Tuesday, September 30, 2014

\Nguyễn Quang Duy

Họ không thế giết hết chúng ta


Video TIẾN LÊN HỒNG KÔNG !   Xin hãy giúp Hong Kong



Giữa trung tâm thương mãi Hồng Kông, một khẩu hiệu thật lớn đến năm thước mỗi bề được hằng trăm bạn trẻ giương cao "They can't kill us all" tạm dịch là "Họ không thể giết hết chúng ta".

Các bạn trẻ cũng thường xuyên hô vang "Họ không thể giết hết chúng ta" để nói lên quyết tâm đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.


Hồng Kông một lãnh thổ thuộc Anh Quốc từ năm 1842 đã chuyển giao cho Trung Quốc năm 1997 với quy định dân chúng Hồng Kông được hưởng quy chế tự trị ít nhất 50 năm hay đến năm 2047.

Trong vòng 150 dưới sự quản lý của người ngọai quốc, người dân Hồng Kông được cho là chỉ biết kiếm tiền, chỉ sống vì tiền và ở đây tiền là tất cả. Nay đã đổi khác.

Diễn Biến

Ngày 13-9-2014 vừa qua nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh ra quyết định tất cả các ứng cử viên của cuộc bầu cử năm 2017 phải được chấp thuận bởi một ủy ban do Bắc Kinh chỉ định. Kiểu “Đảng cử Dân bầu” được diễn ra tại Việt Nam bấy lâu nay.

Quyết định đã gây phẫn nộ mọi tầng lớp dân chúng Hồng Kông nhất là trong giới trẻ.

Năm 2011, tại Hồng Kông đã xảy ra một chuyển biến lớn lao, Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) một người trẻ, khi Hồng Kông được chuyển giao cho Trung Quốc 1997 chưa đến 1 tuổi, đã đứng lên kêu gọi biểu tình phản đối việc áp dụng Chương Trình giáo dục kiểu cộng sản.


Lời kêu gọi của Hoàng Chí Phong đã được 120 ngàn người đáp ứng với 13 bạn trẻ tình nguyện tuyệt thực phản đối. Họ bao vây trụ sở Hành Chính Hồng Kông và cuối cùng chính quyền phải nhượng bộ.
Lần này Hoàng Chí Phong lại tiếp tục đứng lên kêu gọi nhân ngày Quốc Khánh 1-10-2014, kỷ niệm lần thứ 65 cộng sản nắm quyền tại Trung Quốc, người dân Hồng Kông hãy xuống đường đòi hỏi quyền tự quyết cho mình.

Đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, rõ ràng đây là một thách thức chính trị. Vì nếu họ để một người không cộng sản lãnh đạo Hồng Kông họ sẽ mất kiểm sóat và nhiều rủi ro khó lường trước.

Đòi hỏi tự do ứng cử và bầu cử sẽ lan sang lục địa, nơi mà hiện nay đảng Cộng sản đang gặp nhiều khó khăn về cả chính trị, kinh tế lẫn xã hội.

Lời kêu gọi của Hoàng Chí Phong đã nhanh chóng được được giới học sinh và sinh viên đáp ứng bằng cách bãi khóa xuống đường biểu tình, bao vây khu hành chánh. Các tổ chức chính trị và dân sự khác khi thấy giới trẻ dấn thân cũng nhanh chóng nhập cuộc.

Ngày 22-9 chừng 13.000 học sinh đã bắt đầu một tuần lễ bãi khóa, toạ kháng tại khuôn viên đại học. 

Hình ảnh những người trẻ với nơ vàng hay khăn vàng buộc trên trán đã nhanh chóng trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh lần này.

Họ thành lập nhóm Chiếm Khu Trung Tâm (Occupy Central) khởi đầu chiến dịch bất tuân dân sự vận động biểu tình ngày 1-10 sắp tới.

Để đáp lại nhà cầm quyền Hồng Kông đã bắt giữ lãnh đạo phong trào Hoàng Chí Phong (Joshua Wong), nhưng chỉ giam 2 ngày thì tòa án Hồng Kông đã ra lệnh cảnh sát phải thả.

Ngày thứ bảy 27-9, chừng 60.000 người bắt đầu tổ chức tuần hành và tìm cách nối kết với những người đang toạ kháng tại trung tâm hành chính trung ương.

Cảnh hằng chục ngàn thanh thiếu niên trẻ một cách ôn hòa và trật tự tiến vào khu trung tâm đã nhanh chóng được truyền thông rộng rãi trên tòan thế giới.

Sáng sớm chủ Nhật ngày 28-9, khi cảnh sát bắt giữ một số sinh viên tại trụ sở chính của khu hành chính trung ương, nhóm Chiếm Khu Trung Tâm ra quyết định khởi động các cuộc biểu tình sớm hơn dự định.
Đến tối, theo lệnh Bắc Kinh cảnh sát đã chính thức cảnh báo cuộc biểu tình là “bất hợp pháp” và thẳng tay đàn áp. Cảnh sát xịt hơi cay, bắn lựu đạn cay, bắt giữ thành phần lãnh đạo sinh viên.
Mặc cho phía cảnh sát đàn áp đòan biểu tình vẫn tiếp tục bám lấy Trung Tâm Hồng Kông.

