hàng 21. Hai người ngồi bậy mà quấy rầy
an cư lạc nghiệp của sáu người. Trong số sáu người phải đứng lên để đổi chỗ
cho nhau, có một cô gái Á Đông rất xinh. Cô nói: “Cô chú muốn ngồi chung,
con đổi chỗ cho?” cô nói tiếng Việt, vậy mà lúc lên tàu tôi cứ tưởng cô người
Singapore, không hiểu tại sao lại tưởng như vậy. Tôi đáp cám ơn nhưng không
cần, vì điều chỉnh lại vợ chồng tôi vẫn ngồi cạnh nhau. An tọa rồi, tôi mới
thảnh thơi moi túi lấy sách ra đọc.
Sáng nay tôi rút cuốn L’étranger của Camus trong tủ sách, vì nó nhỏ, mỏng nhất. Đọc tới thái độ dửng dưng của
nhân vật Meursault trước cái chết của bà mẹ, tôi nghĩ đến người bạn già vừa chết và câu nói dễ thương của cô
gái Việt Nam. Ba cái chuyện chẳng ăn nhằm gì với nhau – cái chết của người mẹ trong tiểu thuyết, cái chết của
người bạn bằng xương bằng thịt, triết lý vô cảm của ông Camus, lời ân cần của người con gái đang ngồi đằng
sau – lại như quấn quít lấy nhau như dây trầu trong đầu tôi. Tôi nghiệm ra rằng những cái tưởng là rời rạc trên
đời luôn luôn được kết nối vào nhau thành một chuỗi bồ đề mà lý trí không lần thành câu kinh mạch lạc nào cả,
nhưng tâm trí rất bị cám dỗ quấn quít. Đọc tới chỗ Meursault vô cớ bắn năm viên đạn vào một thanh niên Ả-rập
không ân oán trên bãi biển, tôi gấp sách lại, để dành cho chuyến về.
Bỗng muốn gạ chuyện với cô gái. Đã có cớ để làm quen rồi mà – hồi nãy cô mở lời trước! Nhưng giá vợ tôi bắt đầu làm việc này, tôi thích hơn. Tiếc là nàng cũng bận đọc cuốn sách của mình. Vả lại nàng không ưa cái thói hay gạ chuyện của tôi. Anh lấy em, bắt đầu bằng gạ chuyện đấy, tôi cãi. Nhưng gạ chuyện người lạ, không hay, nàng nói. Trước khi thành vợ chồng mình cũng là người lạ thôi, em ơi!
Tình bạn giữa ông Hoàng và chúng tôi bắt đầu từ cái mà ngôn ngữ xã giao nói chẳng-ai-xa-lạ-cả. Ông Hoàng, trước năm 75 là chủ một lò bánh mì ở Chợ Lớn. Bánh mì của ông, ngoài việc bán bánh cho các thực quán Tây ở Sài Gòn, còn độc quyền giao cho Tòa Đại sứ Pháp, nhà thương Grall và nhiều cơ sở thương mại và văn hóa khác của Pháp. Từ năm 1953 tới 1955 ông còn giao bánh cho các đồn Tây trong vùng Sài Gòn Chợ Lớn luôn. Năm 1978 ông bị đánh tư sản mại bản, phiêu bạt sang đúng cái nôi ‘bánh Tây parisien’, nhưng ông không đắp lò nướng được như lời cam đoan ngon lành với vợ con khi xin định cư tại Pháp. Ông còn khoe tên tuổi nhiều người quen ở Pháp. Mất hai năm để tìm được một ông đại tá hồi hưu. Mục đích là thăm hỏi thôi, không phải để nhờ vả, vì ông đã mở được một quầy bán bánh mì cho tây đầm kẹp nách. Có đồng ra đồng vào. Chẳng biết ông cựu đại tá có nhớ ông bán bánh mì ngày xưa thật không, nhưng vui vẻ đánh máy một lá thư trong đó có câu ‘Mr. Đinh Hoàng là một người bạn tốt của người Pháp’. Ông mang thư về lộng kính treo trong phòng khách, bên cạnh hình lò bánh mì ở Chợ Lớn.
