"Chiến Lược" Của Tổng Thống Barack Obama
Thứ Năm 11 này, khi sáu nguyên thủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization) họp thượng đỉnh tại thủ đô Dushanbe của xứ Tajikistan, họ đã biết về chiến lược của Tổng thống Hoa Kỳ nhằm đối phó với tổ chức xưng danh "Nhà nước Hồi giáo" IS. Và bật cười.
Do sáng kiến của Bắc Kinh và Moscow, tổ chức "Thượng Hải Ngũ Quốc" Shanghai Five thành hình từ năm 1996 (Uzbekistan chỉ gia nhập năm 2001 và tổ chức đổi tên từ đấy) với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc, Liên bang Nga và các nước Hồi giáo ở giữa để ổn định Trung Á khỏi mối nguy khủng bố Hồi giáo và buôn lậu ma túy. Mục tiêu thật chính là để ngăn ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, cho nên việc hợp tác mở ra lãnh vực quân sự và tình báo.
Ngày nay, từ Đông sang Tây, Bắc Kinh đã gây vấn đề tại Đông Á, còn Moscow tấn công Ukraine và đưa Âu Châu vào khủng hoảng. Trong khi Hoa Kỳ đi tìm chiến lược chống tổ chức khủng bố xưng tên là Đế quốc Hồi giáo, một "Caliphate" duy nhất của đạo Hồi trên thế giới....
Từ đầu năm nay, Hoa Kỳ bị chấn động liên tục bên trong, mỗi tuần lại có một vụ khủng hoảng hay tai tiếng. Khi ấy, Obama cố tình đánh giá sai mối nguy của tổ chức cứ đổi tên theo đà bành trướng từ Syria qua Iraq (ông so sánh với một đội bóng rổ tay mơ là "junior varsity team").
Nay Tổng thống tay mơ đành thông báo với quốc dân rằng đang đi tìm một chiến lược, nhưng cũng báo trước bài diễn văn hôm Thứ Tư mùng 10 về chiến lược đó là sẽ không đổ quân vào trận địa, v.v....
Trong tập thể giương cờ Thánh chiến Jihad để đòi lãnh đạo cả thế giới Hồi giáo bằng phương pháp khủng bố, tổ chức IS đã tiến bước đầu, với một "vùng giải phóng", hệ thống kinh tài kiếm ra bạc tỷ và với thành tích chặt đầu hai nhà báo Mỹ trước ống kính. Nhưng, khi lãnh tụ Abu Bakr al-Baghdadi tự lên ngôi Thánh đế, một Hoàng đế Thánh thần nối tiếp sự nghiệp của đấng Tiên tri Mohammed, anh ta lập tức mở ra cuộc đua với các lực lượng Thánh chiến khác. Từ đủ loại al-Qaeda, Boko Haram tới Hezbollah, Hamas hay Huynh đệ Hồi giáo Muslim Brotherhood, v.v....
Nơi nơi sẽ có các tiểu vương quốc hay vương quốc "xuất hiện" để chiêu mộ đặc công, quyên góp tiền bạc - và choảng nhau dữ dội. Đằng sau là tác động của các chế độ Hồi giáo, thuộc hệ phái này hay hệ phái kia, thuộc các sắc tộc Á Rập, Ba Tư, hay Thổ, tại Syria, Iraq, Iran, Egypt, Saudi Arabia, Jordan, Kuweit, Turkey, v.v...
Tức là nội chiến trong thế giới Hồi giáo sẽ kéo dài nhiều thập niên. Và chỉ vài tháng nữa thôi, Thánh đế al-Baghdadi sẽ mất trớn và bị khựng tại Iraq. Khi đó, ông Obama có thể tự tuyên dương công trạng. Miễn là đừng có người Mỹ nào khác lại bị chặt đầu khiến dân Mỹ nổi đóa và đòi xuất quân.
Thật ra, từ nay đến đó, Hoa Kỳ vẫn cần một chiến lược có độ mở toàn cầu, chứ không thể khoanh gọn vào một vấn đề IS, ISIS hay ISIL....
***
Trước tiên, quyền lợi và an ninh của Hoa Kỳ không thu hẹp vào vùng Trung Đông, có dầu hay không, mà còn liên quan tới Iran, Turkey, tới Âu Châu và các nước Đông Âu trải dọc từ biển Baltic đến Hắc hải, tới Liên bang Nga, Minh ước NATO và các khu vực Trung Á, Nam Á. Và tới Trung Quốc, cùng các quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc hay Đông Nam Á....Khi liệt kê các điểm nóng kể trên, ta có thể thấy là một quốc gia, đồng minh hay đối thủ, đều liên quan đến nhiều chứ không phải chỉ một vấn đề mà nước Mỹ cần giải quyết.
Một thí dụ rất thời sự là Minh ước NATO - sau Thượng đỉnh tuần qua tại nước Anh.