Cuối cùng cảnh sát phải rút lui nhưng lại có tin đồn Trung Quốc đã mang xe tăng và quân đội vào Hồng Kông và sẽ ra tay đàn áp như đã xẩy ra tại Thiên An Môn năm 1989.


Vài kinh nghiệm từ Thiên An Môn:

Đầu năm 1989, khi đang học Cao Học tại Viện Đại Học Quốc Gia Úc Đại Lợi (Australian National University), tôi có dịp đã tiếp xúc với những sinh viên từ Trung Quốc ra hải ngọai để vận động cuộc biểu tình tại Thiên An Môn, sau đó tôi đã giúp họ rất nhiều trong việc tổ chức biểu tình và ngọai vận nên cũng rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu.

Những người đứng đầu vận động đều thuộc thành phần “con ông cháu cha cộng sản” nên rất tự tin sẽ không bị đảng Cộng sản “tắm máu”. Điều này tôi đã công khai không tin ngay khi họ đưa ra chương trình.

Sau này mới biết chính con của Đại Sứ Trung Quốc tại Úc lúc ấy đã bị chết (mà không lấy được xác) tại Thiên An Môn.

Họ có tổ chức, có sửa sọan, có các thành phần từ Bộ Chính Trị hổ trợ, rất ôn hòa, bất bạo động, biết chinh phục binh lính Trung Quốc…, nhưng vì quá lý tưởng và quá chủ quan nên đã thất bại.


Thành phần lãnh đạo sinh viên có thể cũng đã đánh giá sai sự hỗ trợ của những quốc gia Tây Phương, nên không vận động đúng mức.

Cùng lắm khi Hồng Quân nổ súng thì ông Thủ tướng Úc Bob Hawke lúc bấy giờ chỉ rơi vài giọt nước mắt (khóc) và loan báo Úc sẽ nhận các sinh viên đang học tại Úc và sinh viên đã biểu tình tại Thiên An Môn nếu họ muốn xin tị nạn.

Thời điểm đã khác, hòan cảnh đã khác, địa điểm cũng khác và nhất là những người lãnh đạo đã khác nên xin chia sẻ một số nhận xét trong cuộc vận động lần này.

Nhận xét

Đầu tiên là giới trẻ Hồng Kông có nhận thức về chính trị hiểu rõ quyền lợi và quyền lực của họ khi dấn thân đấu tranh.


Một sinh viên Hồng Kông cho báo chí biết, cô và gia đình rất sợ bị bắn chết như đã xẩy ra tại Thiên An Môn nhưng không phải vì sợ mà cô sẽ phải hy sinh quyền được ứng cử và bầu cử tự do.

Chính vì sự sợ hãi khi cảnh sát tấn công các bạn trẻ đã giương cao và thường xuyên hô vang khẩu hiệu "Họ không thể giết hết chúng ta". Đó là một cách để các bạn duy trì trật tự và quyết tâm đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.


Các bạn trẻ rành công nghệ thông tin và sử dụng thành thạo mạng xã hội như một phương tiện truyền thông chính yếu. Họ biết sử dụng các thiết bị mới nhất nên ngay cả việc cắt mạng hay cúp điện vẫn không bị ảnh hưởng.

Mỗi bạn trẻ đã trở thành một chiến sĩ thông tin cho nhau vì thế mặc dù bị tấn công họ đã chủ động được tình hình cho đến khi cảnh sát phải rút lui.

Mặc dù rất mệt mỏi có người cho biết đã ít ăn ít ngủ cả tuần nhưng tất cả luôn giữ trật tự hàng ngũ.

Dự tính trước cảnh sát sẽ xịt hơi cay và bắn lựu đạn cay các bạn đã sửa sọan áo mưa, đồ che mũi, khăn và nước. Khi cảnh sát bắn nước vào tất cả các bạn đã đồng lọat nằm xuống để tránh và lại ngồi dậy tiếp tục đấu tranh.

Các hình ảnh vừa đẹp vừa khí thế của các bạn đã được truyền đi tòan thế giới.

Thông tin cũng đã nhanh chóng tạo thành nhều cuộc biểu tình nhỏ ở các khu vực khác. Hằng ngàn người phong tỏa một con đường chính băng qua vịnh ở Mongkok, hằng ngàn người biểu tình ở Causeway buộc cảnh sát phải chia lực lượng và cuối cùng phải rút lui.

Về phía cảnh sát Hồng Kông xem ra họ đã phải gượng gạo thi hành lệnh từ Bắc Kinh nhưng rất chuyên môn và không có những cảnh đánh người biểu tình như vẫn xẩy ra ở Việt Nam và Trung Quốc.

Một đặc điểm khác với các cuộc biểu tình tại Việt Nam là thay vì tập trung vào buổi sáng, tại Hồng Kông tập trung vào buổi chiều tối như vậy sẽ có thêm người tham dự sau giờ làm. Nhiều người tham dự biểu tình không khác gì đi thăm khu phố trung ương.

Các hình ảnh về cung cấp lương thực và thức uống cho thấy mặc dù tự phát đòan biểu tình đã sinh họat trong tổ chức và có phân công công việc một cách rõ ràng.

Một hình ảnh khác đáng học hỏi là những người biểu tình luôn thu dọn vệ sinh các khu vực biểu tình và đưa ra trước công chúng nhiều khẩu hiệu xin lỗi đã làm cản trở giao thông hay cản trở công việc giao dịch.