Quán bánh mì ở Quận 13 Paris sống lai rai được mười bảy năm, cho tới khi hai người con trai có gia đình riêng
và bà vợ qua đời, ông sang quán, về hưu luôn. Ông sống một mình trong một chung cư ở khu phố Tầu. Mỗi
bữa, đúng 11 giờ sáng ông ra khỏi nhà, đi ngang qua nhà giáo sư TKĐ, nếu thấy ông cựu giáo sư luật ngồi đọc
báo trong bếp, ông ‘bonne journée’ một cái. Biết nói to hay nhỏ thì, cửa sổ đóng, ông TKĐ cũng chẳng nghe,
nên nhiều khi ông làm biếng, chỉ máy môi. Ông đoán ông giáo sư già cũng máy môi thôi. Vậy mà hôm nào ông
TKĐ không ngồi trong bếp, ông thấy lo lo. Hoặc hôm nào lỡ hai cái máy môi không gặp nhau, ông thấy thiêu
thiếu.
Còn tôi, gặp ông lần đầu rất tình cờ. Năm nào, tôi không nhớ, nhưng đó là một ngày đầu xuân, mấy cây đào trên đường Simone Weil (con đường nhà ông) đang chớm nở hoa. Tôi thấy ông tới gần, liếc mắt nhìn lên cây đào, ý chừng tự hỏi trên đấy có cái gì lạ mà khách phương xa phải nhìn. Không lạ đối với ông, nhưng lạ đối với tôi – ở Na-uy chỉ có cây hạnh, hiếm có cây đào mà người bản xứ gọi là đào Nhật, còn tôi, phải gọi là đào Đà Lạt mới bằng lòng. Ngắm hoa một lát xong, tôi trở ra Avenue d’Ivry, ngồi trên cái băng gỗ chờ vợ đi chợ Tang Frères như đã hẹn. Tôi ngồi cạnh hai ông say mà lúc đầu tôi không thể đoán được là người xứ nào, mặt mũi dáng vóc Á Đông không lầm lẫn được, quần áo... Đông Dương, giọng nói lúc Quảng Đông, lúc Thái (tất nhiên tôi chỉ phân biệt được giọng, không hiểu lời). Có cái khạc nhổ liên hồi thì tôi không dám khẳng định là ‘nhãn hiệu’ của xứ nào. Cuối cùng tôi mới biết họ cũng là người Việt, nhờ bắt được vài chữ tiếng Pháp giọng Quảng Ninh (sau khi bức Tường Bá-linh sụp đổ, nhiều người sang Tây Âu xin ‘tị nạn’, đa số là người Quảng Ninh, Hải Phòng, giọng rất đặc biệt). Mỗi lúc phỏng đoán của tôi càng được xác nhận hơn khi hai ông bắt đầu cãi nhau và văng tục bạo hơn – bằng tiếng Việt rặt, Quảng Ninh. Cuối cùng họ thỏa thuận được điều gì đó, hạ thấp giọng và cùng đứng lên, lảo đảo đi tới một góc tường đằng kia. Tôi đưa mắt tò mò xem, thấy họ moi từ trong một cái bịch đi chợ hai chai bia, bỏ hai cái vỏ cũ vào. Quay lại, tôi thấy một người khác vừa chiếm chỗ trống trên băng. Chính là ông già mới gặp bên cây đào Đà Lạt. Ông cũng nhận ra tôi, “Mới thấy ông đằng kia, phải không?” Ông phàn nàn người ta khạc nhổ mất vệ sinh. Tôi khen đường phố Paris hồi này không còn cứt chó như hai mươi năm về trước – đâu nhất thiết cái gì cũng phải tồi tệ đi theo thời gian. Paris có cái hay không thay đổi là lề đường dành cho người đi bộ rộng thênh thang, đi mà muốn... lẻ loi, chả bù với Hà Nội, Sài Gòn – lề dường dành cho người đi bộ càng ngày càng hẹp lai, bây giờ chỉ còn chừng mét rưỡi mà xe gắn máy choán hết, không chừa chỗ cho người đặt bàn chân, và có chỗ nào trống thì coi chừng cứt người. Nghe nói thành phố Hà Nội được thiết kế mô phỏng theo Paris đấy. “Tôi sinh ở Hà Nội,” tôi nói. “Tui Mỹ Tho,” ông nói.