Mục tiêu và khả năng của NATO trong tương lai sẽ phải là gì? Để đối phó với những mối nguy nào về an ninh? Có nên lập thêm một tiền trạm của NATO trên vùng biển Baltic tại Estonia không? Để chặn cửa Liên bang Nga, có nên cho Ukraine gia nhập hoặc ít ra có một quy chế phòng thủ đặc biệt với NATO hay chăng? Nếu muốn vậy, làm sao thuyết phục hai nước cứng đầu và không đồng ý là Đức và Pháp?
Tại khu vực chiến lược là Hắc hải Black Sea, một thành viên của NATO là Turkey có vị trí trọng yếu trong cuộc chiến chống Đế quốc Hồi giáo IS nhưng lại yểm trợ lực lượng khủng bố Hamas. Hoa Kỳ sẽ có chiến lược gì với loại đồng minh quái đản ấy?
Và sau khi sát cánh với Hoa Kỳ tại chiến trường Afghanistan từ năm 2001, 28 thành viên của NATO có nên tham gia trận chiến chống Đế quốc Hồi giáo IS như Tổng thống Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đã kêu gọi hay không?
Vì trái đất này hình tròn - khái niệm "trái đất phẳng" là phát minh của Thomas Friedman, một trí thức ngủ mơ của Mỹ - từ Tây Âu mà đi mãi về hướng Đông, qua Liên bang Nga là Hoa Kỳ gặp Trung Quốc, một bạn hàng của nước Mỹ mà là đồng minh của Nga để liên thủ chống Mỹ. Ba năm sau khi đòi xoay trục để tái cân bằng quan hệ tại Đông Á, Hoa Kỳ cần chiến lược gì trong khu vực này, khi chiến đấu cơ của Nga đã tái xuất hiện trước hệ thống phòng thủ của Nhật Bản?
Trong khu vực trọng yếu đó, hai đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ là Nam Hàn và Nhật Bản lại có những mâu thuẫn từ lịch sử và không đánh gíá mối nguy Trung Quốc như nhau. Dù cần đến sự bảo vệ của Hoa Kỳ, 10 quốc gia của Hiệp hội ASEAN tại Đông Nam Á cũng thế. Họ có quan hệ khá co giãn với Bắc Kinh vì muốn bắt cá hai ba tay. Chưa kể Hà Nội đang ứ hự trong đê mê trên chăn gối thêu 16 chữ vàng khi bị Trung Quốc bức hiếp....
Làm sao thuyết phục các nước cùng hợp tác cho một chiến lược chung trước đà bành trướng của Bắc Kinh? Vì sao không tiến tời sự hình thành của một Minh ước NATO tại Đông Nam Á? Tại sao không trở lại sáng kiến SEATO bị dang dở và lãng quên? Hãy cứ thử nêu đề nghị, xem Bắc Kinh phản ứng thế nào?
***
Trong một thế giới quá nhiễu nhương, các quốc gia thường nghĩ
đến quyền lợi riêng tư đến khi có chuyện mới lại yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp. Mọi
người đều có thể nghĩ như vậy, nhưng có khi lại lầm về tương quan nhân quả.Cái
gì là nhân và cái gì là quả?
Biết đâu chừng, thế giới nảy trở thành nhiễu nhương hơn, với các vụ khủng hoảng lan rộng từ nhiều năm nay, chính là vì Hoa Kỳ mệt mỏi và không còn muốn lãnh đạo? Hoặc, như Tổng thống Obama thường nói, vì muốn lãnh đạo từ đằng sau. Cho nên mới lẽo đẽo chạy sau thời sự và trở thành thụ động thay vì chủ động.
Hãy nói đến sự chủ động: truyện tiếu lâm của con trẻ có kể rằng hai người điên thách nhau leo lên một luồng ánh sáng từ một ngọn đèn pha cực mạnh. Anh sáng nhất đã khôn ngoan từ chối: "Dại gì? Tớ leo lên đó mà đằng ấy tắt đèn thì tớ ngã như cục gạch!" Người đó rất có hy vọng ngồi vào ghế của Obama để nói về chiến lược chống IS.
Biết đâu chừng, thế giới nảy trở thành nhiễu nhương hơn, với các vụ khủng hoảng lan rộng từ nhiều năm nay, chính là vì Hoa Kỳ mệt mỏi và không còn muốn lãnh đạo? Hoặc, như Tổng thống Obama thường nói, vì muốn lãnh đạo từ đằng sau. Cho nên mới lẽo đẽo chạy sau thời sự và trở thành thụ động thay vì chủ động.
Hãy nói đến sự chủ động: truyện tiếu lâm của con trẻ có kể rằng hai người điên thách nhau leo lên một luồng ánh sáng từ một ngọn đèn pha cực mạnh. Anh sáng nhất đã khôn ngoan từ chối: "Dại gì? Tớ leo lên đó mà đằng ấy tắt đèn thì tớ ngã như cục gạch!" Người đó rất có hy vọng ngồi vào ghế của Obama để nói về chiến lược chống IS.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa