Nhìn lại nỗ lực giành độc lập và thống nhất
cho Việt Nam của cựu Hoàng Bảo Ðại
Nhân dịp Cam Bốt làm lễ Quốc Tang cho cựu Hoàng
Sihanouk
Bài này được viết theo lời yêu cầu của
một số người trẻ trong đó nhiều người là sinh viên đại học nhằm bổ khuyết cho sự
hiểu biết của anh chị em này nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung về vị vua
cuối cùng của nhà Nguyễn nhân dịp 100 năm năm sinh của ông cũng như về một giai
đoạn lịch sử có quá nhiều góc tối hay góc khuất, và cũng nhân dịp đầu Xuân Quý
Tỵ 2013 sắp tới.
Yêu cầu này cũng đến không lâu khi cựu Hoàng Norodom Sihanouk của nước láng
giềng thân cận nhất của Việt Nam, Vương Quốc Khmer hay quen thuộc hơn, Cam Bốt,
vừa mới băng hà.
Khi liên lạc với tôi, như để chắc ăn, một trong những vị này đã dùng cả điện
thoại lẫn điện thư và để lại lời nhắn. Ðể đáp lễ, tôi cũng trả lời anh bằng điện
thư trước rồi sau đó gọi điện thoại cho anh. Hai chúng tôi thảo luận với nhau
rất lâu, không dưới một giờ đồng hồ về đề tài không mấy đơn giản nhưng vô cùng
cần thiết này. Câu chuyện phải nói là vô cùng hào hứng giữa hai người không cùng
thế hệ. Vì vậy thay vì viết một bài dưới hình thức khảo cứu, tìm hiểu hay bài
học dùng trong lớp học như tôi thường làm, tôi xin được tóm tắt những gì chúng
tôi đã chia sẻ với nhau cho bài viết bớt khô khan và nhẹ nhàng hơn hầu người bạn
trẻ của tôi có thể đăng trên báo Xuân của anh và các bạn của anh.
Tôi cũng tránh không nêu tên anh và tổ chức của anh để bài viết có thể được
dễ dàng phổ biến rộng rãi hơn cho những anh chị em thuộc những nhóm khác.
Nhu cầu cần được xét lại
Cựu Hoàng Bảo Ðại, như sau này người ta thường gọi ông kể từ ngày ông thoái
vị, thường bị nhiều người, Việt Nam có, ngoại quốc có, tệ hơn trong đó có cả các
sử gia, máy móc theo nhau gọi là vua bù nhìn, tay sai của hết Tây đến Nhật, một
ông vua chỉ ham ăn chơi đàng điếm, một thứ playboy do người Pháp nặn ra và đặt
lên ngôi để dễ sai bảo. Ngay cả sử gia Trần Trọng Kim, khi được học giả Hoàng
Xuân Hãn khuyên là nên gặp ông để tìm hiểu, lúc đầu cũng đã từ chối, gọi ông là
“thằng ngốc” - “thằng ngốc, gặp nó làm gì?” - nhưng sau khi đã gặp rồi, nhà học
giả kiêm sử gia này đã phải thay đổi hoàn toàn nhận định mà ông đã có từ trước.
Ở đây tôi không bàn về chuyện này mà chỉ nói tới những gì Bảo Ðại đã làm ngay từ
khi vị cựu hoàng này còn là Ðương Kim Hoàng Ðế hay sau này là cựu Hoàng và là
Quốc Trưởng của Quốc Gia Việt Nam.
Ðây là những đóng góp tôi nghĩ là không nhỏ, nếu không nói là vô cùng lớn lao
so với những đóng góp của những lãnh tụ khác của Việt Nam, trong công cuộc đấu
tranh giành độc lập và thống nhất cho quốc gia và dân tộc của ông bằng đường lối
hòa bình, phi bạo lực. Cho cá nhân ông, những nỗ lực của ông đã không mang lại
được những thành quả mà ông mong muốn. Ông đã không bảo vệ được di sản mà tổ
tiên ông để lại, đã không xây dựng được một chế độ quân chủ lập hiến cho đất
nước và thần dân của ông, điều ông muốn làm ngay từ đầu, không giữ được sự đoàn
kết dân tộc mà ông trịnh trọng ghi trong chiếu thoái vị... Cuối cùng ông đã bị
mọi người trách cứ, bỏ rơi và chết ở xứ người.