Rồi hai người đi mút về ngôi trường cũ của mình – và để ký ức la cà ở đó cho tới khi bóng ngôi nhà 20 tầng bên
khu Massena đổ sang một bên, mặt trời ló ra chói lòa mắt. Tôi nhìn đồng hồ. Ông vội nói “Muốn lại coi con nhỏ
của tui không?” Tôi xuýt phì cười – ông già mà còn con nhỏ? Hay là ông muốn tôi coi ‘thằng nhỏ’ của ông?
Khiếp! May, ông giải đáp thắc mắc thầm của tôi liền. Ông kể lai lịch người đàn bà hiện đang ở với ông. Ba năm
trước, cũng trên cái ghế này, ông thường ngồi rải bánh mì cho chim bồ câu. Nếu có người quen đi qua, ông vời
lại nói dăm ba câu chuyện cho đỡ ghiền. Nếu gặp tay quen rủ đi đánh mạt chược, thì nhất. Liên tiếp ba ngày liền
ông thấy một người đàn bà ngồi đấy, hai tay kẹp giữa đùi co ro.Thấy tôi ngẫn
ngơ không hiểu ô-xin là gì, ông giải thích “Ông không biết ô-sin là gì sao?
Tội nghiệp, Osin là tên riêng cô gái làm thuê trong phim Nhật. Dân mình hết sảy, chơi chữ quốc tế không. Hết
Tây ô-be bây giờ lại Nhật ô-sìn! Hừ, ô-be hay ô-sìn cũng chỉ là ở đợ!”
Ông trở về số phận người đàn bà trẻ: lợi dụng tình dục không được, chủ nhà đuổi ngang bà. Bà thì muốn ở lại Pháp, không phải để sướng thân (có gì mà sướng?) nhưng “có cái gì ấy ở ngoài này dễ thở hơn”. Nghe câu nói hơi văn vẻ ấy, ông nghĩ “con nhỏ láu cá tính ca sáu câu để mua lòng trắc ẩn mà thôi”. Yêu thầm có khi đến chết không ai hay biết, nhưng khinh khi, dù kín đáo bao nhiêu cũng không che giấu được – người đàn bà biết bị khinh khi, lặng lẽ bỏ đi. Hôm sau, khi ông Hoàng đi qua nhà giáo sư TKĐ, ông vẫy lại cửa sổ chỉ cho một tin trên báo đêm qua một phụ nữ Việt Nam uống thuốc ngủ tự vẫn ngoài đường.
Ông Hoàng giật mình đi tìm và
may mắn thấy ‘con nhỏ’ ở nhà thương. Đây là giây phút quyết định, ông nghĩ, đây là lúc mình chuộc lại tội giết
người vì sự dửng dưng vô tình. Ông quyết định nhận bà là người yêu chưa cưới. Ông khai như vậy với cảnh sát
di trú trước mặt bà. Bà trợn mắt, chối nguây nguẩy, bảo ông là người xa lạ. Ông một mực khai là hai bên đã hứa
hôn. Tự nhiên ông bịa ngon lành là người đàn bà có vướng mắc tình cảm cũ với ai đó, nên bây giờ phát khùng,
phủ nhận tình yêu đã hứa với ông. Ông nói ông sẵn sàng bỏ qua hết, nếu bà bằng lòng làm lại, lấy ông. Lạ lùng,
chính những lời khai như chửi nhau giữa hai người lại làm cho cảnh sát tin đây là một bi kịch gia đình thật,
không phải một trò xiệc di trú.