Dù kiên quyết đấu tranh các bạn trẻ không lạc quan quá mức để tin rằng sẽ làm thay đổi quyết định của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Nhưng không phải vì thế mà họ không dấn thân cho nền dân chủ thật sự tại Hồng Kông .

Thế giới đang hướng về các bạn trẻ Hồng Kông

Tại tiểu bang Victoria mấy hôm nay, hằng trăm sinh viên học sinh đã tụ tập trước Thư Viện Thành Phố Melbourne để tỏ lòng ủng hộ tinh thần đấu tranh của người dân Hồng Kông .

Tại Úc châu, ông Võ Trí Dũng chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu cũng vừa đưa ra một Thông Báo Báo Chí:

“Thể chế cộng sản đã lấy đi tự do và dân chủ Việt Nam, vì thế chúng tôi rất đồng cảm với lập trường cương quyết của người Hồng Kông. Người Hồng Kông không thể cho phép nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh cướp đi quyền tự quyết của họ. Vì đó là khởi đầu để họ phải mất đi các quyền khác rồi mất đi tự do.”

Ông cho biết Cộng Đồng kêu gọi thế giới lên tiếng và đứng về phía của người dân Hồng Kông để tránh một cuộc đổ máu như đã xảy ra tại Thiên An Môn.

Ông kêu gọi người Việt ngày 1-10-2014 mặc áo vàng hay thắt nơ vàng để chứng tỏ sự đòan kết ủng hộ người dân và những người biểu tình tại Hồng Kông.

Hai khẩu hiệu khác được sử dụng rộng rãi trong cuộc biểu tình là "Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc" (Down with the Chinese Communist Party!) và "Chúng tôi muốn phổ thông đầu phiếu!" (We want universal suffrage!).

Thứ tư 1-10-2014 đã có hằng trăm ngàn người đổ về khu trung tâm và nếu không đạt được đòi hỏi người dân Hồng Kông sẽ tiếp tục đấu tranh, nền dân chủ Hồng Kông sẽ mãi gắn liền với nền dân chủ tòan thế giới.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne Úc Đại Lợi
Đọc thêm :

Monday, September 29, 2014

Lifestyle


VẾT NỨT CỦA VIÊN KIM CƯƠNG


Một doanh nhân đã mua một viên kim cương khổng lồ ở Nam Phi, kích thước của nó bằng lòng đỏ trứng gà. Người đàn ông rất buồn vì phát hiện ra một vết nứt bên trong viên đá quý này.

Ông ta đưa viên kim cương cho thợ kim hoàn xem với hy vọng được tư vấn sẽ làm gì với cái vết nứt đó. Ông thợ lắc đầu và nói:

- Viên kim cương này có thể chia ra làm 2 phần, và mỗi phần sẽ đắt hơn chính viên to này. Nhưng vấn đề là chỉ cần một nhát đập bất cẩn là ta có thể sẽ làm vỡ viên đá quý kỳ diệu của thiên nhiên, biến nó thành hai cục đá sứt mẻ. Những viên kim cương ta nhận được sẽ rẻ hơn viên to này rất nhiều, và có thể sẽ chẳng có giá trị gì. Tôi sẽ không liều mà nhận làm việc này đâu. Và những người thợ ở các nước khác nhau cũng kể cho ông những điều có thể xảy ra và cũng không dám giúp ông.

Sau đó ông được mọi người giới thiệu một ông thợ có bàn tay vàng ở Amsterdam. Và doanh nhân này ngay lập tức bay đến Amsterdam để tìm người thợ cao tuổi đó.

Ông thợ ngắm nghía viên đá quý qua kính lúp với vẻ mặt thích thú, và bắt đầu cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra. Ngắt lời ông thợ, doanh nhân nói rằng ông đã nghe về câu chuyện này quá nhiều rồi và đã thuộc nó làu làu.

Ông thợ đồng ý giúp và ra giá dịch vụ. Khi ông chủ viên kim cương đồng ý, người thợ gọi cậu học nghề trẻ tuổi đang ngồi ở phía sau chăm chú công việc của mình. Cầm viên kim cương, cậu dùng búa đập một nhát dứt khoát, chia viên đá quý ra làm đôi mà không chút rụt rè, rồi đưa cho ông thợ. Doanh nhân quá đỗi bất ngờ hỏi:

- Cậu bé đó làm chỗ ông lâu chưa?

- Mới có 3 ngày. Nó vẫn chưa biết giá trị của viên đá quý này cho nên tay nó không run và rất dứt khoát.

 Hãy coi tất cả những việc khó khăn trong cuộc sống đều có thể giải quyết được dễ dàng và đừng vẽ cho mình những chướng ngại vật làm bạn không thể vượt qua.

@internet

Sunday, September 28, 2014

Nguyễn Xuân Thu

Hành trình từ trường làng
đến Ðại Học Quốc Tế RMIT Việt Nam
(kỳ 19)

Ban Văn Công Chí Linh gồm khoảng trên 50 người có nhiệm vụ hỗ trợ tinh thần cho cán bộ XDNT tại các tỉnh bằng những chuyến lưu diễn, sinh hoạt thường xuyên với các khóa sinh tại TTHL/VT và thu băng, thu hình cho các chương trình phát thanh và truyền hình của Tổng Bộ Xây Dựng.