Thần dân cũ của ông không mấy ai để ý tới sự qua đời của ông, trái với cái
chết của một quốc vương khác trẻ hơn ông nhưng đồng thời với ông và cũng phải
đối phó với vấn đề độc lập của quốc gia giống như ông sau này. Tôi muốn nói tới
cựu Hoàng Norodom Sihanouk của xứ Cam Bốt. Giống nhưng khác với Bảo Ðại ở đường
lối đấu tranh vì trong đời ông, Sihanouk đã có thời dùng bạo lực để đàn áp đối
lập, đã cộng tác với Khmer Ðỏ, tổ chức Cộng Sản Cam Bốt chịu ảnh hưởng của Trung
Cộng của các lãnh tụ Pol Pot và Ieng Sary, một thời đã mang họa diệt chủng đến
cho xứ Cam Bốt khiến cho hàng triệu người dân của xứ này bị tàn sát bằng đủ mọi
phương tiện với hàng núi xương được phát hiện, cho đến nay vẫn được bảo tồn coi
như di tích của một thời đen tối nhất trong lịch sử của dân tộc Khmer. Còn Bảo
Ðại thì tuyệt đối không, kể cả việc ông đã từ chối không chấp nhận cho người
Nhật đứng ra bảo vệ lãnh thổ, hoàng cung và an ninh cho chính ngôi vị và bản
thân ông, chống lại cuộc nổi dậy của Việt Minh và những người Cộng Sản hồi Tháng
Tám năm 1945 theo trách nhiệm giữ gìn trật tự mà quốc tế giao cho họ. Lý do đơn
giản là vì Bảo Ðại không muốn dùng người ngoại quốc để chống lại người Việt Nam,
đồng bào của ông và thần dân của ông. Sihanouk đã được chính quyền và người dân
Cam Bốt thương tiếc bằng những giọt nước mắt nhỏ xuống bên lề đường hay ở trên
công viên trước hoàng cung ở Nam Vang hay ở nhiều nơi ở Cam Bốt. Người ta đã
long trọng đón thi hài của ông từ Bắc Kinh được đưa về Nam Vang và long trọng
làm quốc tang cho ông trong bốn ngày đầu Tháng Hai năm 2013, vào lúc người Việt
Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại sửa soạn mừng đón Xuân Quý Tỵ.
Nỗ lực canh tân đầu tiên với Phạm Quỳnh và Ngô Ðình Diệm
Trở về với những cuộc tranh đấu của cựu Hoàng Bảo Ðại. Nhà vua đã bắt đầu sự
nghiệp này của mình từ rất sớm, ngay từ khi ông mới từ Pháp trở về nước để chính
thức lên ngôi, sau hơn mười năm du học và hấp thụ được cả hai nền văn hóa
Ðông-Tây qua sự rèn luyện của cựu Khâm Sứ Charles về phía người Pháp và cử nhân
Lê Như Lâm với tư cách là giảng tập hồi nhà vua còn ở Việt Nam rồi phụ đạo trong
suốt thời gian ông ở Pháp về phía người Việt, trong các năm các năm 1922-1932.
Tranh đấu này mang tính cách của một cuộc cải cách và đã được khơi mào bởi những
vận động của giới trí thức đương thời trước đó, đại diện là học giả Phạm Quỳnh
của báo Nam Phong xuyên qua những bài viết của họ Phạm về một chế độ quân chủ
lập hiến và về nhu cầu trả lại cho nhà vua quyền nội trị ở hai xứ Bắc kỳ và
Trung kỳ và trả lại tổ quốc cho người Việt Nam. Mở đầu, ngay từ Tháng Chín năm
1932 Phạm Quỳnh đã được cử làm Ngự Tiền Tổng Lý Văn Phòng hàm Thượng Thư để trực
tiếp làm việc với nhà vua. Tiếp theo, ngày 10 Tháng Mười Hai năm 1932 bằng một
đạo dụ, nhà vua loan báo chính thức cầm quyền qua một chính thể quân chủ lập
hiến kèm theo với nhũng dự án cải tổ guồng máy cai trị, hệ thống quan lại, tổ
chức giáo dục và tư pháp, Viện Dân Biểu Trung Kỳ... Ðể thực thi những dự án này,
ngày 2 Tháng Năm năm 1933, như một biến cố bất ngờ, Bảo Ðại lại ký một dụ khác
loan báo tự mình chấp chánh và thay thế sáu vị thượng thư già bằng những nhân
vật trẻ trong đó có Ngô Ðình Diệm giữ Bộ Lại, Phạm Quỳnh giữ Bộ Học, Bùi Bằng
Ðoàn Bộ Hình...