Vợ tôi khệ nệ từ trong Tang Frères đi ra, thấy tôi đang líu lo, nhếch môi một cái, ý nói lo gạ chuyện người lạ để
người quen xách nặng. Ông Hoàng chưa dứt lời, vội vàng gói ghém đoạn kết câu chuyện vào một câu đại khái
là lần đầu tiên ông dùng lá bùa ông đại tá, linh lắm, nó giúp ông làm giấy hôn thú rồi thường trú cho ‘con nhỏ’
xong cái roẹt. Chấm hết câu chuyện xong, ông mới đáp lời chào hỏi của vợ tôi. Nghe vợ tôi tự giới thiệu cũng
người Mỹ Tho, ông reo lên “Vậy ghé nhà tui coi con nhỏ? Có năm phút đi bộ thôi à.’
Đó là một người đàn bà
chưa tới tứ tuần, nhan sắc trên trung bình, tự nhiên, nước da sáng làm cho cả người sáng sủa ra, ăn nói lịch
thiệp, người Bắc mà.
Thế rồi mỗi năm chúng tôi đi Paris một lần, lần nào cũng ở khách sạn quen trong khu Quartier Chinois và tới
thăm ông bà Hoàng, có lúc ăn cơm trong nhà, có lúc chúng tôi mời ông bà ăn ở ngoài. Bà trông sang trọng hẳn
lên trong trang sức đi chơi phố. Khi đủ thân mật rồi, tôi xin ông bỏ hai chữ ‘con nhỏ’ đi, thay vào ‘Bà Hoàng
Bé’, ông không chịu – “Le Petit Prince từ sa mạc bay về trời, tui không muốn con nhỏ bay mất. Ông bà muốn
gọi nó là Hoàng Bé thì cứ gọi...” Còn bà gọi ông thân mật bằng ‘bố’. Những dịp ấy vợ chồng tôi cố quan sát
xem đây là tình thật hay tình giả. Lần nào cũng vậy, bất kể trùng mùa hoa đào nở hay mùa lá phong rơi, từ
đường Simone Weil về khách sạn hay đi dạo chiều bên bờ sông Seine, chúng tôi đều không kết luận gì được.
Giữa hai người là một mối tương quan mập mờ chưa chắc chính họ phân định được biên giới, hay đặt tên.
Tuổi tác ông gấp đôi bà, với nhan sắc kia bà dư sức rũ áo ra đi lấy một ông chủ tiệm phở, sao bà còn ở lại? Đã
có giấy thường trú trên ba năm, tại sao con sáo chưa sang sông, mà vẫn lui cui chăm sóc ông như một con gà
mái chăn con?
Ngược lại, ông có xơ múi gì không mà đối xử như có xơ múi? Bà đi làm có tiền riêng, nhưng
ông vẫn chia một phần ba tiền hưu mỗi tháng cho bà dư tiền chợ, thừa tiền túi. Biết bà có gửi tiền về Việt Nam,
ông cũng lờ đi, “quyền của con nhỏ”. Tết và Noël ông tặng bà quà rất hậu. Còn quà bà cho ông và cho các con,
các cháu của ông là do tiền... ông đưa! Ông tự khai cái hào sảng của mình, rồi lại tự xí xóa đi – “coi, nó cơm
nước áo quần cho tui như vầy...” Hai người ngủ riêng hai phòng; liệu lúc tối lửa tắt đèn ông có mò sang phòng
bà không? Tấm ra phẳng phiu trên chiếc giường đơn không trả lời câu hỏi của tôi.
Bây giờ ông chết, vấn đề sẽ
đơn giản hơn – về một mặt nào đó, tôi nghĩ.