Tôi học được rất nhiều từ công việc mới của tôi tại TTHL/VT này. Ðể có đủ kiến thức và kinh nghiệm, tôi đã phải đọc hàng ngàn trang đúc kết từ các cuộc phỏng vấn hay báo cáo của hàng vài chục ngàn khóa sinh đến học tại trung tâm mỗi năm. Ngoài ra, cứ hai tuần một lần tôi đến khảo sát tình hình công tác của CB/XDNT tại một tỉnh. Ðây cũng là dịp tôi học và biết được nhiều kinh nghiệm thực tế về những đau khổ cùng cực và mất mát lớn lao của nhân dân miền Nam trong cuộc chiến kéo dài ngót 20 năm. Những bài viết in trong các tập “Những ý tưởng trên đường xây dựng nông thôn” mang tên Tường Vân Nguyễn Bé là kết quả của những năm tôi tiếp xúc và học được từ những người dân ở tận các vùng xa xôi hẻo lánh của đất nước và từ những người cán bộ áo đen khát khao xây dựng lại xóm làng đổ nát của mình. Ðó chính là máu, nước mắt và cuộc đời khốn cùng của họ.

Trong một chuyên công tác với một người cố vấn Mỹ tên Erich (tôi quên họ của anh) về tỉnh Châu Ðốc vào những ngày cuối năm 1967 (chỉ hai ngày sau là xảy ra biến cố Tết Mậu Thân) chúng tôi thấy được rằng chương trình XDNT khó có thể thành công nếu không có sự hợp tác và hỗ trợ của các cấp chính quyền từ quận, huyện đến xã, ấp. Ðể có được sự tham gia của họ, tôi đã nói cho người cố vấn Mỹ của tôi biết là phải huấn luyện các viên chức hành chính này, đưa họ về học tập tại Rừng Chí Linh (TTHL/VT) như các CB/XDNT.

Sau chuyến công tác ấy, Khối NCPT và Ban Cố Vấn Mỹ phối hợp lập đề án “Huấn luyện cán bộ xã ấp.” Ðúng như chúng tôi suy nghĩ, các cấp có thẩm quyền của Bộ Nội Vụ lúc đầu đã chống đối quyết liệt. Nhưng khi Ðại Sứ Mỹ William Colby, đại diện cho phía Hoa Kỳ, đưa đề án ra với phía Việt Nam, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm lúc ấy đồng ý ngay vì ông biết là ông không có lý do để phản đối. Thế là suốt năm 1968, nhóm xây dựng Ðề AÔn Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia đã làm việc cật lực với các chuyên gia trong Ban Cố Vấn Mỹ và Bộ Nội Vụ để hoàn thành chương trình huấn luyện. Ðến giữa năm 1969, lớp huấn luyện cán bộ quốc gia đầu tiên tốt nghiệp, có Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, các tổng bộ trưởng, đoàn ngoại giao đến tham dự. Erich và tôi ngồi cuối phòng bắt tay tự chúc mừng nhau về sự kiện quan trọng mang tính lịch sử này. Từ đó về sau, trung tâm cán bộ XDNT được đổi thành trung tâm Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia và cán bộ từ các bộ, tỉnh, đến quận, huyện, xã, ấp đều phải đến dự các lớp huấn luyện tại trung tâm Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia này.

Biến cố Tết Mậu Thân 1968 để lộ một lỗ hỏng lớn trong hệ thống an ninh và quốc phòng tại miền Nam. Các bộ phận trong cả phía Mỹ lẫn Việt Nam đã đổ trách nhiệm cho nhau trong việc đã không phát hiện được quân đội chính quy Bắc Việt xâm nhập vào tận thủ đô Sài Gòn và hầu hết các tỉnh lỵ của miền Nam. Các bản báo cáo từ phía Hoa Kỳ cũng cho thấy quốc sách XDNT không thành công vì thiếu sự phối hợp có hiệu quả từ các cấp lãnh đạo cao nhất. Ðây là cơ hội Hoa Kỳ xem xét lại toàn bộ quốc sách chống Cộng tại miền Nam.

Trước sự chống đối mỗi ngày một quyết liệt của dân chúng Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại miền Nam, Tổng Thống Richard Nixon hứa sẽ làm mọi cách để chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam và đưa những người lính Mỹ về lại Hoa Kỳ để không phải chiến đấu và chết trên rừng núi Việt Nam. Ðể thực hiện lời hứa đó, Tổng Thống Nixon đã thay đổi chiến lược tại Việt Nam bằng chính sách Việt Nam hóa cuộc chiến Việt Nam (”Vietnamisation of the Vietnam War”), nghĩa là cuộc chiến tại Việt Nam phải do người Việt Nam đóng vai trò chủ động.

Với chính sách mới, quân đội Hoa Kỳ giúp quân đội Việt Nam Cộng Hòa đánh bại quân đội chính quy của Cộng Sản Bắc Việt trên chiến trường miền Nam và chương trình XDNT phải được cải tổ lại để có thể mang lại an ninh cho 100 phần trăm dân và đất tại miền Nam. Theo đó, Hội Ðồng Bình Ðịnh và Phát Triển Trung Ương được thành hình, trong đó chủ tịch hội đồng là tổng thống (trước đây là thủ tướng), thủ tướng chính phủ làm tổng thư ký (trước đây là tổng trưởng tổng Bộ Xây Dựng), các bộ trưởng trong nội các, tư lệnh các vùng chiến thuật... là các thành viên. Ðứng đầu phía Hoa Kỳ trong Chương trình này là Ðại Sứ William Colby (chức vụ là phó đại sứ nhưng ngạch trong ngành ngoại giao là đại sứ) và thành viên là các vị đứng đầu của các bộ phận Viện Trợ Mỹ (USAID), cơ quan Tình Báo Trung Ương (CIA), cố vấn các vùng chiến thuật. Trung tâm BÐPT/TƯ (Bình Ðịnh và Phát Triển) là văn phòng thường trực của Hội Ðồng BÐPT/TƯ. Tại mỗi vùng chiến thuật có Hội Ðồng BÐPT/Vùng, tỉnh có Hội đồng BÐPT/Tỉnh, Hội Ðồng BÐPT/Quận.


Nguyễn Xuân Thu
@nguoiviet

Saturday, September 27, 2014

TS

Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chếnh choáng!




Tháng Ba năm 1974, hai tháng sau khi Trung Cộng tấn công chiếm quần đảo Hoàng Sa, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đưa một phái đoàn đi thăm một đảo trong quần đảo Trường Sa; chắc để ủy lạo tinh thần các quân nhân đồn trú. Trong số người tham dự chuyến đi có Ðại Úy Ðinh Thành Tiên, lúc đó 36 tuổi.

Ông cũng là thi sĩ nổi danh Tô Thùy Yên từ 20 năm trước, xuất thân từ tạp chí Sáng Tạo.

Khi trở về Tô Thùy Yên viết bài thơ Trường Sa Hành, đăng trên tạp chí Văn, ở Sài Gòn. Trong lúc đó Việt Cộng đang tấn công tỉnh Phước Long, dọn đường cho cuộc tổng tấn công vào năm sau, mặc dù đã ký hiệp định đình chiến ở Paris. Trong không khí chiến tranh bùng trở lại, viện trợ của đồng minh bị cắt đứt, người dân miền Nam ngơ ngác, không ai có thời giờ nghĩ tới Trường Sa, những hòn đảo lẻ loi giữa trùng dương xa tắp. Bài Trường Sa Hành chìm vào đáy sâu kho trí nhớ của những người yêu thơ, yêu tiếng Việt.

Năm 1975, Thiếu Tá Ðinh Thành Tiên bị đưa vào tù sống 13 năm, cho đến khi được tự do ông viết bài Ta Về, một áng văn chương rực rỡ trong ngôn ngữ Việt.

Cho đến mấy năm gần đây, người Việt tìm lục trong ký vãng thấy lại bài thơ Trường Sa Hành, và chuyền tay nhau đọc, tới tấp gửi cho nhau trên các mạng lưới. Vì Trường Sa đã là một đề tài thời sự. Nhiều nhà văn sống ở miền Bắc trước đây không biết đến Tô Thùy Yên, giờ cũng đọc và nhắc tới bài thơ khi nói về nỗi uất hận của dân tộc trước cảnh Trung Cộng đánh chiếm nhiều đảo ở Trường Sa năm 1988, và đang tính nuốt hết cả quần đảo. Trong một bài thơ viết thời còn trẻ đăng trên Sáng Tạo, Tô Thùy Yên tự giới thiệu, “... là thi sĩ, là người viết sử tương lai.” Câu thơ nay đã nghiệm. Trường Sa Hành viết năm 1974, sau 30 năm bài thơ đang xuất hiện trở lại trong lịch sử dân tộc để chúng ta đọc và hướng đến tương lai.

Trường Sa Hành mở đầu bằng câu dẫn làm tựa đề trên đây. Thi sĩ viết:

Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

Ðọc một câu “Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chếnh choáng!” chúng ta đã thấy, Trường Sa Hành không phải là một tiếng trống thúc quân, không viết để tuyên truyền cho bất cứ một chính quyền một chủ nghĩa hay một cuộc chiến đấu nào. Tất cả chỉ là những xúc động của người thi sĩ khi đặt chân lên một hòn đảo rất xa nhưng vẫn thuộc về đất nước mình, chia sẻ nỗi lòng những người “lính thú” đóng trên đảo. Tô Thùy Yên là một con người tự do sáng tác theo cảm xúc cá nhân dù ông là một sĩ quan trong quân đội. Các thi sĩ trong Quân đội Cộng Hòa không viết theo kế hoạch, theo chính sách hay chỉ thị của cấp trên, không ai chấp nhận thân phận “bồi bút.” Phan Nhật Nam viết “Dấu Binh Lửa,” hay Tô Thùy Yên viết “Chiều trên Phá Tam Giang” đều do những xúc động tự trong lòng thúc đẩy. Trong vùng đất coi tự do là một lý tưởng xứng đáng cho cuộc sống, không có thi sĩ nào viết như câu vè cổ động giết đồng bào, như:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin...bất diệt.”

Trái lại, người cựu thiếu tá Việt Nam Cộng Hòa, sau 13 năm tù đầy biệt xứ, vẫn còn đủ tấm lòng thương cảm với những người lính bên kia đã chết trong cuộc chiến:
“Ta địch bạn thù chung bia mộ,
Chung lời thương tiếc tiễn đưa nhau...”