Những việc làm đầu tiên kể trên của Bảo Ðại, mặc dầu đã đem lại những tia hy
vọng cho người dân ở hai xứ Bắc và Trung kỳ về một vận hội mới cho đất nước, đã
không tồn tại lâu dài, một phần vì người Pháp cản trở vì trả lại quyền nội trị ở
Bắc kỳ và ở Trung kỳ là trở lại với Hòa Ước 1884 từ đó sẽ động tới các chức
thống sứ Bắc kỳ và khâm sứ Trung kỳ, một phần là do mâu thuẫn nội bộ giữa phe
quan lại cũ và những trí thức mới, giữa những người đi vào hoạn lộ qua ngả quan
trường và những người đi vào đường này qua đường tắt cũng như giữa hai nhân vật
chủ cốt là Phạm Quỳnh và Ngô Ðình Diệm mà nhà vua đặt hết tin tưởng vào coi như
đôi xe bổ khuyết, hỗ trợ cho nhau. Cuối cùng Ngô Ðình Diệm từ chức, lôi cuốn
theo một vài nhân vật mà nhà vua tin cậy khác. Thất bại trong cố gắng đầu đời,
nhà vua trở thành “cô đơn, chỉ có một mình” để đến khi Hoàng Xuân Hãn nhắc ông
là phải làm gì vì giới thanh niên mong đợi, nhà vua đã hỏi lại “Làm gì? Làm với
ai?” Có điều ông vẫn không hoàn toàn mất hết hy vọng như sau này ông ghi trong
hồi ký của ông: “Dù sao đi nữa, sự có mặt của tôi trên ngôi vẫn làm cho giới trẻ
giữ được niềm hy vọng. Những người như Ngô Ðình Diệm và Nguyễn Ðệ lúc ấy sẽ lại
ra giúp tôi theo chiều hướng này”. “Chắc người Pháp cho rằng tôi đã ngoan ngoãn
biết nghe theo lời của họ. Dù họ có tin rằng họ đã thắng một cách dễ dàng, tôi
cũng chẳng nên có lý do gì ngờ vực tôi. Tôi tin rằng nhân dân sẽ hiểu các hình
thái buông thả bên ngoài của tôi, bởi cái hình thái ấy cho thấy sự thờ ơ, lơ là
với nhiệm vụ của tôi...” và ông đã sống sót để chờ thời, không bị rơi vào số
phận của các vua Thành Thái và Duy Tân mà ông hiểu rõ hơn ai hết cũng như bị mất
tinh thần và trở thành một con người vô dụng.
Cơ hội mới: Nhật đảo chính Pháp, 9 Tháng Ba 1945 - Chính phủ Trần
Trọng Kim hay là Cuộc cách mạng phi bạo lực bị bỏ lỡ
Niềm hy vọng và sự kiên nhẫn của Bảo Ðại kể trên đã không uổng. Mười hai năm
sau, năm 1945, cơ hội lại đến với nhà vua một lần nữa. Lần này do người Nhật
mang lại sau cuộc đảo chính ngày 9 Tháng Ba năm 1945 lật đổ người Pháp của họ.
Không còn con đường nào khác tốt hơn và cũng không để lỡ cơ hội bước đi những
bước khởi đầu, khi được người Nhật yêu cầu nhà vua đã cho công bố bản Tuyên Ngôn
Ðộc Lập đầu tiên trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Chính phủ Trần Trọng Kim đã
được thành lập với các bộ trưởng đều là những nhà tân học có khả năng, và đạo
đức nổi tiếng đương thời đứng đầu bởi nhà giáo kiêm học giả Trần Trọng Kim, tác
giả của những bộ sách Giáo Khoa Thư và nhất là bộ Việt Nam Sử Lược cho tới khi
bài này được viết vẫn còn thông dụng, với sự cộng tác của những tên tuổi quen
thuộc với học giới đương thời như Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, Luật Sư Vũ Văn Hiền,
luật sư kiêm nhà báo Phan Anh, Luật Sư Trần Văn Chương...