Tôi bị cám dỗ, không thể để dành cuốn sách cho lượt về được. Phần hai nói về phiên tòa xử tội Meursault. Tôi
phải đọc nốt, vì hình như lời ông Hoàng nói khi tìm thấy bà Hoàng Bé trong nhà thương mà tôi vừa nhớ lại
(“Đây là lúc mình chuộc lại tội giết người vì sự dửng dưng vô tình”), có cái gì đó tương cận với tâm lý của anh
chàng Meursault trong truyện. Chà, đúng như linh cảm của tôi – trong phiên tòa, ông biện lý và cả dư luận báo
chí lấy thái độ dửng dưng của Meursault với mẹ ruột để buộc hắn tội cố sát không chạy vào đâu được! Làm như
sự vô tình với thân nhân là mầm mống giết người vậy.
Máy bay đáp xuống Orly vào xế chiều. Chúng tôi bỏ hành lý vào khách sạn rồi tới xóm bốn cây đào ngay. Lá
đào đã úa nhưng chưa rụng; nó dai hơn nhiều lá khác. Tôi dòm qua cửa sổ nhà số 09 tầng trệt. Tôi thấy ông
Hoàng! Không tin mắt mình, tôi bảo vợ nhìn lại xem, mắt em tinh hơn. Nàng cũng thấy ông và bà Hoàng Bé, họ
đang ngồi đếm cái gì trên bàn ăn. Nàng máy móc chộp lấy tay tôi – bàn tay nàng lạnh ngắt. Tôi nâng cườm tay
nàng nhìn... đồng hồ – 6 giờ kém 10, giờ Paris và Oslo bằng nhau. Giờ này ở Oslo tối như mực rồi, nhưng ở đây
chưa lên đèn.
Bỗng bà Hoàng Bé quay ra, nheo mắt nhận ra chúng tôi, vội vàng ra mở cửa. Ông Hoàng còn sống, ngồi đó,
cười mếu. Ông không còn ngồi thẳng lưng như bà Hoàng Bé thường nhắc được nữa, nhưng còn sống thật. Ông
dán mắt vào đôi môi lợt lạt của bà khi bà kể cho chúng tôi về vụ ông chết hụt.
Chiều thứ năm tuần trước, bà đi
làm về, thấy ông nằm bất động trên divan. “Cứ như những thứ năm khác, em ghé chợ rồi mới về thì bố theo ông
bà ông vải rồi...” bà phụ chú. Bà hoảng hồn gọi xe cấp cứu đưa ông vào nhà thương. Trong lúc ông hôn mê, bà
tưởng ông chết, nên điện thoại báo tin cho con cái ông, rồi cho chúng tôi. “Thế, trong lúc điện thoại cho ông bà,
em nói chết à? Em nói khó qua khỏi chứ! Vâng, có thể em nói chết... Hồn vía em nó nói chứ em chẳng biết
mình nói gì... Hú hồn!” Bà kể với những giọt nước mắt hạnh phúc, thỉnh thoảng liếc sang ông như trách móc –
làm người ta hết hồn. Rồi lại quệt nước mắt cười hi hí quay sang vợ tôi “Xin lỗi, em cứ tưởng bố đi luôn, cuống
lên, gọi hoảng làm mất công ông bà từ Norvège sang.”
Tới lượt ông nhìn bà âu yếm, chế diễu. Kể tạm xong, bà đứng lên, dùng tay áo mình phủi cái gì đó trên má ông,
rồi xuống bếp pha trà. Ông nói nhỏ với chúng tôi “Ở lâu sanh tình,” rồi thở dài, “trước tưởng chỉ là một sự trao
đổi, tui cần người đỡ đần, nó cần ở lại. Giờ thì có tình...” Ông nói tiếp, giọng mệt nhọc nhưng đầy hứng thú,
“Có tình thì có lý. Tôi vẫn áy náy lương tâm cái chuyện mình nói dối với cảnh sát sáu năm trước. Khai người lạ
là vợ chưa cưới, đâu có nên, là nói dối, là bậy trước pháp luật. Bây giờ có tình thật thì không còn là dối trá nữa,
phải không ông bà?” Tôi gật đầu tán thành. Vợ tôi, con người nguyên tắc, xuýt xoa khen ông xử tình lý vẹn
toàn. Nhân nói tới chuyện pháp luật, ông hỏi chúng tôi có nên lấy lại căn hộ này, tức là đứng tên không. Nhà là
nhà ông bỏ tiền mua, nhưng hồi đó tính già tính non chuyện thuế di sản, ông để cho hai thằng con đứng tên.