Chỉ có những con người tự do mới có cơ hội cho lòng từ bi được nảy nở và sẵn sàng bày tỏ. Nhà giáo Nguyễn Anh Khiêm có dịp kể rằng: Một lần tôi hỏi Tô Thùy Yên vì sao “Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề,” ông giải thích rằng đứng trên đài chỉ huy chiến hạm thấy sóng vây quanh đảo như vành khăn tang. Một người đi du lịch có khi thích thú thấy cảnh đó vô cùng ngoạn mục nhưng ở đây, thi sĩ nhìn theo tâm cảnh u sầu, chưa nguôi ngoai về cái chết oanh liệt nhưng không thể nói không bi thảm của bao thanh niên ưu tú con yêu dân tộc bỏ mình khi bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng,” trong trận hải chiến Hoàng Sa trước đó.

Ở thời điểm đó, Trung Cộng có thể tiến chiếm Trường Sa bất cứ lúc nào. Có thể những người “lính thú này sẽ nối gót Ngụy Văn Thà mới vừa tử thủ ở Hoàng Sa, hay theo chân những người lính vô danh trong lịch sử dân tộc.

Nhưng khi đã lênh đênh lần đầu trên mặt biển suốt mấy ngày đêm, khi bước chân lên mặt đất, cũng giống các thuyền nhân vượt biển tìm tự do sau này, những ngày sau mỗi lần nằm xuống ngủ còn mang theo cảm giác “Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi”; thì một thi sĩ đã vượt lên trên thân phận nhỏ nhoi của kiếp người, để tiếp xúc với cả vũ trụ. Trước vũ trụ không cùng, xúc động đầu tiên là một nỗi Hiu Quạnh Lớn.
Mùa Ðông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ

Nỗi Hiu Quạnh Lớn trùm lên cả 16 đoạn thơ, được diễn tả dưới nhiều hình ảnh gió miên man, gió ngất trời, xa đến nhớ không tới, gió xoay chiều, gió khốc liệt, gió ngất trùng điệp, cây bật gốc chờ tan xác, chim đen thảng thốt quần, đất trời kinh động, khỏng cách đặc. Tô Thùy Yên luôn xao xuyến trước vũ trụ bao la im lặng, vô biên, vượt trên khả năng hiểu biết của loài người “Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi.”

Trong bài “Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ” ông lại viết:
Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn,
Mà trí ta không đủ lực đo lường.
Tô Thùy Yên có thể, thay hai câu của thi sĩ người Pháp Saint John Perse ở đầu bài thơ mà ghi hai câu thơ Cao Bá Quát: “Lôi oanh điện bác thảm nhân diện - Duy hữu điểm điểm phù khinh âu.” Cao Chu Thần đứng trước biển cả mênh mông cũng cảm thấy một nỗi Hiu Quạnh Lớn như các thi sĩ khac, trong hai câu thơ chỉ thấy sấm, chớp chiếu lên mặt người thê thảm, và trên không mấy con chim hải âu vỗ cánh. Tâm trạng Tô Thùy Yên cũng như vậy.

Trước đất trời bao la, hung hãn, “coi vạn vật như chó rơm,” thi sĩ nhìn lại “dưới hồn ta tịch mịch” thì phải thấy không thể nào diễn tả bằng lời nói những xúc động của mình. Ông có thể nghĩ về cái tang những chiến sĩ đồng đội đã hy sinh ở Hoàng Sa trước đó, hay cảnh sống heo hút của những “Lính thú mươi người lạ sóng nước” cô lập trên một hòn đảo ở Trường Sa. Vì trời mây, biển cả đã nói hết cả nỗi niềm tang chế rồi:
Sóng thiên cổ khóc biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.

Tô Thùy Yên chia sẻ với những đồng ngũ ở Trường Sa bằng những bài hát, những chén rượu mang từ đất liền tới:
Chú em hãy hát, hát thật lớn,
Những điệu vui, bất kể điệu nào,
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ,
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.

Tâm sự những người lính tiền đồn này được thi sĩ diễn tả với khoảng cách giữa quần đảo Trường Sa và đất liền, liên lạc với nhau bằng làn sóng điện không đáng tin cậy:
Ðất liền, ta gọi, nghe ta không?
Ðập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn

Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, không biết số phận những người lính giữ đảo đó ra sao. Họ có được coi là những chiến sĩ đang bảo vệ tổ quốc hay không? Khi quân Trung Cộng đánh chiếm mấy đảo Trường Sa năm 1988, bao nhiêu thanh niên Việt Nam khác bị hy sinh mà không được ai nhắc tới, cho đến năm nay mới có người Việt Nam làm lễ tưởng niệm “chui.” Nhưng đối với thi sĩ, những chiến sĩ Việt Nam, dù thuộc chế độ chính trị nào, cũng đã được tưởng niệm:

Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.

Ðài tưởng niệm bất diệt nằm trong lòng dân Việt mãi mãi: Bài thơ Trường Sa Hành.