Mặc dầu không tồn tại lâu dài, tất cả chỉ được hơn bốn tháng, thực tế còn
ngắn hơn nhiều, hoạt động trong hoàn cảnh chiến tranh, bị Việt Minh đánh phá
ngay từ đầu rồi tuyên truyền phá hoại và thiếu thốn đủ mọi phương tiện, chính
phủ Trần Trọng Kim đã tạo được những thành tích đáng ca ngợi.
Cả một chương trình hành động nhằm xây dựng một nước Việt Nam mới đã được dự
trù bao trùm mọi phạm vi sinh hoạt từ soạn thảo hiến pháp, cải tổ thuế má, Việt
Nam hóa giáo dục, thu hồi các nhượng địa, kể cả xứ Nam kỳ, cứu đói, chống nạn mù
chữ... đều đã đồng thời được thực hiện. Quốc hiệu Việt Nam với danh xưng đầy đủ
là Ðế Quốc Việt Nam đã được lựa chọn cùng với bài Ðăng Ðàn Cung làm quốc ca, cờ
quẻ ly nền vàng ba sọc đỏ với hai sọc trên liền, sọc giữa đứt đoạn làm quốc kỳ.
Danh xưng bộ trưởng để gọi những người đứng đầu các bộ được dùng để thay thế
bằng danh xưng thượng thư của thời trước, các tên Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ thay
thế cho các tên Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ mang nặng dấu vết của thời thuộc địa.
Chương trình giáo dục bằng tiếng Việt được biết dưới tên Chương Trình Hoàng Xuân
Hãn đã được soạn thảo và áp dụng và đã trở thành nền tảng cho nền giáo dục sau
này, rõ hơn những năm đầu của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thời Quốc Gia Việt Nam
và hai thời Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa ở miền Nam. Bài Ðăng Ðàn Cung tuy được
chọn làm quốc ca nhưng trên thực tế thì bài Tiếng Gọi Sinh Viên đã được giới
thanh thiếu niên, dưới sự hướng dẫn của các thày giáo ở các trường hát mỗi ngày
một nhiều, đã được phổ biến hơn không phải chỉ ở miền Bắc và miền Trung mà luôn
cả ở miền Nam, miền đất cho đến khi chính phủ của thủ tướng họ Trần được thành
lập vẫn chưa thực sự được trả về với lãnh thổ quốc gia, để sau này trở thành
quốc ca, một hiện tương đã nằm trong ký ức của những người thuộc thế hệ trẻ
đương thời tới nay vẫn chưa hề phai nhạt.
Nỗ lực lần thứ hai của Bảo Ðại tuy nhiên cũng không tồn tại được lâu dài. Thế
Chiến Thứ Hai chấm dứt với sự đầu hàng của Nhật Bản đã một lần nữa làm cho nhà
vua phải bỏ dở. Lợi dụng cơ hội, Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội và các tỉnh
miền Bắc và áp lực những thành phần thiên Cộng khiến cho ngày 25 Tháng Tám năm
1945 ông phải xuống chiếu thoái vị trao quyền cho Hồ Chí Minh và chính phủ lâm
thời của ông này do Việt Minh lãnh đạo. Với Chiếu Thoái Vị, Bảo Ðại đã trở thành
nổi tiếng với câu nói: “Trẫm để hạnh phúc của dân Việt Nam lên trên ngai vàng
của Trẫm. Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.”
Nỗ lực lần thứ ba: Hiệp Ðịnh Élysée và sự thành Lập Quốc Gia Việt Nam
- Thâu hồi xứ Nam kỳ về cho lãnh thổ của dân tộc
Bỏ qua những cố gắng của ông thời đầu thập niên ba mươi của thế kỷ trước và
những cố gắng của ông sau khi ông tuyên bố độc lập ngày 11 Tháng Ba năm 1945 mà
tôi tóm tắt như trên, những biến cố ít người được biết đến, công lao lớn nhất mà
Hoàng Ðế Bảo Ðại đã thực hiện được cho những người Việt Quốc Gia không chấp nhận
chế độ Cộng Sản hay không sống nổi với chế độ Cộng Sản, đã ở lại, đã về hay dự
tính về những vùng kiểm soát của người Pháp vào nửa cuối thập niên 1940 là Hiệp
Ðịnh Élysée mà ông đã đạt được ngày 8 Tháng Ba năm 1949, sau một thời gian dài
thương thuyết, dưới hình thức trao đổi văn kiện giữa ông và Tổng Thống Pháp
Vincent Auriol.