Không biết tí gì về luật lệ Pháp, tôi chưa biết trả lời ra sao, thì bà từ trong bếp bưng khay trà bánh ra, xen lời
“Không! Bố liệu còn sống bao năm nữa mà đòi đứng tên cái nhà, để làm gì? Phải để nguyên tên chúng nó!” Bà
thính tai thật! Chuyện trò gần khan cổ, Bà Hoàng Bé đòi đi làm cơm, vợ tôi gạt đi. Tôi thắc mắc hồi nãy hai
người đếm cái gì trên bàn. Nhưng tôi không nói ra – tôi còn nhiều ‘bí ẩn’ nho nhỏ như thế trên đời, thích để vậy
còn hơn được giải đáp sai.
Chúng tôi từ giã ông bà. Dưới ánh đèn đường, những chiếc lá phong đỏ như son nằm trên lề đường thênh thang.
Thu Paris, sang Oslo đã thành mùa đông. Mai xuống phi trường Gardermoen thể nào tôi cũng phải cạo băng
trên kính cái xe gửi ngoài bãi. Nghĩ hơi nản.
Thấy cô gái trong phi trường Orly, tôi cảm thấy như gặp lại một người đồng hương quen biết từ lâu. Trong câu
chuyện thăm hỏi nhau về chuyến đi có vui không, làm gì, mua gì... cô giới thiệu cho chúng tôi cái khách sạn cô
vừa ở, giá phải chăng, gần trạm Métro, tiện nghi. Lúc đưa danh thiếp của khách sạn cho vợ tôi, cô nâng hai tay.
Khi có lệnh lên tàu, cô đứng dậy, cười tươi, hỏi “Cô chú có cần con phụ xách gì không?” Chúng tôi trả lời
không. Vợ tôi nhìn cô dịu dàng hỏi, “Con ở Việt Nam sang N a-uy lúc mấy tuổi?” Câu hỏi lúc này có hơi lạc đề,
nhưng chính tôi đang muốn hỏi như thế. Không lẽ hỏi con cái nhà ai mà giờ này còn lễ phép như vậy. N hư hiểu
ý vợ tôi, cô gái giấu sự hãnh diện trong một nụ cười bẽn lẽn đáp, “Dạ con sanh tại Na-uy.”
Chúng tôi suy nghĩ trong im lặng.
Lên máy bay, hết cái đọc, tôi nhắm mắt làm như ngủ, nhưng trong đầu lượng
giá chuyến đi. Tôi cho năm sao – ‘rất hài lòng’ – được đấy. Lời quá chừng, tôi nói thầm. Ông Hoàng còn sống
là cái lời thứ nhất cho tôi. Ông được hoãn chuyến tới bao giờ không biết, nhưng một ngày sống sau khi chết hụt
của ông, từ nay sẽ trở thành một ngày vàng của tôi, và chắc chắn của ông. Sống như đo thời gian của chiếc lá
vàng rơi, một sát-na trên không là một vô tận biết ơn. Lại một chiếc lá vàng khác – lòng ân cần – vẫn chưa lìa
cành. Hạnh phúc biết bao, trong mùa thu cuộc đời, được ngắm những chiếc lá vàng còn đong đưa sự sống!
Những chiếc lá vàng chửa lìa cành, nhờ một ông già gần đất xa trời! Nhờ một cô gái trẻ sinh trưởng ở nước
ngoài. Nhờ một người đàn bà tới từ một nơi mà mùa thu năm ấy khởi đầu bằng trống chiêng tùng xòe rồi kéo
dài bằng tiếng kèn đám ma thõng thượt, vô cảm.
Thật kỳ lạ, phải trở về quê tạm để nghênh tiếp mùa đông nghiệt ngã mà lòng tôi hân hoan như về nhà. Như đi
gặp mùa xuân.
Tâm Thanh