Ngô Nhân Dụng

Friday, September 26, 2014

XL

Xe lam


Xe lam bắt nguồn từ tên gọi của dòng sản phẩm Lambretta của Italia, là một phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Việt Nam từ rất lâu, dành cho người lao động bình dân.
Đây là một loại xe khách hay xe chở hàng có cấu trúc tương tự như xe tuktuk , hiện vẫn là phương tiện giao thông phổ biến tại một số nước trên thế giới như Sudan, Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan...
Xe lam là loại xe thùng nhỏ có 3 bánh xe, gồm một cabin cho tài xế ngồi lái phía trước và một thùng xe để chở khách hay chở hàng phía sau. Tên gọi này có nguồn gốc từ các dòng xe 3 bánh Lambretta FD (dung tích xy lanh 123 và 150 cc), FLI (175 cc) và sau đó là Lambro 200, 550 (đều 198 cc) của hãng Innocenti, Italy. Các dòng xe này lần lượt được nhập vào miền Nam Việt Nam từ đầu thập niên 1960 để thay thế xe ngựa thồ vẫn còn được lưu hành vào khoảng thời gian đó.
Các xe này được nhập ở dạng không đóng thùng, và tuỳ công năng chở người hay chở hàng sẽ được đóng thùng sau khi nhập. Bên cạnh đó, một số xe có kiểu dáng tương tự nhưng của các hãng khác (như Vespa...), ít gặp hơn, cũng được gọi là xe lam. Trong số gần 35.000 chiếc Lambro 550 xuất xưởng thì có 17.000 chiếc được xuất sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Giá một chiếc xe lam vào thập niên 60 khoảng 30 cây vàng nhưng đem lại nhiều lợi nhuận cho người chủ xe (theo lời 1 chủ xe: "Chạy một ngày, ăn cả tháng chưa hết"). Đặc biệt, sau năm 1975, các phương tiện cơ giới khác bị thiếu xăng hoặc thiếu phụ tùng thay thế không sử dụng được, thì xe lam được dùng làm phương tiện phổ biến rẻ tiền và bước vào thời vàng son.

Lúc đó, chỉ riêng thị xã Biên Hòa, có 6 hợp tác xã xe lam với khoảng 1.000 đầu xe đăng ký chở khách chính thức, với hàng triệu lượt khách mỗi năm, vì vậy mà có thời Biên Hòa được ví như là "thủ phủ xe lam". Sau này, xe được đem ra và phổ biến cả ở miền Bắc Việt Nam, cho đến thế kỷ 21.
Tại Việt Nam, từ năm 2004, sau khi Nghị định 23/2004/NĐ-CP ban hành (Nghị định quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại ô tô tải và ô tô chở người tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ), xe lam bị hạn chế và từ từ bị cấm hẳn. Xe lam cũng được nói đến trong âm nhạc, như bài Chuyến xe lam chiều của Vinh Sử, có câu:

... Trên chuyến xe lam đông người chiều nay
Nghe từng cô đơn nỗi niềm chua cay
Còn đâu một chuyến xe lam
Ngày nao mộng ước vô vàn
Nay kỷ niệm em một mình mang