Với Hiệp Ðịnh Élysée, Quốc Gia Việt Nam hình thành để những ai không chấp
nhận chính quyền Cộng Sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo có chỗ trở về trong danh nghĩa
của những công dân của một nước Việt Nam độc lập. Không có Bảo Ðại, không có
Quốc Gia Việt Nam, tất cả đều được nhìn hoặc như là theo Pháp để trở thành Việt
gian làm bồi cho thực dân, đế quốc, hoặc là phải ở lại vùng Việt Minh kiểm soát
để sớm muộn cũng bị loại trừ và tiêu diệt. Ðiều này đã xảy ra. Nói cách khác,
Bảo Ðại và Hiệp Ðịnh Élysée đã đem lại chính nghĩa cho những người đương thời
không chấp nhận chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản. Chưa hết, với Hiệp Ðịnh Élysée,
Bảo Ðại đã thâu hồi lại xứ Nam kỳ cho tổ quốc Việt Nam một cách hòa bình, không
đổ máu mà Hồ Chí Minh và Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đó qua những
thỏa ước 6 tháng 3 rồi 14 tháng 9 năm 1946 hay hội nghị Ðà Lạt và Fontainebleau
đã không làm được.
Lễ thâu hồi chính thức được cử hành vào ngày 14 tháng 6 năm 1949. Với tư cách
Quốc Trưởng của Quốc Gia Việt Nam, lần đầu tiên ông đã từ Ðà Lạt, thủ đô tạm
thời của ông về Saigon để long trọng đón phần đất đã từng là thuộc địa của Pháp
từ năm 1862 trở về với lãnh thổ quốc gia và người dân Nam kỳ đã trở thành công
dân của Quốc Gia Việt Nam để cùng tham gia xây dựng lại đất nước dù là ở miền
Nam, miền Trung hay miền Bắc. Một người dân miền Nam không lâu sau đó đã được bổ
nhiệm đứng đầu miền Bắc. Ðó là Ðốc Phủ Sứ Nguyễn Văn Tâm, với danh vị Thủ Hiến
Bắc Việt. Ðây là một sự thực không ai có thể chối cãi được và khi nói xấu ông
người ta chỉ còn cách lơ đi không nói tới mà thôi.
Quốc Gia Việt Nam thường được hiểu là tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa, từ đó
bị ngộ nhận là có lãnh thổ chỉ là lãnh thổ của miền Nam Việt Nam sau này tức từ
vĩ tuyến 17 trở xuống. Ðiều này không đúng. Bắt đầu từ thời điểm 14 Tháng Sáu
năm 1949, khi Nam kỳ trở về với lãnh thổ của Quốc Gia Việt Nam và cho đến khi
Hiệp Ðịnh Genève được thông qua và trở thành có hiệu lực, chính quyền Quốc Gia
Việt Nam của Quốc Trưởng Bảo Ðại đã chính thức và hợp pháp kiểm soát những miền
đất phía trên vĩ tuyến này, từ Lào Kai, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng
Cáy... cho tới Hà Tiên và mũi Cà Mau, từ đồng bằng cho tới các cao nguyên do
người Pháp chiếm giữ trước đó và trao trả. Nói cách khác, Quốc Gia Việt Nam có
lãnh thổ bao trùm đất đai của người Việt từ Bắc chí Nam, từ biển Ðông với các
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Thủ Tướng Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Trần
Văn Hữu đã long trọng xác nhận ở Hội Nghị San Francisco vào hai ngày 6 và 7
Tháng Chín năm 1951) tới các cao nguyên và miền núi, sau này, từ ngày 14 Tháng
Sáu năm 1949, bao gồm luôn cả miền Nam hay Nam kỳ Lục Tỉnh thay vì chỉ có miền
Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống tức lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa về sau
này.
Cờ vàng ba sọc đỏ và bài Tiếng Gọi Thanh Niên sau này là Tiếng Gọi Công Dân
đã được tung bay hay được hát ở khắp nơi hay đối với giới trẻ đương thời, được
học sinh các trường trung và tiểu học, mới được mở cửa trở lại sau những ngày
đầu của chiến tranh, hát lên buổi sáng trước khi vào lớp. Quốc kỳ này và quốc ca
này đã được lựa chọn cùng thời với danh xưng Quốc Gia Việt Nam đã liên tục được
duy trì qua các thời Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam trong suốt
hai mươi năm tồn tại. Sau này cả hai vẫn được bảo tồn và bảo vệ ở hải ngoại coi
như hai biểu tượng vừa thiêng liêng vừa thân thiết nhất của người Việt ở khắp
nơi trên thế giới. Một sinh hoạt bình thường đã thực sự hồi sinh. Các cơ cấu từ
chính trị, hành chánh, quân sự, văn hóa, giáo dục mang màu sắc nhân bản vừa cổ
truyền, vừa tân tiến theo trào lưu mới đã từng bước một thành hình và làm nền
tảng cho các sinh hoạt ở miền Nam trước khi bị những người Cộng Sản phá bỏ để
thay thế bằng những tổ chức riêng của họ. Nên nhớ là với Thỏa Ước Sơ Bộ ngày 6
Tháng Ba năm 1946 Hồ Chí Minh ký với đại diện Cao Ủy Pháp ở Ðông Dương Jean
Sainteny và Tạm Ước 14 Tháng Chín ký với Bộ Trướng Pháp Quốc Hải Ngoại Marius
Moutet vấn đề thống nhất xứ Nam kỳ chưa được giải quyết. Nói cách khác Nam kỳ
cho tới ngày 14 Tháng Sáu, trước khi được Bảo Ðại thu hồi vẫn thuộc quyền cai
quản của người Pháp theo các Hòa Ước 1862 và 1874. Sau ngày 14 Tháng Sáu năm
1954, xứ này mới thực sự trở về với lãnh thổ của Quốc Gia Việt Nam, sau này là
Việt Nam Cộng Hòa và luôn luôn nằm ngoài lãnh thổ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa cho mãi đến sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975.
Ðối với những người thuộc thế hệ sinh từ cuối thập niên 1920 và hai thập niên
1930, 1940, sự hình thành của Quốc Gia Việt Nam đã đem lại cho họ một nền giáo
dục nhân bản và tiến bộ, vừa mang những đặc tính của thời xưa, vừa cởi mở, khai
phóng để đón nhận những tinh hoa của thời đại thay vì lang thang không được đi
học trong nhiều năm trong vùng “kháng chiến”. Nền giáo dục này đã cung cấp cho
họ những điều kiện cơ bản để tiến xa hơn về sau này. Cũng vậy với sự thành lập
Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam từ đầu thập niên 1950 mà người ta hầu như đã
quên.
Ðối với những người làm văn chương, âm nhạc và nghệ thuật sự thành lập Quốc
Gia Việt Nam là thời kỳ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới vừa tiếp nối
giai đoạn canh tân, trẻ trung, đầy sinh lực và lãng mạn của thời cuối thập niên
1930, đầu thập niên 1940 vừa tràn ngập hân hoan, hào hứng và tin tưởng vào cuộc
đấu tranh giành độc lập, thống nhất lãnh thổ và phát triển quốc gia dưới một
chính quyền mới không Cộng Sản. Rõ rệt nhất trong hiện tượng này là trường hợp
của các nhạc sĩ trong đó có Phạm Duy, Thẩm Oánh, Hùng Lân, Phạm Ðình Chương...
chỉ kể một vài tên tuổi quen thuộc.
Nói về Hiệp Ðịnh Élysée và những thỏa thuận giữa Bảo Ðại và người Pháp trước
đó, nhiều người cho rằng cựu hoàng đã vội vã và không đòi hỏi đúng mức những gì
có thể đòi hỏi được. Các vị này chủ trương là phải đòi độc lập hoàn toàn. Ðiều
này đúng nhưng không thực tế. Thời điểm của những năm 1948, 1949 với sự thắng
thế mỗi ngày một rõ của Hồng Quân Trung Hoa ở Trung Quốc, cả hai phía người Pháp
và Bảo Ðại phải cấp tốc giải quyết vấn đề. Không những thế, đuổi Pháp đi thì
ngay lập tức lấy gì để chống Việt Minh và ngay lập tức điều hành toàn thể mọi
sinh hoạt của đất nước? Vấn đề không đơn giản. Người ta không thể điều đình mà
không tương nhượng và dự trù cho những sự hợp tác tương lai.