Theo VOVGT/Autone
@internet

Thursday, September 25, 2014

VNCH

THVN9 –
 Hình ảnh thuở ban sơ của truyền hình Việt Nam


Kênh truyền hình quốc gia của Việt Nam Cộng hòa có tên chính thức là Đài Truyền hình Việt Nam (Vietnam Television Studio), do phát sóng trên băng tần số 9 nên thường được gọi tắt là THVN9, tuy thành lập vào năm 1965 nhưng vào lúc 19 giờ ngày 7 tháng 2 năm 1966 mới diễn ra buổi phát hình đầu tiên. Cùng với AFVN (Armed Forces Vietnam Network), đây là một trong hai kênh truyền hình quan trọng nhất tại miền Nam Việt Nam và hàng đầu tại Á châu. Sau khi chính thể Việt Nam Cộng hòa cáo chung (30 tháng 4 năm 1975), THVN9 được đổi tên thành Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng và nay là Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Dưới đây, mời quý độc giả sống lại thuở ban sơ của hãng truyền thông này !
THVN9
Đài hiệu : “Tiếng gọi Công Dân“. Lời giới thiệu : “Đây là Đài Truyền hình Việt Nam, phát hình trên băng tần số 9, xin kính chào quý vị !“.
1966 TV Guide Article ~ Television Sets in VIETNAM ~ SAIGON'S OWN TV NETWORK
Trong suốt thời gian tồn tại (1966 – 1975), đài THVN9 phát sóng trung bình 6 tiếng/ngày và chỉ gia tăng thời lượng vào dịp lễ Tết – đây là con số kỷ lục tại các nước Á châu đương thời, khi mà ngành truyền hình còn rất sơ khai. Bức ảnh được chụp tại một khu phố người Hoa năm 1966.
The Vietnamese Government has provided a TV set in the Saigon Market Place, so that the local populace may watch the nightly RVN TV broadcasts. 23 Jan 1967
The Vietnamese government has provided a TV set in the Saigon Market place, so that the local populace may watch the nightly RVN TV broadcasts. 23 Jan 1967
The Vietnamese Government has provided a TV set along the waterfront, which receives the nightly broadcast from RVN TV studio. Local crowds come on foot, and by vehicle to watch the news and drama that is aired nightly. 23 Jan 1967
The Vietnamese government has provided a TV set along the waterfront, which receives the nightly broadcast from RVN TV studio. Local crowds come on foot, and by vehicle to watch the news and drama that is aired nightly. 23 Jan 1967, b
Ngay từ thập niên 1960, mặc dù việc sở hữu máy thu hình đối với mỗi người dân miền Nam không quá khó nhưng nhiều địa điểm công cộng thường lắp đặt máy thu hình để khách vãng lai theo dõi. Bức ảnh được chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967 tại nhiều nơi trong nội đô Sài Gòn.
Mr. Hoang Thai, Chief of the RVN TV Studio, checks out an AMPEX 1100 Video Tape Recorder prior to the taping of the upcoming newscast. 23 Jan 1967
Ông Hoàng Thái – Giám đốc Đài THVN9. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967.
Vietnamese Audio-Video engineers, supervised by an Air Force technician, monitor the nightly telecast from the transmitter building in Saigon. 23 Jan 1967
Vietnamese Audio-Video engineers, supervised by an Air Force technician, monitor the nightly telecast from the transmitter building in Saigon. 23 Jan 1967 b
The RVN TV Audio Operator, Video Director, and the newscast director, tape a newscast for later telecasting. 23 Jan 1967
TSgt Robert C. Gassert, (Denver, Colorado), the American TV engineer advisor, for the RVN TV Station supervises a Vietnamese technician in the correct operation of an Ampex Video Tape Recorder. 23 Jan 1967
An Audio-Video engineer check the AMPEX Video-tape recorder, in the RVN TV studio, as the nightly newscast comes to an end. 23 Jan 1967
A TV camera advisor, RVN TV Station, assists a Vietnamese cameraman in correct camera procedure in the main studio. 23 Jan 1967
A film librarian checks her log for an educational film, needed for an RVN TV broadcast. This library contains thousands of films in all categories. 23 Jan 1967
An operator uses a 35mm Sound Moviola, as she checks a new issue of film from the processing lab, to be reduced to 16mm, then Video Taped at the RVN TV studio. 23 Jan 1967
Các kỹ thuật viên tất bật chuẩn bị cho giờ lên sóng. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967.
Miss Hoang Thi Le Hop, one of the top television newscaster announcers in the RVN TV industry, checks over her notes moments before going on the camera. 23 Jan 1967
Cô Hoàng Thị Lệ Hợp tự kiểm tra băng thâu hình trước khi lên sóng. Cô được đánh giá là một trong những xướng ngôn viên hàng đầu tại Việt Nam Cộng hòa. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967.
SFC Wyndham P. Duncan, (Baltimore, Maryland), a TV production specialist, for the RVN TV Station, adjusts an overhead boom microphone as local Vietnamese male and female actors, dressed in their native costumes, relax on the set, before the show proce
Chuyên gia sản xuất chương trình truyền hình người Mỹ Wyndham P. Duncan (cố vấn kỹ thuật của THVN9) đang điều chỉnh chiếc microphone trên cao trước khi thâu hình một tiết mục cải lương, người bên phải là nữ tài tử Bích Thuận. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967.
Two female newscaster-announcers stand by in the studio of the RVN TV, as the cameraman makes a final check before the taping of the daily news show. 23 Jan 1967
Hai nữ xướng ngôn viên trong trạng thái sẵn sàng để thâu hình bản tin thường nhật. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967.
Photo chief, news writer, and secretary, of the RVN TV station, check on their respective assignments in the news rooms. 23 Jan 1967
Ban biên tập kiểm tra nội dung chương trình trước khi lên sóng. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967.
Mr. Le Hoang Hoa, Program director, and Production Manager of RVN TV, spends many hours doing multiple jobs behind this desk, while his secretary awaits an assignment. 23 Jan 1967
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa (1933 – 2012) đảm nhiệm vai trò Giám đốc sản xuất của Đài THVN9. Do đặc thù công việc, ông tiêu tốn hầu hết thời gian tại chiếc bàn này.
A darkroom technician operates a modern Houston Peerless 35mm film processor as a new batch of film emerges ready for the editing section. 10 July 1967
Ảnh chụp một kỹ thuật viên ngày 10 tháng 7 năm 1967.
Ban hợp ca Hoàng Thi Thơ
Trong thời gian tồn tại, đài THVN9 chỉ phát hình trắng đen, các bản tin và chương trình giải trí được phân bố rất đều nhưng chỉ có tiết mục giải trí được khán giả hoan nghênh nhất. Mỗi nghệ sĩ hoặc nhóm nghệ sĩ tự đăng ký với đài để đảm nhận tiết mục riêng và xây dựng ra sao tùy ý muốn, thường là ca nhạc và hài kịch. Ảnh chụp ban hợp ca của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trong chương trình do ông phụ trách.
Yêu người say 1970
Cảnh trong vở cải lương “Yêu người say“, thâu hình năm 1970. Trong ảnh là Hùng Cường và Bạch Tuyết.
Trên đỉnh mùa đông 1972
Mộng Thường
Với hai bộ phim “Trên đỉnh mùa đông” (1972) và “Mộng Thường” (1974), nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (1942 – 2005) có lẽ là người tiên phong cho dòng phim truyền hình Việt Nam.
Color filming units of THVN broadcasting a National Armed Forces Day parade, Saigon, June 16, 1971
Máy quay của THVN9 (bìa trái) xuất hiện tại lễ diễn hành của đoàn nữ quân nhân, ngày 16 tháng 6 năm 1971.
SAIGON 1967 - Đài Truyền hình AFVN của QĐ Mỹ và Đài Truyền hình VNCH khi đang xây dựng
Đài THSG - 1960s'
THVN9 a2
THVN9 a3
THVN9 a4