Ðóng góp cuối cùng: Hiệp Ước Paris 04 Tháng Sáu 1954 - một nền độc
lập hoàn toàn cho Quốc Gia Việt Nam
Hiệp Ðịnh Élysée chỉ là khởi đầu. Nền độc lập do hiệp ước này mang lại chưa
thực sự hoàn toàn. Nhiều bước tiến khác còn phải được thực hiện. Bảo Ðại đã tiếp
tục và đã hoàn tất được công tác này với sự trợ giúp của những trí thức hiểu rõ
nước Pháp và người Pháp, giỏi về chính trị và luật pháp có mặt ngay trên đất
Pháp và giảng dạy ngay tại các đại học Pháp, những người có đầy đủ học vị, thực
học và kinh nghiệm. Ðích thân ông, ông đã phải sang Pháp, ở tại chỗ nhằm tự mình
theo dõi và đôn đốc. Sau một tiến trình đàm phán gay go và lâu dài, hai hiệp ước
đã thành hình.
Với hiệp ước thứ nhất, Pháp công nhận hoàn toàn nền độc lập và chủ quyền toàn
vẹn của Quốc Gia Việt Nam và qua hiệp ước thứ hai, Việt Nam thỏa thuận gia nhập
Liên Hiệp Pháp. Ðại diện cho nước Pháp là Thủ Tướng Joseph Laniel và đại diện
cho Việt Nam là Thủ Tướng Bửu Lộc. Ngày được ghi là 04 Tháng Sáu năm 1954 và địa
điểm là Paris, thủ đô của nước Pháp. Bảo Ðại đã không có được niềm hạnh phúc mà
cả đời ông ấp ủ là được chứng kiến lễ ký kết những hiệp ước này. Ngày 7 Tháng
Nam, Ðiện Biên Phủ thất thủ, Hiệp Ðịnh Genève đang thành hình và cả hai văn bản
đã bị vĩnh viễn xếp lại. Một lần nữa thành công của vị hoàng đế cuối cùng của
triều Nguyễn đã không trọn vẹn.
Ðiều ta nên nhớ là trong nỗ lực cuối cùng này, ông đã phải dời bỏ quê hương
của ông sang Pháp để đích thân gặp các nhân vật lãnh đạo Pháp, kể cả Tổng Thống
Auriol, theo dõi và đôn đốc các đại diện của mình, bị báo chí Pháp công kích vì
đã đòi hỏi quá nhiều, sau này lại còn bị mang tiếng là ham sống ở nước ngoài
không chịu về nước.
Dù sao với hai hiệp ước đề ngày 04 Tháng Sáu này, ông đã đem lại được những
gì ông mong ước cho đất nước và cho thần dân Việt Nam của ông. Thiên Mạng của
ông sau đó không còn nữa. Ðiều đáng tiếc là ông đã không còn trở về quê hương
của ông để làm công dân một nước độc lập như ông mong muốn được nữa. Người đời
đã quên ông và thần dân của ông đã quên ông hay nếu nhớ tới ông chỉ là nhớ để
trách cứ. Mà trách cứ thì luôn luôn dễ hơn là ghi nhận và nhất là ghi ơn. Người
ta đã đòi hỏi ở ông quá nhiều mà quên mất một điều là dù là vua, là thiên tử,
ông vẫn chỉ là con người, con người với tất cả mọi nhược điểm của con người,
nhiều khi không phải do bản chất của người ấy mà do hoàn cảnh gây ra. Bảo Ðại đã
lên ngôi vào lúc chế độ quân chủ ở Việt Nam đang ở tình trạng suy đồi và bị tấn
công từ nhiều phía trong lúc chủ trương dân chủ mỗi ngày mỗi thêm thắng thế.
Người ta không biết có bao nhiêu giọt nước mắt đã nhỏ xuống cho ông khi ông qua
đời như chúng đã được nhỏ xuống khi ông đọc chiếu thoái vị trước cửa Ngọ Môn hồi
năm 1945. Phải chăng sau hơn nửa thế kỷ, hơn 52 năm sau, tất cả đều đã thay đổi?
Có điều đất nước Việt Nam vẫn không hề tiến bộ hơn, lãnh thổ quốc gia mà Bảo Ðại
đã thâu hồi hay xác nhận chủ quyền và để lại cho những người kế vị ông đã bị hao
mòn không ít, và người dân Việt Nam bình thường vẫn chưa tìm lại được cuộc sống
thanh bình, no ấm mà bất cứ một vị vua nào trong lịch sử nước nhà đều mong mỏi
với một xã hội trong đó “Triệu tính âu ca lạc thịnh thì” như Trần Nguyên Ðán đã
miêu tả xã hội Ðại Việt cuối thời Nhà Trần.
Phạm Cao Dương